Thứ Hai, tháng 10 31, 2011

Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa & Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày Thứ Bảy 20111029

Một vòng đai vây quanh Trung Quốc?

Hiệp định Xuyên Thái bình dương hay là Trans-Pacific Partnership (DR)
Hiệp định Xuyên Thái bình dương hay là Trans-Pacific Partnership (DR)

Trọng Nghĩa
 
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức trong hai ngày 12/11 và 13/11/2011, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, hay Trans-Pacific Partnership (TPP).

Tháng 11 này có hai hội nghị đáng chú ý. Thứ nhất là Hội nghi Thượng đỉnh APEC vào hai ngày 12-13 tại Hawaii, tập hợp lãnh đạo 21 nền kinh tế. Một tuần sau, ngày 19 tại Bali (Indonesia) sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á gồm 18 nước, năm nay lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Mỹ sẽ thúc đẩy một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán Hiệp định Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là TPP. 

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoa Kỳ
 
29/10/2011
 
 







RFI có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về nội dung và những mục tiêu chìm nổi của sáng kiến TPP. Trước hết anh Nghĩa nhắc lại xuất xứ của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. 

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Ban đầu, và bên lề Thượng đỉnh APEC tại Mexico vào năm 2002, có ba quốc gia ở ba góc Thái bình dương có sáng kiến thành lập một liên minh kinh tế liên Thái Bình Dương, đó là xứ Chile ở Nam Mỹ, xứ New Zealand hay Tân Tây Lan tại cực Nam biển Thái bình và Singapore ở Đông Nam Á. Sáng kiến ấy được xứ Brunei hưởng ứng và bốn nước đã có năm kỳ họp để tiến tới một khối hiệp thương kinh tế tự do. Mục đích cụ thể là từng bước và cho đến năm 2016 này là tháo gỡ hết mọi rào cản về thuế quan giữa các hội viên. Bốn nước tiên phong mở đường gọi là nhóm P-4 cũng cho biết là sẵn sàng đón nhận các hội viên mới. 



RFI: Thế thì Hoa Kỳ tham dự vào sáng kiến này từ khi nào? 
 
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Với sức nặng của mình, Hoa Kỳ can dự vào hồ sơ nào, dù chỉ về kinh tế chẳng hạn, thì hồ sơ ấy cũng trở thành chiến lược! 

- Đầu năm 2008, Chính quyền George W. Bush thấy sáng kiến của bốn nước tiên phong ấy có giá trị nên chính thức xin gia nhập. Cuối năm đó, ba nước khác cũng muốn gia nhập là Úc, Việt Nam và Peru tại Nam Mỹ. Qua năm 2010, có thêm Malaysia rồi các nước như Canada, Đài Loan, Philippines, Nam Hàn và Nhật cũng muốn là thành viên của một hiệp định rõ ràng là đối tác chiến lược về kinh tế. Khi Chính quyền Obama nhậm chức vào đầu năm 2009 thì các nước khác có vẻ dụ dự vì xu hướng bảo hộ mậu dịch khá mạnh của đảng Dân Chủ tại Mỹ, nên vòng đàm phán hồi Tháng Ba năm đó bị đình hoãn.

Nhưng đến cuối năm, Hoa Kỳ xác nhận là quyết chí theo đuổi hồ sơ này. Tháng trước đây, khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn ba hiệp định tự do thương mại song phương với Colombia, Panama và nhất là Nam Hàn, người ta tin rằng việc thành hình một liên minh Xuyên Thái Bình Dương sẽ có nhiều hy vọng, nhất là với sự gia nhập của Nam Hàn mà dư luận Mỹ cho là quan trọng gần như Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA đã ký kết với Canada và Mexico đầu năm 1994.  



RFI: Thưa anh, dù không nói ra, ai cũng thấy rằng liên minh đó lại không có Trung Quốc ! Chuyện ấy có đáng chú ý chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Rất đáng chú ý và lý thú nữa ! 

- Thứ nhất, Chính quyền Obama tái khẳng định rằng Hoa Kỳ đang trở lại Đông Á. Thực tế thì nước Mỹ chưa hề rời Đông Á. Từ vào chục năm qua, luồng giao lưu ngoại thương với Mỹ qua Thái bình dương tiếp tục gia tăng và đã vượt qua lượng hàng hóa buôn bán với Âu châu. Cụ thể thì lượng hàng hóa mà Mỹ vận chuyển qua Thái bình dương chiếm hai phần ba tổng số của Mỹ. 

- Thứ hai, sáng kiến Xuyên Thái bình dương này sẽ khiến toàn khu vực trở thành một vùng tự do mậu dịch đáng kể. Hai ngoại lệ đáng chú ý: Canada thì bị các nước tiên phong từ chối, nhất là Mỹ và New Zealand, vì chính sách nông nghiệp và sản phẩm về sữa của xứ này. Còn Nhật Bản thì vẫn do dự vì phải mở cửa thị trường nông sản và tháo gỡ chế độ bảo hộ nông nghiệp của họ. Cho đến nay, hai xứ này vẫn chỉ gửi quan sát viên đến tìm hiểu mấy đợt đàm phán mà thôi. Ta sẽ xem Hoa Kỳ khuyến khích hai xứ đó như thế nào. 

- Thứ hai và trở lại chuyện Trung Quốc, Hoa Kỳ có 10 năm bất định sau khi Liên Xô tan rã năm 1991; rồi 10 năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo từ năm 2001. Thời khoảng ấy là cơ hội bành trướng của Trung Quốc và Bắc Kinh còn củng cố quan hệ với Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là tổ chức ASEAN. Với sáng kiến Xuyên Thái bình dương, Trung Quốc coi như đứng ngoài. 

- Mà nếu có mon men bước vào thì sẽ gặp ngay trở ngại với nhiều nước khác vì vai trò khống chế của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước này hoàn toàn xa lạ và không thể chấp nhận được trong tinh thần tự do ngoại thương và đối tác kinh tế Xuyên Thái bình dương. Vì vậy, nếu Hoa Kỳ cùng các nước kia xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong khi tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao, chính trị và quân sự thì tất nhiên Trung Quốc thấy là bị bao vây. Bắc Kinh sẽ tìm cách chinh phục hay thuyết phục từng nước Đông Á riêng lẻ, như họ đã thực hiện với khối ASEAN. 



RFI: Câu hỏi cuối, thưa anh. Việt Nam có mặt trong vòng đàm phán Xuyên Thái bình dương, đâu là chuyện lợi hại trong hồ sơ này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : - Lợi cho ai và hại cho ai mới là vấn đề! 

- Việt Nam có lợi khi thành đối tác kinh tế thuộc hàng chiến lược với một số quốc gia trong vành cung Thái bình dương và giảm dần sự lệ thuộc tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Nhưng lãnh đạo Hà Nội có muốn vậy không? Nếu muốn gia nhập thì lãnh đạo phải coi lại ưu tiên đầy tốn kém của các doanh nghiệp nhà nước mà gỡ bỏ dần như một cách bày tỏ thiện chí.

- Điều ấy có lợi cho kinh tế và người dân nhưng lại đụng vào quyền lợi của nhiều đảng viên và các nhóm thế lực trên thượng tầng. Với Hoa Kỳ thì đây là chuyện nhỏ, vì nước Mỹ chú trọng đến toàn khối Đông Á và vị trí của Trung Quốc. Nhưng với Việt Nam, đây là một cơ hội bước ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc.

Thứ Sáu, tháng 10 28, 2011

"Mùa Xuân Á Rập" và "Cách Mạng Hồi Giáo"


Nguyễn Xuân Nghĩa - KBC Hải ngoại Ngày 20111028

Ảo giác về triển vọng dân chủ và rủi ro khủng hoảng trong thế giới Á Rập Hồi giáo




Từ đầu năm 2011, thế giới vui mừng khi thấy các nước Á Rập Hồi giáo có chuyển động khi người dân nổi lên chống lại chế độ. Khởi đi từ một vụ đảo chánh tại Tunisie rồi Ai Cập (Egypt), nỗi vui mừng khiến người ta lạc quan nói đến một kỷ nguyên dân chủ chưa từng thấy trong thế giới Á Rập.

"Mùa Xuân Á Rập" hoặc "Cách mạng Hoa nhài", quốc hoa của xứ Tunisie, trở thành khẩu hiệu hấp dẫn cho những người khát khao dân chủ ở nơi khác. 

Nhưng sự thật Á Rập lại chưa hẳn như vậy. Một sự thật khác thí ít được chú ý: Truyền thông Tây phương, thậm chí cả lãnh đạo, biết quá ít về thế giới kỳ bí và phức tạp này, mà lại ảnh hưởng quá nhiều đến nhận thức của thế giới, nhất là thế giới dùng Anh ngữ.

Vì nói mãi về triển vọng dân chủ, Tây phương tin vào sự miêu tả hay giải thích của chính mình. Rồi khiến chúng ta dễ hồ hởi sảng! Người viết xin làm công việc xối nước lạnh - để chúng ta cùng tỉnh ngủ.


***


Khu vực gọi là Bắc Phi và Trung Đông – gọi tắt là MENA, Middle East & North Africa – gồm có nhiều mảnh vụn của Đế quốc Hồi giáo Ottoman bị tan rã sau Thế chiến I, cách đây 90 năm.

Sau hơn 600 năm tồn tại, một đế quốc rộng lớn xuất hiện từ năm 1299 – đời nhà Trần nước ta – tất nhiên đã để lại nhiều di sản văn hoá và chính trị. Khi ấy, tức là trong thế kỷ vừa qua, chúng ta lại ít biết về những hậu quả này vì chỉ nhìn thấy sự xuất hiện của Tây phương.

"Tây phương" vào thời đó là các nước Âu Châu đã bành trướng toàn cầu với chủ nghĩa thực dân, rồi suy tàn vì chinh chiến bên trong, vì xung đột với chủ nghĩa Cộng sản từ Liên bang Xô viết, với chủ nghĩa Phát xít của Đức quốc xã, và gần nửa thế kỷ "Chiến tranh lạnh" giữa hai khối Đông-Tây. "Tây" ở đây là Tây phương, nhưng do một siêu cường mới nổi lên từ thế kỷ 20 giữ vai trò lãnh đạo. Đó là Hoa Kỳ.

Thế giới của chúng ta - của người Việt mình - chỉ chú ý đến phần "Tây phương" vì bị ảnh hưởng nặng nhất, về mọi mặt. Sau đó ta mới ít nhiều chú ý đến phần Cộng sản – ít hơn nhiều – dù bị tấn công từ năm 1930, bại trận năm 1975 và nay vẫn chưa thoát.

Từ thế giới Tây phương, chúng ta cũng hiểu thêm về sự chuyển hóa của Âu Châu qua hình thái sinh hoạt dân chủ, có khác biệt với chế độ thực dân tàn khốc thời xưa. Và thấy rằng trong các hệ thống chính trị, nền dân chủ là ít tệ nhất, có giá trị phổ cập nhất. Nên cũng tưởng rằng cả nhân loại đều mong muốn như vậy.

Trở lại chuyện Á Rập, từ khi Đế quốc Ottoman suy sụp và tan rã, khu vực MENA trôi vào quỹ đạo Âu Châu, trở thành nạn nhân của chế độ thực dân. Người Hồi giáo thì không thể quên chuyện "Thập tự chinh", một nỗ lực bành trướng của Âu Châu, bị đánh bại và chấm dứt khi Đế quốc Ottoman ra đời. Với họ, chủ nghĩa thực dân hay chế độ giám hộ của Âu Châu chỉ là một biểu hiện mới của chuyện cũ. Mâu thuẫn tôn giáo và chính trị bị hòa nhập làm một.

Nhưng cùng lúc đó, một Đế quốc khác xuất hiện từ năm 1917, Đế quốc Xô viết hay "Liên bang Xô viết".

Với tổ chức khoa học và tinh vi, Đế quốc này kết hợp lý luận với ngoại giao cùng nghệ thuật khuynh đảo do một bộ phận có nhiệm vụ thực hiện, là "Quốc tế Cộng sản" Komintern, nhằm xây dựng vùng trái độn và mũi xung kích cho cả đế quốc. Lúc ban đầu, các hạt nhân cộng sản được gieo trồng trên thế giới đều được Liên Xô ươm mầm vun xới (một trong những hạt nhân đó tại Việt Nam là Hồ Chí Minh, xuất thân từ đảng Cộng sản Pháp, một đảng ra đời năm 1920 do nghệ thuật tác động của mật vụ KGB).

Khi Đế quốc Ottoman tan rã, vành đai kiềm tỏa bị đánh bung đã mở ra một thời kỳ đại loạn giữa ba sắc tộc lớn là người Thổ (sáng lập đế quốc), người Ba Tư (một dân tộc từng làm chủ một đế quốc thuộc loại rộng lớn nhất thế giới) và một tập hợp hỗn tạp của những người tự xưng "Á Rập". Tôn giáo chính của họ vẫn là Hồi giáo, nhưng chia thành hai hệ phái lớn là Sunni và Shia - và nhiều tông phái nhỏ hơn. Ngoài ba chủng tộc đông dân nhất vừa nói ở trên, còn có nhiều thị tộc hay bộ lạc, vẫn sinh hoạt theo nền nếp cá biệt, cổ xưa, với bản sắc riêng, trong từng khu vực biệt lập.

Sự suy tàn của Âu Châu cùng sự lớn mạnh đột ngột của Đế quốc Xô viết khiến khu vực MENA là địa bàn tranh hùng. 

Âu Châu bị lụn bại vì ba lần đại chiến (1870, 1914, 1939) muốn quay về đất cũ ở bên kia Địa Trung hải, là nơi mà Liên Xô muốn xâm nhập: sau Âu Châu, đây là nơi Đế quốc Xô viết cho là vùng chiến lược, phải ưu tiên chinh phục.

Một trong những thành tích đáng kể nhất là qua Komintern và KGB, lập ra các phong trào "Á Rập Đỏ", nói cho lịch sự là "Á Rập Xã hội Chủ nghĩa". Những hạt mầm họ gây dựng được đã đơm hoa kết trái thành các chế độ độc tài ngày nay.

Ngoài ra, nếu không trực diện tranh hùng bằng quân sự thì họ áp dụng phương pháp khủng bố. Các tổ chức khủng bố khét tiếng trong thế giới Hồi giáo từ những năm 1960 đều đã được Liên Xô huấn luyện và yểm trợ. Ngày nay, vì vụ khủng bố 9-11 của al-Qaeda tại Hoa Kỳ năm 2001, người ta quên mất thành tích của PLO, của YasserArafat, Abu Nidal, hay Carlos the Jackal, v.v...

Vì vậy, trên những mảnh vụn của Đế quốc Ottoman, ta thấy xuất hiện nhiều xu hướng trái ngược, có chung một nét là rất cuồng tín cực đoan – khác hẳn thế giới Hồi giáo tại Đông Nam Á.

Trước tiên, có xu hướng phát xít của các lãnh tụ đã từng hợp tác với Đức quốc xã. Vì tinh thần phát xít, lại được Liên Xô yểm trợ, họ chủ trương hiện đại hóa theo phương pháp cộng sản, gọi đó là "xã hội chủ nghĩa". Các lãnh tụ khét tiếng của khối Á Rập Đỏ này chính là Gamal Nasser tại Ai Cập, Hafer al-Assad tại Syria, hay Moammar Gaddafi tại Libya. Họ muốn xây dựng một chế độ thế quyền - quyền lực thế tục - tập trung vào một đảng và cai trị theo lối chuyên chế độc tài. Lồng trong "lý tưởng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Xô viết" còn có tham vọng vĩ cuồng – megalomane - của các lãnh tụ muốn lãnh đạo toàn khối Á Rập. Không hề tin nhau mà còn cạnh tranh với nhau để lãnh đạo khối Á Rập, các lãnh tụ này đều giương cao lá cờ chống Mỹ và chống Israel, theo đúng chủ trương của Liên Xô.

Phản ứng ngược lại với xu hướng Á Rập Đỏ thì có xu hướng thần quyền - quyền lực tuyệt đối đạo Hồi, theo cách suy diễn cực đoan nhất. Họ muốn tiến hành cách mạng tôn giáo để thống nhất sức mạnh của đạo Hồi, được cai trị bằng giáo luật Sharia. Xu hướng "Cách mạng Hồi giáo" này lại có hai hệ phái Sunni và Shia, và cứ coi nhau như kẻ thù.

Lực lượng khủng bố al-Qaeda của Osama bin Laden là một nhánh nhỏ và cuồng tín nhất của hệ phái Sunni. Lãnh đạo hệ phái Shia thì có các Giáo chủ Iran hay sản phẩm của họ, là lực lượng khủng bố Hezbollah tại Lebanon, thậm chí lực lượng Hamas trong cộng đồng Palestine trên Dải Gaza.

Ở giữa hai xu hướng lớn này – Hồi giáo thế quyền theo xã hội chủ nghĩa và Cách mạng thần quyền của Hồi giáo cuồng tín – là một số vương quốc Á Rập theo chế độ quân chủ, từ Maroc đến Jordan và Vịnh Ba Tư, như Saudi Arabia, Kuweit, Bahrain. Họ e sợ cả hai trào lưu cách mạng đó, và tìm sự bảo vệ của Tây phương.

Đó là các nước Hồi giáo được gọi là "ôn hoà" - vì thân Tây phương và chống "Cách mạng Hồi giáo" của xu hướng thần quyền - nhưng đa số vẫn còn nạn độc tài. Ngoại lệ có thể đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay, thí dụ như Vương quốc Maroc.

Xen trong mớ bòng bong đó còn có các thị tộc, lãnh chúa, các lực lượng võ trang và thậm chí đạo tặc.

Và giữa ba khối sắc tộc lớn nhất - người Thổ, Ba Tư và Á Rập - thì khối Á Rập có mật độ hỗn loạn cao nhất vì phân tán vào hơn hai chục quốc gia, đa số bị các lãnh tụ khống chế cho những  tham vọng riêng, với màu sắc Á Rập.

Còn lại, xu hướng dân chủ là sản phẩm hiếm có trên thị trường Á Rập.

Nhiều người có học hoặc khá giả thì đã nhập cư vào các nước Tây phương và lên tiếng thay cho dân Á Rập theo lý luận quen tai làm truyền thông Tây phương tưởng thật! Những người còn ở trong nước thì bị quy tội "tay sai" của Tây phương, hay Mỹ đế, và bị diệt trừ thẳng tay mà các nước Tây phương chỉ có thể bênh vực một cách yếu ớt.

Khi Liên Xô tan rã hai chục năm trước, khối Á Rập Đỏ suy vong. Ngày nay, họ chỉ còn có thể bám víu vào hai cường quốc độc tài là Liên bang Nga - hậu thân của Liên Xô – và Trung Quốc.  Còn lại, xu hướng "Cách mạng Hồi giáo" thì bị lão hóa, tư tưởng già nua lạc hậu chỉ còn sức thuyết phục nhờ khả năng khủng bố và trước đó, nhờ tinh thần ngu dân và luận điệu chống Tây phương. 

Trong khi xu hướng dân chủ thì vẫn non yếu, thiếu tổ chức và dễ bị quy chụp tội thân Tây phương. Và quan trọng nhất, các nước Tây phương thì đang gặp nhiều vấn đề bên trong nền kinh tế và xã hội, kể cả hiện tượng dân số tại Âu Châu bị lão hóa trước đà sinh sản của di dân mà đa số là gốc Hồi giáo, từ các thuộc địa cũ tiến lên.


***


Khi Liên Xô suy vong, người ta tưởng rằng đấy là cơ hội bùng phát dân chủ!

Thật ra, đó chỉ là "Hội chứng 1989": chỉ có các nước Đông Âu là được giải phóng nhờ phản ứng quốc gia dân tộc chống Nga, sức hút của Tây Âu và sự yểm trợ thất thường của Hoa Kỳ. Chứ Liên bang Nga bị khủng hoảng với nền dân chủ giả hiệu thời Boris Yeltsin. Rồi tái xuất hiện từ năm 2000 với ách độc tài, trong nỗ lực khôi phục lại những gì Liên Xô đã mất. Trung Quốc thì cải cách mà vẫn triệt hạ dân chủ, với thành tích là vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989.

Ngày nay, chúng ta đang có thể gặp lại "Hội chứng 1989" trong khối Á Rập, một sự hồ hởi sảng.

Cả Liên bang Nga và Trung Quốc đều có mối lo Hồi giáo bên trong và không chấp nhận được những hiện tượng dân chủ hay độc lập trong thế giới Hồi giáo. Họ lại có kinh nghiệm và tổ chức khuynh đảo nên có khả năng xử lý – phá hoại – vượt xa Tây phương.

Bây giờ, khi thế giới Á Rập bị rúng động, người ta có thể thấy ra khung cửa hẹp của dân chủ giữa hai bờ vực đầy quyến rũ cho quần chúng u mê. Đó là chủ nghĩa độc tài quân phiệt và Cách mạng Hồi giáo cuồng tín. Điều đáng sợ hơn vậy là sự giao thoa, như cái bình thông đáy, giữa hai xu hướng này. Tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" theo hướng cách mạng thần quyền vẫn tiếp tục phát triển cơ sở và còn mở rộng cơ hội hợp tác với chế độ độc tài quân phiệt trong giai đoạn giao thời hiện nay. Đấy là những gì đã thấy tại Ai Cập và có thể sẽ thấy sau này tại Libya, hay Syria...

Nghịch lý ấy thật ra dễ hiểu: hai xu hướng độc tài và thần quyền cực đoan đều có kẻ thù chung là tinh thần dân chủ của Tây phương. Là Tây phương, là Thiên chúa giáo, Israel hay "Đế quốc Mỹ". Trong khi ấy, Tây phương thì hời hợt, truyền thông nông cạn và dư luận thiếu kiên nhẫn nên, ở trên cùng, lãnh đạo rất sẵn sàng đổi ý. Năm 1989, họ đã đổi ý với Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên an môn, bây giờ cũng dập dừng bất định trước cảnh đàn áp tại Syria.

Vì vậy, thế giới Á Rập chưa thể sớm có dân chủ như người ta trông đợi. 

Mà vì khu vực ấy lại liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn của Hoa Kỳ, ưu tiên của nước Mỹ sẽ còn bị thu hút vào đây. Điều ấy có nghĩa là nước Mỹ còn hòa hoãn với Liên bang Nga để tìm cách giải quyết chuyện A Phú Hãn và Iran - tức là cả hồ sơ Iraq. Và chưa sẵn sàng quay lại đối phó với Trung Quốc trong thế mạnh.

Đây mới là kịch bản bất lợi cho Việt Nam! Vậy mà nhiều người vẫn nuôi ảo giác là nhờ Cách mạng Hoa nhài mà Việt Nam sẽ có dân chủ, thậm chí còn mong được Mỹ bồng về làm khuôn mặt đối lập!


(Bài này được viết ngày 19 Tháng Chín, 2011 cho tờ "KBC Hải Ngoại", vừa tục bản vào đầu Tháng 11 này)

Hớt Tóc và Cầm Tô Xin Tiền...

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 111027

Bi hài kịch của đồng Euro  

  * Hý họa của tờ The Economist *


Sau mấy tuần rồi mấy ngày tranh luận đến nghẹt thở, đêm Thứ Tư rạng ngày Thứ Năm 27, giờ Bruxelles, lãnh đạo các nước Âu châu đã đạt một kết quả đáng mừng về vụ nở nần của Hy Lạp. Đáng mừng được vài ngày.

Nội dung thoả thuận có ba chi tiết sau đây.

Thứ nhất, Hy Lạp sẽ giảm nợ chừng 40%, để từ mức công trái hiện nay là 160% Tổng sản lượng Nội địa xuống dần đến 120% vào năm 2020, được Liên hiệp Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp thêm 100 tỷ Euro (khoảng 140 tỷ Mỹ kim) qua một chương trình tài trợ sẽ nghiên cứu sau.

Thứ hai, trong nỗ lực giảm nợ cho Hy Lạp, các ngân hàng và chủ nợ Âu châu lỡ dại cho vay sẽ chịu lỗ 50% - thuật ngữ của họ gọi là bị "gọt tóc" – và sẽ tăng vốn, chừng 106 tỷ Euro, để duy trì được tiêu chuẩn an toàn là vốn riêng phải bằng 9% của các tài sản có rủi ro.

Thứ ba, Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu (EFSF European Financial Stabiliazation Fund) được cấp thêm vốn gấp năm lần, để có chừng một ngàn tỷ Euro hầu cấp cứu xứ nào lâm nạn. Mới ra đời, với bình nước chữa lửa là 440 tỷ, Quỹ EFSF này đã cam kết bơm ra từ 165 tỷ đến 190 tỷ trong ba năm tới để dẹp cơn hoả hoạn tài chánh của ba nước là Hy Lạp, Ireland và Purtugal. Nay chỉ còn từ 250 đến 275 tỷ khả dụng nên mới được bơm thêm nước để làm lính cứu hỏa tài chính cho Âu châu.

Được tin vui vào giờ chót như vậy, các thị trường tài chính thế giới đều hồ hởi. Sự thật thì vẫn chỉ là bình nước biển cho một con bệnh nan y. Chúng ta nên tìm hiểu tại sao, như cột báo này đã phân tách nhiều lần từ nhiều năm nay.


***


Một chi tiết bị truyền thông lãng quên là hôm Thứ Tư 26, Hạ viện Đức Bundestag đã biểt quyết đạo luật cho phép Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel cấp thêm tiền cấp cứu Quỹ cấp cứu EFSF - trong một giới hạn nhất định. Tức là Đức không tiếp tục làm tay chủ chi cứ è lưng gánh nợ cho Âu châu như trong quá khứ. Sau thượng đỉnh, bà Merkel phải giải thích tiếp về các chi tiết chấp hành, trong khuôn khổ do Quốc hội đề ra.

Lồng trong bi kịch này là một hài kịch khác: ngay sau khi đạt thoả thuận cấp cứu, cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lẫn Chủ tịch Quỹ EFSF lập tức liên lạc với Bắc Kinh và Tokyo. Tìm đường cứu nước hay tìm nước cứu đường là tùy cách gọi!

Nhìn lại thì từ gần hai năm nay (21 tháng đã qua), các nước Âu châu – 27 quốc gia trong tổ chức gọi là Liên hiệp Âu châu và 17 nước trong khối tiền tệ thống nhất, là khối Euro – đã đánh vật với quá khứ để cứu lấy tương lai. Trong đó có số phận của đồng Euro và cả sự thống nhất của cộng đồng Âu châu. Vụ khủng hoảng ngân hàng, đồng Euro, hoặc công trái (nợ nần của nhà nước) của Hy Lạp, Tây Ban Nha (Spain) hay Bồ Đào Nha (Portugal), v.v... chỉ là biểu hiện của vấn đề thống nhất chính trị bên trong Âu châu mà thôi. 

Chúng ta nên tìm hiểu về vấn đề ấy. Và nhìn từ rất xa.


***


Lục địa Âu châu khống chế và chi phối thế giới được đúng 500 năm. 

Từ khi Columbus khám phá ra "Tân thế giới" năm 1492 đến khi một cường quốc Âu châu là Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Trong 120 năm sau cùng, từ khi nước Đức thống nhất năm 1871 cho đến 1991, Âu châu đã trải qua ba trận đại chiến (Pháp-Phổ năm 1870, Thế chiến I năm 1914 và Thế chiến II năm 1939) và gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh.
Khi Chiến tranh lạnh chấm dứt với sự sụp đổ của Đế quốc Xô viết, Âu châu lạc quan tái thiết và tưởng như sẽ phát triển trong hòa bình vĩnh cửu nhờ cường quốc số một, nằm tại trung tâm Âu châu và nguyên nhân của ba cuộc đại chiến. Đó là nước Đức, đã tái thống nhất sau khi tung tiền chuộc lại Đông Đức vào năm 1989. .

Giờ đây, cường quốc này giữ vị trí bản lề cho sự thịnh suy hoặc loạn hay trị của Âu châu. 

Cách đây một tuần, khi Tổng thống Pháp tuyên bố rằng nếu để cho đồng Euro sụp đổ là mặc nhiên để Âu châu sụp đổ rồi sẽ thấy tái diễn những mâu thuẫn và xung đột trong lục địa này. Ông Sarkozy có thể cảnh báo, dọa nạt hoặc thuyết phục các nước cùng gom tiền cấp cứu đồng bạc chung, nhưng cũng không nói sai với thực tế của lịch sử.'

Sau Thế chiến II và từ năm 1945 cho đến khi Liên Xô tan rã, cộng đồng Âu châu dưới nhiều tên gọi khác nhau - mới nhất là Liên hiệp Âu châu hay Liên Âu EU – đã có một ý hướng nhất quán. Đó là kết hợp với nước Đức để 1) trung hòa hay hóa giải thủ phạm của ba trận đại chiến và 2) tìm lực đẩy từ cường quốc kinh tế số một trong khu vực. Đức là thủ phạm trong quá khứ mà cũng là đầu máy thịnh vượng cho tương lai.

Trong nỗ lực này, nạn nhân số một của Đức vì ba lần bị Đức khuất phục là nước Pháp, đã đứng trên đôi vai kinh tế - và mặc cảm phạm tội - của Đức để có tiếng nói ngoại giao cao hơn thực lực kinh tế. 

Lề lối "phân công lao động" ấy là giải pháp thỏa mãn mọi người trong suốt thời Chiến tranh lạnh. Mà cũng an toàn nhờ lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ trước nguy cơ bành trướng của Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ hết nhu cầu bảo vệ như xưa, nước Đức được tái thống nhất và Mỹ không còn sự hiện diện quân sự áp đảo trong khu vực. 

Đấy là lúc Âu châu trở lại nghiệp cũ, tự mình xoay trở lấy. Và đã lấy bóng làm hình.

Nằm tại trung tâm địa dư, Cộng hoà Liên bang Đức là quốc gia có sức mạnh về tổ chức sản xuất và tài chánh đã khai thác được lợi thế kinh tế của Liên Âu và khối Euro. Trong khi các nước khác cũng có cơ hội tái thiết và phát triển khu vực Đông Âu và Trung Âu vừa được giải phóng. Một số quốc gia ngoài vùng biên tế, tạm gọi là ngoài rìa của sức mạnh Âu châu tập trung tại miền Bắc, như Ireland ở miền Bắc và nhóm "Club Med" quanh Địa Trung hải ở miền Nam cũng thừa cơ vay mượn mà bất kể rủi ro và theo nhau thổi lên bong bóng. 

Nhóm "Club Med" này gồm có Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Pháp lẫn Ý, đã phóng tay xây dựng tương lai quá khả năng tài chính của mình là nhờ đầu máy kinh tế của Đức. 

Một cách cụ thể, sức mạnh của Đức khiến người ta có thể đi vay rẻ hơn nhờ lãi suất hạ nên đi vay bất kể đất trời. Và mắc nợ ngập đầu. Trong đà lạc quan hồ hởi ấy, các ngân hàng Âu châu đã thi hành chánh sách bành trướng truyền thống của từng quốc gia mà tài trợ đầu tư và cấp phát tín dụng với sự thẩm định lệch lạc về rủi ro thực tế. 

Khi khủng hoảng ngân hàng bùng nổ từ năm 2008 thì Âu châu, từ lãnh đạo đến ngân hàng và công chúng nói chung, cứ tưởng rằng họ bị hiệu ứng từ vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ - vụ Lehman Brothers vào Tháng Chín năm 2008. Chê Mỹ là trò chơi thịnh hành, không chỉ tại Mỹ!

Họ không nhìn ra chứng bệnh trầm kha ngay trong nội tạng Âu châu. Càng không thấy rằng sau khi đã tung tiền chuộc nợ và cấp cứu các nước bất cẩn khá nhiều lần, nước Đức không muốn tiếp tục làm con bò sữa. 

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel bị thất cử liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương từ năm ngoái nên bắt buộc phải thắt chặt hầu bao. "Miệng túi càn khôn thắt lại rồi" vì dân Đức hết vui với sự hào phóng của xứ khác khi nước Đức phải chuộc lại Đông Đức, ra sức tái thiết và phát triển Đông Âu và Trung Âu, chuộc nợ cho các nước Tây Âu ở miền Nam. 

Lợi bất cập hại là tính toán của họ. Và là mệnh lệnh cho Thủ tướng Merkel.


***


Đấy là nguyên nhân sâu xa và thiết thực của cuộc tranh luận rắc rối, vừa kỹ thuật vừa pháp lý và vửa chính trị, về những câu hỏi như 1) ai sẽ chung sức gánh nợ; 2) các ngân hàng và chủ đầu tư bất cẩn đã cho các nước khác vay tiền mà không thẩm định rủi ro cho đúng thì có phải gánh vác một phần trách nhiệm, bị là "gọt tóc", hay chăng, bao nhiêu là vừa, sau đó còn đủ vốn kinh doanh không; 3) các nước hào phóng với trò chơi bao cấp sẽ phải làm gì thì mới được xoá nợ, bao nhiêu thì đủ và trong điều kiện nào; 4) Quỹ EFSF sẽ là cơ chế tài trợ sau cùng, với tiền ở đâu và sẽ cứu ai mà bỏ ai; 5) đồng Euro có đáng tồn tại hay phải được tái cơ cấu lại, ai đi ai ở?... 

Trong 21 tháng tranh luận vừa qua, trái đất vẫn xoay, thị trường vẫn vận hành và phê phán khả năng thanh toán của các khách nợ. Xứ nào bị nhiều rủi ro nhất thì công khố phiếu mất giá, phân lời tăng và gánh nặng tài chánh càng đẩy vào hoàn cảnh vỡ nợ. Hệ thống ngân hàng Âu châu bị rung chuyển trong những biến động ấy và bị đặt trước bài toán là sẽ mất nợ và phải tăng vốn, nếu không thì sẽ sụp đổ dây chuyền.

Gai góc nhất trong các bài toán này là quy chế hoạt động của Quỹ EFSF. 

Quốc hội Đức không cho chính quyền Merkel châm thêm tiền ngoài ngân khoản 211 tỷ Euro (gần 300 tỷ Mỹ kim) đã cam kết cho Quỹ này có phương tiện cam kết việc cứu trợ các nước lâm nạn. Quỹ này cũng không thể là một ngân hàng như Pháp đề nghị, và không có quyền mua lại giấy nợ của các nước - các thỏa ước của Liên Âu đã cấm đoán việc ấy. Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB cũng không được châm tiền chữa cháy bằng cách mua lại công khố phiếu – và trả bằng tiền mặt – vì rốt cuộc thì sẽ ôm vào một mớ giấy lộn bị mất giá.

Nói lại cho gọn thì hai cơ chế có khả năng chi tiền và trấn an thị trường là Quỹ EFSF và Ngân hàng ECB đều bị nước Đức chặn đứng. 

Giải pháp của Đức là, thứ nhất, chủ đầu tư bất cẩn – các ngân hàng và những người mua công khố phiếu Âu châu - phải lãnh một phần trách nhiệm. Việc xoá nợ và chịu lỗ 50% nằm trong hướng đó. Thứ hai, bình nước 440 tỷ của Quỹ EFSF chỉ đủ chứa cháy cho một nước mà thôi, thí dụ như Tây Ban Nha, và nếu cần thêm nước thì phải đi tìm nơi khác. Việc Chủ tịch EFSF phải qua Tầu qua Nhật và Tổng thống Sarkozy điện thoại cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nằm trong hướng đó. Thứ ba, các nước liên hệ (lâm nạn) phải chấp nhận chánh sách khắc khổ về kinh tế, cụ thể là giảm chi, chứ không thể trông cậy vào hầu bao của dân Đức.

Xét như vậy thì ta thấy ngay rằng sự lạc quan của thiên hạ khi thượng đỉnh Âu châu kết thúc đêm Thứ Tư 26 chỉ là sự hồ hởi sảng. "Có tin vui trước giờ tuyệt vọng", nhưng là tin vui ngắn hạn của một bình nước biển cho con bệnh mắc chứng nan y.

Tin vui ấy dựa trên ba giả thuyết lạc quan mà chưa chắc đã thành hiện thực.


***


Lý do thứ nhất là việc xoá nợ cho Hy Lạp có thể gây khủng hoảng cho các ngân hàng! 

Làm chủ núi nợ thối của xứ này là các ngân hàng bất cẩn và các quỹ hưu bổng của Hy Lạp. Việc xoá nợ có nhất thời giảm được nỗi lo của chính quyền về khoản tiền lời sẽ thanh toán, nhưng sẽ khiến các chủ nợ mất vốn. Ngân hàng và quỹ hưu bổng mà cạn tiền và tìm qua Quỹ EFSF để xin tài trợ thì lại gặp tấm bảng "miễn tiếp" của EFSF. Sau hai năm luồn lách để đẩy lui một vụ khủng hoảng ngân hàng, người ta đang trở về chốn cũ!

Lý do thứ hai là các nước Âu châu bị đặt trước sự chọn lựa họ đã thoái thác... từ đầu. Giữa nhu cầu bảo vệ sự thống nhất của cơ chế Liên Âu và đồng Euro với sự bảo vệ quyền lợi riêng tư của quốc gia, trong đó có cả quyền lợi của các ngân hàng của mình, các nước sẽ chọn ưu tiên nào? Chính quyền Slovakia đã đổ vì đồng ý với giải pháp cấp cứu Âu châu, chính quyền Ý thì đang lung lay vì bài toán riêng hay tư đó. Tổng thống Pháp và đảng UMP đang phải tái tranh cử nên cũng rất ngại chọn lựa, vì vậy ông Sarkozy mới mau mắn điện thoại của Bắc Kinh. Ra cái điều ta đã có giải pháp!

Kinh hoàng hơn nữa, giới đầu tư - và cả các quốc gia nằm ngoài Âu châu – đang đứng trước một thực tế chưa từng xảy ra. 

Từ nay, cho các chính quyền Âu châu vay tiền bằng cách mua công trái (công khố phiếu) của họ thì hết được bảo đảm là sẽ thu lại đủ vốn nhờ kẻ chủ chi là dân thọ thuế tại Đức. Chủ tịch EFSF Klaus Regling sẽ ăn nói ra sao khi mời Trung Quốc và Nhật Bản kề vai tài trợ, với hy vọng là chỉ mất vốn chừng 20% mà thôi? Hai nước có khối dự trữ ngoại tệ rất lớn này có bùi tai thủ vai lính cứu hoả hay chăng?

Và Hoa Kỳ đang ngập nợ, bị thất nghiệp cao và xoay vần trong những trò tranh cử bất tận sẽ làm gì được? Hoặc Liên bang Nga với 500 tỷ đô la có thể tính gì để chia bớt gánh nặng cho Đức, để nối lại nhịp cầu truyền thống giữa Nga và Đức – trên đầu các nước Âu châu, nhất là các nước Đông Âu xưa kia đã chết kẹt ở giữa?

Ngoài ba viễn ảnh kém vui này, chúng ta trở lại thực tế của Âu châu.

Nước Đức từng có tham vọng thống trị Âu châu nên đã ba lần gây chiến và bị xé làm hai trong gần nửa thế kỷ. Ngày nay, cường quốc đó có một cơ hội văn minh và hòa bình hơn để đặt ra một luật chơi cho các nước Âu châu. Muốn hưởng thì phải cầy, dưới sự điều động và theo điều kiện chặt chẽ hơn về ngân sách, thuế vụ và đầu tư. Muốn cứu đồng Euro thì phải chấp nhận quy củ đó. Và vẽ lại nền tảng pháp lý của Liên Âu thống nhất.

Vì vậy, vấn đề không chỉ là số phận của đồng bạc hay mức lời lỗ của các ngân hàng!

Thứ Tư, tháng 10 26, 2011

Khủng hoảng Tài chính Âu châu

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20111026


Khủng hoảng ngân hàng, công trái và Euro là khủng hoảng chính trị




* Photononstop - Mô hình căn nhà được xếp bằng tiền Euro. Ảnh minh họa.*


Hôm Thứ Ba 25 Tháng 10, Tiểu ban Chính sách Tiền tệ Quốc tế và Thương mại của Hạ viện Hoa Kỳ có buổi điều trần để tìm hiểu về hậu quả của vụ khủng hoảng tài chính Âu châu với nền kinh tế Mỹ.


Hiển nhiên là nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thẩm định hiệu ứng Âu châu đối với kinh tế trong bối cảnh khá bấp bênh hiện nay. Tuy nhiên, diễn biến dồn dập mấy ngày qua từ Âu châu khiến thế giới thêm hoang mang ngờ vực về những gì đã xảy ra. Hoang mang về vấn đề và ngờ vực về giải pháp. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hồ sơ phức tạp này qua cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.  


Số phận đồng Euro

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong một chuỗi thượng đỉnh dồn dập để giải quyết vụ khủng hoảng Âu châu, tuần qua Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có lời phát biểu rất lạ. Rằng "Để đồng Euro bị tiêu diệt là để Âu châu bị tiêu diệt. Ai tiêu diệt đồng Euro và Âu châu sẽ lãnh trách nhiệm làm tái sinh xung đột và chia rẽ trong đại lục của chúng ta". Vụ khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay là những gì mà nguyên thủ của một cường quốc Âu châu phải có lời cảnh báo nghiêm trọng như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài khó nhất trong năm! Hiểu ra được sự thể rắc rối của hồ sơ này là một điều khó, lại càng khó hơn khi phải trình bày một cách đơn giản cho thính giả của chúng ta. Tôi xin cố thâu tóm hồ sơ qua từng mảng riêng nhưng phải nói trước rằng tất cả đều dính chùm với nhau, thậm chí là có quan hệ hữu cơ vì nằm trong cơ cấu, nên lời cảnh báo bi quan của Tổng thống Pháp không là một sự dọa nạt mà đi vào cốt lõi của vấn đề, đó là sự tồn tại của một cộng đồng các quốc gia đã từng thống trị thế giới trong 500 năm.

Vũ Hoàng: Ông cho rằng vấn đề nó nghiêm trọng như vậy sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nó là kết quả của nhiều hiểu lầm tích lũy từ đã lâu.

- Ban đầu, người ta tưởng Âu châu bị vụ khủng hoảng ngân hàng vào năm 2008 do hậu quả từ vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Các chính trị gia và cả chủ ngân hàng cùng gây ra ấn tượng sai lạc đó. Kế tiếp là vụ khủng hoảng về công trái của Hy Lạp rồi một chuỗi quốc gia nằm ở vùng biên tế của Âu châu, là các nước miền Nam và xứ Ai Len hay Ireland ở miền Bắc. Sau đó là khả năng ứng phó của một cơ chế chính trị và thư lại quốc tế không có thực quyền tại thủ đô Liên Âu là Bruxelles, lồng trong những tính toán cục bộ về quyền lợi quốc gia. Ngần ấy chuyện kết tụ vào số phận của đồng Euro, nhưng đó chỉ là mặt nổi. Sâu xa hơn bên dưới là cả dự án hội nhập gọi là Liên hiệp Âu châu.

Vũ Hoàng: Ông mới chỉ trình bày khái quát ba bốn hồ sơ dồn làm một thì người ta đã thấy nhức đầu! Bây giờ, ta sẽ mở ra từng mảng để tìm hiểu thêm. Trước nhất là các ngân hàng. Thí dụ như tháng trước, và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF - vốn là cựu Tổng trưởng Tài chính của Pháp – đã cảnh báo rằng các ngân hàng cần tái cấp vốn thì mới có khả năng đương đầu với các khó khăn hiện nay. Lập tức bà bị dư luận và nhiều chính quyền Âu châu đả kích là quá bi quan, có tinh thần "vơ đũa cả nắm", v.v... Sự thể nó như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các ngân hàng Âu châu bị khủng hoảng từ đã lâu, thậm chí từ tiền kiếp - mà không muốn nhìn ra. Năm 2009, Ngân hàng Trung ương Âu châu cho các ngân hàng được vay 450 tỷ Euro, tức là hơn 540 tỷ Mỹ kim, trong một năm để vượt qua sóng gió, Một năm sau, là năm ngoái, tình trạng không cải thiện và ngày nay càng thêm nguy ngập mà người ta cứ chối!  Lý do của những khó khăn này kể ra thì rất nhiều.

Ngân hàng Trung ương Âu châu có thể bơm tiền cho các ngân hàng vay để mua công khố phiếu cho chính quyền từng nước tài trợ các mục công chi của mình, nhưng lại không có thẩm quyền cần thiết để ép các ngân hàng vì mọi quy định phải có sự đồng ý của tất cả.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ nhất, do sự ra đời của đồng Euro vào năm 1999 và khả năng đi vay rất rẻ nhờ xương sống của đồng bạc này là kinh tế Đức, các ngân hàng ào ạt bơm tín dụng và thổi lên trái bóng địa ốc còn lớn hơn trái bóng gia cư tại Mỹ. Đó là hoàn cảnh của các tỉnh miền Nam và cả nước Anh lẫn xứ Ireland. Thứ hai, một số quốc gia đã lạc quan đem tiền từ nơi có lãi suất rẻ đầu tư vào nơi có lãi suất cao hơn, đó là nghiệp vụ "carry trade" mà ta có thể tạm gọi là "nối cầu cho cao hơn". Nhờ vậy mà tiền Euro và đồng Phật lăng Thụy Sĩ tràn vào các nước Đông Âu và Trung Âu mới được giải phóng khỏi chế độ Xô viết và đang trong cơn sốt tái thiết.

- Thứ ba, hiện tượng "hồ hởi với Đông Âu" khiến nhiều ngân hàng của các nước có kích thước trung bình, thậm chí là kém như Hy Lạp, cũng trút tiền vào cá dự án ở miền Đông và bị đọng vốn ở đó. Thứ tư, đây mới là lúc con bệnh Âu châu bị làn gió độc từ vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ thổi qua vào năm 2008. Trong khi cả thế giới và Âu châu đều đổ lỗi cho cái tội bất cẩn của các tập đoàn đầu tư tài chính Mỹ, hệ thống ngân hàng Âu châu đã có chứng tật tương tự ngay bên trong nội tạng, vì vậy mà khó vượt thoát. Sau cùng, cũng phải nói đến yếu tố khách quan là nạn lão hóa dân số, tức là tỷ trọng người già ngày một cao, với hậu quả kinh tế là yêu cầu về nhà ở không còn gia tăng mạnh như trước. Sinh hoạt kinh tế vì vậy cũng đình đọng hơn xưa.


Hệ thống ngân hàng



034_KY371008-200.jpg

Tiền Euro trên bàn một quán cà phê ở Paris. Photononstop

Vũ Hoàng: Ông nêu ra một loạt năm loại vấn đề của hệ thống ngân hàng Âu châu với nhiều lý do sâu xa hơn là hiệu ứng nhất thời của khủng hoảng tài chính từ bên Mỹ tràn qua. Có phải vì thế mà ngày nay Âu châu mới lãnh hậu quả trầm trọng?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trầm trọng hơn thế, họ còn có một đặc tính khác với hệ thống ngân hàng Mỹ.
- Xuất phát từ các quốc gia chia cách về địa dư, thậm chí đối nghịch về quyền lợi, ngân hàng Âu châu trở thành công cụ tư bản của từng quốc gia. Một thí dụ mà nhiều người Việt còn nhớ là Banque de l'Indochine được lập ra để kinh doanh tại Đông Dương rồi Á châu và đã từng có thẩm quyền phát hành giấy bạc trong thuộc địa!

- Khi Liên hiệp Âu châu được thành lập và nay có 27 nước hội viên, trên nguyên tắc thì luồng tư bản phải giao dịch tự do qua mọi biên giới. Thực tế thì nước nào cũng kín đáo bảo vệ quyền lợi riêng trong lĩnh vực ngân hàng, chưa nói đến loại ngân hàng địa phương do các chính quyền địa phương lập ra. Ta có thể gọi loại ngân hàng này là "captive banks", là "công cụ có định hướng". Hãy tưởng tượng đến loại ngân hàng do các tập đoàn kinh tế nhà nước mở tại Việt Nam thì ta suy ra quy cách làm ăn mờ ảo nhưng lại có vẻ phải đạo vì do thẩm quyền ở trên đưa xuống.

Vũ Hoàng: Nói vậy thì các cơ chế của Âu châu thống nhất, kể cả Ngân hàng Trung ương Âu châu, cũng không có khả năng phối hợp và điều tiết hệ thống ngân hàng có quá nhiều dị biệt như vậy hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi qua mảng thứ hai của hồ sơ rắc rối này. Bộ máy thư lại của Liên Âu tại thủ đô Bruxelles có đầy quy định tỉ mỉ về từng việc mua bán hợp pháp hay phi pháp mà vẫn không có thực quyền: khối quốc gia này thống nhất về kinh tế mà không có thống nhất về chính trị. Khi cần bảo vệ quyền lợi riêng thì quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết nên rất dễ gây ra ách tắc. Ngân hàng Trung ương Âu châu cũng thế, có thể bơm tiền cho các ngân hàng vay để mua công khố phiếu cho chính quyền từng nước tài trợ các mục công chi của mình, nhưng lại không có thẩm quyền cần thiết để ép các ngân hàng vì mọi quy định phải có sự đồng ý của tất cả. Và trên cùng, chẳng ai có thẩm quyền can dự vào chế độ ngân sách hay thuế khóa của các nước.

Vũ Hoàng: Nếu vậy thì ta gặp hậu quả là khi lập ra đồng Euro, từng quốc gia có thể trục lợi trong luồng trao đổi và vay mượn được thanh toán bằng một đồng tiền chung. Nhưng khi gặp khó khăn, như trường hợp Hy Lạp hay các nước miền Nam ngày nay, thì các nước khác bị vạ lây mà không có khả năng cưỡng chế. Có phải là vì lý do đó mà nay đồng Euro bị khủng hoảng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy mà còn đáng kinh hãi hơn vậy. 

- Vụ khủng hoảng tài chính Âu châu là một hình tháp có ba diện là khủng hoảng của đồng Euro, khủng hoảng công trái là gánh nợ của quốc gia, và khủng hoảng ngân hàng. Cái lõi bên trong và căn bản nhất chính là vụ khủng hoảng chính trị vì mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước.

- Tôi xin lấy một thí dụ dễ nhớ. Khi Hy Lạp khai gian kế toán quốc gia để gia nhập khối Euro thì chính quyền xứ này phải chịu trách nhiệm. Họ chi nhiều hơn thu mà cứ đi vay để tài trợ các chương trình phúc lợi của một nhà nước vú em bao cấp. Nhưng, khi các ngân hàng thẩm định sai rủi ro mà cho xứ này vay tiền thì họ cũng có một phần trách nhiệm. Bây giờ, ai lãnh trách nhiệm ấy và chịu mất một phần trong núi nợ này, gọi là "bị gọt tóc", coi như phải chịu lỗ hay bù lỗ.

- Khi ấy có hai vấn đề đặt ra là lỗ bao nhiêu và ai sẽ lãnh? Mà làm sao có thể lãnh nợ khi đã mấp mé vỡ nợ vì khủng hoảng về công trái? Cuộc tranh luận gây chóng mặt này có phần kỹ thuật là thẩm xét mức lỗ lã mất mát của các ngân hàng, và phần chính trị là quốc gia nào sẽ bỏ tiền ra bù lỗ, tại sao?

Có thể là vì không muốn gây hốt hoảng, người ta tránh nói ra sự thật nhưng tôi còn bi quan hơn vậy vì ngờ là chính các ngân hàng cũng chưa nhận ra là họ bị khủng hoảng!
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Xin hỏi ông thêm một chi tiết là ngân hàng của Âu châu không là những cái hộp biệt lập trong từng nước hay từng nhóm quốc gia có liên hệ về địa dư hay kinh tế mà là một tập thể kinh doanh có những quan hệ đầu tư chằng chịt với nhau. Có phải là vì vậy mà sự sụp đổ của ngân hàng này có khi lại gieo họa cho một ngân hàng khác, ở xứ khác?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dư luận bên ngoài thấy khó hiểu vì nghe nói đến mấy trăm tỷ Euro cho mục tiêu này hoặc vài trăm tỷ cho quốc gia nọ, mà những con số ấy thay đổi thường xuyên vì sự chuyển dịch thực tế của tình hình, của thị trường. Và khác với Hoa Kỳ, là nơi mà doanh nghiệp chủ động tìm vốn trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp Âu châu lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn.

- Nếu ngân hàng sụp đổ thì nhiều doanh nghiệp khốn đốn và kinh tế Âu châu không chỉ bị suy trầm mà còn bị suy thoái, tức là nặng hơn, sâu hơn và rộng hơn.

- Lý do như ông vừa nêu ra là một mạng lưới chằng chịt những quan hệ về đầu tư và tín dụng. Nói đến một ma trận trong toán học thì hơi rắc rối, tôi xin lấy một ví dụ dễ hiểu: hãy tưởng tượng ra một mạng lưới có nhiều mạch điện, mỗi mạch  đánh dấu bằng một màu, để xem là điện chạy - hay tiền chảy - từ đâu đến đâu, và nếu bị cháy thì những nơi nào sẽ nổ cầu chì trước, mà có cầu chì hay không? Và quan hệ ấy không chỉ thu hẹp giữa 17 nước của khối Euro hay 27 nước của Liên Âu mà lan toả ra toàn cầu.

Khủng hoảng tới đâu



000_Par6549502(3)-250.jpg

Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ Philipp Hildebrand trong cuộc họp "Chính sách tiền tệ và những thách thức quốc tế" hôm 29/9/2011 tại Geneva. AFP   

 
Vũ Hoàng: Nếu vẽ một đồ biểu về quan hệ bạc tiền từ nơi nào chảy qua nơi nào thì may ra người ta có thể thấy được hậu quả dây chuyền. Nhưng thưa ông, vì sao giới ngân hàng hay viên chức hữu trách của Âu châu lại không nhìn thấy mức độ nguy ngập của vấn đề vốn dĩ xảy ra từ mấy năm nay rồi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: -
Từ ba năm nay, năm nào Âu châu cũng rà soát tình hình các ngân hàng qua việc "trắc nghiệm ứng suất" hay "stress test". Đó là thử nghiệm khả năng ứng phó của từng ngân hàng với áp suất giả định của thị trường trong thời gian tới. Cụ thể là xem ngân hàng này có vốn là bao nhiêu, nhận ký thác bao nhiêu, ở đâu và cho những ai vay, ở nơi nào, v.v... Thế rồi nếu tình hình thay đổi thì khách nợ sẽ có thể hoản trả bao nhiêu, chủ nợ là ngân hàng có thể bị lỗ bao nhiêu và số vốn còn lại có đủ thanh toán không nếu các trương chủ ký thác đòi rút tiền?

- Lần trắc nghiệm cuối, công bố vào Tháng Bảy vừa qua, cho thấy sự lạc quan trong dự phóng và số ngân hàng gặp vấn đề thật ra còn nhiều hơn người ta đoán. Nghĩa là lỗ lã còn nặng hơn nhiều. Có thể là vì không muốn gây hốt hoảng, người ta tránh nói ra sự thật nhưng tôi còn bi quan hơn vậy vì ngờ là chính các ngân hàng cũng chưa nhận ra là họ bị khủng hoảng! Vì vậy họ mới phản đối Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ khi bà nói rằng các ngân hàng cần tái cấp vốn, tức là số vốn hiện nay không đủ đối phó với những biến động trước mặt.

- Nếu lấy tiêu chuẩn là số vốn của các ngân hàng phải đạt tỷ lệ tối thiểu là 9% của tài sản gặp rủi ro thì các ngân hàng phải đắp thêm vốn chừng 200 tỷ Euro. Thật ra, nhiều trung tâm nghiên cứu và tổ hợp đầu tư dự báo rằng Âu châu phải mất 2.000 tỷ Euro thì mới vượt cơn khủng hoảng. Gánh nặng ấy đang gây ra khủng hoảng chính trị vì tìm đâu ra tiền và xứ nào sẽ gánh, mà gánh bao nhiêu, để bảo vệ ngân hàng của mình hay công trái của ai?

Vũ Hoàng: Câu chuyện này sẽ còn ám ảnh thế giới trong thời gian tới, nhưng xuyên qua đó, chúng tôi cũng lại thấy một bài toán tương tự cho các ngân hàng ở Việt Nam. Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn và đề nghị là trong một kỳ tới, chúng ta sẽ nói về ngân hàng Việt Nam.

"Chó Chết Hết Chuyện"?


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111024
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thắng Rồi Đã Vậy... Hoa Kỳ Sẽ Múa Gậy Làm Sao?  





Một ngày sau khi lãnh tụ độc tài của Libya là Moammar Gaddafi bị hạ sát, Thứ Sáu 21 Tháng 10, Tổng thống Barack Obama thông báo việc Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Iraq như ông đã hứa hẹn từ khi tranh cử. Cùng một lúc, hai hồ sơ nóng coi như đã được giải quyết....

Nhưng thực tế vốn cứng đầu hơn vậy và "hậu quả bất lường" là cái gì đó vẫn thường ám ảnh những người lãnh đạo, dù là lãnh đạo một siêu cường toàn cầu như Hoa Kỳ.


***


Ngoài câu hỏi về nhân quyền, diễn biến của việc Gaddafi bị giết không thuộc diện "chó chết hết chuyện". 

Nó tèm lem như nhiều cuộc "cách mạng".

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, vào cuối tháng này, Minh ước NATO cùng các nước chủ chốt như Mỹ, Pháp, Anh, Ý trao tương lai cho một tập thể là Hội đồng Chuyển giao Quốc gia NTC. Người ta mong rằng từ đó dân Libya sẽ có tự do và tiến dần đến dân chủ, nhưng nên chờ đợi nhiều sự biến chính trị hoặc xung đột sắc tộc tại Libya. Với hậu quả lan rộng ra ngoài: Ai sẽ thực sự lãnh đạo NTC - và Libya? Thủ đô sẽ là Tripoli hay Benghazi? Cơ chế nào quyết định về các hợp đồng dầu khí, cho những ai? Võ khí từ trong kho của Gaddafi hoặc được NATO tung vào sẽ chạy đi đâu, vào tay ai?

