Thứ Tư, tháng 12 30, 2015

Hung Hối Lẫn

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 151229
Vùng Oanh Kích Tự Do

Xủ Quẻ Đầu Năm Bỗng Bật Cười 

blank
* Hình ảnh minh diễn của Sống *

Với nhiều người Việt - ở trong và ngoài nước - Hoa Kỳ là… Thiên Mệnh. Như Nam Tào Bắc Đẩu trên cõi mù u bí hiểm nào đó, nước Mỹ đã tính trước mọi chuyện. Ta cứ khôn ngoan theo Mỹ mà làm là chắc ăn hơn bắp! Khốn nỗi, Thiên Mệnh ở xa chứ sai nha của Thiên Tử mới ở gần, mà Thiên Tử mưu thần chước quỷ nên An Nam ta coi bộ khó an! Tình sao bây giờ, hở Trời?

Nhìn lên, thấy ông Trời hở rốn tựa Phỗng đá, ta bèn gieo một quẻ đầu năm. Và… diện kiến mẫu thân, nôm na là thấy mẹ! Cứ quẻ này thì Thiên Tử gặp hung, Thiên Mệnh bị hối, nên An Nam Ta mới lẫn. Ba điều cực xấu, thầy bà nào cũng bảo vậy. Bây giờ hãy luận về "thể" và "dụng" của quẻ bói nhé?

Trên thiên đình Bắc Kinh, Thiên Tử con trời họ Tập thì đang tập tầm vông, tay không tay có. 

Việc chuyển hóa kinh tế không thể tiến hành mau lẹ nên họ Tập vừa đi vừa ngước nhìn. Bên dưới, các tỉnh miền Đông đang không thành có, cố ăn theo thế giới bên ngoài nên có đôi phần thịnh vượng. Các tỉnh miền Tây miền Bắc lại khắc khoải với thị trường gia cư suy sụp và công nghiệp nặng dập dình đình trệ. Giữa Đông-Tây hai ngả, thiên đình phải kiểm soát được bọn Thiên lôi quốc doanh để chúng khỏi phá nát sự nghiệp của thiên đình. 

Việc biến pháp của Tập Cận Bình coi như dậm chân tại chỗ. Công trình thanh lọc bọn sai nha sẽ tiếp tục cho tới Đại hội Khóa 19, vào cuối năm Đinh Dậu 2017. Nhiều kẻ tham nhũng và bé phái sẽ rơi đầu, các Thái thượng hoàng bị giam lỏng, ngoại bất nhập nội bất xuất.

Nhìn ra ngoài, Thiên đình cố hoàn tất việc cải cách binh bị cho gọn nhẹ tinh tường hơn và sẽ lại bành trướng nếu không gặp trở lực. Càng bế tắc bên trong thì chất hung đồ của các Thiên tướng càng quậy sóng bên ngoài. Một năm Thân cực hung, sau đó mới chết bạo.

Còn Thiên Mệnh Hoa Kỳ? 

Lãnh đạo Hoa Kỳ mừng là Á Châu chưa loạn như Âu Châu hay Trung Đông. Dù Thiên Tử tại Bắc Kinh có manh nha vọng động thì cũng chửa bằng Hung thần Vladimir Putin. Vả lại, các Thiên tướng chưa thể bén tới gót giầy của Mỹ được. So với Putin đã ra quân mấy nẻo thì họ Tập mới chỉ xẻo vài ba quần đảo nhỏ nhít của ai đó, chẳng đáng ngại cho Hoa Kỳ.

Lý do thứ hai là xưa nay Thiên Mệnh chỉ chuyển khi gặp khủng hoảng, không dại gì lo trước!

Năm xưa, ai chẳng thấy Đức quốc xã chơi bạo tại Âu Châu và chánh sách phong tỏa Phát xít Nhật của Franklin Roosevet thể nào cũng khiến Thiên hoàng nổi hung, mà Mỹ vẫn ung dung, bình chân như vại suốt hai năm đầu của Thế chiến II (1939-1941). Cho tới khi Trân Châu Cảng bị dập thì mới nhập trận, vào cuối năm 1941! Đó là chuyện năm xưa, năm chưa xa tức là gần hơn thì cũng rứa.

Khủng bố Al-Qaeda xuất hiện từ cuối năm 1989, ra tay nhiều lần mà Mỹ vẫn lần khân cho tới khi bị thấu phổi vì vụ 9-11 vào năm 2001 mới ào ạt ra quân đánh nhầu. Bảy năm của Barack Obama là bảy năm tháo chạy, nhưng Châu Á vẫn tựa như hai kinh vững vàng, ta chàng màng vô đó làm chi?

Huống hồ, nếu so với chuyện Trung Đông thì cục diện Châu Á lại quá phức tạp cho lãnh đạo của nước Mỹ.

Các nước Á Châu lệ thuộc vào năng lượng Trung Đông nhiều hơn nước Mỹ và lệ thuộc vào xuất cảng cho Mỹ nhiều hơn các nước Âu Châu. Khối Á Châu vốn rất ô hợp, lại có Tầu, Ấn, Pakistan và Đông Nam Á mới lãnh mối họa Thánh Chiến còn nguy hơn Hoa Kỳ. Bên trong, Châu Á đang há mồm vì tham vọng của Thiên Triều và phản ứng quật khởi của Nhật Bản. Mà các nước vẫn muốn ngon ăn vì làm ăn với Chệt. Vì vậy, đối sách của từng khối Á Châu mới đầy mâu thuẫn. 

Trong khung cảnh rắc rối như vậy, làm sao lãnh đạo nước Mỹ, của cả hai đảng và trong một năm tranh cử tổng thống, có thể giải thích cho thần dân hiểu quyền lợi của Hoa Kỳ tại Châu Á là gì? Chưa thể giải thích thì ta cứ thả nổi! Kệ cha Châu Á. 

Sẽ hối là như vậy!

Khách ngồi bên còn tơ tưởng khung trời Pomona và buổi rong chơi ngoài bãi biển bỗng giật nẩy mình. “Hình như là vậy! Cái quẻ này của nhà bác đã có cả hung lẫn hối. Thế còn lẫn là gì?”

Lẫn là đảng ta. 

Tựa lưng Thiên Triều để giữ đảng và tựa lưng Thiên Mệnh để giữ tiền, An Nam Cộng Sản đảng có thể bình chân bắt cá hai tay, và tin chắc vào ba góc chành bành của thiên thời địa lợi nhân hòa. 

Mỹ không kiếm chuyện với Tầu, cũng chẳng đòi thay đổi chế độ ở Hà Nội, còn gây áp lực cho cái cộng đồng gốc Mít ở nơi đây bớt gây hấn với chế độ. Và năm năm tháng tháng em ngồi quay tơ: gửi tiền về nhà cho đảng ta rủng rỉnh gửi ra đầu tư vào nước Mỹ để có bãi đáp nhung gấm! 

Khách buông lời Đê Mê rất tục và thở dài bất tận như một ngày thiếu cơm rượu. “Cái thế phân công lao động tuyệt vời giữa ma và quỷ!”

Nhưng. Dân đen ở dưới có chịu như vậy không? Nhà nhà đều thấy mọi sự bế tắc. Tầu lạ và Khách quen cứ quen thói hành hung. Họ bung vào khắp chốn với những dự án làm thịt cả nước, Khi đảng chân trước chân sau bỏ chạy thì còn gì là cái nước khô như xác chết mà người ta gọi là Việt Nam?

Thưa rằng, Việt Nam chẳng phải là An Nam và nội năm nay thôi, tình hình bỗng đổi khác, từ dưới lên. Những ai chịu khó theo dõi thời cuộc thì đã thấy ầm ì chuyển động ra khỏi tình trạng “mật vân bất vũ”. Mây đen kết tụ đầy trời mà chẳng có mưa. Vì còn chờ tiếng sét! Cũng tự nhiên thôi….

Đấy mới là cách người ta gọi là Tân Xuân Đại Cát

Thứ Ba, tháng 12 29, 2015

Quân Khủng Bố Yêu Nước



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày  151223
 

Máu đầu sông thẫm tóc người cuối sông


* Cần sổ hộ khẩu chăng? *


Từ ngàn xưa, con người tụ tập và sinh hoạt ở quanh nguồn nước ngọt, nhiều nền văn minh được thành hình là trên lưu vực của các dòng sông. Sông Hồng sông Cả và Cửu Long của ta hay Hoàng Hà, Dương Tử, Châu Giang của Tầu, sông Nile của Ai Cập hay Lưỡng hà Tigris và Eurphrate của Iraq, v.v… là những thí dụ. Cũng vì vậy mà trong sự thành hình của các quốc gia (một khái niệm thật ra còn mới tại Âu Châu) đã có bao cuộc giao tranh cục bộ giữa các thị tộc hay lực lượng địa phương để chiếm được nguồn nước. Thế kỷ 21 tái diễn chuyện xưa, với lực lượng “yêu nước” là “Nhà nước Hồi giáo” Daesh, IS, ISIS hay ISIL….


Khác với lực lượng Al-Qaeda đang quảng bá tư tưởng Thánh Chiến bằng hành động khủng bố, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo (Daesh theo tiếng Á Rập) muốn tái lập một Đế chế Hồi giáo Caliphate, có lãnh thổ và cư dân dưới sự lãnh đạo của một trưởng giáo kiêm quốc trưởng, một Caliph tự coi như bậc truyền thừa của đấng Tiên tri Muhammad.

Xuất phát từ một số nhân sự của Al-Qaeda tại Iraq, giới lãnh đạo ISIL đã ly khai, nhiều khi còn tấn công các nhóm Al-Qaeda tự phát, để chiếm một khu vực của Syria làm hậu cứ. Từ đó, ISIL gây dựng được một số phương tiện kinh tế và bành trướng rất mạnh ra nơi khác, chủ yếu vẫn là một vùng rộng lớn vắt ngang Syria và Iraq. Phải gần hai năm sau, các cường quốc chống ISIL mới thấy ra yếu tố kinh tế trong sức mạnh của tổ chức này, là dầu khí, nên mở chiến dịch oanh kích xe chở dầu trong mạng lưới bán dầu, kể cả bán lậu, của ISIL.

Chiến dịch này tốn kém và ngu dại.

Nó tái diễn sai lầm của Hoa Kỳ năm xưa khi tấn công “Đường mòn Hồ Chí Minh” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tốn kém vì cần nhiều phi vụ và võ khí đắt tiền mới bắn được một đoàn xe chở dầu. Ngu dại vì “thể thức giao tranh” đòi hỏi là oanh kích mà tránh bắn vào thường dân nên nhiều phi vụ trở thành phi ký: trở về tay không, với đạn dược nguyên vẹn vì sợ bắn vào dân. Để cải tiến, Hoa Kỳ tìm ra giải pháp “báo trước”: tung truyền đơn tiên báo mọi người ở dưới rồi mới nã đạn vào các đoàn xe chở dầu. Nhờ vậy, đặc công ISIL biết trước mà tránh tổn thất!

Trong khi ấy, người ta quên rằng trong cuộc chiến, ngoài dầu khí còn có nước ngọt: lực lượng ISIL dùng nước như một võ khí! Họ kiểm soát giếng nước như giếng dầu để kiểm soát cuộc sống người dân trong lãnh thổ của Đế chế Hồi giáo…

***


Trong vụ khủng hoảng kéo dài của nền văn minh Hồi giáo ngày nay, nhiều thế lực cát cứ tại Trung Đông cũng kiểm soát nguồn nước, và y như Trung Quốc tại đầu nguồn của Việt Nam, họ còn muốn “cải tạo thiên nhiên” là điều hướng nguồn nước về phía ta cho phe địch chết cạn và chết đói. Việc điều hướng hay vét nước ấy có khi là mục tiêu chiến thuật ngắn hạn, hay chiến lược dài hạn.

Chuyện “Thất thủ Hạ Bì” thời Tam Quốc hay Cạn Dòng Cửu Long thời hiện đại là thí dụ gần gũi….

Ngược với nhận thức của nhiều người, dù lực lượng ISIL có hành động cuồng sát của kẻ điên, lãnh đạo lại là người lạnh lùng tính toán. Người ta chỉ thấy ISIL có nhắm vào các giếng dầu thô và khí đốt sau khi chiếm đóng khu vực miền Đông của Syria mà ít chú ý đến viễn kiến của họ.

ISIL biết dùng thủy lợi làm thủy chiến trên sa mạc!

Trong sự rối loạn của bạo quyền Bashar al-Assad tại Syria từ năm 2011, nhiều nhóm võ trang đã nổi lên chống chế độ cầm quyền ở thủ đô Damascus. Riêng ISIL thì có mục tiêu dài hạn hơn: chọn vùng đất loạn đó làm hậu cứ xây dựng Đế chế Hồi giáo và từ 2012 đã thực hiện chiến lược với việc chiếm đóng khu vực Aleppo ở phía Tây-Bắc Syria làm bàn đạp. Họ thuộc lịch sử và không quên kỳ công và giáo dụ của đấng Tiên Tri Muhammad: tiến về vùng Lưỡng hà Tigris và Eurphrate trên lãnh thổ Iraq ngày nay.

Trên đường tiến, ISIL lần lượt kiểm soát được các thị trấn Maskana, Raqqa (đại bản doanh ngày nay), Deil el-Zour rồi al-Bukamal, những trung tâm sinh hoạt trên lưu vực của dòng Eurphrate. Qua lãnh thổ Iraq, ISIL cũng có chiến lược tương tự: chiếm sông hồ và nguồn nước là các thị trấn Qaim, Rawah, Ramadi và Fallujah để làm chủ hai mặt hồ lớn là Hathida và Thartar. Song song, họ nhắm vào Mosul và Tikrit, hai cứ điểm chiến lược vì nằm trên lưu vực của dòng Tigris.

Mục tiêu sau cùng là Baghdad, kinh đô tương lai của Đế chế Hồi giáo, nằm bên dòng Tigris mà cũng là trung tâm của thung lũng Lưỡng hà: sông tức là nước, nước là quốc gia. ISIL không chỉ có người điên ở dưới, ở vòng ngoài. Vì vậy, từ Tây sang Đông, đường tiến quân của họ  cũng là đường chảy của các dòng sông lớn.

Từ tấm bản đồ mà nhìn lại cuốn lịch thì trong lịch sử Trung Đông, việc tranh đoạt Lưỡng hà là nguồn gốc xung đột giữa bốn cường quốc là Turkey, Syria, Iraq và cả Iran. Họ không thể điều phối và hợp tác để giải quyết việc chia chác nguồn nước nên kẻ ở đầu nguồn có thể gieo họa cho người cuối sông. Lại chuyện Mekong nữa!

Với ISIL cũng vậy, nước là mục tiêu và phương tiện vì nước là võ khí. Họ phá vỡ hạ tầng cung cấp nước - từ tháp nước đến nhà máy lọc, cầu, kinh - để vét dân về những nơi có nước mà họ đã chiếm đóng. Họ gây ô nhiễm ở đầu nguồn để phá hoại kinh tế ở cuối nguồn. Lối tính toán ác ôn đó mới giải thích hơn ba chục đợt tấn công từ 2013: nhằm tiêu hủy hạ tầng thủy lợi của Syria và Iraq. Họ đòi trấn nước từng làng, đầu độc cả một dòng sông, khóa đập tại Fallujah và Ramadi, chặn nước cho Mosul chết cạn trước khi khai pháo…. Kẻ thù phải tiêu diệt bằng nước là chế độ al-Assad lẫn các lực lượng võ trang chống al-Assad do Tây phương yểm trợ. Đối tượng cần tranh thủ và kết nạp bằng nước là dân Sunni chết khát và chết đói vì ruộng đồng cạn hết nước.

Nhìn rộng ra ngoài, nước còn là gạo và điện.

Năm 2014, khi khóa và mở đập nước Nuaimiyah tại Fallujah, ISIL đã trấn nước một diện tích kinh hồn là 200 ngàn cây số vuông, bên dưới là ruộng nương làng xã. Khi làm chủ đập Mosul, ISIL chiếm được 75% nguồn cung cấp thủy điện cho Iraq, làm phương tiện sản xuất của mình. Tháng Sáu năm 2014, ISIL khóa đập Ramadi trong tỉnh Anbar của Iraq, làm đầm lầy bên dưới bị cạn kiệt khiến cư dân phải di tản. Muốn đối phó, chế độ al Assad mà có dùng nước làm võ khí thì nạn nhân trước tiên vẫn là thần dân Syria của họ. Tức là xua dân về phía địch.

***

Từ chuyện khủng bố ISIL, chúng ta có thể nhìn ra nội dung và định nghĩa khác của “thủy lợi” và “thủy chiến”. Thủy lợi không chỉ là tiêu tưới và canh tác hay thủy điện, đó là lẽ sinh tử của kinh tế. Thủy chiến không chỉ là giao tranh trên mặt nước, trên sông biển, mà là giao tranh bằng nước!

Dăm năm về trước, vào cuối năm 2010, lãnh tụ Turkey, Jordan, Syria và Lebanon đã nhìn ra tổng thể mà đàm phán việc hợp tác và hội nhập kinh tế để phát triển du lịch, canh nông, ngân hàng và thương mại rồi từ đó giải quyết luôn việc khai thác và phân phối nước với nhau. Đây là một kế hoạch trường kỳ, có mục tiêu tích cực. Nhưng chưa đầy một năm sau là mọi sự tan tành vì chính trị cục bộ giữa Turkey, Iraq và Syria, làm sáng kiến này mất trớn rồi bị tiêu hủy trong bom đạn.

Đấy là lúc ISIL thành hình và đề ra chiến lược cướp nước! Nếu nhìn lại lịch sử lâu dài, chiến lược ấy không thu hẹp vào lãnh thổ Syria và Iraq. Nó theo dòng nước bao trùm lên Bắc Phi và lan qua Trung Á.

Dường như chuyện Việt Nam cũng vậy, Mekong hay Đông Hải cũng là nước….
----
(Viết tặng Ngô Thế Vinh)

Xuất Cảng Nỗi Bất An



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151228
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Hiện Tượng Mất Ổn Định Đang Được Toàn Cầu Hóa

 * Sống nhờ xuất cảng là nhờ người *



Mục “Kinh tế cũng là Chính trị” được mở ra trên cột báo này đúng năm năm trước, với chủ đích dễ hiểu: kinh tế và chính trị là hai mặt của một đồng tiền. Từ nguyên thủy, hơn 200 năm rồi - và trước Marx - người ta có một từ duy nhất về môn kinh tế học, là “kinh tế chính trị học”.

Trong một bài cuối năm, chúng ta minh diễn chuyện này để nhìn vào một chiều hướng sắp tới.


***

Giới kinh tế thường lý luận rằng tự do thương mại, việc buôn bán với tối thiểu hạn chế, là điều có lợi cho mọi người và mọi quốc gia vì bên nào cũng tận dụng “lợi thế tương đối” của ta để sản xuất và bán ra mặt hàng sở trường, nhờ đó mua vào nhiều mặt hàng khác mà ta không có, hoặc muốn có thì tốn kém hơn. Cho nên về dài thì ai cũng có lợi. Nhưng, như kinh tế gia thời danh của thế kỷ 20 là John Maynard Keynes đã nói, rằng “về dài thì ai cũng chết”, nên có thể chết trước khi thấy ra mối lợi! Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn…

Chuyện kia là trong quan hệ mua bán, xứ nào cũng muốn bán tối đa và mua tối thiểu để bảo vệ một số khu vực của mình khỏi bị cạnh tranh vì kém sức cạnh tranh. Mỹ, Tầu, Anh, Đức, hay Nhật đều có khuynh hướng bất minh đó, má lại được giới chính trị gia cho là sáng suốt và được truyền thông u tối ngợi ca. Hãy nhìn vào cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về Hiệp ước TPP thì rõ.

Kinh tế không là kinh doanh. Mà là “kinh bang tế thế”, một khái niệm Nhật Bản xuất hiện từ thời Minh Trị Thiên Hoàng canh tân xứ sở vào cuối thế kỷ 19. Kinh tế có “bang” có “thế”, là chính trị quốc gia rồi toàn cầu, với sự tham gia của các chính khách, dù chưa chắc thành phần này đã hiểu rõ quy luật kinh doanh và kinh tế trong luồng giao dịch với cả thế giới.

Từ vài khái niệm trừu tượng ấy, xin đi vào thực tế của giao dịch giữa các nước: ngoại thương hay xuất nhập cảng. Và xin chọn một thời điểm gần cho dễ nhớ.


***


Khi mở tấm lịch 2008, chúng ta chưa biết kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007. Lý do dễ hiểu. Đà gia tăng sản lượng phải giảm trong hai quý liền thì mới gọi là “suy trầm”, recession, nên ta biết sớm lắm là sáu tháng sau. Trước đó thì chỉ có thể dự đoán. Năm đó, chúng ta cũng chưa để ý là cuối năm 2007, một số ngân hàng Anh Pháp bị rúng động vì các nghiệp vụ đầu tư trên thị trường Hoa Kỳ. Đến Tháng Ba 2008, khi tổ hợp đầu tư Bear Sterns sụp đổ, ta cũng chửa hay. Mãi tới Tháng Chín thì hốt hoảng vì vụ Lehman Brothers vỡ nợ.

Khủng hoảng tài chánh dẫn đến nạn Tổng suy trầm 2008-2009. Toàn cầu bị suy trầm.

Tổng suy trầm làm các nền kinh tế Âu-Mỹ xưa nay vẫn tiêu thụ nhiều đều phải tiết kiệm, khiến các đại gia xuất cảng điêu đứng, là trường hợp Trung Quốc, nền kinh tế đã vượt Đức và sắp bắt kịp Nhật để ngoi lên hạng nhì thế giới. Đi sau Nhật vài chục năm, Trung Quốc vừa trám vào vị trí của một đại gia xuất cảng hàng rẻ nhờ lương thấp để có tốc độ tăng trưởng cao. Khi tiêu thụ của thiên hạ bị giảm vì Tổng suy trầm, nền kinh tế hướng vào xuất cảng của các đấng con trời bị sụp. Họ cố bơm tiền để giữ đà tăng trưởng và kềm hãm thất nghiệp. Cuối cùng thì chất lên một núi nợ sắp như đất chuồi.

Năm 2016 sẽ thấy ra hậu quả kinh hoàng của những gì manh nha từ đầu năm 2008. Mà ta không biết! Vì ta không biết nên giới chính trị gia mới có dịp nói láo để bảo vệ các khu vực kém sức cạnh tranh.

Bây giờ, xin hãy lùi một chút để nhìn vào toàn cảnh.


***


Thế giới có loại quốc gia sống nhờ xuất cảng, đo lường ở tỷ lệ xuất cảng trong Tổng sản lượng GDP. Đứng hàng tiên tiến là Đức và Nam Hàn, với tỷ lệ gần và hơn 50% GDP, nhưng tiên tiến vì xuất cảng mặt hàng có giá trị cao, như xe hơi hay hàng hóa loại siêu kỹ thuật. Đứng hàng chậm tiến là Trung Quốc hay Nga, với tỷ lệ gần 25 hay 30% GDP, mà chậm tiến vì bán hàng Tầu rẻ tiền, hoặc nạn nguyên nhiên vật liệu bị tuột giá là nỗi buồn Nga La Tư.

Trong bối cảnh kinh tế chính trị ấy, có hai vị nữ lưu đang hốc hác là Thủ tướng Angela Merkel của Đức và Tổng thống Phác Cận Huệ của Đại Hàn.

Kinh tế Đức lệ thuộc vào xuất cảng nên trước tiên lệ thuộc vào sự trọn vẹn của đồng Euro và khối Liên Âu. Vì vậy, bà Merkel chịu nhiều tổn thất chính trị từ vụ khủng hoảng của Hy Lạp và nạn di dân Trung Đông đang gây rạn nứt cho khối Liên Âu. Xưa nay, Đức xây dựng sức mạnh kinh tế nhờ tiết kiệm cao và xuất cảng nhiều. Sau Thế chiến II còn tăng cường chiều hướng ấy và mong là tự do ngoại thương của Âu Châu sẽ đem lại thịnh vượng và hòa bình cho toàn khối. Ngày nay, những yếu tố ấy đang bị rạn nứt, tiêu hao và có thể chấm dứt.

Tuần qua, Tổng thống Phác Cận Huệ vừa có một phiên họp khẩn cấp, với tâm lý khủng hoảng.

Kinh tế Nam Hàn lệ thuộc vào xuất cảng đến hơn 50%, phân nửa là xuất cảng vào Trung Quốc. Khi nền kinh tế của Tập Cận Bình bắt đầu ngáp ngáp thì ưu thế xuất cảng của Nam Hàn bỗng khắc khoải. Vì vậy, Nam Hàn đánh giá cục diện quân sự Đông Hải khác với các nước Đông Á. Không nên chống Tầu quá mạnh mà bể mất hũ kim chi rồi bị biến động xã hội và chính trị ở nhà!

Từ quan hệ Hàn-Hoa, ta còn thấy ra một chuyện nhức đầu cho năm 2016.

Trung Quốc bị khủng hoảng kinh tế vì thế giới nhập cảng ít hơn và chê hàng Tầu. Khi kinh tế xứ này sa sút thì các nước bán hàng cho Tầu đều bị thiệt hại, là nỗi niềm Phác Cận Huệ. Lãnh đạo Bắc Kinh cứ mong là kinh tế Âu-Mỹ sẽ phục hồi để sẽ lại nhập cảng hàng Trung Quốc. Lãnh đạo Nam Hàn, Úc hay các nước bán dầu tại Trung Đông cũng mong kinh tế Hoa lục phục hồi để sẽ lại mua hàng của họ. Những chuyện ấy không xảy ra.

Một ngoại lệ là trường hợp Nhật Bản.

Từng là một đại gia đầu tư rất mạnh và xuất cảng rất nhiều, nước Nhật đã được ngợi khen – như Trung Quốc sau này – là nền kinh tế sẽ vượt Mỹ mà mua đứt tài sản của nước Mỹ. Sau đó là bảy lần truy trầm trong 25 năm và hàng tuần thiên hạ cứ đọc cáo phó kinh tế của Nhật. Thật ra, Nhật Bản đã đổi thay, chỉ lệ thuộc vào xuất cảng có 16% GDP và đang ra sức nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa. Trung Quốc cũng muốn như vậy mà chưa xong.

Nhật đang mở đầu một trào lưu mới, của cả thế giới, là có đà tăng trưởng thấp hơn, nhưng khác thế giới là vẫn có ổn định xã hội ở bên trong. Đi rất sớm, Nhật Bản sẽ tìm ra một mô hình phát triển mới để trở thành cường quốc đích thực và có ảnh hưởng tại Đông Á.

Trong cõi đa mang ấy, Hoa Kỳ mới là đại gia chiến lược vì chỉ xuất cảng chừng 13,5% GDP và nhập cảng có 12% của Tổng số tiêu thụ. Là đại gia vì chẳng rơi vào cảnh ngộ “không xuất cảng thì chết”, và chiến lược vì dù chỉ nhập có 12% số tiêu thụ thì lại nuôi sống các nước. Nói nôm na cho dễ ghét thì thiên hạ cần Mỹ chứ Mỹ chẳng cần ai!

Hoa Kỳ không chỉ là siêu cường nhờ khả năng quân sự mà còn nhờ sức mạnh kinh tế là có thể gây điêu đứng cho xứ khác. Gây điêu đứng trong đàm phán về ngoại thương là một thí dụ.


***


Tổng kết lại, các quốc gia sở trường về xuất cảng đang xuất cảng sự bất an. Bất an nhất là tình hình đại lục Âu-Á, từ Âu Châu qua Liên bang Nga tới Trung Quốc. Từ kinh tế chính trị mà nhìn ra địa hạt khác thì mâu thuẫn giữa các nước xuất cảng và nhập cảng sẽ chi phối quan hệ quốc tế, và có thể giải thích nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng.

Nhưng một số quốc gia mới nổi trong khu vực lại có hy vọng thay thế vai trò công xưởng của Trung Quốc để sản xuất mặt hàng dệt sợi hay điện thoại cao cấp và bán cho xứ khác. Họ cần đầu tư và kỹ thuật của Nam Hàn, Nhật Bản hay Hoa Kỳ nếu biết cải cách cơ chế để đạt hiệu suất cao hơn. Hơn 40 năm trước, chúng ta đã thấy một lần đổi thay như vậy, khi ấy chẳng mấy ai muốn đầu tư vào thị trường của Mao Trạch Đông. Ngày nay, ở giữa tình trạng mất ổn định toàn cầu, các nước đang phát triển cũng có hy vọng tương tự.

Việt Nam đã thấy ra chưa?