Thứ Năm, tháng 8 30, 2012

Khủng Hoảng Tài Chính Toàn Cầu

Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFA Ngày 120829

Cái nhân của khủng hoảng là nạn vay mượn quá nhiều, nay đến lúc trả nợ



* AFP photo - Ảnh minh họa khủng hoảng kinh tế *


Bốn năm trước, sau Đại hội Toàn quốc của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers đã đảo lộn tình hình kinh tế và chính trị của nước Mỹ. Thật ra, thế giới đã trôi vào một chu kỳ khủng hoảng tài chính khởi sự từ một năm trước đó mà ít ai thấy. Năm năm sau, là ngày nay, Diễn đàn Kinh tế trở lại nguyên ủy của vấn đề qua phần trao đổi của Việt Long với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Tình hình chưa khả quan

 

Việt Long: Thưa ông, đúng bốn năm trước, Hoa Kỳ có tranh cử tổng thống như năm nay. Lần trước, Đại hội của đảng Dân Chủ vừa kết thúc vào cuối Tháng Tám và của đảng Cộng Hoà vào đầu Tháng Chín thì khủng hoảng tài chính bùng nổ ngày 15 Tháng Chín từ vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers cùng nhiều tổ hợp tài chính khác. Vụ khủng hoảng xảy ra giữa một nạn suy trầm sản xuất manh nha từ Tháng 12 năm 2007 và gây chấn động kinh tế từ Hoa Kỳ qua Âu Châu rồi lan rộng khắp nơi. Ngày nay, tình hình vẫn chưa khả quan và khối Euro trong Liên hiệp Âu châu còn bị nguy cơ tan rã như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã cảnh báo. Vì vậy, kỳ này, chúng ta sẽ trở lại hồ sơ đó, ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, qua phần tóm lược vừa rồi, ta thấy ra một chuỗi thời điểm trước sau. Khởi đầu là nạn suy trầm kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm 2007, đến hiện tượng về sau người ta gọi là "Tổng suy trầm Toàn cầu" trong hai năm 2008-2009. Ở giữa là vụ Lehman Brothers cùng tập đoàn bảo hiểm AIG và nhiều cơ sở khác phá sản vào Tháng Chín năm 2008.

- Khi các biến cố dồn dập xảy ra như vậy, ta khó thấy ra tương quan nhân quả, tức là cái gì là nguyên nhân và cái gì là hậu quả. Phải chăng, suy trầm kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm 2007 mới làm các cơ sở tài chính bấp bênh nhất bị phá sản? Vào thời điểm bốn năm trước, nói chung người ta đều bị bất ngờ và lúng túng trong cách diễn giải và sau đó là cách ứng phó. Bây giờ, với chiều dài đủ dày của thời gian, may ra ta có thể thấy được một vài mấu chốt của cả hồ sơ rắc rối này.

Việt Long: Nếu vậy, xin ông nhắc lại về các mấu chốt đó, ít ra là trong khung cảnh thời gian.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nhắc lại là Tháng Ba năm 2008 đã có biến cố tiên báo cơn khủng hoảng. Đó là khi tập đoàn đầu tư Bear Sterns của Mỹ bị vỡ nợ và tiêu vong sau 85 năm hoạt động và được bán lại cho hệ thống ngân hàng JP Morgan Chase. Trước đấy, bên kia Đại Tây Dương cũng có dấu hiệu biến động khi nhiều ngân hàng của Anh bị khủng hoảng và nhất là khi ngân hàng BNP-Paribas của Pháp bị mất thanh khoản là hết tiền mặt vào mùng bảy Tháng Tám năm 2007, cách nay đúng năm năm.

- Cho đến giờ, hầu hết đều nghĩ nguyên do của khủng hoảng là sự sụp đổ của hệ thống tín dụng gia cư đầy rủi ro của Hoa Kỳ. Đó là loại tín dụng thứ cấp hay "sub-prime", hạng thấp về an toàn, đã gây lỗ lã cho các công ty tài trợ sau khi trái bóng đầu tư về gia cư và địa ốc bị bể năm 2006. Tôi thiển nghĩ nguyên nhân nó còn phức tạp và trầm trọng hơn vậy nếu ta tự hỏi là vì sao lại có bong bóng đầu tư địa ốc?

- Một lý do khác khiến mình phải tìm giải đáp ở chỗ sâu xa là nhiều nước Âu châu, như Anh hay Ireland và Tây Ban Nha cũng có bong bóng đầu tư địa ốc và trái bóng của họ tương đối còn lớn hơn của Mỹ. Họ bị khủng hoảng vì nhiều lý do nội tại ở bên trong chứ không vì bị hiệu ứng vỡ nợ tại Hoa Kỳ. Vì vậy, ta cần tìm ra giải đáp ở chỗ khác.

 

Hiện tượng bong bóng đầu cơ  


000_DV1069637-250.jpgCác nhà đầu tư đang theo dõi các màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán Đức hôm 01/11/2011. AFP photo  


Việt Long: Ông nêu ra một nghi vấn đáng chú ý là vì sao mà Âu Châu và Hoa Kỳ lại có hiện tượng bong bóng đầu tư hay đầu cơ trên thị trường bất động sản? Lý do đáng lưu ý là về sau Việt Nam và Trung Quốc cũng có hiện tượng bong bóng. Người ta giải thích thế nào về vụ này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nêu hai vấn đề để biết thận trọng về phương pháp nghiên cứu trước những loại vấn đề quá phức tạp.

- Đầu tiên, hơn 80 năm trước đã có vụ sụt giá cổ phiếu tại Mỹ vào tháng 10 năm 1929. Sau vụ sụt giá là trận Tổng khủng hoảng 1929-1933 với hậu quả kéo dài đến Thế chiến II vào năm 1939. Phải khá lâu sau đấy người ta mới hiểu ra từng diễn biến trước sau để thấy rằng không phải nạn sụt giá cổ phiếu mà chính là các kế hoạch ứng phó sau đấy mới gây ra Tổng khủng hoảng kéo dài và lan rộng qua xứ khác. Đó là hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường" của các liều thuốc đổ bệnh. Nói như vậy để ngày nay ta nhìn ra liều thuốc đổ bệnh khi Việt Nam ào ạt bơm tín dụng nhằm kích thích kinh tế với hậu quả là bong bóng địa ốc và khủng hoảng ngân hàng vì nợ xấu.

- Điều ấy dẫn ta đến vấn đề thứ hai là sai lầm về phương pháp nhận định. Đó là hiện tượng gọi là "post hoc", nôm na là "trước-sau". Người ta cứ tưởng rằng việc gì xảy ra trước thì là nguyên nhân của chuyện xảy ra sau. Thí dụ dễ hiểu là cứ thấy con gà gáy rồi mặt trời mới mọc thì người ta kết luận sai rằng nhờ gà gáy nên mặt trời mọc. Người ta có thể lầm lẫn về tương quan nhân quả hoặc nhận vơ về những thành tích không có.

- Sau khi đã nhìn ra bối cảnh như vậy mình mới nói về cái nhân của vụ khủng hoảng khiến nhiều cơ sở đã theo nhau vỡ nợ như một dây chuyền. Cái nhân ở đây chính là chuyện mắc nợ.

Việt Long: Ông đã dành một thời gian rất dài để dần dần nói đến cái nhân của mọi sự là nợ nần? Phải chăng, ông hàm ý là cả Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản ngày nay đều bị điêu đứng vì vay nợ quá nhiều? Và sau ba khối kinh tế tiên tiến này thì nhiều xứ khác, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, cũng có thể bị những tai họa tương tự?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với thời gian thì mình cũng có thể sáng mắt ra sau khi tự hỏi là vì sao lại vỡ nợ? Câu hỏi ấy dẫn tới vấn nạn kế tiếp là vì sao lại đi vay tới mức không trả được nợ?

- Một tiêu chuẩn đo lường mức vay nợ là so sánh với Tổng sản lượng GDP. Ta hãy khởi sự kể từ sau Thế chiến II với nhóm G-7 là bảy nước công nghiệp hàng đầu của thế giới, gồm có Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Nhật Bản, và với gánh nợ của nhà nước mà ta gọi là "công trái". Yêu cầu tái thiết sau chiến tranh khiến gánh nợ vượt 110% Tổng sản lượng kể từ năm 1950. Nhưng sau đó giảm đều, 25 năm mới xuống tới 35% GDP, vào năm 1975. Thế rồi từ đấy, các nước lại vay mượn quá nhiều, tới năm 2007 thì gánh nợ vượt 80% và khủng hoảng bùng nổ. Khi biến động xảy ra, nhóm G-7 lại tăng chi để kích thích kinh tế khiến gánh công trái đã vượt 120% của GDP, còn cao hơn thời tái thiết hơn 60 năm về trước. Gánh công trái bùng phát trong một chu kỳ dài hơn 30 năm và khi đến hồi phải trả nợ thì mọi sự đều đình đọng. Đó là nguyên nhân sâu xa nhất.

- Nhưng giai đoạn chồng chất nợ nần ấy cũng là thời tăng trưởng ngoạn mục nhờ lãi suất thấp. Chính là lãi suất thấp khiến người ta càng dễ đi vay. Thị trường gia cư chứng kiến hiện tượng lạc quan hồ hởi đó. Lãi suất rẻ và chính sách khuyến khích dân chúng vay tiền mua nhà có khi vượt quá khả năng trả nợ đã thổi lên trái bóng bất động sản và làm nhà cửa lên giá. Khách nợ có ngôi nhà lên giá đã lại thế chấp tài sản này để vay thêm. Như riêng trong năm 2005, dân Mỹ vay thêm 720 tỷ đô la chỉ nhờ trị giá căn nhà, và 720 tỷ là số tiền kích thích tiêu thụ còn lớn hơn biện pháp kích cầu của chính phủ sau này. Nhưng khi căn nhà sụt giá và khách nợ phải bóp bụng trả tiền thì mọi sự đều sụp đổ. Thế rồi tư nhân dành dụm chừng nào để trả nợ thì chính quyền lại tăng chi chừng đó để kích thích kinh tế và gánh nợ từ khu vực tư đã chuyển qua khu vực nhà nước.

Việt Long: Ông nhắc đến trái bóng gia cư tại Mỹ, còn tại Âu châu thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cũng gặp hiện tượng đó mà còn trầm trọng hơn.

- Âu châu cũng có bong bóng gia cư địa ốc, lại còn gặp sự lạc quan hồ hởi khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, các nước Đông Âu được bung ra tái thiết và phát triển theo kinh tế thị trường. Rồi việc thống nhất tiền tệ từ năm 1999 khiến nhiều quốc gia vay mượn quá khả năng thanh toán để thi hành chính sách kinh tế bao cấp. Nhưng Âu châu khó tìm ra giải pháp cứu nguy vì đã thống nhất thương mại giữa 27 thành viên của Liên hiệp Âu châu và về tiền tệ giữa 17 hội viên của khối Euro mà chưa thống nhất về chính trị hoặc ít ra về chính sách công chi thu chung giữa các hội viên với nhau.

- Đã thế, chủ trương kinh tế bao cấp trong nhiều thập niên còn dựng lên rào cản cho việc cải cách thị trường lao động để nâng mức cạnh tranh. Nếu 17 nước trong khối Euro cố duy trì hệ thống tiền tệ thì có khi gây rạn nứt cho cả Liên Âu. Nhìn vậy thì Âu châu bị khủng hoảng vì cái nhân tự tại ở bên trong, và biến động từ Hoa Kỳ chỉ là cái duyên mà thôi.


Chuyện nợ nần  


044_B37572114-250.jpg
Ảnh minh họa một ngôi nhà được làm bằng các tờ tiền giấy Euro. AFP photo  

Việt Long: Còn trường hợp Nhật Bản thưa ông, xứ này mới có mức vay mượn cao nhất trong khối công nghiệp hoá, vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì dân Nhật có chính sách kinh tế bao cấp nhất nhằm bảo vệ tình liên đới trong một xã hội thuần chủng và quyết liệt gìn giữ tinh thần tôi xin gọi là "rau cháo có nhau". Họ có sức tiết kiệm rất cao và dân chúng cho nhà nước vay tiền để duy trì tình trạng đó. Nhật đã bị bể bóng từ 20 năm trước nên kinh tế suy trầm bảy lần liền. Chính quyền xứ này vay tiền của dân, chứ không vay nước ngoài, để tiếp tục chống đỡ một cách tuyệt vọng với gánh công trái đã cao hơn 240% Tổng sản lượng GDP và tình trạng này không thể tiếp tục nên người ta còn chờ đợi một hiệu ứng Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba của thế giới, cho kinh tế toàn cầu.

Việt Long: Câu hỏi sau cùng thưa ông, rồi đây tình hình các nước đang phát triển sẽ ra sao khi mà các nền kinh tế công nghiệp hoá đang phải thắt lưng buộc bụng để trả nợ sau mấy chục năm vay mượn quá nhiều?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để thoát hiểm, khối công nghiệp hoá nói chung đều cắt lãi suất tới sàn, tức là mấp mé 0%. Hậu quả bất lường cho các nước đang phát triển là họ dễ nhập khẩu chính sách tiền rẻ, là cũng lại đi vay và tiếp nhận đầu tư nước ngoài để rồi thổi lên bong bóng đầu tư trong khi xuất khẩu sa sút vì thị trường nhập khẩu của Âu-Mỹ-Nhật đều sẽ giảm. Các nước này chỉ có hy vọng vượt qua nguy khốn nếu có chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, bớt được phản ứng đi vay và tránh được nạn bong bóng đầu tư. Những nước có chính sách vĩ mô lỏng lẻo nhất thì dễ bị lạm phát, khủng hoảng ngân hàng trong khi vẫn lãnh nguy cơ suy trầm.

- Nói chung thì cơ sự ngày nay có nguyên nhân lâu dài từ mấy chục năm trước nên tình hình khó khăn cũng kéo dài mất nhiều năm, và dài nhất kể từ vụ Tổng khủng hoảng 80 năm trước. Gặp hoàn cảnh đó mà cứ tiếp tục đi vay và gây thêm bội chi ngân sách thì người ta chỉ lao về phía trước, vào trong một vực thẳm còn nguy ngập hơn. Chúng ta mong rằng cuộc tranh cử hiện nay tại Hoa Kỳ có thể làm sáng tỏ vấn đề để lãnh đạo chọn hướng giải quyết khác, nhưng riêng tôi thì chẳng mấy lạc quan trước một vấn đề quá sâu xa mà thế hệ ngày nay có khi đã quên mất nên cứ chỉ đòi giải pháp dễ dãi rồi sẽ lại đánh bùn sang ao.

Việt Long: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Thứ Ba, tháng 8 28, 2012

Viễn Kiến và Tự Thân


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston, Ngày 120825

Tranh Đua về Viễn Kiến Trong Kinh Tế

* Trí thức đây ư? *
 


Với Đại hội của đảng Cộng Hoà tại Tampa trong cơn bão tố theo nghĩa đen, tuần này cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ mới đi vào cao điểm, trước khi đến Đại hội đảng Dân Chủ tại Charlotte của North Carolina vào mùng ba tới. Được yêu cầu phân tích về sự khác biệt giữa hai đảng, bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa lại viết qua... vai trò của trí thức và những viễn kiến về xã hội. Rất thấm thía.


Khi nghe hoặc đọc thấy câu "quốc gia hưng vong - thất phu hữu trách", nhiều phần ta chờ đợi một liên từ như cái mưỡu hậu: "huống hồ". Chuyện hưng vong của quốc gia thì đến kẻ thất phu còn phải gánh vác - huống hồ người trí thức. Thí thức thì mới sẵn thành ngữ Hán-Việt kiểu đó!

Mà hình như là sự khác biệt mặc nhiên giữa quần chúng thất phu và thiểu số trí thức ưu tú là điều đã được nhiều người chấp nhận, kể cả đám "thất phu". 

Thật ra, hiện tượng này không là đặc tính riêng của các xã hội bị ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Xưa nay, nhiều xã hội Đông Tây cũng từng mong là được bậc "Triết Vương" cai trị. Đó là các Philosopher Kings, loại đại trí thức có viễn kiến và khả năng làm cho quốc thái dân an.

"Nghiêu Thuấn" là giấc mơ của nhân loại nói chung, Hoa Kỳ chẳng là ngoại lệ. Cuộc tranh cử Tổng thống đang dựng lên chân dung Nghiêu Thuấn với lời ám chỉ - quảng cáo bạc triệu - rằng bên kia gian ác gần bằng Kiệt Trụ.

Xin hãy tạm để các ứng cử viên trong trò tuyên truyền đó mà trở về chuyện "thí thức" vì họ mới ưa kẻ râu vẽ bùa cho các lãnh tụ.  

Trí thức đã đành là có kiến thức, nhưng còn vận dụng tư tưởng và suy luận để làm thay đổi xã hội hay quốc gia, hay cả thế giới. Một chuyên gia về khoa học vật lý hay nhân văn chưa chắc đã là trí thức nếu, ngoài nghề nghiệp riêng, họ không quảng bá tư tưởng để ảnh hưởng đến người khác. Các xã hội độc tài thường nghi ngờ và đàn áp trí thức. Xin miễn bàn về hiện tượng đó mà nói về xã hội tự do. Trong các xã hội tự do, ai cũng muốn thăng tiến cuộc sống. Trí thức là người khát khao ước vọng chính đáng ấy của xã hội, cho xã hội, và có quyền được lên tiếng.

Nhờ có kiến thức gọi là hơn người, họ hiểu ra sự bất toàn của xã hội con người và muốn thay đổi. Trong cách vận động sự thay đổi này, họ có thể đi vào hai ngả.

Có người cố tìm ra giải pháp ít tệ nhất để rồi tuần tự cải thiện sự bất toàn. Xã hội tự do và quyền dân chủ cho phép xuất hiện các giải pháp cải thiện. Đấy là loại trí thức bi quan về tình trạng thiếu hoàn hảo của xã hội mà lạc quan về khả năng cải tiến của con người. Họ tham gia vào việc đó, nhưng chỉ là loại "thường thường bậc trung". Vì bên kia đường lại có loại trí thức ưu việt.

Thành phần này lạc quan hơn về hoàn cảnh của xã hội mà trong đó họ có sứ mạng tự nhiên. Sở dĩ xã hội bất toàn là vì loại lý do thuộc về định chế, như nạn bất công hay bóc lột chẳng hạn. Họ sẽ làm cách mạng để cải tạo tất cả. Khác biệt ở đây là viễn kiến của hai thành phần.

Những người như Jean Jacques Rousseau hay Karl Marx có viễn kiến lạc quan rằng nghĩ là họ tìm ra nguyên nhân của sự bất toàn - "người coi người như thú" - và chủ trương tiến hành cách mạng để giải trừ nguyên nhân đó. Còn lại, nếu từ viễn kiến của Rousseau mà thiên hạ lại gặp Robespierre hoặc từ giấc mơ của Marx mà xuất hiện những tên đao phủ tập thể như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông hay Pol Pot thì đấy là chuyện khác.

Ngược lại người trí thức tầm thường kia thì đi tìm giải pháp cải lương. Có khi bị đả kích là bảo thủ hay phản động, họ có thể tự an ủi là không vì lý tưởng cao đẹp mà biện minh cho bọn sát nhân!

Thật ra, khác biệt không chỉ về xã hội quan mà về vai trò của trí thức. Thành phần trí thức chủ trương cách mạng theo viễn kiến lạc quan thì tin vào vị trí ưu việt tự nhiên của họ. Nhiều nghệ sĩ Hollywood cũng tự nghĩ là trí thức kiểu đó nhờ ảnh hưởng của họ với quần chúng.

Trở lại chuyện kinh tế và tranh cử của nước Mỹ, Hoa Kỳ đang gặp ba loại vấn đề.

Trước mắt là thất nghiệp quá cao; lâu dài hơn thì có nạn bội chi ngân sách quá nặng; và trong trường kỳ, mươi năm nữa là sự phá sản của hệ thống an sinh xã hội vì tỷ lệ người đi làm và góp tiền cho quỹ hưu bổng và y tế ngày càng ít hơn người thụ hưởng. Một lý do chìm sâu bên dưới là sự chuyển dịch chậm rãi mà hãi hùng của dân số.

Một thí dụ về sự bất toàn của xã hội Hoa Kỳ là tình hình nhân dụng hay lao động.

Khoảng triệu rưởi thanh niên dưới 25 tuổi đã tốt nghiệp cao đẳng (bốn năm sau trung học) mà vẫn thất nghiệp hoặc làm việc bán thời như học sinh trung học, một tỷ lệ "khiếm dụng" là 53,6%. Trong khi ấy, người ở tuổi 55 trở lên (55+, thành phần "Babyboomer" sinh sau Thế chiến II, từ 1946 đến 1964) cứ... bám lấy thị trường lao động. Từ vụ Tổng suy trầm cuối năm 2007 đến nay, số việc làm của mọi lứa tuổi đã có lúc sụt mất tám triệu và nay vẫn thiếu bốn triệu, trong khi thành phần 55+ và có việc làm thì tăng thêm bốn triệu người.

Theo quy luật "hơn bù kém" (zero sum game), hoặc mọi người cùng chia một cái bánh, người này ăn thì kẻ kia nhịn – là viễn kiến phổ biến của các thí thức có sứ mạng cứu đời – vì sao người già chẳng chịu về hưu để nhường chỗ cho con trẻ? Bọn cao niên này là có tội "cố đấm ăn xôi"?

Lý do tất nhiên không thể là một hình thái đấu tranh giai cấp hay tuổi tác mà là sự đổi thay chậm rãi của dân số khiến tuổi thọ kéo dài mà nhu cầu của thị trường lao động cũng thay đổi.

Từ vụ Tổng suy trầm 2007, sự thay đổi ấy còn dẫn đến nạn "lệch khớp cung cầu về tay nghề".

Đã đành rằng thành phần trẻ, có trình độ thấp hơn trung học và thiếu tay nghề, bị thất nghiệp nặng nhất (gần 18% năm 2011) và phải về sống với phụ huynh. Nhưng thành phần trung học lại bị lớp người cao đẳng giật mất việc làm; mà ngay trong những người đã qua bốn năm cử nhân hay kỹ sư vẫn phải tìm loại việc loại thấp hơn khả năng và kiến thức. Ví dụ nôm na là tốt nghiệp cử nhân mà phải đi làm thư ký văn phòng. Họ bị những người thuộc trình độ cao học sau cử nhân giành mất việc!

Nhiều công trình nghiên cứu độc lập, thí dụ gần nhất là của Ngân hàng Dự trữ Chicago vào Tháng Bảy, cho thấy Hoa Kỳ tốn tiền đào tạo quá nhiều người có bằng cấp mà không thích hợp với yêu cầu của một thị trường đã thay đổi.

Hiện tượng ấy không thể được giải thích bởi loại lý luận đấu tranh giai cấp hoặc được giải quyết bằng biện pháp nhà nước bơm tiền kích thích. Và nó sẽ còn kéo dài khiến nạn thất nghiệp khó giảm dưới mức trung bình là hơn 8% hiện nay.

Trở lại lớp cao niên 55+ với cái tội "cố đấm ăn xôi" không chịu nhường chỗ cho lớp trẻ. Họ đã đóng góp cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, chưa muốn và chưa thể về hưu ngay. Nhưng họ cũng chờ đợi là đến ngày nghỉ thì phải có quyền lợi hưu bổng xứng đáng. Trong khi chờ đợi, nhu cầu y tế và thuốc men cho sức khoẻ của họ sẽ chỉ có tăng.

Khi ấy ta mới nhìn vào quỹ An sinh Xã hội Social Secority  và Bão dưỡng Y tế Medicare. Chuyện hưu bổng sẽ khiến quỹ SS bị hụt vì hiện nay rồi, cứ hai người đóng góp thì đã có một người hưởng. Mà tình hình y tế còn nguy ngập hơn nhiều vì chi phí bảo dưỡng sẽ còn tăng. Giới quản trị quỹ y tế này dự đoán một vụ vỡ nợ trong 12 năm tới nếu không có cải cách.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống, mãi rồi đảng Cộng Hoà mới nhìn ra vấn đề. Không thể cứ phê phán thành tích quá kém cỏi của Chính quyền Barack Obama, họ phải trình bày một viễn kiến về tương lai của nước Mỹ, trước hết là về những giải pháp cải cách để vượt qua tình trạng nguy khốn hiện nay. 

Phía Dân Chủ thì đã minh chứng viễn kiến của họ. Dù có một lực lượng trí thức – và cả nghệ sĩ trình diễn – bênh vực cái nhìn này, nó vẫn chưa có sức thuyết phục. Mà chỉ gây thêm tranh giành và phân hoá trong xã hội Mỹ. Sở dĩ như vậy vì ai ai cũng đồng ý là phải tăng thuế để lấy tiền cứu nguy ngân sách. Miễn là tăng thuế của ai khác chứ không được sờ vào khoản phúc lợi của mình.

Vì vậy, người ta có thể theo dõi cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ khi nhìn vào nội dung phát biểu của thành phần trí thức để biết rằng họ đứng ở đâu, nghĩ gì về chính họ. Buồn và cười!

Chết Lâm Sàng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120827
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

 Một thành tích bất ngờ của Việt Nam là "Năng Suất Tham Ô"


 * Những con rồng thẳng cẳng *


Bài viết này sẽ ngắn gọn tổng hợp một số dữ kiện về kinh tế, nhưng để nói về vụ khủng hoảng chính trị tại Việt Nam.

Sau cả chục năm gần như mỗi ngày có mặt trên trang nhất của thời sự quốc tế, vì một cuộc chiến có sự tham dự của Hoa Kỳ, Việt Nam đã trôi vào lãng quên đến hai chục năm, từ 1975 đến 1995. Năm 1995 là khi Hà Nội tái lập bang giao với Hoa Kỳ. Đấy cũng là khi Việt Nam thật sự đổi mới kinh tế sau những dọ dẫm và cố gắng nửa vời. Nhìn lại thì 10 năm đầu sau chiến tranh là 10 năm lãng phí và khủng hoảng do sự hoang tưởng của ý thức hệ nên lãnh đạo Hà Nội mới phải cải cách về kinh tế mà chưa biết thế nào là đúng là sai. Hai chục năm sau thì mới khác, từ 1995.

Việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ cuối năm 2001 rồi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục so với quá khứ của Việt Nam. So với các quốc gia khác, đà tăng trưởng khoảng 7% một năm chỉ là sự thường khi kinh tế chuyển hướng theo quy luật thị trường, hãy hỏi người dân Đông Á thì biết. Nhưng cũng từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu trôi vào giông bão.

Và tuần qua, nếu thời sự quốc tế lại nhắc đến Việt Nam thì chẳng là về thành tích kinh tế mà vì một vụ khủng hoảng chính trị. Đó là việc bắt giữ một đại gia nhiều thế lực....

Năm 1995 là khi Tổng sản lượng Việt Nam vượt qua dấu mốc đáng nhớ là 20 tỷ Mỹ kim một năm, lên gấp đôi vào năm 2003, rồi gấp đôi tức là 80 tỷ vào năm 2007, và đạt mức trăm tỷ vào năm 2009. Hiện nay, Tổng sản lượng xứ này ở gần 130 tỷ đô la, chia cho dân số là 90 triệu thì người dân thật ra vẫn còn thuộc loại nghèo. Nhưng đà tăng vọt từ hai chục tỷ lên gấp sáu trong khoảng thời gian từ 1995 đến nay là điều đáng mừng. Sau quá nhiều hoạn nạn vì chiến tranh và cách mạng, người dân xứng đáng được hưởng một cuộc sống khác.

Khi hỏi các kinh tế gia, họ cho biết là từ 1996 đến năm 2000, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 6,9% một năm, tức là mỗi năm lại sản xuất thêm được một lượng sản vật bằng 6,9% của năm trước. Qua giai đoạn 2001-2005 thì đà tăng trưởng còn lên tới 7,5% một năm với viện trợ và đầu tư nước ngoài được ồ ạt trút vào trong sự hồ hởi chung. Đấy cũng là một đòn bẩy đã tạo nên sức bật huy hoàng này.

Nhưng ngẫm lại thì Việt Nam có hy vọng khởi phát tương tự Đài Loan hay Nam Hàn nửa thế kỷ về trước. Qua giai đoạn 2006-2010 thì mức bột phát ấy đã khựng, còn khoảng 7,1% một năm và tới năm 2011 thì chỉ còn 5,9%. Tình hình năm nay sẽ là đáng ngại, chỉ ở khoảng 4,3-4,5% mà thôi. 

Câu hỏi nhiều người muốn biết là vì sao Việt Nam đã ôm viễn ảnh rồng cọp kinh tế rồi lại như kỳ nhông cắc ké? Câu trả lời đơn giản là "kinh tế cũng là chính trị".

Thật ra, lãnh đạo Việt Nam không phát minh ra cây đũa thần kinh tế để thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin đã phá sản. Việt Nam chỉ áp dụng chiến lược Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn rồi Trung Quốc, là lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng.

Dù là một quốc gia có nhiều tài nguyên, ít ra là hơn ba nước Đông Á dẫn đầu nói trên, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập cảng nguyên nhiên vật liệu, tái chế biến với một số trị giá gia tăng để bán ra ngoài. Như vậy, nền kinh tế này chỉ làm gia công và nhập cảng vẫn là chủ yếu, thường xuyên. Nhưng lại tăng vọt trong năm năm gọi là ngoạn mục nhất, từ 2006, nên hàng năm vẫn bị nhập siêu, nhập nhiều hơn xuất, trung bình mỗi tháng một tỷ đô la.

Muốn kinh tế tăng trưởng, người ta phải tiết kiệm tiêu thụ mà dùng tài nguyên đó đầu tư cho sản xuất với hy vọng tạo thêm tài nguyên của cải cho sau này. Việt Nam phải đầu tư rất nhiều để có mức tăng trưởng ngoạn mục đã qua. Từ khoảng 35% tổng sản lượng trong các năm 1996-2000, tỷ lệ đầu tư của Việt Nam đã vượt 43% trong các năm 2006-2010. Nếu nhớ lại thành tích vừa trình bày ở trên, khi Việt Nam phải đầu tư nhiều nhất thì cũng là lúc đà tăng trưởng giảm sút.

Nghĩa là gắng sức đầu tư mà kém hiệu năng, tức là một vấn đề về chính sách.

Các sinh viên kinh tế nhập môn đều biết đến tỷ số ICOR: phải đầu tư cỡ nào để gia tăng được một đơn vị sản xuất? Các nước Đông Á đầu tư ba phần thì ăn được một, Việt Nam phải mất gấp đôi, với tỷ số ICOR là 6.

Người ta có thể tìm lý do châm chước là vụ Tổng suy trầm kinh tế toàn cầu trong các năm 2008-2009. Nhưng lý do chính sách ở đây là tín dụng. So với năm 2000 thì lượng tín dụng đã tăng gần 14 lần vào năm 2010 với kết quả là nâng gấp đôi sản lượng trong 10 năm đó. Xin hãy nhớ đến tỷ số 14/2 như một cách tính nhẩm về sự phi lý tại Việt Nam.

Thật ra, lý do chính sách ở đây chỉ là chính trị.

Vì đấy là lúc mà các đại gia ngân hàng tung hoành. Họ có thể vay tiền mua đất, chơi stock và sát nhập công ty để bành trướng thế lực như trong một bàn cờ Monopoly của trẻ nít. Nền kinh tế có năng suất kém vì phải đầu tư nhiều, với hiệu năng quá thấp, lại sản sinh ra một thành phần thiểu số cực kỳ giàu có, họ còn trơ trẽn phô trương sự giàu có này như những tấm gương thành công! Thế hệ trẻ mà nhìn vào đó như mẫu mực thì xã hội lâm nguy, là điều đã xảy ra. Sa đọa xã hội đã bùng nổ.

Ngày nay, mọi người đều thấy các "trung tâm sản nhập" là tập đoàn kinh tế nhà nước kiểu Vina, như Vinashin hay Vinalines. Sản nhập vì thu vào một nhập lượng cực lớn để cho ra một xuất lượng thấp hơn. Phần sai biệt mà kế toán gọi là lỗ lã thì chảy vào trong túi một thiểu số. Ở vòng ngoài là các đại gia có quan hệ với đảng viên cán bộ cao cấp để mở ra thị trường "tư doanh nhập nhằng" và kiếm tiền vô tội vạ. Tư doanh nhập nhằng vì chỉ là của tư nhân trên danh nghĩa, về thực chất thì đấy là mạng lưới kinh doanh của lãnh đạo.

Việt Nam đã định chế hóa sự tham ô qua chính sách quản lý quái gở đó.

Khi người dân công phẫn về nạn cướp đất của đám cường hào ác bá và bất mãn về tình trạng tham nhũng tràn lan, lãnh đạo bắt đầu nói đến chỉnh đảng và giải trừ tham nhũng. Với kết quả là hai hệ thống truy lùng tham nhũng song hành - của đảng và của nhà nước, do viên Thủ tướng vẫn đòi lãnh đạo. Khi những người tham ô nhất nước mà cầm đầu việc diệt trừ tham nhũng trong hàng ngũ bên kia thì người ta biết kết quả sẽ ra sao.

Việt Nam đã đạt năng suất tham ô tới hạng siêu phàm nên đang lâm vào khủng hoảng chính trị.

Chi tiết hình sự hữu duyên là kẻ bị bắt có khi đang được bảo vệ để khỏi bị phe phái của chính anh ta "tự tử", hoặc lặng lẽ thủ tiêu để khỏi thành thật khai báo nhiều quá!

Nhưng còn đời sống kinh tế của người dân? Xin hãy nhìn lên núi nợ khó đòi và sẽ mất của hệ thống ngân hàng. Nợ thối là bao nhiêu, bao giờ sẽ ụp xuống đầu, không ai biết! Hoặc liếc qua chuyện doanh nghiệp phá sản, sống chết ra sao và bao nhiêu còn ngáp ngáp, cũng chẳng ai biết!

Cuộc khảo sát hồi Tháng Sáu vừa qua của Tổng cục Thống kê có cho thấy một phần của sự quái đản ấy. Có 9.331 doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và có vốn nước ngoài được phỏng vấn về tình hình kinh doanh trong 15 tháng trước, tính đến trung tuần Tháng Năm vừa qua. Kết quả là 8,4% trong số này đã phá sản hay âm thầm đóng cửa. Bị thiệt hại nhất là tư doanh với tỷ lệ xập tiệm là hơn 9%. Lý do nghiêm trọng nhất là bị lỗ vì kém năng suất, thiếu vốn kinh doanh và không thể cạnh tranh nổi! Đấy chỉ là một "dân số mẫu" của thống kê.

Thực tế thì trong 623 ngàn doanh nghiệp có khai báo vào cuối năm 2011, có hơn 200 ngàn cơ sở đã tiêu vong. Còn lại, "chết lâm sàng" như người ta nói thì chẳng ai rõ là có bao nhiêu. 

Phải chăng "chết lâm sàng" là... bệnh hay lây và đã lên tới não bộ của đảng?

Thứ Sáu, tháng 8 24, 2012

Mùa Biển Động


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120824

Những Cơn Giông Bão Trước Mắt

* Kềm và Kẹp - Tuần duyên Nhật chặn tầu Trung Quốc vào đảo Senkaku do Nhật Bản đang quản lý *


An ninh và kinh tế, nguy cơ nào là nặng hơn cả? Câu hỏi này đáng được chú ý khi chúng ta nhìn vào khung cảnh đầy giông bão hiện nay.

Gần năm năm sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, kinh tế thế giới sẽ gặp nguy cơ suy trầm lần nữa. Theo định nghĩa thông thường, suy trầm hay recession là khi đà tăng trưởng sản xuất bị chậm lại trong sáu tháng liền (hai quý liên tiếp). Nặng hơn thì có nạn suy thoái, là depression. Vấn đề là người ta thường chỉ biết rằng kinh tế có suy trầm hay không sau một khoảng thời gian, trước đó thì chỉ là dự đoán, với xác suất đúng hay sai khó ai biết được.

Lần trước, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 cho đến Tháng Bảy năm 2009.

Sau đó, sức phục hồi lại không đủ mạnh để đẩy lui thất nghiệp dù đã có hàng loạt biện pháp bơm tiền để kích thích. Đó là các biện pháp xuất phát từ ngân sách quốc gia qua nhiều dự án công chi và từ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Chính sách ấy là hạ lãi suất gần tới số không, hai lần nâng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing hay QE) và hai đợt can thiệp vào thị trường trái phiếu (bán loại dài hạn để mua loại ngắn hạn) nhằm hạ lãi suất dài hạn hơn nữa. Biện pháp tiền tệ của hệ thống ngân hàng trung ương chưa đạt kết quả trong khi biện pháp ngân sách lại nâng mức bội chi đến kỷ lục với hậu quả là Hoa Kỳ còn mắc nợ nhiều hơn trước. Nhiều nhất kể từ 43 đời tổng thống của xứ này.

Vấn đề bội chi hay khiếm hụt ngân sách đã gây tranh luận trong chính trường từ năm 2010 với kết quả là nạn ách tắc chính trị trong Quốc hội. Những thoả thuận tạm bợ ngày mùng năm Tháng Tám năm ngoái sẽ hết hạn vào cuối năm nay và nếu lãnh đạo chính trị không tìm ra giải pháp, thì từ đầu năm 2013, kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào vực thẳm ngân sách (fiscal clift) hay khủng hoảng thuế khóa (Tax Armageddon) vì công chi sẽ giảm và thuế sẽ tăng.

Tuần qua, cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội về ngân sách quốc gia gọi là Congressional Budget Office hay CBO đã công bố dự báo cho năm tới: sẽ bị suy trầm nữa nếu không có giải pháp thỏa đáng về giảm chi và tăng thuế. Nội dung của các giải pháp này trở thành đề mục tranh cử và gây sôi nổi trong dư luận mà không làm sáng tỏ được một vấn đề: Hoa Kỳ không thể tiếp tục tăng chi như xưa.

Cùng dự báo u ám của CBO, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng công bố biên bản phiên họp trước của ủy ban tiền tệ và tín dụng FOMC theo đó, một biện pháp QE thứ ba có thể được tiến hành trong thời gian tới, có khi vào Tháng Chín này, để đẩy lui nguy cơ suy trầm.

Chúng ta đang thấy kết tụ nhiều tầng mây đen trên nền trời u ám. Nhưng tình hình thực tế lại còn nguy ngập hơn vậy vì bên kia Đại Tây dương, kinh tế của 17 quốc gia trong khối Euro sẽ bị suy trầm nữa. Thực tế thì đầu máy kinh tế của khổi Euro và toàn thể 27 quốc gia của Liên hiệp Âu châu là nước Đức có thể đã suy trầm rồi. Sau kết quả èo uột của năm nước bị khủng hoảng trong khối Euro nếu Đức cũng bị suy trầm thì toàn cầu sẽ điêu đứng, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nghĩa là kinh tế thế giới sẽ lại bị suy trầm lần nữa, kể từ đầu năm tới.....

Nhưng viễn ảnh đó – có suy trầm hay không - vẫn chưa nguy ngập bằng những gì đang xảy ra ngoài Đông hải của Trung Quốc (vùng biển Đông Bắc Á) và Đông hải của Việt Nam (vùng biển Đông Nam Á). Bị chìm đắm trong các vấn đề nội bộ, Hoa Kỳ chưa chú ý đến nguy cơ này và thật ra chưa thể có đối sách thỏa đáng cho đến sau cuộc bầu cử và khi chính quyền mới sẽ thành hình với nội các và nhân sự khác. Khoảng trống này là cơ hội mà nhiều nước không để lỡ.

Tại khu vực Đông Bắc Á, tranh chấp bùng nổ từ vùng Biển Okhotsk đến Biển Nhật Bản xuống Eo biển Đài Loan và chuỗi quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu). Chúng ta cần trở lại lịch sử thì mới hiểu ra chuyện ngày nay.

Khi Nhật Bản đầu hàng Hoa Kỳ ngày 14 tháng 8 năm 1945 sau mấy thập niên tung hoành ngoài Đông Á và gây đại chiến trên biển Thái bình dương, Liên bang Xô viết liền chiếm bốn đảo nhỏ trên dãy quần đảo ở mạn cực Bắc của nước Nhật. Đó là các đảo Kuril Island hay Chishima Retto nói theo tiếng Nhật (Thiên Đảo Liệt Đảo). Hôm 15 vừa qua, Nga tuyên bố sẽ đưa bốn chiến hạm vào khu vực tranh chấp đó, trước sự phản đối của Tokyo mà ít ai nghe.

Vì cùng lúc lại bùng nổ mâu thuẫn giữa Nam Hàn và Nhật Bản. Đánh dấu ngày Nhật đầu hàng, hôm mùng 10 vừa qua, Tổng thống Nam Hàn là Lý Minh Bác bất ngờ tới thăm các đảo Dokdo nhỏ xíu do Nam Hàn quản lý mà Nhật Bản nhận là của mình, gọi là Takeshima. Tổng thống Nam Hàn tuyên bố Dokdo (Đông Đảo) thuộc chủ quyền của Đại Hàn.

Biến cố thứ hai là mâu thuẫn về chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên vài đảo nhỏ hiện do Nhật quản lý, là Daioyu (Điếu Ngư Đài theo tiếng Hoa) hay Senkaku theo tiếng Nhật (Tiêm Các Chư Đảo). Tranh chấp bùng nổ vì Nhật bán một đảo cạn ở nơi này cho tư nhân. Người Hoa bèn lẻn vào cắm cờ của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) nên bị Nhật bắt giữ và trục xuất. Dân chúng Trung Quốc biểu tình phản đối Nhật, đập phá nhiều cửa hàng Nhật tại và còn lật một xe hơi Nhật của lực lượng Cảnh Sát! Họ đả kích chính quyền là không bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc khiến Bắc Kinh cho phép biểu tình mà vẫn sợ là dân biểu tình sẽ chửi Nhật mà phản đối chính quyền và đảng!

Khi ba trận bão cùng nổi lên giữa Nhật Bản với Nga, Nam Hàn và Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Kinh bèn kêu gọi ba quốc gia này cùng liên hợp chống Nhật. Cùng một đối sách áp dụng tại khu vực Đông Nam Á, là gây ly gián giữa các nước để truy tìm lợi ích riêng. Dư luận Hoa Kỳ chẳng thèm chú ý đến chuyện đó.

Một số người thì quan tâm đến điểm nóng tại vùng biển Đông Nam Á, ngoài khơi Việt Nam.

Ngày 21 Tháng Sáu, Bắc Kinh quyết định nâng cấp đơn vị hành chánh tại thành phố Tam Sa trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974 sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hoà. Việc Bắc Kinh ngang ngược bất chấp Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã được dư luận Việt Nam nói tới từ lâu, xin khỏi nhắc lại ở đây.

Vấn đề là vì sao những biến cố này lại bùng nổ cùng lúc? Một phần có thể là vì đệ nhất siêu cường hải dương là Hoa Kỳ đang mắc bận với nhiều vấn đề nội bộ, nhưng chỉ một phần thôi.

Lý do còn lại thì có nửa tá.

Người ta hy vọng tìm ra dầu khí dưới thềm lục địa của Đông Hải nên giành lấy chủ quyền trên biển đảo hầu có quyền khai thác năng lượng ở bên dưới. Thật ra, triển vọng ấy còn mơ hồ, càng gần lãnh thổ Trung Quốc thì càng ít, và bề nào cũng đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư rất tốn kém. Thứ hai là sau cả trăm năm đấu tranh giành độc lập và xây dựng quốc gia ở bên trong, đến cuối thế kỷ 20 các nước Châu Á mới bắt đầu để ý đến chủ quyền quốc gia ở ngoài biển. Lý do thứ ba là kinh tế thị trường khiến các nước chỉ hy vọng phát triển qua giao dịch liên lục địa bằng phương tiện hàng hải, nhờ sự bảo vệ của hải quân. Với nhiều quốc gia, nhu cầu phát triển hải quân chưa hề là ưu tiên, ngày nay họ ráo riết thi đua và càng dễ gây va chạm.

Nguy hiểm nhất là tại vùng Đông Nam Á.

Tại khu vực Đông Bắc Á, năm quốc gia liên hệ (Nga, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan) đều có thực lực quân sự đáng nể và cần buôn bán với nhau nên sẽ tránh xung đột. Trong số này, Nga, Tầu, Hàn, Nhật và Đài Loan còn cần đến luồng giao dịch hàng hải tại Đông Nam Á, và vùng biển nối liền Thái bình dương với Ấn Độ dương và các khu vực khác. Quan trọng nhất, bốn xứ Đông Bắc Á đều phải nhập cảng dầu qua biển Đông Nam Á nên dù có tranh chấp với nhau ở mạn Bắc, họ ưu tiên chú ý đến miền Nam, ngoài khơi của Việt Nam và các hải lộ chiến lược như Eo biển Malacca. Đó là lý do thứ tư.

Lý do thứ năm là khó khăn trong nội tình của từng nước khiến lãnh đạo phải khai thác chuyện bên ngoài để khích động lòng dân. Nhật Bản từng là thủ phạm xâm lược tại Đông Á và đã khuất phục cả Nga lẫn Đại Hàn và Trung Quốc, nên Nhật trở thành đối tượng đáng bị tấn công. Nói chung thì xứ nào cũng muốn biểu dương sức mạnh ra ngoài để khỏa lấp những nan đề bên trong, nhưng chẳng ai dám làm liều. Trừ Trung Quốc, nhất là tại khu vực Đông Nam Á có 10 quốc gia nhỏ và yếu hơn các cường quốc Đông Bắc Á.

Thiên triều đỏ có cả năm lý do đã nói ở trên để quậy sóng ngoài Đông hải vì sauhai thế kỷ suy bại, Trung Quốc đang công nghiệp hoá, cần buôn bán với bên ngoài và bảo vệ nguồn cung cấp cùng thị trường xuất cảng. Nhưng lại tiến hành theo kiểu bá quyền phát xít chứ không theo nguyên tắc văn minh của thế kỷ 21, là qua hợp tác và đàm phán. Vì vậy, Trung Quốc đang trở thành vấn đề cho thế giới. Nhưng cũng có những bài toán nội bộ cực kỳ nan giải.

Tổng kết lại, giông bão ngoài Đông hải có thể thổi lên nguy cơ xung đột lớn trong nhiều năm tới do hiện tượng "hậu quả bất lường" - vì lộng giả thành chân hoặc già néo đứt dây. Nhưng còn một kịch bản bất ngờ không kém là Trung Quốc tan rã vì nội loạn. Địa chấn bên trong khiến giông bão bên ngoài có thể tạm êm. Thật ra kịch bản ấy có xác suất ngày một cao hơn.

Gặp trường hợp đó, Việt Nam sẽ làm gì? Hãy tạm quên suy cơ suy trầm kinh tế trên toàn cầu mà nhìn ra nghịch lý của Việt Nam: xứ này cũng có loại vấn đề y hệt Trung Quốc mà lãnh đạo lại vì ý thức hệ lẫn tư lợi mà đứng về phía Bắc Kinh và đàn áp những ai phản đối Trung Quốc.

__________________

Tác giả mượn đề tựa cuốn trường thiên tiểu thuyết "Mùa Biển Động" rất hay của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.