Thứ Tư, tháng 5 30, 2012

Khủng Hoảng Âu Châu và Hy Lạp Rũ Áo

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120530

Không giải quyết nổi thì Âu Châu lụn bại - hoặc tan rã



* AFP photo - Lãnh đạo của Đảng xã hội Hy Lạp Evangelos Venizelos 
phát biểu trước cuộc bầu cử tại quảng trường Syntagma ở Athens ngày 04 tháng 5 năm 2012 *


Từ mấy tuần nay, các thị trường tài chính thế giới đều điên đảo vì những gì xảy ra tại Âu Châu với kịch bản ngày càng hiện thực là Hy Lạp ra khỏi khối tiền tệ thống nhất của 17 quốc gia cùng dùng chung đồng tiền Euro. Vì sao tình hình lại nghiêm trọng đến vậy và hậu quả sẽ là những gì cho kinh tế toàn cầu? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vụ khủng hoảng này qua phần trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Kết quả cứu nguy Hy Lạp  

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Đài Á châu Tự do có mục tiêu chính là phục vụ thính giả Á châu, nhưng vụ khủng hoảng Âu châu và nhất là viễn ảnh Hy Lạp có thể sẽ ra khỏi khối Euro đang gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới, kể cả Á châu. Vì vậy, chúng ta sẽ đặc biệt phân tích cho thính giả của chúng ta sự kiện kỳ lạ và đáng ngại này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một hồ sơ rất phức tạp và có nhiều nguyên nhân sâu xa mà vì thời lượng có hạn của chương trình, tôi xin phép chỉ tóm lược vào vài điểm chính thôi, để giành thời giờ phân tích hậu quả. Một hậu quả đếm được là sau cuộc bầu cử mùng sáu tháng Năm tại Hy Lạp với kết quả là một vụ khủng hoảng chính trị thì các thị trường cổ phiếu của cả thế giới đã mất toi ba ngàn tỷ Mỹ kim trong có ba tuần. Mà đây mới chỉ là bước đầu của vụ "Grexit" là cách người ta chơi chữ với tên nước Hy Lạp là "Greece" và "Exit" là đi ra.

Vũ Hoàng: Ông theo dõi chuyện Âu Châu từ lâu và hình như trên diễn đàn này đúng bảy năm về trước ông đề cập tới những khó khăn của việc thống nhất Âu Châu về kinh tế lẫn tiền tệ khi mà qua một cuộc trưng cầu dân ý, dân Pháp và Hà Lan đã bác bỏ dự thảo Hiến pháp Âu châu do một cựu Tổng thống Pháp là trưởng ban soạn thảo vì không muốn bị ràng buộc quá chặt chẽ. Trên nhiều diễn đàn khác ông cũng tỏ vẻ hoài nghi kết quả cứu nguy của các nước Âu Châu. Thưa ông vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ ba năm nay, chúng ta có thể thấy ra một hiện tượng mà tôi xin phép được gọi là "luân vũ trong cõi ảo".

- Bước đầu là sự báo động của thị trường tài chính qua phân lời trái phiếu tăng vọt và cổ phiếu sụt giá làm lãnh đạo Âu châu họp hành khẩn cấp và đạt một thỏa ước tạm khiến các thị trường hứng khởi lên giá.

- Chỉ vài ngày đến vài tuần sau, người ta mới phát giác là những thoả thuận đó với trăm tỷ Euro của cơ chế này hay hai trăm tỷ của cơ chế kia vẫn chẳng giải quyết được vấn đề và một nguy cơ khủng hoảng khác lại ló dạng. Thế là lãnh đạo các nước Âu châu cùng các định chế hữu trách lại họp khẩn với một thoả thuận khác, để lại gây hy vọng rồi tuyệt vọng. Sau ba năm dập dìu nhảy múa nhịp ba như vậy, ngày nay các nước Âu châu bỗng như hết nhạc. Họ chờ đợi trong sự im ắng của viên đạn đại bác vừa bay khỏi nòng trước khi gây ra một tiếng nổ lớn!

Vũ Hoàng: Ông có lối ví von một vụ khủng hoảng như một hoạt cảnh ca nhạc cũ vậy! Nhưng vì sao ông lại chờ đợi một tiếng nổ lớn? Phải chăng vì Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro với hậu quả là những chấn động kinh tế và tài chính toàn cầu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cái nhân của thảm kịch Âu châu, trong đó có bi kịch Hy Lạp, là sự chủ quan duy ý chí của các nước Âu châu. Họ muốn thống nhất giao dịch thương mại giữa 27 quốc gia, bên trong là thống nhất tiền tệ giữa 17 nước, mà không có cơ chế thống nhất về tài chính công, tức là ngân sách và thuế vụ, của các nước thành viên. Trên cùng là không có cơ chế chính trị với quyền cưỡng hành, là quyền kiểm soát kỷ luật ngân sách của từng nước.

- Đã thế các thành viên còn gây ra nhiều ảo tưởng hai chiều. Thứ nhất là ảo tưởng rằng Liên hiệp Âu châu có cơ chế thống nhất về Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp như một chế độ liên bang mà thật ra mấy cơ chế đỏ chỉ có thế chứ chẳng có quyền. Vì, thứ hai, quốc gia nào cũng vẫn giữ lại cho mình chủ quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính riêng và tìm mối lợi riêng trong sự thống nhất ảo đó mà chẳng sợ bị chế tài. Kết quả là họ vỡ mộng vì đã hết giải pháp, như nhạc đã tắt và hết nhảy múa được nữa khi phải đối diện với thực tế là không thể cứu được Hy Lạp và rằng xứ này sẽ, tự nguyện hay không, rũ áo ra khỏi khối Euro với những hậu quả vô lường.

 

Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro? 


000_Par7116447-250.jpg 


Vũ Hoàng: Ông cho là Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là tuần qua nhiều trung tâm nghiên cứu của các tổ hợp đầu tư đã tính xác suất của kịch bản kinh hãi này là đến 75% chứ không còn là 50-50 như tháng trước. Một hy vọng là từ vụ khủng hoảng hôm mùng sáu, Hy Lạp tổ chức bầu cử bất thường vào ngày 17 tháng tới. Nếu cử tri bầu lên một chính quyền dám lấy quyết định thực tiễn và phần nào chấp hành cam kết giảm chi trong hiệp ước ngân sách Âu châu vào đầu Tháng Ba thì may ra họ có thể đẩy lui kịch bản đó, được ít lâu. Thật ra, câu chuyện còn rắc rối gấp bội và tôi xin giải thích:

- Các nước đều biết tai họa của việc Hy Lạp rũ áo ra đi, tức là sẽ cho đổi tiền để dân chúng dùng lại đồng Drachma cũ thay vì dùng đồng Euro, với những chấn động thê thảm cho người dân. Tai họa ở đây là tương lai của đồng Euro sau đó, vì nước nào sẽ đi hay sẽ ở?

- Nếu muốn tránh kịch bản đó mà các nước lại bảo nhau nhượng bộ và cấp cứu Hy Lạp, tức là hy sinh nữa, thì mấy quốc gia đang mấp mé khủng hoảng ở cái vành ngoài của Âu châu, đa số là các nước miền Nam quanh Địa Trung Hải, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Ý... sẽ lại noi gương Hy Lạp, là lại đòi được xoá nợ, chuộc nợ hay đắp vốn để duy trì hệ thống Euro.

- Các nước cốt lõi ở phía Bắc, nhất là Đức, đầu tầu kinh tế của Âu châu và cũng là thành viên đã tung tiền cấp cứu nhiều nhất từ mấy năm qua, có thể chịu đựng được gánh nặng đó không? Nói vắn tắt, Âu châu đang đụng vào bức vách phũ phàng đằng sau ảo tưởng và điều ấy còn kinh hoàng hơn chuyện Hy Lạp đi hay ở.

Vũ Hoàng: Ông trình bày như vậy thì xin hỏi rằng chẳng lẽ ngần ấy nước công nghiệp hoá đã từng chi phối cả thế giới trong nhiều thế kỷ lại bó tay hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lạc quan nghĩ là trong dài hạn, tức là sau năm bảy năm nữa, thì các nước Âu châu phải tìm ra giải pháp thực tế hơn. Vì nếu không, Âu châu sẽ lụn bại, hoặc tan rã.

- Lụn bại là khi các nước nghèo hoặc mắc nợ nhất sẽ ngả theo hướng giải quyết của Tổng thống Pháp. Đó là tập thể Âu châu cùng nhau bảo đảm gánh nợ của các thành viên trong tình liên đới để nhắm vào mục tiêu tăng trưởng như họ nói. Giải pháp đó duy trì nguyên do của khủng hoảng vì lại dẫn đến việc đẩy lui cải cách và lại vay tiền tăng chi khiến các nước giàu và giữ gìn kỷ luật ngân sách phải lãnh nợ cho các nước cứ bị bội chi mà mắc nợ trong khi tập thể Âu châu lại chẳng có khả năng cưỡng chế về pháp lý và rốt cuộc thì gánh công trái cứ tăng.

- Tan rã là kịch bản còn đáng sợ hơn. Đó là khi các nước ngả theo hướng giải quyết khắt khe của Thủ tướng Đức. Đó là các nước phải chấp nhận khắc khổ và giảm chi trong tinh thần kỷ luật. Khi ấy, người dân của nhiều nước càng bất mãn với dự án thống nhất và dồn phiếu cho các đảng cực hữu đề cao tinh thần quốc gia quá khích. Gần đây, ta thấy tái xuất hiện tinh thần phát xít, chủ trương bài ngoại và kỳ thị di dân ở nhiều nước Âu châu. Trào lưu này có thể làm tan rã cả nền móng của Liên hiệp Âu châu khiến lục địa này sẽ gặp lại quá khứ của xung đột.

- Chúng ta có vài ba năm để xem Âu châu sẽ ngả theo hướng nào hoặc có thể nhân khủng hoảng mà tìm ra một giải pháp hội nhập rốt ráo và thực tế hơn hay không. Trong khi chờ đợi thì mình hãy xét về hậu quả ngắn hạn của vụ Hy Lạp rũ áo hoặc xé chiếu ngồi riêng....

Vũ Hoàng: Thưa vâng, vì dù kinh tế Hy Lạp chỉ có sản lượng bằng 0,4% sản lượng toàn cầu, việc xứ này ra khỏi đồng Euro cũng có những hậu quả lan rộng như ông vừa trình bày. Khi thấy Hy Lạp bị khủng hoảng chính trị sau bầu cử vì không tìm ra giải pháp tài chính, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã hãi sợ, tuột giá và mất luôn ba ngàn tỷ đô la trong có ba tuần. Đó là mới chỉ e sợ kịch bản Hy Lạp ra đi, nếu chuyện này trở thành hiện thực thì tình hình sẽ ra sao? Trước tiên, thưa ông là về tình hình Hy Lạp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:  - Tôi nghĩ là người ta lại nói đến phạm trù hay thành ngữ "Bi kịch Hy Lạp".

- Trên nguyên tắc, khi trở về đồng bạc độc lập thì xứ này có thể phá giá, xoá được một khối nợ và chấp nhận lạm phát cao nhưng nhờ đồng Drachma mất giá mà sẽ có sức cạnh tranh cao hơn. Trong thực tế, cơ chế kinh tế và luật lệ lao động gò bó để duy trì chế độ bao cấp đã khiến xứ này mất sức cạnh tranh từ đầu. Hy Lạp chỉ sản xuất nông nghiệp, có hệ thống hàng hải và nền du lịch hấp dẫn mà vẫn không đủ sống, còn lại là làm gia công là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu để chế biến và bán ra ngoài.

- Khi kinh tế bị lạm phát và đồng bạc mất giá so với các ngoại tệ khác thì nhập lượng mua vào sẽ tốn hơn nên triệt tiêu lợi thế cạnh tranh. Vì thế, trong ngắn hạn thì Hy Lạp bị lạm phát, thất nghiệp, tư bản tẩu tán ra ngoài, dân chúng biểu tình mà kinh tế thì thiếu nguyên nhiên vật liệu.  Đáng lẽ, khi gia nhập khối Euro 11 năm trước, Hy Lạp có cơ hội cải tổ để nâng sức cạnh tranh mà họ không làm và cứ tiêu thụ quá khả năng rồi trả bằng giấy nợ. Bây giờ họ sẽ mất nhiều năm khắc khổ để ra khỏi khó khăn và đổ lỗi cho xứ khác thì chẳng là giải pháp.

 

Châu Âu ứng phó ra sao

 

000_Par6858938-250.jpg 


Vũ Hoàng: Thưa ông, ngoài Hy Lạp thì các nước khác sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên đại thể, khi Hy Lạp bước ra thì niềm tin vào lợi thế của thống nhất tiền tệ sẽ sụp đổ và nhiều nước có thể cũng ra đi. Khi nghĩ vậy thì ai cũng phải thủ thân và rút tiền khỏi ngân hàng thậm chí ra khỏi lãnh thổ như ta đã thấy tại Hy Lạp từ tháng trước. Vài xứ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ireland có thể vỡ nợ, ngân hàng phá sản và dòng tín dụng bị cạn. Âu châu sẽ bị khủng hoảng ngân hàng, đồng Euro mất giá và kinh tế Âu châu bị suy trầm.

- Khi kinh tế Âu châu suy trầm, các quốc gia bạn hàng của 500 triệu dân Âu châu mất thị trường và kinh tế xứ khác bị vạ lây, có thể với tỷ lệ bảy phần mười. Giả dụ như nếu sản lượng Âu châu mà sụt 1% thì các nước khác sụt theo 0,7%. Tổ hợp ngân hàng ING tính rằng vụ Hy Lạp ra đi sẽ làm sản lượng khối Euro sụt mất hai điểm bách phân, giả dụ như đáng lẽ tăng 4% thì chỉ còn 2%. Nhưng nếu khối Euro tan rã thì hậu quả sẽ là mất 12 điểm trong hai năm tới. Còn tổ hợp BofA Merrill Lynch dự báo là khối Euro mất 4% của Tổng sản lượng và kinh tế bị suy thoái.

- Quốc gia nào mà xuất khẩu nhiều vào Âu châu như Trung Quốc hay Việt Nam thì dù có ở xa và chẳng giao dịch bằng đồng Euro vẫn bị hiệu ứng tai hại. Lý do là Euro sẽ càng mất giá làm đồng tiền của họ lên giá và khó bán hơn vào một thị trường đã co cụm. Trong khi ấy, ta đều thấy là các nước này hiện tăng trưởng thấp hơn trước. Khi nạn suy trầm lại lan rộng ra toàn cầu thì hậu quả là dầu thô sẽ sụt giá nặng làm các nước bán dầu lại bị thiệt vì thất thâu, thí dụ  như Liên bang Nga cũng bị ngược gió. Nói chung là hậu quả sẽ lây lan rất xa và tai hại rất sâu.

Vũ Hoàng: Đó là bức tranh toàn cảnh của kịch bản Hy Lạp ra đi. Các chính quyền Âu châu ở giữa mắt bão thì sẽ phải ứng phó thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta dự đoán là các ngân hàng trung ương và chính quyền Âu châu phải khoanh vùng cách ly để mối họa Hy Lạp khỏi lan qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí các nước buôn bán, đầu tư hoặc tài trợ quá nhiều vào Hy Lạp. Đó là các nước Đông Âu như Bulgari, Rumani, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Tiệp.... Sau hiệp ước ngân sách hồi Tháng Ba, các nước Âu châu cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chuẩn bị một ngàn tỷ Euro để cấp cứu. Bây giờ, họ cần thêm một ngàn tỷ nữa để riêng đối phó với vụ Hy Lạp ra đi và có khi một ngân khoản tương đương để cấp cứu các nước khác. Tình hình sẽ là hãi hùng.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông là về phương pháp, làm sao người ta có thể ước đoán ra những hậu quả này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ có thể giản lược hoá bằng một thí dụ. Đó là giới kinh tế, tài chính và ngân hàng phải vẽ được một đồ biểu về "lưu trình giao dịch hàng hóa và tiền bạc", trong đó họ xác định là ai mua ai bán của ai, ai vay của ai hoặc đầu tư vào đâu. Như một mạng lưới có cả trăm nút kết, với từng thông số là các thống kê về ngoại thương, tài chính, đầu tư hay tín dụng tức là vay mượn. Khi một nước này bị sút giảm như một nút kết bị bung thì người ta tính ra hậu quả lan rộng cho cả mạng lưới, với xác suất cao hay thấp nhờ các yếu tố gia trọng.

- Cái khó là phải có thông tin và thống kê trung thực thì mới dự đoán được cho chính xác. Mà đấy cũng là một vấn đề của Âu châu và riêng Hy Lạp khi họ đưa ra thống kê sai lạc ngay từ đầu để hưởng lợi thế thống nhất tiền tệ mà chẳng chịu trách nhiệm về kỷ luật chi thu.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.  

Thứ Ba, tháng 5 29, 2012

Thống Kê Như Một Thế Công

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120529
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thu thập và khai thác thống kê kinh tế cũng là một vấn đề chính trị

 * Cư dân trên đường tới các nhà máy điện tại Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc - Hình AFP *



Kỳ này, chúng ta  nói đến cái "cặp sốt" đo nhiệt độ kinh tế, trong tay mấy ông lang băm.


Từ nay đến ngày bầu cử tại Hoa Kỳ vào Thứ Ba mùng sáu Tháng 11, chúng ta còn sáu lần được Bộ Lao động thông báo mỗi Thứ Sáu đầu tiên trong tháng về tình hình lao động tháng trước. Lần tới là Thứ Sáu mùng một. Khi kinh tế trì trệ và thất nghiệp cao, đây là thống kê có ảnh hưởng nhất, làm thị trường chuyển động và chính trường xôn xao...

Lần trước, thống kê nhân dụng của Tháng Tư vừa được công bố Thứ Sáu mùng bốn Tháng Năm, thị trường bị động với kết luận bi quan: kinh tế chưa khả quan và có thể lại suy trầm nữa.

Một hậu quả nhãn tiền là dầu thô tụt giá và từ đó tuột hoài, nay chỉ còn mấp mé 90 đô la một thùng.

Giá dầu thô tăng vì hai lý do chính: quân bình cung cầu và an ninh tại nguồn cung cấp. Nếu kinh tế sa sút, số cầu có thể giảm thì giá dầu sẽ giảm, nhưng theo mức độ cao hơn. Thí dụ, số cầu dự đoán là giảm 5% thì giá lại sụt tới 15%, do quy luật gọi là "đàn hồi" co giãn của giá cả. Đấy chỉ là chuyện kinh tế.

Chuyện chính trị là khi thống kê lao động được công bố, các chính khách bèn diễn giải: tình hình đã khả quan chứ đáng lẽ còn bi đát hơn vì di sản quá tệ của quá khứ. Cũng thế, khi dầu thô lên giá thì đó là tội của các tổ hợp dầu hỏa, khi giá sụt thì đó là nhờ chính sách năng lượng của mình.

Dư luận thì đợi báo chí giải thích mà báo chí có khi... mù nếu không hiểu căn bản về kinh tế.

Từ mấy tháng nay mức thất nghiệp đã giảm từ 8,3 xuống 8,1%, nhưng đấy là tỷ lệ của số người khai là kiếm không ra việc từ sáu tuần nay so với "lực lượng tham gia thị trường lao động" là số người ở tuổi lao động, đã có việc làm hay đang tìm việc. Khi nhiều người nản chí mà khỏi tìm việc nữa thì họ vẫn thất nghiệp: con số thật cao hơn số biểu kiến là 8,1%. Các chính trị gia bám vào đó mà khoe thành tích.

Báo chí có khả năng thì nên giải thích thêm, rằng trong sáu con số khác nhau về thất nghiệp, chỉ số U6 có giá trị hơn vì cho biết về tình hình khiếm dụng, thất nghiệp trá hình, thất nghiệp bán thời, v.v... Nhưng hơi đâu mà họ đào sâu từ U1 đến U6 nếu chính độc giả hay cử tri lại chả quan tâm đến chuyện rắc rối ấy mà chỉ phản ứng theo cảm quan ấn tượng? Sự ơ thờ giải đãi của người dân lại tạo cơ hội cho chính trường và chính quyền lừa mị cả nước.

Vì vậy, ta mới nói đến cái nhiệt kế kinh tế, hay cách khai thác thống kê....


***


Nói chung, nền dân chủ đòi hỏi là hệ thống thu thập thống kê của nhà nước phải trung thực và khả tín chứ không để phục vụ chính quyền. Thế thì tại sao trong vụ khủng hoảng Âu Châu lại có tệ nạn khai gian thống kê của chính quyền Hy Lạp hay Tây Ban Nha? Chuyện ấy có xảy ra và cơ chế hành pháp của Liên hiệp Âu châu là Hội đồng Âu châu cũng biết vậy.

Nhưng dù biết thì các công chức hữu trách tại thủ đô Liên Âu ở Bruxelles vẫn lặng lờ bỏ qua khi ở trên không muốn gây thêm vấn đề vì 1) sợ làm thị trường hốt hoảng và vì 2) sẽ phải quyết định về những biện pháp chế tài mà 3) họ biết là vô hiệu!

Chính cơ chế chính trị Âu châu cũng là một nguyên nhân khủng hoảng vì Liên Âu chưa là tập thể thống nhất về ngân sách và thuế khóa với quyền chế tài và khả năng cưỡng hành. Quốc gia nào cũng tìm lợi riêng trong tiến trình hội nhập kinh tế giữa 27 thành viên và thống nhất tiền tệ giữa 17 nước trong khi vẫn đòi bảo vệ chủ quyền quốc gia về kinh tế tài chánh mà chả ai làm gì được. Vụ thống kê gian dối mới chỉ phản ảnh một phần cái mâu thuẫn xương tủy của Âu châu.

Xin tạm gác chuyện Âu châu mà quay về nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới là Trung Quốc....


***

Mà cách xếp hạng và đánh giá sức nặng kinh tế của Trung Quốc cũng có vấn đề. Ý thức được vấn đề ấy chính là lãnh đạo của Bắc Kinh, nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, họ đành chịu!

Mấy năm trước, họ đành chịu khi Cục Thống kê Quốc gia loan báo Tổng sản lượng Nội địa tăng bất ngờ, trong khi nếu cộng lại Tổng sản lượng của 31 tỉnh và thành phố trên toàn quốc thì còn cao hơn nữa! Cùng do một nhà nước lãnh đạo mà người ta có hai con số khác nhau.

Khi toàn cầu còn lao đao về nạn tổng suy trầm 2008-2009, Cục Thống kê cũng nói tới mức tăng trưởng sản xuất đáng kể, làm Cục Năng lượng Quốc tế của Liên hiệp quốc ngạc nhiên, vì số cầu về dầu khí của Trung Quốc lại giảm mạnh. Sản xuất nhiều hơn mà tiêu thụ ít dầu hơn? Khi sản lượng kỹ nghệ Trung Quốc tăng vọt thì quốc tế càng giật mình vì cùng lúc đó số điện tiêu thụ lại giảm. 

Dùng ít điện ít dầu hơn mà vẫn sản xuất nhiều hơn thì chỉ có phép lạ của con trời!

So với cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ rằng thất nghiệp có giảm thật hay chăng thì chuyện thực hư của Trung Quốc mới là vĩ đại: trong ba tuần đầu của Tháng Năm, bốn ngân hàng lớn nhất của xứ này đột ngột đạp thắng tín dụng: mức cho vay giảm đến 99%. Chỉ còn một số là thành số không.

Có không? Đúng sai thì làm sao biết? Làm sao quản lý được nền kinh tế khi giới hữu trách lại không nắm vững thực tế của kinh tế? Câu nên hỏi là vì sao ba chục năm sau khi cải cách kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc vẫn không cải cách được hệ thống thu thập và khai thác thống kê kinh tế cho trung thực hơn?

Câu trả lời vẫn là Kinh tế cũng là Chính trị!


***


Hơn 50 năm trước, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông có thành tích long trời lở đất của "Bước nhảy vọt vĩ đại". Sau đó mới biết là từ 1959 đến 1961 đã có 36 triệu người chết đói ngay trong thời bình. Chuyện lạ là lãnh đạo cũng không biết gì về thực trạng của xã hội nên dân mới chết đói mà họ vẫn bình chân như vại.

Chỉ vì từ công xã, quận huyện, lên tới cấp cao nhất của bộ máy cách mạng, người người thi đua báo cáo vượt chỉ tiêu. Lên mỗi cấp lại nống thêm một nấc để lập thành tích dâng đảng. Ở trên cùng, lãnh đạo ngồi uống nước đường trong khi dân chết như ruồi.

Hai chục năm sau trò man rợ này, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, và muốn hiện đại hoá hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo đếm cho khoa học hơn. Kết quả?

Ngày nay về tổ chức, Trung Quốc có hai hệ thống thu thập thông tin song hành. Một là tổ chức hội nhập của Cục Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh, có nhân viên ở mọi cấp bên dưới đúc kết con số từ dưới nạp lên để báo cáo về trung ương. Hệ thống kia là của các phủ bộ hay cơ quan có nhiệm vụ thu thập thống kê trong phạm vi chức năng của mình, cũng do cấp dưới trình lên.

Rốt cuộc, hai hệ thống ấy gạn ra hai số khác biệt vì cùng một lý do: nhân sự công quyền được ở trên bổ nhiệm - trừ cấp xã ấp là do dân bầu lên - nên đa số "đầy tớ của nhân dân" đều chịu trách nhiệm với cấp trên, nơi quyết định về chức vụ và bổng lộc. Mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tâng công" nên ở trên cùng đều có báo cáo màu hồng, mà đầy mâu thuẫn.

Họ phải báo cáo để thượng cấp đẹp lòng, chứ không chịu trách nhiệm gì với những người ở dưới - dưới cùng là người dân. Thống kê Trung Quốc chỉ khả tín nếu có cải cách chính trị.

Mà có rồi thì vẫn còn khả năng rủi ro kiểu Âu Châu. Cao nhất thì như Mỹ, với khả năng diễn giải tào lao của chính trường. Vì vậy, thông tin hay phiên dịch của báo chí mới có tầm quan trọng. Xin đợi Thứ Sáu này xem!

Thứ Sáu, tháng 5 25, 2012

Chính Sách Khắc Nhổ - Ai Khắc Ai Khổ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120525

Bi kịch Hy Lạp, thảm kịch kinh tế và bài toán an ninh....


 *Gánh cứu trợ của quốc tế cho Hy Lạp tính đến 2014, khoảng 380 tỷ Euro -  Hình của Der Spiegel *




Tuần qua, các lãnh tụ Âu Châu đã vào thượng đỉnh và ra về sau sáu tiếng họp hành với tâm trạng của con tin: họ thúc thủ chờ đợi kết quả bầu cử tại Hy Lạp vào tháng tới. Ý dân tại một quốc gia mắc nợ và sẽ hết tiền trong sáu tuần nữa là yếu tố quyết định về tương lai đồng Euro của 17 nước và cả Liên hiệp Âu châu gồm 27 nước có hơn 500 triệu dân.

Người ta có thể thất vọng với nguyên tắc dân chủ - nội dung bài viết tuần trước "Hy Lạp, Đồng Euro và Ý Dân - Những mâu thuẫn không thể dung hòa" – vì một xứ có 11 triệu dân có thể làm tan vỡ những cơ chế hội nhập được xây dựng từ nửa thế kỷ tại Âu châu.

Nhưng đặt vấn đề như vậy là sai!

Nền dân chủ chỉ có giá trị ngang bằng trình độ dân trí. Mà dân trí ở đây cũng hàm nghĩa trình độ hiểu biết tối thiểu về kinh tế, hoặc những khái niệm thường thức về chi và thu: người ta chỉ có thể tiêu xài trong giới hạn nhất định và khi đi vay thì sẽ có ngày phải trả nợ.

Khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu bùng nổ từ một nguyên nhân căn bản và phổ biến là các nước đã chi nhiều hơn thu và vay mượn quá sức trả nợ. Đấy cũng là trường hợp của Hoa Kỳ. Khi kinh tế bị suy trầm, định nghĩa nôm na là đà sản xuất sút giảm trong sáu tháng liền, thì gánh nợ ấy thu hẹp khả năng ứng phó của các chính quyền. Quốc gia nào mắc nợ nhiều nhất thì bị hoạn nạn lớn nhất, tại Âu Châu, đó là Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi và Pháp....

Ba năm sau những xoay trở và kế hoạch cấp cứu các nước mắc nạn, người ta đụng vào một vấn đề lưỡng nan, hai mặt đều khó: kinh tế phải tăng trưởng thì nguồn thu thuế khóa mới tăng và bội chi mới giảm, nhưng không thể có tăng trưởng nếu ngân sách tiếp tục bị bội chi.

Bài toán hai mặt ấy được giải thích cho người dân thành một sự chọn lựa.

Một là chính sách kinh tế khắc khổ để cắt giảm bội chi, như Cộng hoà Liên bang Đức đề nghị, được 25 quốc gia ủng hộ và Hội đồng Âu châu cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thi hành từ đầu Tháng Ba với một ngàn tỷ Euro làm quỹ tài trợ. Đó là "hiệp ước về ngân sách".

Hai là chính sách kích thích tăng trưởng mà nhiều nước mắc nợ đã yêu cầu, đứng đầu là Pháp rồi Hy Lạp – sau khi ủng hộ hiệp ước ngân sách. Lý do ủng hộ giải pháp thứ hai này là lòng dân và lá phiếu: cử tri Hòa Lan, Pháp và Hy Lạp, v.v... không đồng ý với giải pháp khắc khổ và đánh bại các đảng đã ủng hộ hiệp ước ngân sách Âu châu.

Nếu không là một sự mù mờ của người dân – trình độ dân trí - thì đấy là tính gian manh của các chính khách đã trình bày sai sự thật, mà truyền thông lại chẳng có khả năng vạch trần hay phản biện. Cũng lại là trình độ dân trí nữa.

Trước hết, có ai trên cõi đời này lại chống việc tăng trưởng kinh tế không? Lý luận đề cao tăng trưởng chỉ là một sự mị dân mà mị dân cũng là khinh dân. Chuyện ấy không chỉ là một đặc sản Âu Châu mà cũng đã xuất hiện tại Hoa Kỳ.

Vấn đề kinh tế ở dưới là lấy phương tiện đâu ra mà kích thích tăng trưởng?

Trong ba năm liền, ngần ấy quốc gia lâm nạn đều đã được yêu cầu tiết giảm công chi để giành thêm phương tiện cho tăng trưởng mà hầu hết chẳng chấp hành. Họ vẫn tiếp tục tăng chi và mắc nợ thêm. Cùng lắm thì chỉ giảm đà tăng chi, là tăng chi ít hơn trước một chút đỉnh mà thôi. Đến kỳ hạn chấp hành thì kết quả bầu cử đã đẩy các đảng cầm quyền ra ngoài, xóa bỏ lời cam kết trước đó – có một tháng thôi – của quốc gia và đòi các nước phải thương thuyết lại.

Nếu không thì cả khối Euro có thể sụp đổ.

Sở dĩ các nước có thể viện dẫn nguyên tắc dân chủ, lá phiếu của người dân, để bắt bí thiên hạ là nhờ một sự nhập nhằng về lý luận kinh tế. Các chính quyền Âu châu nói chung đều muốn bành trướng vai trò can thiệp của nhà nước vì những mục tiêu lý tưởng như công bằng hay phát triển xã hội. Khi bộ máy công quyền đã phình nở nhờ những đạo luật dân chủ thì người ta rất khó thu hẹp. Đó là đặc tính bao cấp của Âu châu, với nhà nước thủ vai vú em có trách nhiệm lo toan cho mọi người, nhờ công quỹ do dân thọ thuế đóng góp cho.

Đặc tính ấy cũng là lý tưởng của cánh tả đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ.

Sự nhập nhằng về lý luận kinh tế ở đây là người ta không phân biệt hai vế "công" và "tư" của khái niệm khắc khổ: Khắc khổ là nhiệm vụ của nhà nước và tăng trưởng là vai trò của tư nhân.

Chính quyền phải tiết giảm công chi và thi hành khắc khổ để tư doanh có thêm phương tiện sản xuất hầu nâng mức tăng trưởng kinh tế. Khi nhập nhằng khỏa lấp thực tế công/tư, các chính quyền bao cấp này tiếp tục tăng chi và nếu có bị hỏi là "tiền đâu ra?" thì đã có câu trả lời rất phải đạo: "thuế đánh trên bọn nhà giàu!" Đấy là sự hợp lý của đảng Xã hội Pháp trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua khi đòi nâng thuế suất 75% đánh trên các khoản lợi tức từ một triệu Euro.

Hoa Kỳ thật ra cũng chẳng khá hơn. Người ta gác qua một bên sự kiện gánh nặng công trái của Mỹ - nợ của khu vực công quyền – đã mấp mé 100% Tổng sản lượng Nội địa GDP và cao hơn trung bình của các nước Âu châu (là khoảng 87%) sau khi nhà nước tăng chi ào ạt và gây bội chi đến hơn ngàn tỷ Mỹ kim một năm, mà gọi đó là đầu tư.

Thật ra, Hy Lạp là nước dẫn đường cho Hoa Kỳ: họ thi hành chính sách chống tăng trưởng vì trong mấy năm qua đã làm cho khu vực tư nhân bị thu hẹp trong khi vẫn bành trướng khu vực nhà nước và giải quyết số khiếm hụt bằng nâng thuế Trị giá Gia tăng lên 23%. Lồng trong biện pháp phản kinh tế này là những đặc quyền và phúc lợi trọn đời cho giới dân cử, lãnh tụ nghiệp đoàn và công chức.


Thành tích Hy Lạp: Sản lượng giảm trong khi công trái và thất nghiệp tăng vọt


Việc giải tư và tư nhân hóa một số tài sản của khu vực nhà nước để nâng cao khả năng sản xuất của tư nhân, một điều kiện do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đặt ra khi đồng ý cấp cứu, đã bị đình hoãn. Kết cuộc thì tư doanh đành chịu khắc khổ và không kéo nổi kinh tế ra khỏi suy trầm, mà khu vực công quyền tiếp tục tăng chi và cản trở đà tăng trưởng.

Các nước Âu châu và cả Hoa Kỳ đều cần giữ Hy Lạp trong khối Euro vì một nước mà đi ra thì nhiều nước khác sẽ lãnh họa và cũng phải ra đi, với hậu quả tai hại cho các ngân hàng, cả Âu châu lẫn Hoa Kỳ. Nhưng nếu vì nhu cầu đó mà để bị Hy Lạp bắt bí thì các nước đang tạo điều kiện cho một sự sụp đổ chung.

Chính quyền Hy Lạp sắp được bầu ra trong tháng tới có thể chấm dứt bi kịch Hy Lạp  - và thảm kích kinh tế cho các nước khác - nếu dám chấp nhận những điều kiện sau đây: Hy Lạp vẫn ở trong khối Euro, nhưng thực tế giảm mức công chi ngân sách, yêu cầu và được các nước giúp cho phương tiện tài chánh để thực hiện việc giảm chi, và triệt để giải phóng môi trường sản xuất của tư nhân bằng thuế suất nhẹ hơn.

Người ta chỉ có thể đạt giải pháp đó nếu thoái ra khỏi tình trạng nhập nhằng về lý luận kinh tế.

Nếu không được như vậy, khối Euro sẽ chẳng có tương lai, Liên hiệp Âu châu bị khủng hoảng và nước Đức có thể tiến ra một mình. Và nhìn về hướng Đông, Liên bang Nga, như một nơi hợp tác có lợi hơn. Ở giữa sẽ là các nước Đông Âu bị chết kẹt. 

Thảm kịch kinh tế Âu châu sẽ trở thành bài toán chiến lược cho Hoa Kỳ.

Thứ Tư, tháng 5 23, 2012

Suy Trầm Hay Khắc Khoải?

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120523


Cùng lúc, cả Việt Nam và Trung Quốc đều báo động về nạn đình trệ kinh tế. 



* RFA photo - Đường phố Sài Gòn hôm nay *


Trong khi tờ Nhân dân Nhật báo tại Hà Nội xác nhận là đã có dấu hiệu suy giảm sản xuất trong bốn tháng đầu năm thì tại Trung Quốc, chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi là nên đặt ưu tiên cao hơn cho tăng trưởng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng đó qua phần trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hai tháng trước, qua chương trình phát thanh ngày 28 Tháng Ba, chúng ta tìm hiểu về một quyết định của Quốc hội Trung Quốc là từ năm nay sẽ giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống mức 7,5% một năm thay vì giữ tốc độ 8% như trong tám năm qua, để còn cải tổ lại cơ chế kinh tế. Khi ấy, ông nhận định rằng cuối cùng, xứ này vẫn có đà tăng trưởng cao và gặp bất lợi vì càng khó cải cách. Quả nhiên, cuối tuần qua thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, là dù phải tiếp tục thi hành chính sách công chi và tiền tệ một cách thận trọng, Trung Quốc vẫn cần đẩy mạnh ưu tiên tăng trưởng.

Cùng lúc đó, thưa ông, tờ Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng vừa xác nhận là kinh tế đã có dấu hiệu suy giảm, và nhiều nhà nghiên cứu kinh tế trong nước nói đến viễn ảnh sẽ hụt mất chỉ tiêu tăng trưởng từ sáu đến 6,5% và chỉ còn 4% hay 4,5% là nhiều. Đồng thời nỗi khó khăn và thậm chí phá sản của cả vạn doanh nghiệp phải được các đại biểu lưu tâm trong kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XIII vào tháng này.

Giữa bối cảnh còn u ám của kinh tế thế giới, chúng tôi đề nghị diễn đàn chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về những khó khăn này của Trung Quốc và Việt Nam. Cụ thể là tại sao như vậy?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: -Tôi thiển nghĩ rằng sinh hoạt kinh tế các nước có thể nhất thời trôi vào chu kỳ suy trầm và cần một số biện pháp điều chỉnh. Kinh tế thế giới lại đang gặp cảnh hy hữu hơn một chu kỳ suy trầm, do hiện tượng các nước công nghiệp hóa chi tiêu quá mức và mắc nợ quá nhiều từ mấy chục năm nay nên đến lúc phải trả. Đó là cảnh suy trầm kéo dài của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Âu Châu. Khi ấy thế giới hy vọng các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ là những đầu máy thay thế. Nhưng sự thể lại không được vậy vì như Việt Nam, Trung Quốc vẫn cần xuất khẩu vào các thị trường công nghiệp hoá nên cũng bị hiệu ứng trì trệ.

- Thật ra, cả hai nền kinh tế này không chỉ bị hậu quả chu kỳ, là chỉ gặp khó khăn giai đoạn, mà còn có nhược điểm nằm trong cơ cấu và gặp hoàn cảnh đình trệ thì các nhược điểm mới phát tác. Vì thế, họ không chỉ bị đà tăng trưởng thấp mà còn gặp nhiều chuyện nguy ngập hơn, nên có thể phải rà soát lại toàn bộ cơ chế kinh tế, chiến lược phát triển và nhất là tổ chức chính trị. Có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra điều ấy, còn nhà cầm quyền Hà Nội thì e rằng chưa và đấy mới là chuyện đáng sợ hơn cả.

 

Tăng trưởng và Cải cách

 

Vũ Hoàng: Như vậy chúng ta sẽ lần lượt nói về chuyện tăng trưởng và cải cách của Trung Quốc trước khi tìm hiểu về trường hợp Việt Nam. Thưa ông, đâu là những nhược điểm về cơ cấu của Trung Quốc như ông nói?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc có cơ cấu kinh tế chính trị xin tạm gọi là "tập trung chính trị mà phân quyền kinh tế". Theo mô hình này, trung ương giữ độc quyền chính trị qua hệ thống lý luận và tổ chức của đảng, mà cho các địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố và quận huyện, nhiều quyền hạn về kinh tế.

- Cụ thể thì đảng bổ nhiệm nhân sự tại các địa phương và ở dưới, đảng viên thăng quan tiến chức nếu đạt thành tích tại địa phương mà họ quản lý và thật ra họ chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên chứ không do dân chúng ở dưới bầu lên. Hình thái ấy không mấy khác tổ chức hành chính công quyền của xứ này vào thời cổ. Kết quả thì đảng bảo đảm được quyền lãnh đạo của mình, còn các địa phương thì linh động giải quyết yêu cầu kinh tế ở dưới, thậm chí còn phát huy sáng kiến và tranh đua với nhau vì ai thành công thì được ở trên cất nhắc lên vị trí cao hơn.

Vũ Hoàng: Nghe ông trình bày thì thính giả có thể hiểu vì sao mà có tỉnh thì theo hướng này, tỉnh khác lại có đường lối khác. Cũng vì vậy mà khi là Bí thư Trùng Khánh từ năm 2007 thì ông Bạc Hy Lai hành xử khác với người tiền nhiệm là Uông Dương nay đang là Bí thư Quảng Đông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, vì cơ chế kinh tế chính trị đó mà dưới sự quan sát của trung ương, các địa phương đều thi đua hay thử nghiệm sáng kiến để tìm mức tăng trưởng cao. Đấy là lý do khiến kỳ trước mình nói rằng khi nào tốc độ tăng trưởng của các địa phương cũng cao hơn chỉ tiêu do trung ương đề ra từ một đến ba phần trăm. Then chốt là trung ương cần địa phương tạo ra việc làm và giữ gìn ổn định xã hội và khi cả tỷ người bung ra sản xuất như vậy thì kinh tế có sản lượng tăng vọt làm thế giới cho là phép lạ.

- Nhưng dù có lấy đó làm thành tích biện minh cho vai trò cần thiết của đảng độc quyền, lãnh đạo Trung Quốc có thấy tăng trưởng cao mà vẫn thiếu phẩm chất, bị lãng phí và gây ô nhiễm. Trong khi mỗi nơi lại phát triển một hướng nên lại gây ra bất công lẫn bất ổn vì dị biệt quá lớn giữa các địa phương hay thành phần kinh tế. Khi lên lãnh đạo từ năm 2003, thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo đã muốn tập trung quyền lực về trung ương để phần nào tái phân lợi tức và tài nguyên cho cân bằng hơn mà không nổi.

- Thế rồi nạn tổng suy trầm toàn cầu từ năm 2008 mở ra mâu thuẫn giữa tăng trưởng và cân đối, với ưu tiên lại dồn vào tăng trưởng nhờ lượng công chi và tín dụng vĩ đại. Được bơm phương tiện mà ít năng suất thì biện pháp kích thích thổi lên lạm phát. Chế độ phân quyền cho địa phương còn đưa tới nạn bong bóng địa ốc và tư bản thân tộc, kèm theo lối vận động chính trị để tranh đoạt quyền bính tại trung ương như chúng ta đã thấy qua vụ Bạc Hy Lai. Hãy nghĩ đến tham vọng của Ngô Tam Quế trấn thủ tại Vân Nam khi thấy Khang Hy còn quá trẻ ở Bắc Kinh!

 

Ba mục tiêu của TQ  




Vũ Hoàng: Từ bối cảnh phức tạp đó, thưa ông, người ta có cảm tưởng như lãnh đạo Bắc Kinh chưa thoát khỏi mâu thuẫn giữa tăng trưởng và cân đối mặc dù đảng và Quốc hội đều nói tới yêu cầu cải tổ cơ cấu. Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là sau kỳ họp Quốc hội vào Tháng Ba, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tới cải cách và hạ chỉ tiêu tăng trưởng mà bây giờ ông lại nói đến ưu tiên cao hơn một chút cho tăng trưởng. Thế thì chuyện gì đang xảy ra vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong chuyến tham quan Vũ Hán vào cuối tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc chỉ thị là phải cẩn trọng xử lý cả ba mục tiêu là duy trì tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế và kiềm chế lạm phát. Lời phát biểu ấy cho thấy những khó khăn trầm trọng của xứ này.

- Trước hết, sản lượng công nghiệp trong Tháng Tư sụt tới mức thấp nhất từ hai năm nay, lượng đầu tư cố định thì tăng ít nhất kể từ một chục năm và niềm tin của thị trường giảm sút đáng kể. Trong khi ấy, lại có tin là bốn ngân hàng lớn nhất bỗng dưng giảm mức tín dụng tới 99% trong hai tuần đầu của Tháng Năm, là chuyện rất lạ và cực nguy. Các doanh nghiệp đều vay mượn quá nhiều và tồn tại nhờ vay thêm để trả nợ cũ, tức là chỉ đổi nợ thôi. Khi tình hình sản xuất sa sút mà ngân hàng lại ngưng cho vay thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, thất nghiệp tăng vọt và động loạn xã hội sẽ lan rộng. Gặp hoàn cảnh này thì làm sao có thể giảm đà tăng trưởng qua hạn chế tín dụng? Ôn Gia Bảo nhắc tới ưu tiên tăng trưởng là theo ý đó, nhưng cũng nhắc nhở là phải thận trọng, chỉ vì bóng ma của lạm phát và nạn đầu cơ địa ốc vẫn rình rập.

Vũ Hoàng: Nếu quả như vậy thì sau 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, Bắc Kinh đang ngõ cụt, vì ngả nào cũng có chướng ngại kinh tế lẫn xã hội và chính trị, dù bên ngoài cứ ngợi ca phép lạ Trung Quốc và lãnh đạo xứ này vẫn ra vẻ uy hiếp các nước lân bang. Theo như ông nhận xét thì họ còn có thể làm gì để thoát hiểm?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thật khó có câu trả lời và có lẽ còn phải chờ đợi thêm ít lâu.

- Bản thân tôi thì không đánh giá thấp trình độ lãnh đạo của xứ này nên nghĩ rằng họ sẽ dám làm chuyện táo tợn, đó là đành cho kinh tế suy trầm, là đạt tăng trưởng thấp hơn, với rủi ro là doanh nghiệp kém hiệu năng sẽ phá sản hàng loạt và thất nghiệp có thể tăng vọt. Nếu vượt qua được khó khăn này, Trung Quốc mới thực sự cải tiến khả năng cạnh tranh và có được nền kinh tế quân bình hơn. Điều ấy cũng có nghĩa là họ sẽ phải có thay đổi về chính trị từ trên xuống. Nếu không vượt nổi những thách đố ấy, Trung Quốc vẫn bị suy trầm kinh tế mà còn bị loạn to.

Vũ Hoàng: Ta bước qua Việt Nam vì thưa ông hình như xứ này cũng có một số điểm tương đồng về những khó khăn trước mắt với doanh nghiệp phá sản, ngân hàng rung rinh và kinh tế sa sút...

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa nói về kích thước thì Việt Nam chỉ bằng một tỉnh của Trung Quốc, mà về trình độ thì dù đau lòng tôi phải cho rằng lãnh đạo xứ này mới chỉ ở cấp quận huyện của lân bang đáng ngại kia. Lãnh đạo Hà Nội vẫn còn lối tư duy của phó lý trương tuần trong làng xã thời xưa nên chỉ bo bíu nghĩ đến đỉnh chung trước mắt trong khi coi dân như rác.

- Thuần về kinh tế, Việt Nam có ưu thế và hoàn cảnh thật ra dễ hơn Trung Quốc để vừa ra khỏi bóng rợp của họ vừa vượt lên thành một nước "tân hưng" Đông Nam Á. Từ hai chục năm nay, các định chế quốc tế đã có cả ngàn khuyến cáo về cải cách mọi mặt, đi cùng viện trợ cả tài chính lẫn kỹ thuật. Nhưng tài chính thì bỏ túi, kỹ thuật thì bỏ qua và họ tráng men tiến trình công nghiệp hoá ngoài vỏ, với cùng chiến lược là ép dân lấy đất, bóp lương để đạt lợi thế nhân công rẻ. Đấy là thành quả kinh tế tồi tàn do trạng thái tâm lý nghèo nàn của lãnh đạo khi họ ru ngủ nhau với cách xoa đầu ngợi khen của giới đầu tư quốc tế. Sự thể nay đã khác...

 

Tình hình Việt Nam   




Vũ Hoàng: Ông nói rằng nay đã khác thì khác như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ xa đến gần, từ thấp lên cao để chúng ta thấy ra điều ấy. 

 - Việt Nam chỉ cải cách sau năm 1991, tức là 20 năm trở lại thôi, sau năm năm thả nổi và dọ dẫm từ Đại hội VI, và phải đổi mới vì Liên bang Xô viết đã tan rã. Ngay từ đó, hai nhu cầu đã được đặt ra và được quốc tế viện trợ để tiến hành, là cải cách hành chính công quyền và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hai chục năm sau, doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại và lớn mạnh trong một sự phung phí vĩ đại, điển hình mà không duy nhất chính là tập đoàn Vinashin. Khi nội vụ bùng nổ từ bốn năm qua, ta mới thấy nhiều kẽ hở khó hiểu của nền hành chính công quyền vì không xác định nổi trách nhiệm pháp lý và chuyên môn của các cơ quan chủ quản hay giám sát. 

- Đây là chuyện đỉnh chung hay bạc tiền của quan chức trong hệ thống nhà nước, vì nhiều nhóm lợi ích đã sống nhờ các cơ sở này, dưới sự bảo kê của đảng ở trên. Thành thử hệ thống kinh tế chính trị xứ này chỉ là một tổ chức kinh tài có độc quyền bạo lực, một đảng 'mafia' khoác cờ đỏ. Từ 20 năm nay người ta đã thấy là nếu không tách đảng ra khỏi pháp quyền nhà nước thì tình trạng này vẫn tồn tại. Nếu không giải trừ tư tưởng công hữu và cải tổ luật lệ về đất đai thì nạn cướp đất rồi xua công an và lính tráng đi đàn áp nạn nhân sẽ còn tiếp tục.

Vũ Hoàng: Thưa ông, trường hợp này có khác gì với Trung Quốc hay chăng?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có mà không. Có là khi cơ chế chính trị đó dẫn tới hiện tượng tư bản thân tộc, đám quý tộc đảng độc quyền trục lợi và dùng quan hệ đó làm ung thối hệ thống tư doanh. Hiện tượng "Thái tử đảng" trở thành đại gia kinh tế là một thí dụ dễ thấy nhất. 

- Nhưng có khác là lãnh đạo Trung Quốc quan sát các sáng kiến xấu tốt của địa phương và tìm cách điều chỉnh. Việt Nam thì định chế hóa gần như vĩnh viễn loại giải pháp gọi là "thí điểm". Người ta thử nghiệm một giải pháp và khi các nhóm lợi ích đó thấy có lợi là duy trì luôn. Vì vậy, giải pháp "Tập đoàn Kinh tế Nhà nước" hay "Tổng công ty Nhà nước" vẫn được bảo vệ dù có năng suất đầu tư rất thấp và tỷ lệ tham nhũng rất cao.

- Nguyên nhân là không chỉ nắm quyền và thế, các nhóm lợi ích còn chi phối chính sách quản lý, gây lệch lạc trong thị trường và dẫn tới lạm phát cùng bong bóng đầu tư. Khả năng quản lý vĩ mô đã kém, với loại khí cụ thô thiển, mà đường hướng còn nhằm bảo vệ các ngân hàng và tập đoàn nhà nước, làm không gian sinh hoạt của tư nhân bị lũng đoạn, tư doanh phá sản hàng loạt.

- Doanh nghiệp nhà nước như tế bào ung thư đang hủy hoại các tế bào lành lặn và triệt phá tiềm năng phát triển của cả nước. Vì vậy, vấn đề không chỉ là suy trầm kinh tế có tính chất chu kỳ. Nạn suy trầm đó cho thấy Việt Nam phải thay đổi, nhưng lãnh đạo vẫn cưỡng chống sau các khẩu hiệu rỗng rang như người ta thấy từ kỳ họp vừa qua của Ban chấp hành Trung ương.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.   


Thứ Ba, tháng 5 22, 2012

Đi Tìm Lãnh Đạo

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120521
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

 Thiếu kẻ tiên phong, Hoa Kỳ bọc hậu?

 * Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với Tổng thống A Phú Hãn Hamid Karzai 
và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari nhân Thượng đỉnh NATO tại Chicago *



Thế giới đang thiếu một quốc gia có khả năng lãnh đạo mà Hoa Kỳ lại bị đẩy vào vị trí thu dọn chiến trường.

Tuần qua, người ta theo dõi việc tân Tổng thống Pháp François Hollande vừa xong thủ tục nhậm chức là bay qua Đức và bị sét đánh. Phi cơ bị hư hại phải vòng về! Rồi Thượng đỉnh Pháp-Đức xoáy vào mâu thuẫn về ưu tiên cho Âu Châu, là tăng trưởng như Pháp chủ trương hay giảm chi như yêu cầu của Đức? Kết cuộc, Pháp đề nghị phát hành trái phiếu Âu châu, do Đức thủ vai tài trợ, như mọi khi! Không được lãnh đạo, Đức lãnh nợ...

Nhưng Hy Lạp mới là vấn đề khiến các thị trường tài chánh thế giới theo nhau tuột dốc cả tuần.

Tháng tới, Hy Lạp phải bầu cử lại. Liên minh của hai đảng tả hữu truyền thống không huy động được đa số để đề nghị giải pháp cứu nguy. Đảng cực tả Syriza chiếm thế mạnh thì đòi toàn điều bất khả: Hy Lạp phải được cấp cứu, vẫn muốn ở trong khối Euro mà không chấp nhận khắc khổ. Kinh hãi nhất là lời phát biểu của lãnh tụ Syriza, Alexis Tsipras, 37 tuổi: "Đối đế thì Hy Lạp sẽ quịt nợ, dùng tiền đó trả cho công nhân và người về hưu!" 

Lãnh đạo là lãnh trợ cấp?

Nhân vật chưa có một ngày giải quyết chuyện quốc kế dân sinh còn đưa ra chủ trương khả dĩ là khẩu hiệu tranh cử cho... Tổng thống Mỹ: "Cắt giảm ngân sách quốc phòng, diệt trừ lãng phí và tham ô, truy lùng bọn nhà giàu trốn thuế!" Một hướng chỉ đạo hấp dẫn mà tào lao: dân Hy Lạp trốn thuế và nhà nước trốn nợ từ năm 2009. 

Vì dân trốn thuế thổ trạch, xứ này phát huy sáng kiến là gom tiền thuế vào hóa đơn tiền điện. Kết quả là vì dân khỏi trả cả thuế lẫn tiền điện, công ty điện lực xắm vai thu thuế cho nhà nước bị phá sản! Nhà nước bèn trợ cấp cho điện lực, bằng ngân sách lủng.

Chúng ta đang nói về một quốc gia từng có nền văn minh rực rỡ thời cổ đại chứ không phải một bộ lạc thổ dân Á Phi nào đó. Đấy là lúc người ta phát minh chữ "Grexit" – GreeceExit – Hy Lạp phải ra khỏi khối Euro.

Có thể lắm, nhưng sau đó còn những nước nào có thể bị nạn và đồng Euro sẽ tròn méo sứt mẻ ra sao?

Trong khi chờ đợi, dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền ký thác, năm tỷ Euro trong hai tuần, để đưa qua xứ khác lánh nạn. Khi thiên hạ ùn ùn rút tiền, việc hợp lý nhất là... cũng xếp hàng, trước khi ngân hàng sụp đổ. Vốn là sản phẩm khan hiếm nhất thị trường, đồng tiền đã không cánh mà bay khỏi Hy Lạp – chuyển ngân điện tử nay đã quá thông dụng – xứ này thành "Lạp Ngập Sương". Thùng rác.

Cái tam đầu chế đứng ra giải cứu Hy Lạp - là Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - đành bó tay. Và chờ hội nghị khẩn cấp khác.

Hội nghị thì không thiếu.

Sau hội nghị Pháp-Đức, Tổng thống Pháp qua Mỹ gặp Chủ tịch luân phiên của nhóm G-8, năm nay họp Thượng đỉnh tại Camp David. Số là từ 1976, bảy đầu máy kinh tế thế giới... năm xưa, lập ra nhóm G-7 để quyết định về kinh tế toàn cầu. Từ năm 1997, nhóm G-7 mời Liên bang Nga tham dự, thành ra nhóm G-8, với nghị trình gồm cả vấn đề an ninh. Mà nay chẳng còn ai muốn nghe.

Năm nay, lãnh tụ thật của Nga là Tổng thống Vladimir Putin vừa tái nhậm chức không thèm dự, để Tổng thống cũ là Thủ tướng mới Dmitri Medvedev đi thay. Các vấn đề an ninh, Syria, Iran, Bắc Hàn, đều như gió thoảng, hồ sơ lương thực hay năng lượng thế giới cũng vậy. Thượng đỉnh G-8 tập trung vào chuyện giông bão Âu châu, với tuyên bố tẻ nhạt không kém.

Tám vị lương y thế giới, cùng hai đại diện của Âu châu, đã kê toa bốc thuốc: phải vừa bổ vừa tả. Vừa kích thích tăng trưởng vừa chấn chỉnh chi thu. Tiền đâu thực hiện việc đó? Đấy là lúc thế giới chờ đợi Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị một kế hoạch cụ thể cho các nước. Vô phương.

Ông Barack Obama đang lo tranh cử và bị Hạ viện Cộng Hòa thách đố trong từng bước chi thu nên không thể có sáng kiến gì hơn khi chính nước Mỹ cũng bị bội chi quá nặng. Ông chỉ cầu là khủng hoảng Âu châu không đẩy kinh tế Mỹ vào một đợt suy trầm nữa ngay trước ngày bầu cử.

Hai ngày Thượng đỉnh của nhóm G-8 tại Camp David vừa dứt thì lại có hai ngày Thượng đỉnh của khối NATO tại Chicago.

Hàng năm, 28 hội viên Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương vẫn họp định kỳ ở cấp Tổng trưởng, một hai năm mới có Thượng đỉnh. Dù Chicago là đất thang mộc và bản doanh tái tranh cử của ông Obama, xin đừng tìm ẩn ý gì trong việc chọn nơi này để hội họp - ngẫu nhiên thôi!

Năm nay, nghị trình NATO có hồ sơ tài giảm võ khí chiến lược với Nga. Chuyện ấy bị gác qua bên, như các hồ sơ nóng kia là giải trừ nạn phổ biến võ khí hạch tâm - và đệ nhất thủ phạm là Bắc Hàn hay Iran - hoặc nạn tàn sát thường dân tại Syria, hay kinh nghiệm về Mùa Xuân Á Rập, v.v.... Nhưng NATO có một kết quả cụ thể, nhờ Hoa Kỳ. Đó là vẫn dựng lên lá chắn chiến lược tại Đông Âu: hệ thống phi đạn chống hoả tiễn đạn đạo để đón bắt võ khí xuất phát từ Iran - hay Liên bang Nga. Dĩ nhiên là Medvedev không vui với chuyện đó và Putin ở nhà lo việc khác.

Đáng chú ý nhất trong Thượng đỉnh là hồ sơ A Phú Hãn: Hoa Kỳ và NATO vừa lấy một quyết định cần thiết mà đầy rủi ro là dời đổi mục tiêu.

Vì rủi ro nên bền lề Thượng đỉnh, Tư lệnh Hoa Kỳ phải cảnh báo binh sĩ là sẽ còn đổ máu. Nhưng cần thiết vì từ năm 2010 chiến lược xây dựng quốc gia qua các dự án phát triển đã gom vào mục tiêu chống nổi dậy với việc đôn quân cho liên quân quốc tế (và Hoa Kỳ) ISAF. Bây giờ, ISAF lui thêm một bước để Chính quyền Kabul đàm phán với đối thủ Taliban và để Lực lượng An ninh A Phú Hãn ANSF đảm nhiệm vai trò bảo an nhờ sự tăng cường huấn luyện của liên quân.

Thượng đỉnh NATO coi đây là một tiến bộ, dù thực tế là các nước đều thiếu hai phương tiện: thời giờ và tiền bạc.

Về thời giờ thì chẳng cứ gì Pháp, còn vỏn vẹn có 3.400 binh lính, đòi rút quân một năm sớm hơn kỳ hạn cuối năm 2014. Của đi thay người thì vẫn hơn. Nhưng tiền của lại là điều mà thành viên NATO tại Âu châu thiếu nhất!

Mươi năm trước, Âu Châu còn góp vào phân nửa ngân sách NATO, rồi chỉ tiêu là xứ nào cũng dành 2% ngân sách cho quốc phòng đã thành mộng mị. Âu Châu tăng chi cho xã hội chứ ghét việc binh đao nên nay chỉ gánh chừng một phần ba ngân sách NATO mà thôi. Khi hữu sự thì đã có Mỹ! Thí dụ là Lybia năm ngoái...

Chuyện A Phú Hãn gợi nhớ quy luật rút tiền ký thác: ai cũng muốn rút thì ta chẳng nên bọc hậu. Các nước đều đẩy vai trò đó qua Mỹ, nước chủ chi cho Kabul kịp thời mộ quân và huấn luyện để lo lấy thân trước kỳ hạn. Đối thủ là lực lượng Taliban cũng biết coi lịch và chờ ngày... hoà giải hòa hợp dưới Giáo luật Sharia của đạo Hồi.

Trong khi ấy, im ắng suốt một chuỗi thượng đỉnh dồn dập là Trung Quốc.

Nhân khi thiên hạ choáng váng về Âu Châu rồi Thượng đỉnh Pháp-Đức, G-8, NATO, v.v... thì Bắc Kinh cho luật sư khiếm thị Trần Quang Thành cùng gia đình lên máy bay qua Mỹ. Một ánh chớp trên truyền hình! Chói lòa bên trong Bắc Kinh là những khó khăn cùng cực về kinh tế lẫn chính trị trước Đại hội 18. May mà thiên hạ rọi đèn qua hướng khác.

Ở trên, người viết có nói ra điều sai bét: nạn thiếu tiền toàn cầu! Thật ra, thế giới đang thiếu niềm tin hoặc một cơ chế lãnh đạo.

Liên hiệp quốc, Âu Châu, Nhật, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Turkey, thế giới Hồi giáo, nhóm G-8, G-20 hay nhóm BRICs của các nước đang lên, v.v... đều xoay vần trong loại vấn nạn khó giải. Mà quần chúng thì chẳng còn tin vào ai. Trong hoàn cảnh thế giới không đầu như vậy, phải chi Hoa Kỳ sớm hoàn tất cuộc tranh cử.

Để tìm lại vai trò lãnh đạo của mình.
 

Thứ Sáu, tháng 5 18, 2012

Hy Lạp, Đồng Euro và Ý Dân

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 120517 

Những mâu thuẫn không thể dung hòa 


* Một biển cờ xanh của Hy Lạp - Ảnh AFP *


Cuối Tháng Hai, trong phút cao hứng, người viết phân tách trên cột báo này trong số ra ngày hai Tháng Ba việc Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro và vãn hồi đồng Drachma cũ mà ra mới (xin đọc lại bài "Trái Bóng Hy Lạp Lăn Ra Ngoài Biên - Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro. Và cũng nên...."  Tuần qua, kịch bản ấy lại có vẻ - nói theo kiểu Hà Nội - "đi vào hiện thực", với xác suất khá cao. Quá cao theo quan điểm đầy âu lo của các quan chức Âu châu.

Trong khi chờ đợi ngày được thông báo là đồng Euro bị sứt một góc, xin hãy nhìn lại chuyện này từ giác độ... "dân chủ". Nói cho nôm na là ý dân.


***


Từ khi khủng hoảng bùng nổ vào năm 2008, các nước Âu Châu đã tung ra nhiều biện pháp chống đỡ để tránh cho Hy Lạp sẽ khỏi vỡ nợ, các ngân hàng lỡ cho vay mà mất vốn vì không đòi được nợ sẽ khỏi phá sản, hệ thống tiền tệ thống nhất của 17 nước trong khối Euro khỏi sụp đổ và, mục tiêu sau cùng, Liên hiệp Âu châu của 27 quốc gia khỏi bị khủng hoảng. Trong ba năm, các nước đã có ba bốn kế hoạch liên tiếp để cuối cùng thấy rằng sự thể lại nguy ngập hơn vậy: nhiều thành viên Euro đã tiêu xài và vay mượn quá khả năng từ quá lâu, đến khi kinh tế suy trầm thì lại cần thêm tiền, vừa để kích thích sản xuất vừa để trả nợ. Trong hoàn cảnh sản xuất sa sút và thất nghiệp cao thì việc thắt lưng buộc bụng để trả nợ khiến các chính quyền lâm nạn về kinh tế đều bị khủng hoảng về chính trị, bị thất cử hoặc phải từ nhiệm.

Từ nhiệm là trường hợp của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thuộc đảng PASOK của cánh trung tả (viết tắt của Phong trào Xã hội Liên Hy Lạp). Tháng 11 năm ngoái, ông bị các nước Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã tung tiền chuộc nợ gây áp lực vì không thể tuân thủ những điều kiện do Âu Châu đặt ra để được cấp thêm một ngân khoản chuộc nợ trị giá 165 tỷ Mỹ kim.

Việc thương thuyết kế hoạch này tiến hành trước đó và Chính quyền Papandreou đã thoả thuận với đòi hỏi của quốc tế là phải giảm chi ngân sách nếu muốn được cấp cứu.

Sau khi đồng ý với thiên hạ rồi, về nhà, ông đưa ra sáng kiến khác. Đó là trưng cầu ý kiến người dân về kế hoạch này. Sáng kiến đó lập tức gây hốt hoảng cho các thị trường tài chánh vì giới đầu tư tin là dân Hy Lạp sẽ phản đối những biện pháp khắc khổ và các nước không thể cứu vãn tình hình và Hy Lạp sẽ vỡ nợ. Các nước thì cho là họ đã thương thảo với một chính quyền dân cử hợp pháp mà sau cùng chính quyền đó lại đổi ý và viện ra ý dân để thoái thác, hoặc để đòi mặc cả lại.

Vì phản ứng đó của thị trường và chính trường Âu châu, Thủ tướng Papandreous phải rút lại đề nghị trưng cầu dân ý và từ chức để một chính quyền lâm thời lên thay, với một thủ tướng là chuyên gia có uy tín. Chính quyền có đặc tính liên minh để cứu nguy tổ quốc được hậu thuẫn của hai đảng lớn nhất là PASOK và Tân Dân Chủ.

Nhưng người dân Hy Lạp mất cơ hội bày tỏ ý kiến.

Thật ra, họ vẫn cho biết ý kiến sau khi liên tục bất tín nhiệm hai đảng lớn, và ủng hộ quan điểm của các nhóm cực tả và cực hữu là bác bỏ chính sách khắc khổ. Trong đó, mạnh nhất là Liên đoàn các Đảng Cấp tiến Cánh tả, gọi tắt theo tiếng Hy Lạp là Syriza, đã về hạng nhì với gần một phần ba số phiếu. Tuần qua, Hy Lạp lâm bế tắc rồi khủng hoảng chính trị vì không đảng nào hay một liên minh nào chiếm đủ đa số để thi hành một kế hoạch cứu nguy kinh tế và chấn chỉnh chi thu.

Trong tư thế quốc trưởng rất tượng trưng vì Hy Lạp theo chế độ "Đại nghị", quyền lực thuộc về Quốc hội, Tổng thống Karolos Papoulias quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào tháng tới.

Những biến động ấy khiến các thị trường tài chánh từ Âu qua Á về tới Hoa Kỳ đều sụt giá nặng và ngày càng có nhiều dư luận cho là Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, dùng lại đồng Drachma để có thể giải quyết khó khăn qua biện pháp phá giá và lạm phát....

Đấy là bối cảnh của vấn đề.


***



Nhìn sâu xa hơn một vụ khủng hoảng tài chánh và chính trị của Hy Lạp, người ta có thể thấy ra một vụ khủng hoảng còn trầm trọng hơn bên trong cơ chế chính trị Âu Châu.

Lãnh đạo ở trên - về chính trị là các chính quyền dân cử Âu châu và về kinh tế tài chánh là hệ thống Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) cùng các ngân hàng trung ương của từng nước và hệ thống ngân hàng thương mại hay đầu tư của toàn khối - có thể thoả thuận với nhau về một số quy ước chung để qua việc sử dụng một đồng tiền thống nhất, các nước đều cùng có lợi. Đấy là một sự giả định, một điều kiện, quá lạc quan của toàn bộ kiến trúc Âu Châu.

Chìm sâu bên dưới là những mâu thuẫn kỳ lạ.

Các quốc gia đều theo nguyên tắc dân chủ: quyền dân là tối thượng, được thể hiện qua bầu cử để một chính quyền sẽ đại diện mình mà quyết định chuyện an ninh hay quốc kế dân sinh. Khi bước vào hội nhập kinh tế và thống nhất đồng bạc trong một hệ thống chính trị liên hiệp với các quốc gia khác, từng nước đều trao một phần chủ quyền của mình cho một cơ chế quốc tế là Liên hiệp Âu châu, gồm có Hành pháp, Quốc hội, Toà án và một Ngân hàng Trung ương chung.

Các nước chấp nhận nhường lại một phần chủ quyền quốc gia để có hòa bình và thịnh vượng trong một khu vực mở mà các công dân được đi lại tự do để kiếm tiền ở những nơi có lợi nhất, và còn có thể thanh toán bằng một đồng bạc chung.

Mâu thuẫn ở đây là việc cơ chế thống nhất này không có khả năng cưỡng hành trong nhiều lãnh vực, trước tiên là kinh tế tài chánh. Nhiều quốc gia đã tăng chi quá khả năng, bị bội chi nhiều hơn mức quy định hay cam kết ban đầu và như Hy Lạp, còn ngụy tạo thống kê kinh tế để hưởng lợi. Và ngân hàng trung ương ECB cũng không thể có những biện pháp tiền tệ hay tín dụng cho toàn khối nếu không có sự đồng ý của 17 nước thành viên.

Nói nôm na dễ hiểu, các nước xài chung những lợi ích mà khỏi chịu chung những kỷ luật về ngân sách hay thuế khoá. Chưa tiến tới thể chế liên bang như Hoa Kỳ, Âu châu không có cơ chế siêu quốc với thanh tra thuế vụ hay quân đội có thẩm quyền thực thi kỷ luật chung.

Nhưng sự thoả thuận trên ngọn như vậy khiến hệ thống quản lý chính trị và kinh tế của Liên Âu tại thủ đô Bruxelles hay Stratbourg - trụ sở Quốc hội - hoặc Frankfurt của Ngân hàng Trung ương lại có ảo tưởng là họ quyết định về chánh sách chung của toàn khối. Và họ quyết định thật, mà không đạt kết quả.

Sau hai chục năm thành lập Liên Âu và 10 năm dựng lên khối Euro, mâu thuẫn căn bản đã bùng nổ vì tình hình kinh tế hết sáng sủa và sự lạc quan ban đầu lạt phai dần. Những biện pháp cấp cứu kinh tế tài chánh đòi hỏi sự hy sinh mà chẳng ai muốn. Những cam kết của các chính quyền dân cử với thủ đô Bruxelles bị dân chúng ở nhà phản đối và 11 chính quyền đã sụp đổ.

Người dân từng nước thì cho là các công chức quốc tế tại Bruxelles, Stratbourg hay Frankfurt đã mù quáng lấy những quyết định tai hại cho cuộc sống của họ. Hoặc chế độ tự do lưu thông do các nước Âu châu cùng thỏa thuận với Hiệp ước di trú Schengen khiến "kẻ lạ" từ xứ khác có thể vào cướp mất việc làm của họ. Và cường quốc kinh tế số một là nước Đức đòi áp đặt những chính sách khắc khổ để bảo vệ quyền lợi của mình. Thất vọng với cách giải quyết của chính quyền, họ bỏ phiếu, biểu tình và phản đối mọi đề nghị chấn chỉnh.

Lý luận của dân Âu châu có thể là đúng một phần hoặc sai nhiều phần, nhưng... họ có quyền sai lầm vì nguyên tắc dân chủ. Mà bảo rằng chế độ dân chủ không có khả năng giải quyết vấn đề thì cũng là đúng một phần nhưng sai nhiều phần nếu người ta so sánh với một thể chế độc tài khác.

Khi vụ khủng hoảng Hy Lạp xảy ra, người ta mới thấy sự lật lọng của nguyên Thủ tướng Papandreous là... chí lý. Ông đã cam kết để xứ sở được cấp cứu, rồi lại phủ nhận lời cam kết này khi chạy về núp sau ý dân. Ông bị mất ghế Thủ tướng, nhưng các chính quyền nối tiếp cũng thế vì làn sóng phản đối của người dân.

Chính đảng mạnh nhất Hy Lạp hiện nay là Syriza theo xu hướng cực tả, rất nghi ngờ khái niệm Âu châu thống nhất, không chấp nhận biện pháp kinh tế khắc khổ mà Âu châu đòi hỏi, nhưng vẫn muốn duy trì hệ thống Euro, tức là muốn được cấp cứu về tài chánh mà không chịu trả giá.

Các thị trường Âu châu theo nhau tuột giá vì không nhìn thấy tương lai và đang chuẩn bị kịch bản Hy Lạp ra khỏi khối Euro, tự nguyện hay không. Vài ngày qua, dân Hy Lạp liền sống với kịch bản đó khi ráo riết rút tiền ra khỏi ngân hàng, khiến các ngân hàng Hy Lạp càng dễ sụp đổ và khủng hoảng càng thêm trầm trọng. Từ chuyện Euro không còn Hy Lạp, người ta suy rộng ra ngoài là nhiều xứ khác ở miền Nam, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay cả Ý Đại Lợi cũng rúng động làm khối Euro có thể tan vỡ vì Âu châu hết tiền cứu vãn....

Ngay trước mắt, dân chúng Hy Lạp, hay đảng Syriza đang có hy vọng cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng tới, thì mong là nhờ đó mà họ sẽ thương thuyết lại điều kiện cứu trợ để vẫn hưởng lợi nhờ quy chế tiền tệ thống nhất mà đỡ phải hy sinh. Chưa chắc là Liên Âu hay nước Đức đã chấp nhận trò chơi này vì sẽ mở cửa cho nhiều nước khác cùng tháo chạy qua kẽ hở đó khi Ngân hàng Trung ương ECB đã tung ra một ngàn tỷ Euro và e là còn cần thêm một ngàn tỷ nữa mới đủ.

Về lâu dài, không chỉ khối Euro mới bị nguy cơ tan rã mà cả giấc mơ thống nhất của Liên Âu cũng vậy. Đặc tính của nền dân chủ chính là khả năng thỏa hiệp, người dân và các nước có thể thỏa hiệp đến mức độ nào để tiếp tục duy trì mâu thuẫn kỳ lạ của Âu châu? Câu trả lời cho vấn nạn đó sẽ quyết định về tương lai Âu châu. Trước sự lớn mạnh của cánh cực tả vô trách nhiệm về công chi thu và cánh hữu đầy tính dân tộc hẹp hòi đến độ bài ngoại, người ta không mấy lạc quan về tương lai...

Thứ Năm, tháng 5 17, 2012

Trùng Khánh và Chiết Giang - Tả và Hữu

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120516 

Sau tai nạn Trùng Khánh, đến lúc giải phóng tư doanh? "Tả" xong, nay ngả qua "hữu"? 



* AFP photo - Một góc Trùng Khánh, Trung Quốc *


Sau khi được bổ về làm Bí thư Trùng Khánh hôm 15 Tháng Ba, ông Trương Đức Giang vừa yêu cầu thành phố này nên noi gương Chiết Giang mà phát triển một khu vực tư doanh vững mạnh hơn.

Là Bí thư Chiết Giang rồi Quảng Đông trước khi về trung ương làm Phó Thủ tướng, ông Trương Đức Giang cũng là Ủy viên Bộ Chính trị từ 10 năm nay, tức là viên chức cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời phát biểu của ông khiến dư luận tự hỏi, là lãnh đạo xứ này đang suy tính gì về vai trò tư doanh. 

Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó qua phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự do, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

 

Đang ở vào khúc quanh


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong chương trình phát thanh ngày 21 Tháng Ba trên diễn đàn này, khi phê phán "Mô hình Trùng Khánh" và nhân vật Bạc Hy Lai đầy tai tiếng sau đó, ông có nêu nhận xét rằng, chúng tôi xin lập lại, "Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết sự vận hành tương đối tốt đẹp của 30 năm qua." 

Vừa rồi, người thay ông Bạc Hy Lai làm Bí thư Trùng Khánh là Trương Đức Giang lại phát biểu rằng Trùng Khánh nên theo gương tỉnh Chiết Giang mà phát triển tư doanh vững mạnh hơn. Vì vậy, xin đề nghị là tuần này chúng ta sẽ tìm hiểu việc lãnh đạo Trung Quốc đang tìm ra một mô hình phát triển mới như ông đã nhận xét. Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ là lãnh đạo Trung Quốc không chỉ chuẩn bị Đại hội khóa 18 của đảng mà còn muốn tìm ra một hướng cải cách khác sau khi đi vào bế tắc, nếu không thì xứ này sẽ bị khủng hoảng. Trong quá khứ, họ đã thử nghiệm nhiều giải pháp và cũng gặp nhiều vấn đề nên cứ phải xoay trở và thay đổi, trong khi vẫn cố tạo ra một vẻ thống nhất ở bên ngoài. Vụ Trùng Khánh là một trường hợp, vụ Ôn Châu rồi Ô Khảm là trường hợp khác.

- Bây giờ đến lượt một nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo Bắc Kinh lại nói đến mô hình Chiết Giang như giải pháp có giá trị gương mẫu hơn cho Trùng Khánh. Do đó, quả là ta cần phân tích những do dự và chọn lựa kể trên vì thật ra Việt Nam cũng có bài toán tương tự ở một kích thước khác, và cũng đang nói đến cải tổ. Cùng với chuyện Trùng Khánh hay Chiết Giang, tôi xin được phép nói thêm về một khái niệm dễ gây hiểu lầm, đó là lối phân ranh tả/hữu của các giải pháp hay chủ trương đang xuất hiện tại Trung Quốc.

- Sau cùng, mình cũng nên nhắc đến lời phát biểu của Bí thư Quảng Đông là ông Uông Dương, nhân vật cao cấp như Trương Đức Giang và cũng có hy vọng vào Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội 18. Uông Dương nổi tiếng về thành tích phát triển Quảng Đông, dám giải quyết vụ Ô Khảm theo sát ý dân mà còn gây chấn động hơn khi vừa tuyên bố trong một hội nghị của đảng bộ rằng "Đảng Cộng sản không đem lại hạnh phúc cho người dân" và "Bảo rằng đảng Cộng sản và Chính quyền phục vụ nhân dân là nói ra điều sai quấy!"

Vũ Hoàng: Ông vừa dẫn một lúc khá nhiều chuyện bất ngờ. Chúng ta sẽ mở ra từng vụ dù thời gian có hạn chế của chương trình, hầu thính giả tại Việt Nam có thể suy ra chuyện của mình. Trước hết là cái thế đối lập về lý luận giữa mô hình Trùng Khánh và Chiết Giang.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như thông lệ, ta hãy nói về bối cảnh trước, sau đó mình mới phân tích vấn đề thì thính giả dễ hiểu ra sự thế vốn dĩ khá phức tạp của cả Trung Quốc và Việt Nam.

- Sau 30 năm hoang tưởng đẫm máu và nghèo khốn của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành "cải cách và khai phóng" từ đầu năm 1979 và cho phép tư doanh xuất hiện để góp phần phát triển quốc gia. Nhưng 10 năm sau thì vụ khủng hoảng Thiên an môn khiến đảng sợ mất quyền nên tập trung kiểm soát chính trị nhưng không tiêu diệt tư doanh. Mười năm sau đó là thời Giang Trạch Dân ráo riết phát triển các tỉnh thành duyên hải miền Đông với đầu máy là doanh nghiệp nhà nước và tay chân làm gia công mà khá phát đạt là hệ thống tư doanh cò con ở dưới.

- Kế tiếp là 10 năm của Hồ Cẩm Đào với nỗ lực điều chỉnh sự chênh lệch giữa khu vực duyên hải miền Đông với các tỉnh nghèo bên trong, cũng do nhiều dự án quy mô về hạ tầng được các tập đoàn nhà nước thực hiện. Vì vậy, trong 30 năm qua, vai trò tư doanh thường được đảng cân đo so với vị trí chủ đạo của quốc doanh. Quốc doanh gây lãng phí, bội chi ngân sách và tham ô, nhưng nếu tư doanh phát triển quá mạnh thì thành phần tư nhân có thể đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn, từ kinh doanh đến chính trị.

- Đấy là hai hướng mà người ta gọi lầm theo Bắc Kinh là "tả" và "hữu". Tả là giữ thế thống trị cho quốc doanh với lý tưởng công bằng mà hậu quả là cào bằng và hữu là thiên về tư doanh với rủi ro chính trị cho chế độ. Thời Mao, tư tưởng cải cách của họ Đặng bị đả kích là "hữu khuynh" và giờ đây, người dựa hơi họ Mao theo kiểu Bạc Hy Lai thì được gọi là "tân tả". Thật ra, tôi thiển nghĩ rằng theo Mao mới là thủ cựu và muốn cho tư doanh và người dân có nhiều quyền hạn hơn thì mới là tiến bộ. Và một nhật báo có uy tín như tờ Figaro của Pháp mà đánh giá Trương Đức Giang là thủ cựu thì hơi sai! Bây giờ, ta mới trở lại chuyện Trùng Khánh và Chiết Giang.


Không thể bóp nghẹt tư doanh 

 



035_pau649041_04(2)-250.jpg

Một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tại một trung tâm chứng khoán tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 16 tháng 5 năm 2012. AFP   



Vũ Hoàng: Dường như dưới quyền lãnh đạo của Bạc Hy Lai, hệ thống nhà nước giữ vị trí trọng yếu nhờ doanh nghiệp nhà nước và nhờ chính quyền địa phương phân bố ngân sách lẫn phúc lợi xã hội, với kết quả là có tăng trưởng cao và tương đối công bằng, nhưng với hậu quả là bội chi ngân sách và mắc nợ như ông đã cảnh báo. Bây giờ, một cựu Bí thư của hai tỉnh duyên hải Chiết Giang và Quảng Đông, là Trương Đức Giang, lại đề cao giải pháp phát triển tư doanh đã được thử nghiệm thành công ở các nơi ấy. Lãnh đạo Bắc Kinh nhìn chuyện ấy như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo phong cách kín đáo và cẩn trọng của lãnh đạo, nhất là sau kinh nghiệm chơi trội và làm ẩu của Bạc Hy Lai, Trương Đức Giang không đề cao Chiết Giang để tự quảng cáo. Tôi nghĩ lời phát biểu ấy phản ảnh một sự chọn lựa từ Bộ Chính trị nay đang được công khai hóa. Tôi xin được giải thích:

- Trùng Khánh là khu vực đặc biệt có tới 30 triệu người, cả thôn dân lẫn thị dân. Từ khi tách khỏi tỉnh Tứ Xuyên bị khóa bên trong để là thành phố do trung ương quản lý, Trùng Khánh được chọn làm thí điểm và bắt đầu hiện đại hóa qua hai Bí thư là Trương Đức Giang rồi Uông Dương. Nhưng rút kinh nghiệm quá khứ và tệ nạn lãnh chúa địa phương, Bộ Chính trị không muốn bất cứ ai xây dựng thế lực cá nhân nếu ở quá lâu trong một khu vực. Bạc Hy Lai được đưa khỏi Liêu Ninh về làm Bộ trưởng Thương mại tại Bắc Kinh rồi đến Trùng Khánh cũng vì lý do sâu xa đó.

- Thế rồi nhờ ở xa mặt trời Bắc Kinh, ông ta bắt đầu múa với thành tích Trùng Khánh và mở ra mạng lưới cấu kết cho cá nhân, là điều tối kỵ nhưng chưa nguy hiểm cho đảng. Khi phát động chiến dịch "thanh hồng đả hắc" và hát lại khẩu hiệu của Mao, ông ta còn được phái "Tân Tả" đề cao và bảo vệ, thậm chí bênh vực khi đã mất chức Bí thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai trở thành vấn đề.

- Chẳng những bản thân và gia đình ông ta bị điều tra về tội hình sự mà cả mô hình Trùng Khánh cũng bị Bộ Chính trị phê phán để qua đó dẹp bớt ảnh hưởng của đám thủ cựu tự xưng là tân tả, vốn dĩ khá đông trong một số trí thức và cũng khá hấp dẫn cho nông dân với lý tưởng công bằng xã hội. Chiết Giang được công khai đề cao là trong ý nghĩa đó.

Vũ Hoàng: Nhưng phải chăng là chìm sâu bên dưới vẫn còn lý luận về vai trò của tư doanh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa hoàn toàn đúng như vậy. Trên đại thể, tư doanh Trung Quốc có phát triển đôi chút mà vẫn chỉ là doanh nghiệp loại vừa và nhỏ chứ chưa thể nào có thế lực như các tập đoàn quốc doanh, trong khi tư doanh thực tế lại đảm bảo tới 80% công việc làm cho cả nước. Trong mấy năm qua, hệ thống tư doanh này bị khủng hoảng nặng, điển hình là chuyện thành phố Ôn Châu trong tỉnh Chiết Giang.

Từ bài học Ôn Châu, lãnh đạo xứ này biết rằng không thể bóp nghẹt tư doanh vì sẽ gặp nạn thất nghiệp và động loạn. Nhưng vấn đề thật ra còn sâu xa hơn một chu kỳ suy trầm kinh tế....
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa


- Đấy là một địa phương tiên phong về phát triển tư doanh đến độ được gọi là cái nôi của tư bản chủ nghĩa Trung Quốc. Vậy mà sau nạn tổng suy trầm 2008, khi thị trường xuất khẩu co cụm, các hợp đồng gia công giảm sút và Bắc Kinh trút tiền vào doanh nghiệp nhà nước để kích thích kinh tế thì tư doanh Ôn Châu chết kẹt, phá sản hàng loạt nên đã gây vấn đề. Từ bài học Ôn Châu, lãnh đạo xứ này biết rằng không thể bóp nghẹt tư doanh vì sẽ gặp nạn thất nghiệp và động loạn. Nhưng vấn đề thật ra còn sâu xa hơn một chu kỳ suy trầm kinh tế....

Vũ Hoàng: Ông nói sâu xa hơn là vì cuộc tranh cãi về lẽ tốt/xấu của tư doanh có những gốc rễ lâu đời hơn thế chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là như chuyện tranh luận về tả/hữu, vấn đề tư doanh đã có từ khi xuất hiện đảng Cộng sản Trung Hoa, 90 năm về trước. Hoặc từ khi có đảng cộng sản trên trái đất này! Thu gọn vào Trung Quốc cho khỏi lạc đề, nhưng cũng để nghĩ về chuyện Việt Nam, tôi xin được tóm lược như sau.

- Sau khi nắm quyền từ Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp hành Khoá 11 vào Tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình chủ trương cởi trói cho tư doanh quyền hiện hữu. Nhờ đó, các gia đình tư nhân mới lập ra loại tiểu doanh nghiệp hương trấn và thu hút nguồn nhân lực dư thừa từ nông thôn để tiến theo đà công nghiệp hoá và đô thị hóa. Sau khi bị vụ khủng hoảng Thiên an môn năm 1989 đến độ tàn sát cả ngàn dân, họ Đặng có chuyến "Nam tuần" là thăm dò các tỉnh miền Nam vào năm 1992, và thấy ra sinh lực của tư doanh nên dù tăng cường kiểm soát chính trị, ông ta vẫn gạt qua vụ tranh luận về tư tương và cho tư doanh phát triển. 

 

Lời cảnh báo của đảng viên cao cấp  



000_APH2002041188820-200.jpg

Một nhóm các nông dân Trung Quốc tổ chức biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Quốc hội Nhân dân Bắc Kinh hôm 11/4/2002 yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho đất bị chính phủ thu hồi. AFP  
   
 
Vũ Hoàng: Nếu như vậy, tranh luận về tư doanh đã có ít ra từ 20 năm trước?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa khi ấy, xứ này cần một hạ tầng yểm trợ nỗ lực chế biến để xuất khẩu và tạo ra việc làm, trong khi các đảng bộ địa phương cũng thấy tư doanh là một nguồn thuế cho mình. Trong 20 năm sau đó, dù quốc doanh được chấn chính và nâng đỡ để chủ động thi hành chính sách nhà nước, tư doanh vẫn có vai trò của mình.

- Nhưng, mỗi khi phát triển được từ trình độ tiểu doanh lên kích thước cao hơn là doanh nghiệp tư nhân lại mở rộng ảnh hưởng, nên từ năm 2004, lãnh đạo Bắc Kinh lại thụt lùi và hết dám yểm trợ tư doanh. Điều mà họ sợ nhất là tư nhân biến báo năng động có thể cấu kết với đảng viên để dẫn đến sự hình thành của một lớp trung lưu mới và sẽ đe doạ quyền uy và chính sách của đảng.

- Vì thế, ta thấy ra một mâu thuẫn của đảng là rất cần mà cũng sợ tư doanh. Lý do then chốt nằm trong chủ trương xây dựng một hệ thống tư bản nhà nước mà thực chất là "tư bản quả đầu", hay oligopole, tư bản của một thiểu số là các đại gia hay thân tộc đảng viên. Rồi đảng lâm bế tắc với chế độ kinh tế chính trị đó vì tính chất bất công và bất lực của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ ta mới qua chuyện Quảng Đông, Ô Khảm và nhân vật Uông Dương.

Vũ Hoàng: Nhân vật này hiện ở trong Bộ Chính trị và có hy vọng tiến vào Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội tới. Ông nhắc tới ông ta vì những lý do gì, vì chuyện Ô Khảm hay tư doanh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là vì tất cả ngần ấy lý do tròng chéo phức tạp.

- Sinh năm 1955 tức là còn trẻ hơn Trương Đức Giang gần chục tuổi, nhân vật này đi từ dưới lên và là đảng viên xuất sắc từ Đoàn Thanh niên trước khi về trung ương và lần lượt đi các tỉnh. Làm Bí thư Quảng Đông, ông ta chủ trương là phải cho địa phương và tư doanh nhiều quyền tự do quyết định hơn, từ kinh doanh đến luật lệ áp dụng. Nhưng dù yểm trợ tư doanh, ông không theo quan điểm của trung ương mà lại cho rằng nếu doanh nghiệp khém năng suất và bị lỗ thì cũng chẳng nên cứu, một lý luận rất tư bản.


Dù báo chí quốc doanh không loan tải loại tin này cho quần chúng nhưng rõ ràng là thượng tầng ĐCS đang có tranh luận khá cơ bản về tương lai vì nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa tư tưởng và thực tế.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Ngược với chính sách Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh là lấy công quỹ lo cho phúc lợi của người dân theo kiểu bao cấp, Uông Dương phát biểu là nên nghĩ tới sản xuất ra cái bánh to hơn thay vì chỉ tính chuyện chia phần bánh hầu ai ai cũng có một mẩu! Năm ngoái, khi dân làng Ô Khảm biểu tình tấn công cán bộ địa phương vì bị cướp đất, ông ta cách chức cán bộ và đưa dân biểu tình lên lãnh đạo Ô Khảm. Tất nhiên là ngần ấy chuyện đều được Bắc Kinh lặng thinh theo dõi xem kết quả ra sao, nhìn từ quan điểm của đảng.

Vũ Hoàng: Thế còn lời phát biểu gần đây của ông Uông Dương, rằng đảng Cộng sản không đem lại hạnh phúc cho người dân? Theo ông nhận xét thì chuyện ấy có ý nghĩa thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn từ bên ngoài thì đấy là lý luận phản động từ một địa phương có ý đồ nổi loạn! Nhưng y như lời phát biểu của Trương Đức Giang về tư doanh, quan điểm ấy cũng có thể là lời cảnh báo của một số đảng viên cấp lãnh đạo. Dù báo chí quốc doanh không loan tải loại tin này cho quần chúng nhưng rõ ràng là thượng tầng đảng Cộng sản đang có tranh luận khá cơ bản về tương lai vì nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa tư tưởng và thực tế. Ta nên theo dõi các cuộc tranh luận trước và sau Đại hội 18 tới đây và rút tỉa kinh nghiệm cho Việt Nam.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.