Thứ Bảy, tháng 6 30, 2012

Kinh tế Trung Quốc Mạnh Hay Yếu?


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston 120625

Mâu thuẫn Nội tại và Nguy cơ Khủng hoảng  


* Đẹp như pháo bông * 



Từ bốn năm nay, các nền kinh tế "hậu công nghiệp" như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đều bị suy trầm, thậm chí khủng hoảng như trường hợp năm sáu nước thuộc khối Euro. Giữa khúc quanh đó, năm 2010, Trung Quốc lại vượt Nhật Bản thành nền kinh tế thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Mà thành tích đó chỉ khởi sự từ có 30 năm trở lại. Như vậy, kinh tế Trung Quốc mạnh hay yếu? Là chuyên gia kinh tế, bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa theo dõi tình hình xứ này từ khá lâu nên đưa ra một câu trả lời với nhiều nghịch lý cho độc giả Ngày Nay.



Những người bị mê hoặc bởi thành tích kinh tế của Trung Quốc có thể đã mắc bệnh "quên trí nhớ", một đặc sản của nước Mỹ quá trẻ, cứ hay hồ hởi sảng rồi hốt hoảng bậy.

Hãy nhớ lại ba chục năm trước và kho sách được các học giả Mỹ viết về sự lớn mạnh đáng sợ của nước Nhật. Chiến lược phát triển Nhật Bản được thâu tóm vào một chữ, Japan Inc. - Nhật Bản như doanh nghiệp, với sự kết hợp tay ba của doanh gia, chính khách và hành chánh công quyền. Người ta hồ hởi rồi e ngại Nhật Bản, đến độ thổi lên phong trào bài Nhật với rất nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh "hoành tráng" - chữ của Hà Nội, gần như đồng nghĩa với hào nhoáng mà ngây ngô. Chỉ vì khi đó, Nhật đã thành chủ đầu tư và chủ nợ lớn nhất thế giới và tung tiền mua những tài sản thuộc loại biểu trưng của Hoa Kỳ.

Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 1989, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật đã lên tới đỉnh là gần 39 ngàn điểm. Khi ấy, thế giới đang ngó về nước Đức và sự tan rã cận kề của Liên bang Xô viết nên không để ý là từ đó cổ phiếu Nhật đã mất gần 80% trị giá - đất đai hay nhiều tài sản khác cũng vậy. Nhật Bản trôi vào chu kỳ khủng hoảng, bảy lần suy trầm trong vòng hai chục năm. Mà chưa dứt. Năm ngoái, tổng số nợ của khu vực công quyền (xin gọi là công trái) đã lên tới 220% Tổng sản lượng Nội địa GDP.

Dù sao mặc lòng, ngày nay, nhiều người quên chuyện Nhật mà quay ra Trung Quốc - cũng với sự khâm phục hay hãi sợ tương tự. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới và trên đà bắt kịp nước Mỹ, có thể vào năm 2016 này!

Người ta càng dễ tin như vậy khi các nền kinh tế "hậu công nghiệp" như Mỹ, Âu và Nhật đều bị suy sụp nặng từ bốn năm nay.

Xưa nay, các nước tiên tiến đó đều đề cao quyền tư hữu, áp dụng quy luật tự do, tôn trọng dân chủ và đảm bảo sự thực thi của các hợp đồng với sự can thiệp rất ít của chính quyền vào thị trường. Ngày nay, khuôn vàng thước ngọc đó như phá sản. Đối chiếu lại thì hình như Trung Quốc đã tìm ra cây đũa thần để có bước nhảy vọi vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc và nhân loại...

Bài viết này chỉ nói đến hai trong nhiều khía cạnh khác về huyền thoại Trung Quốc, điều không thật mà vẫn mê hoặc nhiều người.


***


Khía cạnh thứ nhất là tổ chức của bộ máy công quyền, xuất phát từ hoàn cảnh địa dư và chính trị.

Trên một diện tích bát ngát gần triệu cây số vuông, Trung Quốc chỉ là một "ốc đảo" tại vùng duyên hải, bao vây bởi đại dương ở hướng Đông và sa mạc, thảo nguyên hay núi rừng kiểm trở ở cả ba hướng còn lại. Khu vực "ốc đảo" là nơi trù phú nhất vì có độ ẩm đủ cao cho canh tác và có lưu vực của hai con sông Hoàng hà và Dương tử. Đây là nơi sinh sống của hơn 550 triệu dân trên tám tỉnh và ba thành phố lớn, đóng góp tới 64% tổng sản lượng quốc gia, với đa số người dân đều nhìn về hướng Đông, ra biển, để tìm nguồn sống và tư tưởng mới.

Ngoài ra là sự khô cằn và cách trở nên khó đầu tư phát triển và thực tế là các địa phương nghèo khổ, lạc hậu. Khoảng cách "trong ngoài", giữa miền Đông và các tỉnh bị khóa trong lục địa và bốn vùng phiên trấn vây quanh (Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu) là bài toán địa dư ngàn đời của xứ này.

Mà ngay tại trung tâm thịnh vượng nhất, diện tích canh tác trung bình tính theo đầu người trong cái ốc đảo ấy chỉ bằng một phần ba trung bình của thế giới mà thôi. Thật ra, Trung Quốc là một xứ nghèo và rất khó phát triển.

Sau khi giải phóng Hoa lục, Mao Trạch Đông đóng cửa với thế giới bên ngoài để tránh những tư tưởng hay lý luận phản động. Bên trong thì cào bằng tất cả để tiến tới một xã hội bình đẳng. Kết quả của chiến lược hoang tưởng đó là 30 năm khủng hoảng khiến mấy chục triệu người chết oan, từ 1949 đến 1979.

Khi giành được quyền bính, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách theo hướng khai phóng, mở cửa để phát triển xứ sở. Sáng kiện đáng gọi là lịch sử của ông là thiết lập một chế độ quản lý hai mặt.

Chính trị thì tập trung tối đa, với ưu tiên là tư tưởng và lý luận để bảo vệ quyền lực đảng, và kiểm soát trật tự nội an ở mọi nơi là nghĩa vụ còn chiến lược hơn quốc phòng, và thuộc phạm vi của Lực lượng Cảnh sát Võ trang. Ngược lại, kinh tế thì tản quyền tối đa, cho đảng bộ địa phương tùy nghi áp dụng giải pháp thích hợp với hoàn cảnh ở tại chỗ. Hệ thống chính trị tập quyền khiến tư tưởng và kỷ luật của đảng có giá trị chỉ đạo. Hệ thống quản lý tản quyền giúp từng tỉnh có thể bung ra làm ăn và tạo ra phép lạ.

Nếu hiểu và nhớ được lịch sử Trung Quốc, người ta thấy ngay một áp dụng cổ điển của hệ thống phân quyền đã có hai ngàn năm kinh nghiệm: triều đình tại trung ương cho bộ máy quan lại ở địa phương một số quyền lực và quyền lợi kinh tế nhất định, miễn rằng ai ai cũng xiển dương đức sáng của Thiên tử.

Cái lẽ hợp/tan hoặc trị/loạn của xứ này cũng nằm ở đó. Lãnh đạo Bắc Kinh sau Đặng Tiểu Bình đều hiểu như vậy nên càng tập trung quyền lực về chính trị. Đảng kiểm soát tư tưởng và lý luận và quyết định về việc thăng quan tiến chức của các đảng viên ở địa phương theo tiêu chuẩn đó.

Với kết quả - hậu quả bất lường nói theo kinh tế học – là các đảng viên mọi cấp đều chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên, hơn là với những người ở dưới, dưới cùng là người dân.

Việc dồn sức đầu tư bất kể lời lỗ đã gây nhiều tốn kém mà không ai kiểm tra nổi vì ngần ấy bộ phận hữu trách đều tô hồng thực tế để báo cáo lên trên như một thành tích. Vì vậy, đầu tư quá tải và gây lãng phí đã thành quy luật phổ biến, nhưng vẫn làm thế giới bên ngoài trầm trồ khen ngợi. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng thép mà trong bốn tháng đầu năm nay, mức lời của các doanh nghiệp thép đã sụt 96,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng khác gì nhiều doanh nghiệp Nhật trước cơn khủng hoảng. Hiện tượng xây dựng các thành phố ma, những trung tâm thương mại nguy nga mà ể ẩm, hoặc xe lửa cao tốc vắng khách đã là mặt trái của phép lạ.

Cũng thế, việc trưng thu đất đai và bồi thường không thỏa đáng để lao vào các nghiệp vụ đầu cơ địa ốc đã dẫn tới động loạn xã hội mà vì thông tin có thanh lọc và kiểm soát nên khó ai biết được thực hư. Cho đến ngày nông dân dàn trận đánh nhau với "thành quản" hay công an võ trang.

Vụ khủng hoảng chính trị vừa qua tại Trùng Khánh là một điều bất ngờ cho những ai không thấy ra mâu thuẫn căn bản của Trung Quốc chính là mô thức tập quyền chính trị và tản quyền kinh tế.

Ngần ấy quốc gia Tây phương đều có thể bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng, nhưng chế độ dân chủ dù tèm lem vẫn tạo ra cơ hội cho người dân thay thế lãnh đạo và tìm giải pháp khác qua bầu cử. Tại Trung Quốc thì không, suy trầm dẫn tới suy thoái và khủng hoảng kinh tế tất nhiên dội ngược lên trên thành khủng hoảng chính trị.


***


Nếu hệ thống tổ chức của bộ máy công quyền là bộ xương của cơ thể thì hệ thống tài chánh ngân hàng chính là huyết mạch. Trung Quốc cũng có vấn đề nguy ngập trong lãnh vực này.

Trong vụ khủng hoảng đang xảy ra tại các nước Tây phương, người ta tranh luận rất nhiều về chế độ bao cấp của nhiều nước khiến gánh nặng công chi chiếm một tỷ trọng quá lớn của kinh tế. Pháp là quán quân với ngân sách lên tới 56% của Tổng sản lượng, trung bình của cả Âu châu là 45%, của Hoa Kỳ đang bị báo động là vỡ nợ thì lên tới gần một phần ba.

Trung Quốc là một nước xưng danh xã hội chủ nghĩa mà số công chi của nhà nước chỉ lên tới 28% của GDP! Phép lạ ở đây là bộ máy nhà nước có quyền vọc tay vào ngân hàng để giải quyết nhu cầu chi dụng rất linh động của mình.

Đi vay ngân hàng không là cái tội, chỉ là vấn đề khi vay mà khỏi nghĩ đến trả và sẽ là khủng hoảng nếu để tài trợ các dự án đầu tư đầy lãng phí mà chẳng bao giờ vỡ nợ!

Một người có nhìn ra chuyện đó là Tổng lý Quốc vụ viện, nhân vật thứ ba trong hàng ngũ lãnh đạo, đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ông than phiền rằng các ngân hàng của Trung Quốc kiếm lời quá dễ nhờ vị trí độc quyền của chúng. Các ngân hàng lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà nước, với lãnh đạo là các đảng viên cao cấp được bố trí và điều động qua sự phán xét của ban Tổ chức Trung ương đảng, chứ không phải Hội đồng Quản trị hay các cổ đông, hay thị trường.

Năm đại gia đứng đầu xứ này kiểm soát phần lớn nguồn tín dụng và làm chủ 50% tổng số tài sản đầu tư, trong khi 90% nguồn tài trợ của doanh nghiệp Trung Quốc, từ quốc doanh đến tư doanh, đều là tín dụng ngân hàng - chứ không là vốn riêng, hoặc huy động trên thị trường cổ phiếu.

Từ trung ương đến từng địa phương, các ngân hàng của nhà nước kiếm tiền từ đâu?

Nhờ ký thác của công chúng với lãi suất cận âm, gần bằng số không. Chính sách "mỗi hộ một con" khiến thành phần trung niên khá giả một chút - 300 triệu dân trên ốc đảo miền Đông chứ không ít - phải nuôi tứ thân phụ mẫu mà không có ngả đầu tư hay bảo hiểm nào hơn là một chút tiền lời từ trương mục tiết kiệm của ngân hàng.

Với nguồn vốn huy động quá rẻ, ngân hàng ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các công ty đầu tư do chính quyền nhà nước ở địa phương lập ra để thực hiện các dự án đầu tư cũng của nhà nước. Dù tài trợ theo điều kiện ưu đãi thì các ngân hàng vẫn được bảo đảm là có sai biệt lãi suất là 3% (giữa lãi suất ký thác và lãi suất tín dụng) mà khỏi cần đảm bảo là sẽ thu được nợ. Vì các khoản nợ này cũng gián tiếp là của nhà nước.
 
Hệ thống huyết mạch quái đản ấy không thể cải tiến – tư nhân hoá chẳng hạn, hoặc phải theo quy luật lãi suất của thị trường cung cầu – vì nó được dựng lên và bành trướng để nuôi hệ thống tổ chức công quyền. Và yếu tố khiến cho khí huyết lưu thông chính là quan hệ với đảng viên cán bộ, là tham nhũng..... Chỉ xét riêng về hai khía cạnh đó, những ai chú ý theo dõi cũng đã có câu trả lời về sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

Một mô hình ăn cướp theo kiểu Ponzi – nhưng rất "phải đạo".

Thứ Sáu, tháng 6 29, 2012

Nghịch Lý Của Dân Chủ và Obamacare

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 120629

Những Bài Toán Hợp Lý Tại Hoa Kỳ Và Mâu Thuẫn Tại Âu Châu 


 * Tổng thống Pháp và Chủ tịch Hội đồng Âu châu tại Bruxelles hôm 28 *



Một ngẫu nhiên thú vị khiến cho cùng ngày Thứ Năm 28, người ta thấy ra hai khía cạnh trái ngược của nguyên tắc dân chủ, tại Hoa Kỳ và tại Âu Châu. Xin nói chuyện Hoa Kỳ trước....

Sáng Thứ Năm 28, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết về một vụ kiện liên quan tới đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế được Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ thông qua từ Tháng Ba năm 2010 mà không có một lá phiếu Cộng Hoà. Gây sôi nổi từ nhiều năm nay, đạo luật có ảnh hưởng rộng lớn về kinh tế và xã hội đã bị 26 tiểu bang bỏ phiếu chống và bị hiệp hội tiểu doanh kiện đến tận tòa án trên cùng. Bên kia là Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội của Hành pháp Liên bang.

Được chờ đợi từ lâu, phán quyết của Tối cao Pháp viện có ý nghĩa lịch sử và, quan trọng nhất, xác định giá trị dân chủ của nước Mỹ.


***


Trước hết, Tối cao Pháp viện cho rằng đạo luật này không vi hiến, là quan điểm của Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ, vì là một quyết định về thuế khoá và chính quyền liên bang có thẩm quyền quyết định về thuế khóa. Mặc dù không phê phán tính chất đúng sai hay lợi hại của một chính sách y tế hay kinh tế, phán quyết ấy là một chiến thắng pháp lý cho đảng Dân Chủ.

Nhưng, vì đạo luật thực tế là một quyết định thuế khóa hơn là thương mại - những ai không mua bảo hiểm thì có thể bị phạt – phán quyết này lại cho đảng Cộng Hoà một chiến thắng về lý luận mà đảng Dân Chủ khó chối cãi. Đấy là một đề mục tranh cử hấp dẫn vì đa số tới 60% dân Mỹ tỏ ý phản đối đạo luật này.

Chúng ta sẽ còn mất cả tuần để tìm hiểu nội dung của một phán quyết dày hơn 190 trang về một đạo luật 2.700 trang. Nhưng ngay lập tức cả Tổng thống Obama lẫn ứng cử viên Mitt Romney bên Cộng Hoà đã nhảy lên nói quá.

Obama ngợi ca phán quyết và nói ra vài ba điều sai: "Nếu muốn, quý vị vẫn có thể giữ kế hoạch bảo hiểm của mình". Lời dụ đã nhàm vì cơ quan nghiên cứu ngân sách độc lập của Quốc hội (CBO) đã ước tính là có vài triệu công nhân viên sẽ không giữ được chương trình bảo hiểm do doanh nghiệp của họ bảo trợ. Ông cũng thổi phồng tác dụng của đạo luật, rằng nhiều người trẻ có thể sát nhập vào chương trình bảo hiểm của cha mẹ. Ta không lạ gì chuyện nói quá như vậy để chiêu dụ vì bên kia, ông Romney cũng nói quá để hăm dọa. Chẳng hạn như đạo luật sẽ cắt chương trình Medicare mất 500 tỷ trong 10 năm tới. Thực tế thì đà gia tăng của Medicare sẽ giảm bớt 500 tỷ. Nói quá như vậy là chính trị lẽ thường mà cử tri nên biết trừ bì chứ đừng nuốt chửng.

Nhưng chi tiết lý thú và nên thấy ngay là cách nhìn của các Thẩm phán Hoa Kỳ.

Chủ tịch Tối cao Pháp viện, ông John Roberts Jr., là nhân vật bảo thủ, được Tổng thống George W. Bush để cử từ năm 2005, bổng dưng lại đồng quan điểm với bốn Thẩm phán thiên tả được đảng Dân Chủ đề cử, nhờ vậy mà phán quyết đạt đa số 5-4. Ngược lại, một Thẩm phán ôn hòa là Anthony Kennedy lại bỏ phiếu theo ba nhân vật bảo thủ.

Chuyện bất ngờ ấy mới cho thấy giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ vì toà trên trả lại trái banh cho các chính khách đá tiếp, trong khuôn khổ hiến pháp. Chúng ta nên để ý một chút đến chi tiết này.

Trước hết, phán quyết bất ngờ này cho thấy các Thẩm phán quyết định theo công tâm, không theo phe phái chính trị và quyết định của họ được mọi người, kể cả phụ tá, nhân viên hay thư ký, giữ kín đến lúc cuối. Chứ không tiết lộ trước cho báo chí như người ta đã thấy quá nhiều lần bên Hành pháp và Quốc hội. Cơ chế tối cao này mới thật sự là chuyên nghiệp và coi việc bảo vệ Hiến pháp là tối thượng.

Thứ hai, lập trường của Đệ nhất Thẩm phán John Roberts hóa giải luôn lý luận hàm hồ của một số quần chúng thiên tả - kể cả của Obama hồi tháng trước - rằng Tối cao Pháp viện chẳng do ai bầu lên mà vẫn lấy quyết định đi ngược quan điểm của giới dân cử.

Năm 2000, Tối cao Pháp viện bị công kích như vậy khi ra phán quyết với tỷ số 5-4 về kết quả bầu cử tổng thống tại Florida, và đưa ứng cử viên George W. Bush lên làm Tổng thống! Với phán quyết vừa qua, không còn ai có thể nói ngang dọc về Tối cao Pháp viện là thuộc phe tả hay hữu nữa. Chuyện ấy trở thành vô bổ. Một tuyệt chiêu của Chủ tịch Roberts khi bước qua hành lang đứng cùng phe tả và viết ra quan điểm của đa số.

Người ta chỉ biết ông như một học giả thượng thặng về luật hiến pháp chứ ít ai ngờ ông là một kỳ thủ về nghệ thuật đánh cờ vi.

Vì ông mặc nhiên khép cánh cửa thương mại của chính quyền liên bang (không được quyết định về chuyện mua bán của các tiểu bang) và mở bung cánh cửa thuế khoá, vì chính quyền liên bang có thẩm quyền về thuế khoá! Chuyện lắt léo ấy là một món quà đầy nhâm ngôn trộn thạch tín cho Tổng thống khi Obama cứ chối đây đẩy là đạo luật không gây tốn kém và ông không tăng thuế giới trung lưu.

Ở giữa mùa tranh cử, phán quyết này mở ra nhiều trận đánh hấp dẫn và cho thấy sự vận hành linh động của nền dân chủ Hoa Kỳ. Nhưng, dù có đồng ý hay không, chẳng tiểu bang nào lại phất cờ độc lập và đòi ra khỏi thể chế liên bang. Chuyến ấy mới khiến ta nhìn qua Âu Châu.

Vì cùng lúc đó 27 thành viên trong Liên hiệp Âu châu bị rơi vào hoàn cảnh lưỡng nan, cả hai mặt đều nan giải.


***


Trong hai ngày 28 và 29 Tháng Sáu, nguyên thủ của 27 nước Liên Âu lại họp tại thủ phủ Bruxelles, lần thứ 19 kể từ khi khủng hoảng bùng nổ gần ba năm trước.

Lần này, họ phải giải quyết một mâu thuẫn nằm trong cốt lõi chính trị của Âu Châu và như các lần trước, lại đạt một kết quả hào hứng được vài tuần, hoặc dăm ba ngày, là sẽ lại mở rộng hầu bao cứu trợ tài chính. Lần này là 120 tỷ Euro (149 tỷ Mỹ kim). Trận xa luân chiến giữa Thủ tướng Đức và lãnh đạo Pháp, Ý, Tây Ban Nha vào đêm 28 tại Bruxelles có cho thấy điều ấy.

Xin hãy lùi xa một chút để nhìn trên toàn cảnh: dự án Âu châu là một sự thống nhất nửa vời - và không bền - giữa hai chiều hướng và cơ chế trái ngược. Giữa chủ quyền quốc gia với quyền lực của một cơ chế siêu quốc gia.

Trong một số lãnh vực, các quốc gia đều giữ lại chủ quyền, đó là ngoại giao và quân sự. Trong một số lãnh vực khác thì các quốc gia nhường quyền quyết định cho cơ chế siêu quốc gia, cho hệ thống chính trị Liên Âu, thí dụ như thống nhất về ngoại thương, giao dịch kinh tế. Trong một số lãnh vực khác, các nước bơi lại trong vùng đất xám, nước lợ, nghĩa là có nước thì đồng ý với tập thể, có nước thì phản đối không chấp hành – mà chẳng lãnh trách nhiệm hay bị chế tài.

Thật ra, tình trạng giở giăng giở đèn này là bẩm sinh!

Ít ai nhớ rằng năm 1965, Pháp đơn phương ra khỏi Hội đồng Bộ trưởng Âu châu để phản đối việc gia tăng quyền lực cho Hội đồng Âu châu, European Comission! Một thí dụ gần hơn là Hội đồng Âu châu này lập ra để đẩy mạnh việc hội nhập các nước, một trong những nỗ lực hội nhập đó là Thỏa ước về Tự do Di trú đã ký kết tại Schengen. Dù đã ký kết, nhiều quốc gia không chấp nhận việc hội nhập này và vẫn muốn lập ra hệ thống kiểm soát di dân. Gần hơn nữa, Tháng 12 năm ngoái, hai trong 27 thành viên Liên Âu (Anh quốc và Cộng hoà Tiệp) đã không đồng ý với thỏa ước Âu châu về Ngân sách. Qua Tháng Ba, nhiều nước đã ký mà sau lại phủ nhận yêu cầu giảm chi để quân bình ngân sách, một điều khoản then chốt của Thỏa ước này.

Nổi tiếng trong số các quốc gia đó là Hy Lạp và Pháp, một quốc gia đề xướng thỏa ước, khi ấy do Tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo. Chỉ cần một kết quả bầu cử - rất dân chủ - như tại Pháp hay Hy Lạp, là các thành viên Liên Âu có thể xé luôn những thoả ước hay cam kết trước đó với cơ chế siêu quốc gia Âu châu.

Vấn đề then chốt của mâu thuẫn và phân hóa Âu châu nằm trong một sự thể cực kỳ đơn giản: các nước đồng ý về mục tiêu lý tưởng và lâu dài nhưng không đồng ý với phương thức thực hiện mục tiêu đó trong ngắn hạn. Lý tưởng lâu dài là thống nhất về kinh tế và chính trị, nhưng chỉ tiến tới thống nhất kinh tế nếu không phải trả giá và phải cải cách chính sách kinh tế bên trong. Và chỉ thống nhất chính trị nếu vẫn bảo vệ được cái quyền lắc đầu!

Khi phải tranh luận thì xứ nào cũng có thể nhân danh nguyên tắc dân chủ: chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với nhân dân và quyền dân của đất nước chúng tôi mới là tối thượng!


***


Một thí dụ rợn mình là tuần qua, Tòa Bảo hiến Cộng hoà Liên bang Đức - Tối cao Pháp viện của một nước liên bang – đã yêu cầu Tổng thống Đức đình hoãn việc phê chuẩn thứ nhất, Ngân sách Âu châu nói trên (đã thông qua hồi Tháng 12 và ký kết vào Tháng Ba) và quy chế Ổn định Tài chính Âu châu ESM (European Stability Mechanism). Lý do là Hành pháp của Thủ tướng Angela Merkel đã đưa qua lập pháp mà Quốc hội thiếu thời gian nghiên cứu và thảo luận.

Quy tắc rất dân chủ tại Đức, quốc gia chủ chốt và chủ chi cho cả nỗ lực cấp cứu hiện nay, đã thọc một cây gậy thép vào sự vận hành của cơ chế Âu châu.

Sau đó một ngày, hôm  22 Tháng Sáu, Thủ tướng Ý là Mario Monty cho biết là nếu việc đàm phán và hòa giải để cấp cứu Âu châu thất bại thì Quốc hội Ý có thể bỏ phiếu chống lại việc hội nhập Âu châu. Là một thành viên kỳ cựu của Âu châu từ dự án đầu tiên vào năm 1957, nếu Ý Đại Lợi mà bỏ phiếu chống lại Liên Âu thì lý tưởng thống nhất chính trị coi như rã.

Trước đó mấy ngày, tân Thủ tướng Pháp Jean-Marie Ayrault còn đóng thêm một cái nêm vào dự án thống nhất đó khi phát biểu rằng quốc hội của các nước phải có thêm quyền hạn cứu xét thẩm quyền của cơ chế Âu châu khi cơ chế này muốn đẩy mạnh hơn nữa việc hội nhập kinh tế.

Đóng lại cái chốt của tình trạng bế tắc toàn diện là ý kiến của Tổng trưởng Tài chánh Đức, đưa ra hôm 25 vừa qua. Là một lãnh tụ chính trị và chuyên gia có uy tín của Đức, Wolgang Schaeuble cho rằng có lẽ nước Đức phải tổ chức trưng cầu dân ý để công dân có thể cho biết ý kiến về việc cấp cứu Âu châu. Việc cấp cứu này cần tăng quyền hạn cho cơ chế Âu châu, để vượt qua sức cản của nhiều thành viên. Nhưng dân Đức mới có quyền quyết định về việc gia tăng quyền hạn ấy.

Nghĩa là làm sao?

Âu châu đang ở giữa một cuộc khủng hoảng và cần có quyết định cấp bách, từ vài ngày đến vài tuần là cùng, để tạm ổn định tình hình trước khi mọi sự đều tuột tay. Nhưng, nền dân chủ của từng quốc gia cũng có lý do chính đáng để người dân được xét lại, từ nội dung đến thể thức, và quyết định ký kết hay phê chuẩn. Chuyện ấy đòi hỏi nhiều tháng tranh luận trong khi thị trường đã ngùn ngụt cháy.

Và kinh hãi hơn cả, chính người dân cũng có quyền đổi ý, đòi lãnh đạo xóa bài làm lại, hoặc kỳ kèo mặc cả điều có lợi hơn những gì đã được cam kết trước đó.


***


Kết luận của câu chuyện dân chủ Âu-Mỹ này là gì?

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ làm đúng chức năng hiến định của mình và trả lại cho chính trường cái quyền tranh luận và quyết định. Viên trọng tài vừa tuyên bố là cầu thủ đó không việt vị, trận banh sẽ tiếp tục, rất hào hứng, nhưng là một trận banh có trọng tài và nhất là luật chơi rõ ràng. 

Âu châu thì không, và tùy hứng, trọng tài có quyền cởi áo đẩy banh vào khung thành bên này hay bên kia. Âu châu sẽ loạn to chính là do tình trạng đó. Và thiệt hại nhất trong cả câu chuyện bi hài này chính là nguyên tắc dân chủ! Sau cơn hồ hởi, chúng ta còn có cơ hội trở lại chuyện này...


Thứ Năm, tháng 6 28, 2012

Giảm Phát Rồi Lạm Phát

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120627

Kinh tế Việt Nam chưa đụng đáy, sẽ đụng nhưng doanh nghiệp đã "chết lâm sàng"....



* RFA photo - Ngân Hàng Trung Ương tại Hà Nội hôm 13/6/2012*



Chỉ số giá tiêu dùng trong Tháng Sáu tại Việt Nam đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 38 tháng vừa qua và giảm mạnh nhất tại Hà Nội. Sự kiện này xảy ra sau khi kinh tế Việt Nam bị lạm phát rất cao từ năm ngoái. Liệu đấy có là dấu hiệu cho thấy chính sách điều tiết vĩ mô đã phần nào đạt kết quả, hay ngược lại, đây là triệu chứng đáng ngại của hiện tượng giảm phát? Vũ Hoàng nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.


Thiểu phát, Giảm phát rồi Lạm phát


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau nguy cơ lạm phát kéo dài trong hai năm liền, tuần qua người ta được biết chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm mạnh. Câu hỏi ám ảnh nhiều người hiện nay là Việt Nam gặp nạn giảm phát hay lạm phát? Ông có ý kiến gì về vấn nạn này và làm sao mình tiên đoán ra tương lai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi đang gây thắc mắc cho nhiều người là "giảm phát hay lạm phát?" nhưng đây không chỉ là một vấn đề của Việt Nam mà còn đang làm nhiều nước khác ưu lo, kể cả Hoa Kỳ này. Câu trả lời ngắn gọn của tôi là: "cả hai, giảm phát rồi lạm phát, rồi sẽ thành suy lạm". Nghĩa là chúng ta đang gặp kịch bản đáng ngại nhất cho người làm chính sách. Trước hết, tôi xin được giải thích một vài khái niệm hay định nghĩa về chuyện rắc rối này.

- Lạm phát, hay inflation, là khi vật giá gia tăng, đo lường ở sự sai biệt của chỉ số giá tiêu dùng giữa hai thời kỳ và vật giá gia tăng khiến sức mua của đồng bạc bị soi mòn, có tiền cũng chả mua nổi hàng hóa hay dịch vụ cung cấp trên thị trường. Người nghèo, có ít tiền nhất thì bị thiệt nhất.

- Ngược lại, giảm phát hay deflation là khi giá cả sút giảm, thực tế là hết tăng, mà hàng họ vẫn ế ẩm bán không chạy vì chẳng có ai mua. Trường hợp đó xảy ra thì nhà sản xuất và tiêu thụ đều khổ, giàu nghèo gì cũng hoạn nạn và thất nghiệp sẽ tăng.

- Ở giữa hai trường hợp đó và dấu hiệu tiên báo cho sự xoay chuyển từ lạm phát qua giảm phát là hiện tượng tôi xin tạm gọi là "thiểu phát" hay disinflation, là khi vật giá tăng chậm hơn mà chưa rơi vào số âm. Việt Nam chưa bị giảm phát, đang bị thiểu phát và sẽ tuột xuống đáy, là kinh tế bị suy trầm.

- Kinh tế bị suy trầm hay recession là khi đà tăng trưởng sản xuất sút giảm liên tục. Nặng hơn vậy là nạn suy thoái hay depression, tức là không còn tăng trưởng sản xuất mà mọi lĩnh vực đều sút giảm, chỉ có thất nghiệp tăng đi cùng sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp.


cho-phien-nong-thon-250.jpg
Một chợ nhỏ thưa thớt khách vào buổi sáng. RFA photo


- Với cái đà hiện tại thì kinh tế Việt Nam đang bị thiểu phát, với giá cả sút dần, sẽ bị giảm phát và kinh tế sẽ đụng vào đáy sâu hơn trước, sau đó lại bị suy trầm đi cùng nạn lạm phát. Đó là hiện tượng người ta gọi là đình phát hay suy lạm, suy phát, stagflation, tức là sản xuất đình đọng mà vẫn bị lạm phát. Cái khó nhất ở đây là tiên đoán được thời điểm bản lề, từ giảm phát lật qua lạm phát. Với Việt Nam, chuyện đó xảy ra sẽ rất nhanh, có thể là ngay trong năm tới thôi.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông là đã trình bày ra những dấu mốc trên một lộ trình thật khá đen tối như vậy. Nhưng dường như là ông vẫn còn có vẻ lạc quan khi cho rằng Việt Nam mới chỉ có dấu hiệu thiểu phát, là vật giá có tăng mà chậm hơn, chứ chưa đến nỗi giảm phát như nhiều người ở bên trong đã lượng định. Câu hỏi kế tiếp, thưa ông, vì sao vật giá lại sút giảm như vậy sau khi đã tăng quá 20% và bị lạm phát cao nhất trong các nước Đông Á? Phải chăng là nhờ các biện pháp ổn định của chính quyền, thí dụ như Nghị quyết 11 từ đầu năm ngoái?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chính quyền nào cũng cố khoe khoang thành tích của họ và càng thiếu dân chủ thì càng có chỉ số tuyên truyền cao mà mình phải trừ bì, hay gia trọng. Mà vì chẳng có quyền tự do thông tin thì báo chí và dư luận càng không có quyền phản biện hoặc tiên báo những gì sẽ xảy ra.

- Về những nguyên nhân thì ta không quên rằng kinh tế toàn cầu đang bị đình trệ, có thể gặp tổng suy trầm nữa, là lại bị suy trầm toàn cầu như trong các năm 2008-2009. Một hậu quả của sự thể đó là giá cả các loại thương phẩm như nguyên liệu, nhiên liệu và cả nông sản đều sụt. Cụ thể thì ta thấy giá dầu thô sụt mạnh, giá tại New York từ hơn trăm mốt vào Tháng Ba đã xuống dưới 80, tức là gần một phần ba trong có bốn tháng. Khi giá thương phẩm giảm thì lạm phát vì phí tổn và nhập khẩu từ đầu vào cho bộ máy sản xuất nội địa tất nhiên là giảm. Đấy là yếu tố khách quan, có thể nằm ngoài khả năng can thiệp hay ứng phó của chính quyền, nhưng cũng đánh sụt số thu về thuế khóa hay xuất khẩu, tức là có tác động vào ngân sách và dự trữ ngoại tệ.

- Yếu tố thứ hai, còn đáng ngại hơn nữa là những lý do nội tại của kinh tế Việt Nam sau hàng loạt biến động liên tục khiến nhiều doanh nghiệp bị nguy cơ phá sản. Đó là người dân hết tiền. Khi số cầu sụt giảm thì hàng họ có bán với giá hạ cũng chẳng có người mua. Vì thế mà tôi cho rằng Việt Nam đang bị thiểu phát và sẽ bị giảm phát, bộ máy sản xuất ngừng chạy, nhiều xí nghiệp rơi vào hoàn cảnh gọi là "chết lâm sàng" như diễn đàn của chúng ta đã báo động từ đầu năm ngoái.


Chính sách Vĩ mô Co giật liên hồi  



ngan-hang-dau-khi-toan-cau-250.jpg

Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu tại Hà Nội, ảnh chụp tháng 6/2012. RFA photo  



Vũ Hoàng: Thế còn kịch bản từ giảm phát qua lạm phát mà ông cho là Việt Nam sẽ gặp và rất sớm, điều ấy có nghĩa là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta trở lại hoàn cảnh của cái năm bản lề là 2008 thì sẽ hiểu ra.

- Khi đó, nhà nước Việt Nam lạc quan hồ hởi với viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 mà không ngờ là lại gây ra lạm phát nên lật đật đạp thắng. Ngay sau đấy, khi kinh tế thế giới bị suy trầm thì lại hốt hoảng bơm tín dụng ào ạt để kích thích sản xuất nên thổi bùng lạm phát còn mạnh hơn. Hệ thống quản lý vĩ mô quá thô thiển đã dẫn tới loại chính sách co giật liên hồi và bất nhất khiến cơ thể kinh tế như một con bệnh gặp toàn những liều thuốc quá mạnh. Mà mỗi lần xoay chuyển như vậy là hàng loạt tiểu doanh thương bị phá sản, lợi tức giảm sút vì làm sao tồn tại trên doanh trường với lãi suất đi vay là trên 20% và còn cao gấp bội khi phải vay chui trên thị trường đen? Chúng ta sẽ có ngày trở lại đề tai vay mượn trên thị trường đen, hay hệ thống "ngân hàng chui" với lãi suất cắt cổ.

- Hậu quả là tình trạng ngày nay, khi số tổng cầu của nền kinh tế đã sa sút khiến hàng họ ế ẩm, tồn kho chất đống và nợ nần tích lũy mà không trả được. Khi nhớ tới kinh nghiệm thật ra vẫn còn nóng hổi thì ta mới đánh giá các biện pháp cứu nguy vừa được ban hành, như gói thuốc bổ trị giá 29 ngàn tỷ để cứu các doanh nghiệp đang bị nguy cơ sụp đổ hoặc cả trăm nghìn tỷ để cứu các công ty mắc nợ.

Hệ thống quản lý vĩ mô quá thô thiển đã dẫn tới loại chính sách co giật liên hồi và bất nhất khiến cơ thể kinh tế như một con bệnh gặp toàn những liều thuốc quá mạnh.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Trước hết, gói giải pháp ấy không thể hồi sinh cả vạn cơ sở đã phá sản và cả triệu người thất nghiệp hoặc không còn việc làm toàn thời và lợi tức sa sút. Mà giảm thuế hay tạm giãn thuế thì vẫn chẳng cứu được ai vì các doanh nghiệp làm ăn đúng nghĩa không quyết định về đầu tư trong dăm ba năm tới do một biện pháp giảm thuế hay cứu trợ trong giai đoạn. Các doanh nghiệp lỗ lã thì còn lý gì đến chuyện giảm thuế vì họ có trả thuế đâu?

- Trong khi ấy, và đây mới là vấn đề, người ta nói đến cả trăm nghìn tỷ một cách trừu tượng chứ thực tế nó sẽ được trao đúng nơi đúng người để cứu những cơ sở có quan hệ tốt trong hệ thống xin và cho này. Và thay vì cải tổ cả hệ thống sản xuất kỳ lạ ấy, người ta còn thổi bùng nạn đầu cơ và lạm phát.

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc thì làm sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau mỗi đợt dằn sóc như vậy, một thiểu số sẽ kiếm lời rất nhiều và tẩu tán tài sản ra ngoài, trong khi đa số còn lại phải ôm lấy một gánh nợ mà mọi người đều phải trả dưới hình thức này hay hình thức khác.

- Khi nhà nước cứ bơm tiền cấp cứu như vậy thì ngân sách bị bội chi, và phải đi vay hay in bạc ra trả. Đi vay nhiều thì phân lời trái phiếu phải tăng nên lãi suất cũng tăng. Khi in bạc ra xài thì ngân sách bị bội chi và mặc nhiên lại gây thêm lạm phát và vì vậy kinh tế vừa bị suy trầm vì bộ máy sản xuất không phục hồi mà vật giá vẫn gia tăng và đấy là kịch bản suy phát rất đáng ngại.

- Đấy là nguyên do và trình tự của sự kiện kinh tế bị giảm phát, lạm phát rồi suy phát, đó là thuộc về cái "nhân". Còn bao giờ chuyện đó xảy ra, khi nào ta sẽ thấy bước lật từ tình trạng này qua tình trạng kia thì đấy thuộc về cái "duyên" là yếu tố thời cơ. Nó có thể xảy ra khá nhanh vì những đột biến từ bên ngoài vào.


Đi vay, Trả nợ, rồi lại Đi vay tiếp



hang-hoa-chat-dong-250.jpg

Hàng hóa chất cao trong một siêu thị ở Hà Nội hôm 11/6/2012. RFA photo   



Vũ Hoàng: Nếu vậy, chúng ta sẽ bước qua chuyện đó, về những yếu tố ngoại nhập. Ông có thể phân tích cho thính giả của chúng ta dễ dàng theo dõi và tiên đoán được chuyện này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên bối cảnh toàn cầu hiện nay là suy trầm và thất nghiệp. Một nguyên nhân chính của hiện tượng đó là chuyện Việt Nam cũng đang gặp, như Trung Quốc, và hầu hết mọi nền kinh tế tiên tiến là vay mượn quá nhiều nên đến hồi phải thu vén chi tiêu mà trả nợ. Nạn suy trầm hoặc tổng suy trầm đồng loạt xảy ra từ Hoa Kỳ, Âu Châu tới Nhật Bản và Trung Quốc hay Ấn Độ cùng các nền kinh tế đang phát triển đều dẫn tới phản ứng chung là phải in tiền hay đi vay. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta chỉ thấy suy trầm cộng hưởng, đồng loạt xảy ra. Và suy trầm đi đôi cùng giảm phát, tức là lạm phát ít đi hoặc không có.

- Khi kinh tế giảm phát thì phân lời hạ, lãi suất thấp càng khiến người ta ồ ạt vay mượn mà không sợ và quên hẳn rằng sở dĩ mình rơi vào chỗ trũng này cũng do đã đi vay quá nhiều. Đấy là hoàn cảnh của hầu hết các nước mà chẳng ai sợ khi thấy lãi suất đã bò ngang mặt sàn.

- Thế rồi sẽ có ngày mà mức luân lưu của đồng bạc hết đình đọng và giả cả hết giảm mà đột ngột tăng cùng với phân lời trái phiếu, tức là tiền lời khi đi vay. Chỉ dấu tiên báo bước lật đó có thể là đường tuyến phân lời của trái phiếu và nhiều người dự đoán là sự thể sẽ xảy ra rất nhanh, trong vòng một năm tới thôi. Nói cách khác, liều thuốc cứu nguy cũng là liều thuốc đổ bệnh.

- Bây giờ, trở lại chuyện Việt Nam là nơi không có lương y mát tay về kinh tế với các toa thuốc gây ra nạn co giật liên hồi như mình đã thấy. Khi tưởng rằng kinh tế đã hết bị lạm phát và còn có dấu hiệu suy giảm dưới cái mức thần kỳ mà duy ý chí là 6%, thì nhà nước lại tìm cách tống ga bơm tiền thay vì cải cách cả cơ chế sản xuất lẫn tài trợ và quản lý. Nghĩa là vẫn chỉ là bơm nước vào nơi úng thủy, gây ra nạn lạm phát trên một bộ máy sản xuất trì trệ.

Khi kinh tế giảm phát thì phân lời hạ, lãi suất thấp càng khiến người ta ồ ạt vay mượn mà không sợ và quên hẳn rằng sở dĩ mình rơi vào chỗ trũng này cũng do đã đi vay quá nhiều.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa


- Từ bên ngoài vào, yếu tố tiên báo điều ấy sẽ là tỷ giá của đồng Mỹ kim vì so sánh với tình hình sóng gió chung thì thị trường Hoa Kỳ vẫn là bến đậu an toàn hơn cả. Hối suất Mỹ kim sẽ dội vào Việt Nam và nay mai gây sức ép khá tai hại cho bộ máy sản xuất và thật ra trung hòa luôn tính chất giảm phát của thương phẩm. Yếu tố nội tại ở bên trong thị trường chính là phân lời trái phiếu tại Việt Nam. Nó bắt đầu nhúc nhích và sẽ tăng. Chúng ta rất nên để ý tới dấu hiệu này.


Kinh tế chưa Đụng đáy


Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì chúng ta vẫn trở về bài toán cải cách hay tái cấu trúc kinh tế đã được nói tới từ đầu năm ngoái mà chưa có dấu hiệu gì gọi là chuyển động, trong khi đó nguời ta lại có thể hài lòng với một vài chuyển động về vật giá, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là kinh tế Việt Nam chưa đụng đáy và đà tăng trưởng sẽ khó vượt qua 5% trong khi ấy tồn kho vẫn chất đống, gánh nợ xấu, là khó đòi và sẽ mất, vẫn còn tăng. Nếu nhà nước không hiểu ra điều ấy mà cứ cho nhau uống nước đường và bao che các tác nhân đã gây ra khủng hoảng vì nợ nần chồng chất thì lại tái diễn kịch bản 2009. Đó là khi thấy lạm phát thoái lui từ hơn 17% xuống dưới 4% mà lại bơm tiền kích thích và thổi lên nạn lạm phát phi mã trong khi hệ thống Vinashin đã lung lay. Lần này thì nguy kịch hơn lần trước vì cả triệu doanh nghiệp đang thua lỗ, mấy vạn đã đóng cửa. Tâm lý chung của thị trường là bi quan và hoang mang khi thấy nhà nước không giải quyết vấn đề thật mà chỉ tìm giải pháp biểu kiến.

- Bản thân tôi thì còn hoài nghi hơn vậy vì cho là lãnh đạo kinh tế của Việt Nam chưa thấy cái vấn đề thật nó nằm ở đâu. Hoặc như có thấy thì cũng chẳng giải quyết được vì nó nằm trên đầu, nằm trong hệ thống chính trị. Đấy là cách giải thích duy nhất hợp lý khi người dân chứng kiến sự phá sản và vỡ nợ của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước mà lãnh đạo chính trị không giải quyết mà vẫn tự ký giấy ban khen trong khi các tiểu doanh thương đã bị chìm dưới đáy. Thất nghiệp và nghèo đói là những gì đang chờ đợi khi những người cầm đầu hệ thống chính trị này cứ chỉ nói đến cải cách hay tái cấu trúc trên giấy.

Vũ Hoàng: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Thứ Tư, tháng 6 27, 2012

Âu Châu và Thuế Tài Chính TTF

Nguyễn-Xuân Nghĩa & Thanh Hà - RFI Ngày Thứ Ba 120626

Đánh thuế để tránh đầu cơ, kiếm tiền giúp dân nghèo hay để cứu nguy Âu Châu?


Thuế tài chính TTF hứa hẹn đem lại 55 tỷ euro cho châu Âu
Thuế tài chính TTF hứa hẹn đem lại 55 tỷ euro cho châu Âu Reuters /Dado Ruvic




Pháp đang chuẩn bị áp dụng thuế TTF đánh vào các dịch vụ mua bán cổ phần. Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật về thuế tài chính nhằm giới hạn các hoạt động đầu cơ và đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho ngân sách của các nước thành viên.

Theo quan điểm của Bruxelles, TTF là một trong những biện pháp đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Trước mắt, tất cả các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu chưa đồng ý nhất loạt áp dụng loại thuế này. Ngoài phạm vi châu Âu, nhiều nước trong khối G20 cũng không tán đồng việc đánh thuế lên các dịch vụ tài chính. Thuế TTF là gì và đâu là những ích lợi của nó?

Ngày 23/05/2012 Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật đánh thuế vào các dịch vụ tài chính gọi tắt là thuế TTF. Văn bản đó quy định: đánh thuế 0,1 % vào cổ phiếu và công trái phiếu và mức thuế sẽ là 0,01 % vào những sản phẩm tài chính phụ chủ yếu là để đầu cơ. Cụ thể là bất kể một cơ quan tài chính nào ở trong hay ngoài Liên Hiệp Châu Âu khi mua bán cổ phần của một tập đoàn châu Âu đều sẽ bị đánh thuế TTF. Như vậy sắc thuế mới này sẽ nhắm vào 85% các nghiệp vụ tài chính của châu Âu.

Trên nguyên tắc một khi được toàn thể 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu áp dụng kể từ ngày 01/01/2014, thuế TTF sẽ đem về 55 tỷ euro hàng năm cho toàn khối. Đây sẽ là một khoản tiền không nhỏ giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng đã kéo dài. Kế hoạch đó đã chạm phải một thực tế phũ phàng: thuế TTF hiện tại chưa được toàn thể các nước thành viên Liên Hiệp thông qua. Mới chỉ có 6 nước đã thông báo lập trường rõ ràng để thi hành sắc thuế mới đó.

Sáu nước đó gồm Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Slovénia. Như vậy là thuế tài chính đã được hai nền kinh tế nặng ký nhất của châu Âu là Đức và Pháp ủng hộ. Pháp đặc biệt muốn tiên phong trong lĩnh vực này.

Một số khác như là Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Slovakia, Estonia cần có thêm thời gian để «suy nghĩ». Phần Lan và Ý tuy ban đầu đã ủng hộ kế hoạch nói trên, nhưng nay đang tỏ ra do dự. Riêng Anh Quốc, Hà Lan và Ai Len thì dứt khoát chống đối việc đánh thuế vào các dịch vụ tài chính.

Sự thận trọng và hoài nghi của một số nước vừa nêu bắt nguồn từ lo ngại khi áp dụng TTF một nền kinh tế có thể đẩy các nhà đầu tư vào tay những «thiên đường trốn thuế».

Nguyên thủy thuế đánh vào các dịch vụ tài chính đã được cặp bài trùng Pháp – Đức thảo luận riêng với nhau trước khi đưa vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2011 tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chống đối mạnh mẽ nhất.

Sự chống đối của nhiều đối tác trong G20 và kể cả của một vài thành viên Liên Hiệp Châu Âu, vẫn không làm Bruxelles nản lòng. Vừa qua tại thượng đỉnh Los Cabos (Mêhicô), bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị G20 không hề đả động đến thuế TTF.

Trả lời đài RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ không ngạc nhiên về bất đồng liên quan đến thuế TTF trong nội bộ G20 và Âu Châu:


- Chúng ta có thấy ra sự khác biệt về ưu tiên giữa các nước của khối G-20 với các nước Âu châu và trong khối Âu châu, còn có sự khác biệt giữa lãnh đạo Pháp hay Đức và nguyên thủ của một số quốc gia khác, kể cả Anh, Hoà Lan hay Thụy Điển về sắc thuế này. 

- Tại thượng đỉnh của khối G-20, trong hai ngày 18 và 19/06/2012, chuyện đó bị gạt qua một bên vì các nước cần thảo luận về nhiều đề mục then chốt hơn. Dù vậy, ông François Hollande và cả giới lãnh đạo Liên Âu vẫn khẳng định rằng qua năm 2013, Pháp và một số bảy tám nước Âu châu sẽ áp dụng loại thuế này. Thủ tướng Đức ủng hộ đề nghị đó vì bà cần hậu thuẫn của đối lập trên các đề mục ngân sách quan trọng hơn. Nói cho gọn thì chuyện đánh thuế trên các nghiệp vụ tài chính hết là ưu tiên được tất cả 17 nước trong khối Euro hay 27 nước trong Liên Âu đồng ý và càng không được cả khối G-20 hậu thuẫn. Vì sao lại như vậy là một câu hỏi khá lý thú.

- Tổng thống Pháp và đảng Xã hội đã thắng lớn tại cả hai viện Quốc hội và có cái thế rất mạnh tại Pháp để đưa ra hàng loạt đề nghị tăng thuế, trên các tập đoàn năng lượng hay tài chính, trên những ai có lợi tức cao hơn một triệu euro một năm. Nhưng may lắm thì còn Đức chứ Paris khó huy động nhiều xứ khác tham gia vào dự án đánh thuế trên một số nghiệp vụ tài chính khi kinh tế chung đang trì trệ và công chi của Pháp đã lên tới kỷ lục là 56% GDP. Hoa Kỳ là một nước đã từng ủng hộ sắc thuế này giờ đây cũng tránh qua một bên». 



Tổng thống Hollande quyết tâm áp dụng thuế TTF
Reuters












Thế tiên phong của Pháp


Dù vậy tại Los Cabos, tân tổng thống Pháp François Hollande vẫn khẳng định rằng thuế này sẽ được áp dụng ở cấp châu Âu kể từ năm 2013. Riêng Paris, từ đầu tháng 8/2012, Pháp bắt đầu thuế đánh các dịch vụ tài chính. Cả tổng thống Sarkozy trước đây lẫn François Hollande cùng muốn Pháp tiên phong trong việc áp dụng thuế TTF.

- Vào giữa tháng 2/2012, Quốc hội đã thông qua bộ luật về sắc thuế nói trên. Dự thảo sửa đổi ngân sách 2012 quy định: thứ nhất nhà nước đánh thuế 0,1 % vào các dịch vụ mua bán cổ phần của các tập đoàn có trị giá chứng khoán trên 1 tỷ euro và các tập đoàn đó phải có trụ sở tại Pháp. Xin nói thêm là thuế tài chính mới nói trên chỉ liên quan đến các khoản mua bán cổ phiếu. Công phiếu thì được miễn. Đây là điểm khác biệt với đề nghị của châu Âu.

- Thứ nhì là khoản thuế 0,01 % nhắm vào các sản phẩm tài chính phụ hay các dịch vụ bị coi là có tính chất đầu cơ. Theo thẩm định của bộ Tài chính, sắc thuế mới đó năm nay sẽ đem về 1 tỷ euro cho ngân sách nhà nước. Và khoản tiền 1 tỷ euro đó, trong ý tưởng của cựu tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy là nhằm để hỗ trợ người nghèo, nhưng tới nay, thì nó sẽ được sử dụng để giảm bớt bội chi ngân sách nhà nước.

- Trong chương trình vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Nicolas Sarkozy đã chủ trương là nước Pháp phải tiên phong trong lĩnh vực này và ông đã nỗ lực thuyết phục các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu. Về phần mình ứng cử viên đảng Xã hội, François Hollande đã coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình vận động tranh cử.
Bên cạnh những ý đồ chính trị, câu hỏi đặt ra là liệu thuế TTF sẽ có những tác động như thế nào và có hiệu quả hay không trong mục tiêu giới hạn các hoạt động đầu cơ, có thể đe dọa đến ổn định của tài chính thế giới. 

Trước khi đi xa hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhắc lại thuế TTF ngày nay là hậu thân của thuế mang tên học giả người Mỹ James Tobin của 40 năm về trước:

- Cơ sự khởi đầu từ Mỹ, vào ngày 15/08/1971 khi Tổng thống Richard Nixon đơn phương quyết định thả nổi đồng đô la chứ hết cam kết giàng giá vào vàng theo hối suất 35 đô la ăn một ounce là hơn 31 gram vàng. Cụ thể là Mỹ ‘quịt nợ’ và phá vỡ hệ thống tài chính quốc tế dựng lên từ sau Thế chiến Hai. Từ đó, các thị trường giao dịch ngoại tệ như bị đứt neo và biến động mạnh làm nhiều nước bị khủng hoảng ngoại hối khi cả trăm tỷ đô la cứ chuyền tay từ xứ này qua xứ khác nội trong một ngày.

- Năm 1972, một kinh tế gia Mỹ sau này được giải Nobel về kinh tế mới đề nghị sắc thuế đánh trên các nghiệp vụ hối đoái nhằm giảm thiểu động lực đầu cơ ngắn hạn và tạo ra sự ổn định trên các thị trường giao dịch ngoại tệ. Do cái tên của người đề xướng, là James Tobin, sắc thuế này cũng có tên là "thuế Tobin". Thế rồi sáng kiến đó được chú ý, gây tranh luận, được cải tiến rồi mở rộng thành loại thuế đánh trên một số nghiệp vụ tài chính.

 - Mục tiêu ban đầu là ổn định thị trường cũng mở ra mục tiêu thu nhập ngân sách vì ngày nay, mỗi ngày 24 tiếng liên tục, các nước trên thế giới trao đổi một lượng ngoại tệ trị giá tương đương với gần bốn ngàn tỷ đô la. Năm 2009, các nước Liên Âu từng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp dụng loại thuế này trong mục tiêu nâng cao số thu ngân sách.

- Sau nhiều xứ khác, nước Pháp cũng đề xuất việc ấy nhưng với mục tiêu cao cả hơn nữa, đó là tìm nguồn tài trợ công cuộc phát triển của các nước nghèo. Đó là điều mà ông Nicolas Sarkozy yêu cầu năm ngoái. Song song, vì đây là sắc thuế đánh trên giới đầu tư tài chính là kẻ có tiền, với mục đích lý tưởng là cứu giúp dân nghèo, người ta còn gọi loại thuế này là "Thuế Robin des Bois" hay thuế đánh trên nhà giàu để cứu dân nghèo.


Nhưng ở Mỹ, thuế Tobin chưa từng được áp dụng vì lý tưởng và lý thuyết thường xa vời với thực tế. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích thêm:

Thứ nhất là làm sao tính ra thuế suất thích hợp, thí dụ như 0,1, hay 1% trên ngạch số ngoại tệ hoặc tiền tệ giao dịch? Thứ hai, làm sao xác minh ngạch số đó khi thị trường có nhiều kỹ thuật tránh thuế, như cựu Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là ông Dominique Strauss-Kahn công nhận từ cuối năm 2009. Ông DSK này thuộc đảng Xã hội Pháp như ông Hollande chứ chẳng là người xa lạ, mà lại giàu kinh nghiệm về tài chính quốc tế hơn đương kim tổng thống Pháp.

Thứ ba, khi có thể bị đánh thuế như vậy, giới đầu tư càng muốn chuyển ngân vào loại hầm trốn thuế ở xứ khác mà điều này đi ngược với ước muốn của nhiều quốc gia, kể cả nước Pháp, hiện đang ngại là dân nhà giàu sẽ di tản tài sản qua nước khác, như qua vụ tranh luận vừa xảy ra với Thủ tướng Anh. Sau cùng, sự đời nó khá phũ phàng, tới 80% số giao dịch ngoại tệ lại thanh thỏa qua mấy trung tâm tài chính, như New York, Londres, Tokyo, Singapore nên chắc gì các nước đã lãnh vai trò thu thuế cho thiên hạ vì sẽ mất khách, thí dụ là Anh, Mỹ, Nhật hay Singapore. Nhiều kinh tế gia Mỹ có quan điểm thiên tả rất gần với Chính quyền Barack Obama nay cũng không còn sốt sắng gì với đề nghị này. Đòi tăng thuế giữa cơn suy trầm thì khó ai muốn theo.

- Nói chung xu hướng thiên tả trên thế giới thường mơ ước can thiệp hay phối hợp quốc tế để đạt mục tiêu lý tưởng, nhưng trong hoàn cảnh bất trắc hiện nay, loại đề nghị cao thượng ấy khó được các nước chấp thuận để được áp dụng trên toàn cầu.

- Thật ra, nếu muốn giúp các nước nghèo thì các nước công nghiệp hóa nên tôn trọng cam kết của họ là trích ra 1% tổng sản lượng cho các nước nghèo và nên viện trợ trực tiếp đến dân nghèo chứ không qua nhiều chính quyền khá tham ô. Còn lại, nếu cần sắc thuế ổn định giao dịch tài chính và tránh nạn đầu cơ, là động lực chính đáng sau khi ta đã thấy những biến động ngoại hối tại Mexico, Argentina, Đông Á và Liên bang Nga trong thập niên 90, có lẽ người ta nên khai triển sáng kiến này cho tinh vi hơn và để một định chế quốc tế thi hành. Chứ một khuôn khổ thuế khóa hạn chế giữa bảy tám nước trong 27 nước Âu châu chưa chắc đã công hiệu. Và quá nhiều biến động tài chính đang xảy ra tại Âu châu cho thấy khả năng cưỡng hành rất kém của cơ chế Âu châu khi chính nhiều nước trong khu vực này lại không đồng ý và sẵn sàng xé rào».

Thứ Ba, tháng 6 26, 2012

Treo Trên Bờ Vực

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120625
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Kinh Tế Lại Suy Trầm Nữa?




Kinh tế Hoa Kỳ đang bị treo trên bờ vực và nếu giới lãnh đạo Hành pháp và Lập pháp không sớm có quyết định thì sẽ tuột đáy, nghĩa là lại bị suy trầm nữa.

Chữ "fiscal cliff" được báo chí nhắc tới là để nói về vực thẳm ngân sách, một kịch bản gây ưu lo cho mọi người từ cả hai góc.

Trước hết là thuế sẽ tăng vì cuối năm nay sẽ đáo hạn hai đạo luật giảm thuế 2001 và 2003 thời Tổng thống George W. Bush - được triển hạn thêm hai năm và Tổng thống Barack Obama ký thành luật năm 2010. Từ đầu năm tới, người ta trở về thuế suất cũ, thời Tổng thống Bill Clinton.

Đã thế, số chi ngân sách sẽ tự động giảm.

Sau trận đánh giằng dai năm ngoái về định mức công trái tối đa, đạo luật kiểm soát bội chi ngân sách ban hành mùng hai Tháng Tám có quy định là nếu Quốc hội không tìm ra giải pháp giảm chi một ngàn 200 tỷ Mỹ kim trong 10 năm tới thì các khoản dự chi ngân sách sẽ tự động bị cắt một ngân khoản tương đương với số "cắt hụt". Ba ngày sau khi đạo luật được ban hành, công trái Hoa Kỳ đã bị công ty lượng cấp trái phiếu S&P hạ một điểm, từ hạng AAA xuống AA.

Rồi trong gần một năm trời, Quốc hội và Hành pháp chưa đạt thỏa thuận về ngân sách. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy khiến chính trường Mỹ tranh luận triền miên giữa hai hướng. Bên Cộng Hoà chủ trương giảm thuế và giảm chi để tiến dần đến quân bình ngân sách. Bên Dân Chủ đòi tăng thuế thành phần giàu có và tăng chi để giúp dân trung lưu. Trong vụ tranh luận, cựu Tổng thống Clinton lại có tiếng nói bị Hành pháp Obama coi là lạc điệu: nên triển hạn biện pháp giảm thuế thời Bush.

Trong cả năm trời, ta cứ thấy các chính khách luận về kinh tế, trong khi đó, thị trường vẫn vận hành theo quy luật riêng và đưa cỗ xe kinh tế tới bờ vực. Mà thế giới không chỉ có kinh tế Mỹ.

Quy luật đó là gì?


***


Trên đại thể, cả ba khối kinh tế dẫn đầu thế giới về trình độ phát triển - là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản - đều gặp chung một nạn là chi nhiều hơn thu và vay mượn quá sức nên tới kỳ trả nợ. Khi cần trả nợ thì thiếu tiền kích thích kinh tế. Sau ba khối Âu-Mỹ-Nhật, các nền kinh tế "đang phát triển", như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga hay Brazil, cũng có triệu chứng đình đọng, vì hết còn giải pháp xuất cảng cho ba khối kinh tế đang mất trớn. Mối nguy cộng hưởng có thể dẫn tới Tổng suy trầm sau khi đã bị một lần, từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009.

Bây giờ mới nói đến quy luật của kinh tế sau khi tìm hiểu về chính sách.

Thông thường, chính sách kinh tế quốc gia là sự dung hợp giữa hai loại giải pháp tiền tệ và ngân sách để kích thích tăng trưởng trong ổn định giá cả.

Thuộc thẩm quyền ngân hàng trung ương, một định chế độc lập, giải pháp tiền tệ là tăng hay hạ lãi suất. Giải pháp ngân sách thuộc Quốc hội và Hành pháp, gồm có tăng hay giảm chi, và/hoặc giảm hay tăng thuế. Hoa Kỳ đang gặp hoàn cảnh tai hại là hai loại giải pháp đó đều bất lực hoặc mâu thuẫn.

Bất lực như khi ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất tới số không từ bốn năm nay, hai lần bơm tiền vào kinh tế qua biện pháp gọi là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" ("quantitative easing" hay QE) và một lần đảo lãi suất để giảm phân lời trái phiếu dài hạn (gọi là "twist") được ban hành tháng Chín năm ngoái.

Tuần qua, Ủy ban Tiền tệ FOMC nhá cho biết là từ nay đến cuối năm kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp sẽ lâu giảm nên ngân hàng trung ương sẵn sàng "vặn" lãi suất một lần nữa: 276 tỷ để mua vào trái phiếu dài hạn và bán ra trái phiếu ngắn hạn! Thật ra, kinh tế Hoa Kỳ đã trôi vào "bẫy sập thanh khoản", thừa tiền mà giảm phát, tựa như đẩy một sợi dây mà mọi sự vẫn không chuyển.

Mâu thuẫn là khi chính trường tranh luận về ưu tiên, là tăng thuế hay giảm chi, mà không thể dứt khoát chỉ vì Hoa Kỳ bị bội chi quá nặng và đi vay tới mức kỷ lục. Nhu cầu tranh cử - rất ngắn hạn - khiến các chính trị gia không dám nói ra sự thật là về dài thì phải có giải pháp kham khổ sau khi đã chi quá khả năng của ngân sách.

Trong khi chờ đợi xem cách chính khách xoay trở ra sao thì chúng ta trở lại thực tế của kinh tế.


***

Vấn đề nguy ngập nhất của kinh tế Hoa Kỳ ngày nay, vốn phụ thuộc vào tiêu thụ đến 72%, là tư nhân thiếu tiền và số cầu sút giảm.

Lãi suất đã được hạ tới sàn mà vì sao không hiệu quả?

Khi hạ lãi suất, giới hữu trách về chính sách tiền tệ nhắm vào hai khu vực có phản ứng bén nhạy nhất với lãi suất là gia cư và chế biến. Khu vực gia cư tạo ra việc làm nội địa là ngành xây cất - chẳng ai thuê công nhân bên Tầu xây nhà cho dân Mỹ ở bên này. Vậy mà lượng đầu tư vào khu vực gia cư hiện chưa bằng 2% tổng sản lượng quốc gia, sau khi đã xê xích trong khoảng 5% từ hơn nửa thế kỷ.

Sau gia cư, chế biến là khu vực cũng tạo ra việc làm, nhưng dù sản lượng kỹ nghệ có tăng, số việc làm vẫn giảm đều từ cả chục năm nay. Về kinh doanh, khi dùng ít công nhân thợ thuyền hơn mà vẫn nâng sản lượng thì hiệu năng có cải tiến. Mặt trái của sự huy hoàng đó là thất nghiệp! Đã sa thải nhân viên để giảm phí tổn sản xuất thì các hãng xưởng, hay giới đầu tư, không dại gì tuyển lại hoặc tuyển thêm người.

Trừ phi lập ra hãng mới, để bán món hàng mới. Mà bán cho ai?

Giới tiêu thụ không thấy lạc quan về tương lai và nhà sản xuất thì nơm nớp lo rằng sau biện pháp giảm thuế ngắn hạn mình sẽ lãnh thuế nhiều hơn và chịu nhiều phí tổn về lương bổng hay phúc lợi xã hội. Vả lại, có tiền đầu tư nghĩa là có tiền, là bọn nhà giàu đáng ghét!

Năm qua, lợi tức khả dụng của dân Mỹ chi tăng có 0,6% sau khi khấu trừ thuế khoá và lạm phát, nên mức chi tiêu tất nhiên là giới hạn. Khi tư nhân không dám chi thì nhà nước có thể tạm thời thay thế: đó là nội dung của biện pháp tăng chi.

Nhưng tăng chi để kích thích kinh tế thật ra lại không kích thích đầu tư sản xuất và chỉ có kết quả ngoạn mục về chính trị mà bất lợi về kinh tế: là triển hạn trợ cấp thất nghiệp. Từ ba năm nay, số người thất nghiệp được hưởng trợ cấp tại Mỹ đã tăng gấp ba mức trung bình của lịch sử xứ này.

Quần chúng thường nghĩ là chính trường có thể bù đắp cho thị trường qua giải pháp của cánh tả là tăng chi và tái phân lợi tức, hoặc của cánh hữu là giảm thuế. Thị trường thật ra lại lớn hơn khả năng cứu vãn của cả hai đảng và vì vậy kinh tế cứ trôi dần đến mé vực.

Tương lai rồi sẽ ra sao?

***


Khó ai biết được tình hình của mấy tháng tới, nhưng về dài thì dù bất cứ đảng nào lên lãnh đạo các quốc gia từ Âu qua Nhật hay Mỹ đều đụng vào thực tế mà mọi bà nội trợ đều biết: không thể đi vay để đi tiêu - mà phải quân bình lại chi thu.

Các nước sẽ chỉ chi ra một ngạch số bằng với nguồn thu thuế khóa. Trong khoản công chi này thì đã phải tính cả tiền lời đi vay. Việc tăng thuế không giải quyết được bài toán đó mà gánh nặng thuế khóa lại đánh sụt sản xuất. Các nước chỉ còn giải pháp giảm chi, kể cả các khoản chi gọi là bắt buộc.

Con đường gian khổ ấy là ngả thoát hiểm duy nhất và chỉ hy vọng thành hình nếu người dân hiểu ra. Dân Mỹ đã thấy kinh nghiệm Nhật Bản từ 1999 và Âu Châu từ 2009 nên có thể sớm hiểu ra sau khi rơi xuống hố vào năm tới. 

Lạc quan trong sự bi quan?

Thứ Bảy, tháng 6 23, 2012

Tậu Voi Chung Với Đức Ông


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 120622

Chơi với Mỹ trong một năm tranh cử là chơi dại....



Năm nay Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống và vì tình hình kinh tế lẫn việc làm chưa được khả quan, Tổng thống Barack Obama gặp nhiều khó khăn trong việc tái tranh cử. Người ta nên thông cảm với ông ta khi Chính quyền Obama tại thủ đô và ban tranh cử của ông tại Chicago bày ra nhiều trò lạ để đánh lạc hướng dư luận và vận động các thành phần cử tri truyền thống của mình.

Hàng loạt những quyết định về chính sách xã hội như quyền hôn nhân đồng tính, quyền phá thai, vai trò của phụ nữ, hoặc miễn trục xuất di dân lậu, v.v... thuộc về thủ thuật chính trị của một tổng thống yếu thế không có khả năng đề nghị một chương trình hành động quy mô để giải quyết nan đề ưu tiên của nước Mỹ, là kinh tế.

Tùy theo khẩu vị hay quyền lợi của mình, cử tri và công luận có thể tin hay không vào những chủ trương xã hội đó. Chuyện đáng nói là chánh sách đối ngoại cũng trở thành đề mục tranh cử với những thủ thuật kỳ bí mà nước ngoài có thể không hiểu.

Thí dụ nổi bật là hàng loạt tin tức được tiết lộ có chọn lọc cho loại truyền thông báo chí thân chính, có thiện cảm với chính quyền. Nhật báo New York Times thuộc vào loại đó và những tiết lộ dồn dập cho thấy hình ảnh Barack Obama là tổng thống quả cảm, dám lấy những quyết định táo bạo để bảo vệ an ninh của nước Mỹ.

Vốn xuất thân từ cánh tả, có lập trường phản chiến hay 'hiếu hòa', ông Obama cần khẳng định tinh thần cương quyết của mình. Vì vậy, một trong nhiều ấn tượng được phóng chiếu ra ngoài là Tổng thống Mỹ đích thân chọn lấy mục tiêu tấn công quân khủng bố tại A Phú Hãn hay Pakistan để máy bay không người lái (UAV, drones) thi hành.

Người ta không nên coi đây là chuyện khôi hài: những tiết lộ động trời từ "giới chức cao cấp xin giấu tên" đã được một nhà báo có cơ duyên với Tòa Bạch Cung là David E. Sanger của tờ New York Times viết thành sách.

Cuốn "Confront and Conceal: Obama's Secret Wars and Surprising Use of American Power" do  David Sanger vừa phát hành vào Tháng Sáu có đầy chi tiết mà Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Diane Feinstein, cho là chính mình cũng không được biết. Dianne Feinstein là một Nghị sĩ Dân Chủ có uy tín và đang yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra về những tiết lộ mà bà cho là có hại cho an ninh của Hoa Kỳ.

Trước đó, cuốn "The Amateur: Barack Obama in the White House" của ký giả Edward Klein còn đáng chú ý hơn. Cuốn sách dẫn đầu số bán ngay từ tuần lễ đầu tiên và trong bốn tuần liền, cho đến tuần qua. Tác giả là cựu biên tập viên quốc tế của tuần báo Newsweek và 10 năm liền làm chủ biên tạp chí The New York Times Magazine của tờ New York Times. Ông trình bày nội tình của ban tham mưu của tổng thống qua rất nhiều cuộc phỏng vấn, với những phanh phui cho thấy Barack Obama là tay mơ (dịch cho đúng chữ "The Amateur").

Nhưng có một chuyện mà Chính quyền Obama lại không là tay mơ chút nào. Đó là cách Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.

Qua những tiết lộ của David Sanger trên tờ New York Times vào đầu Tháng Sáu, người ta được xác nhận rằng hệ thống điện toán của Iran bị nhiễm trùng. Một loại vi khuẩn điện tử tên là Flame có sức công phá dữ dội của một điệp viên hai mang, và tung hoành trong cả ngàn máy điện toán của Iran, Sudan, Syria, Lebanon và Palestine.

Bị nặng nhất là hệ thống điện tử trong các trung tâm chế tạo võ khí hạch tâm của Iran.

Xuất xứ của sáng kiến tấn công trên không gian điện toán là từ Chính quyền George W. Bush vào năm 2006 nhằm cản trở dự án hạch tâm của Iran. Phương tiện thử nghiệm đầu tiên là loại máy ly tâm P-1 của Libya do lãnh tụ Muammar Gaddafi giao nộp cho Hoa Kỳ từ năm 2003 để bày tỏ thiện chí tự giải giới của mình. Iran cũng mua lại máy đó từ Pakistan, nhờ sự toa rập của nhà bác học nguyên tử  Abdul Qadeer Khan của Pakistan.

Thế rồi kế hoạch tinh vi này có bước đột phá là sự hợp tác của Chính quyền Israel, qua bộ phận tình báo "Unit 8200", một trung tâm tình báo điện tử tương tự như cơ quan NSA National Security Agency của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chính quyền Obama nâng cấp kế hoạch cũ với mật hiệu mới là "Olympic Games" và càng có ý tăng cường hợp tác với Israel để thuyết phục Chính quyền Tel Aviv về quyết tâm của mình, hầu Thủ tướng Binyamin Netanyahu khỏi nghĩ tới giải pháp không tập các căn cứ hạch tâm của Iran.

Đấy là lúc xuất hiện loại sâu điện tử, computer worm tên là Stuxnet, một chương trình điện toán có khả năng phân thân để phát triển từ phần nhu liệu gián điệp (spyware) vào thật sâu trong từng máy điện toán để tiếp tục phá tác toàn bộ hệ thống.

Lần đầu tiên mà David Sanger tiết lộ bí kíp gián điệp điện tử này là vào đầu năm 2011.

Nhưng chi tiết dồi dào và hấp dẫn được cung cấp thêm là từ đầu Tháng Sáu vừa qua, hai ngày sau khi có tin là hệ thống điện toán của Iran bị tổn thất nặng. Những người cả tin nhất nước cũng có thể thấy ra sự trùng hợp của thời điểm: đấy là thành tích của tình báo Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo anh minh của Tổng thống Barack Obama, người đang ra tái tranh cử.

Trong mặt trận tình báo, chúng ta đều hiểu quy luật đấu tranh là "thắng thì im mà thua thì lặng".

Khi bị thua thì ngoài lý do ngoại giao, người ta cứ đành nín thinh để bảo toàn lực lượng và không xác nhận thêm bất cứ chuyện gì. Khi thắng thì không ai khoe thành tích của mình như vậy vì mặc nhiên cho đối phương biết về khả năng xâm nhập và tấn công của mình.

Chính quyền Obama lo cho ưu tiên tái đắc cử hơn là bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Vì vậy, Nghị sĩ Dianne Feinstein mới nêu thành vấn đề và đòi điều tra. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.

Vì còn chuyện "tình nghĩa đồng minh" nữa chứ.

Qua cuốn sách đang gây sôi nổi của David Sanger, ta được biết nguồn tin của tác giả là "các giới chức đương nhiệm hay hồi hưu của Hoa Kỳ, Âu Châu và Do Thái (Israel)". Không ai kiểm chứng được họ là ai - việc điều tra của Quốc hội có khi lại đụng vào Tu chính án số Một của Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí.

Nhưng chi tiết lý thú ở đây là phản ứng của Phó Tổng thống Joe Biden khi có người nêu vấn đề về chuyện tiết lộ bí mật tình báo. "Hẳn là tại Israel!" Biden ám chỉ là bí mật về an ninh đã bị lộ vì "Israel đi quá xa".

Nếu tình báo Do Thái là loại tay mơ khiến cho những bí mật sinh tử như vậy lại lọt ra ngoài thì xứ này quả là không đáng tồn tại giữa một biển người Á Rập và các chính quyền chỉ muốn xoá tên Israel trên bản đồ. Hoặc đẩy dân Do Thái xuống biển.

Thứ nữa, nếu loại sâu gián điệp Stuxnet này lại biến hoá vô lường và tấn công mọi máy điện toán bất kể là an ninh hay kinh tế, quân sự lẫn dân sự của các nước, thì Hoa Kỳ vi phạm một chính sách hiếu hòa của mình qua năm sáng kiến của "Chiến lược Quốc tế trên Không gian Điện tử" – International Strategy for Cyberspace - được Chính quyền Obama thông báo từ Tháng Bảy năm ngoái.

Nguyên tắc chỉ đạo của Chiến lược này được tuyên xưng rõ ràng: "Không gian điện toán digital là nơi bắt đầu có quy phạm hành xử hữu trách, công chính và hoà bình giữa các quốc gia và dân tộc". Hoa Kỳ chỉ phòng thủ chứ không bừa bãi tấn công những máy điện toán chẳng liên hệ gì đến Iran.

Nghĩa là nước Mỹ nói một đàng mà nếu có ai làm một nẻo thì đấy là Israel! Nói cho lịch sự, cái tội của Israel là chơi trò gian theo kiểu "binh bất yếm trá". Chứ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Obama tất nhiên là cao thượng hơn nhiều!

Nếu quả là tình báo điện tử của Israel lại chểng mảng trong công vụ vì để lộ mật hoặc vô trách nhiệm trong hành động khi tấn công lung tung thì tình báo Hoa Kỳ và Chính quyền Obama phải trước tiên biết rõ chuyện ấy khi các cơ quan hữu trách đã hợp tác với nhau từ nhiều năm nay. Chẳng lẽ chuyên gia điện toán Mỹ lại không biết gì về việc làm của người đồng nhiệm trong cơ quan đồng minh kia?

Kết luận ở đây là gì?

Khi hữu sự, trong một mùa tranh cử, Chính quyền Obama có thể tiết lộ cho báo chí loan truyền ra hình ảnh và thành tích của mình. Nhưng một người hữu trách như Phó tống thống vẫn có thể cạo sửa lại thành tích. Phần tích cực là do sự quả cảm của lãnh đạo Mỹ, những sai lầm kia là của đồng minh Israel!

Vốn dĩ đã dày kinh nghiệm về chính trường Hoa Kỳ, Chính quyền Israel vẫn giữ im lặng trước chuyện tiết lộ và cả sự phản phúc đó của lãnh đạo Mỹ. Phải chăng, ưu tiên của họ là sự tồn vong trong khi ưu tiên của ông Obama chỉ là tái đắc cử?

Chúng ta bỗng nhớ đến ngạn ngữ của mình:
"Tậu voi chung với Đức Ông,
Vừa phải đánh cồng vừa phải rửa phân!"

Và hồi tưởng kinh nghiệm xa xưa của Việt Nam....