Thứ Tư, tháng 12 31, 2014

Trung Quốc 2015: Địa Ốc Tuột Dốc


Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 141231
"Diễn đàn Kinh tế"

Nhà cửa mất giá và cường hào địa phương dàn trận với trung ương
 



thuong-hai-622

* Các tòa nhà cao tầng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 08 tháng 9 năm 2014 (ảnh minh họa). AFP*





Ngày nay, thế giới đã công nhận rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể khả quan như xưa. Nhưng bên dưới tình trạng suy trầm trì trệ ấy còn có nhiều vấn đề khác nữa mà người ta cần nhìn ra. Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi đầu cho năm 2015 qua việc phân tích những vấn đề này. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản


Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau loạt tổng kết cho 2014 và dự báo cho năm mới, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2015. Theo giới quan sát quốc tế thì kinh tế Trung Quốc khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2015, nhưng ngoài ra, xứ này còn có những vấn đề gì khác nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, chúng ta nên đọc vài tin nhỏ mà kém vui vì chúng liên hệ đến kinh tế Việt Nam.

- Hôm 30, tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa ra một báo cáo có tính khuyến nghị, rằng Việt Nam cần giới hạn dần và chấm dứt việc trao đổi qua biên giới với Trung Quốc để chỉ còn cơ chế xuất nhập khẩu thông thường mà thôi. Việc mua bán qua biên giới, hay mậu biên hoặc xuất nhập khẩu tiểu ngạch, là hiện tượng quá phổ biến, gây thất thu về thuế khóa và đào sâu tình trạng nhập siêu quá nặng của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Trong năm qua, số nhập siêu này lên tới gần 30 tỷ đô la, tăng gần 22% so với năm ngoái.

- Trước đó hai ngày, tờ The Wall Street Journal bên Mỹ lại có cái tin mang tính chất bổ sung. Đó là nạn nhập lậu khá phổ biến tại Trung Quốc. Nhưng chuyện ly kỳ họ nói tới không là nhập lậu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng mà là nhập gạo từ Việt Nam. Con số gây giật mình là số gạo lậu từ ta bán cho Tầu trong 11 tháng đầu năm lên ít nhất là một triệu 200 nghìn tấn, bằng một phần tư của số gạo tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Việt Nam đứng đầu trong các nước bán gạo cho Tầu và cung cấp hơn phân nửa số gạo nhập khẩu chính thức vào xứ láng giềng này. Vì giá gạo bên Tầu quá cao, lên tới khoảng 643 đô la một tấn so với giá 498 đô la của Việt Nam, nên trong luồng giao dịch gọi là mậu biên này mới có tình trạng buôn lậu.

Diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Những tin đó từ Việt Nam và bên Mỹ xác nhận điều mà Cục Hải quan Toàn quốc nhắc đền từ đầu tháng 11. Đó là thi hành quyết định của Hội nghị Ban chấp hành kỳ bốn vừa qua, Quốc vụ viện là Hội đồng Bộ trưởng của Trung Quốc phát động chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản và ma túy gọi là Lục Phong, làm gió xanh lục.

Vũ Hoàng: Ông nghĩ thế nào về những vấn đề rất ly kỳ này, thí dụ như Việt Nam là nước bán gạo nhiều nhất cho Trung Quốc mà lại còn bán lậu nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Những tin ấy thấy hơi buồn, buồn nhất là cho người Việt trong cuộc là nông gia. Xứ này nằm dưới chế độ kiểm soát rất khắc nghiệt vậy mà vẫn để xảy ra nạn buôn lậu thì hiển nhiên là các cấp chính quyền địa phương không làm tròm nhiệm vụ, có khi còn trực tiếp nhúng tay vào nghề buôn lậu nữa. Nhân loại đã bước qua năm thứ 15 của thế kỷ 21 rồi mà hai quốc gia tự xưng xã hội chủ nghĩa lại còn hiện tượng lạc hậu đó. Việt Nam hiện dư gạo, nông dân vẫn là nạn nhân vì không hưởng kết quả lao động của mình với giá gạo quá thấp, lại còn buôn lậu qua một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước mà lại có hành vi áp bức với quốc gia mình.

- Chuyện ấy khiến ta nhớ đến một vấn đề khác. Tháng Tư vừa qua, hai bộ Bảo vệ Môi sinh và Tài nguyên Quốc thổ của Bắc Kinh cho biết là một phần năm diện tích đất đai bị nhiễm độc vì hóa chất từ công nghiệp khiến hàng năm họ mất 12 triệu tấn hoa màu, và 30% sản lượng gạo của họ có độ chì cao hơn mức an toàn cho sức khoẻ. Một ví dụ khác là từ nhiều năm rồi, tỉnh Hồ Nam cố khắc phục tình trạng ruộng lúa bị nhiễm chất cadmium mà không xong vì thiếu nước. Và hậu quả là gạo tại Quảng Đông bên cạnh nước ta bị nhiễm cadmium chính là gạo từ Hồ Nam.

- Chúng ta biết diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi. Mà lương thực là sản phẩm còn sinh tử hơn dầu khí nên tất nhiên họ có tư tưởng cướp đất để trồng gạo bên cạnh một quốc gia như Việt Nam mà lãnh đạo có thói quen là cái gì cũng bán, kể cả bán nước.


Viễn ảnh 2015 của kinh tế TQ




Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014
Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014


Vũ Hoàng: Trở lại viễn ảnh 2015 của kinh tế Trung Quốc thì giới quan sát nhận định thế nào?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, người ta cho là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm và giảm phát, với đà tăng trưởng không thể là 7%, có khi chỉ 5% mà thôi. Tuy nhiên, từ chuyện đất đai sang nhà cửa thì tôi nghĩ là ta nên tìm hiểu về một quyết định mới của Quốc vụ viện Bắc Kinh.

- Hôm 22 vừa qua, họ vừa ra một thông tư sơ khởi để sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu Tháng Ba này. Đó là các chính quyền địa phương từ cấp quận huyện trở lên phải lập ra hệ thống kiểm kê và đăng ký mọi loại tài sản gia cư, địa ốc và quyền sử dụng đất trên toàn quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao ông lại cho quyết định này là quan trọng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc các địa phương phải lập hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc bằng điện tử lẫn ghi trên số sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng trước mắt thì khiến giá nhà tại nhiều nơi sút giảm hơn nữa ngay năm nay. Điều ấy lập tức ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế năm 2015.

- Nhìn về căn bản thì quyết định này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Đây là trận đánh lâu dài về ngân sách giữa chính quyền trung ương và các địa phương, lồng trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở cấp địa phương, và sẽ giới hạn được nạn cướp đất của dân để đầu cơ và thổi lên bong bóng.

Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt trình bày cho thính giả của chúng ta những ý nghĩa quả thật là nghiêm trọng mà rắc rối này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về bối cảnh thì như diễn đàn của chúng ta đã trình bày từ mấy năm trước, chính sách quản lý đất đai và cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế đã dẫn đến hai chuyện. Thứ nhất, các chính quyền địa phương lợi dụng quyền quản lý để ban phát lợi lộc cho tay chân khiến dân oán hận. Lý do là họ thu được 40% ngân sách chi dụng là nhờ số đất thật ra lại rất ít hỏi đó. Thứ hai, chính sách kích thích kinh tế bằng tín dụng ào ạt lại trút tiền vào các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương và chạy vào túi các đại gia có quan hệ với đảng viên cán bộ. Rồi tiền quá dư thừa với lãi suất rẻ mới thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và trái bóng đầu cơ bị bể từ mấy năm nay. Hậu quả là ngoài mấy thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, Nam Kinh, tại tất cả các thành phố khác giá nhà đều sụt và các tay đầu cơ có thể phá sản, ngân hàng mất nợ và ngành xây cất bị khủng hoảng, công nhân mất việc.

- Trong bối cảnh ấy, chính quyền trung ương bèn ra chỉ thị thành lập hệ thống kiểm tra này để vừa nắm vững tình hình thật, vừa tránh nạn địa phương lạm quyền rồi báo cáo sai lên trên và từ đó có hy vọng đẩy lui nạn đầu cơ trên thị trường gia cư.


Trận đánh về ngân sách


Vũ Hoàng: Hồi nãy ông có nói đến trận đánh về ngân sách giữa trung ương với địa phương, vì sao lại có tình trạng này?

Năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hệ thống ngân sách của Trung Quốc được thiết lập từ 20 năm trước nay đã bị lỗi thời, khi số thu và chi của trung ương và các địa phương đã có thay đổi. Vắn tắt cho dễ nhớ thì trung ương và địa phương thu được bằng nhau, nhưng các khoản chi của địa phương lại tăng mạnh, từ phân nửa của số tổng chi mấy chục năm trước nay đã lên tới khoảng 85%. Khi ấy, họ làm sao giải quyết được nhu cầu chi dụng? Họ cướp đất và bán đất và lập ra cả ngàn công ty mệnh danh là đầu tư để đi vay tiền bừa phứa từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và đang chất lên một núi nợ rất cao, bên trong có nhiều nợ xấu sẽ mất. Cho đến nay, chưa ai tính được các khoản nợ này là bao nhiêu và bao giờ thì vỡ nợ.

- Vì vậy, sau nhiều năm xoay trở, năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.

Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến việc địa phương thiếu tiền chi dụng cho ngân sách nên mới lập ra những công ty đầu tư tại địa phương để hút tiền từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Thế Bắc Kinh giải quyết vấn đề này như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Để giải quyết chuyện này, từ ba năm truớc, lãnh đạo Bắc Kinh cho thử nghiệm trên 10 thí điểm thể thức trái phiếu địa phương, là các địa phương được vay tiền khi phát hành tờ công khố phiếu của từng địa phương để huy động tiền trong dân gian. Năm 2015 này, họ sẽ thống nhất áp dụng việc đó để các địa phương có tiền trả nợ, tránh nạn cướp đất và tạo cơ hội khác cho giới đầu tư. Nhưng muốn có một thị trường trái phiếu địa phương và đồng thời ban hành sắc thuế thổ trạch thì trước hết người ta cần có một hệ thống sổ sách phân minh và đáng tin cậy. Đấy là ý nghĩa của việc thành lập hệ thống kiểm tra tài sản gia cư địa ốc vừa mới ban hành.

- Qua ngần ấy chuyện, ta thấy ra nhiều vấn đề chằng chịt và phức tạp của hệ thống công quyền thiếu dân chủ và chẳng áp dụng thế chế liên bang trên một đất nước quá rộng.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, liệu chính quyền Trung Quốc có thành công hay chăng khi một lúc phải giải quyết ít ra ba bốn vấn đề là chi thu ngân sách, tránh nạn đầu cơ và cướp đất và tránh nạn sụp đổ tài chính nếu các công ty đầu tư ở địa phương bị vỡ nợ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm nay họ mới có quyết định thành lập các cơ chế giải quyết nên phải mất nhiều năm nữa thì mới thấy kết quả. Một trong những kết quả tích cực là sau này, nông gia sẽ có đất canh tác mà khỏi bị nhà nước cướp mất và từ đó hy vọng khai thác theo lối văn minh hiện đại và lành mạnh hơn để kiếm ra nông sản cho thị trường nội địa.

- Nhưng trước mắt thì những biện pháp ấy sẽ làm giá nhà suy sụp hơn nữa trong năm nay. Ngoài ra, ta không thể quên là chính sách mới sẽ xâm phạm quyền lợi của cường hào ác bá địa phương cùng các doanh gia đã mặc tình khai thác thị trường địa ốc cho lợi ích riêng dưới sự bao che của thân tộc trong đảng. Vì vậy, các thành phần này sẽ ra sức phá hoại chính sách mới. Đấy là lý do vì sao mình nên nghĩ đến chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Mục tiêu vẫn là đánh tan các thế lực kinh tế chính trị thường cấu kết với nhau để trục lợi và còn thách đố chính quyền trung ương. Năm nay, ngoài nạn suy sụp kinh tế, chúng ta còn chứng kiến nhiều trận đánh ly kỳ ấy.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa trong chương trình phát thanh cho một đầu năm dương lịch sẽ hứa hẹn nhiều sóng gió.

Thứ Ba, tháng 12 30, 2014

Ốc Đảo Giữa Hải Đảo



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141230
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Hoa Kỳ là hy vọng sau cùng – mà chẳng biết và khỏi cần biết  

* Một hải đảo giữa tiền rừng bạc biển? *


Nhiều biến cố kinh tế hy hữu đã đánh dầu năm 2014 đang kết thúc: sau sáu năm hạ lãi suất tới số không và bơm ra lượng tiền lớn lao chưa từng thấy khiến tư bản chan hòa khắp nơi, Hoa Kỳ hưởng thành quả của phát minh về thuật lý (technology) trong kỹ thuật khai thác năng lượng để thành nhà sản xuất dầu thô có thế giá. Như một hải đảo được địa dư bảo vệ giữa một thế giới nhiễu nhương về an ninh và trì trệ về kinh tế, Hoa Kỳ có thể thản nhiên nhìn Mỹ kim lên giá và dầu thô sụt giá với cường độ rất lớn. Và coi đó là ưu thế hiển nhiên về kinh tế lẫn an ninh.

Chúng ta đã thấy hai tiền lệ tương tự, với hậu quả tai hại đến vô lường.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tiền rẻ và phát minh mới của cuộc cách mạng tín học đã thổi cổ phiếu điện tử lên trời và thị trường chứng khoán tăng đều 20% một năm trong năm năm liền. Rồi bể. Kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức ra đời, rồi cũng chuyện tiền rẻ đi cùng nhiều kỹ thuật tài chánh tân kỳ đã thổi bùng thị trường địa ốc. Rồi bể từ năm 2006 khiến Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Biện pháp ứng phó với khủng hoảng và suy trầm kinh tế thời 2008-2009 đang tái lập một trật tự bấp bênh, được nhồi thêm kỹ thuật lấy dầu từ đá phiến. Chúng ta đang chứng kiến, một lần nữa, sự chuyển dịch dữ dội của các yếu tố sản xuất khiến người ta hồ hởi sảng rồi lại hốt hoảng bậy.

Sự thăng giáng thất thường và đột ngột của thị trường đang tạo ra nhiều bất ổn mới cho năm tới.

Vào buổi cuối năm, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vẫn vượt lên đỉnh và giới đầu tư lẫn nhiều phần tử ưu tú của xã hội vẫn thờ ơ trước sự bất ổn của Đông Á, Đông Âu và Trung Đông. Vụ khủng hoảng tại Nga còn xác nhận ưu thế của nước Mỹ. Vladimir Putin có thể ngang nhiên tấn công Ukraine nhưng lại làm nhiều xứ lo ngại, như Saudi Arabia, và thị trường đẩy giá dầu thấp hơn khiến Liên bang Nga cạn vốn, đồng Rúp tụt giá và kinh tế suy thoái.

"Bất chiến tự nhiên thành" bỗng dưng là phương châm xử thế của Hoa Kỳ. Nhìn lại thì năm 2014 khởi đầu với chuyện "tiền hung" tại Crimea mà vẫn là "hậu cát" cho nước Mỹ. Với những phát minh mới, như kỹ thuật "fracking" và cái iPhone, Hoa Kỳ vẫn ngự trên đỉnh sóng. Thế giới có lầm than ở chung quanh thì đấy là chuyện của thế giới.

Không có gì nguy hiểm hơn cho các nước và riêng cho Hoa Kỳ, nếu ta chào mừng năm 2015 với tinh thần đó.

Thuần về kinh tế, Hoa Kỳ chưa ra khỏi hậu quả tai hại của vụ khủng hoảng 2008. Nếu sau đó kinh tế có tạo thêm việc làm vào các năm 2009-2013 thì hầu hết là trong ngành dầu khí nhờ thuật fracking của hai vạn xí nghiệp loại nhỏ và vừa tại 16 tiểu bang. Trong khi đó, thị trường lao động không tăng mà còn giảm, kéo theo lợi tức của giới trung lưu và gây vấn đề xã hội là dị biệt lợi tức quá lớn giữa các thành phần dân chúng.

Khi dầu thô sụt giá hơn nữa, có thể thấy từ giữa năm tới, nhiều doanh nghiệp đào dầu sẽ ngưng hoạt động vì hết lời. Dù thường xuyên cải thiện kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất tới mức 30-40 đồng một thùng, họ vẫn khó tồn tại trên trường cạnh tranh. Công việc mới trong ngành sản xuất và yểm trợ dầu khí đã chấm dứt từ năm 2013, và sẽ đảo ngược nếu dầu thô mất giá nữa.

Quốc hội khóa 113 sắp mãn nhiệm được gọi là Quốc hội "không làm gì cả" vì ách tắc chính trị giữa hai đảng. Thật ra, đấy là một ưu điểm! Nhân loại mất nhiều thế kỷ để đẩy lui vai trò của triều đình và nhà nước vì qua một mức căn bản thì nhà nước càng ít ra luật dân càng dễ thở. Qua năm tới, tình trạng ù lỳ của một nhà nước bao biện sẽ chấm dứt, với đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại lưỡng viện và cố thu hồi những đạo luật đã ban hành từ năm 2009. Vì vậy, năm 2015 có nhiều đảo lộn trong xã hội và ngoài thị trường, khiến người thấp cổ bé miệng sẽ chẳng biết đâu mà mò!

Khi ấy, y như thành phần ưu tú đang thu mình trên ốc đảo, dân Mỹ càng không muốn dính dáng vào thiên hạ sự nữa. Mà thiên hạ sự sẽ là một đại đại dương nổi sóng.

Sau khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Tổng thống Franklin Roosevelt hỏi Thủ tướng Anh, rằng ta nên gọi cuộc chiến này với tên gì? Winston Churchill có câu trả lời lạnh mình: "Cuộc Chiến Không Cần Thiết". The Unnecessary War. Không cần thiết vì đáng lẽ không để xảy ra. Mà nó vẫn xảy ra với mức tàn phá kỷ lục.

Chỉ vì khi đó, Hoa Kỳ mắc bệnh tự hoài nghi, cứ nhìn vào tai họa và liều thuốc đổ bệnh sau vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933. Với lãnh đạo Mỹ khi đó, ưu tiên là chuyện kinh tế của ta, kệ cha thiên hạ sự! Các cường quốc Âu-Á ráng lo lấy chuyện của mình.

Ngày nay, chánh sách triệt thoái toàn phương vị, rút lui từ mọi góc về hải đảo của mình, mặc cho các nước xoay trở với nguy cơ khủng bố Hồi giáo, cả Sunni lẫn Shia, cả ISIL lẫn Boko Haram, với đà xâm lược của Putin, bành trướng của Tập Cận Bình, v.v... chánh sách đó là sự khôn ngoan tai hại cho nước Mỹ. Rồi sức năng động của thị trường khiến Mỹ kim lên giá và dầu thô hạ giá càng khiến người ta tin vào chân lý "vô vi nhi trị".

Chẳng làm gì cả về đối ngoại thì bốn phương vẫn phẳng lặng, bên trong thì thị trường vẫn lên giá.

Thật ra, không cường quốc nào có thể coi chuyện đối ngoại là thứ yếu và từ chối can thiệp tại các vùng đất xa xôi mà vẫn hy vọng duy trì vị trí cường quốc toàn cầu. Khi cảnh sát khoanh tay thì hung đồ sẽ được thể tung hoành - và nã đạn vào cảnh sát. Chuyện đang xảy ra bên trong nưoơc Mỹ chứ chẳng đâu xa. Ngay bên đảng Cộng Hoà nổi tiếng diều hâu, một nhân vật như Nghị sĩ Rand Paul thuộc phái "libertarian", tự do tuyệt đối, cũng được nhiều người theo vì chủ trương tự cô lập và chủ hòa, thậm chí phản chiến một cách ngớ ngẩn.

Vì kinh tế cũng là chính trị, vận mệnh Hoa Kỳ không thu gọn vào các chỉ số chứng khoán như DJIA hay S&P 500. Giới đầu tư cứ nói đến cái đỉnh 18.000 của chỉ số Dow Jones mà quên gánh công trái của Mỹ cũng vừa lên tới 18.000 tỷ đô la: nước Mỹ phải chấn chỉnh chi thu để có nền tảng ngân sách quân bình hơn. Và ta quên là khi sóng gió nổi lên từ các thị trường Âu Á vào năm tới thì hải đảo Hoa Kỳ cũng sẽ bị lụt.

May là thời sự vẫn nhắc nhở.

Ngày 16 vừa qua, khi các thị trường mỉm cười nhìn nước Nga tuyệt vọng tăng lãi suất đến 650 điểm để cứu đồng Rúp mà không xong thì tại Pakistan, đám khủng bố Taliban đã tàn sát 145 thường dân, kể cả 130 thiếu nhi. Từng em bị bắn hạ, sau khi phải nhìn tận mắt thầy giáo bị đốt sống. Chuyện ấy xảy ra sau khi một nước xa xôi và hiền hòa như Úc cũng bị một tay khủng bố đơn độc bắt giữ con tin, làm hai người thiệt mạng.

Người ta hài lòng nhớ đến vụ Sony bị Bắc Hàn tấn công để cấm một cuốn phim khôi hài rẻ tiền mà sau đó phim "The Interview" vẫn thu triệu bạc trong ngày trình chiếu đầu tiên. Từ nơi nghỉ cuối năm tại Hawai, Tổng thống Barack Obama cũng hài lòng nói đến việc Hoa Kỳ chấm dứt chiến dịch Afghanistan, nhưng thời sự lại nhắc đến một chuyện khác vào cùng ngày cuối năm:

Tạp chí "Inspire" của tổ chức khủng bố al Qaeda vừa nêu đích danh những mục tiêu sẽ phải thanh toán: bảy hãng hàng không Tây phương (trong đó có bốn hãng của Mỹ) và hai người Mỹ, là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ben Bernanke và... tỷ phú Bill Gates, một người hằng sản và hằng tâm!

Bên ngoài cái tháp ngà vẫn lung lay của Hoa Kỳ là một bầy quỷ dữ đang bóc lịch - và rút kíp lựu đạn chào mừng năm mới. 


Kiều Hối Hận



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống - Ngày 141230 
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Khuân tiền đánh bạc và oằn lưng vì nợ như tay Cửu Vạn

 * Lá Cửu Vạn trong cỗ bài xưa *



Bước sang năm mới, xin làm khó độc giả một tí mà nói chuyện kinh tế hay kinh hãi....

Sinh thời, có lần nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phàn nàn với người viết này về chuyện "kiều hối". Lần đó, người viết thuyết trình về hiện tượng người hải ngoại gửi tiền về cho thân nhân ở nhà và nhân đó phê phán chữ "kiều hối".

Việc người dân một nước sống ở bên ngoài mà gửi tiền về cho gia đình ở nhà là hiện tượng phổ biến, được gọi là "remittance". Nổi tiếng nhất vì nhiều nhất là các trường hợp của dân Ấn Độ, Phi Luật Tân, Trung Quốc, hay Mễ Tây Cơ. Các định chế tài chánh quốc tế đều có nghiên cứu và tổng hợp thống kê từ khảo sát rộng lớn, với nhiều công trình chính xác đến độ liệt kê cả hoa hồng rẻ đắt của từng mạng lưới chuyển ngân, như Western Union, MoneyGram hay ngân hàng....

Theo Ngân hàng Thế giới thì năm 2013, tổng số chuyển ngân của tư nhân cho gia đình ở nhà lên tới 504 tỷ Mỹ kim, trong đó có 440 tỷ trút về các nước "đang phát triển", một mỹ từ về các nước chậm tiến, chưa phát triển. Họ còn dự báo là năm 2014 số tiền ấy tăng được 5%. Ít ai để ý đến sự kiện là khoản viện trợ gia đình này cao hơn ngạch số viện trợ chính thức của các nước giàu cho các nước nghèo.

Lần đó, đã khá lâu rồi, người viết phê bình chữ "kiều hối" được sử dụng ở nhà rồi được truyền thông vô tâm cùa chúng ta thoải mái dùng lại mà không suy nghĩ.

Theo định nghĩa chung thì đấy là nghiệp vụ hối đoái - Việt cộng gọi là ngoại hối - do người dân ở ngoài gửi về. Trong trường hợp Việt Nam thì người dân ở ngoài được họ gọi là "Việt kiều", công dân Việt Nam đang là ngoại kiều tại xứ khác. Hàm ý chính trị của chữ "kiều hối" là nhiều người hải ngoại là thần dân của các chú ngất ngưởng trong cõi Ba Đình linh tinh nơi đó.

Vào thời ấy, dăm bảy năm trước, khi lượng tiền ở hải ngoại gửi về ở khoảng sáu tỷ đô la một năm, thì chữ "kiều hối" này sai bét.

Đại đa số người gửi tiền về cho gia đình đều là nạn nhân cộng sản, thuyền nhân hay dân di tản, họ không chấp nhận chế độ nên chẳng nghĩ mình là "Việt kiều" như Hà Nội muốn ám chỉ. Thời ấy, những người Việt đi lao động ở nước ngoài còn ít và làm ăn cực khổ chứ cũng chẳng dư giả gì để gửi mấy tỷ về nhà. Còn Việt kiều tại Nga hay Đông Âu thì không chơi kiểu đó khi cần chuyển tiền về nhà để kinh doanh.

Theo ước lượng của quốc tế thì đến 80% lượng "remittance" gửi về Việt Nam xuất phát từ Hoa Kỳ, nơi sinh sống của đa số người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Họ gửi tiền về vì lòng thương hơn là để "xây dựng chế độ". Dù kết quả sau cùng thì vẫn là cứu nguy chế độ.

Nói thêm về kinh tế cho vui chuyện đầu năm: lượng tiền tươi và khỏi bồi hoàn này cao bằng 7% tổng số sản xuất của cả nước, ngẫu nhiên sao cũng bằng đà tăng trưởng gọi là rồng cọp của Việt Nam. Như vậy, nếu thiếu khoản ngoại viện của khúc ruột xa ngàn dậm thì đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ là số không? Nếu có tăng trưởng thật thì khoản lợi tức sai biệt ấy chảy đi đâu? Bốc thành khói vì được tẩu tán ra ngoài?

Ai chẳng biết khi ta ra quầy gửi tiền, giả dụ như ngàn bạc, về cho thân nhân thì hãng gửi tiền chẳng cầm 10 tờ giấy trăm đồng bay qua đại dương để về trao cho người nhận ở nhà. Họ làm một nghiệp vụ kế toán là tá ghi 1.000 vào một trương mục ở bên này, bên kia có một trương mục được thải ghi khi ai đó xoè ngàn bạc ra và biết là nhờ vậy mình có một thiên nằm sẵn ở ngoài....

Ở đây miễn nói đến hoa hồng của nghiệp vụ chuyển ngân hai chiều ấy. Ai chẳng cần kiếm ăn?

Lần ấy, Nguyễn Chí Thiện nêu câu hỏi là liệu số tiền gửi về có nhiều như Ngân hàng Thế giới hay Bộ Ngân khố Hoa Kỳ ước tính không? Trong chỗ thân tình, ông còn kín đáo phàn nàn với người viết, rằng nếu đưa ra con số quá lớn như vậy, khi Tổng sản lượng của Việt Nam chỉ có chừng 90 tỷ đô, thì biết đâu là ta lại tuyên truyền cho chế độ?

Sự thật còn bi quan hơn cái nhìn của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của chúng ta:

Con số đó chỉ là thống kê chính thức của các tổ chức tài chánh chứ họ không đếm nhiều khoản chuyển ngân lậu khác. Hoặc không nói đến số tiền mặt mà người Việt về thăm nhà đã lặng lẽ để lại cho bà con trước khi ra khỏi thiên đường.... Phép tính nhẩm là ta nên nhân gấp đôi con số chính thức thì may ra có con số thật!

Ngày nay, tình hình còn bi đát hơn thế!

Năm 2013, lượng "kiều hối" chính thức đã vượt 10 tỷ để lên đến 11 tỷ, khi Tổng sản lượng của Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính là 170 tỷ đô la.... Theo Ngân hàng Thế giới dự đoán thì năm 2014, Việt Nam được người Việt viện trợ khoảng 11,403 tỷ (11 tỷ 403 triệu đô la).

Khách có người hỏi, cớ sao trong một bài bình luận đầu năm, người viết lại oanh kích vào đó? Tiền lì xì hay sao vậy?

– Thưa rằng có vài chuyện cần giải thích thì mọi việc đều sáng trưng!

Thời nay, nhiều người Việt gốc tỵ nạn mặc nhiên hành xử như Việt kiều, dù chả ham gì chế độ mục nát ấy. Họ có ý thức chính trị thấp ngang tầm cỏ. Nhưng ly kỳ hơn thế, họ có ý thức kinh tế rất cao.

Người ta nghiệm thấy khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, nhất là tại các nước Âu-Mỹ như thời 2008-2009, thì số tiền gửi về cho thân nhân có giảm sút. Xin bà con thông cảm! Từ sáu tỷ tám năm 2008 thì Việt Nam chỉ được có sáu tỷ vào năm 2009!

Thế rồi dòng tiền lại tăng vọt bất ngờ: năm 2010 được 8,260 tỷ, 2011 được 8,600 tỷ, qua năm 2012 thì được 10 tỷ, năm sau thì tăng 10% lên tới 11 tỷ.... Trong mấy năm đó, bà con ta tại Âu Châu hay Hoa Kỳ này chưa thấy khấm khá, lương lậu cũng vậy. Thế thì vì sao lại gửi tiền về như nước?

Vì ý thức kinh tế. Đó là nhiều người tìm tiền ở chỗ rẻ đem về kiếm lời ở nơi có lãi suất cao.

Thuật ngữ kinh tế gọi nghiệp vụ đầu tư ấy là "carry trade". Từ Anh ngữ này khá thông dụng nên người Pháp cũng dùng khi nói đến nghiệp vụ đầu tư bằng ngoại tệ. Trung Quốc và Hong Kong thì dịch thành "lợi sai giao dịch".

Nhưng nếu chỉ đem tiền mình đang có mà đưa về nhà đánh bạc thì vẫn chưa tinh. Đi vay với lãi suất rẻ để về cho nơi khác vay lại với lãi suất cao hơn thì mới hợp cách "một vốn bốn lời". Hoặc vay ngắn hạn với phân lời thấp để cho vay lại trong dài hạn với phân lời cao cũng là một cách làm giàu thật nhanh. Nói theo ngôn từ cách mạng của đảng nó thì đấy cũng là "lấy ngắn nuôi dài".

Các đấng "Việt kiều" tinh khôn của ta thì nghĩ đến chữ "thương người như thể thương thân".

Khi kinh tế Hoa Kỳ còn èo uột, lãi suất tại Mỹ bò ngang trên sàn thì mượn đồng tiền rẻ này đem về nhà kiếm lời. Lượng "kiều hối" tăng vọt từ mấy năm qua vì ngoài chuyện làm nghĩa lại có nghiệp vụ làm tiền. Tui không "care" nhưng tui làm "carry trade"!

Họ kìn kìn khuân tiền như tay Cửu Vạn trong cỗ bài Tổ Tôm, Tài Bàn hay cỗ Bất. Nhưng là những tay Cửu Vạn hiện đại, tung hoành trên không gian điện toán. Đổi mới mà!

Đa số những người tính toán ấy không chơi dại mà đem tiền về đầu tư vào dự án sản xuất dăm ba năm mới có kết quả, dù là để gia tăng sản lượng cho kinh tế quốc dân hay gia đình và nhờ đó tạo ra việc làm. Chỉ vì môi trường làm ăn đầy bất trắc và nạn tham nhũng hay tiền chè lá là những ẩn phí vĩ đại.

Họ chủ yếu đầu tư bằng cách đổi ra tiền Bác rồi gửi vào ngân hàng để tìm sai biệt về lãi suất. Hoặc tung tiền buôn vàng khi giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng quốc tế. Thản hoặc như nếu có thân nhân thuộc loại thần thế có nhiều thẻ đỏ thì họ đầu tư vào thị trường địa ốc.

Mỗi dịp gừi tiền về như vậy thì lại tạo cơ hội cho các bậc thế giá ở trong tầu tán tài sản ra ngoài. Trong ngoài gì đều có lợi cả! Đề huề.

Thế rồi một buổi chiều Thu....

Dù lãi suất tại Mỹ còn rẻ, hối suất Mỹ kim so với các ngoại tệ khác lại tăng! Vùn vụt. Ngược lại, các đồng tiền khác thì rớt giá như cục gạch. Khi cần thu lại Mỹ kim để trả nợ thì phải cần nhiều tiền hơn mới đổi được một đô la. Nếu Mỹ kim cứ lên giá thì nhà nhà đều phải đổi tiền và diễn ra cảnh bán tháo. Cho đến ngày nhà nước xanh mặt vì dự trữ ngoại tệ bị bào mỏng mà ra quyết định hạn chế nghiệp vụ giao dịch bằng đô la. Rồi sẽ kiểm soát luôn thị trường hối đoái để tránh nạn tầu tán tài sản làm nhà nước vỡ nợ!

Thế giới đã từng thấy những lần nghiệp vụ đầu tư như vậy bị tréo giò làm nhà đầu tư nằm thẳng cẳng như những anh Cửu Vạn bị đè dưới núi nợ. Đầu năm 2008, ngân hàng đầu tư Bear Sterns của Mỹ phá sản và được bán rẻ cho JP Morgan Stanley vì đã vay ngắn hạn để cho vay dài hạn và gặp nạn vì phân lời đảo chiều khi kinh tế suy trầm. Trước đó, vào quãng 1990, kinh tế Nhật lãnh họa khi đồng Yen lên giá. Gần đây, các đại gia của Putin đang chết thảm vì đồng Rúp sụt giá.

Bây giờ đến lượt anh em ta!

Đầu năm mà nói chuyện Tổ Tôm với mấy tay Cửu Vạn thì ta khó quên được bài vè:

Xoay dọc rồi lại xoay ngang,
Xoay xong nước lợi xoay sang nước ù.
Xoay nhanh hơn cả đèn cù,
Chậm xoay có lúc bỏ ù quên ăn.

Có câu cách ngôn ở đây được tự biên tự diễn cho thêm phần náo nhiệt:

Bây giờ đến lúc ăn năn.

Vì vậy mới gọi là "kiều hối hận"! 

Khách nghe rồi bật cười, cái mặt đểu đểu thấy dễ ghét....


_________

Xin quý độc giả của Dainamax vào trang nhà của tuần báo Sống (songnews.net) để đọc các bài khác của Sống

Thứ Năm, tháng 12 25, 2014

Ukraine Hạ Hoả



Hùng Tâm / Người Việt Ngày 141225

Thị trường xối nước vào chiến trường của Putin 

* Chúc mừng năm mới bác Putin *


Trong bài phân tách cuối năm ngoái ("Chính Quyền Mới Của Thủ Tướng Angela Merkel - Mưu trí của nước Đức giữa Ba Lan và Liên bang Nga") Hồ Sơ Người-Việt giới thiệu nội các mới của Thủ tướng Đức như sau: "Sau 12 tuần, Thủ tướng Angela Merkel đã lập được một chính phủ "đại đoàn kết", lần thứ hai. Ngay sau đó, bà phải giữ vai trung gian để bảo vệ được quyền lợi của Đức ở giữa Ba Lan và Liên bang Nga. Những tính toán đó có thể ảnh hưởng đến tình hình Ukraine trong năm 2014. "Hồ Sơ Người-Việt" xin trình bày chuyện này đi cùng lời chúc "bình an dưới thế cho người thiện tâm".

Quả nhiên là suốt năm 2014, vụ khủng hoảng Ukraine trở thành đề tài nóng giữa Đức với các nước Âu Châu và giữa Tây phương (Âu Châu và Hoa Kỳ) với Liên bang Nga.

Nhưng đến cuối năm, tình hình có vẻ lắng dịu một cách bất ngờ sau khi Quốc hội Ukraine biểu quyết hôm Thứ Ba 23 Tháng 12 việc thu hồi một đạo luật có nội dung bảo đảm thế trung lập của quốc gia này giữa hai khối Đông-Tây (nhìn trên bản đồ chiến lược, Đông là Nga và Tây là Âu Châu).

Ai cũng có thể đoán là dưới sự đe đọa của Nga, khi một chế độ thân Tây phương như Ukraine mà quyết định từ bỏ chủ trương trung lập thì bước kế tiếp sẽ là gia nhập Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Và nếu thế, trong năm tới tình hình Ukraine sẽ thêm căng thẳng, chứ làm sao lắng dịu được? Sự thật lại không hẳn như vậy. Hồ Sơ Người-Việt vào buổi cuối năm xin tìm hiểu về chuyện đó – cũng với lời chúc bình an dưới thế....


Sự Non Yếu Của Dân Chủ


Ukraine là nước cộng hoà xưa kia từng nằm trong lãnh thổ Liên bang Xô viết và có trọng lượng kinh tế lẫn an ninh rất cao trong hệ thống Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, xứ này tách ra ngoài thành một quốc gia độc lập, coi như tiến ra vị trí trung lập. Hôm 23 vửa qua, Quốc hội quyết định từ bỏ vị trí trung lập đó. Ngoại trưởng Ukraine là Pavlo Kilmkin lập tức tuyên bố rằng quyết định này cho thấy sự chuyển trục của Ukraine về phía Tây phương. Sau một năm bị Liên bang Nga uy hiếp, nếu Ukraine mà chuyển trục thì sẽ phải gia nhập Minh ước NATO để tự vệ. Hầu hết các bài bình luận của truyền thông Âu Châu đều nhấn mạnh đến chiều hướng đó. Có khi với sự e ngại là Kyiv sẽ gây thêm mâu thuẫn với Moscow.

Nhưng lý luận như vậy là sai.

Trên đà tan rã của Liên Xô, Ukraine quyết định giành lại độc lập từ giữa năm 1990. Sau đó, ưu tiên của xứ này là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị khi Liên Xô tiêu vong vào cuối năm 1991. Trong 10 năm kế tiếp, từ 1994 đến 2004, ngoại giao của Ukraine dưới triều đại của Tổng thống Leonid Kuchma là đu dây giữa hai khối Đông-Tây: tìm nguồn lợi kinh tế từ phía Tây khi buôn bán với Âu Châu, mà không cắt cầu qua hướng Đông để bị đe dọa về an ninh từ Liên bang Nga mới được thành lập.

Cuộc Cách mạng màu Da cam (Orange Revolution) năm 2004 - xuất phát từ vụ bầu cử gian lận khiến Thủ tướng Viktor Yanukovich thắng cử - đã đảo lộn tình hình. Truyền thông Tây phương coi đó là thắng lợi của nền dân chủ, nhất là khi chính quyền mới khẳng định ưu tiên là hội nhập với Liên hiệp Âu châu và gia nhập NATO.

Như mọi khi, truyền thông Tây phương và truyền thông thông ngôn của ta đã quá lạc quan!

Vì Chính quyền dân chủ bất tài bất lực, hai lãnh tụ cách mạng là Tổng thống Vyktor Yushchenko còn tranh giành ảnh hưởng với Thủ tướng Yulia Tymoshenko nên sau cùng, Yanukovich đắc cử Tổng thống năm 2010. Yanukovich từ bỏ đường lối thiên Tây mà ngả về Đông, và Quốc hội thân Nga khi ấy mới ra đạo luật cấm Ukraine xin gia nhập NATO. Từ đó Ukraine trở lại chủ trương "trung lập".

Khi Yanukovich bị lật đổ vào cuối năm 2013, Liên bang Nga liền lấy đó là lý do tấn công Ukraine và chiếm mất bán đảo Crimea - rồi cho đặc công khuynh đảo các tỉnh miền Đông. Bây giờ đạo luật trung lập đó bị thu hồi. Con đường vào NATO đã có vẻ thênh thang rộng mở.

Nhưng đấy là khung cửa hẹp.


Khung Cửa Hẹp Vào NATO


Đang có 28 thành viên, Minh ước NATO lập ra trong tinh thần phòng thủ hay gián chỉ (deterrence) để tránh chiến tranh, với điều 5 trong Hiến chương quy định là tấn công một thành viên có nghĩa là tấn công cả tổ chức khiến các thành viên khác đều tham gia bảo vệ. Hiến chương ấy cũng quy định là bất cứ ai xin gia nhập đều phải có sự đồng ý của mọi thành viên.

Diễn giải cho dễ hiểu, các nước đều muốn gia nhập để được bảo vệ. Nhưng thói đời cho thấy là xứ nào cũng ngại nếu chính mình phải đem xương máu bảo vệ xứ khác. Nền dân chủ và quy tắc đồng thuận có ưu điểm là hiếu hòa để tránh loạn. Nhưng mặt trái vẫn là sự ngần ngại khi phải góp quân chống giặc... ở nhà bên cạnh. Vì thế, NATO cũng quy định là chỉ nhận các thành viên không có tranh chấp hay mâu thuẫn an ninh với một xứ khác.

Cần nhắc lại nguyên lý sơ đẳng này để ta thấy ra sự khác biệt giữa NATO và tổ chức Warsaw do Liên Xô lãnh đạo năm xưa. NATO giữ thế thủ là chính, như một tấm khiên. Còn Minh ước Warsaw là công cụ của Moscow, như mũi giáo thọc vào hệ thống Tây Âu.

Ngày nay, Ukraine đang có tranh chấp lãnh thổ với Liên bang Nga, một mâu thuẫn không dễ hòa giải qua biện pháp ngoại giao, lại còn có nguy cơ bùng nổ thành chiến cuộc dù đôi bên đã tạm đồng ý với quyết định ngưng bắn. Trong cả năm tranh chấp và xung đột giữa Nga và Ukraine, lập trường của Tây phương (Hoa Kỳ, Liên Âu và NATO) là bênh vực Ukraine bằng chính trị và kinh tế nhưng tránh giải pháp quân sự. Ngay trong tiềm thức, Tây phương có triết lý phản chiến.

Đôi khi vì đó mà gặp chiến tranh, nhưng đấy là chuyện khác.

Dù sao thì nếu nhìn lại tương quan và những ràng buộc của đôi bên, việc các thành viên NATO cho Ukrainc gia nhập là điều khó. Có xác suất rất thấp. Những ai lo sợ chiến tranh vì Ukraine sẽ được vào NATO có thể yên tâm ăn Tết.

Huống hồ Tổng thống Vladimir Putin của Nga lại vừa gẫy mất mũi giáo!



Khi Thị Trường Hạ Hoả Chiến Trường


Liên bang Nga đang bị khủng hoảng kinh tế không vì các biện pháp cấm vận của Tây phương sau khi tấn công Ukraine.

Nga bị khủng hoảng trước tiên vì lý do nội tại, y hệt như Liên Xô thời xưa với nhược điểm của chủ nghĩa cộng sản. Nhược điểm của Nga là chủ trương kinh tế nhuốm mùi tư bản nhà nước, nhà nước đây là tay chân của lãnh tụ Putin. Gần 25 năm sau khi Liên Xô tan rã (1989) rồi sụp đổ (1991) hệ thống kinh tế Nga chưa thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu thô, nguồn cung cấp cho hai phần ba tổng số xuất cảng và gần phân nửa ngân sách.

Giữa cơn khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Putin có nói thật và nói đúng trong bài phát biểu cuối năm, vào tuần trước, rằng vụ cấm vận gây ra từ 25 đến 30% những khó khăn cho nước Nga. Ông không thể nói sự thật kia, là chỉ vì Nga vẫn còn sống nhờ bán dầu nên kinh tế mới khủng hoảng khi giá dầu từ khoảng 115-117 đô la một thùng vào Tháng Sáu đã sụt phân nửa và nay chỉ còn chưa tới sáu chục bạc.

Lý do thứ ba, chẳng có gì lạ thường, là khi dầu thô mất giá, ngân sách thất thu, kinh tế thất bát mất mùa thì tư bản tháo chạy. Các đại gia được Putin nâng đỡ để bảo vệ chế độ độc tài của ông ta đều tìm cách tẩu tán tài sản làm đồng Rúp càng thêm mất giá. Chính quyền Putin đánh ngược sóng bằng cách bán đô la trong dự trữ để nâng giá đồng bạc, rồi hạ lãi suất tới 6,5% vào đêm 16 vừa qua, mà không thể ngăn được nạn thủy triều rút, kéo theo sự suy sụp của kinh tế.

Vì vậy, sau khi chửi bới lung tung suốt một tuần, Putin đang cho rút củi dưới cái nồi Ukraine.

Các nhóm "dân quân độc lập" đòi giải phóng miền Đông của Ukraine - thực chất là lực lượng xâm lược của Nga – đã im tiếng súng. Giới chức Moscow thì cho biết có thể đàm phán về quy chế của các tỉnh miền Đông đã ly khai với chính quyền Ukraine tại Kyiv. Và hôm Thứ Hai vừa qua, Putin điện đàm với lãnh đạo của Ukraine là Tổng thống Petro Poroshenko, của Đức là Thủ tướng Angela Merkel và của Pháp là Tổng thống François Hollande.

Ngược lại, Tổng thống Poroshenko cũng tránh đổ dầu vào lửa khi tuyên bố rằng Ukraine chưa dự tính nộp đơn xin gia nhập NATO, ít ra cho tới năm 2020. Người dân Ukraine có thể sẽ mừng Giáng Sinh và ăn Tết rất vui với hy vọng khá hơn cho năm tới.

_______________________


Kết luận ở đây là gì?

Năm 2014 mở ra với vụ khủng hoảng Ukraine và nhiều thảm kịch chết người trước sự thắng thế của Putin và sự ngần ngại, bất nhất và lúng túng của các nước Tây phương. Đến cuối năm thì tình hình lại có vẻ lắng đọng, chủ yếu vì tác động của thị trường đã thu hẹp khả năng tác chiến của bạo chúa.

Quyết định thu hồi đạo luật trung lập của Quốc hội chỉ cho lãnh đạo Kyiv cái thế biểu kiến, chứ cái lực nằm trong quyết định của các thành viên NATO. Dù vậy, Ukraine vẫn thấy mình còn có khả năng xoay trở khá hơn trước.

Liệu rằng nhờ vậy mà họ rút tỉa được bài học thất bại của các lãnh tụ dân chủ thời 2004?