Thứ Năm, tháng 4 19, 2012

Bầu Cử Tổng Thống Pháp

Trọng Nghĩa và Nguyễn-Xuân Nghĩa RFI Ngày 120419 

Vì sao dư luận Đức và Mỹ lại quan ngại?...


* Áp phích tranh cử của hai ứng cử viên François Hollande và Nicolas Sarkozy, 
ảnh chụp tại Paris, 16/04/2012 REUTERS/Philippe Wojazer *





Là một trong hai đầu tầu của châu Âu cùng với Pháp, nước Đức dĩ nhiên rất quan tâm đến cuộc bầu cử tại Pháp. Ở bên kia Đại Tây Dương, đồng minh lâu đời của Pháp là Hoa Kỳ cũng ít nhiều chú ý đến những gì đang diễn ra tại cường quốc kinh tế thứ hai của Châu Âu. Nhìn chung, dư luận tại hai nơi này đã không tránh khỏi quan ngại trước một số diễn biến theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, kể cả về phương diện kinh tế, đã được các ứng viên tổng thống Pháp thể hiện.
Nếu có một nước quan tâm rất nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp thì đó là Đức. Berlin cùng với Paris là hai đầu tầu từ trước đến nay luôn luôn là động lực thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu, quan hệ Pháp Đức mà thuận thảo thì hướng đi của châu Âu luôn luôn được trơn tru.

Chính vì thế mà ngay từ đầu, dư luận Đức đã hết sức quan tâm đến cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Pháp, báo chí "bên kia bờ sông Rhin" như người ta thường gọi tại Pháp, luôn luôn có bài viết về sự kiện này, đề tìm hiểu xem chân dung lãnh đạo tương lai của đối tác chủ chốt của nước Đức là như thế nào?

Một ví dụ cụ thể là ngày 30 tháng Ba vừa qua, tờ Berliner Zeitung đã dành nguyên một bài cho hai võ sĩ "Der Judoka und der Boxer", trong đó ứng viên Đảng Xã hội Pháp François Hollande được mệnh danh là võ sĩ nhu đạo (judoka) còn đối thủ của ông – Tổng Thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy – là võ sĩ quyền Anh (boxer). Tương tự như mọi nhà quan sát khác, Berliner Zeitung cho là chức vụ tổng thống Pháp sẽ là kết quả cuộc đấu giữa hai nhân vật này, với hai phong cách nhu – cương hoàn toàn khác biệt nhau.

Nhìn chung, sau năm năm cầm quyền, thường xuyên xuất hiện bên cạnh thủ tướng Đức Angela Merkel, đặc biệt là trong một năm gần đây khi cuộc khủng hoảng tài chánh bắt nguồn từ Hy Lạp làm khu vực đồng euro điên đảo, ông Nicolas Sarkozy đã trở thành gương mặt quốc tế quen thuộc với người Đức.

Có lẽ vì thế mà phía Đức không che giấu thiên hướng ủng hộ ông Sarkozy, nhất là khi họ lo ngại về tác động có thể có của chính sách kinh tế xã hội mà ông Hollande chủ trương. Cách đây không lâu, chính Thủ tướng Đức, nhân một chuyến ghé thăm Pháp vào tháng Hai, đã không ngần ngại công khai bày tỏ thái độ ủng hộ ông Sarkozy cho một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Trong lúc đó thì theo tờ Bild, cùng với một số lãnh đạo cánh hữu khác ở châu Âu, bà đã tẩy chay không muốn tiếp xúc với ông Hollande.


Dư luận Đức : từ phấn khởi đến thất vọng đối với cả hai ứng viên Pháp

 
Có điều là với cuộc tranh cử tổng thống tại Pháp ngày càng trở nên gay gắt, cái nhìn của Đức đã có phần thay đổi, và gần đây tâm lý quan ngại đang gia tăng, đặc biệt sau một số tuyên bố lập trường của ông Sarkozy về châu Âu, khởi đầu bằng hay lời đe dọa rút nước Pháp ra khỏi nhóm Schengen, và kết thúc bằng mong muốn «thay đổi chế độ can thiệp của Ngân hàng Trung ương châu Âu» trong trường hợp phải giúp các quốc gia gặp khó khăn tài chánh.

Theo nhận xét của một số quan sát viên, chính giới Đức chẳng hạn, tả cũng như hữu đều thất vọng trước các quan điểm được hai ứng cử viên chủ chốt tại Pháp đưa ra.

Đảng CDU của bà Merkel lẽ dĩ nhiên ủng hộ ông Sarkozy. Trước thanh thế hùng hậu của ông Hollande ngay sau khi được Đảng Xã hội Pháp đề cử làm ứng viên tổng thống, lo ngại trước nguy cơ hiệp ước ngân sách châu Âu mà chính bà mong muốn bị phía Pháp đòi đàm phán lại nếu cánh tả chiến thắng, bà Merkel vào tháng Hai đã công khai xuất hiện bên cạnh Nicolas Sarkozy, với thông điệp ủng hộ rõ ràng. Thậm chí đảng CDU của bà có lúc đã nghĩ đến việc cử đại biểu qua Pháp tham gia mít tinh của đảng UMP.

Thế nhưng ít lâu sau, các tuyên bố của Tổng thống Sarkozy về khả năng hoãn áp dụng hiệp định Schengen và nhất là đề nghị liên quan đến vai trò của Ngân hàng Trung ương Châu Âu hôm chủ nhật 14/04 vừa qua, như đã dội gáo nước lạnh xuống đầu thành phần ủng hộ ông tại Đức.

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau «ý kiến» của tổng thống Pháp trên quảng trường Concorde Paris, phủ Thủ tướng Đức ra ngay một bản thông cáo Berlin nội dung bác bỏ chủ trương xét lại nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu: «Chính phủ Đức có niềm tin sắt đá vào việc Ngân hàng Trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình trong tư thế hoàn toàn độc lập với chính trị». Bản thông cáo nhấn mạnh: «Và niềm tin này đã được biết đến tại Paris».

Ngay trong Đảng Dân chủ Xã hội Đức SPD thuộc cánh tả, vốn đã chào đón nồng nhiệt ứng cử viên François Hollande nhân đại hội của họ vào tháng Mười hai năm ngoái, đảng này cũng có phần bị vỡ mộng. Lãnh đạo SPD là Sigmar Gabriel – từng chủ trương ghi một điều khoản về tăng trưởng vào Hiệp ước ổn định tài chánh châu Âu – đã hy vọng là nếu ứng cử viên Đảng Xã hội Pháp chiến thắng, phe đòi xét lại hiệp ước này sẽ có thêm một ủng hộ viên nặng ký. Và nhất là, nếu cánh tả thắng lợi ở Pháp, tác động dây chuyền có thể có lợi cho đảng của chính ông trong cuộc bầu cử quốc hội Đức vào năm tới 2013.

Thế nhưng, sau đó ít lâu, ông François Hollande đã tung ra một đề nghị gây chấn động «sắc thuế 75% đánh trên người cực giàu» tức là có thu nhập thường niên trên 1 triệu euro. Với xu hướng trung tả trong đảng SPD, một chủ trương triệt để như vậy là điều khó có thể chấp nhận được.

 
Báo chí Mỹ phê phán xu hướng chạy theo phe cực hữu


Nếu bên kia bờ sông Rhin, diễn biến cuộc vận động tranh cử tại Pháp rất được chú ý, thì bên kia Đại Tây Dương - tức là Hoa Kỳ như người Pháp hay gọi – mức độ quan tâm có phần ít hơn. Lý do cũng đơn giản : năm nay cũng là năm nước Mỹ bầu lại tổng thống, với các chuẩn ứng viên của đảng Cộng hòa đang tranh đua giành quyền ra thi đấu với Tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ. Trong bối cảnh đó, dư luận Mỹ thường tập trung chú ý đến các vấn đề quốc nội hơn là quốc tế.

Thế nhưng do quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc Pháp Mỹ từ xưa đến nay, trong thời gian qua đôi lúc cũng có những tờ báo lớn để mắt nhìn qua cuộc bầu cử Pháp, đặc biệt là với cái nhìn phê phán những hiện tượng bị họ cho là lệch lạc, quá trớn trong chiến dịch vận động tranh cử. Hai nhân vật được quan tâm nhiều nhất vẫn là François Hollande và Nicolas Sarkozy, và xa ở phía sau là hai cực Jean-Luc Mélenchon bên tả và Marine Le Pen bên hữu.

Ghi đậm dấu ấn nhất có lẽ là bài xã luận ngày 13/03 vừa qua trên tờ báo bảo thủ nổi tiếng Wall Street Journal với tựa đề ngắn gọn «Nicolas Le Pen». Dù nổi tiếng là thiên hữu, tờ báo này đã chỉ trích đường lối chạy theo xu hướng cực hữu của ông Sarkozy, thể hiện rõ ràng qua hàng tựa ghép tên của Tổng thống Pháp với họ của ứng cử viên cực hữu. Theo bài báo, «hiếm khi thấy được một bước ngoặt nhẫn tâm như vậy». Đối với tác giả bài xã luận trên tờ Wall Street Journal, «những cú tấn công của ông Sarkozy vào vấn đề nhập cư là những cố gắng nhằm tranh thủ cử trí của bà Marine Le Pen thuộc Mặt trận Quốc gia Front National».

Một hôm sau đó (ngày 14/03), đến lượt báo uy tín The New York Times lên tiếng, cũng trong một bài xã luận mang tựa đề «Sarkozy trên con đường xấu» (Sarkozy on the Low Road), phê phán việc vị tổng thống ứng cử viên của Pháp, vì bị bỏ lại phía sau trong các thăm dò, cho nên đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả mạo hiểm về hướng cực hữu.

Tờ báo đã lấy làm tiếc trước hướng đi bị cho là lệch lạc đó của ứng cử viên cánh hữu tại Pháp: «Chắc hẳn Nicolas Sarkozy cho rằng kích động tâm lý kỳ thị chủng tộc và bài ​​ngoại là một ý tưởng tốt. Ông đã hành động như vậy, và rủi thay, lời lẽ cứng rắn đó đã nâng điểm của ông trong các cuộc thăm dò dư luận. Vấn đề là toàn bộ xã hội Pháp có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả, và hành động đó của ông Sarkozy có thể là con dao hai lưỡi nhân vòng hai, bởi vì người Pháp đã thường cáo buộc ông là thiếu phẩm cách của một tổng thống».

Đối với tờ New York Times, «thời điểm tại Pháp đang khó khăn, nhưng lẽ ra Tổng thống Sarkozy nên thực hiện một chiến dịch có tầm cao hơn. Ông đã có một số thành tích cả về đối nội (cải cách hệ thống hưu bổng) lẫn đối ngoại (Libya), trong khi đối thủ chính của ông là ông Hollande chỉ có những ý tưởng mơ hồ và những đề ​​nghị kinh tế không tưởng. Thế nhưng Sarkozy đã chọn sự dễ dãi».

Trong ấn bản châu Âu của tuần báo Mỹ Time, số ra cuối tháng Ba, trang bìa tờ báo đăng chân dung đen trắng của ông Sarkozy, bên dưới câu hỏi bằng một từ tiếng Pháp rất ác; từ biệt - Adieu? Đối với tờ báo, chính kinh tế khó khăn là nguyên do cốt lõi làm cho ông Sarkozy gặp khó khăn, thúc đẩy ông rẽ ngoặt sang hướng cực hữu.

Đối với tờ báo, Tổng thống Pháp không thể nào thối lui được nữa, sắp tới đây, hoặc là ông sẽ được tái đắc cử một cách hoành tráng bất ngờ, hoặc là chịu tỳ vết về mặt chính trị

Một tờ báo Mỹ khác là Chicago Tribune cũng phân tích những điều hay, cái dở trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Sarkozy trong tương quan với đối thủ Hollande. Thế nhưng tác giả bài viết trên tờ báo rất bảo thủ này đã hết sức bênh vực cho người được xem là đã phải ra sức chiến đấu trong nhiệm kỳ của mình để thay đổi nước Pháp, và hiện nay bị buộc phải chiến đấu một lần nữa để bảo vệ dân Pháp chống lại nguy cơ của "chủ nghĩa xã hội".

Nhà báo này công nhận là ông Sarkozy đã thay đổi lập trường một cách dễ dàng, thế nhưng – «Một Sarko xoay như chong chóng vẫn tốt hơn là năm năm bị phe xã hội vắt kiệt».


Ưu tư về đường hướng kinh tế tới đây của Pháp


Về ứng viên François Hollande, không thấy báo Mỹ nói nhiều, có lẽ vì ứng cử viên cánh tả của Pháp không được biết đến nhiều tại Mỹ. Tuy nhiên, trong phần trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ghi nhận là trong giới báo chí và nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế và chiến lược, rất nhiều người lo ngại trước khả năng ông Hollande thắng cử.

Sau đây là phần phỏng vấn chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa tại California - Hoa Kỳ.






Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung thì vì quốc gia quá rộng lớn và xã hội phức tạp của họ, dân Mỹ biết rất nhiều mà lại hiểu rất ít về những gì xảy ra ngoài nước Mỹ. Một thí dụ là người bạn kỹ sư Mỹ của tôi đã ngó vào số báo L'Express hồi đầu năm với chủ đề tổng kết về thành quả của Tổng thống Nicolas Sarkozy và chỉ tấm vào hình của ông ta ở ngoài bìa mà hỏi: "Cha nào vậy?" Có thể là một số người rất nhỏ thì biết rằng Pháp sẽ có bầu cử Tổng thống. Thế rồi thôi.

- Chính giới Hoa Kỳ thì còn tệ hơn vì đề mục đáng chú ý hiện nay của họ là tổng tuyển cử vào Tháng 11 này. Báo chí Mỹ thì có theo dõi và tường thuật, nhưng ở trang trong. Ngoài ra, nếu chẳng may hôm đó lại có một vụ thảm sát trong trường học hoặc một nữ diễn viên nào đó lại ly dị thì chuyện bầu cử tại Pháp trở thành xa vời như trên cung trăng. Thí dụ là quý vị thử gõ trên Google hay Yahoo! chữ "French Elections" thì rõ.

- Tuy nhiên, một số trung tâm nghiên cứu và nhất là truyền thông chuyên đề về kinh tế thì có chú ý tìm hiểu về hiệu ứng của bầu cử Pháp với kinh tế Hoa Kỳ, và một cách gián tiếp hơn, đối với cuộc tranh cử hiện nay tại Mỹ.

RFI : Khi theo dõi những phân tích này tại Hoa Kỳ thì anh nhận xét ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, họ biết là bầu cử Tổng thống Pháp có hai vòng đầu phiếu, sơ bộ vào tuần tới và chung kết vào ngày sáu Tháng Năm. Nhưng trong 10 ứng cử viên, họ chú ý nhất đến hai ứng cử viên chính là ông Sarkozy và thụ ủy đảng Xã hội là ông François Hollande, cùng lắm thì nhắc đến hai ứng viên cực hữu và cực tả là Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon. Ngoài ra, họ chưa để ý đến hai vòng bầu cử Quốc hội Pháp vào Tháng Sáu này.

- Khi theo dõi và phân tích, thành phần mà tôi xin gọi là "có quan tâm của Hoa Kỳ" chú ý nhất đến chương trình tranh cử, hy vọng thắng cử và hiệu ứng của bầu cử đối với kinh tế Âu Châu và qua đó đối với kinh tế Mỹ. Đó là điểm nhấn của truyền thông kinh doanh.

- Một cách gián tiếp hơn thì cũng có các trung tâm nghiên cứu so sánh các đề nghị xuất phát từ chính trường Pháp với những gì đang được tranh luận tại Hoa Kỳ, thí dụ như tăng chi hay giảm thuế hoặc tăng thuế hay giảm chi... Họ so sánh những chọn lựa của Pháp để góp phần lý luận vào cuộc tranh luận tại Mỹ.

RFI: Anh nhận xét thế nào về cách nhận định của thiểu số quan tâm đó ở tại Mỹ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên là hai bờ Đại Tây dương đều đang tranh luận về kinh tế thị trường hay tư bản chủ nghĩa với vai trò cấp cứu hay gánh nặng can thiệp của nhà nước. Trong bối cảnh đó, nhiều người bên Mỹ nín thở theo dõi sự thắng thế của cánh tả và ông Jean-Luc Mélenchon vì sự kiện ấy sẽ kéo đảng Xã hội về phía tả hơn nữa với các biện pháp bên này gọi là "bao cấp" như tăng chi, tuyển thêm công chức, kéo tuổi hưu liễm về mức 60 và tăng thuế tới 75%, v.v ...

- Vấn đề còn nguy ngập hơn, nếu cánh tả đại thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội và Chính quyền Pháp rút khỏi thoả thuận với 25 nước Âu Châu hôm mùng hai Tháng Ba về kỷ luật chi thu như ông Hollande đề nghị. Trong giả thuyết ấy, họ dự đoán cơ chế Âu Châu sẽ khủng hoảng, kinh tế bị suy thoái mà cường quốc kinh tế còn lại là nước Đức cũng đỡ không nổi. Và hậu quả dội về Mỹ là kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm, tức là đụng đáy lần thứ hai. Các tờ báo về đầu tư có nhắc tới kịch bản ghê người này và khuyên thân chủ chuẩn bị bán khống!

- Các trung tâm nghiên cứu về chiến lược lại còn bi quan hơn. Sự ổn định Âu Châu từ sau Thế chiến II nằm trên sự hợp tác Pháp-Đức và Tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Đức còn qua tận Paris để ủng hộ ông Sarkozy. Đó là chuyện hy hữu sau khi đảng cầm quyền Đức cũng hậu thuẫn đảng UMP của ông Sarkozy. Khi ông Sarkozy phải thoái lui và đề nghị tăng cường vai trò của Ngân hàng Trung ương Âu châu, tức là đi ngược với quan điểm của Đức, người ta e rằng cả kiến trúc hợp tác này sẽ đi vào chu kỳ thay đổi với hậu quả cực kỳ bất lợi cho Âu Châu và cả thế giới.

- Xưa nay, nhiều người Mỹ cho là nước Pháp có biệt tài xoay trở về ngoại giao để có cái thế quốc tế mạnh hơn cái lực kinh tế của Pháp ở bên cạnh Đức. Tình hình có khi đang đổi khác khi ông Sarkozy lãnh họa vì nạn tổng suy trầm và khủng hoảng Âu Châu mà không cải cách như ông đã hứa hẹn khi tranh cử năm 2007. Kết cuộc thì đối lập có thể thắng và điều ấy sẽ làm Âu Châu chấn động và nước Mỹ lúng túng. 

- Một chi tiết lý thú khác là do biệt tài thầm thì khi máy vi âm còn mở, Tổng thống Obama cho thấy ông và Tổng thống Sarkozy là bạn đồng hành. Hoặc như ông Sarkozy đã thầm thì, rằng "chúng ta sẽ cùng thắng cử". Nếu ông Hollande đắc cử vào Tháng Năm này, hiệu ứng suy trầm từ Âu Châu có thể khiến sáu tháng sau ông Obama cũng thất cử!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét