"Diễn Đàn Kinh Tế "
Vỡ Nợ Chầm Chậm, Rồi Đột Ngột
Từ vụ các đại gia ngân hàng tại Việt Nam bị bắt cách đây ba tuần,
dư luận ngày càng lo sợ nguy cơ khủng hoảng tài chính do hiện tượng đầu
tư chồng chéo của nhiều người có quan hệ đặc biệt với các giới chức
quyền thế. Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề cực kỳ phức tạp này qua phần trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Đầu tư chồng chéo
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Từ vụ bắt giữ các
nhân vật quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam như ông
Nguyễn Đức Kiên rồi ông Lý Xuân Hải, các công ty lượng giá trái phiếu đã
chú ý đến tình trạng bấp bênh và gánh nợ quá lớn của hệ thống ngân hàng
Việt Nam. Thế rồi khi tìm hiểu thêm về nhiều khúc mắc bên trong, người
ta còn thấy ra hiện tượng đầu tư chồng chéo và giả tạo của một số đại
gia ngân hàng. Ông nghĩ sao về mối nguy khủng hoảng xuất phát từ những
hiện tượng bất thường đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, trước hết là nhìn trong trường kỳ
trên bối cảnh rộng thì các "đại gia ngân hàng" như dân chúng trong nước
vẫn gọi và cả những ông chủ hay các nhà lãnh đạo ẩn mặt ở bên trong đã
chẳng phát minh ra điều gì cả. Họ chỉ học các thủ thuật nguy hiểm của
thiên hạ mà lại học tắt trong một môi trường thiếu luật lệ công minh và
thông tin trong sáng, cho nên họ sẽ gặp tai họa còn sớm hơn nữa.
- Đầu tiên, tôi xin được nhắc lại rằng vụ sụt giá cổ phiếu tại Mỹ năm
1929 rồi Tổng khủng hoảng thời 1929-1933 cũng xuất phát một phần tự hiện
tượng đầu tư chồng chéo. Đó là khi tập đoàn tài chính này đầu tư vào
tập đoàn kia trong mối quan hệ chằng chịt mà chẳng còn biết đâu là gốc
là ngọn. Hiện tượng đó dẫn tới vấn đề đơn giản nhất là mâu thuẫn về
quyền lợi và trách nhiệm. Vấn đề thứ hai mới đáng ngại hơn, đó là gây ra
rủi ro sụp đổ dây chuyền vì một quỹ đầu tư mà vỡ nợ là kéo theo các quỹ
khác. Vấn đề thứ ba, cực kỳ nguy hiểm là người ta cứ thế mà đầu tư
trong vòng luẩn quẩn, gây ra ảo tưởng thịnh vượng và bong bóng đầu cơ
như một lâu đài xây trên cát. Cái vòng xoáy tai hại đó mới khiến vụ sụt
giá cổ phiếu Hoa Kỳ dẫn đến nạn vỡ nợ dây chuyền. Sau đó, giới đầu tư
quốc tế lại còn kinh nghiệm tai hại của Nhật Bản nên họ chả thấy ngạc
nhiên về những gì đang xảy ra tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa.
Vũ Hoàng: Chúng tôi đoán là ông muốn từng bước trình
bày bài học đã qua của các nước khác để thính giả của chúng ta khỏi
ngạc nhiên và đặt vấn đề vào đúng bối cảnh của nó. Thế chuyện Nhật Bản
là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù rằng có nền văn hoá khác và đi vào công
nghiệp hóa theo một hướng khác với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã nghĩ đến việc tập
trung tài nguyên và trí tuệ vào một số khu vực chủ đạo, cũng như Việt
Nam đang tập tành ngày nay.
- Nhật Bản xây dựng một hệ thống đầu tư chồng chéo giữa doanh nghiệp và
ngân hàng. Các doanh nghiệp có thể đầu tư hàng dọc, từ trên xuống và từ
dưới lên, để lập ra loại tập đoàn sản xuất hội nhập với nhau là các
"keiretsu". Trong khi ấy, các ngân hàng thì đầu tư hàng ngang, ngân hàng
này góp vốn vào ngân hàng kia và cùng nương nhau mà phát triển.
- Ở trên cùng, hay ở dưới cùng, là sự yểm trợ của bộ máy công quyền để
các tập đoàn kỹ nghệ và tài chính ngân hàng này thực hiện chính sách
phát triển của nhà nước. Các "chaebols" Nam Hàn cũng có xu hướng tương tự là do học được của Nhật.
Vũ Hoàng: Thưa ông, thế rồi chuyện gì đã xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cũng lại là hiện tượng hồ hởi sảng và bong
bóng đầu tư bị bể. Sau Mỹ đúng 60 năm, Nhật Bản bị bể bóng từ năm 1989
và các doanh nghiệp lẫn ngân hàng bị khủng hoảng từ năm 1991 vì quan hệ
đầu tư chồng chéo dẫn đến nạn sụp đổ dây chuyền. Nam Hàn cũng có bài
học này vào năm 1997 và đã phải vất vả tiến hành cải cách. Bây giờ ta
mới nói về Việt Nam, với nhiều khác biệt cơ bản khi ta so sánh với các
trường hợp mình vừa nhắc đến.
Nạn ỷ thế làm liều
Vũ Hoàng: Những khác biệt ấy là gì, ông có thể trình bày từng chuyện cho thính giả của chúng ta được chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, các nước đó thuộc loại tiên tiến
và có nền tảng luật pháp nghiêm minh chặt chẽ mà còn bị rủi ro về quản
trị như trường hợp Hoa Kỳ hơn 80 năm trước.
- Nhật Bản hay Nam Hàn thì áp dụng chiến lược phát triển gần như một
quốc sách cho toàn dân để thi hành chính sách công nghiệp hóa có định
hướng và với sự yểm trợ của nhà nước. Nền tảng luật lệ của họ lại công
khai minh bạch trong một môi trường chính trị dù sao cũng dân chủ hơn
Việt Nam gấp bội. Vậy mà họ vẫn bị khủng hoảng và còn gặp những tệ nạn
khó tránh khi có sự cấu kết như vậy. Đó là nạn tham nhũng móc ngoặc; đó
là nạn tư bản thân tộc bao che cho nhau; và nhất là cái nạn "ỷ thế làm
liều", nói theo danh từ kinh tế và bảo hiểm là nạn "moral hazard".
Vũ Hoàng: Hình như Việt Nam cũng có ba loại tệ nạn
ông vừa nhắc đến. Như nạn tham nhũng thì theo định nghĩa là trục lợi bất
chính nhờ tiếp cận với công quyền và còn được viên chức công quyền bảo
vệ. Như nạn tư bản thân tộc là khi con cái lãnh tụ đã một bước lên làm
Tổng quản trị CEO, hay mẹ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, con là Tổng
giám đốc, con rể là Tổng kiểm soát. Còn về nạn ỷ thế làm liều thì người
ta nghĩ ngay đến Vinashin hay Vinalines.
...các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ là trung tâm bòn rút tài nguyên quốc dân, kể cả vay mượn, để đưa vào dự án có giá trị kinh tế thấp mà rủi ro cao trong khi tay chân và thân tộc của lãnh đạo thì trục lợi rất lớn. Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy mới chỉ là mấy chuyện nhẹ nhất chứ chưa nghiêm trọng!
- Trên lý thuyết thì Việt Nam muốn học theo Nhật Bản và Nam Hàn vì thấy
Trung Quốc cũng đi vào hướng đó. Tức là nhà nước lập ra và yểm trợ một
khu vực chủ đạo làm đầu máy tăng trưởng và phát triển cho cả nước. Nhưng
đấy chỉ là lý thuyết, hay truyên truyền. Chứ về thực tế thì trong khu
vực chủ đạo ấy, các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ là trung tâm bòn rút
tài nguyên quốc dân, kể cả vay mượn, để đưa vào dự án có giá trị kinh tế
thấp mà rủi ro cao trong khi tay chân và thân tộc của lãnh đạo thì trục
lợi rất lớn.
