Từ Liên minh Thuế quan đến Không gian Kinh tế rồi Liên hiệp Âu-Á: Putin muốn gì?
Khi việc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP
bị trở ngại, thì Việt Nam có nên xúc tiến việc thương thuyết Hiệp định
Thương mại Tự do với Liên minh Thuế quan do Liên bang Nga đề xướng hay
không? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hai hồ sơ này qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Hiệp định TPP
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong
một chương trình vào đầu Tháng Sáu vừa qua, khi đề cập đến Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP, ông trình bày những trở ngại
khiến chỉ tiêu do Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị, là hoàn tất nội trong năm
nay, sẽ khó thành. Quả như vậy vì sau kỳ họp thứ 14 của chín nước liên
hệ, trong đó có Việt Nam, vào hôm 15 vừa qua, người ta nói đến kỳ họp
tới vào Tháng 12 tại New Zealand, với hai quốc gia nữa sẽ tham dự là
Canada và Mexico, nhưng dự đoán là vòng đàm phán này cũng sẽ thất bại.
Trong khi ấy, dư luận lại chú ý đến một hy vọng vừa nhen nhúm nhân
Hội nghị Cấp cao vào tuần trước của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình
dương là APEC, tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga. Đó là việc
Bộ trưởng Công thương Việt Nam đã ký với Bộ trưởng của Liên minh Thuế
quan một biên bản nghiên cứu để khởi sự đàm phán một Hiệp định Thương
mại Tự do với Liên minh này, được giới thiệu như một sáng kiến của Liên
bang Nga.
Như vậy, trong có một tuần ta thấy ra hai hồ sơ cùng liên hệ đến
tự do mậu dịch là, thứ nhất, chuyện TPP đang bị trở ngại; và thứ hai,
Việt Nam có triển vọng khác qua việc hợp tác với Liên minh Thuế quan
này. Chúng tôi đề nghị là mình cùng tìm hiểu về hai hồ sơ đó, nhất là về
Liên minh Thuế quan mà nhiều thính giả của chúng ta chưa nghe tới bao
giờ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thực đơn kỳ này của chúng ta có hai món đều
khó tiêu cả nên tôi e rằng thính giả của chúng ta có khi bị bội thực!
Tôi xin bắt đầu với Hiệp định Đối tác Thái bình dương.
- Cách đây 11 năm, vào Tháng 10 năm 2001, tức là ngay sau vụ khủng bố
9-11 tại Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ thời đó đề nghị Tổ chức Thương mại Thế
giới WTO mở ra một vòng đàm phán mới, gọi là Vòng Doha do tên của thành
phố tổ chức hội nghị. Mục đích của Vòng đàm phán Doha là tiến tới chế độ
mậu dịch tự do, với thuế biểu tối thiểu và hết còn rào cản, giữa các
nước, trong đó quan trọng và có lợi nhất là các nước đang phát triển.
Nhưng sau chục năm cố gắng, vòng đàm phán ấy không thành vì dị biệt
quyền lợi và quan điểm quá lớn giữa các nước.
- Mùa Thu năm 2008, cũng chính Tổng thống George W. Bush đã nhân sáng
kiến hội nhập thương mại của bốn nước trong vành cung Thái bình dương,
là Chile ở Nam Mỹ và Singapore cùng New Zealand rồi Brunei tại Đông Á,
mà mở rộng và nâng cao sáng kiến thành Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình
dương, với vai trò chủ động của nền kinh tế lớn nhất địa cầu là Hoa Kỳ.
Khi đó, mục tiêu của Mỹ có trọng tâm khiêm nhường hơn vì thu hẹp hơn
vòng đàm phán Doha giữa 157 thành viên của tổ chức WTO. Nhưng chìm bên
dưới thì ta còn thấy một chủ đích khác, đó là xây dựng thế hội nhập kinh
tế giữa các nước mà không có Trung Quốc.
- Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đẩy mạnh
sáng kiến của vị tiền nhiệm và còn hy vọng hoàn tất bản Hiệp định nội
năm nay. Nhưng 14 kỳ họp vẫn chưa san bằng nhiều chướng ngại, thí dụ như
về quyền sở hữu trí tuệ, chế độ lao động, môi sinh, tự do sử dụng
Internet, hay vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Vũ Hoàng: Đây là một điều đáng tiếc vì trong hoàn cảnh kinh tế
toàn cầu đang bị trì trệ nếu các nước đạt được một hiệp định thương mại
tự do thì là điều có lợi cho mọi người. Nhưng thưa ông, phải chăng cũng
vì những chấn động kinh tế vừa qua trên thế giới mà xu hướng bảo hộ mậu
dịch và chống toàn cầu hóa lại gia tăng trong nhiều nước nên mới gây
thêm trở ngại?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đấy cũng là một lý do khá quan trọng.
- Thí dụ như tại Hoa Kỳ, là nước chủ xướng, Chính quyền Obama chưa xin Quốc hội quyền đàm phán theo thủ tục nhanh gọn, gọi là "fast track",
để thúc đẩy việc thương thuyết. Rồi sức ép của xu hướng bảo hộ mậu
dịch, bảo vệ môi sinh hay các nghiệp đoàn Mỹ trong một năm tranh cử cũng
dẫn tới những đòi hỏi mà nhiều nước cho là quá đáng. Ngược lại, vai trò
nặng nề mà yếu kém của khu vực nhà nước và chế độ kiểm soát mạng điện
tử như tại Việt Nam cũng đi ngược chủ trương chính yếu của Hiệp định.
Nếu mà ngoài 11 quốc gia đang đàm phán với nhau, Hiệp định lại mở rộng
để nhận thêm các nước khác, thí dụ như Nhật Bản, Úc hay Nam Hàn, thì khó
khăn sẽ càng tăng chứ không giảm.
- Nhìn chung thì Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đang thành một trung
tâm kiện tụng quốc tế về nạn cạnh tranh bất chính. Khi Vòng Doha bị tê
liệt thì từng nước tìm cách kết hợp nhỏ hơn, giữa từng nhóm quốc gia với
nhau, thí dụ như giữa Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN với ba
nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng chính là tranh
chấp về quyền lợi lẫn an ninh giữa các nước Á châu này, mà điển hình là
vụ khủng hoảng Hoa-Nhật, càng đẩy lui hy vọng thành lập một khu vực tự
do mậu dịch rộng lớn.
Liên minh Thuế quan
Vũ Hoàng: Bây giờ qua phần hai, về Liên
minh Thuế quan mà lãnh đạo Liên bang Nga đề nghị Việt Nam tham dự nhân
hội nghị vừa qua của diễn dàn APEC, thưa ông, liên minh ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là câu chuyện dài mà có lẽ ta phải trở lại từ thời Liên bang Xô viết thì mới suy ra mục tiêu của Liên bang Nga ngày nay.
- Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nga là cường quốc mạnh
nhất trong tập thể cũ nhưng bị khủng hoảng cả chục năm và chỉ dần dần
hồi phục dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin từ năm 2001. Từ
đó, Nga muốn chinh phục lại ảnh hưởng đã mất với các nước Cộng hòa của
Liên bang Xô viết cũ, khởi đầu với việc tấn công Georgia vào Tháng Tám
năm 2008 và gây áp lực về khí đốt Ukraina vào đầu năm 2009 rồi đẩy lui
dần làn sóng dân chủ và thân Tây phương tại Đông Âu.
- Trong khu vực Đông Âu, một quốc gia bị khóa trong đất liền và không
tiếp cận với Âu Châu là Cộng hoà Belarus thì vẫn nằm trong quỹ đạo Nga.
Tại khu vực Trung Á, thì Nga ra sức củng cố ảnh hưởng với năm nước Cộng
hoà theo Hồi giáo là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và
Takikistan, xưa nay có nền kinh tế quá lệ thuộc vào nước Nga.
- Chính ảnh hưởng kinh tế quá mạnh đó mới khiến Kazakhstan lần đầu tiên
đề nghị chế độ quan thuế thống nhất với Liên bang Nga vào năm 1994. Khi
Nga đã quật khởi thì sáng kiến này trở thành một kế hoạch của ông Putin
và được chuẩn bị từ năm 2008. Liên minh Thuế quan ra đời hôm mùng một
Tháng Giêng năm 2010 giữa ba nước là Liên bang Nga, Belarus và
Kazakhstan.
Vũ Hoàng: Thưa ông, nội dung kinh tế của Liên minh này gồm có những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước thống nhất quan thuế biểu trong
luồng giao dịch với nhau. Còn với các nước bên ngoài Liên minh thì họ áp
dụng thuế biểu của Nga. Từ mùng một Tháng Bảy năm ngoái, họ bãi bỏ chế
độ kiểm soát quan thuế hay hải quan giữa ba nước với tiêu chí là mở ra
một "Không gian Kinh tế Thống Nhất" của Liên minh từ đầu năm nay do Nga
lãnh đạo.
- Một cách cụ thể thì Belarus và Kazakhstan bãi bỏ thuế suất nhập khẩu
khá thấp của họ để áp dụng thuế suất cao hơn của nước Nga khi họ mua
hàng của các nước nằm ngoài Liên minh. Nghĩa là hội nhập và lệ thuộc
nhiều hơn vào kinh tế của Nga. Nội dung kinh tế đó chỉ đưa ba nước trở
lại quỹ đạo ngày xưa của Liên Xô.
- Nhưng đáng chú ý hơn vậy là nội dung an ninh và chính trị khi mà Công
an Thuế vụ của Nga sẽ phụ trách việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu
của ba nước trong Không gian Kinh tế này. Và một khía cạnh đáng chú ý
nữa - và có được phản ảnh khi Việt Nam ký kết với Liên minh này hôm mùng
bảy vừa qua - là tăng cường hợp tác về kỹ thuật quân sự giữa các nước.
Vũ Hoàng: Ông vừa nêu một chi tiết có thể làm thính
giả suy nghĩ. Đó là Belarus và Kazakshtan áp dụng thuế suất nhập nội của
nước Nga vốn dĩ cao hơn của họ. Phải chăng vì vậy mà họ sẽ giảm dần
việc trao đổi với các nước ngoài Liên minh hay Không gian Kinh tế này và
tăng cường trao đổi với Nga?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, việc gọi là "hội nhập" đó
khiến các nước trở lại vị trí chư hầu của Nga như trong quá khứ mặc dù
thống kê kinh tế thì nói đến luồng trao đổi giữa ba nước đã tăng 18%
trong một năm, tính đến quý một của năm nay.
- Cũng vì thế mà Ukraina do dự khi được mời vào Liên minh dù Tổng thống
Viktor Yanukovich hiện nay là người thân Nga và thực tế được ông Putin
yểm trợ để loại bỏ xu hướng thân Âu Châu và trở lại nắm quyền. Nhưng
Liên bang Nga vẫn có cách khác để gây áp lực, như qua các tập đoàn dầu
khí quá mạnh của hai nước. Tập đoàn Naftogaz của Ukraine sẽ nhường quyền
khai thác khí đốt cho tập đoàn Gasprom của Nga để Ukraine được mua khí
đốt từ Nga với giá rẻ và đấy cũng là một đòn bẩy của Putin. Ngoài
Ukraine thì các nước khác, kể cả Armenia rất thân Nga, Uzbekistan,
Turkmenistan hay Azerbaijan và nhất là Georgia thì vẫn đứng ngoài. Nói
chung, xứ nào cũng thấy ra mục tiêu chính trị của Nga nằm dưới vỏ bọc
kinh tế và mậu dịch.
Việt Nam được gì?
Vũ Hoàng: Khi Liên minh này nói về bước
phát triển từ ngoại thương qua một "Không gian Kinh tế", chúng ta đều
thấy yếu tố địa dư ở bên trong. Đó là các quốc gia được mời vào liên
minh về thuế quan đều tiếp cận với Nga. Trường hợp Việt Nam nằm tại Đông
Nam Á và nếu tiếp cận thì với Trung Quốc chứ có gần nước Nga đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông nêu một câu hỏi rất chí lý khiến chúng
ta phải tiến thêm một bước vào chuỗi suy luận của lãnh đạo Nga. Trước
khi tuyên bố sẽ ra tái tranh cử Tổng thống vào năm ngoái, Thủ tướng
Vladimir Putin đã nói đến kế hoạch thành lập một Liên hiệp Âu Á, cũng
tương tự và có thể là một lực đối trọng với Liên hiệp Âu châu hiện nay.
- Khi tìm hiểu kỹ kế hoạch, người ta thấy tham vọng của Nga là dùng hợp
tác kinh tế để có một khối thống nhất từ Đông Âu đến Viễn Đông, đến Á
châu Thái bình dương, với tiêu chí của ông Putin là lập nền móng của sự
hợp tác này vào năm 2015. Về thực tế thì đây là dự tính trường kỳ, dọ
dẫm từng bước theo kiểu liệu cơm gắp mắm, tiến được chừng nào hay chừng
đó.
- Bước đầu tiên là Liên minh Thuế quan, kế đó là Không gian Kinh tế,
rồi đến Liên hiệp Âu Á. Nếu Liên minh Thuế quan có thực lực, Không gian
Kinh tế sẽ mở rộng cùng sự hợp tác về an ninh và chính trị. Trên thế
mạnh đó, Liên bang Nga mới có điều kiện thuận tiện để vận động các nước
trong quỹ đạo lập ra Liên hiệp Âu Á, và trở thành là lực đối tác với Âu
Châu ở hướng Tây và Trung Quốc ở hướng Đông. Cũng vì vậy mà Nga mời Ấn
Độ và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, ký hiệp định với Liên minh
Thuế quan để gia tăng giao thương với châu Á.
Vũ Hoàng: Khi thấy bức tranh toàn cảnh, người ta có
thể hiểu rằng vấn đề không chỉ là ngoại thương hay quan thuế. Theo nhận
định của ông, Việt Nam có lợi gì trong sự hợp tác này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từng nằm trong quỹ đạo Xô viết, Việt Nam có
quan hệ lâu đời với nước Nga. Nhiều giới chức trong đảng hay quân đội
cũng vậy. Giữa cảnh thúc bách với Trung Quốc, một số người lãnh đạo có
thể nghĩ đến giải pháp đa diện hoá sự giao kết của mình, nhân đó tìm
thêm một chút lợi nhuận. Mà Nga lại biết mua chuộc và chẳng làm phiền
mình về chuyện nhân quyền hay dân chủ! Nhìn theo một cách nào đó thì đây
là một tính toán hợp lý.
- Huống hồ, Việt Nam là hội viên của Tổ chức WTO mà Nga mới vừa gia
nhập, là thành viên của Hiệp hội ASEAN, lại được cả Hoa Kỳ và Âu Châu ưu
đãi về mậu dịch, nên Việt Nam có thể là cửa khẩu cho Liên bang Nga hay
Liên minh Thuế quan mở rộng giao thương với châu Á. Tại Thượng đỉnh
APEC, Đệ nhất Phó Thủ tướng Nga là Igor Shuvalov đã nói là năm mười năm
tới, lượng giao thương của Nga với Á châu Thái bình dương sẽ vượt qua
ngạch số với Âu châu.
- Chúng ta biết Liên bang Nga muốn gì. Vấn đề là khi thương thuyết về
Hiệp định Tự do Thương mại với Liên minh, Việt Nam có muốn và biết bảo
vệ quyền lợi của mình hay không? Đấy là chuyện cần theo dõi. Sau cùng,
trở ngại hiện nay của Hiệp định Xuyên Thái bình dương có thể khiến Hà
Nội thấy hợp tác với Nga là hấp dẫn. Nhưng có lẽ cũng cần nhìn xem Liên
minh Thuế quan của Nga có thể mở tới đâu và có thực lực gì không nếu so
với các khu vực mậu dịch khác. Chúng ta sẽ còn cơ hội tìm hiểu về chuyện
ấy.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét