Thứ Ba, tháng 7 31, 2012

Ngợi Ca Tự Do

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120730
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thế Vận Hội và tương quan lực lượng

* Dân biểu tình tại Khải Đông trong tỉnh Giang Tô 
lật đổ xe cảnh sát hôm Thứ Bảy 28 - Ảnh Kyodo *



Trước khi Thế vận XXX khai mạc tại thủ đô Anh quốc và không hổ danh một đại diện cho đảng Cộng Hoà, nguyên Thống đốc Mitt Romney đã thể hiện truyền thống của đảng là... rút súng tự bắn vào chân! Hoặc nói cho hiền hòa hơn, tự vả vào miệng.

Đã từng tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2002 tại Utah, ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng Hoà hiển nhiên biết rõ sự khó khăn của việc tổ chức. Nhưng thay vì nhấn mạnh đến nỗ lực tích cực của Ủy ban Thế vận Anh quốc trong bối cảnh suy trầm kinh tế, ông mau mắn dạy dỗ nước Anh về việc bảo vệ an ninh Thế vận và nhắc tới khiếm khuyết. Kết quả là nhục mạ quốc gia đang chào đón ông trong vòng tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ.

Ban tham mưu tranh cử của Romney không làm đúng việc. Phải chi họ dành dăm ba phút suy nghĩ về một việc phù du mà cần thiết cho các chính khách:

Vì sao lực sĩ đoạt huy chương vàng lại rưng rưng nước mắt khi quốc thiều trổi lên cùng lá quốc kỳ của mình? Vì sao khán giả trong vận động trường hay trước màn ảnh truyền hình ở nơi khác lại hò la cổ võ lực sĩ của quốc gia mình? Với người Việt ta, loại câu hỏi đó cũng thể hiện qua sự việc là mình ta hơi buồn khi nhìn đến phái đoàn Việt Nam và chú ý đến các lực sĩ gốc Việt trong phái đoàn Mỹ và Đức....

Vì sao như vậy? Vì tâm lý liên đới của những người cùng sinh sống trong một cộng đồng quốc gia? Vì lòng yêu nước hay vì tự ái dân tộc? Khi hữu sự, những động lực mơ hồ ấy thật ra lại có sức mạnh dời sông lấp biển.

Ông Romney quên bẵng chuyện này và xúc phạm tự ái của người Anh. Từ một đế quốc suy tàn sau mấy thế kỷ thấy lá quốc kỳ không hề lặn trên mặt địa cầu, người Anh muốn nhân Thế vận London khẳng định bản sắc của mình. Nhất là khi đã thấy Trung Quốc phô trương thanh thế tại Thế vận Bắc Kinh năm 2008. Thế rồi trước khi mở màn thì lại bị một ông đồng minh xối cho lon nước lạnh!

Chuyện ấy dẫn ta trở về một tiêu chuẩn phù phiếm có thể đo lường sức mạnh của quốc gia: số huy chương đoạt được tại Thế vận hội. Càng nhiều vàng thì càng mạnh.

Chỉ có tại Hoa Kỳ, nhật báo The Wall Street Journal cất công nghiên cứu và phỏng vấn các chuyên gia để trong một bài tổng hợp rất dài dự đoán số huy chương mà phái đoàn Mỹ sẽ đoạt tại London: như số anh hùng Lương Sơn Bạc, 108 cái! Trong đó có 40 huy chương vàng. Còn Trung Quốc? Sau thành tích hoành tráng lần trước, năm nay phái đoàn Trung Quốc có thể tụt xuống hạng nhì với 92 huy chương, gồm 38 lóng lánh màu vàng.

Đây chỉ là một dự đoán, và dù có cơ sở rất khoa học về những tiêu chuẩn - kể cả thành tích đã qua của từng lực sĩ ưu tú cho mỗi quốc gia - thì bảng điểm này vẫn có thể trật lấc. Nhưng chính các tiêu chuẩn ấy mới khiến ta chú ý đến sự khác biệt giữa hai nước dẫn đầu về kinh tế lẫn huy chương.

Đó là số tiền mà mỗi bên đầu tư vào việc tuyển chọn, huấn luyện hay thi đấu? Không!

Khác biệt chính là tính chất tự do và tự phát của Hoa Kỳ, khởi đi từ phân khoa thể thao trong các trường học cho đến việc tuyển lọc và tập dượt ở từng địa phương. Hoàn toàn tư nhân, của xã hội dân sự. Phía Trung Quốc thì đấy là sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của hơn một tỷ 300 triệu người. Nhưng do nhà nước gom thành một mũi nhọn.

Chìm sâu bên dưới có một hiện tượng xã hội rất lạ: trong 20 năm qua, số trường học về thể thao tại Trung Quốc giảm mất 40% vì người dân Hoa lục nhìn thấy nhiều ngả tiến thân khác hơn là trở thành lực sĩ. Riêng người viết còn nhìn thấy một hiện tượng nhỏ nhoi khác. Ngày đầu tiên, con kình ngư Michael Phelps mất ngay huy chương vàng, nhưng tấm huy chương cao quý ấy vào tay một lực sĩ khác của Mỹ, Ryan Lochte. Tại Hoa Kỳ, chẳng ai có thể mãi mãi ngự trên đỉnh và thay bậc đổi ngôi là một quy luật.

Sự linh động và sinh động của một xã hội tự do đã tạo ra sức mạnh Hoa Kỳ.

Câu chuyện ấy dẫn ta về một vấn đề thời sự. Trong cuộc tranh đua về quyền lợi quốc gia, cụ thể là thế và lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, những yếu tố nào mới là sức mạnh? Tài nguyên, nhân lực, khả năng tổ chức, tinh thần quốc dân, hay ý chí lãnh đạo? Câu hỏi ấy dẫn tới một mâu thuẫn, một nghịch lý, chưa được vận dụng.

Hơn một tỷ người dân Trung Hoa hiển nhiên là có niềm tự hào dù mơ hồ về văn hoá lịch sử của họ. Y như trong trò chơi Thế vận – It's just a game! – lãnh đạo Bắc Kinh đã khéo khai thác niềm tự hào thành sức mạnh tổng hợp. Một sức mạnh do đảng Cộng sản Trung Hoa là đại biểu chân chính – và toàn quyền sai khiến.

Nhưng trong khối dân đông đảo ấy, cả trăm triệu người đã và đang tranh đấu và thậm chí hy sinh vì những yếu tố mà nhiều người Mỹ lại coi thường: chống lại cường quyền, sự nghèo đói, bất công, bệnh tật hay chinh chiến. Nhiều người Mỹ coi thường các yếu tố đã trở thành hiển nhiên trong cuộc sống thường nhật của họ nên ít chú ý đến nỗi khát khao của dân Trung Quốc.

Ngoài tự ái dân tộc, một điểm rất chung của mọi quốc gia như ta có thấy trong Thế vận hội, đa số người dân Trung Quốc ngày nay cũng hiểu ra sức mạnh giải phóng của kinh tế thị trường. Kinh tế tự do mở ra chân trời tự do cho chính họ và có làm xã hội thay đổi. Nhưng quyền tự do đó xuất phát từ sự tính toán của lãnh đạo nên tất nhiên là phải có giới hạn.

Tại Hoa Kỳ, quyền tự do này là bản chất của xã hội, quốc gia, của từng người dân và vì vậy nó thường gây mâu thuẫn với nhà nước. Chúng ta sẽ sai lầm nếu coi mâu thuẫn này là nhược điểm của nước Mỹ. Càng sai lầm hơn khi đánh giá thấp những mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc.

Một nhà nước mà không có khả năng thay đổi thì khó có khả năng tồn tại.

Hoa Kỳ thường xuyên thay đổi. Cứ hai năm một lần là nhà nước ở mọi cấp lại được người dân xét lại khả năng qua lá phiếu trong nhiễu âm cãi cọ của bầu cử. Tại Trung Quốc, mọi sự đều có vẻ lầm lỳ khốc liệt. Cứ hai Đại hội đảng, 10 năm một lần, người ta mới thấy một chút hy vọng thay đổi. Hoặc chẳng được thấy mà chỉ suy đoán qua những đòn phép chính trị, pháp lý hay hình sự từ trên rỉ xuống.

Nếu không nhìn ra khác biệt này, Hoa Kỳ - và cả chúng ta nữa – sẽ quên một yếu tố vận động hay vận dụng.

Người dân Trung Quốc hãnh diện về phi thuyền Thần Châu, vệ tinh Phong Vân hay mẫu hạm Thi Lang, chuyện ấy rất chính đáng nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thì người ta dễ gom tỷ người thành một. Vào chung một chiến tuyến.

Người dân Trung Quốc có hãnh diện về nạn tham ô, bất công, độc đoán, cướp bóc và đàn áp của cái đảng đang độc quyền lãnh đạo hay chăng? Hiển nhiên là không. Họ có thầm kính phục về đởm lược của những người đang tranh đấu như Lưu Hiểu Ba hay Ngải Vị Vị không? Dù chẳng được nói ra, hiển nhiên là có.

Khi hữu sự, ở ngoài Đông hải chẳng hạn, thì những người khát khao tự do của Trung Quốc sẽ đứng ở đâu? Nếu người dân Trung Quốc có tự do và làm nhà nước thay đổi thì chuyện "hữu sự" hay xung đột ấy có xảy ra không? Nhiều phần thì không vì họ cũng chấp nhận quyền tự do lưu thông ngoài biển mà hầu hết mọi quốc gia đều đồng ý và bảo vệ. Hiển nhiên là họ cũng chấp nhận việc ôn hòa đàm phán để giải quyết những mâu thuẫn về chủ quyền. 

Nếu giúp cho người dân Trung Quốc thật sự làm chủ đất nước của họ, có lẽ Hoa Kỳ sẽ tránh được câu hỏi nhiều người đang thắc mắc. Là làm sao chống được Trung Quốc.

Thứ Bảy, tháng 7 28, 2012

Độc Hành Sát Thủ hay Cái Dũng Ở Đầu Ruồi

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay 120724 

Nhân Vụ Tàn Sát Tại Colorado, Nhìn Lại Hiện Tượng Sát Thủ Cô Đơn Trong Xã Hội Mỹ  

 * Truyện bằng tranh cho thiếu nhi *


Nửa đêm Thứ Sáu 20, nghi can James Homes đã mở cuộc tàn sát trong một rạp hát bóng tại thị trấn Aurora của tiểu bang Colorado. Kết quả là 12 người thiệt mạng, 58 người bị thương. Vụ giết người của một tay sát thủ cô đơn lập tức gây phản ứng trong dư luận thế giới. Như mọi khi, bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa lại... nhìn ra chuyện đổi trắng thay đen trong lịch sử Hoa Kỳ.


Vụ tàn sát tại Colorado vào nửa đêm 20 qua ngày 21 đã được dư luận cả thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ theo dõi và bình luận. Người ta nói đến cái "nhân" là tình trạng tâm thần bất ổn của nghi can, James Holmes, xuất thân từ California và đang bỏ dở học trình Tiến sĩ về khoa thần kinh tại Đại học Colorado, hay cái "duyên" là cuốn phim về nhân vật Batman, nửa người nửa dơi ("The Dark Knight Rises").

Một kẻ như vậy tất nhiên là đã có tư tưởng sát nhân lởn vởn trong đầu và chuẩn bị tội ác từ lâu rồi. Cơ hội ra tay là đêm đầu tiên ra mắt cuốn phim hư cấu này. Việc nghi can nhuộm đỏ mái tóc và hành xử như nhân vật Joker trong truyện Batman chỉ là phần trình diễn của kẻ bất thường. Nghĩa là chẳng có phim Batman thì Holmes vẫn có thể hành động và chẳng dùng súng thì hung thủ vẫn có thể giết người, như đã gài bom ngay trong căn hộ của mình.

Đáng chú ý hơn cả về biến cố đau thương này là phản ứng của các chính trị gia.

Họ lập tức tranh luận về quyền mang súng của người Mỹ, hoặc về nhu cầu kiểm soát việc thụ đắc võ khí. Nếu nghi can không dễ dàng mua súng thì có khi bi kịch đã chẳng xảy ra, đấy là lập luận cố hữu của những người hiền lành - và của đa số bên đảng Dân Chủ. Nhưng cuộc tranh luận đó chỉ chứng tỏ là người Mỹ mắc bệnh quên trí nhớ.

Xin hãy nhắc về chuyện trí nhớ trước, về hiện tượng độc hành sát thủ sau.


***


Sau cuộc Nội chiến 1861-1865, một số nhân vật cực đoan của phe Confederation ở miền Nam đã lý luận rằng xã hội bị biến chất bởi người da đen, dân da trắng phải tự bảo vệ lấy bản sắc. Nhóm người quá khích này xuất phát từ đảng Dân Chủ, là sáng lập viên của phong trào Ku Klux Klan hắc ám. Chuyện ấy, người Mỹ đã quên.

Họ cũng quên rằng đảng Dân Chủ khi đó chủ trương phải kiểm soát võ khí và hạn chế quyền mang súng để dân da đen không thể tự vệ bằng súng. Loại luật lệ "phải đạo" ấy cho phép các tay Ku Klux Klan bên đảng Dân Chủ tha hồ bắn hạ bọn nô lệ da đen vừa được giải phóng như người ta bắn vịt trời. Mà chơi.

Chìm sâu trong chuyện quái đản ấy là đảng Dân Chủ thời "hậu chiến" vừa lập ra phong trào KKK vừa vận động đạo luật chối từ quyền công dân cho người da đen: chẳng là công dân thì không có quyền mang súng. Vì thế, từ hơn trăm năm trước, sau khi Tổng thống Abraham Lincoln giải phóng dân da đen, đảng Cộng Hoà ủng hộ việc cho họ quyền mang súng để tự vệ.

Như đạo luật "Anti-Klan" năm 1871 do Tổng thống Cộng Hoà Ulysses Grant nhắm vào hai việc: diệt trừ tổ chức kỳ thị KKK và cho phép công dân mang súng để bảo vệ tính mệnh và tài sản. Được thành lập cũng từ năm đó, hiệp hội NRA đề cao quyền mang súng và 60 năm trước đây hội này còn tích cực vận động cho người da đen được quyền có súng!

Ngày nay, người ta quên hẳn quá khứ và cứ nghe những lý luận đảo điên về nhân quả mà tưởng là sự thật. Mỗi khi có một vụ thảm sát, chuyện mang súng lại là đề tài tranh luận!


***


Chúng ta trở lại những kẻ một thân một mình tìm cách giết người.

Từ hung thủ đã ám sát Tổng thống Lincoln đến John Hinckley, kẻ mưu sát Tổng thống Ronald Reagan, hay Theodore Kaczinski, tay "Unabomber" đã gửi bom thư để giết người từ năm 1978 mãi đến 1996 mới bị bắt. Hoặc trường hợp của Eric Rudolph, kẻ đánh bom nơi tổ chức Thế vận hội 1996 tại Atlanta, hay hai phụ nữ đã chẳng bảo nhau mà cùng mưu sát Tổng thống Gerald Ford. Trường hợp của hai phụ nữ đó là hãn hữu chứ đa số hung thủ đều thuộc nam giới.

Gần đây hơn thì có vụ Seung-Hui Cho, kẻ gây ra vụ tàn sát tại Đại học Virginia Tech trước khi tự sát. Hay Jared Lee Loughner, kẻ đã nố súng bắn loạn đầu năm ngoái vì oán ghét nữ Dân biểu Gabrielle Giffords tại Arizona, khiến sáu người thiệt mạng, bà Giffords bị thương nặng vì trúng đạn vào đầu.

Động lực giết người của họ có thể là ý thức hệ, là tôn giáo, là bệnh lý, hoặc sự hòa nhập của cả ba yếu tố này, cho nên người ta rất khó xếp loại để điều tra hay ngăn ngừa.

Thí dụ như vì chống lại quyền phá thai, hoặc muốn bảo vệ súc vật, kẻ điên có thế tấn công nhà thương, phá hoại xưởng thuộc da thú làm y phục. Nổi tiếng trong xu hướng bệnh hoạn này là các nhóm "dân quân" tự phát đã giết người hay tấn công nhà chức trách vì lý do ý thức hệ: cực hữu, vô chính phủ, tự do tuyệt đối, hoặc đề cao sự ưu việt của da trắng, nhóm "white supremacist".

Nhưng khi đã là một tập thể, các lực lượng ấy có thể bị nhà chức trách xâm nhập và phá vỡ từ bên trong và kẻ sát thủ độc hành bỗng dễ thành thất nghiệp.

Đầu năm 1992, một lãnh tụ lỗi thời của tổ chức KKK bèn phát huy sáng kiến "kháng chiến không lãnh đạo" để "đổi mới" phong trào white supremacist: gầy dựng các tổ đặc công tự trị mà khỏi cần phối hợp.

Từ lý luận của tay Louis Beam này, họ lập ra hai tầng tổ chức. Hoàn toàn hợp pháp và công khai là lớp vỏ vận động thông tin – được Đệ nhất Tu chính án bảo vệ - nhằm khích động quần chúng. Chìm bên dưới như tà ma là phần hành động, gồm từng cá nhân hay tiểu tổ một vài người sẽ tiến hành bạo động sau khi thu thập kiến thức về "nghiệp vụ" từ hệ thống thông tin công khai.

Người ta rất khó truy tìm hung thủ trong môi trường khủng bố tự phát đó.

Nhưng trong hiện tượng bạo động, vấn đề gai góc nhất cho nhà chức trách là đối phó với những cá nhân mắc bệnh cuồng sát trong tâm trí. Làm sao biết trước để phòng ngừa vì tình trạng tự cô lập của những tay sát thủ mắc bệnh tâm thần? Hung thủ thường lủi thủi sống một mình, chuẩn bị lấy hành động sát nhân và vì ít giao tiếp với người khác nên không để lộ âm mưu giết người.

Đã thế, vì mắc bệnh tâm thần, họ bất cần tới hậu quả. Nhiều khi phạm tội rồi vẫn chẳng tìm cách đi trốn, như John Hinckley năm xưa và có khi còn được giảm án vì mắc bệnh! Trường hợp James Holmers có lẽ cũng như vậy, bất cần, khỏi trốn và có khi thoát tội tử hình.

Mà nạn sát thủ độc hành này không chỉ xảy ra trong các thành phố lớn vì nơi nào cũng có. Hiện trường cũng chẳng là một công thự liên bang hay cơ quan nhà nước như vụ Timothy McVeigh đánh bom cao ốc liên bang của Oklahoma City khiến 168 người mất mạng năm 1995. Nơi giết người có thể là đất công cộng rất khó kiểm soát hay bảo vệ, như trường học, nhà thương, bãi đậu xe.

Chỉ sau khi tai họa xảy ra người ta mới hiểu ra một vài triệu chứng chung.

Thí dụ như phản ứng bạo động trước đó của hung thủ với người chung quanh. Hoặc hành vi phạm pháp hay những phát biểu kỳ quái trước khi ra tay. Một hiện tượng đáng chú ý là khi hung thủ bất ngờ ly khai một tập thể, bỏ học, ra khỏi một tổ chức hay chìm sâu vào một vùng im lặng không còn liên lạc gì với thân nhân hay bạn bè.

Nhưng làm sao có thể đoán trước thảm họa từ những chỉ dấu mơ hồ đó? Hoặc làm sao biết được là kẻ điên có thể "tập dượt" – dry run – trước khi ra tay, như thăm viếng hiện trường, hoặc tìm cách tiếp xúc hay bật tín hiệu cho nạn nhân?

Khi tìm hiểu những chuyện như vậy trong xã hội Mỹ, người ta có thể kết luận rằng ngăn ngừa tội ác còn khó hơn đáy biển mò kim. Nhưng, cũng từ những nhiễu âm vang dội sau khi đã có người mất mạng, chúng ta còn có thể nhìn ra vài chuyện khác về văn hoá.


***


Xã hội Mỹ sùng chuộng bạo lực ngay từ trong lịch sử.

Thiên anh hùng ca của Hoa Kỳ nhiều khi lạc điệu thành ra hành khúc của bọn sát nhân. Và tinh thần đó thấm vào nghệ thuật giải trí, càng sát sự thật càng hay. Càng tinh vi ma quái thì càng ăn khách. Hàng năm, vào dịp lễ Halloween thì ta càng thấy ra điều ấy, nhất là trong giới thiếu niên có tâm trí non nớt và tưởng rằng mình có quyền làm được mọi chuyện. Ngợi ca bạo lực hoặc chỉ thấy cái dũng ở đầu ruồi của nòng súng là một nết văn hoá rất lạ, và được Hiến pháp bảo vệ tương tự như quyền mang súng.

Cánh tả thì đòi quyền tự do sáng tạo, cánh hữu đòi quyền tự do mang súng và cãi lộn lung tung!

Vậy mà một hiện tượng bi thảm khác đã lặng lẽ xảy ra trong thế giới của những người có súng: 10 năm sau khi khai mở chiến dịch A Phú Hãn, nạn binh lính Mỹ tự sát đã vượt mọi kỷ lục - mỗi ngày một mạng - còn cao hơn số thương vong vì tác chiến. Có mấy ai để ý đến hiện tượng ấy không? Làm sao giải thích được sự thờ ơ của xã hội với những thanh niên đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và rơi vào khủng hoảng tâm thần vì nỗi cô đơn trước hình ảnh của chiến trường và sự thản nhiên của hậu phương?

Thế rồi, khi một vụ tàn sát xảy ra thì truyền thông lại tranh nhau khai thác tin tức khiến hung thủ nổi danh như minh tinh màn bạc, khiến kẻ câm nín trong thế giới bệnh hoạn bỗng muốn nổi danh với đời - đòi chơi lấy tiếng! Có khi còn viết hồi ký ra tiền nữa. Hiện tượng bắt chước – copy cat – sau mỗi vụ thảm sát có thể gieo mầm cho một vụ thảm sát khác.

Trong khi ấy, các chính khách đều ra vẻ nhỏ lệ rồi lập tức tranh cãi và đổ lỗi. Hung thủ mà là người da trắng và nạn nhân là dân da đen thì mọi chuyện bỗng chuyển qua hướng khác, qua cái tội tổ tông của nước Mỹ. Tội kỳ thị dân da đen.

Thật ra, một lỗi lầm đã có trong lá tử vi của nước Mỹ là việc các tiểu bang có quyền ban hành luật lệ cấm dân nô lệ không được có võ khí.

Sau Nội chiến, khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhiều tiểu bang vẫn duy trì luật này, lồng trong Đạo luật Da đen (Black Codes) nhằm hạn chế quyền hạn của người da đen, kể cả quyền có súng. Chế độ kỳ thị đó dẫn tới phản ứng đấu tranh cho dân quyền và quyền bình đẳng của mọi công dân, bất kể tới màu da, ngày nay đang được coi như ưu điểm của đảng Dân Chủ.

Ngày nay, cái đảng mang tiếng ác ôn kỳ thị và nguyên nhân của hiện tượng chơi súng lại là đảng Cộng Hoà, xưa kia tranh đấu cho mọi người da đen được quyền bình đẳng, kể cả quyền bình đẳng với khẩu súng. Chúng ta gọi hiện tượng đó là gì? 


Đổi trắng thay đen?  

Thứ Tư, tháng 7 25, 2012

Võ Khí Kinh Tế

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120725

Những Sợi Thòng Lọng Bọc Nhung 



* AFP photo - Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc chụp hôm 29/6/2012, ảnh minh họa *



Tại Thượng đỉnh vừa qua của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN, các nước đã không đạt được thống nhất để có một bản thông cáo chung. Đây là lần đầu tiên mà sự kiện như vậy xảy ra từ khi tổ chức này được thành lập 45 năm về trước. Giới quan sát quốc tế nói đến một lý do của tình trạng này là sự ngần ngại của Cam Bốt là nước đăng cai tổ chức, do Chính quyền Trung Quốc dùng áp lực kinh tế để gây chia rẽ trong nội bộ của ASEAN. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những đòn bẩy kinh tế nhắm vào các mục tiêu ngoại giao.

 

Sức Ép từ Trung Quốc


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trung Quốc đã viện trợ cho Cam Bốt đến 10 tỷ Mỹ kim và năm ngoái thì đầu tư trực tiếp vào xứ này một kim ngạch cao gấp mười số đầu tư của Hoa Kỳ. Giới quan sát quốc tế cho rằng đấy là đòn bẩy kinh tế đã khiến Cam Bốt gây trở ngại cho việc 10 quốc gia Đông Nam Á thống nhất được quan điểm về cách ứng xử ở ngoài Đông Hải trước sự bành trướng của Trung Quốc. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này mình sẽ tìm hiểu về loại áp lực đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là trong quan hệ giữa các nước với nhau, kinh tế có giữ một vai trò quan trọng và có thể chi phối khía cạnh ngoại giao hay an ninh. Nhưng nếu các nước dân chủ phải tôn trọng quy luật thị trường và chỉ dùng viện trợ làm phương tiện tác động tích cực về mặt ngoại giao thì các nước độc tài lại có thể dùng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực tiêu cực hầu đạt mục tiêu của họ. Trung Quốc là một nước độc tài đã nhiều lần dùng sức ép đó với các quốc gia khác. Vấn đề ở đây là lãnh đạo các nước phải ý thức được sự kiện này hầu tránh được hoàn cảnh bất lợi là để Trung Quốc tròng được cái dây thòng lọng kinh tế vào cuống họng mình.

- Một cách rộng lớn, người ta có thấy Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Tự do Mậu dịch với hiệp hội ASEAN từ 10 năm trước là năm 2002 cũng tại thủ đô Phnom Penh. Hiệp định mở ra một khu vực tự do thương mại với thuế quan rất thấp giữa 11 nước với nhau kể từ đầu năm 2010. Nhưng bên trong thì họ tiến hành chiến lược tôi gọi là "bẻ đũa từng chiếc" để tranh thủ từng nước riêng khiến Hiệp hội ASEAN khó có một quan điểm hay đối sách thống nhất với Bắc Kinh.

Vũ Hoàng: Như vậy, chúng ta có thể khởi đi từ sợi dây thòng lọng này của Trung Quốc và trước tiên là chuyện Cam Bốt như người ta đã có thể thấy hôm 12 vừa qua.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về lịch sử thì ta đều biết hoàn cảnh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Cam Bốt, ông Hun Sen, một người lãnh đạo lâu nhất của các nước Đông Nam Á kể từ 25 năm nay. Hoàn cảnh cầm quyền lúc đó của ông ta là do sự yểm trợ của lãnh đạo Hà Nội.

- Nhưng sự tình có thay đổi kể từ Tháng Bảy năm 1997 là khi Hun Sen tiến hành đảo chính để lật đổ đồng thủ tướng thời ấy là Norodom Ranariddh khiến ông này phải lưu vong qua Thái Lan. Khi theo dõi tình hình kinh tế xứ này thì mình cũng thấy ra là ngay sau đó, giới đầu tư Đài Loan bị đẩy ra ngoài và Trung Quốc tiến sâu vào mặt trận kinh tế để có ảnh hưởng mạnh về chính trị. Khi ấy, xứ Cam Bốt hết còn quan hệ khắng khít với Việt Nam như trước mà nhiều người ít để ý.

- Cũng vì không để ý nên ít người thấy Bắc Kinh viện trợ khá nhiều cho chính quyền Phnom Penh khiến Cam Bốt có lập trường hết còn thống nhất với các nước trong Ủy ban Mekong ở dưới hạ nguồn của con sông. Dự án viện trợ hai triệu Mỹ kim để xây dựng Dinh Hòa Bình ở Phnom Penh, là nơi có Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, đã khởi sự từ thời ấy rồi.

- Tình hình cũng đã có xoay chuyển tương tự ở tại Lào, khi mà lãnh đạo xứ này có lập trường ngày càng khác biệt với Hà Nội. Một thí dụ nóng hổi là đập thủy điện Xayaburi được Lào thực hiện để bán điện cho Thái và gây mâu thuẫn quan điểm với Cam Bốt và Việt Nam. Nghĩa là các nước có quyền lợi sinh tử với sông Mekong do Trung Quốc kiểm soát trên thượng nguồn đã hết thống nhất về nhận thức và ý chí sinh tồn với nhau.


Trung Quốc là một nước độc tài đã nhiều lần dùng sức ép đó với các quốc gia khác. Vấn đề ở đây là lãnh đạo các nước phải ý thức được sự kiện này hầu tránh được cái dây thòng lọng kinh tế vào cuống họng mình.
Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Một thí dụ đầy ý nghĩa là việc các nước muốn tổ chức sinh hoạt chào mừng hiệp định hợp tác Tiểu vùng Mekong vào Tháng Tư năm 1995 bằng một con thuyền di chuyển từ Thái Lan qua Việt Nam. Thế rồi con thuyền này mắc cạn vì trên thượng nguồn Trung Quốc đã ngăn nước để đưa vào đập Mạn Loan của họ ở Vân Nam! Chuyện nước nôi trên thượng nguồn là một vấn đề sinh tử cho cả tỷ người Á châu ở dưới hạ nguồn, từ Ấn Độ qua Việt Nam mà có thể là chúng ta sẽ đề cập tới trong một kỳ khác.

 

Không chỉ các nước ĐNÁ  


000_Hkg7578969-250.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa (T) nói chuyện với Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong (P) trong một cuộc họp tại Bộ Ngoại giao nước ngoài tại Phnom Penh vào ngày 19 tháng 7 năm 2012. AFP photo   



Vũ Hoàng: Như ông trình bầy thì những sự việc ngày nay có mầm mống sâu xa từ hơn chục năm trước mà dư luận không mấy để ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có lẽ như vậy nên dư luận chẳng để ý là đầu Tháng Bảy năm 1996, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội Tám thì Thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc khi đó đã qua tham dự với một phái đoàn hùng hậu của 150 doanh gia Trung Quốc, tất nhiên là cán bộ của hệ thống kinh tế nhà nước. Họ đi khắp nơi để gọi là phát triển dự án đầu tư mà thực sự là tung tiền ảnh hưởng tới cơ cấu đảng ngay từ cấp cơ sở ở dưới với kết quả đang thấy ngày nay.

- Tôi e là Việt Nam đã thực tế rơi vào quỹ đạo Trung Quốc kể từ đó sau khi tái lập bang giao với Bắc Kinh và coi ý thức hệ cộng sản là tư tưởng chỉ đạo cho quan hệ giữa hai nước. Sợi dây thòng lọng được lồng từ đó rồi và ngày càng siết chặt hơn do tánh tham của các đảng viên khiến kinh tế Việt Nam ngày nay lệ thuộc quá nặng vào Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Đấy là những gì xảy ra tại các quốc gia lân bang với Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, như Việt, Miên, Lào, Thái và Miến Điện. Hình như là chuyện ấy cũng xảy ra với các nước ở xa hơn, thí dụ điển hình là Philippines. Có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không nên quên là vào năm 2004. Bắc Kinh đề nghị các nước có tranh chấp về chủ quyền trên các quần đảo ngoài khơi Đông Hải là hãy tạm gác mâu thuẫn qua một bên để cùng nhau hợp tác thăm dò tài nguyên năng lượng nằm ở dưới. Chính quyền của bà Gloria Macapagal-Aroyo đã đồng ý khiến Hà Nội cũng ngả theo mà rốt cuộc việc hợp tác chẳng đi tới đâu, cho tới quyết định gần đây của Bắc Kinh là nâng cấp hành chính cho thành phố Tam Sa và đòi mở ra chín lô thăm dò dầu khí ngay trên thềm lục địa của Việt Nam.

- Một thí dụ gần đây hơn là chuyện trái chuối trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Tháng Năm vừa rồi, tranh chấp bùng nổ giữa hai nước về Bãi cạn Scarborough nằm gần Vịnh Subic của Phi khi ngư phủ Philippines bắt giữ ngư phủ Trung Quốc hoặc người Trung Quốc thủ vai ngư phủ và xâm phạm vào vùng chủ quyền của Phi.

- Giữa khung cảnh căng thẳng ấy, hôm mùng chín Tháng Năm, Bắc Kinh bỗng tri hô rằng chuối của Philippines thiếu tiêu chuẩn vệ sinh nên phải chịu chế độ cách ly. Philippines xuất khẩu chuối nhiều nhất là qua Nhật, năm ngoái thu về 75 triệu đô la, kế tiếp là qua Trung Quốc, một thị trường có sức tăng trưởng rất nhanh. Khi quyết định tạm ngưng nhập khẩu chuối - tức là sẽ để cho hư thối - Bắc Kinh gây áp lực về nhiều mặt cho Chính quyền Manila. Thứ nhất là mất một nguồn thu về ngoại tệ, thứ nhì là gây khó khăn cho hai chục vạn nông dân trồng chuối khiến họ phàn nàn chính quyền. Nó cũng tương tự như động thái của Trung Quốc khi ảnh hưởng vào các doanh gia người Phi gốc Hoa dưới chính quyền khá tham nhũng của Tổng thống Macapagal-Arroyo.

Vũ Hoàng: Hình như Trung Quốc không chỉ gây áp lực kinh tế với các nước Đông Nam Á mà còn sử dụng đòn bẩy đó với nhiều nước khác, thưa ông có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng vậy và thí dụ nổi bật là với cả Nhật Bản vào năm kia.

- Tháng Chín năm 2010, Bắc Kinh quyết định ngưng xuất khẩu các kim loại cần thiết cho công nghiệp mà người ta gọi là "đất hiếm" chỉ vì tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ một ngư thuyền Trung Quốc gần đảo Senkaku mà Trung Quốc nhận là của mình với tên gọi là Điếu Ngư Đài. Lý do chính thức là vì họ cạn nguồn đất hiếm và phải tính lại giá bán cho cao hơn mặc dù họ vẫn xuất khẩu qua nhiều xứ khác, kể cả Hong Kong và Singapore. Lý do thực tế vẫn là để gây sức ép với Nhật Bản và sau này với cả Hoa Kỳ và Âu Châu.

- Với Âu Châu, ta cũng không quên rằng năm 2010 đó, Ủy ban Nobel ở xứ Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, một nhà báo bất đồng chính kiến và đang bị cầm tù. Mặc dù Ủy ban Nobel là cơ chế hoàn toàn độc lập, Bắc Kinh vẫn gây áp lực với Chính quyền Na Uy bằng cách ngưng thương thuyết hiệp định tự do mậu dịch và hạn chế nhập khẩu cá hồi cũng vì lý do vệ sinh khiến số xuất khẩu của Na Uy bị sụt mất 60% trong năm sau dù số tiêu thụ của thị trường Trung Quốc đã tăng 30%.

- Nói chung, các nước độc tài và thiếu dân chủ thường hay dùng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép chính trị. Một trường hợp tương tự là khi Liên bang Nga đơn phương quyết định ngưng cung cấp khí đốt cho Cộng hoà Ukraine hôm mùng một Tháng Giêng năm 2009. Quyết định này gây khó cho Chính quyền Ukraine và giúp cho phe thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovich trở lại cầm quyền. Quyết định này cũng gây phân hóa cho Âu Châu vì các nước, nhất là Đức, phải nhập khí đốt của Nga chuyển vận qua lãnh thổ Ukraine. Chính là các nước Âu Châu đã vì quyền lợi của mình mà gây thêm sức ép cho Ukraine.

 

Ứng xử ra sao?


image.jpg
Người dân tiếp tục xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22-07-2012. AFP photo   



Vũ Hoàng: Thưa ông Nghĩa, trong chương trình phát thanh cách đây hai tuần, ông có nói đến một "liên minh của sự sợ hãi" giữa các nước độc tài như Trung Quốc hay Liên bang Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin. Qua những gì ông vừa trình bày thì các nước đó đâu có sợ hãi mà vẫn dám lấy quyết định táo tợn và đi ngược với quy luật trao đổi kinh tế tự do. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có vấn đề đầu tiên là đạo đức, dù sao vẫn là giá trị phổ cập mà đa số các nước trên thế giới đều muốn tôn trọng. Khi dùng sức ép kinh tế một cách ngang ngược như vậy thì các nước độc tài càng phơi bày bộ mặt thật và đấy là một điều thật ra vẫn bất lợi về ngoại giao. Thí dụ nóng hổi là lập trường của Nga và Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về nạn Syria tàn sát người dân.

- Chuyện thứ hai là đòn bẩy kinh tế đó thường chỉ công hiệu với các nước yếu thế và thiếu thống nhất với nhau. Nhưng nếu áp dụng mãi thì nó lại gây tác dụng ngược là khiến các nước nạn nhân càng dễ đoàn kết với nhau. Tôi xin được nêu một thí dụ là Sáng kiến Hợp tác Tiểu vùng Mekong do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đề xướng năm 2009.

- Ai cũng có thể nghĩ rằng đấy là một phản đòn của Mỹ trước sự khuynh đảo của Trung Quốc. Nhưng nếu xét cho kỹ thì mình thấy rằng một xứ dân chủ có thể dùng biện pháp tích cực là viện trợ để thuyết phục các nước khác cùng chia sẻ một chủ trương ngoại giao có lợi chung. Nó khác hẳn lề thói ngang ngược của Bắc Kinh. Chính là điều ấy mới khiến lãnh đạo nhiều nước liên hệ phải xét lại quan điểm về lợi ích khi hợp tác với Bắc Kinh, một điển hình là sự chuyển hóa của Miến Điện qua chế độ dân chủ hơn mà thế giới đang chứng kiến.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, trước hoàn cảnh đó thì các nước đang làm ăn với Trung Quốc nên hành xử như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta thấy tại các nước dân chủ có quyền tự do báo chí thì dư luận thường xuyên nêu vấn đề về quy cách ứng xử đáng chê trách của Trung Quốc. Một thí dụ là chương trình phát thanh này của chúng ta. Một thí dụ khác là khi dư luận được biết, họ có thể tự huy động thành sức mạnh gây áp lực với chính quyền và các doanh nghiệp có tính chất đồng lõa với Bắc Kinh. Ta không nên đánh giá thấp phản ứng này của quần chúng.

- Tại các nước thiếu dân chủ và không có tự do báo chí thì chính quyền thật sự đã bị Trung Quốc vận dụng để thực hiện những điều có hại cho quyền lợi quốc gia vì chẳng hạn như khi Bắc Kinh bẻ đũa từng chiếc thì chính mình đã bị bẻ gãy và sự thiếu đoàn kết đa phương càng khiến quốc gia bị lệ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Khi người dân Việt Nam biểu tình chống lại thái độ ngang ngược của Trung Quốc mà lại bị chính quyền Hà Nội cấm đoán thì lãnh đạo Việt Nam cho thấy quyền lợi của họ nằm ở đâu!


Tại các nước thiếu dân chủ và không có tự do báo chí thì chính quyền thật sự đã bị Trung Quốc vận dụng để thực hiện những điều có hại cho quyền lợi quốc gia ...
Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Tôi lại xin kết thúc bằng một ngụ ngôn trong cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Có ông phú hộ đó sợ bị trộm nên bao nhiêu của quý đều chất vào một cái rương, bên ngoài có khóa và đóng đai cho chặt. Khi kẻ trộm lẻn vào thì chỉ ôm lấy cái rương là lấy được hết và trên đường đào tẩu, hắn còn cám ơn cái khóa là không bị bung. Chính quyền độc tài đã khóa chặt người dân và trao cả cơ đồ cho ngoại bang. Vì vậy, muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia trước sức ép của ngoại bang thì người ta phải có dân chủ. Chính là nền dân chủ đã giúp Philippines có một chính quyền độc lập và tự tin hơn trước sức ép của Trung Quốc. Cũng vậy, ta sẽ thấy sự chuyển hóa tốt đẹp hơn cho xứ Miến Điện tiếp giáp với Trung Quốc nếu nền dân chủ sẽ được thực thi.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Thứ Ba, tháng 7 24, 2012

Nghịch Lý Kinh Tế Trung Quốc


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120723
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Và trận đánh Mỹ-Hoa không tiếng nổ

 * Vã mồ hôi lạnh *



Trung Quốc có sản lượng kinh tế đứng hạng nhì thế giới, nhưng trong khoảng 200 quốc gia của địa cầu thì lợi tức đồng niên một người dân của họ chỉ ở cỡ trung bình, ngang hàng Namibia, Jamaica hay Macedonia. Dân nghèo nước mạnh?

Trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của danh mục Forbes 2012, Trung Quốc có 73 công ty, còn nhiều hơn Nhật Bản (68), mà hầu hết là các tập đoàn nhà nước. Trong 20 doanh nghiệp có mức lời cao nhất của danh mục, Trung Quốc có bốn đơn vị, toàn là ngân hàng - mà là ngân hàng của nhà nước, trong khi tư doanh Trung Quốc phá sản hàng loạt. Nước giàu dân mạt?

Trong ba năm mà kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm, từ 2009 đến 2011, tổng số tín dụng ngân hàng tại Trung Quốc lên đến gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim, 80% là trút vào các doanh nghiệp nhà nước. Cấp phát là một cách gọi về kế toán, trợ cấp là cách gọi về kinh tế, vì lãi suất tài trợ chỉ mấp mé số không. Nước chảy chỗ trũng?

Làm sao mà các ngân hàng của nhà nước - hiện kiểm soát 90% tài sản của hệ thống ngân hàng toàn quốc và tài trợ doanh nghiệp cũng của nhà nước với lãi suất cận âm nếu giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát - lại có mức lời cao như vậy?

Xin chào mừng sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc!

Nhìn từ Hoa Kỳ trong một năm tranh cử, các dân biểu nghị sĩ rất nhịp nhàng than phiền Bắc Kinh can thiệp vào hệ thống hối đoái và duy trì hối suất quá thấp của đồng Nguyên để cạnh tranh bất chính. Và làm dân Mỹ thất nghiệp vì việc làm đã bị "xuất cảng" qua Tầu.

Lý luận chính trị đượm mùi kinh tế của sự mị dân!

Chỉ vì, trong 10 năm mà tỷ giá đồng Nguyên so với Mỹ kim được định quá thấp, từ 1991 đến năm 2000, thất nghiệp tại Hoa Kỳ có giảm liên tục: từ sáu, lên bảy rồi sụt tới 4%. Trong 10 năm sau đó, khi Bắc Kinh bị áp lực và phải nâng giá đồng bạc thì thất nghiệp tại Hoa Kỳ lại tăng vọt. Vì những nguyên nhân khác hơn là do hàng hóa quá rẻ của Trung Quốc tràn ngập vào thị trường Mỹ. Hàng quá rẻ của Trung Quốc bán qua Mỹ khiến giới tiêu thụ dư tiền mua được nhiều thứ khác, kể cả hàng Mỹ, nghĩa là vẫn có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Vua nước Sở mất cái cung, người nước Sở được lời?

Kết hợp sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc với lý luận mị dân của chính khách Hoa Kỳ, người ta nên nhìn ra một thực tế đầy nghịch lý của kinh tế cũng là chính trị.

***


Lãnh đạo Trung Quốc không trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước ở nhà để tìm lợi thế ngoại thương, như bán hàng rẻ hơn "thực giá" vào các thị trường Âu-Mỹ. Lý do trợ cấp thuộc vào loại "có thực với vực được đạo": không trợ cấp thì cả triệu doanh nghiệp sẽ phá sản.

Mà hình thái trợ cấp không chỉ có lãi suất rẻ hay hối suất thấp.

"Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý" – cứ như người Hà Nội – nên nhà nước thống nhất giao cho doanh nghiệp nhà nước gần như miễn phí. Tư doanh cứ đứng chầu rìa, nếu cạnh tranh với quốc doanh thì còn bị xoá sổ. May lắm thì xin được một mẩu với rất nhiều hượt liệu để bôi trơn bộ máy. Nói về hoạt liệu "lubrifiant" hay nguyên nhiên vật liệu, thì doanh nghiệp nhà nước cũng được trợ giá. Được cung cấp với giá rẻ hơn thực giá của thị trường.

Cả hệ thống kinh tế nhà nước Trung Quốc là cơ chế trợ cấp, qua luật lệ và phí tổn của mọi nhập lượng – đất đai, vật liệu, tiện ích, tín dụng, v.v... – để các doanh nghiệp nhà nước từ lớn đến nhỏ, ở cấp trung ương tới địa phương và hương trấn không thể phá sản. Phá sản hay khánh tận là số phận của dân đen.

Trên đỉnh là các đại gia góp mặt trong danh mục Forbes.

Lãnh đạo các cơ sở huy hoàng này là đảng viên cao cấp, do ban Tổ chức Trung ương bố trí. Họ xào bài đổi ghế chủ tịch tổng giám đốc lấy ghế thứ trưởng hay trợ lý để cùng bảo vệ một chế độ kinh tế gần như độc quyền, chế độ tư bản nhà nước.

Trong khi ấy, các chính khách Hoa Kỳ chỉ nhìn vào một góc của nghịch lý đó, là lợi thế xuất cảng của Trung Quốc. Nếu nhìn theo thế công, có lẽ người ta nên tìm hiểu về lợi thế xuất cảng của Mỹ. Khi ấy lại thấy ra nhiều nghịch lý khác.

Người ta thường nghĩ Hoa Kỳ có ưu thế kỹ thuật nên bán máy bay cho Trung Quốc và chở về các mặt hàng tiêu thụ hạ đẳng, như áo quần giày dép linh tinh mà dân Mỹ chẳng thèm làm nữa vì ít lời. Sự thật thì Mỹ có bán hàng công nghệ điện tử cho Trung Quốc nhưng lại nhập từ xứ này loại hàng tương tự trị giá gần gấp bẩy. Và hai loại mũi nhọn xuất cảng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc – trị giá cao nhất trong năm ngoái – là 1) hàng đồng nát và phế thải (11 tỷ rưỡi) và 2) đậu nành (10 tỷ rưỡi). Máy bay hay xe hơi của Mỹ chỉ chiếm tổng cộng là gần 12 tỷ đô la.

Xin ghi lại cho gọn: ba mũi nhọn xuất cảng của Trung Quốc vào Mỹ là máy điện toán, thiết bị thông tin và linh kiện điện tử, với trị giá tổng cộng còn lớn hơn tổng số xuất cảng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

Đằng sau nghịch lý này là dàn phòng thủ của Trung Quốc: quyền sở hữu trí tuệ hay tác quyền, "intellectual property rights".


***


Lãnh đạo Trung Quốc không bảo vệ tác quyền của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thực tế còn thi hành chế độ "đạo chích siêu cấp" - quốc hữu hóa thuật ăn cắp tác quyền của thiên hạ - và ráo riết thi hành các nghiệp vụ tình báo kỹ nghệ để thu hẹp khoảng cách lạc hậu với Hoa Kỳ về an ninh. Hoàn toàn hợp lý với chủ trương của họ là nhà nước phải ưu tiên lãnh đạo 18 ngành sản xuất chiến lược, trong đó có công nghệ điện tử, hàng không, thông tin, thiết bị sản xuất, và năng lượng.

Sau khi thủ rất kín như vậy, lãnh đạo Trung Quốc có thể tự tiện quyết định rằng một khu vực nào đó là "chiến lược" – nghĩa là ngoại quốc miễn được vào. Một khu vực vừa được đưa vào hàng rào phòng thủ chiến lược đó là công nghệ môi trường.

Những nghịch lý ấy trong quan hệ kinh tế Hoa-Mỹ (xin miễn gọi là Trung Mỹ!) thật ra xuất phát từ cả chục năm trước, khi Chính quyền Bill Clinton chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Từ đó, cơ chế quốc tế WTO giải quyết các tranh chấp song phương, trong đó có nạn trợ cấp, lũng đoạn hối đoái hay ăn cắp tác quyền. Nhưng giải pháp WTO không thể gỡ nổi dụng ý bảo vệ của Trung Quốc và chỉ dẫn đến những vụ kiện cáo kéo dài.

Thực tế thì cơ chế WTO đã bị tê liệt và Vòng đàm phán Doha khởi xướng từ Tháng 10 năm 2001 vẫn dậm chân tại chỗ. Cũng vì thế mà Hoa Kỳ phải tìm giải pháp đa phương khác.

Đó là các thỏa ước tự do ngoại thương cấp vùng với một số quốc gia thuộc hạng đối tác chiến lược. Trong hướng này, Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP do chính quyền George W. Bush đề nghị tham gia và Chính quyền Barack Obama quyết định xúc tiến sẽ có tác dụng thuyết phục cao hơn: chủ điểm hợp tác là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Trung Quốc không nằm trong vòng đối tác chiến lược đó nếu vẫn duy trì chính sách cũ.

Cùng vành cung hợp tác về an ninh trong khu vực Đông hải, Hiệp ước TPP này là một vòng đai khác.
 
Chúng ta thấy rằng quốc gia nào cũng có chủ trương bảo vệ quyền lợi của mình và trong luồng giao dịch kinh tế thì đấy là chủ trương bảo hộ mậu dịch hay protectionism. Trung Quốc là một đại gia của thuật bảo hộ này để thực tế là bảo vệ chế độ. Nếu Hoa Kỳ chỉ theo đuổi hồ sơ hối đoái với những tố tụng định kỳ về trị giá đồng Nguyên thì vẫn chỉ là múa quyền ở vòng ngoài.

Cho nên trận đánh về tác quyền IPR và Hiệp ước Xuyên Thái bình dương TPP mới là chuyện thật, ở vòng trong, một trận đánh không gây tiếng nổ. Chúng ta nên theo dõi xem Quốc hội Mỹ xử trí ra sao về hồ sơ đó.

Thứ Sáu, tháng 7 20, 2012

Ruột Đau Chín Khúc


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120720

Bài toán của lãnh đạo Trung Quốc ngoài Đông hải....

 * Những nghịch lý của tham vọng bành trướng *
 

Đang chuyển mình từ một cường quốc đại lục thành cường quốc hải dương, Trung Quốc gặp rất nhiều mâu thuẫn.


Ngay từ năm 1947, Trung Hoa Quốc dân đảng đã vẽ bản đồ 11 khúc để đòi chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc trên các quần đảo ngoài khơi biển Hoa Nam (biển Nam Hải, hay Nam Trung Quốc hải hay South China Sea, tức là Đông hải của Việt Nam). Khi ấy, các nước Đông Nam Á còn dồn trọng tâm vào việc tranh đấu cho độc lập nên không có phản ứng. Tầm nhìn quá ngắn!

Các nước cũng chẳng có phản ứng khi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc ra đời từ năm 1949, thay Quốc dân đảng làm chủ Hoa lục và vẽ thành bản đồ chín khúc để đòi chủ quyền của mình và chính thức công bố từ năm 1953. Khi ấy, các nước Đông Nam Á cũng chẳng có phản ứng, nhiều nước còn nương tựa vào đảng Cộng sản Trung Hoa để giành độc lập! Tầm nhìn tai hại....

Ngày nay, toàn khu vực Đông Nam Á bị kẹt trong vụ tranh chấp về chủ quyền do Trung Quốc gây ra. Nhưng kẹt nhất không phải là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á (Malaysia) hay Brunei - hoặc Đài Loan ở phía Bắc.

Kẹt nhất chính là Trung Quốc. Vì sao lại có nghịch lý đó?


***


Xưa nay, Trung Quốc là đại cường lục địa, với mối quan tâm về an ninh tập trung vào đất liền và những đe dọa ở bên trong. Qua ngần ấy cuộc xung đột trong lịch sử với Việt Nam, hay Chiêm Thành, Triều Tiên và Nhật Bản của các triều Tống, Nguyên Mông, Đại Minh hay Mãn Thanh, thật ra Trung Quốc đều bị đánh bại trong các trận thủy chiến.

Mâu thuẫn đầu tiên của cường quốc này là có bờ biển rất dài, trải dọc từ Hoàng Hải bên bản đảo Triều Tiên xuống tới Vịnh Bắc Việt, mà lại không kiểm soát được vùng biển cận duyên và thường chỉ giữ thế phòng thủ. Nguyên nhân chính là mối nguy cho Trung Quốc không đến từ biển Đông những ngả giao lưu cần thiết cho kinh tế đều nằm trong đất liền. Thứ nữa, tình trạng phân hóa và cát cứ khiến lãnh đạo xứ này phải ưu tiên thống nhất được nội tình trên một lãnh thổ bát ngát.

Sau các trường hợp bị khuất phục vì thủy chiến với Nga, Nhật hay các cường quốc Âu Châu vào đời Thanh, lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải ưu tiên củng cố hệ thống cai trị ở bên trong.

Ngày nay, Trung Quốc đang ra khỏi mâu thuẫn truyền thống đó và muốn kiểm soát được vùng biển cận duyên nhờ sức mạnh hải quân thì lại gặp nhiều mâu thuẫn khác.


***


Sau khi cải cách từ năm 1979, Đặng Tiểu Bình ưu tiên giải quyết các vấn nạn kinh tế và chính trị bên trong để ra khỏi khủng hoảng xây dựng lực lượng. Với bên ngoài, ông chủ trương "thao quang dưỡng hối" nhằm che giấu sức mạnh sau chiến lược hòa dịu với các nước Đông Nam Á: hãy tạm gác một bên những tranh chấp về chủ quyền để cùng hợp tác và khai thác tài nguyên chung ở ngoài khơi. Năm chục năm nữa nói chuyện cũng chưa muộn.

Nôm na thì "cái gì của ta là của ta – cái gì của người thì đôi ta cùng khai thác".

Trong chiến lược âm nhu đó, lãnh đạo Bắc Kinh khéo áp dụng thủ thuật "bẻ đũa từng chiếc": đàm phán song phương với từng nước để tránh phản ứng tập thể, một chiến tuyến chung của các nước Đông Nam Á. Tính toán ở đây là 50 năm sau thì Trung Quốc đã có thực lực khác nên khỏi cần đàm phán hay thương thuyết gì cả.

Quả nhiên là trong hai chục năm liền, dù có tranh chấp hay xung đột nhỏ ở ngoài khơi, kể cả với Việt Nam vào năm 1988, chiến lược hòa dịu hình thức vẫn được áp dụng. Nhưng ngày nay đề nghị "hãy cùng phát triển khu vực có tranh chấp" không đem lại kết quả dự tính. Sau khi tham gia trò chơi đó trong các năm 2004-2005, Phi Luật Tân rồi Việt Nam cũng đành duỗi ra.

Lý do là một mâu thuẫn bất ngờ khác.

Hải quân Trung Quốc lớn mạnh cùng nhu cầu kiểm soát các dòng hải lưu để bảo vệ luồng vận chuyển hàng hóa cho một nền kinh tế đã mở ra ngoài và lệ thuộc vào thị trường quốc tế khiến các nước đều e ngại. Quy tắc ứng xử ngoài biển Đông ký kết với Hiệp hội ASEAN 10 Quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002 vẫn không trấn an được.

Đã thế, khi Hoa Kỳ vướng bận vào cuộc chiến chống khủng bố từ 2001, lãnh đạo quân sự Trung Quốc còn nhìn ra cơ hội bành trướng và dẫn tới phản ứng ngược: các quốc gia Đông Nam Á đều kêu gọi Hoa Kỳ trở lại giữ thế đối trọng với đà bành trướng của Trung Quốc. Mà không chỉ các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên vùng biển chín khúc của Trung Quốc.

Cái lưỡi bò chín khúc của Trung Quốc khiến cho chín quốc gia cùng nhìn thấy một mối nguy. Đó là Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei và cả Đài Loan. Ngần ấy quốc gia đều trông đợi vào phản ứng của Hoa Kỳ, nay đã xác định vai trò cường quốc Á Châu và nhấn mạnh đến nhu cầu bảo vệ quyền tự do lưu thông ngoài biển.



***

Chúng ta đi tới các bài toán hiện tại của Bắc Kinh, trong giai đoạn mà tiến thoái gì cũng bất tiện.

Từ chiến lược không can dự vào nội tình xứ khác, lãnh đạo Bắc Kinh đang ráo riết mua chuộc, uy hiếp hay lũng đoạn từng nước. Nghĩa là chứng tỏ bản chất đế quốc của một nước vẫn đề cao tinh thần "quật khởi hòa bình" để ra khỏi tình trạng lạc hậu.

Lập luận truyền thống của mấy chục năm qua, rằng Trung Quốc là một nước kém phát triển, nạn nhân của liệt cường và nay đang cố gắng công nghiệp hoá trong tinh thần hiếu hòa, lập luận đó đã hết công hiệu. Và trên các diễn đàn quốc tế lẫn trong dư luận các nước kém phát triển Á, Phi hay Trung Nam Mỹ, Trung Quốc có bộ mặt thực dân đế quốc. Đấy là một bài toán về lý luận với hậu quả phản tuyên truyền. Đó là bài toán thứ nhất.

Chuyện thứ hai, chiến lược đối thoại song phương để bẻ đũa từng chiếc cũng thất bại và khi Bắc Kinh chuyển qua giải pháp đối thoại quốc tế thì gặp kết quả trái ngược.

Người ta cứ nói đến phản ứng của Cam Bốt trong hội nghị tuần trước của khối ASEAN khi tránh nêu vấn đề tranh chấp ngoài Đông hải và coi đó là một thắng lợi của Bắc Kinh - chiếc đũa Cam Bốt đã gẫy.

Thật ra, nhận thức của các nước về lập trường ngoại giao của Bắc Kinh đã xoay chuyển. Thế giới thấy Trung Quốc dùng thủ thuật song phương để lũng đoạn từng nước, đến khi bước vào giải pháp đối thoại đa phương trên các diễn đàn quốc tế, cường quốc này có chủ đích phá hoại. Càng dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để bênh vực Iran hay Syria, hoặc có lập trường ngoại giao nhằm bao che cho Bắc Hàn, Sudan hay Venezuela, Bắc Kinh càng cho thấy Trung Quốc không là một cường quốc hữu trách và biết điều. Đấy là bài toán thứ hai.

Sau hai chục năm chỉ nhìn thấy quyền lợi của mình trong mối quan hệ với các nước và bị bất ngờ khi các chế độ thân hữu bỗng dưng sụp đổ, Bắc Kinh đang muốn xoay qua một đường lối chủ động và tích cực hơn.

Lãnh đạo Bắc Kinh đã bị bất ngờ tại Sudan, khi thân chủ bị xé làm hai, với sự xuất hiện của Cộng hoà Nam Sudan trên một vùng đất nhiều tài nguyên và được Tây phương bảo vệ. Bắc Kinh cũng bị bất ngờ khi chế độ độc tài Muamar Ghaddafi bị sụp đổ tại Libya. Những trường hợp trở tay không kịp như vậy xảy ra nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Ngày nay, Bắc Kinh đang muốn chuyển qua chiến lược khác, là chủ động xử lý các hồ sơ liên quan đến quyền lợi của mình thay vì mơ hồ đề ra những nguyên tắc chung chung.

Kết quả là không chỉ nói về "cửu đoạn tuyến" ngoài Đông hải, Bắc Kinh chủ động trưng bày sức mạnh. Cùng với việc nâng cấp hành chánh cho Tam Sa, Trung Quốc đưa tầu ngư chính và hải đội của mình vào vùng tranh chấp với Phi Luật Tân và Việt Nam, xẵng giọng với Nhật Bản vì hồ sơ Điếu Ngư Đài (Senkaku của Nhật). Hậu quả của sự chuyển hướng chủ động ấy là gây hấn với mọi quốc gia và càng khiến Hoa Kỳ có lý do chính đáng để xác định vị trí và sức mạnh trên vùng biển Thái Bình dương, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Đấy là bài toán thứ ba.

Trên toàn cảnh, lãnh đạo Bắc Kinh còn thấy mình thất thế do chiến lược "vô tư trung lập".

Đặng Tiểu Bình từ bỏ chủ trương cách mạng toàn cầu và thường trực của Mao Trạch Đông và chấm dứt yểm trợ các phong trào cộng sản trên thế giới, nhất là tại Á Châu. Ông còn tích cực hơn vậy khi đưa ra lập trường trung lập: Trung Quốc không can dự vào tranh chấp của các nước, không liên minh với một phe để tấn công một phe thứ ba, và giữ thái độ vô tư với mọi phe.

Trong khi ấy, Hoa Kỳ tích cực phát triển quan hệ với một chuỗi quốc gia bán đảo, hải đảo hay quần đảo chung quanh lãnh thổ Trung Quốc, từ Nam Hàn, Nhật Bản đến nhiều nước Đông Nam Á qua tới Ấn Độ dương và Úc Đại Lợi. Kết cuộc thì Bắc Kinh thiếu bạn mà Mỹ lại có nhiều đồng minh! Lãnh đạo Bắc Kinh phải tính lại.

Trung Quốc bắt đầu xuất hiện như một đối tác đáng tin của quốc tế khi cần ngăn ngừa hải tặc hay khủng bố và tìm cách hợp tác với các nước, từ nhóm ASEAN+3 (với Nam Hàn và Nhật Bản), đến Pakistan và cả Ấn Độ. Nhưng làm sao xây dựng được sự khả tín với các nước khi Bắc Kinh cũng chủ động can thiệp và xác định sức mạnh của mình trong khu vực có tranh chấp? Đấy là bài toán thứ tư.

Chúng ta không đánh giá thấp trình độ tư duy và khả năng biến báo của lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng có thể tự hỏi vì sao họ rơi vào những mâu thuẫn khó gỡ và nay đang gặp bốn bài toán kể trên? Một giải đáp cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan này có thể tìm thấy ở bên trong nội tình Trung Quốc.


***


Lãnh đạo Bắc Kinh muốn áp dụng giải pháp ôn nhu để mời các nước – và doanh nghiệp quốc tế - cùng hợp tác và phát triển. Trong hợp tác, họ muốn các nước ít nhiều công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp. Kết quả xảy ra trái ngược với dự tính: các quốc gia đều nghi ngờ và phản đối. Nhiều nước đối tác đã xoay ngược lập trường, như Phi Luật Tân dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống khác, chứ không dễ mua dễ bảo như Gloria Macapagal-Arroyo.

Khi xẵng giọng và dùng sức mạnh quân sự bù đắp cho thế yếu về ngoại giao, nghĩa là tự lột trần bản chất bành trướng, Trung Quốc chỉ lung lạc nổi các nước nhỏ và yếu, ở ngoài vòng tranh chấp – như Lào hay Cam Bốt – nhưng gây phản ứng mạnh từ các nước khác.

Khi cần xoa dịu dư luận quốc tế và trở lại luận điệu ôn hoà thì lãnh đạo Bắc Kinh gặp phản ứng từ bên trong: ngư phủ Trung Quốc liều lĩnh lấy những rủi ro có thể dẫn tới xung đột và các tướng lãnh lại nhân cơ hội nhấn tới.

Trong khi chuẩn bị Đại hội 18 để đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Hoa cần xoa dịu sự bất mãn lan rộng của quần chúng bằng lý luận dân tộc cực đoan và bằng tư thế cường quốc trước diễn đàn quốc tế. Đồng thời, ngần ấy phe đang vận động ngầm ở bên trong để củng cố thế lực sau Đại hội 18 đều cần tới hậu thuẫn của quân đội. Và để các tướng lãnh lên giọng đề cao giải pháp bá quyền nước lớn!

Chính là những bất trắc nội bộ trong giai đoạn giao thời này, khi Bắc Kinh phải chuyển hướng đối ngoại, mới khiến Trung Quốc lâm thế kẹt. Bung ra thì bị thiên hạ tri hô và chặn cửa, thu vào thì gặp sự chống đối ở bên trong! Đi vào húng hắng, đi ra vội vàng....