- Thế rồi nhờ thế lực chính trị dựa vào chính sách công nghiệp hóa ở
ngọn, nhiều lãnh tụ đưa tay chân lên hàng đại gia để không chỉ thu vét
tài sản công quyền mà còn hút cả tài sản của công chúng vào các nghiệp
vụ đầu tư chồng chéo này. Họ làm như học theo Nhật Bản và Nam Hàn mà
thực chất chỉ là con buôn chứ chưa xây dựng được những cơ sở lớn như mấy
nước kia.
- Nhưng nghiêm trọng hơn cả là các thế lực chính trị lẫn đại gia kinh
doanh còn có thể can thiệp và làm lệch lạc chính sách công quyền để kiếm
lợi riêng. Thí dụ đang được bà con trong nước nói đến chính là trong hệ
thống ngân hàng và vai trò đáng nghi của ngân hàng nhà nước khi nâng
hay hạ lãi suất vào những thời điểm có lợi nhất cho các đại gia thôn
tính hay sát nhập. Chúng ta có một vòng tròn khép kín của một tổ chức
lường gạt ở cấp quốc gia được ở trên bảo vệ.
Vũ Hoàng: Ông mường tượng ra cái vòng khép kín này là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta không quên một "đặc sản" của
Việt Nam ngày nay là loại doanh nghiệp tư nhân giả hiệu mà điển hình là
nhiều ngân hàng thương mại cổ phần. Quốc tế thì ngợi khen việc cải cách
kinh tế và sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư doanh trên thị trường
Việt Nam nhưng rồi họ cũng biết về sự thật ở đằng sau, ở bên dưới.
- Ở trên cùng, các lãnh tụ chính trị phân vùng kinh doanh với nhau và
chi phối các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tập đoàn đó có thể lập ra
ngân hàng thương mại cổ phần với danh hiệu là tư nhân mà về thực chất
thì do một tay chân thân tín của lãnh tụ đứng làm chủ. Ông hay bà hay cô
chủ ngân hàng này mới lại lập thêm các công ty đầu tư hay cơ sở tài
chính để đứng tên vay tiền của ngân hàng mẹ. Tất nhiên là họ được giải
ngân tháo khoán dễ dàng vì là mẹ cho con vay theo kiểu đầu tư chồng chéo
hay tròng chéo vì có cùng một tròng. Bước kế tiếp, công ty đầu tư hay
cơ sở tài chính mới đi tìm các dự án tài trợ thật ra có sẵn trên giấy.
Đây là loại dự án ảo về chế biến, thương mại hay bất động sản với trị
giá được ước tính rất cao để vay tiền thật nhiều mà giá trị kinh tế hay
kinh doanh thì rất đáng ngờ. Vậy mà vẫn trót lọt vì chỉ là cửa thu tiền
cho lãnh tụ.
- Rốt cuộc thì từ ngân hàng mẹ, người ta có công ty đầu tư con và các
dự án thuộc hàng cháu. Dòng tiền ở trên cứ chảy xuống, từ ngân hàng vào
công ty đầu tư đến các dự án và chảy ngược về ông bà chủ ngân hàng. Họ
không chỉ là chủ ngân hàng hay công ty đầu tư mà còn nắm trong tay nhiều
dự án bất động sản hay cổ phiếu để lại dùng làm đòn bẩy góp vốn vào
ngân hàng, mở ra cơ sở đầu tư khác hoặc thâu tóm ngân hàng khác. Nhờ ba
lớp đòn bẩy này, họ mới trở thành đại gia. Thật ra, toàn bộ kiến trúc ly
kỳ đó vẫn chỉ là cái tháp ảo vì mỗi lần cho vay ra lại là một lần tích
lũy nợ xấu, nhưng người ta ỷ thế làm liều vì tin rằng ở trên cùng đã có
sự bảo vệ của ông chủ thật là lãnh tụ chính trị và các tập đoàn kinh tế nhà nước trong
quỹ đạo của vị lãnh chúa này.
Rủi ro tiềm ẩn
Vũ Hoàng: Thưa ông, loại kiến trúc hình
tháp ấy hình như lại dựng ngược và có quá nhiều rủi ro vì dựa trên chuỗi
liên hoàn chồng chéo những nghiệp vụ vay mượn và tài trợ cho các dự án
không thật, hoặc có giá trị kinh doanh rất thấp. Nhưng vì sao mà người
ta có thể tiến hành được các nghiệp vụ đó? Chẳng lẽ ngân hàng không có
sổ sách hay hồ sơ tài trợ phân minh sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta trở lại chuyện nền tảng luật lệ. Khi
người có gian ý mà làm luật thì kẻ chấp hành ở dưới có nhiều thủ thuật
để lách luật mà biết là họ được ai đó ở trên bảo vệ. Chuyện rắc rối chỉ
bùng nổ và đại gia bị kết tội phạm luật kinh tế như bậy giờ khi có đấu đá ở trên
cùng.
Vũ Hoàng: Trong cái vòng xoáy này, rủi ro cho công chúng là những gì?
Từ hai năm nay, người ta đã thấy cái nạn vỡ nợ có vẻ như âm ỉ chầm chậm tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa. Chúng ta đã nói đến kinh nghiệm Hoa Kỳ thời 1929, của Nhật thời 1989, nay mai sẽ có thêm kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam. Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Rủi ro đầu tiên mà ai cũng thấy ra là hệ
thống ngân hàng bị lũng đoạn vì thói tật kinh doanh đó ở một tầng rất
cao và có rất nhiều quyền hạn. Thứ hai là các ngân hàng có thể sụp đổ vì
cái núi nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Mức nợ ấy đã được quốc tế báo động
mà người ta chưa biết là xấu đến cỡ nào, là 10% hay còn cao hơn nữa nếu
so với số dư nợ tín dụng? Khi ngân hàng sụp đổ thì thân chủ ký thác tức
là công chúng có thể mất tiền oan. Thứ ba là trị trường trái phiếu hay
tín dụng sẽ bị khủng hoảng vì các công ty đầu tư phát hành trái phiếu để
vay tiền trên thị trường qua môi giới trung gian của ngân hành. Các
công ty đầu tư này vay tiền ở ngoài để gom về cho ngân hàng mẹ dưới dạng
cổ phần của ngân hàng. Khi công ty đầu tư hay ngân hàng sụp đổ thì chủ
nợ có tờ trái phiếu biến thành giấy lộn. Chuyện ấy càng dễ xảy ra vì
ngân hàng lại dùng số vốn vay mượn đó đi đánh bạc trên thị trường chứng
khoán!
Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc thì sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhớ đến một câu đối thoại trong truyện
"The Sun Also Rises" của nhà văn Hoa Kỳ Ernest Hemingway. "Ông bị vỡ nợ
như thế nào vậy? – Thưa rằng qua hai cách. Ban đầu còn chầm chậm, sau đó
mới đột biến"!
- Từ hai năm nay, người ta đã thấy cái nạn vỡ nợ có vẻ như âm ỉ chầm
chậm tại Việt Nam và cả Trung Quốc nữa. Bây giờ thì người ta chờ đợi một
sự sụp đổ tan tành, xảy ra rất nhanh vì là kết quả tích lũy của tình
trạng thao túng và lũng đoạn một khu vực huyết mạch của kinh tế là hệ
thống tài chính và ngân hàng. Chúng ta đã nói đến kinh nghiệm Hoa Kỳ
thời 1929, của Nhật thời 1989, nay mai sẽ có thêm kinh nghiệm của Trung
Quốc và Việt Nam.
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét