Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngưòi Việt 131230
"Hoa
Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Cư an mà chẳng tư nguy...
* Đại chiến 1914 - trăm năm về trước... *
Cứ đến hết năm, cuối một chu kỳ 12 tháng,
người ta lại kiểm điểm quá khứ để dự đoán tương lai dù tương lai không nhất thiết
tái lập chuyện cũ.
"Lịch sử không để lại bài học nào, mà
lại trừng phạt rất nặng những ai không hiểu lịch sử", hình như một tác giả
người Nga nói như vậy. Vì càng nhìn sâu vào quá khứ càng dễ tìm ra một vài bài
học, vào dịp cuối năm chúng ta cố nhìn xa hơn chu kỳ một năm.
Sao không nói chuyện trăm năm?
Trăm năm về trước, thế giới bất ngờ lao
vào một trận đại chiến khiến chín triệu người chết từ 1914 đến 1918. Sau đó là nhiều
thiệt hại nhân mạng khác, ở nơi khác. Cuối năm 1913, một người viết bình luận tại
thủ đô thế giới thời đó là London đã nhìn thấy gì và có thể viết những gì?
Nhà bình luận không dám viết là sẽ có
"Thế chiến I", trong ý nghĩa là sẽ có đại chiến thế giới - rồi sau đó
lại còn Thế chiến II vào năm 1939! Sáng suốt hơn thì cũng xoay viễn vọng kính về
quá khứ để nói chuyện trăm năm.
Trăm năm trước đó, đầu thế kỷ 19, Âu Châu
vừa bị xuất huyết về cuộc binh đao thời Napoléon nên tìm đường hòa giải. Các nước
không nhắm vào nhau mà cùng nhìn về một hướng, cùng phát triển thuộc địa. Đây đó
mà có chiến trận thì cũng là ở xa, mãi tận Viễn Đông. Vậy mà chiến tranh Pháp
Phổ vẫn bùng nổ vào năm 1870. Rút tỉa bài học, các nước đều đồng ý rằng khi đã
là bạn hàng thì chẳng ai rút gươm nã đạn vào két bạc. Nhờ vậy mà các nước Âu Châu
đã khôn ngoan buôn bán với nhau.
Nhìn từ thủ đô London vào năm 1913, kinh
tế Âu Châu đã nhất thể hóa - chữ toàn cầu hóa chưa được phát minh. Thương thuyền,
tầu hỏa vả cả đường dây diện thoại, tổ tiên của hệ thống Internet thời nay, cứ rộn
ràng liên lạc với nhau. Cho nên, sau nhiều lầm lẫn và chiến chinh, năm 1913 mọi
nguời đều có thể nghĩ rằng "thiên hạ thái bình" là chân lý.
Chỉ một năm sau thôi, toàn cầu bốc khói!
Thế chiến I chưa kết thúc thì Đế quốc Nga đổi chủ qua "Cách mạng Tháng
10" vào năm 1917. Nước Đức đại bại bị ép thì dựng lại sức bật trên nền móng
khác. Việc hồ hởi tái thiết tại Hoa Kỳ cũng thổi lên bong bóng và khủng hoảng
1929 kéo dài đã tạo điều kiện cho Thế chiến II....
Nghĩa là trăm năm về trước, bình luận
gia ở London đã đoán trật. Sau đó, nước Anh nhường ngôi bá chủ cho Hoa Kỳ. Thế
giới chuyển trục từ Âu qua Mỹ.
Tại nước Mỹ này, một nhà bình luận vào năm
1913 thì thấy những gì và tiên đoán ra sao?
Nhớ lời tổ phụ, đừng dây vào thiên hạ sự
ở bên đó, nước Mỹ rạch ròi viết ra chủ thuyết Monroe, "Mỹ châu là của người
Mỹ". Tây bán cầu hay cả lục địa Trung-Nam Mỹ là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ,
các nước Âu Châu xin đừng bén mảng. Không chỉ tránh xa Âu Châu, Hoa Kỳ nhìn qua
Châu Á và gõ cửa Nhật Bản bằng pháo hạm vào năm 1853. Quả nhiên là Nhật phải mở
cửa canh tân thời Minh Trị.
Nhưng trong khi nước Nhật vươn lên thì
Hoa Kỳ lại rơi vào trận Nội chiến thảm khốc nhất lịch sử còn son trẻ của xứ này.
Chuyện thiên hạ, xin cứ để đó vì nước Mỹ cần tự hoà giải với chính mình và hoàn
tất cuộc cách mạng kỹ nghệ.
Vào thời ấy có nhà bình luận nào tại Hoa
Kỳ dám ngờ là chỉ vài chục năm sau, Nhật Bản đã khai chiến và đánh bại Đế quốc
Trung Hoa của nhà Mãn Thanh trong trận chiến Giáp Ngọ 1894? Rồi 10 năm sau thì Nhật
đánh tan Hạm đội Nga ở Eo biển Đối Mã trong trận hải chiến mà các sử gia Âu Châu
gọi là có tầm quan trọng tương tự như trận Trafalgar đúng trăm năm trước.
Chiến thắng đó của Nhật đã mở ra hy vọng
cho Châu Á da vàng, dẫn tới Phong trào Đông Du tại Việt Nam và Cách mạng Tân Hợi
tại Trung Quốc. Nhưng với nước Mỹ, đấy là chuyện quá xa, dù là nhìn từ Hawaii.
Vì thế giới hỗn mang như vậy, nên người
Mỹ của trăm năm trước không muốn và cũng chẳng tin là mình sẽ can dự vào một cuộc
chiến nữa tại Âu Châu. Vào cuối năm 1913, họ cũng đoán sai như vị đồng nghiệp
ngồi ở London.
Mà chúng ta nên e là người Mỹ ngày nay chẳng
khá hơn các bậc tiền bối của trăm năm về trước.
Sau Thế chiến I, từ vòng ngoài của trung
tâm thế giới là Âu Châu, Hoa Kỳ vượt lên thành đại cường trước sự tan rã của các
Đế quốc Hung-Áo, Đức, Nga, Ottoman. Nhưng ít ai tin là nước Đức lại nổi lên thống
trị Âu Châu và bắt tay với Đế quốc Xô viết trong Thế chiến II. Chẳng ai đoán là
Hoa Kỳ dân chủ lại kết hợp với Liên Xô Cộng sản để đánh gục nước Đức và nhường phân
nửa Âu Châu cho Stalin. Cũng ít ai ngờ là bên kia biển Thái Bình, Đế quốc Nhật lại
tấn công hạm đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1941. Vì thế, cũng ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ
dội bom nguyên tử lên đầu nước Nhật rồi hợp tác với Đức với Nhật như đồng minh
chiến lược trong suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến ngày Liên Xô tan rã, Âu Châu
tái thống nhất thành một khối với nước Đức là cốt lõi.
Như giới bình luận Anh thời trước, rút tỉa
các bài học bất ngờ của lịch sử trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ ngày nay cũng tin rằng đã
buôn bán với nhau thì chẳng ai muốn gây chiến. Kinh tế toàn cầu hóa là giải pháp
khôn ngoan.
Quả thật là vào thời điểm 2014, Chiến
tranh khó tái diễn vì Nga Tầu Nhật gì thì cũng đầu tư buôn bán với Âu-Mỹ và với
nhau. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa hiếu hòa và doanh gia là thành phần phản
chiến nhất!
Nhưng còn thế giới Hồi giáo?
Sau chục năm can dự lung tung, Hoa Kỳ đã
ra khỏi Iraq và sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, và đánh câu đại xá để
các nước giải quyết lấy xung đột của họ, từ Syria qua Lebanon, từ Libya tới Iran.
Hoa Kỳ cười cầu tài và treo miễn chiến bài với thiên hạ. Vào dịp cuối năm, người
Mỹ càng thấy rằng việc đó là đúng.
Các nước kia, từ Egypt đến Lebanon hay Liên
bang Nga, bị khủng bố Hồi giáo đánh bom tự sát hay Trung Quốc ra tay đàn áp tộc
Hồi tại Tân Cương càng khiến Hoa Kỳ muốn gom quân kéo về và hòa giải với mọi cường
quốc gần xa.
Nhưng đấy mới là mầm loạn và chiến tranh
càng dễ xảy ra, như trăm năm về trước.
Trong thế giới cứ gọi là toàn cầu hóa và
thịnh vượng, có nhiều nước không được thịnh vượng và còn chối bỏ quy cách làm ăn
toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa duy vật không có giá trị tâm linh và phải
bị đánh đổ. Khủng bố Hồi giáo nằm trong mạch lý luận đó và với chủ trương
"Thánh Chiến" còn khơi dậy tinh thần quốc gia dân tộc trong từng cộng
đồng Hồi giáo.
Trong thế giới phồn vinh còn lại, nhiều
người cũng thất vọng với kinh tế tự do và thiên về giải pháp bảo hộ mậu dịch. Đèn
nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người
ấy giữ. Và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang được khai thác để phá vỡ hội nhâp,
như tại Âu Châu. Hoặc để giành lại quyền tự trị, quyền độc lập, như tại Nga,
hay bên Tầu. Ngay tại Đông Á, hai cường quốc lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản
đều thi đua ái quốc bằng hạm đội ngoài biển...
Thế chiến I bùng nổ tại Âu Châu không vì
một Đại công tước bị ám sát trong vùng Balkan mà vì chủ nghĩa quốc gia đã tạo
ra nhiều chuyển động ngầm dưới mấy tầng địa chất của thời sự phù du. Những gì đang
xảy ra ngày nay, trước sự thản nhiên của nước Mỹ, không nhất thiết dẫn tới chiến
tranh. Nhưng ai đảm bảo là mình đoán đúng?
Cư an mà không tư nguy là sẽ gặp nguy?