Thứ Tư, tháng 4 25, 2012

Doanh Nghiệp Nhà Nước Mới Là Vấn Đề

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120425

Doanh nghiệp Nhà nước trục lợi, gây lạm phát và cản trở cải cách 




* AFP photo - Toàn cảnh phiên họp Thượng viện dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch 
Amado Boudou về việc quốc hữu hóa tập đoàn dầu khí YPF hôm 25/4/2012 tại Buenos Aires.*


Gần như trong cùng một tuần, hai biến cố trái ngược từ hai lục địa khiến người ta tự hỏi về giá trị của các doanh nghiệp nhà nước. Ở giữa, có vấn đề nổi cộm về doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu câu chuyện qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thứ Hai 16 vừa qua, các thị trường tài chính quốc tế đều xôn xao về việc Chính quyền Argentina quyết định quốc hữu hóa tập đoàn dầu khí lớn nhất xứ này là YPF khi đòi mua lại 51% phần vốn của tổ hợp Repsol của Tây Ban Nha trong tập đoàn. Gần như cùng lúc, Chính quyền Liên bang Nga cho biết là dù có bị trở ngại nhất thời, Nga vẫn tư nhân hoá một phần vốn của ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank. Một bên thì muốn quốc hữu hóa để nhà nước nắm lấy một ngành sản xuất chiến lược, một bên  lại muốn bán cổ thần cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực cũng chiến lược không kém là ngân hàng.

Trong khi ấy, tại Việt Nam và Trung Quốc, giới chức kinh tế cũng đang nói đến yêu cầu cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước như các nhà nghiên cứu quốc tế và bản xứ đã từng khuyến cáo. Vì vậy, chương trình kỳ này của chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề ấy, với một câu hỏi cụ thể về giá trị của hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia. Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ cố gắng đề cập đến câu chuyện rộng lớn này qua bốn phần trình bày về bối cảnh và sau đó là phân tích các vấn đề then chốt.

- Thứ nhất, dù quốc hữu hóa không là hiện tượng hãn hữu tại Mỹ châu La tinh - từ 70 năm nay đã có chục lần đáng kể - trường hợp Argentina lại hơi trái mùa. Xứ này lâm vào cảnh cùng quẫn với chính sách bao cấp và trợ giá xăng dầu và chính quyền nghĩ đến giải pháp mị dân hay "dân túy" vì lý do chính trị, làm cho người dân sẽ phải trả giá cho quyết định này. Lý do chính trị là khích động tinh thần ái quốc của dân chúng để khỏa lấp khó khăn kinh tế nhưng cái giá phải trả là đã chẳng giải quyết được vấn đề kinh tế mà còn làm giới đầu tư bỏ chạy nên xứ sở sẽ lại tụt hậu vì thiếu tiền và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, chẳng khác gì xứ Venezuela.

- Về chuyện Liên bang Nga thì sau khi hồi phục từ vụ tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, từ năm 2010, xứ này phát động kế hoạch tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước. Là ngân hàng lớn nhất nước, và hạng nhì Âu châu nếu kể về trị giá cố phiếu, Sberbank nằm trong danh mục các cơ sở sẽ tiến hành việc đó với tiêu chí là vào tuần thứ ba của tháng này. Họ gặp trở ngại là vụ khủng hoảng tài chính Âu châu lẫn việc ông Putin trở lại làm Tổng thống có thể làm các thị trường tài chính e ngại nên họ sợ là nếu bán cổ phần lúc này thì chẳng được giá. Nhưng Ngân hàng Trung ương tuyên bố là vẫn xúc tiến rất sớm vì đấy là quyền lợi của xứ sở. Lý do then chốt ở đây là Nga cần tới nguồn đầu tư của thế giới để cải tiến hiệu suất kinh tế ở bên trong.

Vũ Hoàng: Đó là bối cảnh chung của Argentina và Liên bang Nga. Ở giữa hai trường hợp này có Trung Quốc và Việt Nam cũng là nơi mà người ta đang nói đến yêu cầu cải cách hệ thống quốc doanh và phải tư nhân hoá, hoặc cổ phần hóa nói theo lối Việt Nam. Thưa ông, bối cảnh của chuyện này là gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang vào buổi giao thời trước Đại hội 18, nhưng lãnh đạo xứ này cũng đã thấy nhiều nhược điểm của cơ chế kinh tế chính trị và muốn tiến hành cải cách. Nhất là khi họ biết đà tăng trưởng sẽ giảm sút sau này và thực tế là dù được ưu đãi các tập đoàn nhà nước vẫn cạnh tranh thua kém các tổ hợp tư doanh xứ khác. Vụ Bạc Hy Lai càng khiến họ rà soát lại mô thức Trùng Khánh, vai trò quá lớn và gánh nợ quá nặng của chính quyền các cấp.

- Sau nạn tổng suy trầm vừa qua, người ta thấy rằng việc bơm tín dụng và công quỹ vào doanh nghiệp nhà nước chẳng đem lại lợi ích mà còn gây ra tệ nạn tham ô, lãng phí và thổi lên bong bóng đầu cơ cùng lạm phát. Thật ra Việt Nam cũng theo mô thức Trung Quốc và gặp giới hạn tương tự nên lãnh đạo đã nói đến yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có hồ sơ nổi cộm là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, từ nói đến làm rồi làm được hay chăng thì còn một chặng đường khá dài cho hai xứ này. Dù sao, tôi không tin rằng giải pháp quốc hữu hóa của Argentina đã được Bắc Kinh hay Hà Nội cho là đáng noi theo.   

Nhược điểm của Hệ thống DNNN 


ngan-hang-nong-nghiep-250.jpg

Ngân Hàng Nông Nghiệp Agribank, một ngân hàng quốc doanh. Ảnh minh họa. RFA photo  

 
Vũ Hoàng: Kế tiếp phần bối cảnh và bước qua việc phân tích, thưa ông, nói chung thì đâu là nhược điểm của hệ thống doanh nghiệp nhà nước? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta khởi đi từ cái đầu, từ cách suy nghĩ. Nhiều quốc gia mới bước công nghiệp hóa đã tin là chính quyền phải giữ thế chủ động để định hướng phát triển cho tương lai qua chính sách công nghiệp hơn là dựa vào quy luật thị trường quá rắc rối và bất trắc. Hiện tượng ấy đã thấy tại nhiều nước, dù đã có dân chủ chính trị. Tại các nước độc tài thì lối chọn lựa này càng dễ xảy ra vì không dám có tranh luận để cân nhắc giá trị của từng chiến lược, từng giải pháp.

- Nối tiếp cái nếp tư duy theo đó nhà nước luôn luôn sáng suốt hơn thị trường, hơn giới tư doanh hay quần chúng, một số quốc gia mới chọn chiến lược phát triển có định hướng, Nghĩa là đề ra những khu vực nào mà họ tin là ưu tiên vì có sức kéo cao hơn cho cả nền kinh tế quốc dân. Điều đó thì mình cũng hiểu được vì ấn tượng tập trung đầu tư thường có vẻ có hiệu quả hơn là phân tán.

- Rồi từ định hướng ấy, các nước mới tổ chức toàn bộ cơ chế chính trị và kinh tế chung quanh sự phối hợp và bố trí của nhà nước, bộ máy công quyền và các doanh nghiệp. Bên trong tổ chức doanh nghiệp, các ngân hàng giữ vai trò huy động tiết kiệm và điều hướng luồng đầu tư vào các khu vực sản xuất được coi là có sức bật cao nhất. Chúng ta có thấy hiện tượng đó trong các nước Đông Á nối tiếp thành tích vượt bực của Nhật Bản thời hậu chiến.

Vũ Hoàng: Nhưng hình như là lối tư duy rồi chiến lược phát triển có định hướng cùng với cách tổ chức theo ba chân vạc là nhà nước, bộ máy hành chính và doanh nghiệp cũng có nhược điểm và gây ra khủng hoảng như người ta đã thấy tại Đông Á. Có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng khi tiến hành công nghiệp hóa theo tinh thần chiến đấu, Nhật có xây dựng loại tập đoàn chủ đạo được nhà nước yểm trợ ở đằng sau là những "zaibatsu" rồi "keiretsu". Nối tiếp thì Nam Hàn cũng học theo phép đó với sự thành lập của các "chaebols". Ta gọi chung hiện tượng ấy là "tập đoàn tài phiệt", với doanh nghiệp và ngân hàng kết hợp phương tiện thành từng khối theo hàng dọc để thực thi chiến lược do nhà nước đề ra và yểm trợ.

- Chiến lược và tổ chức ấy có đạt kết quả ban đầu mà cũng dẫn tới nạn sung dụng tài nguyên lệch lạc và sự cấu kết mờ ám giữa chính trị và kinh doanh. Đông Á sở dĩ bị khủng hoảng, tại Nhật vào năm 1990 và tại các nước khác vào năm 1997, cũng vì chuyện này. Tuy nhiên, ta cần thấy rõ rằng các tập đoàn ấy thật ra là của tư nhân và sinh hoạt theo quy luật thị trường dưới chế độ dân chủ. Chính là chế độ dân chủ mới cho phép họ thay đổi nhân sự và cải cách kể từ kinh nghiệm tiêu cực và đắt đỏ của thực tế. Trung Quốc và Việt Nam thì không. 

Khi bộ máy chính trị và công quyền thấy ra vấn đề và tính cải sửa chính sách thì lại bị các thế lực này cản trở. Trong một chế độ dân chủ, người ta còn có thể sửa được, độc tài thì khó hơn.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Ông cho là hai xứ này đi sau, học theo mô thức Đông Á nên cũng tập trung tài nguyên và quyền lực vào trong tay nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và nay cũng đang gặp thực tế đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì đi sau, lại giữ độc quyền chính trị, hai quốc gia này áp dụng mô thức Đông Á của các nước đi trước và đang gặp hiện tượng xin gọi là "cái đuôi điều khiển cái đầu".

- Nói về cái đầu thì chiến lược, lối tổ chức và chính sách quản lý kinh tế vĩ mô theo kiểu đó dẫn tới lãng phí, bất công, lạm phát và tham nhũng vì các doanh nghiệp được coi là đầu máy chủ đạo không bị cạnh tranh nhờ được bảo vệ. Đó là cái đuôi đã phình nở thành của nợ, những trung tâm kinh tế tốn kém. Nhưng chúng lại điều khiển cái đầu vì sự cấu kết mờ ám giữa quyền lợi kinh tế ở dưới với quyền lực chính trị ở trên và gây ra vấn đề mà khỏi bị trừng phạt. Khi bộ máy chính trị và công quyền thấy ra vấn đề và tính cải sửa chính sách thì lại bị các thế lực này cản trở. Trong một chế độ dân chủ, người ta còn có thể sửa được, độc tài thì khó hơn.

Gây nhiều Hậu quả 


000_Hkg4401234-250.jpg

Một con tàu của Tập đoàn Vinashin đang được sửa chữa, ảnh minh họa. AFP photo  
 
Vũ Hoàng: Nói về vấn đề, ông có thể trình bày một số thí dụ cụ thể hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ Trung Quốc, vốn dĩ là mẫu mực cho Việt Nam vì đi trước và theo cùng một định hướng chính trị gọi là "xã hội chủ nghĩa". 

- Ban đầu, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể phát triển mạnh nhờ sự yểm trợ của chính quyền và sự tài trợ của các ngân hàng cũng của nhà nước. Nhưng ba chục năm sau khi cải cách, hệ thống kinh tế quốc doanh vẫn chỉ có thể chiếm hữu thị trường nhờ ưu thế là giá rẻ chứ không là hàng tốt. Các doanh nghiệp quốc tế khai thác nhược điểm của chiến lược đó mà bỏ tiền vào để đầu tư theo lối trao cho doanh nghiệp Trung Quốc cái công đoạn thấp ở dưới.

- Kết quả là nhà nước cùng hệ thống quốc doanh và các tổ hợp quốc tế cùng khai thác sức lao động của công nhân với lương thấp và giá rẻ. Nhưng các tập đoàn của nhà nước thì vẫn khó cạnh tranh nổi với các tổ hợp quốc tế. Nguy hiểm nhất là lãnh đạo các tập đoàn này không thấy ra nhu cầu cải tiến để cạnh tranh nhờ được nhà nước bảo vệ và nâng đỡ. Vì đặc quyền kinh doanh, họ còn ra sức củng cố chế độ bảo vệ đó. Trong khi ấy đây là những vấn đề cụ thể mà ta đã thấy ra.

- Trước hết, chiến lược phát triển của Trung Quốc và của cả Việt Nam dẫn tới hiện tượng "tăng trưởng để tăng trưởng" mà bất kể đến phẩm chất và khỏi cần cải tiến hiệu năng sản xuất. Hãy nhìn vào thị trường cổ phiếu èo uột của hai xứ này thì ta rõ. 

- Thứ hai, tăng trưởng thiếu hiệu năng thì tất yếu dẫn tới lạm phát trong khi dân chúng lại bị bóc lột vì nhà nước chọn ưu thế cạnh tranh là lương thấp. Lương thấp thì lợi tức không đủ nâng số cầu của thị trường nội địa hầu bù vào sự hao hụt của thị trường xuất khẩu quốc tế. Nhà nước càng sợ nạn suy trầm làm sút giảm xuất khẩu và càng bơm tiền kích thích kinh tế như trong mấy năm qua thì càng gây ra lạm phát. Hậu quả xã hội là người dân nghèo, thu nhập ít lại bị lạm phát bóc lột nhiều nhất.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì nạn lạm phát cũng là hậu quả từ chiến lược kinh tế sai lầm đến vai trò chủ đạo của hệ thống quốc doanh?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy vì lạm phát không chỉ là hậu quả của chính sách tiền tệ mà còn xuất hiện dưới một dạng khác là sức mua sút kém của đồng bạc vì hiệu suất đầu tư quá thấp, nhất là của quốc doanh. Vì doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo và được ưu tiên tài trợ, nhà nước càng tài trợ, càng dồn tiền kích thích kinh tế qua hệ thống quốc doanh lại càng gây ra lạm phát. 

- Sau nạn lạm phát, hậu quả thứ hai cũng đã xảy ra tại hai xứ này là nạn bong bóng đầu cơ.

Vũ Hoàng: Ta cùng thấy ra hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản của Việt Nam và Trung Quốc. Ông cho rằng đấy cũng là vấn đề xuất phát từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng lý do đầu tiên là từ chính sách quản lý đất đai nằm trong tay nhà nước các cấp và từ ưu thế của doanh nghiệp nhà nước. Khi được bơm tiền với lãi suất rẻ các doanh nghiệp này có cơ hội trục lợi nhờ chính sách đất đai và tiền tệ với hậu quả là cướp đất của dân để thổi lên bong bóng địa ốc.

- Tại Trung Quốc, khi lạm phát bùng nổ, doanh nghiệp nhà nước còn lao về phía trước là sản xuất cực nhiều rồi cất vào kho để phòng ngừa. Vì thế, trái bóng đầu cơ không chỉ là bất động sản mà còn là những kho hàng ế ẩm có ngày mất giá làm doanh nghiệp và ngân hàng sẽ theo nhau phá sản. Đấy là hiện tượng kinh tế khá phổ biến. 

- Hiện tượng xã hội nguy khốn hơn thế chính là "chủ nghĩa tư bản thân tộc" khi chủ nghĩa tư bản nhà nước phát triển cùng nạn độc tài chính trị.

Khi có lạm dụng quá đáng và tham ô quá nặng thì người ta phô diễn chiến dịch diệt tham nhũng mà thực ra là chỉ phân bố lại vùng khai thác của các phe phái.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho hiện tượng này. "Chủ nghĩa tư bản thân tộc" là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhờ nắm độc quyền chính trị, bộ máy nhân sự của đảng và nhà nước đưa gia đình vào thao túng hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà không ai lãnh trách nhiệm. Sở dĩ như vậy vì nhóm chính trị nào ở trên cũng có khu vực kinh doanh của thân tộc hay vây cánh của mình ở dưới. Họ gọi là đồng thuận chứ thực tế thì chia nhau từng vùng khai thác.

- Khi có lạm dụng quá đáng và tham ô quá nặng thì người ta phô diễn chiến dịch diệt tham nhũng mà thực ra là chỉ phân bố lại vùng khai thác của các phe phái. Như tập đoàn điện lược nhà nước ở trong tay ông thủ tướng có thể lập ra ngân hàng cổ phần hay công ty vệ tinh có hình thức pháp lý là tư doanh mà chỉ là các trung tâm vun quét quyền lợi cho vây cánh của ông ta và cản trở mọi ý hướng cải cách. Kết luận thì người ta phải sửa từ cái đầu, từ quan niệm về vai trò của nhà nước rồi mới cải sửa được ung nhọt của các doanh nghiệp nhà nước.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét