Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 131217
"Hoa
Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Và Ukraine Giữa Hai Nắp Tây Đông Của Thùng
Dầu....
* Vị trí Ukraine và Âu Châu *
Tuần
qua, hai chuyện thời sự cùng xảy ra mà hình như chẳng liên hệ với nhau. Hình
như thôi....
Chuyện thứ nhất là sau nhiều tổ hợp dầu
khí, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ cũng yêu cầu Quốc hội nên xét lại đạo luật cấm xuất cảng
dầu đã ban hành từ 40 năm trước. Thứ hai là sau Phụ tá Ngoại trưởng Victoria
Nuland, hai Nghị sĩ John McCain (Cộng Hoà) và Chris Murphy (Dân Chủ) đã tới
Ukraine úy lạo người biểu tình tại Kiev với những lời tuyên bố rất mạnh.
Hai chuyện ấy cho thấy trái đất hình tròn - và Hoa Kỳ nằm ở giữa.
Trước hết là chuyện Ukraine.
Trong Thế kỷ 20, hai trận đại chiến đều
xuất phát từ Âu Châu và Hoa Kỳ phải nhập cuộc dù rằng các bậc Quốc phụ của nước
Mỹ từ lời lập quốc đều khuyên là đừng để bị dính vào "thiên hạ sự" tại
Âu Châu. Cả hai cuộc chiến đều bùng nổ từ những biến cố tại Đông Âu....
Xin có vài chữ về quy ước gọi tên để nhớ
lại địa dư và chính trị. Đông Âu là chữ thông dụng cho sáu quốc gia phía Đông của
Âu Châu, từ Bắc xuống Nam là Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp (Czech), Slovakia, Hungary,
Romania và Bulgaria. Đi tiếp về hướng Đông là các nước Trung Âu, xưa kia thuộc
Liên bang Xô viết, từ Bắc xuống Nam là Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus,
Ukraine, Moldovia và Georgia.
Vì địa dư oan nghiệt, Đông Âu nằm trong
vùng tranh chấp của các Đế quốc vây quanh là Nga, Đức, Hung-Áo và Ottoman. Hai
trận Thế chiến đều bùng nổ từ những tranh chấp đó. Sau Thế chiến II, các nước Đông
Âu rơi vào quỹ đạo Xô viết trong khi các nước Tây Âu được Minh ước NATO bảo vệ
và được Hoa Kỳ yểm trợ để tái thiết và phát triển theo thể chế kinh tế tự do và
chính trị dân chủ.
Trong hơn 40 năm Chiến tranh lạnh, các nỗ
lực đấu tranh của Đông Âu (Hung năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968) đều thất bại cho
tới khi Liên Xô khủng hoảng từ 1989 rồi tan rã năm 1991. Từ đó các nước Đông Âu
lần lượt gia nhập Minh ước NATO (1999-2003) rồi Liên hiệp Âu châu (2004-2007 và
có hai chục năm tự do và thịnh vượng hơn trước.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Nga mất
hết thế lực, nhìn các nước Đông Âu ngả về Tây, theo sau là các nước Trung Âu, từ
biển Baltic xuống tới Hắc hải. Nhìn từ thủ đô Moscow, lãnh tụ Vladimir Putin của
Đế quốc Nga thấy như bị lột từng manh giáp và hở lườn hở bụng với các cuộc cách
mạng dân chủ muôn màu tại Ukraine, Georgia hay Kyrgyzstan.
Trong khi đó, Hoa Kỳ bận chuyện khủng bố,
và lại muốn hợp tác với Nga để giải quyết hồ sơ Afghanistan. Nhưng George W.
Bush vẫn còn có sáng kiến thiết lập lá chắn chiến lược tại Ba Lan và Tiệp, chính thức
là để ngăn chặn đòn tấn công xuất phát từ Iran, thực tế là để bảo vệ Đông Âu.
Vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ rồi
suy trầm kinh tế từ năm 2008 đã đảo lộn tất cả.
Vụ khủng hoảng và giá dầu tăng vọt tạo cơ
hội quật khởi cho Putin với việc tấn công Georgia năm 2008 và uy hiếp Ukraine bằng
võ khí năng lượng vào đầu năm 2009. Trung Âu phải trở về quỹ đạo Nga và Đông Âu
phải là vùng trái độn, trong thế trung lập. Chúng ta trở lại chuyện Âu Châu muôn
thuở, từ Thế chiến I....
Do sáng kiến của Ba Lan và Thụy Điển năm
2009, khối Liên Âu muốn hội nhập Trung Âu vào Âu Châu qua Hiệp ước Đối tác
Eastern Partnership, bước đầu là hiệp định ngoại thương. Phản ứng của Nga là xây
dựng Liên hiệp Quan thuế Âu-Á, kéo dài từ Trung Âu qua Trung Á đến tận Viễn Đông,
bao trùm lên Việt Nam và Trung Quốc.
Đấy là lúc Tổng thống Barack Obama lên lãnh
đạo Hoa Kỳ, đi vái tứ phương để lần lượt triệt thoái khỏi Iraq và Afghanistan rồi
thả nổi tất cả để cải tạo nước Mỹ. Trong ý hướng này, Obama cần sự hợp tác của
Putin để giải quyết vụ Syria và hòa giải với Iran.
Khi Chính quyền của Viktor Yanukovich tại
Ukraine từ chối ký kết hiệp định ngoại thương với Liên Âu để được Nga viện trợ,
người dân Ukraine biểu tình phản đối từ bốn tuần qua và bị đàn áp. Phân nửa
Ukraine ở phía Tây thì thiên về Âu Châu, phân nửa phía Đông còn do dự nhưng cũng
chẳng muốn xứ sở trở về thân phận thuộc quốc hay chư hầu của Đế quốc Nga.
Liên Âu đã phản ứng mạnh, với quyết định
trừng phạt chính quyền Ukraine và đả kích sức ép của Nga. Cuối tuần qua, lãnh đạo
Pháp và Tổng thống Đức còn cho biết là sẽ không dự Thế vận hội mùa Đông do Nga
tổ chức đầu năm tới tại Sochi, bên bờ Hắc hải, ngay cạnh Georgia.
Đấy là lúc thiên hạ nhìn vào Hoa Kỳ. Trong
vụ tranh chấp Nga-Âu về hai ngả Đông-Tây của Ukraine, nước Mỹ sẽ phản ứng thế nào?
Nói cụ thể hơn, giữa hai định hướng về
chánh sách đối ngoại, là quyền lợi và giá trị tinh thần, Hoa Kỳ chọn hướng nào?
Quyền lợi của Hoa Kỳ là nên tránh bị lôi vào tranh chấp của thiên hạ, và còn gian
hiểm vận dũng thiên hạ giải quyết vấn đề của mình. Giá trị tinh thần của nước Mỹ,
như ghi trong Hiến pháp, là phát huy tự do dân chủ cho nhân loại.
Hoa Kỳ từng được ngợi ca khi bảo vệ tự
do và mở rộng dân chủ cho xứ khác, kể cả yểm trợ các cuộc cách mạng dân chủ tại
Trung Âu hay Trung Á. Hoa Kỳ cũng từng bị kết án là bội phản đồng minh, hy sinh
dân chủ hoặc hợp tác với các chế độ độc tài, như đã thấy từ Thế chiến II....
Hiện nay Tổng thống Obama vẫn đề cao lý
tưởng nhân quyền và dân chủ nhưng quá thực dụng về đối ngoại đến nỗi bị nhiều đồng
minh kết án là đảo điên xảo quyệt. Chuyện lạ là phản ứng của Chính quyền Obama với vụ Ukraine. Tại thủ
đô Kiev của Ukraine, Nghị sĩ McCain ngợi ca Ngoại trưởng John Kerry là có lời
tuyên bố dũng cảm nhất trong đời (!) khi đả kích việc Chính quyền Yanukovich đàn
áp dân biểu tình là "đáng tởm" – disgusting.
Đấy là lúc ta trở về chuyện năng lượng.
Trong khi Obama cải tạo xã hội Mỹ - và
phờ phạc với đạo luật cải tạo chế độ bảo dưỡng y tế - thì xã hội Hoa Kỳ đã lặng
lẽ tiến hành nhiều cuộc cách mạng. Nổi bật là cách mạng về kỹ thuật khai thác năng
lượng khiến nước Mỹ thành đại gia về dầu khí và than đá, sẽ vượt sản lượng dầu
thô của Saudi Arabia và Liên bang Nga vào năm 2015. Và có tiềm năng xuất cảng rất
cao.
Nhưng doanh nghiệp Mỹ không được phép xuất
cảng dầu vì một đạo luật xuất phát từ vụ phong toả dầu thô năm 1973. Đạo luật đã
lỗi thời, mà còn được tăng cường bằng một đạo luật khác, khi đảng Dân Chủ chiếm
đa số tại Hạ viện từ vụ bầu cử 2006.
Lý do cấm xuất cảng năm xưa là để bảo vệ
an ninh về năng lượng. Lý do ấy đã hết, mà việc cấm xuất cảng vẫn được duy trì là
để ghìm giá nội địa. Nhưng cũng vì vậy mà làm giảm sức bật của Mỹ trong lãnh vực
năng lượng toàn cầu: nếu Mỹ được bán dầu thì giá dầu trên thế giới sẽ giảm.
Chúng ta đi lại vòng kia của địa cầu.
Putin vẫy vùng là khi dầu thô lên giá. Nếu
giá dầu mà sụt dưới mức 90 đô la, Ngân sách sẽ rách và kinh tế đang suy trầm sẽ
suy thoái. Cũng vậy, việc Nga dùng khí đốt để chi phối Âu Châu và bắt ép
Ukraine mất dần tác dụng nếu số cung về năng lượng sẽ tăng nhờ đạo luật lạc hậu
kia được Quốc hội Mỹ thu hồi.
Nói cách khác, trong vụ Ukraine, quyền lợi
và đạo đức của Mỹ có khi nằm trong thùng dầu....
_________________________________
Chuyện
chỉ có tại nước Mỹ
Nhân viên TSA (bảo vệ an ninh phi trường)
đã tịch thu khẩu súng khâu trong bao tay hình con khỉ của một hành khách.
Phyllis May tại thị trấn Redmond của tiểu bang Washington đã làm các bao tay này
cho mùa Giáng sinh và trang trí với khẩu súng nhựa bé tí xíu chỉ có năm phân
(cm). Nhưng, vì sự an toàn cho phi trường, nhân viên an ninh đã giải giới con
khỉ của nàng! Công việc của nhân viên an ninh chắc là không đòi hỏi khả năng
suy xét....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét