Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120417
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Viễn ảnh Kinh tế Hoa Kỳ trong Tranh cử
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước qua giai đoạn hai khi ông Mitt Romney coi như sẽ đại diện bên Cộng Hoà ra tranh cử với Tổng thống Barack Obama bên Dân Chủ. Vì hai đề mục đang được dân Mỹ quan tâm nhất hiện vẫn là kinh tế và việc làm, nên đề nghị của hai ứng viên nhằm giải quyết hai ưu tiên này sẽ quyết định về kết quả bầu cử vào mùng sáu Tháng 11 tới đây.
Nhưng vì vấn đề kinh tế xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa về cơ cấu, lại bị giáng một đòn là nạn bể bóng thị trường gia cư và khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp - là cái "duyên" chứ không là cái "nhân" của sự suy sụp từ bốn năm qua - việc tìm ra giải pháp khả dĩ huy động được hậu thuẫn của dân chúng không là điều dễ.
Lý do thứ hai là dù quá dài, cuộc tranh cử mới chỉ qua khỏi vòng sơ bộ bên đối lập, với nhiều tranh cãi vớ vẩn về ưu tiên – như kinh tế hay xã hội, đạo đức – nên mọi sự còn chờ Đại hội hai đảng, cuối Tháng Tám bên Cộng Hoà, đầu Tháng Chín bên Dân Chủ, và bốn cuộc tranh luận của hai liên danh. Trong khi chờ đợi, ta thấy xuất hiện nhiều nhiễu âm hơn là thực chất của hai chương trình hành động.
Nhiễu âm là loại âm thanh ồn ào với mục tiêu tạo ra ấn tượng về chính trị trong khi lại gây rủi ro là làm cử tri không thấy đâu là giải pháp. Hai thí dụ nóng về loại nhiễu âm này là vai trò của phụ nữ và giải pháp đánh thuế nhà giàu.
Hoa Kỳ là xứ dân chủ và cởi mở nên giữa vụ tổng suy trầm nghiêm trọng nhất từ 70 năm nay, người ta vẫn có thể tranh luận việc mà người khác cho là phù du, như có nên tài trợ nhu cầu mua thuốc ngừa thai cho phụ nữ không. Một nữ sinh viên kỳ cựu, đã 31 tuổi, vẫn có 15 giây nổi tiếng trong đời khi đòi chính quyền liên bang phải yêu cầu các hội thiện yểm trợ việc đó, nếu không là can tội kỳ thị phụ nữ. Lập tức phe bảo thủ về đạo đức bên Cộng Hoà nhập cuộc và vụ cãi vã lây lan qua việc phu nhân của ông Mitt Romney không đi làm khiến Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama phải nhảy vào bênh vực bà Ann Romney.
Loại nhiễu âm thứ hai là biện pháp đánh thuế nhà giàu. Đó là đề nghị gọi là "Buffett Rule" của ông Obama nhằm tăng thuế trên lợi tức đầu tư của 1% những người giàu nhất như tỷ phú Warren Buffett, một người tham gia vào ban tranh cử của ông. Vì mục đích tái lập công bằng xã hội, đề nghị ấy ảnh hưởng đến chừng 22 ngàn người giàu nhất và nếu lạc quan thì thu về cho công quỹ chừng 47 tỷ Mỹ kim trong 10 năm tới, khi bội chi ngân sách một năm đã vượt 1.500 tỷ. Nếu có chia cho khoảng 46 triệu dân Mỹ nghèo thì khoản bội thu, giả dụ 4,67 tỷ một năm, chỉ cho mỗi người trăm bạc. Mặt trái là biện pháp này sẽ làm sụt mức đầu tư của "bọn nhà giàu" đến cỡ nào và giảm thất nghiệp bao nhiêu thì chưa ai rõ.
Đề nghị ấy có mục đích gây ấn tượng chính trị hơn là giải quyết vấn đề kinh tế, nhưng cũng làm cử tri sôi nổi tranh luận, xem đảng nào lo cho dân nghèo và đảng nào lo cho kinh tế, v.v....
Chúng ta cố len qua đám nhiễu âm nhiễu xạ ấy để nhìn vào thực tế kinh tế, ngõ hầu có cơ sở thẩm xét đề nghị giải quyết của hai đảng và nhất là ước đoán ra là kinh tế Mỹ sẽ đi về đâu.
***
Sau đây là vài sự thật về kinh tế mà người viết xin lỗi trước là phải tóm lược cho gọn.
Từ mấy chục năm nay, Hoa Kỳ vay mượn quá nhiều và tiêu xài phóng túng với hệ thống tài chánh ngân hàng quá sáng tạo so với luật lệ kiểm soát nên đến hồi trả nợ bằng nâng tiết kiệm và giảm tiêu thụ. Khi kinh tế suy trầm từ cuối năm 2007, các biện pháp kích thích kinh tế đều nhắm vào tăng chi để bù vào khoản giảm chi của công chúng và doanh nghiệp nên mới gây bội chi ngân sách quốc gia và nâng mức công trái của nhà nước – mà không hiệu quả như dự trù.
Việc ngân hàng trung ương hạ lãi suất tới số không và bơm tiền cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lại dẫn tới hậu quả bất lường: doanh nghiệp lấy tiền chỗ rẻ đầu tư vào chỗ có lời: thị trường chứng phiếu. Họ an toàn kiếm lời, chịu thuế ít, mà vẫn không tạo thêm việc làm và chẳng phải băn khoan gì với yêu sách của nghiệp đoàn hay phải góp phần trả thuế an sinh xã hội, trợ cấp y tế hoặc chung tiền bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên mà họ không tuyển!
Kinh tế Mỹ ra khỏi suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009 mà chưa phục hồi và thất nghiệp còn cao. Thất nghiệp cao là lợi tức giảm, nguồn thuế khoá giảm theo và bội chi vẫn còn cao nếu phải kể thêm gánh nặng trợ cấp thất nghiệp. Đấy là cái vòng luẩn quẩn khó gỡ.
Huống hồ thất nghiệp không chỉ là một vấn đề chu kỳ nhất thời mà còn có cả nguyên nhân sâu xa trong sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất qua hình thái hậu công nghiệp. Hiện tượng ấy xuất hiện từ cả chục năm mà vẫn chưa thấy giải pháp thoả đáng. Chúng ta sẽ còn cơ hội tìm hiểu về vụ này.
Trong khi ấy, ngay trước mắt, kinh tế Hoa Kỳ lại có nguy cơ trôi vào một nạn suy trầm nữa!
Khi các chính khách còn tranh luận về trách nhiệm và giải pháp, sự thật éo le ở đây là nền kinh tế chỉ khởi sắc nếu tiêu thụ gia tăng. Mỗi đợt thống kê về tiêu thụ hay bán lẻ lại là một lần nhức tim và vòng xoáy lại thắt chặt khi thất nghiệp chưa giảm mạnh: chưa có việc làm mà nhà cửa vẫn mất giá hoặc mất luôn thì ai dám phóng tay tiêu xài?
Việc tiêu xài tùy thuộc vào tâm lý lạc quan hay không về tương lai. Với giới thiêu thụ, tâm lý đó chưa thay đổi. Chuyện xăng dầu nhất thời lên giá thì dù chẳng nhiều và có thể sẽ hạ vẫn chưa giúp nhà tiêu thụ an tâm. Những tranh luận triền miên và chuyện đổ lỗi liên hồi trên chính trường càng làm dân Mỹ e ngại, nghe ngóng và chờ đợi những ách tắc chính trị như đã thấy năm ngoái.
Mà không chỉ có giới tiêu thụ mới hoang mang! Nơi tạo ra việc làm là doanh nhiệp loại nhỏ, mới được thành lập trong vòng dăm ba năm, chứ không phải là các đại tổ hợp. Trong mấy năm qua, các doanh nghiệp này đã "tăng năng suất" – sa thải nhân viên và tiết giảm phí tổn – để cầm hơi. Nếu họ không đuổi bớt người thì đã mừng, đó là việc số người lần đầu khai báo thất nghiệp có giảm. Nhưng con số lạc quan này chưa hẳn là doanh nghiệp đã tuyển thêm người mới.
Các doanh nghiệp chưa yên tâm với chiều hướng chính trị hiện nay, khi họ vẫn bị xem là bọn nhà giàu có tội và đáng bị đánh thuế thêm một đợt nữa để góp phần tái lập công bằng...
Nhìn ra bên ngoài, vì Hoa Kỳ giao thương với cả thế giới, tình hình cũng chưa có gì khả quan.
Kinh tế Trung Quốc có thể giảm đà tăng trưởng và nếu Bắc Kinh có mở biên độ giao dịch đồng Nguyên thì việc xuất cảng vào thị trường này chưa thể là giải pháp cứu nguy kinh tế Mỹ. Đã thế, Âu Châu có khi lại lãnh họa và gây hậu quả bất lợi cho Hoa Kỳ.
Sau Hy Lạp rồi Ý đến Tây Ban Nha cũng đã thay đổi lãnh đạo và áp dụng chánh sách khắc khổ, mà Liên hiệp Âu châu và khối Euro chưa đẩy lui khủng hoảng. Từ nay đến Tháng Sáu, Pháp lại có bầu cử – vòng sơ bộ vào tuần tới và vòng loại vào Tháng Năm – rồi bầu Quốc hội vào Tháng Sáu.
Nếu đảng Xã hội và cánh tả thắng cử, như người ta dự đoán ngay trước ngày bầu cử, Chính quyền mới của Pháp sẽ tăng thuế, nâng mức trợ cấp xã hội, tăng chi để tuyển thêm công chức và phủ nhận thoả thuận về chánh sách kiệm ước của 25 nước Liên Âu hôm mùng hai Tháng Ba, trong đó có nước Pháp. Khi ấy, tương lai cả Âu Châu và khối Euro sẽ treo trên cổ nước Đức, và chấn động từ đó sẽ dội về Hoa Kỳ.
Kinh tế Mỹ có thể lại bị suy trầm vào mùa Thu, trước khi dân Mỹ đi bầu.
Từ trong ra ngoài, mấy hối trống trận ấy mới thực sự nguy nàn, hơn hẳn những nhiễu âm hiện nay của cuộc tranh cử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét