Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140930
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Chuyện
hãi hùng: sự bất lực của chính trị trước bài toán kinh tế
* Bội chi ngân sách so với sản lượng Hoa Kỳ qua các triều Tổng thống *
Không,
quý độc giả không lầm và người viết không lẫn trong cột báo định kỳ, về
"Kinh Tế Cũng Là Chính trị", chứ không phải là "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên
Ngoài". Xin chịu khó đọc tiếp thì hiểu....
Còn
năm tuần nữa, cử tri Hoa Kỳ sẽ đi bầu – vào ngày Thứ Ba, mùng bốn Tháng 11 – mà
coi bộ chẳng biết bỏ phiếu ra sao, hoặc tệ hơn vậy là sẽ bỏ phiếu chẳng ra sao
cả. Bài này sẽ nói về chuyện ấy, nhìn từ giác độ kinh tế.
***
Cách
nay 25 năm, khi Liên bang Xô viết đi vào khủng hoảng - nói theo kiểu thơ Bút
Tre, bỗng dưng "chuyển sang từ trần" - và khi 40 năm Chiến tranh lạnh
đi vào kết thúc, một nhà tư tưởng thời ấy là chiến lược gia của Bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ, có để lại dấu ấn lạ. Đấy là Francis Fukuyama, nay là chuyên gia nghiên
cứu tại Đại học Stanford sau khi là Giáo sư tại George Mason.
Dấu
ấn của ông là sự hồ hởi gọi là "lịch sử cáo chung", khi tư bản chủ
nghĩa và dân chủ chính trị của Hoa Kỳ đã cả thắng chủ nghĩa phát xít rồi cộng sản.
Ông khải triển tiếp lý luận lạc quan ấy thành cuốn "The End of History and
the Last Man", xuất bản vào năm 1992.
Gần
đây, Fukuyama chuyển sang bi quan khi viết về Hoa Kỳ trong cuốn sách mới nhất
"Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to
the Globalization of Democracy". Trong mục điểm sách tuần này, tạp chí The
Economist của Anh kết luận như sau về nhãn quan mới của Fukuyama: "Ông ta lý
luận rằng các định chế chính trị đã giúp Hoa Kỳ thành công với một nền dân chủ
hiện đại nay đang bắt đầu rữa nát."
Lý
do là các chính đảng Mỹ bị phân cực theo ý thức hệ và các nhóm quyền lực nên phủ
quyết mọi quyết định họ không ưa. Và "chế độ cực quyền phủ quyết"
(vetocracy, chữ của Fukuyama) khiến Hoa Kỳ gần như hết khả năng giải quyết nhiều
vấn đề nghiêm trọng.
Đại
học giả cũng có thể lầm, như Fukuyama đã hồ hởi sảng năm 1989 hoặc ủng bộ
Barack Obama trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Nhưng nhận xét của ông về
chính trị Hoa Kỳ nhìn từ bên trong thì quả là đáng chú ý.
Bài
này sẽ nói về khía cạnh kinh tế của chuyện đó.
***
Hoa
Kỳ hiện có nền kinh tế khá nhất trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật. Khi nói
"khá nhất" thì đấy chỉ là một so sánh tương đối, là ít tệ nhất và chắc
chắn là khá hơn kinh tế của Trung Quốc. Nhưng thật ra lại rất tệ và sẽ còn tệ hơn
nữa.
Ngân
sách Hoa Kỳ có hai loại công chi, "bắt buộc" và "nhiệm ý" (entitlement
và discretionary). Phần bắt buộc là các khoản lên tới gần hai phần ba của tổng
chi và đang tăng, mà hầu như vượt khỏi thẩm quyền của Quốc hội, trừ phi có một
cuộc cách mạng hay... đại chiến. Phần nhiệm ý, kể cả ngân sách quốc phòng thì còn
có thể cắt được và đang bị cắt nên càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Nhìn
vào tương lai, trong mươi năm tới, khoản chi bắt buộc đứng hạng thứ ba sẽ là tiền
lời thanh toán cho các chủ nợ vì nhà nước đi vay sau khi gây bội chi ngân sách.
Còn lại là các khoản chi cho An sinh Xã hội, Cứu trợ Y tế cho người già và người
nghèo (Medicare và Medicaid). Theo đà này, thì giữa thập niên tới (2015-2024) tức
là năm năm nữa thôi, tổng số chi bắt buộc, kể cả tiền lời của công trái đã vượt
Tổng sản lượng GDP, sẽ cao hơn tổng số thu ngân sách.
Đấy
là trong giả thuyết lạc quan, gần như bất khà, là từ nay đến đó, kinh tế không
bị suy trầm nữa, sau khị đã bị vào năm 2008-2009, và các nền kinh tế tiên tiến
còn lại đều thoi thóp.
Giả
thuyết thực tế, hầu như chắc chắn, là bội chi hay khiếm hụt ngân sách sẽ tăng vọt
vào quãng 2020 trở đi. Và kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị khủng hoảng: hãy tưởng tượng đến
một gia đình hồn nhiên cà thẻ tín dụng cho đến khi tiền lời hàng tháng sẽ vượt
qua lợi tức kiếm ra, chưa nói gì đến tiền chợ búa và ăn học cho con em trong nhà!
Khi
quý độc giả đọc tới phần u ám này thì hiển nhiên là lãnh đạo và giới chức hữu
trách đã phải biết. Họ không thể để cho cỗ xe kinh tế phăng phăng lao xuống vực
như vậy. Họ có thê làm gì?
Về
chính trị, các chính khách đều dán mắt vào cuốn lịch tranh cử và biết rằng 80%
dân Mỹ đang lo ngại về số bội chi ngân sách quá lớn. Vì vậy, như một gánh hát,
họ đánh trống om xòm về gánh nợ. Nhưng khác với chúng ta, các chính khách còn
biết đón gió. Họ hiểu là gần 70% cử tri không muốn giảm trợ cấp Medicare và gần
80% thì không muốn cắt tiền Medicaid trong các khoản chi bắt buộc.
Khi
lòng dân lại như vậy thi các chính trị gia sẽ vừa đánh trống báo động vừa tống
ga cho cỗ xe lao xuống vực.
Đấy
là chuyện ngày mai như chuyện ngày nay khi thiên hạ oán Obama làm bậy với số bội
chi quá lớn mà tiếp tục bỏ phiếu cho viên Tổng thống bất tài này. Chúng ta hiểu
Francis Fukuyama muốn nói gì.
'May
là còn có Ngân hàng Trung ương và bà Chủ tịch Janet Yellen.
Chuyện
thê thảm khác!
***\
Khi
vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ đúng năm năm trước (Tháng Chín 2008) thì kinh
tế Hoa Kỳ đang bị suy trầm (recession). Sự hốt hoảng của thị trường và nét quờ
quạng của Nghị sĩ John McCain bên đảng Cộng Hoà đã giúp Nghị sĩ tay mơ là
Barack Obama bên đảng Dân Chủ đắc cử Tổng thống, Ông áp dụng bài bản kinh tế
thiên tả cố hữu và gây bội chi ngân sách với gánh nợ công trái lên tới kỷ lục.
Sau
đó là hiện tượng chính trường bất lực vì phân cực quá nặng như Francis Fukuyama
đã nói.
Cũng
do tai họa chính trị đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ phải tung lưới cứu nguy. Lãi
suất được hạ tới sàn, mấp mé số không, rồi gần bốn ngàn tỷ đô la được bơm ra qua
ba đợt QE "quantitative easing", "tăng mức lưu hoạt có định lượng".
Từ năm nay, biện pháp "quy y" bất thường ấy chấm dứt thật chậm, và được
thu hồi còn chậm hơn nữa, với viễn ảnh mà ai cũng biết là qua năm tới lãi suất
sẽ tăng để trở về trạng thái bình thường sau sáu năm bò trên sàn.
Trong
kịch bản khả quan thì mỗi sáu tuần, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất
25 điểm căn bản (0,25%) và đến năm 2016 thì may ra sẽ trở lại mức 2%. Đấy là...
tin vui cho giới đầu tư tài chánh và các chủ nợ đã gom tiết kiệm để kích thích
kinh tế. Nhưng, nếu lúc đó kinh tế Hoa Kỳ lại rơi vào suy trầm và cần kích thích
bằng biện pháp tiền tệ khi hệ thống chính trị vẫn bị tê liệt thì sao?
Viết
lại cho đơn giản, nếu kinh tế đình trệ và ngân sách bị bội chi tới bờ khủng hoảng
mà định chế duy nhất có thể cứu vãn với lãi suất vừa ngoi tới gần 2% thì sự thể
sẽ ra sao? Dĩ nhiên là lại cắt lãi suất! Và người ta sẽ lại có dịp vay tiền miễn
phí nhờ phân lời quá rẻ. Chúng ta trở lại chu kỳ èo uột 2008-2009.
Đấy
là "triển vọng" của nền kinh tế mạnh nhất địa cầu, hơn hẳn Liên Âu,
Nhật Bản và Trung Quốc. Đấy mới là kịch bản hãi hùng của những chấn động sắp tới
- nếu như chuyện Ukraine, ISIL, Iran hay vụ Trung Quốc vỡ nợ và Liên Âu phá sản,
v.v..., chưa thêm phần trầm trọng. Xin quý khách cài dây lưng an toàn vì chuyến
bay của chúng ta đang đi vào vùng biển động.
Còn
cử tri Hoa Kỳ thì vẫn thoải mái đi bầu như sự đời vô sự....