Thứ Bảy, tháng 2 25, 2017

Trung Quốc và mậu dịch Đông Nam Á

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20170222
"Diễn đàn Kinh tế"

Các nước Đông Nam Á giữa mâu thuẫn kinh tế Mỹ-Hoa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi lại sau một bài phát biểu trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ hôm 17 tháng 1 năm 2017.
* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi lại sau một bài phát biểu trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ hôm 17 tháng 1 năm 2017. AFP photo *
 
 


Hôm Thứ Sáu 17, khi chủ trì cuộc hội luận về an ninh quốc gia tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nói tới ba hiện tượng đang chi phối cục diện chính trị Trung Quốc trong năm 2017. Đó là một thế giới đa cực hóa, một nền kinh tế toàn cầu hóa và tiến trình dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế. Mười ngày sau, hôm Thứ Hai 27 tới đây, 16 nước sẽ họp tại Kobe của Nhật để xúc tiến việc đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực, gọi tắt là RCEP, và giữa tháng tới một số quốc gia khác sẽ họp tại Chile ở Nam Mỹ để cứu vãn Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã bị Hoa Kỳ từ bỏ. Khung cảnh ấy khiến người ta tự hỏi về vị trí của các nền kinh tế Đông Nam Á ở bên cạnh Trung Quốc.


TPP và RCEP

Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP trong  đó có nhiều nước Đông Á, Trung Quốc liền thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện của Khu vực Á Châu Thái Bình Dương gọi tắt là RCEP. Khi ấy, các nền kinh tế vừa phát triển tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nên làm gì giữa hai nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới hiện nay là Hoa Kỳ và Trung Quốc? Câu hỏi được đưa ra khi Chủ tịch Tập Cận tuyên bố trong một cuộc hội luận tại Bắc Kinh hôm Thứ Sáu 17 vừa qua rằng năm nay, Trung Quốc phải đối diện với ba hiện tượng là một thế giới đa cực hóa, một nền kinh tế toàn cầu hóa và một trào lưu dân chủ hóa các cơ chế quốc tế. Ông nghĩ sao về những biến cố này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về lời tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông ta muốn nói tới ba thách đố đang đặt ra cho Trung Quốc năm nay và khẳng định theo nét văn hóa bí hiểm của Trung Hoa là sẽ có sự kiên định chiến lược, niềm tự tin chiến lược và sự nhẫn nại chiến lược để nắm bắt cơ hội.

- Thứ nhất, về cái gọi là “thế giới đa cực hóa”, Bắc Kinh nói là hiện nay không quốc gia nào giữ thế độc bá khi Liên hiệp Âu châu đang phân hóa, Liên bang Nga đã suy yếu và Hoa Kỳ còn tràn ngập giữa quá nhiều vấn đề. Sự thật thì có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh muốn nói đến thế lực đang lên của Trung Quốc bên cạnh Hoa Kỳ cho tới nay vẫn là siêu cường mạnh nhất.

Kinh tế Trung Quốc đang bị chững và không thể đạt mức tăng trưởng trên 6% như trước trong khi lại chất lên một núi nợ quá lớn. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thứ hai, về hiện tượng trao đổi toàn cầu thì Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục trong ba chục năm nhờ tự do mậu dịch nhưng ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hụt hơi và có nhiều bài toán nan giải bên trong, khi thế giới bên ngoài đang có phản ứng bảo hộ mậu dịch từ Âu Châu tới Hoa Kỳ cho nên Bắc Kinh cần tới các thị trường bên ngoài để duy trì đà tăng trưởng bên trong.

- Thứ ba, khi Tập Cận Bình nói đến trào lưu dân chủ hóa của các cơ chế quốc tế, thì ta đừng nghĩ đến dân chủ hóa là điều Trung Quốc không chấp nhận. Ông ta chỉ hàm ý là các tổ chức quốc tế thiết lập sau Thế chiến II, như Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, Tòa Án Trọng Tài, v.v… là các định chế Tây phương và ngày nay nhiều quốc gia đang nhân danh chủ quyền của họ mà phủ nhận các định chế ấy. Sự thật thì lãnh đạo Bắc Kinh muốn huy động tâm lý quần chúng trước ba thách đố về an ninh chiến lược là 1/ sức mạnh của Hoa Kỳ, là 2/ yêu cầu phát triển mậu dịch và 3/ việc thành lập các tổ chức mới để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là quyền lợi khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn giữa một thế giới có quá nhiều thay đổi.


Nguyên Lam: Trong khung cảnh chiến lược đang dời đổi như vậy, thưa ông các nền kinh tế chưa phát triển tại Đông Nam Á có thể và nên làm gì? Đây là câu hỏi mà Việt Nam quan tâm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước tiên, ta không nên quên rằng kinh tế Trung Quốc đang có nhiều bài toán nan giải chứ không mạnh như trước, nên Bắc Kinh vẫn rất cần thị trường nước ngoài vì chưa thể trông cậy vào sức tiêu thụ nội địa. Thứ hai, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP, Bắc Kinh chưa thể trám vào khoảng trống đó với Hiệp định RCEP gồm 10 quốc gia của Hiệp hội ASEAN và sáu nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao. Thứ ba, hoàn cảnh của từng nước Đông Nam Á giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có khác nhau nên mỗi quốc gia có thể xoay trở một cách.


Bài toán cho Trung Quốc

Nguyên Lam: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các vấn đề này, trước hết, thưa ông, là về kinh tế Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới quá chú ý tới Hoa Kỳ và chính sách kinh tế hay thương mại của Chính quyền Donald Trump mà nhìn vào Trung Quốc với hy vọng khác. Thật ra, kinh tế Trung Quốc đang bị chững và không thể đạt mức tăng trưởng trên 6% như trước trong khi lại chất lên một núi nợ quá lớn. Ngay trước mắt, thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sụp đổ mà muốn tránh thì họ phải giảm đà tín dụng và mức tăng giá địa ốc. Nhưng hãm đà tín dụng lại gây hậu quả là tăng trưởng chậm hơn, thất nghiệp cao với nguy cơ động loạn xã hội là điều lãnh đạo rất sợ.


- Bài toán nan giải của họ là bơm tín dụng cũng có nghĩa là chuyển tiền của người có tiết kiệm vào thị trường lao động mà lại dẫn đến khủng hoảng tài chính. Mâu thuẫn này cho thấy Bắc Kinh chết kẹt giữa hai giải pháp cùng lưỡng nan: một là thận trọng giảm đà tăng trưởng mà không làm thị trường địa ốc tan vỡ như Nhật Bản và Hoa Kỳ đã từng bị trước đây. Vì những dị biệt lợi tức quá lớn giữa chín tỉnh duyên hải miền Đông với phần còn lại ở bên trong, sự tan vỡ này sẽ còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra cho hai nước kia. Hai là tìm ra hướng phát triển vẫn nhờ thị trường xuất khẩu thì lại tùy thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế khác giữa khung cảnh sa sút của xuất nhập khẩu và phản ứng bảo hộ mậu dịch của cả Liên Âu lẫn Hoa Kỳ.   


22805446337_708f83aa74_k_8abae08b884405c2eaf6f8dc42baa31a-400.jpg
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự buổi thảo luận về Hiệp định RCEP tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22 tháng 11 năm 2015. AFP photo


Nguyên Lam: Chúng ta bước qua vấn đề thứ nhì là sự xoay chuyển trái chiều giữa Hiệp ước TPP không còn nước Mỹ và Hiệp định RCEP đang do Bắc Kinh cổ võ. Thưa ông, các nước Đông Nam Á xoay trở thế nào trong khung cảnh đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự thật đầu tiên là hậu quả của vụ TPP không đến nỗi khủng khiếp như người ta vẫn sợ vì Hiệp ước này chưa thành hình. Mà nếu muốn thành hình thì các nước còn phải tiến hành nhiều bước cải cách quan trọng để tiến tới chế độ thương mại tự do, mở rộng hệ thống cung cấp mới giữa các thành viên với nhau và tháo gỡ nhiều rào cản bên trong về lao động, môi sinh, v.v…. Dù có hay không có Hoa Kỳ, Hiệp ước TPP này vẫn khiến các nước nghèo như Việt Nam và Malaysia phải thay đổi lớn từ nay đến kỳ hạn Tháng Hai năm tới thì mới hưởng lợi nhiều nhờ TPP như đã kỳ vọng. Thứ hai, nếu Hoa Kỳ rút lui thì 11 nước còn lại vẫn xúc tiến Hiệp ước với nhau trong khi từng nước có thể tiến hành hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Cho tới nay mới chỉ có Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Singapore, Malaysia và Thái Lan là có loại thỏa ước song phương hay gần tương tự với Hoa Kỳ. Việt Nam nên chú ý tới giải pháp đó sau hơn 20 cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ. Việc cải cách theo cam kết của TPP là điều cần thiết và có lợi khi sẽ thương thuyết với nước Mỹ về một hiệp ước song phương.


Nguyên Lam: Nếu nhìn như vậy thì các nước đang phát triển trong Hiệp hội ASEAN vẫn còn nhiều cách xoay trở, nhưng phải chăng vì vậy mà lại xoay vào quỹ đạo của Bắc Kinh với Hiệp định Đối tác Toàn diện của Khu vực RCEP?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra hoàn cảnh riêng của từng nước trong Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á khiến có nhiều nước lại vui mừng vì sự thất bại hay trục trặc của Hiệp định TPP. Như Cam Bốt, Indonesia hay Thái Lan và Philippines không mấy vui khi thấy Việt Nam và Malaysia hội nhập vào nhóm 12 nước của TPP và có đầu cầu tiến vào thị trường Hoa Kỳ!

- Thứ hai, dù Hiệp định RCEP với Trung Quốc không đòi hỏi tiêu chuẩn cao như TPP nhưng chưa chắc đã sớm hoàn tất và không phải nước nào cũng sẵn lòng ngả theo Trung Quốc, kể cả trường hợp Việt Nam. Họ vẫn có thể nghĩ đến thị trường Liên Âu và Hoa Kỳ qua ngả thương thuyết song phương giữa khung cảnh rõ ràng là đối đầu về nhiều mặt giữa Tầu và Mỹ.

Là một quốc gia đông dân, có nhân công tương đối còn rẻ và lại có tay nghề thì Việt Nam vẫn còn triển vọng thay thế phần nào vị trí cơ xưởng toàn cầu của Trung Quốc. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Thứ ba, các nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam, cần thấy là họ không nằm dưới tầm nhắm của Hoa Kỳ theo quan điểm của Chính quyền Donald Trump, là điều hoàn toàn khác với Trung Quốc, cho nên vẫn có triển vọng thương thảo với Mỹ chứ không bị cắt cầu mà trôi vào vùng biển động của Bắc Kinh, khi ưu tiên của Trung Quốc dù sao vẫn là xuất khẩu.

- Sau cùng, tôi cho rằng từ nguyên thủy Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam Á là một câu lạc bộ kinh tế với nỗ lực hội nhập thành hình từ năm 1977 và hoàn thành một thỏa ước tự do thương mại với nhau từ năm 1991 và một thỏa ước giải phóng đầu tư từ năm 2000. Nhóm kinh tế này có nhiều khác biệt nhưng vẫn có hy vọng bổ sung cho nhau nếu cố gắng hội nhập thành một khối ở giữa hai thế lực là Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Cơ hội nào cho Việt Nam

Nguyên Lam: Thưa ông, nghĩa là khung cảnh tranh chấp về cả an ninh lẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại còn có thể mở ra một cơ hội khác cho các nước này, kể cả Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hai nền kinh tế Mỹ-Hoa đã giao dịch và hợp tác với nhau trong nhiều thập niên và gần như lập ra một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu giữa đôi bên. Thí dụ như hàng gia dụng hay điện tử, điện thoại di động, hoặc áo quần giày dép, v.v… của Mỹ chế tạo bên Tầu để bán về Mỹ.

- Ngày nay, kinh tế Trung Quốc mất lợi thế nhân công nhiều và rẻ, Hoa Kỳ thì không chấp nhận cái thế giao dịch bất lợi ấy cho công nhân Mỹ nên cũng tìm cách khác. Đấy là lúc các nước ASEAN có thể trám vào khoảng trống và trở thành nguồn cung ứng cho kinh tế Hoa Kỳ, thí dụ như về hàng dệt sợi hay điện tử. Từ nhiều năm trước, diễn đàn của chúng ta đã nói đến triển vọng điền thế của Việt Nam khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ rút khỏi Trung Quốc và tìm nơi đầu tư có lợi hơn. Trào lưu đó sẽ dồn dập khi mâu thuẫn Mỹ-Hoa đi vào giai đoạn gay gắt.

- Khi ấy, là một quốc gia đông dân, có nhân công tương đối còn rẻ và lại có tay nghề thì Việt Nam vẫn còn triển vọng thay thế phần nào vị trí cơ xưởng toàn cầu của Trung Quốc. Các quốc gia như Mexico, Bangladesh hay Indonesia và Pakistan đã từng hy vọng như vậy nhưng vì nhiều lý do khác nhau, kể cả yếu tố Hồi giáo hay khủng bố, họ chưa thể trám vào khoảng trống đó, hoặc đang bị khó khăn, như trường hợp của Mexixo. Như vậy, nhìn trên toàn cảnh Mỹ-Hoa và Đông Nam Á, Việt Nam thật ra đang có nhiều ưu thế bất ngờ với kinh tế Hoa Kỳ, nếu kịp thời cải sửa về năng suất và môi trường đầu tư để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn trong một chuỗi cung ứng có lợi hơn cho kinh tế và xã hội.


Nguyên Lam: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Thứ Bảy, tháng 2 18, 2017

Bi Hài Kịch Michael Flynn

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 170218


Một Trung tướng bị hạ, một Putin bị vạ...


 * Cuốn Field of Fight của Michael Flynn *



Thế giới Donald Trump có nhiều điều khó hiểu…

Tối Thứ Hai 13, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump đột ngột từ nhiệm sau có 24 ngày nhậm chức. Biến cố này đặt ra nhiều câu hỏi về bản thân đương sự và về chánh sách an ninh của tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Là Trung tướng hồi hưu dày công trạng trên các chiến trường Afghanistan và Iraq, Michael Flynn am hiểu lãnh vực tình báo, từng cầm đầu Cục Quân Báo (Defense Intelligence Agency) từ 2012 tới 2014, và sớm ủng hộ ứng cử viên Donald Trump trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016 dù ông ghi danh thuộc đảng Dân Chủ. Ông rời Cục Quân Báo DIA một năm sớm hơn kỳ hạn vì có thể bị Tổng thống Barack Obama cách chức do không đồng ý với lãnh đạo về đường lối đối phó với phong trào Hồi giáo cực đoan trong một cuộc chiến có kích thước toàn cầu. Khi chính thức vận động tranh cử cho ông Trump ngay từ Tháng Hai 2016, Tướng Flynn có thể hy vọng đóng góp tư tưởng và chiến lược cho cuộc chiến này.

Trong cuốn “Chiến Địa”, The Field of Fight, viết chung với sử gia và chiến lược gia Michael Ledeen được xuất bản vào Tháng Bảy năm 2016, Tướng Flynn vạch ra chiến lược đó với nhiều công kích dành cho bộ máy tình báo và chánh sách an ninh của Tổng thống Obama.

Liên quan tới các yếu tố dẫn đến việc ông phải từ chức sau 24 ngày, chúng ta thấy vai trò của Liên bang Nga.

Dưới con mắt của chuyên gia an ninh và tình báo này, các chính quyền hung đồ như Nga hay Bắc Hàn Cộng sản đều thực tế cấu kết với các chế độ Hồi giáo thuộc cả hai hệ phái Shia và Sunni, từ Iran tới Syria, Yemen, và với các lực lượng khủng bố Hồi giáo như Al-Qeada, Taliban, ISIS, Hezbollah, Hamas, v.v…. Ông kịch liệt đả kich Chính quyền Vladimir Putin của Nga là độc tài và hỗ trợ các chế độ Hồi giáo tại Iran và Syria nhưng nêu ra nhu cầu phá vỡ mạng lưới cấu kết đó. Việc ly gián Nga và Iran là một chiến lược, việc hợp tác với Putin để tiêu diệt lực lượng ISIL là một chiến lược khác. Trong khi ấy, ông cũng bị nghi ngờ là có quan hệ gắn bó với ban tham mưu của Putin sau khi rời quân ngũ.

Trở lại vụ Tướng Flynn từ chức, chúng ta có khá nhiều câu hỏi.

Lý do ông đưa ra trong lá thư từ nhiệm là ông đã có nhiều cuộc điện đàm với Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ và không tường trình đầy đủ về các cuộc điện đàm ấy cho Phó Tổng thống Mike Pence khiến ông Pence trả lời sai với báo chí. Hôm Thứ Năm 16, khi tiếp xúc với báo chí, Tổng thống Donald Trump giải thích thêm về vụ Flynn: “Mike Flynn là người tử tế, và tôi đã yêu cầu ông từ chức. Ông kính cẩn chấp hành. Ông là người đã cung cấp nhiều thông tin cho Phó Tổng thống Pence và tôi không hài lòng về cách thông tin đó. Ông không cần như vậy vì chẳng làm điều gì sai.”

Cả hai lý do được đưa ra đều không thỏa mãn sự tò mò của chúng ta.

Là người am hiểu về tình báo, ông Flynn chắc chắn phải biết là các cuộc điện đàm với giới chức ngoại giao của nước ngoài đều được bộ máy an ninh Hoa Kỳ ghi âm nên chẳng thể nào hớ hênh nói ra những điều có thể giúp Chính quyền Putin bắt bí mình. Được Tổng thống mời làm Cố vấn An ninh Quốc gia, Tướng Flynn cũng phải là người có quan hệ với nhiều giới chức ngoại quốc, bạn như thù. Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống mà chưa nhậm chức, Tướng Flynn phải tiếp xúc để thăm dò ý kiến của nhiều chính quyền để chuẩn bị chiến lược và chánh sách an ninh trình lên thượng cấp. Ông làm đúng việc đó, không chỉ với Chính quyền Nga.

Việc Tướng Flynn có nhiều cuộc điện đàm hôm 29 Tháng 12 với Đại sứ Nga Sergey Kislyak còn cho thấy cả hai phải nhiều lần thỉnh ý thượng cấp của mình, tại Moscow hay Washington, nhưng chưa hẳn là đôi bên đang thương thuyết. Đạo luật Logan Act ban hành năm 1799 có quy định là người ở ngoài chính quyền không được thay mặt quốc gia thương thuyết về ngoại giao với một chính phủ ngoại quốc. Cho tới nay, chưa một ai bị truy tố vì đạo luật này và như Tổng thống Trump xác nhận, việc Tướng Flynn nói chuyện với ngoại quốc không là điều sai. Như ông Trump nhấn mạnh, điều sai là nội dung các cuộc điện đàm ấy lại bị tiết lộ ra ngoài, với danh tánh của một viên chức Hoa Kỳ, là điều bị luật lệ cấm đoán.

Rõ ràng là có điều gì đó không rõ ràng!

Thời gian chuyển tiếp giữa ngày đắc cử và ngày nhậm chức – từ mùng chín Tháng 11 tới 20 Tháng Giêng của năm sau - Hoa Kỳ vẫn có một Tổng thống duy nhất là Barack Obama. Donald Trump chỉ là Tổng thống Tân cử thôi. Bản thân ông và ban tham mưu không có quyền thương thuyết hay đàm phán, nhất là về quyết định trừng phạt nước Nga do Tổng thống Obama ban hành đúng ngày 29 Tháng 12 vì việc Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng giữa việc đàm phán với việc thăm dò ý kiến đối phương hay đồng minh, người ta có một khoảng cách và chính quyền tân nhậm sau này không thể đợi tới ngày nhậm chức mới bắt đầu làm việc.

Xin hãy nhớ lại chuyện xưa, trong cuộc tranh cử năm 2012, Tổng thống Obama nhờ Thủ tướng Dmitry Medvedev nhắn lại Vladimir  là nên kiên nhẫn chờ đợi vì ông sẽ có chánh sách linh động hơn với Liên bang Nga sau khi tái đắc cử. Lời nói thầm bị thu vào máy vi âm nên gây lúng túng cho Tổng thống Mỹ. Đấy là sự hớ hênh và gây vấn đề chính trị cho Tổng thống Mỹ, nhưng cũng cho thấy rằng mọi chính quyền đều có tính toán trước, với cả bạn lẫn thù, chứ không đợi ngày nhậm chức.

Trước đó, trong cuộc tranh cử năm 1980, ứng cử viên Ronald Reagan cũng cho người tiếp xúc với Chính quyền Iran về số phận của các con tin Mỹ bị Tehran bắt giữ từ cả năm trước. Người ta khó biết là đôi bên đã nói những gì, có thương thuyết hay chăng, nhưng ai cũng có thể đồng ý rằng đại diện của Reagan không là đại diện của Hoa Kỳ, của Chính quyền Jimmy Carter, và không thể cam kết được bất cứ điều gì.

Trước đó nữa, năm 1971, khi Chính quyền Richard Nixon chuẩn bị việc đối thoại với Trung Cộng trong viễn ảnh tái tranh cử 1972, chính Mao Trạch Đông bắn tiếng rằng Tổng thống Mỹ đã tiếp xúc với các chế độ Cộng sản Đông Âu thì tại sao không thăm viếng Bắc Kinh trong khi Nghị sĩ Dân Chủ Edward Kennedy đã sẵn sàng qua đó! Giữa cơn dầu sôi lửa bỏng của cuộc “Đại Văn Cách” và áp lực của Liên Xô, Mao Trạch Đông cũng biết tác động vào chính trường Hoa Kỳ.

Nghĩa là chế độ nào cũng muốn cói tiếng nó hay ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử tại Mỹ và ngược lại, lãnh đạo Mỹ cũng phải dàn trận cho một nhiệm kỳ mới. Việc Tướng Flynn có thể thăm dò và tiếp xúc với chừng 30 quốc gia nằm trong chiều hướng tự nhiên ấy.

Nhưng việc ông bị Tổng thống Trump yêu cầu đệ đơn từ chức mới là điều khó hiểu. Khi ấy, ta trở về phong cách làm việc của Donald Trump.

Không hề có kinh nghiệm chính trị hay quân sự, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống khi hứa hẹn những thay đổi vài chục năm mới thấy một lần trên hầu hết mọi lãnh vực của Hoa Kỳ, với ảnh hưởng tỏa rộng ra toàn cầu. Khác với nhiều chính khách chuyên nghiệp là chọn người cùng chí hướng vào Nội các và Ban Tham mưu, Tổng thống Trump cố tình tìm những người làm được việc, đã có thành tích hiển nhiên trên doanh trường hay chiến trường, chỉ cần vài chính trị gia có kinh nghiệm đấu tranh nghị trường và rất kỵ các học giả hay giới khoa bảng. Ngoài ra, ông cũng gặp sự chống đối mãnh liệt của đảng Dân Chủ trong Quốc hội nên chậm hoàn tất Nội các hơn các vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, đặc tính của Tổng thống Trump không chỉ có vậy.

Trước nhu cầu đổi thay lớn lao đa diện, ông chọn những người có quan điểm khác biệt về từng hồ sơ lớn như kinh tế, xã hội, thương mại, ngoại giao hay an ninh.

Donald Trump không tìm người cùng chí hướng mà tìm sự dị biệt quan điểm. Bảo hộ mậu dịch hay đàm phán thương mại song phương? Coi Trung Quốc hay Liên bang Nga là đối tượng cần ưu tiên ứng phó sau khi có chiến lược chống khủng bố Hồi giáo? Ủng hộ hay bác bỏ việc khai thác nghi can khủng bố bằng kỹ thuật dọa trấn nước (water boarding)? Cụ thể thì Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis coi Liên bang Nga là mối nguy số một nhưng Tổng trưởng Ngoại giao Rex Tillerson lại quan tâm đến Trung Cộng và nạn nhiệt hóa địa cầu….

Là người quyết định sau cùng về chiến lược và chánh sách, Donald Trump cứ rong chơi trong cõi “trăm hoa đua nở” đó và khi cần thì sẽ ngắt đóa hoa sau cùng.

Trong khi ấy, ông không thể không biết là phải dàn trận với Lập pháp, Tư pháp, Ngân hàng Trung ương, hệ thống báo chí thuộc dòng chính tới 80% có xu hướng thiên tả và nhất là bộ máy hành chánh công quyền với nhiều công chức cao cấp không yên tâm và sẵn sàng phá hoại chiến lược của ông. Hay ít nhất là tiết lộ bí mật cho báo chí khai thác.

Tướng Michael Flynn chết kẹt trong thế giới kỳ ảo đó của Donald Trump.

Không chỉ bị hệ thống an ninh tình báo nghi ngờ vì phê phán phong cách làm việc của họ, ông còn gặp sự chống đối của nhiều nhân vật trong Nội các Donald Trump, từ Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis tới Đại sứ Nikki Haley tại Liên Hiệp Quốc hay chính Ngoại trưởng Rex Tillerson. Việc Michael Flynn đả kích Putin mà lại chủ trương hợp tác với Liên bang Nga để hóa giải vai trò của Iran và tập trung vào mục tiêu giải trừ mối nguy khủng bố Hồi giáo không là mâu thuẫn duy nhất của Nội các Trump. Ông Flynn chết cứng trong những mâu thẫn đó và bị hy sinh trong khi chẳng ai nhìn thấy bàn tay của Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis hay nhiều người khác.

Những tiết lộ có chọn lọc của bộ máy công quyền và truyền thông báo chí làm nốt phần vụ còn lại, là gây nhiễu âm và đánh hỏa mù.

Nhưng nạn nhân của màn bi hài kịch này không chỉ có Tướng Michael Flynn!

Nếu Liên bang Nga và bộ máy tình báo của Putin có đầu tư, hay ít nhất nhìn vào Donald Trump như một cơ hội vận dụng, thì họ đã thất bại và lỗ vốn. Chính là việc Tướng Flynn bị cách chức mới làm giải pháp hòa giải Mỹ-Nga để tập trung vào mối nguy khủng bố Hồi giáo bị gạt qua một bên và Liên bang Nga trở thành đối tượng đáng quan tâm! Việc tầu thám báo Nga xuất hiện gần Hoa Kỳ hay Nga vi phạm Hiệp ước Tài giảm võ khí chiến lược khi đưa hỏa tiễn thiềm du (cruise missiles) vào trận địa chỉ là một cách vớt vát.

Liên bang Nga của Putin tới hồi kiệt quệ với các bài toán sinh tử về ngân sách khi giá dầu thô vẫn quá thấp và hồ sơ Ukraine hay Crimea là cái gân gà khó nuốt. Hy vọng cứu nguy cho Putin chính là lập trường hòa giải của Chính quyền Donald Trump. Nhưng mâu thuẫn và tranh chấp trong Nội các và Ban tham mưu Donald Trump khiến hy vọng ấy đã thành xôi hỏng bỏng không!

Năm 1831, một chuyên gia đầu tiên về nền dân chủ Hoa Kỳ là nhà xã hội học Pháp Alexis de Tocqueville đã viết rằng nhược điểm của chế độ dân chủ chính là ngoại giao. Chế độ dân chủ khó nhanh chóng lấy các quyết định đối ngoại trong khi nhiều bí mật ngoại giao lại sớm bị tiết lộ ra ngoài. Ngày nay, 186 năm sau, chúng ta đang chứng kiến nỗi khó này!

Cố vấn An ninh Michael Flynn không là nạn nhân duy nhất. 


Thứ Tư, tháng 2 15, 2017

Quân Bình Ngoại Hối



Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFA Ngày 170215
"Diễn đàn Kinh tế"


Bán Công Khố Phiếu Hoa Kỳ Vì Hết Tin Tưởng?

* Sàn chứng khoán New York Ngày 31 Tháng Giêng 2017 * 


 
Từ một tháng nay, một số quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, đã bán ra Công khố phiếu của Hoa Kỳ khiến nhiều người lo ngại là các chủ nợ không muốn cho nước Mỹ vay tiền nữa và hậu quả có thể là những biến động về ngoại hối, với Mỹ kim sẽ lại lên giá. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sự kiện này.


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới với vị Tổng thống thứ 45 là ông Donald Trump thì trong tháng qua các thị trường tài chính thế giới bỗng chú ý đến việc nhiều quốc gia lặng lẽ bán số Công khố phiếu Mỹ mà họ đã mua vào từ trước. Tại sao lại có hiện tượng này, phải chăng là các quốc gia chủ nợ không cho nước Mỹ vay tiền nữa, và liệu rằng thế giới có gặp những động ngoại hối hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhiều người cho rằng các quốc gia xưa nay vẫn đầu tư vào thị trường Công khố phiếu Hoa Kỳ thấy không yên tâm về chính sách kinh tế mới của Chính quyền Donald Trump nên mới bán tháo tài sản đã mua của Mỹ. Tôi lại nghĩ khác và xin giải thích một chút.

- Thứ nhất, từ Tháng 11 vừa qua, quốc gia chủ nợ số một của Hoa Kỳ là Nhật Bản chứ hết là Trung Quốc vì Nhật đang làm chủ khoảng một ngàn 100 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ so với một ngàn tỷ trong tay Trung Quốc. Thứ hai, thị trường Công khố phiếu đó của Hoa Kỳ trị giá gần 14 ngàn tỷ đô la thì có gần sáu ngàn tỷ là trong tay nước ngoài, tức là ngoại quốc làm chủ khoảng 43% số công trái chính thức của Hoa Kỳ, nếu họ có bán ra vài chục vài trăm tỷ đô la trong số nợ này thì cũng không là điều đáng ngại. Thứ ba, Trung Quốc bán ra nhiều nhất vì lý do nội tại của họ chứ không vì thiếu tín nhiệm vào chính sách kinh tế của Chính quyền Trump. Thứ tư, nếu có nước bán ra thì cũng lại có nước mua vào và chính là giới đầu tư Hoa Kỳ cũng mua lại nên sự tình không nguy ngập như người ta báo động. Sau cùng chiều hướng bán Công khố phiếu Mỹ cũng chỉ là chuyện bình thường khi Hoa Kỳ và các nước đang có thay đổi lớn để tiến tới một thế quân bình ngoại hối khác.


Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta có thể đi lại từ đầu là sự kiện đáng chú ý tại Á châu, kể cả Việt Nam, là các ngân hàng Á châu, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, lại giữ một khối dự trữ rất lớn bằng Đô la Mỹ, nhất là dưới dạng Công khố phiếu, là nợ chính thức của nhà nước Hoa Kỳ. Vì sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ ra sao khi người ta bán ra các tài sản ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin được nói là chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng tôi gọi là “phân công lao động” trong ngoặc kép, giữa một bên là Á châu có sức tiết kiệm cao, cứ thắt lưng buộc bụng xuất khẩu tối đa vào Mỹ, và bên kia là Hoa Kỳ, có mức tiêu thụ quá lớn, cả tư nhân lẫn chính quyền, và rộng rãi mua hàng Á châu. Kết quả là Mỹ bị nhập siêu, các nước Á châu được xuất siêu và có dự trữ lớn bằng đô la. Thế thì họ dùng Mỹ kim đó làm gì? Họ đầu tư lại vào Hoa Kỳ, chủ yếu dưới hình thức Công khố phiếu. Kỳ trước, ta đã có dịp nhắc đến khái niệm kế toán tài chính là một nước bị nhập siêu về thương mại thì cũng nhập khẩu luôn tư bản của xứ khác. Hoa Kỳ tiếp nhận đầu tư của các nước trong ý hướng đó.


Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao lại có cái thế phân công kỳ lạ đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chiều hướng phân công ấy đang chấm dứt và có khi ta trở lại một thế quân bình khác khi Hoa Kỳ không muốn bị nhập siêu nữa và điều ấy sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong tương lai. Còn về cái thế tôi tạm gọi là “phân công lao động” này thì nguyên do sâu xa thuộc diện văn hóa và xã hội, khiến dân chúng Á châu luôn luôn có phản ứng tiết kiệm, bình quân có thể lên tới 30% số thu nhập, thậm chí còn cao hơn vậy tại Trung Quốc. Bất ổn xã hội, loạn lạc hay cả nỗi lo thất nghiệp có thể giải thích điều đó. Ngược lại, cũng thuộc diện văn hóa, thì dân Mỹ vốn lạc quan với tương lai nên ưa xài trước kiếm sau cho tới nay mới nghĩ lại. Hiện tượng ấy thực ra mới chỉ có chừng một thế kỷ thôi. Vào giữa thế kỷ 19, chính Nhật đã học kinh nghiệm và thói quen tiết kiệm của dân Mỹ để phát triển ra mạng lưới tiết kiệm rộng lớn mà họ có ngày nay. Nguyên nhân gần hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á vào các năm 1997-1998 khiến các nước Á Châu cần thuyết phục thị trường về nền móng tài chính ổn định bằng cách tích lũy một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn. Gần hơn nữa thì có một lý do là từ năm 2001, Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất để kích thích tiêu thụ và đối phó với bất ổn kinh tế xảy ra vì nạn khủng bố năm đó, trong khi các nước Đông Á lại bị suy trầm kinh tế. Sau cùng thì có nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 với hậu quả bất lợi cho tới nay vẫn chưa dứt.

- Có một lượng dự trữ lớn lao nằm dư dôi trong kho bạc thì không có lời, vì vậy, người ta mới lấy một phần dự trữ này đầu tư vào nơi an toàn và có lời nhất: đây là lý do mà họ giữ một tỷ lệ Mỹ kim rất cao trong khối dự trữ và đầu tư lại vào thị trường tài chính Mỹ. Kết quả là Á châu thắt lưng buộc bụng bán hàng cho Mỹ, thu hút đầu tư từ bên ngoài và lấy được tiền Mỹ thì lại gửi ngược vào thị trường Mỹ để tài trợ số thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong câu hỏi nêu lên, ta cần phân biệt các ngân hàng thương mại với ngân hàng trung ương và phân biệt cả việc mua Công khố phiếu lẫn đầu tư vào Mỹ. Vì Trung Quốc chưa có chế độ tự do hối đoái nên vấn đề ta đang nói tập trung trước hết vào chính sách của ngân hàng trung ương, vào khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh.


Nguyên Lam: Thưa ông, tại sao các nước đó không giữ khối dự trữ dưới dạng khác, như vàng hoặc các ngoại tệ mạnh, như đồng Euro, đồng Bảng Anh, đồng Phật lăng Thụy Sĩ chẳng hạn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Yếu tố quyết định ở đây là rủi ro và lời lãi. Tài sản mà mình lưu trữ phải an toàn, có lời và không bị mất giá vì loạn lạc hay lạm phát chẳng hạn. Với bất ổn vì chiến tranh và khủng bố, hay khủng hoảng tài chính trong khối Euro của Âu Châu từ năm 2010 thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường có triển vọng sinh lời cao và an toàn vì có cơ chế kinh tế tự do và luật lệ minh bạch. Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ có kích thước lớn nhất nên thừa khả năng chịu đựng những lượng tư bản cả trăm tỷ có thể rút ra hay trút vào, các thị trường kia không được như vậy. Sau cùng, Mỹ kim còn là phương tiện giao hoán phổ biến và lưu hoạt nhất vì được dùng để thanh toán các dịch vụ mua bán. Thí dụ như các thị trường dầu khí đều mua bán và yết giá bằng đô la Mỹ. 


Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng Hoa Kỳ đã khai thác tình trạng y qua chính sách bội chi phát hành công trái để thu hút đô la về Mỹ nay đang đòi thay đổi, hết muốn bị nhập siêu và đang tìm cách quân bình lại ngân sách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng quan hệ kinh tế của thế giới và của riêng Hoa Kỳ quá sức phức tạp để một chính quyền hay một ngân hàng trung ương có thể chủ động đặt ra một chính sách theo hướng này hay hướng khác cho toàn thế giới, thí dụ như cố tình thu hút đô la về Mỹ. Thực tế thì nước Mỹ để cho quy luật cung cầu tác động. Khi bị nhập siêu quá lớn và bội chi quá nhiều thì tiền Mỹ phải sụt giá như đã từng bị. Nhưng ngày nay, tình hình kinh tế Mỹ đã khả quan hơn cả và lạm phát đang là mối quan tâm mới nên lãi suất tại Hoa Kỳ có thể tăng trong khi Chính quyền Trump lại sợ Mỹ kim lên giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Trong tình trạng bất định giữa buổi giao thời này, người ta dễ có phản ứng hốt hoảng làm thị trường càng dễ biến động.

Nguyên Lam: Nếu như Hoa Kỳ không muốn bị nhập siêu nặng và Mỹ kim quá cao giá so với các ngoại tệ khác như ông Trump đã phát biểu thì có lúc nào các nước Á châu sẽ bán đô la để mua lại nội tệ của họ không, và lúc đó tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, trường hợp này khá hãn hữu. Từ gần 40 năm nay mới chỉ có hai lần mà các ngân hàng trung ương bán tháo công khố phiếu Mỹ. Lần đầu là năm 1979 khi vật giá Mỹ gia tăng và Mỹ đổi chính sách tiền tệ bằng cách thả nổi lãi suất và chỉ điều tiết khối tiền tệ lưu hành thôi; lần đó, các ngân hàng trung ương bán ra 22 tỷ đô la. Lần thứ hai là quãng 1999, khi Mỹ bớt phát hành trái phiếu và các ngân hàng trung ương e sợ rủi ro và tiền Mỹ mất tính lưu hoạt, họ bán ra năm tỷ đô la. Ngày nay, người ta đang sợ một đợt thứ ba, nhưng thật ra số lượng bán ra cũng chẳng nhiều so với 14 ngàn tỷ đô la Công khố phiếu. Nói về hậu quả thì về dài, có thể tiền Mỹ còn giảm đến 15%-20% so với các ngoại tệ khác thì mới gọi là cân bằng cung cầu nhưng ngược lại, cả lãi suất lẫn phân lời trái phiếu tại Mỹ sẽ tăng nếu Chính quyền Trump thực thi kế hoạch kinh tế đã hứa hẹn. Điều đáng ngại ở đây nằm trong lãnh vực khác, là hiện tượng đầu cơ tại các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc.


Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng này và hậu quả sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới từng đơn giản hóa coi Á châu như nơi có lời, nên trút tiền đầu tư vào đấy. Ngày nay thì tình hình đảo ngược, nhất là tại Trung Quốc khi tư bản tẩu tán ra ngoài và dự trữ ngoại tệ của xứ này trị giá từ gần bốn ngàn tỷ đô la thì tháng qua đã sụt dưới cái ngưỡng tâm lý là ba ngàn tỷ. Việc Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh bán ra Công khố phiếu Mỹ từ Tháng Năm đến nay không có nghĩa là họ bỏ phiếu bất tín nhiệm kinh tế Hoa Kỳ hoặc muốn trả đũa nước Mỹ vì những tranh chấp ngoại thương mà vì nguyên do nội tại của họ. Chưa kể là nếu bán quá nhiều quá nhanh thì tài sản ấy lại mất giá khiến họ càng lỗ nữa, chứ việc họ bán tháo Công khố phiếu Mỹ chẳng làm thị trường Mỹ bị náo động như người ta vẫn cứ sợ.


Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lâm xin ông kết luận cho về một vấn đề quá phức tạp này...

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ đang cần điều chỉnh lại tình hình chi tiêu của mình, từ ngân sách đến ngoại thương, đã đành như vậy cho nên việc Mỹ kim có thể tuột giá nằm trong tiến trình điều chỉnh đó. Ngược lại, Á châu cũng cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển, không quá chú trọng đến xuất khẩu bằng mọi giá nữa, nhất là khi Mỹ đang muốn hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Cho nên các quốc gia đông dân hoặc có nền kinh tế lớn cần nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, cải tiến môi trường đầu tư trong nước để phương tiện phát triển. Tiền của mình giúp cho giới tiêu thụ Mỹ mua hàng rẻ thay vì giúp cho kinh tế và xã hội mình thăng tiến thì chẳng là điều hay. Các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Việt Nam, đã quên bài học chua xót của Nhật Bản khi dồn sức xuất khẩu mà lãng quên thị trường nội địa và gặp lại hiện tượng bể bóng đầu tư như Nhật Bản đã bị từ năm 1991 cho đến nay. Bảo rằng mình là chủ nợ của Mỹ thì niềm tự ái đó cũng chỉ là tượng trưng. Khi khủng hoảng xảy ra, có đổ lỗi cho Hoa Kỳ hay giới đầu cơ ngoại tệ thì cũng thừa.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

____
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/forex-rebalancing-nxn-02142017141412.html

Thứ Tư, tháng 2 08, 2017

Kinh Tế Trung Quốc Không Thể Thay Hoa Kỳ


Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 170208
"Diễn đàn Kinh tế" 

Hoa Kỳ chứ không phải Trung Quốc vẫn là trung tâm giao dịch của thế giới     


 * Sao rụng ngập trời! * 
 
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
EmailIn trang này




Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã lấy nhiều quyết định và có những phát biểu liên hệ đến quyền lợi của Hoa Kỳ y như khi ông tranh cử. Thí dụ là việc rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP hay đòi thương thuyết lại với từng nước các hiệp ước tự do mậu dịch nhằm đem lại việc làm cho công nhân Mỹ. Điều ấy khiến nhiều người cho là Hoa Kỳ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo hệ thống giao dịch quốc tế và Trung Quốc sẽ trám vào khoảng trống đó với những mục tiêu chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế. Sự thật là gì, chúng ta rất nên biết qua tiết mục tuần này của chương trình Diễn đàn Kinh tế….


Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Chân Như xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, các nước trên thế giới, từ Âu sang Á tới Châu Mỹ La Tinh đều bị chấn động bởi những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ khi vị Tổng thống thứ 45 vừa đắc cử đã thực hiện điều ông hứa hẹn khi tranh cử năm ngoái. Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, đòi thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ là NAFTA và còn đả kích nước Đức đã cố tình hạ giá đồng Euro so với đô la Mỹ để chiếm lợi thế xuất khẩu. Khi lãnh đạo Hoa Kỳ nêu ra quan điểm nhuốm mùi bảo hộ mậu dịch như vậy thì tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC ở Peru, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình mau mắn đề cao toàn cầu hóa và tự do mậu dịch. Vì thế, nhiều người mới tự hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có triệt thoái khỏi hệ thống thương mại toàn cầu và nhường chỗ cho Trung Quốc hay không? Ông nghĩ sao về mối lo này và liệu Trung Quốc có thay thế nước Mỹ để trở thành trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đây là loại đề tài khó hiểu nhất nên tôi xin đi từng bước để chúng ta cùng thấy ra sự thể, thay vì để cảm quan chi phối nhận thức. Một cách ngắn gọn, Hoa Kỳ có lý khi thay đổi lập trường như vậy và thứ hai, Trung Quốc chưa thể nào trám vào khoảng trống nếu nước Mỹ triệt thoái khỏi các hiệp ước thương mại quốc tế mà tìm giải pháp song phương như Chính quyền Trump đã đề nghị.

- Thứ nhất, nói về sự thể khách quan thì ta cần nhớ lại vài ba khái niệm kế toán liên hệ đến luồng giao dịch toàn cầu. Một quốc gia có thể bị nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất khẩu, tức là cán cân thương mại bị khiếm hụt. Nhưng sự thật kế toán tài chính của sự khiếm hụt ấy là nền kinh tế đó lại được nhập siêu về tư bản, tức là nhập nhiều hơn xuất trong cán cân vãng lai. Nhìn cách khác, kinh tế Mỹ bị nhập siêu quá nặng trong một giai đoạn quá lâu, nay đã lên tới khoảng 700 tỷ đô la một năm, nhưng thiếu hụt thương mại ấy cũng có nghĩa là Hoa Kỳ tiếp nhận tư bản và nguồn tư bản ấy lại yết giá bằng Mỹ kim, là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Người ta gọi đó là việc Mỹ mắc nợ, nhưng đấy cũng là một gánh nặng phụ trội cho Hoa Kỳ khi thế giới đều tìm đến tiền Mỹ khiến đô la lên giá. Nhìn trong trường kỳ thì sự thể không luôn luôn như vậy mà cũng chẳng đáng sợ như vậy.

Chân Như: Quả thật là ông vừa phân tích một vấn đề hơi khó hiểu khi kết luận rằng sự thể không đáng sợ như vậy. Xin đề nghị ông giải thích thêm cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên diễn đàn này, tôi có nhiều lần giải thích rằng việc đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất không là ưu thế mà còn là gánh nặng cho kinh tế Mỹ. Nay Chính quyền Donald Trump đang thấy ra và than phiền các quốc gia bạn hàng là vì lẽ đó.

- Chúng ta cần thấy ra một quy luật về tiết kiệm và đầu tư. Trong một thế giới khan hiếm tư bản để đầu tư thì các nước được thặng dư thương mại có thêm tư bản để đầu tư vào kinh tế. Sau hai trận Thế chiến, từ quãng 1920 tới 1970, các nước Âu Á bị tàn phá bởi chiến tranh đều thiếu tư bản để tái thiết và phát triển. Đấy là lúc kinh tế Hoa Kỳ tương đối giàu mạnh nhất đã liên tục đạt thặng dư thương mại, tức là được xuất siêu, nhờ vậy tư bản Mỹ góp phần tái thiết các nước kia. Tức là tiết kiệm tại Mỹ đã chảy qua đầu tư vào các nước đồng minh Âu-Á.

- Nửa thế kỷ sau, là kể từ quãng 1970 trở đi cho tới nay, thì các nước Âu Á đó đều phát triển, chủ yếu là nhờ nguồn tiết kiệm tại Mỹ, và đạt xuất siêu trong khi kinh tế Mỹ bị nhập siêu và nay tiếp nhận tư bản chảy ngược về Mỹ. Như vậy, gần trăm năm qua, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của hệ thống giao dịch này, khi thì cung cấp đầu tư cho các nước bị tàn phá và thiếu tư bản, khi thì tiếp nhận hàng nhập khẩu của các nước, bị khiếm hụt thương mại nhưng cũng nhập cả tư bản hay tiết kiệm của các nước kia. Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn là thị trường số một của thiên hạ, không chấp nhận bị nhập siêu mãi và đòi vẽ ra luật chơi khác. Nhưng chẳng phải vậy mà kinh tế Trung Quốc sẽ là trung tâm thay thế Hoa Kỳ vì lý do đơn giản là Trung Quốc cần được xuất siêu để giữ đà tăng trưởng, chứ nếu bị nhập siêu như Hoa Kỳ thì sẽ lâm khủng hoảng. Chuyện này quá phức tạp nên nhiều người không hiểu cứ hay báo động về ngôi vị quá lớn của Trung Quốc khi nước Mỹ muốn giảm nhập siêu và gia tăng xuất khẩu.

Chân Như: Ông thường nói rằng kinh tế cũng là chính trị, như vậy việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP không có hậu quả chính trị là nhường chỗ cho Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đang có nhiều vấn đề nên không thể là trung tâm giao dịch thương mại thay cho nước Mỹ phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về Hiệp ước TPP, chúng ta không nên quên là các Chính quyền George W. Bush và Barack Obama tham gia đàm phán trong mục tiêu đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho sự hợp tác toàn diện với 11 nước kia. Lý do là các doanh nghiệp Mỹ bị luật lệ Hoa Kỳ chi phối rất mạnh, nào là về môi sinh hay quyền lợi lao động nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại quốc vốn dĩ không bị kiểm soát chặt chẽ như vậy. Khi ấy, mục tiêu của Mỹ chỉ là trù hoạch một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp cũng để bảo vệ quyền lợi của mùnh, chứ việc đàm phán này không chỉ có nghĩa là gạt Trung Quốc ra ngoài vì lý do chính trị. Ai cũng biết là doanh nghiệp Trung Quốc không bị kiểm soát hay phải tuân thủ những quy định khắt khe như doanh nghiệp Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Chân Như: Nhưng sau cùng Chính quyền Trump lại gạt bỏ kết quả thương thuyết của hai chính quyền tiền nhiệm. Ông giải thích thế nào về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra Quốc hội khóa 114 đã gạt Hiệp ước này qua một bên mà không đem ra thảo luận và phê chuẩn sau khi TPP được ký kết ngày bốn Tháng Hai năm ngoái, cách nay đúng một năm. Ông Trump chỉ hợp thức hóa sự đã rồi mà thôi. Ngày nay, Chính quyền Trump không chỉ gạt Hiệp ước TPP sang một bên mà muốn đàm phán lại mọi hiệp ước thương mại để bảo đảm là quyền lợi của Hoa Kỳ được tôn trọng và để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Việc ông ta than phiền về trị giá quá cao của đồng Mỹ kim hay cách ấn định tỷ giá quá thấp của các ngoại tệ kia, như đồng Euro, đồng Yen và đồng bạc Trung Quốc, đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ cũng nằm trong hướng đó. Quả thật là kinh tế Đức quá cần xuất khẩu nên Chính quyền Đức có cố tình dìm giá đồng Euro cho rẻ và gây thiệt hại cho chính các nước thành viên của khối Euro ở miền Nam, như Hy Lạp hay Ý, hay Tây Ban Nha.

- Nếu không hiểu thì người ta ngạc nhiên và bất mãn khi thấy ông Trump có vẻ gây hấn với mọi bạn hàng hay đồng minh. Ông ta chỉ chuẩn bị cho các cuộc thương thuyết sắp tới và khi thương thuyết thì không chỉ nhắm vào mục tiêu kinh tế mà quên vai trò rất đáng ngại của Trung Quốc tại khu vực Đông Á. Việc Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vừa nhậm chức là bay qua thăm viếng hai đồng minh tại Đông Bắc Á là Nam Hàn và Nhật Bản có cho thấy ưu tiên của nước Mỹ nằm ở đâu. Cũng trong mạch đó, tôi không tin là Mỹ sẽ đột ngột áp đặt thuế suất nhập nội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam như đang dọa Mexico trong Hiệp ước NAFTA.

Chân Như: Chúng ta bước qua phía bên kia để tìm hiểu vì sao Trung Quốc không thể nào thay thế Hoa Kỳ là cột trụ của luồng giao dịch toàn cầu. Thưa ông, nguyên nhân kinh tế là những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ cho rằng kinh tế Hoa Kỳ quá lệ thuộc vào tiêu thụ nên bị nhập siêu khi nước Mỹ nhập khẩu hàng rẻ để dân Mỹ xài cho sướng. Tự do mậu dịch có đem lại lợi ích tỏa rộng cho giới tiêu thụ và doanh nghiệp nhập khẩu nhưng gây thiệt hại tập trung cho thành phần thợ thuyền lao động bị mất việc hay sụt lương. Ông Trump quan tâm đến thành phần ấy nên đang vận động các doanh nghiệp Mỹ song song cùng việc đòi thương thuyết lại các hiệp ước thương mại. Trường hợp của Trung Quốc lại trái ngược.

- Từ cả chục năm nay, kinh tế xứ này bị lệch lạc ngay bên trong và chưa thể cải cách từ sau Đại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 vì sự cưỡng chống của các thế lực cao cấp ngay trong đảng. Hậu quả của sự lệch lạc đó là sức tiêu thụ quá thấp của các hộ gia đình, ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế lớn. Khi được tiêu thụ ít, các hộ gia đình tiết kiệm nhiều và nguồn tài nguyên ấy bị trưng dụng thành tín dụng nhẹ lãi cho các doang nghiệp. Tình trạng bất công xã hội ấy có mặt tương phản về kinh tế là Trung Quốc cần đầu tư, cần xuất khẩu và cần đạt xuất siêu, là xuất hơn nhập, và nay đang mắc nợ ngập đầu, có thể là gần 290% Tổng sản lương Nội địa mà chưa chắc đã đảm bảo được đà trăng trưởng khoảng 6-7% một năm. Lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng với các bài toán nan giải ấy và trở lại với khả năng ứng phó duy nhất là giữ mức xuất siêu  cao để duy trì đà tăng trưởng và tránh nạn thất nghiệp. Như vậy, vì những lý do nội tại về kinh tế lẫn chính trị, Trung Quốc không thể là một trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu thay cho nước Mỹ!

Chân Như: Ông trình bày một số sự thể kinh tế hơi bất ngờ cho thính giả của chúng ta vì hầu như ai ai, kể cả giới học giả hay nghiên cứu quốc tế, cũng đều nói tới sự lớn mạnh đáng ngại của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đáng ngại ở những động thái quân sự, điều ấy rất đúng. Nhưng họ chưa thể thay thế vị trí của Hoa Kỳ cách nay trăm năm với luồng tư bản dồi dào chảy qua các nước khác để bành trướng ảnh hưởng. Và đáng ngại hơn vậy là xứ này đang lâm vòng bế tắc về kinh tế nếu không thể chủ động giảm đà tăng trưởng và cho người dân cơ hội tiêu thụ nhiều hơn. Họ tiếp tục bơm tín dụng và chất lên một núi nợ sẽ sụp đồ thì làm sao đồng Nguyên có thể giữ vị trí ngọai tệ dự trữ và Bắc Kinh giữ thế trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu?

- Tôi cho rằng chúng ta nên hiểu ra một thực tế là khi muốn giữ thế lãnh đạo thì quốc gia phải trả giá về kinh tế nên phải có khả năng đó. Từ trăm năm nay, Hoa Kỳ giữ thế lãnh đạo ấy trải qua hai trận Thế chiến rồi gần nửa thế kỷ chiến tranh lạnh. Ngày nay, nước Mỹ đang mệt mỏi và muốn lui về lo lấy cho quyền lợi của mình nhưng vẫn là một siêu cường kinh tế có khả năng vạch ra luật chơi mới. Trung Quốc thì chưa, và khi bên trong đang có vấn đề kinh tế xã hội mà bên ngoài lại đòi vạch ra luật chơi bằng phương tiện quân sự thì sẽ chẳng được thế giới chấp nhận.

Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.