Thứ Ba, tháng 9 02, 2014

Khi Cuộc Tình Sắp Chết


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140901
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Đoạn cuối của bản tình ca Âu Châu

* Ảnh châm biếm của tờ Le Monde năm ngoái: Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp *


Tuần này, tạp chí The Economist có bài dẫn vào một đề tài nhức tim: khối Euro lại khủng hoảng.

Khác với chủ đề tuần trước, là sáu trang vô vị về đối ngoại của Trung Quốc, kỳ này, tờ báo gióng lên hồi chuông báo động từ ba góc của một vòng luẩn quẩn 1) lãnh đạo Âu Châu thiếu đởm lược cải cách; 2) quần chúng thì không thấy nhu cầu cải cách triệt để mà 3) khung cảnh tiền tệ và ngân sách quá gò bó khiến kinh tế khó tăng trưởng và vì vậy càng khó cải cách.

Bài viết này không luộc lại nội dung tờ The Economist hoặc vẽ ra những đồ biểu khó hiểu mà xoáy vào một chuyện sinh tử hơn. Khối Euro đe dọa sự tồn vong của hệ thống chính trị Liên Âu và, như mọi khi, tâm điểm vẫn là cuộc tình Pháp-Đức.



***


Tuần qua, khi Chính phủ Pháp từ chức và Thủ tướng Manuel Valls lập nội các mới, thị trường chứng khoán Paris lên giá và phân lời trái phiếu thì giảm, người ta có thể kết luận, sai, là Tổng thống François Hollande chấn chỉnh được nội tình để Thủ tướng Manuel Valls tiếp tục cải cách. Việc chấn chỉnh là đẩy Tổng trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và hai Tổng trưởng nổi loạn khác ra khỏi nội các.

Được dân Pháp cho hỗn danh bằng cách chơi chữ là "Mon Tambourg", cái trống ôm xòm này đã từ trong bộ Kinh tế đánh ngược vào đường lối chính sách của Tổng thống và Thủ tướng nên bị gạt ra ngoài. Vì vậy, thị trường mới lạc quan cho là từ nay Chính quyền Pháp sẽ có bộ máy thuần nhất, với ba bốn con ngựa cùng kéo chung về một hướng.

Việc một cố vấn thân tín của Tổng thống Hollande, xưa là chuyên gia ngân hàng được lòng giới tài phiệt, lên thay Montebourg cầm đầu hệ thống kinh tế là chỉ dấu khó sai. Huống hồ, ngay từ cuộc tranh cử của Hollande vào năm 2012, với chủ trương tăng thuế 75% trên mức lợi tức cao nhất, ông Emmanuel Macon này có một lời phê phán xanh rờn: "Làm vậy là tựa Cuba, mà thiếu nắng ấm!"

Nhưng chỉ dấu khó sai đó vẫn chưa đúng. Rắc rối như Tây, hay khó trị như Pháp, là một quy luật!

Số là từ cánh cực tả, Montebourg tấn công đường lối kinh tế của thượng cấp trong một chính quyền trung tả. Ông không chấp nhận chánh sách khắc khổ là giảm chi ngân sách như Liên Âu đòi hỏi do Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu và Tổng thống Hollande cố thi hành. Nhưng, như theo một vòng luẩn quẩn, cứ đi mãi về cánh tả là gặp cánh hữu. Montebourg cũng đòi hạn chế quy luật thị trường, bảo hộ mậu dịch, bảo vệ uy tín và sức mạnh của Pháp, rồi ồn ào kết án xứ khác về mọi khó khăn kinh tế của Pháp, nên mới lý luận tương tự như đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen ở phe cực hữu.

Vẫn biết kinh tế cũng là chính trị - nội dung của cột mục này – khi kết luận vậy thì ai cũng hoài nghi. Nhưng thực tế còn rắc rối hơn thế.

Vụ khủng hoảng tại Paris tuần qua đã xé đôi đảng Xã hội của Tổng thống Hollande..

Từ khi Hollande lên lãnh đạo nước Pháp từ Tháng Năm năm 2012 với một chánh sách tả khuynh duy ý chí là tăng thuế để tăng chi và thất bại nên mới đảo ngược lập trường, kinh tế Pháp tụt hậu so với các nước Âu Châu. Số thất nghiệp tại Pháp tăng đều trong khi sản lượng không nhúc nhích, ngày nay bằng với tình hình của 15 năm trước. Vì vậy, cánh cực tả mới nổi loạn và công nhân cùng giới trẻ của họ chạy qua phe cực hữu với khẩu hiệu tăng thuế nhà giàu và kiểm soát ngoại thương để bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.

Chính quyền Hollande còn ba năm để vực dậy nền kinh tế và đồng thời cải cách cơ chế.

Nhưng với ngân sách bội chi quá nặng và xã hội đầy quán tính, những yêu cầu đó đều khó thành. Mọi nỗ lực cải tổ đều bị cản nếu không đảm bảo là mọi người được lao động ít hơn và có thêm trợ cấp. Dân Pháp không cầu vừa đủ xài mà đòi cầu vừa đủ xài sang! Họ có thể cản trở trong chính trường qua lá phiếu bất tín nhiệm chính phủ, là việc phe cực tả đang chuẩn bị. Nếu không thành thì cản trở trên đường phố bằng các cuộc biểu tình bất tận trong khói mù của lựu đạn cay.

Trong tháng này, ta có thể kiểm chứng điều ấy khi nội các mới của Thủ tướng Valls đệ nạp dự luật ngân sách với các điều khoản giảm thuế thành phần trung lưu và các doanh nghiệp mà không giảm chi và tăng trợ cấp. Tức là khủng hoảng trong đảng Xã hội bị xé làm hai cũng là khủng hoảng của nước Pháp, với Tổng thống Hollande có tỷ lệ ủng hộ thấp ngang tầm cỏ là dưới 20%.

Mà đấy cũng là khủng hoảng của Âu Châu.

Trong khối tiền tệ thống nhất của 18 nước Âu Châu cùng sử dụng đồng Euro, các nước ở vòng ngoại vi tại miền Nam vẫn chưa ngồi dậy dù Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB đã ra sức bơm tiền. Còn ba nền kinh tế dẫn đầu là Đức, Pháp và Ý đều cùng uể oải. Nước Ý đang trôi vào suy trầm (là có đà tăng trưởng chậm hơn), Pháp thì chưa ra khỏi suy trầm, mà mạnh nhất là kinh tế Đức thì cũng có triệu chứng sa sút từ Tháng Bảy.

Nếu kể thêm hiệu ứng bất lợi của việc trừng phạt Liên bang Nga về tội xâm lược Ukraine, người ta khó lạc quan về kinh tế.

Ra khỏi khối Euro đang ngắc ngoải, người dân Âu châu cũng có dấu hiệu hoài nghi phép lạ của việc hội nhập kinh tế vào một tập thể chung. Hội nhập có nghĩa là chấp nhận quyền tự do trao đổi hàng hóa lẫn nhân lực - quyền cạnh tranh và tự do lao động cùng di trú. Với nhiều người thì dự án thống nhất này khiến họ bị cạnh tranh kịch liệt hơn mà chính quyền quốc gia lại mất khả năng can thiệp vào một tập thể siêu quốc gia để bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Các nước bị khủng hoảng nặng nhất, người dân cũng thất vọng nhiều nhất về việc hội nhập. Khuynh hướng chống Liên Âu vì vậy đã gia tăng.

Nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu là Anh quốc thì đòi hỏi nhiều điệu kiện khắt khe hơn để vẫn là thành viên của Liên Âu. Tại các nước khác, hai phe cực tả và cực hữu đều hòa chung một điệu là chống các đảng phái truyền thống đã lãnh đạo quốc gia từ nhiều thập niên vừa qua và triệt để phản bác khuôn khổ Âu Châu như một gông cùm đã bóp nghẹt chủ quyền quốc gia.

Giữa những mầm mống rạn nứt đó, nước Đức cố gắng cứu vãn khối Euro, thông cảm với các quốc gia xé rào là gây bội chi nặng hơn hạn ngạch của Liên Âu, và chấp nhận cho Ngân hàng Trung ương xả máy bơm tiền, với hy vọng là các nước lâm nạn sẽ chấn chỉnh lại công chi thu và cải cách cơ chế kinh tế. Hy vọng đó không thành, rồi cả cánh tả lẫn cánh hữu tại Pháp đều quy tội cho Thủ tướng Angela Merkel của Đức.

Bà Merkel là do dân Đức bầu lên để trước tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia và chỉ duy trì được sức mạnh của khối Euro hay sự thuần nhất của Liên Âu nếu các quốc gia kia cùng cố gắng. Khi tinh thần "cộng đồng đồng tiến" này lại bị cản trở, và nước Đức bị thiên hạ trách cứ thì chính cử tri của Đức sẽ nêu vấn đề.


***


Sau Thế chiến II, kiến trúc kinh tế và chính trị Âu châu có nền tảng là quan hệ giữa Pháp và Đức, hai nước lâm chiến ba lần trong 70 năm. Quan hệ đó đang bị thách đố vì người dân hai nước không cùng nhìn chung vào một tương lai.

Giới văn chương cứ ví von theo Antoine de Saint Ex. (Saint Exupéry) rằng "yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn chung về một hướng". Ngày nay, hai nước đang nhìn nhau. Mai kia có khi sẽ là những lời xỉa xói!

Giới kinh tế thì báo động về đoạn cuối của Liên Âu nếu các nước không ra khỏi cơn khủng hoảng. Thi vị hơn, ta hãy theo dõi đoạn cuối của bản tình ca Pháp Đức.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét