Thứ Tư, tháng 11 27, 2013

Thống kê Xã Hội Chủ Nghĩa

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 131127
035_20131110_03944-305.jpg
* Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc mở một cuộc họp kín 
để đưa ra chính sách quan trọng thúc đẩy kinh tế hôm 09/11/2013 AFP photo*



Tuần qua, khi các chuyên gia và đại biểu quốc hội tại Việt Nam tranh luận về số liệu không đáng tin của Tổng cục Thống kê thì hôm 16, Cục Thống Kê Quốc Gia của Trung Quốc loan báo nhiều thay đổi trong hệ thống kế toán quốc gia để trình bày tình hình kinh tế cho trung thực hơn. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ yêu cầu chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa phân tích chuyện thống kê kinh tế để làm sáng tỏ vấn đề.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau khi chấm dứt chương trình kỳ trước, chúng tôi có yêu cầu là tuần này tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về thống kê kinh tế. Sở dĩ như vậy, thưa ông là vì sau nhiều kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu và chuyên gia ở trong nước đã nêu vấn đề về trình độ không đáng tin của thống kê Việt Nam do Tổng cục Thống kê thu thập và công bố. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm trước, ông cũng phân tích vì sao thống kê kinh tế của Trung Quốc có quá nhiều sai lệch và tuần qua, dường như Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh đã thông báo nhiều thay đổi sẽ áp dụng. Ông nghĩ sao về đề tài này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nhớ đến một câu nói của Victor Hugo, một văn hào người Pháp vào Thế kỷ 19, rằng "không có gì mạnh hơn một ý kiến khi đã đến thời của nó".

- Cùng kỳ họp vừa qua của Quốc hội Việt Nam, tại Bắc Kinh, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vừa hoàn tất Hội nghị Trung ương Kỳ ba của Khoá 18. Lập tức, Cục Thống kê Quốc gia của họ loan báo hôm Thứ Bảy 16, việc áp dụng năm thay đổi lớn trong hệ thống kế toán quốc gia để cuối năm tới hay đầu năm 2015, họ sẽ có dữ kiện trung thực hơn về kinh tế quốc dân, đặc biệt là về Tổng sản lượng Nội địa GDP. Chúng ta thấy hai quốc gia này đều không hài lòng về những báo cáo kinh tế của các cơ quan hữu trách và muốn cải tiến để mọi người cùng nắm vững tình hình một cách trung thực hầu có quyết định đúng đắn hơn, thay vì vẫn chạy theo chủ nghĩa thành tích, đã làm láo mà còn báo cáo sai.

Vũ Hoàng: Thưa ông, đầu đuôi thì vì sao lại có cái nạn sai lạc trong cách thiết lập thống kê?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu xét tới đầu nguồn thì nên trả lại cho Marx những sai lầm của ông ta và đây cũng là một ý kiến đã đến thời của nó dù là quá trễ.

- Trước tiên, qua chuỗi lý luận phức tạp có tham vọng kết hợp khoa học với đạo lý để biện minh cho "cách mạng vô sản", Karl Marx nói đến khái niệm gọi là "giá trị thặng dư". Với nhiều thí dụ bằng con số, ông ta khơi khơi đề ra một luận cứ rằng phần tư bản biến thiên hay sức lao động luôn luôn bằng với phần tư bản cố định, cho nên giá trị thặng dư hay tỷ số giữa lao động và siêu lao động luôn luôn cao bằng 100%. Ông ta nêu ra một con số về tỷ lệ bóc lột 100% mà chẳng cần chứng minh gì cả! Đấy chỉ là một sự ngụy biện thiếu tinh thần khoa học.

- Quý thính giả có thấy điều vừa trình bày là khó hiểu thì đừng lo vì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản từ ông Hồ Chí Minh trở đi cũng chẳng hiểu gì về chuyện này. Thật ra họ không thể đọc hết bộ Tư Bản của Marx hay Bút ký Triết học của Lenin mà vẫn cứ đề cao chủ nghĩa Mác-Lenin! Tinh thần phi khoa học từ đầu nguồn mới giải thích những tai họa ngày nay, khi người ta không thiết lập nổi một hệ thống khảo sát và chẩn đoán thực tế cho nghiêm túc và trung thực mà vẫn cứ đòi lấy những quyết định nghiêm trọng về cuộc sống của người khác.

- Thí dụ thứ hai để trở lại với hiện tại là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay Đại Dược Tiến của Trung Quốc thời Mao. Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961, chỉ gần bốn năm mà đã có 36 triệu người chết đói dù chẳng bị mất mùa. Chỉ vì họ muốn tiến hành công nghiệp hóa một cách duy ý chí, y như cuộc cải cách ruộng đất trước đó mà họ đã dạy cho lãnh đạo Hà Nội thi hành. Vụ thống kê trong câu chuyện thảm khốc này là lãnh đạo ở trên không nắm vững thực tế của đời sống mà ở dưới lại không dám báo cáo sự thật lên trên. Y như Marx đã gian dối với giá trị thặng dư 100%, đời sau tiếp tục gian dối và gây ra thảm họa cho người dân.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông phải chăng tình hình đã có thay đổi tại Trung Quốc và Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là có thay đổi, nhưng quá chậm so với xứ khác và quan trọng nhất thì não trạng vẫn chưa đổi. Tôi xin được đi từng bước trong cách trình bày thì ta mới hiểu vì sao một ý kiến đã đến thời của nó và người ta phải đổi cách suy nghĩ.

- Nói về kế toán thì trong một giai đoạn quá lâu đến gần nửa thế kỷ, người cộng sản chỉ có hệ thống kế toán một cột và hai dấu. Tất cả những gì thu vào thì đánh dấu cộng và chi ra thì đánh dấu trừ trên một cột số để có kết toán về thực tế bằng một con số. Hệ thống này quá đơn giản và lạc hậu. Họ không biết và cũng chẳng cần biết về hệ thống kế toán đối phần là hai cột đã có từ mấy trăm năm. Bất cứ một tư liệu nào ghi bằng một con số cũng có hai phần, là thứ nhất, từ đâu mà có, thí dụ như từ vốn riêng hay đi vay, vả thứ hai, dùng vào việc gì, với kết quả ra sao? Hệ thống kế toán đối phần này phát triển ra bản năng trách nhiệm khi khai thác, là làm gì cũng phải ý thức được kết quả và nhất là việc trả nợ, chứ không thể sử dụng miễn phí và làm hao hụt phương tiện sản xuất. Việc gây hoang phí và vô trách nhiệm là thuộc tính của xã hội chủ nghĩa, với nhiều thí dụ quá đắt đỏ vẫn là hiện đại sau khi hai quốc gia này đã cải cách hay đổi mới. Chuyện thống kê không đáng tin xuất phát từ đó.


000_Hkg9188241-250.jpg
Nhân viên phân loại các gói hàng tại một công ty chuyển phát nhanh tại Beijing hôm 12/11/2013. AFP photo
 
 
Vũ Hoàng: Ông rất thận trọng trình bày từ đầu về lý luận rồi kỹ thuật thu thập thống kê trong các nước xã hội chủ nghĩa với tàn dư còn tồn tại đến ngày nay tại Trung Quốc và Việt Nam. Thưa ông, vì đi trước, Trung Quốc đã cải cách những gì và có điều gì đáng học hỏi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đã chứng kiến "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại", Đặng Tiểu Bình ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo ở trên nếu không có thông tin thực tế và thống kê đáng tin. Cho nên sau khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì ông ta cố hiện đại hóa hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn. Nhưng ba chục năm sau thì tình hình chưa khá. Cứ hai ba năm thì Cục Thống Kê Quốc Gia trong Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, lại đưa ra một đề nghị cải cách và mỗi năm lại có vài ba vụ phàn nàn các tỉnh về chuyện thống kê sai lạc. Ví dụ điển hình và đến năm nay vẫn còn đúng là dữ kiện về GDP. Nếu cộng chung sản lượng của 31 tỉnh và thành phố thì Trung Quốc có Tổng sản lượng cao hơn con số của Cục Thống kê đến bốn năm trăm tỷ đô la, như vậy, số nào là đúng? Thí dụ khác là Tháng Bảy rồi Tháng Chín vừa qua Cục Thống kê đả kích tỉnh Vân Nam rồi tỉnh Quảng Đông vì những dữ kiện được thổi phồng gấp đôi hay gấp bốn lần thực tế.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hệ thống thu thập thống kê của Trung Quốc có nhược điểm gì nên gây ra những sai lạc như vậy dù xứ này đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2001?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là vì WTO không đòi hỏi phải có bộ máy thống kê tiêu chuẩn hóa, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi nên Trung Quốc chưa cải tiến tiêu chuẩn của họ. Một ví dụ là cho đến nay, Trung Quốc chỉ đếm mức thay đổi hàng năm của Tổng sản lượng, là so với cùng kỳ vào năm ngoái, thay vì theo từng tháng hay từng quý. Trong một thế giới mà mỗi giây lại có 400 triệu nghiệp vụ giao dịch trên các thị trường tài chính thì lối đếm này quá chậm và không kịp cập nhật. Ví dụ khác là họ chủ yếu lấy sản lượng công nghiệp làm cơ sở đo đếm Tổng sản lượng trong khi các nước tiên tiến lại dùng con số tiêu thụ thực tế làm căn bản nên có dữ kiện chính xác hơn. Quyết định vưa do Cục Thống kê Bắc Kinh công bố cho thấy là họ cố học theo hệ thống Kế toán Quốc gia của Liên Hiệp Quốc và của Hoa Kỳ để có khả năng thẩm định sát với thực tế và gần bằng các xứ khác. Đấy là một tiến bộ mà Việt Nam nên chú ý. Tuy nhiên, việc cải tiến kỹ thuật và phương pháp thôi vẫn chưa đủ.

Vũ Hoàng: Một số chuyên gia trong nước cho là Việt nam phải có cơ quan thống kê độc lập, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải có một nhà nước độc lập với đảng thì mới có tương lai! Và ít ra là có thống kê khả tín và khả dụng. Tôi xin được giải thích lý do.

- Trung Quốc hiện có hai hệ thống thu thập thống kê song hành. Một hệ thống là Cục Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh với chức năng hội nhập và đúc kết số liệu từ cơ sở do nhân viên ở mọi cấp bên dưới báo cáo về trung ương ở trên. Hệ thống kia là của các phủ bộ ban ngành của nhà nước, nơi nào cũng có nhiệm vụ thu thập thống kê thuộc phạm vi chức năng của mình, như Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, và các tỉnh cũng có báo cáo từ dưới đưa lên trên. Hai hệ thống này rõ ràng là độc lập với nhau cho nên thế giới bên ngoài cứ tưởng rằng họ sẽ thi đua phục vụ sự thật và báo cáo trung thực.

- Nhưng sự thật là mọi công chức cao cấp ở mọi nơi đều phải là đảng viên. Trong hệ thống đảng, họ thăng quan tiến chức là nhờ thượng cấp ở trên chứ không chịu trách nhiệm gì với người dân ở dưới. Hệ thống đó thiếu dân chủ và chưa tách đảng ra khỏi guồng máy nhà nước khiến cả guồng máy này phục vụ đảng và cấp dưới phải làm vừa lòng cấp trên ở trong đảng. Kết quả thì mỗi cấp ở dưới lại tô hồng báo cáo khi đưa lên thượng cấp và sau nhiều đợt tô hồng như vậy thì trung ương ở trên cùng lại có nhiều bức tranh màu hồng về thực tế có khi xám ngắt ở dưới. Vấn đề vì vậy không phải là kỹ thuật thu thập thống kê hay định nghĩa về từng trương mục hay tài khoản của hệ thống kế toán quốc gia. Vấn đề nó nằm trong cơ chế chính trị của một chế độ cứ lấy đà tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên nên mọi cấp đều tăng đà báo cáo sai.

Vũ Hoàng: Thưa ông, lãnh đạo Trung Quốc đã có ý chuyển hướng từ lượng sang phẩm và việc cải cách về thống kê của họ vì vậy cũng phải thay đổi. Liệu tình hình sau này có khá hơn chăng và Việt Nam có rút tỉa kinh nghiệm gì của xứ láng giềng này khi đang đối mặt với một thực tế khó khăn mà khó đến mức nào thì chính lãnh đạo cũng không biết?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu Cục Thống kê Trung Quốc áp dụng năm biện pháp cải tổ vừa thông báo thì con số về sản lượng sẽ tăng chứ không giảm vì họ bao gồm nhiều yếu tố khác, như khu vực dịch vụ hay sức tiêu thụ và cả những phí tổn về nghiên cứu và phát triển. Đây là điều có lợi cho lãnh đạo về mặt tuyên truyền, mà cũng có lợi về quản lý vì dùng chuẩn mực của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn tiềm ẩn giữa hệ thống lãnh đạo ở trung ương, mà ông Tập Cận Bình đang muốn tăng cường, với hệ thống đảng bộ ở địa phương vẫn gia tăng và các địa phương sẽ phản công trên mặt trận thống kê nên sau cùng thì xứ này chưa có công cụ thống kê khả tín vì chưa có chế độ chính trị thích hợp cho một xứ phức tạp và đa diện như vậy.

- Về phía Hà Nội, Việt Nam có thể học kỹ thuật hiện đại nhờ viện trợ quốc tế lẫn các chuyên gia Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nhưng dù có cải tiến phương pháp và kỹ thuật, cơ chế chính trị hiện nay chưa khắc phục được bài toán chính trị của tổ chức thống kê. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp và các dân biểu mà dám đề cập tới bài toán chính trị này, may ra tình hình sẽ khá hơn. Điều ấy chưa xảy ra và thống kê của Việt Nam vẫn có giá trị dưới mức trung bình của thế giới, và 10 năm qua lại còn giảm sút so với thiên hạ.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần trao đổi này.



Thứ Ba, tháng 11 26, 2013

Bài Kinh Tế Vỡ Lòng Từ Trung Quốc



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131125
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thương Phẩm, Thương Nhân và Khi Trung Quốc Bị Thương

 * Đống xương vô định sắp cao bằng đầu *


Khi dân chúng Hoa Kỳ chuẩn bị Lễ Tạ Ơn vào cuối Tháng 11, giới kinh tế chuẩn bị tổng kết tình hình kinh tế của năm sắp hết và dự đoán viễn ảnh cho năm tới. Bài viết này cũng không ra khỏi thông lệ. Nhưng theo truyền thống của người viết, sẽ lại nói ngược!

Cách nay năm năm, Tháng 11 năm 2008, các thị trường chứng khoán trên thế giới theo nhau đổ dốc sau vụ khủng hoảnh tài chính tại Mỹ vào Tháng Chín. Khi ấy, Nữ hoàng Anh Elizabeth II tới khánh thành một công thự mới của trường London School of Economics nổi tiếng toàn cầu. Dự lễ khai mạc, bà ngồi nghe các giáo sư đọc diễn văn đầy chất khoa bảng uyên bác. Đến lượt mình, nhân vật cẩn trọng và khiêm tốn ấy làm đúng bổn phận, rồi chỉ nhẹ nhàng nêu câu hỏi: "Vì sao chẳng ai đoán ra chuyện này vậy?" Trong cử tọa của trường LSE, và sau này, chưa ai có thể trả lời câu hỏi thường thức của một bà già trầu văn minh!

Người viết kể lại như vậy là để xin giao hẹn trước là... có thể đoán trật.

Chuyện ấy cũng khiến ta chú ý đến sự kiện là thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đang lên tới đỉnh kỷ lục. Vậy mà kinh tế chưa hồi phục, nhiều tiểu doanh nghiệp vẫn xanh xám mặt mày, giới trẻ bị thất nghiệp và dân nghèo phải lãnh trợ cấp cũng lên tới kỷ lục khác. Người viết kể lại như vậy cũng để giao hẹn trước là sẽ còn phải giải thích dài dòng... cho đến Tết!

Bây giờ, xin nói đến chuyện xa mà gần. Xa là chuyện thương phẩm, gần là hiệu ứng của kinh tế Trung Quốc, gần với Việt Nam.

Giới kinh doanh gọi chung các loại hàng cồng kềnh mua bán toàn cầu là "thương phẩm", dịch từ commodities. Người Hà Nội đi vào kinh tế thị trường, mà theo "định hướng xã hội chủ nghĩa", thì vẫn dùng chữ lạc hậu từ khi còn đánh vần kinh tế chính trị học Mác-Lênin là "hàng hóa". Giải thích cho dễ hiểu, thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, gồm xăng, dầu, kim loại, ngũ cốc, lương thực, v.v.... Giá cả loại hàng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt kinh tế của mọi quốc gia và lợi tức của mọi người, mà việc giao dịch mua bán lại quá phức tạp nên ít ai để ý. Một thí dụ gần gũi là giá vàng thì xin để kỳ khác.

Vì khó dự đoán được chiều hướng giá cả của thương phẩm, người ta nhìn vào quá khứ và nghiệm thấy giá thương phẩm có tăng giảm theo chu kỳ kéo dài vài chục năm. Tức là những gì tưởng đúng trong năm mười năm qua có thể lại trật trong vài năm tới, nên mới đực mặt khi bị Nữ hoàng vặn hỏi.

Thị trường thương phẩm toàn cầu đang dứt một chu kỳ và đi vào khúc quanh. Một lý do chính là hiệu ứng Trung Quốc. Hãy nghĩ đến quặng sắt – và các dự án bốc bậy mà ăn ở Tây Nguyên nước ta – như một thí dụ.

Khi Trung Quốc đi vào cải cách để công nghiệp hóa và đô thị hóa một xứ sở bát ngát lạc hậu thì nhu cầu về thương phẩm như sắt, thép, xi măng và đủ loại vật liệu đã gia tăng. Họ cần xây cầu xây nhà, làm đường, nuôi heo nuôi gà lấy thịt nuôi người nay đã ra khỏi trạng thái vặt mũi bỏ mồm. Số cầu gia tăng đột ngột từ vài chục năm nay đã đẩy giá lên trời. Các nước cung cấp và doanh nghiệp phân phối hay trao đổi thương phẩm đã kiếm lời lớn và còn dự đoán là hơn một tỷ người nay đang đứng dậy thì thị trường thương phẩm sẽ chỉ lên chứ không xuống.

Nếu người dân Trung Quốc cũng đi vào thời kỳ mua nhà rồi mua xe thì đà gia tăng ấy là tất yếu.

Người ta bước vào thị trường thương phẩm với sự lạc quan của kẻ đầu cơ, trước sự cổ võ của các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc. Quả nhiên là họ lời lớn khi lãnh đạo Bắc Kinh, từ trung ương đến địa phương, cũng lao vào đầu cơ và phóng tay xây dựng.

Trừ giới kinh tế bị mang tiếng là hay đoán trật, ít ai chú ý đến sự kiện là Trung Quốc chọn chiến lược lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng. Với dân số kỷ lục là một tỷ 300 triệu người và mức đầu tư kỷ lục là phân nửa Tổng sản lượng GDP, kinh tế Trung Quốc có vóc dáng vĩ đại của lực sĩ đô vật được uống sâm và hù dọa cả thế giới.

Hai thí dụ rất gọn. Về quặng sắt, Trung Quốc ngốn mất 55% sản lượng thế giới và nhập vào đến 65% tổng số xuất cảng của thiên hạ. Về đậu nành hay các hạt làm ra dầu, Trung Quốc ăn hết 30% sản lượng toàn cầu và mua vào 65% số xuất cảng của các nước. Nói chung, từ năng lượng đến lương thực, tay lực sĩ này là đại gia mua đủ loại thương phẩm của cả thế giới nên được các thương nhân ca tụng ngất trời.

Nhưng chàng lực sĩ vai u thịt bắp với đôi tay vĩ đại như anh lính thủy Popeye trong truyện hoạt họa lại đứng trên đôi chân bằng ống sậy.

Nền kinh tế của kẻ uống sâm để đạp xe lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên dân chúng đạp xe, còn uống sâm là thẩm quyền của đảng, nhà nước và tay chân thân tộc. Chuyện bất công ấy không được thương nhân chú ý. Nhưng giới đầu tư chứng khoán thì biết tổng số nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới 134% Tổng sản lượng, so với gần 80% của một xứ tư bản giẫy chết là Hoa Kỳ.

Nói đến nợ nần, tổng số tín dụng của Trung Quốc lên tới mức báo động là gấp đôi tổng sản lượng, bên trong là sự kỳ ảo của thống kê kiểu Bắc Kinh: thực số của loại nợ xấu là một bí mật mà chính lãnh đạo cũng chẳng biết. Loại nghiệp vụ cho vay ngoại ngạch, ngoài khu vực ngân hàng và không sổ sách nên có đầy rủi ro là một nhược điểm khác. Một trái bom nổ chậm.

Còn thành tích đầu tư sản xuất làm thế giới trầm trồ là một hiện tượng đầy màu sắc Trung Hoa: huyền ảo như thành phố ma hay thương xá không người. Một khối tồn kho ế ẩm được bút ghi là sản lượng mà nằm chất đống giữa thiên nhiên. Trong khối tồn kho, có cả triệu tấn thương phẩm.

Vì vậy, giá thương phẩm tăng vọt từ 20 năm nay - mạnh nhất là trong 10 năm qua nhờ sức hút của Trung Quốc -  đã lên tới đỉnh. Khi đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ hai số bắt đầu giảm, và còn giảm, thì giá cả thương phẩm sẽ sụt. Y như lúc lên là tăng vọt thiếu sơ sở, khi sụt, giá sẽ sụt rất nhanh. Kinh tế Trung Quốc bị thương, nhiều thương nhân sẽ chết trước. Chuyện ấy đang bắt đầu....

Bài kinh tế vỡ lòng là quy luật cung cầu có chi phối giá cả. Về thương phẩm, số cung là khả năng đào đất, để trồng trọt hay khai thác hầm mỏ. Thời khoảng quyết định là từ vài năm đến chục năm. Số cầu có thể tùy vào sức hút của một xứ rất lớn như Trung Quốc, hay sức đẩy của các thương nhân buôn bán, trong mục tiêu đầu cơ để kiếm lời.

Một bài kinh tế vỡ lòng khác là con người ta là sinh vật biết suy tính, nhờ vậy mà cải tiến khả năng giải quyết bài toán kinh tế căn bản là sự khan hiếm. Từ cả ngàn năm nay, một tạ gạo hay một tấn quặng thì chẳng có gì thay đổi, trừ một việc là có giá thành rẻ hơn. Từ chuyện ngàn năm suy ra tương lai trước mắt, ai cũng có thể thấy rằng giá thương phẩm sẽ giảm.

Nhưng con người ta vốn dĩ lạc quan, một bài học kinh tế khác. Cho nên, khi thấy giá tăng vì chênh lệch cung cầu trong nhất thời - chiến tranh chẳng hạn - hoặc vì sự xuất hiện của một đại gia mới nổi, người ta lạc quan tin rằng chiều hướng ấy sẽ tiếp tục.

Kết luận ngược: người ta tin vào sức bật vĩ đại của Trung Quốc như đã tin vào trứng cút!

Thứ Sáu, tháng 11 22, 2013

Ai Giết Tổng Thống Kennedy?



Chấn Lê - Việt Báo Xuân 2013

Nửa thế kỷ sau một vụ ám sát bí hiểm nhất lịch sử Hoa Kỳ, xin hãy tìm một bóng hồng....

* Kiều nữ Marina Nikolayevna Prusakova khi chưa vào đất Mỹ.... * 


Trung Quốc có nền văn hóa lâu đời và một bộ sử vĩ đại dài hơn nửa triệu chữ, bộ "Sử Ký" của Tư Mã Thiên. Bộ sử nổi tiếng còn có giá trị văn chương và nội dung đầy tính chất xã hội về một khoảng thời gian trải dài trên 25 thế kỷ. Bộ Sử Ký có một thiên 86 làm đời sau say mê là dành cho năm tay thích khách: Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng, Nhiếp Chính và Kinh Kha.

Xuất hiện sau bộ sử chừng 1880 năm, Hoa Kỳ là một nước rất trẻ mà trong vòng 100 năm đã có bốn Tổng thống bị ám sát trong khoảng trước sau 20 vụ mưu sát. Nổi tiếng nhất là vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, vì tìm ra thích khách mà không biết hung thủ hay chủ mưu là ai. Cả trăm người đã điều tra, cả ngàn cuốn sách đã được viết mà bí mật vẫn hoàn bí mật.

Được yêu cầu mở lại hồ sơ kỳ bí này của nước Mỹ, người viết là một nhà thám tử nghiệp dư - dư thời giờ mới lo cho nghề nghiệp – đã theo chân dân Pháp mà mở cuộc điều tra. Từ câu thành ngữ của họ là "chercher la femme", người viết xin tìm đến một mỹ nhân ở trong cuộc....



Vào lúc 12:30 trưa Thứ Sáu 22 Tháng 11, 1963, Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy bị ám sát tại thành phố Dallas của tiểu bang Texas. Nội hai tiếng sau, Lee Harvey Oswald bị bắt vì là nghi can của vụ ám sát sau đó được coi là bí hiểm nhất lịch sử Hoa Kỳ. Bí hiểm vì chưa đầy hai ngày sau, sáng Chủ Nhật 24, chính Oswald lại bị người chủ một phòng trà là Jack Ruby bắn chết trên đường giải giao từ trại tù....

Nửa thế kỷ sau là năm nay, dư luận Hoa Kỳ và thế giới đều tưởng niệm vụ ám sát với bao nghi vấn về những gì đã thật sự xảy ra. Trong vòng năm chục năm, cả ngàn cuốn sách, có thể là hai ngàn, đã được viết với nhiều giả thuyết ly kỳ, hấp dẫn hoặc phi lý. Tất cả đều phù hợp với trí tưởng tượng của mọi người trong một xã hội có đầy tự do thông tin và tinh thần sáng tạo. Nhưng không mấy ai hài lòng về những giải thích đó và bí ẩn vẫn bao trùm lên một vụ án có quá nhiều nghi can và đáp số.

Trước tiên, người ta không thỏa mãn với cách giải thích của một ủy ban điều tra đặc biệt do chính Chủ tịch Tối cao Pháp viện là ông Earl Warren chỉ đạo. Được công bố năm 1964, Phúc trình Warren kết luận rằng vụ ám sát là do một mình Lee Oswald tiến hành. Giải đáp ấy khiến người ta nêu ra nhiều câu hỏi và tiếp tục điều tra, hoặc thêu dệt về lý do thật với khoảng hai chục giả thuyết và nhiều lập luận.

Ai đó đã có âm mưu tiến hành vụ ám sát rồi sau đấy còn che giấu tang chứng. Mà ai đó là ai?

Trong số hai chục giả thuyết ly kỳ nhất, hoặc còn đáng nghi hơn giải đáp của Phúc trình Warren, người ta có thể lọc ra bốn năm kịch bản khác nhau:

Thứ nhất và khá phổ biến là Kịch bản Mafia. Tổ chức Mafia của Mỹ ra tay vì em trai Kennedy là Tổng trưởng Tư pháp Robert Kennedy đã bội phản những cam kết của thân phụ là Joseph Kennedy với một tay trùm Mafia là Sam Giancana. Giả thuyết này hấp dẫn mà không giải thích được vai trò của Lee Oswald.

Kịch bản thứ hai là Tình báo Cuba ra tay vì Kennedy đã tính mưu sát Fidel Castro. Hợp lý không kém, nhưng tìm đâu ra vai trò của Jack Ruby trong âm mưu này? Giả thuyết thứ ba là chính Trung ương Tình báo CIA đã can thiệp vì Kennedy dự tính triệt thoái khỏi Việt Nam, hoặc nhượng bộ khối Cộng sản. Kịch bản này khó đứng vững gì khi ấy Chính quyền Kennedy đang có cả chục hồ sơ đối ngoại khá gay go chứ không chỉ riêng có cục diện Việt Nam.

Nó cũng phi lý như giả thuyết Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà có nhúng tay vào vụ ám sát! Lý do là Chính quyền đó đã tiêu vong và Tổng  thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ là Ngô Đình Nhu bị sát hại trước đấy đúng ba tuần. Nhóm CIA nào đã vừa hạ sát hai ông Diệm Nhu lại vừa cộng tác với chính quyền của hai ông để hạ sát Kennedy sau đó ba tuần?

Giả thuyết thứ năm là một nhóm Cuba lưu vong đã ám sát vì Kennedy thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh Con Heo và vì sau vụ khủng hoảng về hỏa tiễn của Liên Xô thiết trí tại Cuba, Tổng thống Mỹ lại cam kết với Nikita Krushchev là sẽ không lật đổ Castro. Giả thuyết này vẫn kẹt vì câu hỏi "nhân vật Oswald làm gì ở trong đó?"

Ly kỳ hơn cả là giả thuyết thuộc loại hổ lốn hỗn hợp. Ngần ấy nhóm người có thể đã vì từng lý do riêng mà tiến hành chung một việc là ám sát Tổng thống Mỹ và để lại quá nhiều dấu vết làm mọi người đều rối bù mà không tìm ra sự thật. Tên tuổi những người hay tổ chức liên hệ đến vụ này có thể mà một chuỗi hỏa mù: Phó Tổng thống Lyndon Johnson, Giám đốc FBI là J. Edgar Hoover, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Earl Warren, Sở Bảo vệ Yếu nhân (Secret Service), tài phiệt cực hữu tại Texas, Fidel Castro, Trùm Mafia Sam Giancana, Fidej Castro, Nikita Kruschchev hay Chính quyền Sàigon và cả tổ chức ma túy của... Pháp.

Đây có thể là đề tài của một cuốn truyện trinh thám chính trị, mà chẳng giải thích nổi sự hợp tác của quá nhiều người với chủ trương đối nghịch, thậm chí thù nghịch - và còn triệt để nghi ngờ nhau. Làm sao thực hiện mà không bị tiết lộ trước hay sau khi hoàn thành công tác?

Việc ai đó đã tung ra tờ truyền đơn như một Lệnh Truy Nã Kennedy vì tội phản quốc chỉ một ngày trước vụ ám sát có thể là một đòn hỏa mù, nhưng là của ai và có liên hệ gì đến vụ ám sát hay chăng?


Truyền đơn kết án Tổng thống Kennedy về bảy tội phản quốc (thực tế là đầu hàng cộng sản), được tung ra ngày 21 Tháng 11, 1963, chỉ một ngày trước khi Kenneday bị ám sát. 


Ngần ấy suy luận chỉ có giá trị khả tín là nếu không liên quan gì tới Lee Oswald, hoặc nếu nhân vật này chỉ là thứ mồi giả được gài vào để đánh lừa. Nghĩa là Lee Oswald là nạn nhân vô tội, hoặc là con chốt được kẻ chủ mưu hóa trang và đẩy vào cuộc để làm hung thủ giả, trong khi hung thủ thật có cơ hội ra tay....

Ngẫm lại thì sở dĩ những giả thuyết ấy vẫn cứ được lưu truyền chỉ vì cách giải thích quá đơn giản của Phúc trình Warren, rằng Lee Oswald là thích khách, và một mình thực hiện việc đó. Sau khi mở cuộc điều tra không công và không lương, người viết bài này thấy ra nhiều nghi vấn về giả thuyết của Ủy ban Warren. Xin chỉ gom vào ba bốn điểm đáng ngờ sau đây.

Đầu tiên, vào thời điểm sinh tử ấy ở thành phố Dallas, Lee Harvey Oswald có giây phút "lý tưởng" để bóp cò là khi đoàn xe của Tổng thống Kennedy đi qua nơi y đang làm việc và ẩn náu tại lầu sáu, là toà nhà Texas Schoolbook Depository. Vì sao y đợi cho tới khi đoàn xe quẹo trái và bị một tàng cây che khuất thì mới ra tay?

Nếu là một sát thủ độc hành thì chẳng ai bỏ lỡ cơ hội như vậy!

Phi lý thứ hai là khẩu súng trường Carcano của Ý - mà Ủy ban Warren cho là Oswald đã sử dụng - không thể nhả ra ba viên đạn trong có vài giây. Và theo lằn đạn thì Tổng thống Kennedy và Thống đốc Texas khi đó là John Conolly không thể bị cùng một viên đạn. Nghĩa là Lee Oswald có thể đã bấm cò, nhưng không là người duy nhất - và chưa chắc đã là thủ phạm thật.

Sau cùng, bảo rằng Jack Ruby giận dữ về vụ Kennedy bị Oswald ám sát mà lẻn vào ty cảnh sát để giết hung thủ thì người ta nói chuyện viễn mơ. Jack Ruby có thể là tay anh chị với đủ loại tiền án nhưng không là kẻ lãng mạn đa cảm mà cầm súng thi hành công lý trong một phút bốc đồng.

Những chi tiết trên khiến cho, trong một cuộc khảo sát của đài Fox News vào năm 2004, gần hai phần ba dân Mỹ (66%) cho rằng Kennedy bị ám sát vì âm mưu mờ ám, chứ không vì Lee Oswald. Và gần ba phần tư dân Mỹ (74%) cho rằng sự thật đã bị che giấu sau đó.

Bây giờ đến lượt kẻ hèn này nhập cuộc mà đi tìm mỹ nhân được lọt sổ Thiên Tào....


*
* *


Trong lúc ráo riết điều tra, người ta đã vội quên nàng Marina Oswald, cô vợ của nghi can Lee Oswald.

Khi thảm kịch xảy ra, dư luận chỉ chú ý và sau này còn nhớ đến người vợ trẻ của một nhân vật mờ ám. Nàng run rẩy bàng hoàng vì biến cố quá lớn lao và ấp úng trả lời nhân viên điều tra của Quốc hội với dáng vẻ của con chim bị đạn với những chi tiết buộc tội rất rõ. Sau đó, nàng được lãng quên, hai năm sau thì ăn tô tái giá, sống đời hiền lành với người chồng mới, cho đến ngày nay - và nói rằng Lee Oswald vô tội....

Khi kiểm điểm lại nội vụ thì chúng ta thấy ra cái gì đó không ổn

Sinh năm 1941, Marina Oswald có tên thật là Marina Nikolayevna Prusakova là người Nga, gặp Lee Oswald tại thành phố Minsk, thủ đô của xứ Belarus trong Liên Bang Xô Viết vào tuổi 19. Thuộc gia đình liệt sĩ có người cha chết trận, Marina về sống với bố dượng rồi với người bác là Đại tá Prusakov của sở An ninh MDV trong Bộ Nội Vụ. Được đào tạo làm dược sĩ, gia nhập đoàn Thanh niên Cộng sản, Marina là thiếu nữ có sắc đẹp, sống trong khu gia cư bề thế của một Đại tá An ninh. Vậy mà vẫn được gặp môt tên lính Thủy quân Lục chiến Mỹ có tiền án và vừa đào thoát qua Liên Xô năm 1959, là Lee Oswald.

Người đẹp biết quá nhiều Marina Prusakova, khi đã là bà Lee Oswald


Theo báo cáo của Ủy ban Warren, trong năm 1961, Oswald đã nhiều lần đến tận nhà của Marina, bên trong có một Đại tá An ninh, vốn không hài lòng về việc giao du đó, chi tiết rất đáng chú ý.

Vậy mà chỉ một tháng sau khi gặp nhau, trong đó có hai tuần mắc bệnh nằm nhà thương, Oswald đã ngỏ lời xin cưới dù chỉ làm trong nhà máy, có tương lai mờ mịt, quá khứ là một tên lính đánh thuê của Mỹ đế và nhân dạng thì cũng chẳng là loại bảnh trai phong nhã như Robert Taylor. Nàng điên sao?

Và ông bác Đại tá An ninh bị mù hay sao mà lại thiếu cảnh giác như vậy?

Đáng chú ý hơn thế, vì quy chế nước ngoài của Oswald, hôn nhân và hộ khẩu phải được công an cho phép. Ít ra cũng phải có sự đồng ý của ông bác trong Bộ Nội Vụ. Và hồ sơ phải được đưa về tận Moscow. Vậy mà chỉ 10 ngày sau là đôi uyên ương trái mùa này lại được phép xây tổ ấm. Theo "thủ tục khẩn cấp" chăng?

Chưa hết, chỉ một tháng sau hôn lễ, Oswald bỗng nhớ nhà và đòi dời tổ ấm về Mỹ!

Chuyện trở thành ly kỳ vì một kẻ có tiền án lại đào thoát qua đất địch - Chiến Tranh Lạnh thời ấy còn nóng lắm – và nay thì xin trở về, mà vẫn được sứ quán Hoa Kỳ cho phép! Khá nhanh! Chiêu hồi ư? Ly kỳ hơn nữa là sáu tuần sau khi nộp đơn, cả Marina cũng được phép theo chồng về Mỹ.... Chuyện Giang Tả Cầu Hôn chăng?

Dù sao mặc lòng, ngày Giáng Sinh năm 1961, hai vợ chồng có đầy đủ hộ chiếu lẫn chiếu khán để rời Nga về Mỹ làm lại cuộc đời.... Và hai năm sau, họ đi vào lịch sử bằng cánh cửa sau, tại Dallas.


*
* *


  Nữ diễn viên Helena Bonham Carter trong vai Marina Oswald trên phim truyền hình


Bây giờ mình hãy cột lại câu chuyện cho chặt như một đòn bánh tét ngày Xuân nhá. Những chi tiết này đều nằm trong phúc trình Warren mà người viết chỉ xin tóm lại cho gọn, giấy mực vốn không rẻ...

Ngày xửa ngày xưa, một thiếu nữ kiều diễm có lý lịch trong sáng của một chế độ đa nghi bỗng phải lòng một kẻ khả nghi từ đất địch bò sang. Liên Xô nào phải là hết người! Phải lòng trong bốn tuần chớp nhoáng, kể cả hai tuần thăm nuôi chàng trong nhà thương, cô cháu gái của một Đại tá An ninh nhận lời xin cưới dù ông bác có vẻ không vui. Rồi được phép sau có 10 ngày mà chẳng qua thủ tục điều tra điều mẹ gì về an ninh.

Cần gì điều tra khi đã có an ninh ở ngay trong nhà?

Một tháng sau khi lấy được cô vợ quý, Oswald lại đòi hồi hương và hai vợ chồng được đôi bên cho phép, Mỹ Nga gì cũng đề huề để mấy tuần sau vợ chồng Oswald đã có mặt tại Hoa Kỳ. Nghĩa là làm sao? Nghĩa là Chính quyền Liên Xô muốn tác thành cho đôi trẻ và muốn họ sớm vào Mỹ.

Được đào tạo theo đúng chính quy nền nếp của một gia đình cách mạng, Marina cũng chẳng dễ gì bước qua ngần ấy chông gai nếu không được ai dẫn dắt. Suy đoán của kẻ hèn này là nàng không chỉ là một dược sĩ dựa hơi ông bác làm Đại tá An ninh. Nàng được qua lò đào tạo của Mật vụ KGB. Nếu không, thì phải là nữ kịch sĩ đại tài để làm mọi người kết luận rằng nàng là nhân viên KGB có nhiệm vụ kết nạp Lee Oswald. Nhưng để làm gì trên đất Mỹ? Và làm cho ai?

Nửa thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa có giải đáp. Kể cả một câu chình ình là tại sao Toà Đại sứ Hoa Kỳ lại cho nàng Marina vào Mỹ? Những bí ẩn đó mới khiến mọi người vẫn còn bán tín bán nghi. Nhưng có một sự thật khó chối cãi là nếu như Ủy ban Warren nói đúng, rằng Lee Oswald là hung thủ kiêm chính phạm duy nhất, thì người ta đã cố tình bỏ quên vai trò của Marina Prusakova.                   

Quả nhiên là sau đó nàng được lãng quên, sang ngang bước nữa và trở thành một thiếu phụ Mỹ hiền thục sau khi được vào quốc tịch năm 1989. Và nói lại rằng Lee Oswald vô tội.


*
* *

Beata Posniak và Gary Oldman trong vai Marina và Lee Oswald trong cuốn phim JFK nổi tiếng của đạo diễn Oliver Stone


Không ai hài lòng với cách giải thích chính thức của Ủy ban Warren, nhưng nếu muốn đưa nàng Marina Prusakova ra khỏi nghi án Kennedy thì mình phải đồng ý với ba chuyện.

Thứ nhất, thiếu nữ khả ái Marina đã chỉ vì một bước khiêu vũ với Lee Oswald mà nhất quyết chối bỏ quê hương, tổ quốc, giai cấp và đảng thì đây là một truyện tình chỉ có trong cổ tích. Thứ hai, nàng có thể bị tiếng sét của ái tình, chứ bộ máy an ninh và mật vụ tại Liên Xô cũng có thể bị biến chất hay loạn thị nên mới dễ dàng cho cháu gái một Đại tá An ninh đang sống với ông bác lại được làm hôn thú và đổi hộ khẩu trong có 10 ngày. Thứ ba là mối tình cổ tích ấy cũng làm Đại sứ quán Hoa Kỳ mủi lòng, nên họ nhanh nhẩu cấp giấy thông hành cho Marina vào Mỹ. Trong có sáu tuần thì đấy là một kỷ lục về thủ tục di trú!...

Trong nửa thế kỷ, người ta cứ đồn đoán rằng Oswald đào thoát qua Mỹ rồi lại trở về dễ dàng là vì từ đầu đến cuối y là nhân viên của cơ quan CIA. Có thể lắm, nhưng để làm gì? Để kết nạp bông hoa Marina? Khi quá chú ý đến bàn tay nhám của CIA trong một vụ kỳ án chưa có đáp số, người ta quên mất bóng hồng Marina và cuộc tình chớp nhoáng của nàng. Phúc trình Warren không thỏa mãn nhiều người chỉ vì đã quên mất giai nhân trong cuộc và cơ quan KGB ở đằng sau.

Lee Oswald chỉ là con rối trong một âm mưu rộng lớn hơn? Có thể lắm, nhưng ai là kẻ giật dây con rối Marina? Nhiều tác giả sau này đã dựng phim về vụ án Kennedy, với nàng Marina thấp thoáng ở hậu trường. Như phim "JFK" của Oliver Stone, có nàng Beata Pozniak thủ vai Marina, hoặc loạt phim truyền hình "Fatal Deception: Mrs. Lee Harvey Oswald", với Helena Bonham Carter là nàng Marina.

Họ chỉ bắt được bóng giai nhân mà chưa tìm ra ác quỷ....


___________________

Bài viết trên Việt Báo Xuân Quý Tỵ xuất bản đầu năm 2013, xin đăng lại theo thời sự ngày nay.

Vô Tình Chiết Liễu


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 131122

Khi Bà Mỹ Bóp Cò Thì Ngân Hàng Trung Quốc Sụp Đổ 

 * Thống đốc Ben Bernanke và người sẽ kế nhiệm, bà Janet Hellen *



Hôm Thứ Năm 14, bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đấy là thủ tục thông thường để Quốc hội biểu quyết và phê chuẩn đề nghị của Tổng thống là bổ nhiệm bà Yellen vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, nôm na là làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, kể từ đầu năm tới.


Đang ngồi ghế Phó Thống đốc bên Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm, Janet Yellen là kinh tế gia nổi tiếng, có ông chồng George Akerlof cũng là giáo sư kinh tế, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của nước Mỹ.  Chuyện ấy đã hấp dẫn.

Hấp dẫn hơn vậy, giới nghiên cứu về đầu tư theo dõi rất sát cuộc điều trần, để từ chủ trương đường lối của bà Yellen mà dự đoán quyết định sắp tới của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nhưng tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, lãnh đạo kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc cũng chú ý tới chuyện này. Vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể vô tình làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh và gây ra một vụ suy thoái kinh tế, tức là một vụ khủng hoảng chính trị.

Đó là chuyện vô tình chiết liễu... liễu tan hoang.

Chúng ta phải đi từ đầu câu chuyện kinh tế mang ý nghĩa như một.... câu phú tử vi: "cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc!..."


***


Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng "Chính sách ZIRP" - là lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ gọi là "quantitative easing" (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la.

Nói cho dễ hiểu là làm cho kinh tế có tiền nhiều và rẻ hơn, với hy vọng giảm bớt và thu hồi lại nếu kinh tế phục hoạt, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng...

Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Ben Bernanke thông báo là nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn, Ngân hành Trung ương có thể "vuốt lại chính sách tiền tệ" – "tapering" - kể từ Tháng Chín. Nôm na là giảm bớt lượng tiền bơm ra hàng tháng và còn hút về lượng tiền đang lưu hành. Kết quả là tiền sẽ hiếm hơn nên lãi suất có thể tăng.

Chúng ta đụng vào một nghịch lý là tin mừng về kinh tế (chỉ dấu phục hoạt), lại dẫn tới tin buồn về tài chánh (làm tăng lãi suất ngân hàng và phân lời trái phiếu), khiến trị trường chứng khoán sụt giá mạnh. Và cả thế giới bị chấn động, vì sau nhiều năm tiền nhiều và rẻ khiến Mỹ kim sụt giá thì người ta đi vào một chu kỳ mới, là hối suất Mỹ kim sẽ tăng cùng lãi suất tại Hoa Kỳ. May là tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan, biện pháp thu hồi tiền tệ chưa được áp dụng.

Đấy là lúc giới đầu tư chú ý đến người sẽ lên thay ông Bernanke làm Thống đốc vào năm tới....
Mà chuyện ấy liên quan gì tới Trung Quốc?

Thưa rằng vì trái đất hình tròn và đồng tiền biết lăn.


***


Đồng tiền mà nằm bên Mỹ thì ăn lời rất ít vì lãi suất quá thấp. Người khôn ngoan bèn vay tiền rất rẻ bên Mỹ để kiếm lời ở nơi cao giá nhờ có lãi suất cao hơn. Khôn nhất là các đấng con trời tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, v.v....

Họ vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là "Nhân dân tệ", Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Thuật ngữ kinh tế gọi phép kinh doanh đó là "carry trade", nếu dịch là "giao dịch lợi sai" hay "dung tư xáo lợi" thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn!

Mà không chỉ có vậy.

Năm 2008, khi Hoa Kỳ cắt lãi suất thì cũng là lúc Trung Quốc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế vì tình trạng co cụm của thị trường xuất cảng cả Âu lẫn Mỹ. Lãnh đạo xứ này bơm qua hai ngả là tín dụng và công chi. Vì đặc tính xã hội chủ nghĩa của xứ này là khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tín dụng từ hệ thống ngân hàng của nhà nước ưu tiên rót vào doanh nghiệp cũng của nhà nước, hay các công ty đầu tư địa phương do các cấp chính quyền địa phương lập ra.

Khối tín dụng tăng vọt từ những năm 2009 tạo ra phép ảo là kinh tế tăng trưởng mạnh khi toàn cầu đang bị suy trầm. Cái phép ảo còn kinh hại hơn vậy là nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường gia cư địa ốc. Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Và nhà nước phân quyền cho các địa phương tha hồ giành giật chia chác, vì đem lại 40% thu nhập ngân sách địa phương. Do đó, các ngân hàng của nhà nước, doanh nghiệp của nhà nước, cùng các đảng bộ ở địa phương thi nhau thổi bóng và tay chân cùng thân nhân của đảng viên cán bộ đều trở thành đại gia trong nền kinh tế ảo diệu này.

Đó là chuyện "cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc"....

Khi núi nợ đã lên quá cao, lãnh đạo Bắc Kinh muốn kiểm soát hệ thống ngân hàng thì lại gặp một quy luật kinh tế khác, là "bít lỗ hà ra lỗ hổng".

Đó là sự xuất hiện của các hình thức tín dụng ảo, là nghiệp vụ "shadow banking", những hình thức đầu tư và cho vay mờ ám, thiếu sổ sách phân minh mà thừa rủi ro. Núi nợ tín dụng của Trung Quốc nay đã cao gấp đôi Tổng sản lượng nội địa và phân nửa là loại "ảo ảnh" sẽ bốc thành khói. Bên trong là những khoản tiền cho vay bằng kỹ thuật "carry trade", vay tiền Mỹ với giá rẻ để tài trợ bằng loại tiền âm phủ là đồng Nguyên. Gọi là tiền âm phủ vì có giá trị của vàng mã.

Đấy là lúc ta trở về với vụ chiết liễu, chứ không phải tiếp liễu, của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.


***


Trong quá khứ, nhiều nước Đông Á cũng đã khôn ngoan như vậy là vay tiền rẻ của Mỹ theo loại tín dụng ngắn hạn để tài trợ các nghiệp vụ làm ăn, nhiều khi là dài hạn.

Khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất là nhà nhà đều lật đật rút tiền về Mỹ. Các giới đầu tư quốc tế bèn chạy theo. Nạn "tư bản tháo chạy" như thủy triều rút đã gây ra vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á vào năm 1997, dẫn tới suy thoái kinh tế 1998, và khủng hoảng ở nhiều nơi khác, kể cả Liên bang Nga.

Nhưng chính là vụ khủng hoảng khiến các nước Đông Á phải cải cách. Bị trước tiên mà sợ liều thuốc đắng, Thái Lan trì hoãn cải cách đến hơn chục năm mới thấy khá. Nam Hàn thì nuốt liều thuốc đắng và tháo gỡ vai trò của các tập đoàn "chaebol" – nguyên nghĩa là "tài phiệt" – nên sau khi chìm rất sâu thì đã bật lên rất mạnh.

Khi biến cố này bùng nổ vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Bắc Kinh còn đang hồ hởi với vụ Hương Cảng hồi quy cố quốc trước đó một ngày. Mà thời đó, kinh tế Trung Quốc chưa hội nhập vào thế giới hình tròn của "toàn cầu hóa", của nền kinh tế "nhất thể hóa". Ngày nay thì đã khác xưa.

Luồng tư bản nóng đã như thủy triều chảy vào Trung Quốc và nhờ định hướng của nhà nước với màu sắc Trung Hoa, đã dẫn đến nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Ngân hàng Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, ta sẽ thấy thủy triều rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là các ngân hàng vỡ nợ dây chuyền, và sau cùng là nạn suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến một sự lạ.

Đó là Hoa Kỳ bóp cò bên này, bên kia đại dương là hàng loạt bóng bể và ngân hàng phơi thây.

Hoa Kỳ không là thủ phạm, nhưng dân Trung Quốc vẫn là nạn nhân, chỉ vì lãnh đạo kiêu căng và tay chân thì tham lam tưởng bở. Phải chăng, "tham sân si" cũng là một quy luật kinh tế?