Liệu Libya có vần với Somalia, trở thành một trung tâm phát triển khủng bố chăng? Còn nhiều câu hỏi lắm. Đó là về Libya.

Một giờ trước khi thông báo việc kết thúc hồ sơ Iraq vào cuối năm nay, Tổng thống Obama điện đàm với Thủ tướng Iraq là Nouri al-Malaki về những điều thỏa thuận để Mỹ rút nốt 41.000 quân tại Iraq trước khi dân Mỹ nghỉ lễ cuối năm và chào mừng năm bầu cử.

Sự thật lại không gọn như vậy.

Năm 2008, Chính quyền Bush có thỏa ước gọi là "Quy chế Quân sự" Status of Forces Agreement với Iraq, trong đó có điều khoản là nếu Baghdad yêu cầu thì Mỹ vẫn "rút mà không  ra". Sẽ lưu lại một số đơn vị yểm trợ việc huấn luyện, từ 10 đến 20 ngàn quân theo đề nghị của giới quân sự Mỹ.

Cho đến vào Thu, giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ còn thương thảo với Baghdad về lời yêu cầu đó mà không đạt thỏa thuận về quy chế miễn tố cho các binh lính ở lại. Thủ tướng al-Malaki bị áp lực chống Mỹ - nhất là từ nhóm 40 dân biểu và các dân quân của giáo sĩ Muqtada al-Sar, một lãnh tụ Shiite thân Iran – nên Hoa Kỳ phải bực bội rút hết.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ hát khúc khải hoàn, từ Trung Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton phải vớt vát: cảnh báo Iran và hứa hẹn tiếp tục yểm trợ Iraq. Thực tế thì sứ quán Mỹ có nhân lực, cả văn lẫn võ, là 12.000 để hoàn thành lời cam kết. Chưa kể các hợp đồng tư vấn về an ninh ký kết với các công ty bảo vệ và huấn luyện. Mỹ sẽ có nhân viên quân sự và tình báo mặc áo thường dân để bảo đảm sự ổn định và quyền lợi của mình trong khu vực.

Lý do không chỉ là nhu cầu xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ tại Iraq. Mà do ảnh hưởng của Iran với Iraq và trên toàn cõi Trung Đông.

Ảnh hưởng ấy khiến các nước đều ngại. Đứng đầu là Saudi Arabia. Xứ này đang chuyển giao quyền lực bất ổn khi Quốc vương đã 87 và lâm trọng bệnh, Hoàng thân sẽ kế nhiệm lại vừa qua đời hôm 22, và mùa Xuân Á Rập lại phả hương nhài khét lẹt vào cộng đồng Shia. Với Iran đứng sau thổi lửa thành đám cháy. Làn gió táp đã xém tiêu rụi chế độ hoàng gia của Bahrain – nơi hải quân Mỹ có một căn cứ trọng yếu!...

Nhớ lại thì khi Tổng trưởng Tư pháp và Giám đốc FBI long trọng họp báo vào ngày 11 Tháng 10, dư luận đã thấy khét. Hoa Kỳ chính thức tố cáo đặc vụ Quds trong lực lượng ưu binh của Iran là "Vệ binh Cách mạng Hồi giáo" đã qua các tổ chức ma túy Mexico xâm nhập vào Mỹ. Mục tiêu là mưu sát Đại sứ Saudi và tấn công nhiều nơi khác trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chuyện Iran trực tiếp can dự vào âm mưu rắc rối này là điều khó tin vì chẳng khác gì tuyên chiến với Hoa Kỳ. Nhưng dù khó tin chắc cũng có thật, nếu không Tổng trưởng Eric Holder và Giám đốc Robert Mueller đã chẳng xuất hiện. Nhu cầu tái tranh cử của ông Obama không thể giải thích được vụ này! Nó liên hệ đến cả hồ sơ Iran và Iraq, và đến vị trí của Saudi Arabia lẫn chủ trương của Israel, hai đồng minh sau cùng và trung kiên nhất trong khu vực.

Chưa nói đến Turkey và nhiều xứ khác....



***


Nhìn từ bên ngoài, từ các quốc gia khác, Hoa Kỳ ôm đồm bao biện thật ra vẫn... có ích!

Không có hỏa tiễn Tomakawk và máy bay không người lái của NATO và Hoa Kỳ, Gaddafi vẫn thọ. Bây giờ, khi Libya đổi chủ thì có khi cái đuôi là cả khu vực Sahel ở miền Nam qua tới Đông Phi lại quậy, nên lính Mỹ lại phải vào Uganda, như Obama loan báo hôm 11 Tháng 10.

Bây giờ, sau tám năm chinh chiến, khoảng trống Iraq là một cám dỗ cho Iran. Nơi đây, một mấu chốt cho Mỹ là "xứ Kurdistan" của dân Kurd có thể là cái neo cho Hoa Kỳ - về dầu khí và an ninh. Nhưng đòi hỏi chính đáng ấy của dân Kurd lại xâm phạm vào quyền lợi của Iraq và dân Shiite, của xứ Turkey ở mạn Bắc và Iran ở miền Đông. Chúng ta nên chờ đợi thời sự nhắc đến dân Kurd, đến Turkey, Iran và Saudi Arabia.... Chuyện Iraq chưa êm.

Còn chiến trường A Phú Hãn – cách viết này tiện sắp chữ trên một cột báo hơn là cái tên quá dài là Afghanistan! - cũng chưa êm với nguyên nhân từ Pakistan và hậu quả là nạn đất chuồi từ rặng Hindu Kush đến tận Ấn Độ! Đó là trên đại thể.

Nhìn lại thì từ đầu năm nay, người ta có quá nhiều kỳ vọng về "Mùa Xuân Á Rập".

Thật ra, chỉ Tunisie là có thay đổi tạm khả quan về chính trị, với cuộc bầu cử êm ả vào cuối tuần qua. Tại Egypt, sau vụ quân đội đảo chánh Tổng thống Hosni Mubarak, xã hội chưa có dân chủ và vẫn bị nội loạn với vụ biểu tình đẫm máu của dân Ai Cập theo Thiên chúa giáo (gọi là Coptic Christians).

Sau khi ba chế độ bị lật ở Bắc Phi (Tunisie, Egypt, Libya), hai xứ còn lại đều bị rúng động. Cời mở nhất là Hoàng gia Maroc phải ráo riết cải cách để có thêm dân chủ mà không bị xu hướng Hồi giáo cực đoan hoặc chống Tây phương khuynh đảo. Lãnh đạo Algérie thì ngồi trên lò lửa và các giếng dầu khí có thể bốc khói, đó là bài toán cho chế độ quân phiệt trước những dư chấn từ Libya và Tunisie và phong trào khủng bố Hồi giáo. Nói chung, hy vọng dân chủ vẫn có thể bị hai thế lực bóp nghẹt, chế độ quân phiệt ở trên và các nhóm sắc tộc hay khủng bố Hồi giáo ở dưới.

Hoa Kỳ xử trí ra sao để vừa bảo vệ quyền lợi vừa có vẻ phát huy dân chủ trong thế giới Á Rập Hồi giáo?

Vấn đề ấy khiến mọi người cùng nhìn vào Syria với ước vọng quá lớn về dân chủ và thực lực tưởng thu hẹp của chế độ Allawite và nhóm lãnh đạo chung quanh gia đình al-Assad. Mà hoàn cảnh Syria – và sự yểm trợ của Iran – lại trực tiếp liên quan đến an ninh của Lebanon và Israel. Tháng trước, khi lực lượng Fatah của Chính quyền Palestine đệ đơn xin độc lập với Liên hiệp quốc trước sự can gián của Hoa Kỳ và phản đối của Israel, người ta còn thấy ra một bất ổn khác....

Vì vậy, chó chết vẫn chưa hết chuyện. Như kinh nghiệm của Tổng thống George H. Bush, người hùng của cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 với tỷ lệ ủng hộ hơn 90%, dù đạt thành tích đối ngoại rất lớn, một lãnh tụ vẫn có thể là Tổng thống một nhiệm kỳ nếu kinh tế sa sút. Năm tới, cử tri Mỹ sẽ đi bầu vì chuyện nội bộ quá u ám hơn là vì thành quả quốc tế huy hoàng. Chưa kể là môi trường quốc tế còn đầy bất trắc.

Và khi dư luận Mỹ quá chú ý vào chuyện bên trong thì đấy là cơ hội mà các chế độ độc tài và chống Mỹ sẽ không bỏ lỡ!