Sau mấy tuần rồi mấy ngày tranh luận đến nghẹt thở, đêm Thứ Tư rạng ngày Thứ Năm 27, giờ Bruxelles, lãnh đạo các nước Âu châu đã đạt một kết quả đáng mừng về vụ nở nần của Hy Lạp. Đáng mừng được vài ngày.
Nội dung thoả thuận có ba chi tiết sau đây.
Thứ nhất, Hy Lạp sẽ giảm nợ chừng 40%, để từ mức công trái hiện nay là 160% Tổng sản lượng Nội địa xuống dần đến 120% vào năm 2020, được Liên hiệp Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp thêm 100 tỷ Euro (khoảng 140 tỷ Mỹ kim) qua một chương trình tài trợ sẽ nghiên cứu sau.
Thứ hai, trong nỗ lực giảm nợ cho Hy Lạp, các ngân hàng và chủ nợ Âu châu lỡ dại cho vay sẽ chịu lỗ 50% - thuật ngữ của họ gọi là bị "gọt tóc" – và sẽ tăng vốn, chừng 106 tỷ Euro, để duy trì được tiêu chuẩn an toàn là vốn riêng phải bằng 9% của các tài sản có rủi ro.
Thứ ba, Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu (EFSF European Financial Stabiliazation Fund) được cấp thêm vốn gấp năm lần, để có chừng một ngàn tỷ Euro hầu cấp cứu xứ nào lâm nạn. Mới ra đời, với bình nước chữa lửa là 440 tỷ, Quỹ EFSF này đã cam kết bơm ra từ 165 tỷ đến 190 tỷ trong ba năm tới để dẹp cơn hoả hoạn tài chánh của ba nước là Hy Lạp, Ireland và Purtugal. Nay chỉ còn từ 250 đến 275 tỷ khả dụng nên mới được bơm thêm nước để làm lính cứu hỏa tài chính cho Âu châu.
Được tin vui vào giờ chót như vậy, các thị trường tài chính thế giới đều hồ hởi. Sự thật thì vẫn chỉ là bình nước biển cho một con bệnh nan y. Chúng ta nên tìm hiểu tại sao, như cột báo này đã phân tách nhiều lần từ nhiều năm nay.
***
Một chi tiết bị truyền thông lãng quên là hôm Thứ Tư 26, Hạ viện Đức Bundestag đã biểt quyết đạo luật cho phép Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel cấp thêm tiền cấp cứu Quỹ cấp cứu EFSF - trong một giới hạn nhất định. Tức là Đức không tiếp tục làm tay chủ chi cứ è lưng gánh nợ cho Âu châu như trong quá khứ. Sau thượng đỉnh, bà Merkel phải giải thích tiếp về các chi tiết chấp hành, trong khuôn khổ do Quốc hội đề ra.
Lồng trong bi kịch này là một hài kịch khác: ngay sau khi đạt thoả thuận cấp cứu, cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lẫn Chủ tịch Quỹ EFSF lập tức liên lạc với Bắc Kinh và Tokyo. Tìm đường cứu nước hay tìm nước cứu đường là tùy cách gọi!
Nhìn lại thì từ gần hai năm nay (21 tháng đã qua), các nước Âu châu – 27 quốc gia trong tổ chức gọi là Liên hiệp Âu châu và 17 nước trong khối tiền tệ thống nhất, là khối Euro – đã đánh vật với quá khứ để cứu lấy tương lai. Trong đó có số phận của đồng Euro và cả sự thống nhất của cộng đồng Âu châu. Vụ khủng hoảng ngân hàng, đồng Euro, hoặc công trái (nợ nần của nhà nước) của Hy Lạp, Tây Ban Nha (Spain) hay Bồ Đào Nha (Portugal), v.v... chỉ là biểu hiện của vấn đề thống nhất chính trị bên trong Âu châu mà thôi.
Chúng ta nên tìm hiểu về vấn đề ấy. Và nhìn từ rất xa.
***
Lục địa Âu châu khống chế và chi phối thế giới được đúng 500 năm.
Từ khi Columbus khám phá ra "Tân thế giới" năm 1492 đến khi một cường quốc Âu châu là Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Trong 120 năm sau cùng, từ khi nước Đức thống nhất năm 1871 cho đến 1991, Âu châu đã trải qua ba trận đại chiến (Pháp-Phổ năm 1870, Thế chiến I năm 1914 và Thế chiến II năm 1939) và gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh.
Khi Chiến tranh lạnh chấm dứt với sự sụp đổ của Đế quốc Xô viết, Âu châu lạc quan tái thiết và tưởng như sẽ phát triển trong hòa bình vĩnh cửu nhờ cường quốc số một, nằm tại trung tâm Âu châu và nguyên nhân của ba cuộc đại chiến. Đó là nước Đức, đã tái thống nhất sau khi tung tiền chuộc lại Đông Đức vào năm 1989. .
Giờ đây, cường quốc này giữ vị trí bản lề cho sự thịnh suy hoặc loạn hay trị của Âu châu.
Cách đây một tuần, khi Tổng thống Pháp tuyên bố rằng nếu để cho đồng Euro sụp đổ là mặc nhiên để Âu châu sụp đổ rồi sẽ thấy tái diễn những mâu thuẫn và xung đột trong lục địa này. Ông Sarkozy có thể cảnh báo, dọa nạt hoặc thuyết phục các nước cùng gom tiền cấp cứu đồng bạc chung, nhưng cũng không nói sai với thực tế của lịch sử.'
Sau Thế chiến II và từ năm 1945 cho đến khi Liên Xô tan rã, cộng đồng Âu châu dưới nhiều tên gọi khác nhau - mới nhất là Liên hiệp Âu châu hay Liên Âu EU – đã có một ý hướng nhất quán. Đó là kết hợp với nước Đức để 1) trung hòa hay hóa giải thủ phạm của ba trận đại chiến và 2) tìm lực đẩy từ cường quốc kinh tế số một trong khu vực. Đức là thủ phạm trong quá khứ mà cũng là đầu máy thịnh vượng cho tương lai.
Trong nỗ lực này, nạn nhân số một của Đức vì ba lần bị Đức khuất phục là nước Pháp, đã đứng trên đôi vai kinh tế - và mặc cảm phạm tội - của Đức để có tiếng nói ngoại giao cao hơn thực lực kinh tế.
Lề lối "phân công lao động" ấy là giải pháp thỏa mãn mọi người trong suốt thời Chiến tranh lạnh. Mà cũng an toàn nhờ lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ trước nguy cơ bành trướng của Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ hết nhu cầu bảo vệ như xưa, nước Đức được tái thống nhất và Mỹ không còn sự hiện diện quân sự áp đảo trong khu vực.
Đấy là lúc Âu châu trở lại nghiệp cũ, tự mình xoay trở lấy. Và đã lấy bóng làm hình.
Nằm tại trung tâm địa dư, Cộng hoà Liên bang Đức là quốc gia có sức mạnh về tổ chức sản xuất và tài chánh đã khai thác được lợi thế kinh tế của Liên Âu và khối Euro. Trong khi các nước khác cũng có cơ hội tái thiết và phát triển khu vực Đông Âu và Trung Âu vừa được giải phóng. Một số quốc gia ngoài vùng biên tế, tạm gọi là ngoài rìa của sức mạnh Âu châu tập trung tại miền Bắc, như Ireland ở miền Bắc và nhóm "Club Med" quanh Địa Trung hải ở miền Nam cũng thừa cơ vay mượn mà bất kể rủi ro và theo nhau thổi lên bong bóng.
Nhóm "Club Med" này gồm có Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Pháp lẫn Ý, đã phóng tay xây dựng tương lai quá khả năng tài chính của mình là nhờ đầu máy kinh tế của Đức.
Một cách cụ thể, sức mạnh của Đức khiến người ta có thể đi vay rẻ hơn nhờ lãi suất hạ nên đi vay bất kể đất trời. Và mắc nợ ngập đầu. Trong đà lạc quan hồ hởi ấy, các ngân hàng Âu châu đã thi hành chánh sách bành trướng truyền thống của từng quốc gia mà tài trợ đầu tư và cấp phát tín dụng với sự thẩm định lệch lạc về rủi ro thực tế.
Khi khủng hoảng ngân hàng bùng nổ từ năm 2008 thì Âu châu, từ lãnh đạo đến ngân hàng và công chúng nói chung, cứ tưởng rằng họ bị hiệu ứng từ vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ - vụ Lehman Brothers vào Tháng Chín năm 2008. Chê Mỹ là trò chơi thịnh hành, không chỉ tại Mỹ!
Họ không nhìn ra chứng bệnh trầm kha ngay trong nội tạng Âu châu. Càng không thấy rằng sau khi đã tung tiền chuộc nợ và cấp cứu các nước bất cẩn khá nhiều lần, nước Đức không muốn tiếp tục làm con bò sữa.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel bị thất cử liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương từ năm ngoái nên bắt buộc phải thắt chặt hầu bao. "Miệng túi càn khôn thắt lại rồi" vì dân Đức hết vui với sự hào phóng của xứ khác khi nước Đức phải chuộc lại Đông Đức, ra sức tái thiết và phát triển Đông Âu và Trung Âu, chuộc nợ cho các nước Tây Âu ở miền Nam.
Lợi bất cập hại là tính toán của họ. Và là mệnh lệnh cho Thủ tướng Merkel.
***
Đấy là nguyên nhân sâu xa và thiết thực của cuộc tranh luận rắc rối, vừa kỹ thuật vừa pháp lý và vửa chính trị, về những câu hỏi như 1) ai sẽ chung sức gánh nợ; 2) các ngân hàng và chủ đầu tư bất cẩn đã cho các nước khác vay tiền mà không thẩm định rủi ro cho đúng thì có phải gánh vác một phần trách nhiệm, bị là "gọt tóc", hay chăng, bao nhiêu là vừa, sau đó còn đủ vốn kinh doanh không; 3) các nước hào phóng với trò chơi bao cấp sẽ phải làm gì thì mới được xoá nợ, bao nhiêu thì đủ và trong điều kiện nào; 4) Quỹ EFSF sẽ là cơ chế tài trợ sau cùng, với tiền ở đâu và sẽ cứu ai mà bỏ ai; 5) đồng Euro có đáng tồn tại hay phải được tái cơ cấu lại, ai đi ai ở?...
Trong 21 tháng tranh luận vừa qua, trái đất vẫn xoay, thị trường vẫn vận hành và phê phán khả năng thanh toán của các khách nợ. Xứ nào bị nhiều rủi ro nhất thì công khố phiếu mất giá, phân lời tăng và gánh nặng tài chánh càng đẩy vào hoàn cảnh vỡ nợ. Hệ thống ngân hàng Âu châu bị rung chuyển trong những biến động ấy và bị đặt trước bài toán là sẽ mất nợ và phải tăng vốn, nếu không thì sẽ sụp đổ dây chuyền.
Gai góc nhất trong các bài toán này là quy chế hoạt động của Quỹ EFSF.
Quốc hội Đức không cho chính quyền Merkel châm thêm tiền ngoài ngân khoản 211 tỷ Euro (gần 300 tỷ Mỹ kim) đã cam kết cho Quỹ này có phương tiện cam kết việc cứu trợ các nước lâm nạn. Quỹ này cũng không thể là một ngân hàng như Pháp đề nghị, và không có quyền mua lại giấy nợ của các nước - các thỏa ước của Liên Âu đã cấm đoán việc ấy. Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB cũng không được châm tiền chữa cháy bằng cách mua lại công khố phiếu – và trả bằng tiền mặt – vì rốt cuộc thì sẽ ôm vào một mớ giấy lộn bị mất giá.
Nói lại cho gọn thì hai cơ chế có khả năng chi tiền và trấn an thị trường là Quỹ EFSF và Ngân hàng ECB đều bị nước Đức chặn đứng.
Giải pháp của Đức là, thứ nhất, chủ đầu tư bất cẩn – các ngân hàng và những người mua công khố phiếu Âu châu - phải lãnh một phần trách nhiệm. Việc xoá nợ và chịu lỗ 50% nằm trong hướng đó. Thứ hai, bình nước 440 tỷ của Quỹ EFSF chỉ đủ chứa cháy cho một nước mà thôi, thí dụ như Tây Ban Nha, và nếu cần thêm nước thì phải đi tìm nơi khác. Việc Chủ tịch EFSF phải qua Tầu qua Nhật và Tổng thống Sarkozy điện thoại cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nằm trong hướng đó. Thứ ba, các nước liên hệ (lâm nạn) phải chấp nhận chánh sách khắc khổ về kinh tế, cụ thể là giảm chi, chứ không thể trông cậy vào hầu bao của dân Đức.
Xét như vậy thì ta thấy ngay rằng sự lạc quan của thiên hạ khi thượng đỉnh Âu châu kết thúc đêm Thứ Tư 26 chỉ là sự hồ hởi sảng. "Có tin vui trước giờ tuyệt vọng", nhưng là tin vui ngắn hạn của một bình nước biển cho con bệnh mắc chứng nan y.
Tin vui ấy dựa trên ba giả thuyết lạc quan mà chưa chắc đã thành hiện thực.
***
Lý do thứ nhất là việc xoá nợ cho Hy Lạp có thể gây khủng hoảng cho các ngân hàng!
Làm chủ núi nợ thối của xứ này là các ngân hàng bất cẩn và các quỹ hưu bổng của Hy Lạp. Việc xoá nợ có nhất thời giảm được nỗi lo của chính quyền về khoản tiền lời sẽ thanh toán, nhưng sẽ khiến các chủ nợ mất vốn. Ngân hàng và quỹ hưu bổng mà cạn tiền và tìm qua Quỹ EFSF để xin tài trợ thì lại gặp tấm bảng "miễn tiếp" của EFSF. Sau hai năm luồn lách để đẩy lui một vụ khủng hoảng ngân hàng, người ta đang trở về chốn cũ!
Lý do thứ hai là các nước Âu châu bị đặt trước sự chọn lựa họ đã thoái thác... từ đầu. Giữa nhu cầu bảo vệ sự thống nhất của cơ chế Liên Âu và đồng Euro với sự bảo vệ quyền lợi riêng tư của quốc gia, trong đó có cả quyền lợi của các ngân hàng của mình, các nước sẽ chọn ưu tiên nào? Chính quyền Slovakia đã đổ vì đồng ý với giải pháp cấp cứu Âu châu, chính quyền Ý thì đang lung lay vì bài toán riêng hay tư đó. Tổng thống Pháp và đảng UMP đang phải tái tranh cử nên cũng rất ngại chọn lựa, vì vậy ông Sarkozy mới mau mắn điện thoại của Bắc Kinh. Ra cái điều ta đã có giải pháp!
Kinh hoàng hơn nữa, giới đầu tư - và cả các quốc gia nằm ngoài Âu châu – đang đứng trước một thực tế chưa từng xảy ra.
Từ nay, cho các chính quyền Âu châu vay tiền bằng cách mua công trái (công khố phiếu) của họ thì hết được bảo đảm là sẽ thu lại đủ vốn nhờ kẻ chủ chi là dân thọ thuế tại Đức. Chủ tịch EFSF Klaus Regling sẽ ăn nói ra sao khi mời Trung Quốc và Nhật Bản kề vai tài trợ, với hy vọng là chỉ mất vốn chừng 20% mà thôi? Hai nước có khối dự trữ ngoại tệ rất lớn này có bùi tai thủ vai lính cứu hoả hay chăng?
Và Hoa Kỳ đang ngập nợ, bị thất nghiệp cao và xoay vần trong những trò tranh cử bất tận sẽ làm gì được? Hoặc Liên bang Nga với 500 tỷ đô la có thể tính gì để chia bớt gánh nặng cho Đức, để nối lại nhịp cầu truyền thống giữa Nga và Đức – trên đầu các nước Âu châu, nhất là các nước Đông Âu xưa kia đã chết kẹt ở giữa?
Ngoài ba viễn ảnh kém vui này, chúng ta trở lại thực tế của Âu châu.
Nước Đức từng có tham vọng thống trị Âu châu nên đã ba lần gây chiến và bị xé làm hai trong gần nửa thế kỷ. Ngày nay, cường quốc đó có một cơ hội văn minh và hòa bình hơn để đặt ra một luật chơi cho các nước Âu châu. Muốn hưởng thì phải cầy, dưới sự điều động và theo điều kiện chặt chẽ hơn về ngân sách, thuế vụ và đầu tư. Muốn cứu đồng Euro thì phải chấp nhận quy củ đó. Và vẽ lại nền tảng pháp lý của Liên Âu thống nhất.
Vì vậy, vấn đề không chỉ là số phận của đồng bạc hay mức lời lỗ của các ngân hàng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét