Nguyễn-Xuân Nghĩa - Thanh Trúc - RFA Ngày 170201
"Diễn đàn Kinh tế"
Từ quốc tế tới đa phương rồi song phương. Luật chơi mới...
* Chống cả TPP lẫn Trump! Nước Mỹ dzui thiệt! *
Sau
khi nhậm chức hôm 20, trong ngày làm việc đầu tiên vào hôm 23 Tháng Giêng, Tổng
thống Donald Trump đã thi hành quyết định mà ông chủ trương từ khi còn tranh
cử, đó là đơn phương triệt thoái khỏi khuôn khổ đàm phán của Hiệp ước Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, và chỉ thị cho các cơ quan hữu trách tiến
hành đàm phán với từng đối tác thương mại theo thể thức song phương. Diễn đàn
Kinh tế sẽ tìm hiểu về hậu quả của quyết định này cho các nước và cho Việt Nam.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong
chương trình phát thanh đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế vào năm Đinh Dậu. Ngay sau
khi nhậm chức thì Tổng thống Donald Trump quyết định ra khỏi Hiệp ước Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã ký kết với 11 quốc gia trên vành cung Thái
Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP. Quyết định ấy không gây ngạc nhiên cho
các nước, nhưng thưa ông, hậu quả sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin được trình bày về bối cảnh gần
xa dẫn đến biến cố này trước khi chúng ta tìm hiểu về hậu quả cho các nước. Tổng
thống Hoa Kỳ có quyền lấy những quyết định cho bộ máy hành pháp qua các sắc lệnh
gọi là “executive orders”; song song ông
cũng cho các cơ quan hữu trách biết chiều hướng thi hành chính sách qua các chỉ
thị, gọi là “bị vong lục” hay memorandum,
trong ý nghĩa là “cho khỏi quên”. Trong ngày làm việc đầu tiên, hôm 23, Tổng
thống Donald Trump ban hành chỉ thỉ về chính sách đàm phán thương mại của chính
quyền mới, là thứ nhất, vì quyền lợi trên hết của người dân Mỹ, thứ hai là sẽ
đàm phán với từng nước theo thể thức song phương. Từ nguyên lý ấy, ông ra lệnh
cho Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ triệt thoái khỏi khuôn khổ thương nghị với các
nước đã ký kết Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và bắt đầu dàn xếp đàm phán
song phương với từng nước để phát huy công nghiệp, bảo vệ công nhân và gia tăng
lương bổng cho dân Mỹ.
Thanh Trúc: Đấy là bối cảnh gần của việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP, nhưng qua
những gì ông vừa trình bày thì dường như người ta còn thấy ra một điểm mới là
việc đàm phán song phương, thưa ông có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Vì những lý do sau đây, tôi sợ nhiều người hiểu sai
quyết định này mà nói là vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã “giết chết” một hiệp
ước. Thứ nhất, TPP hoàn thành việc đàm phán sau bảy năm thương thuyết giữa 12
quốc gia vào ngày năm Tháng 10 năm 2015 rồi được đại diện các nước ký kết ngày
bốn Tháng Hai năm 2016. Sau đó, theo quy định thì Quốc hội và các cơ quan hữu
trách của từng nước phải nghiên cứu toàn bộ văn kiện phức tạp ấy để đề nghị
thay đổi nếu thấy cần thiết, trước khi chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc áp dụng,
và sau cùng mới phê chuẩn. Khi ngần ấy quốc gia đã thương nghị lại rồi phê
chuẩn văn kiện có điều chỉnh thì TPP với thật sự thành hình. Sau khi TPP được
ký kết thì giới dân cử Hoa Kỳ trong Quốc hội khóa 114 mới thấy nội dung quá
toàn diện và rắc rối của TPP nên đa số bên đảng Dân Chủ bác bỏ và không ít dân
biểu nghị sĩ Cộng Hòa cũng không đồng ý. Các ứng viên tranh cử Tổng thống là ông
Donald Trump bên đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton cúng ông Bernie Sanders
bên đảng Dân Chủ cũng chống, dù bà Clinton đã từng cổ võ Hiệp ước này khi làm
Ngoại trưởng cho Tổng thống Barack Obama. Chính là vì thiếu hậu thuẫn nên Quốc
hội Mỹ không nghiên cứu và phê chuẩn như Tổng thống Obama khẩn khoản yêu cầu,
và với Hoa Kỳ thì Hiệp ước TPP coi như đã chết trong trứng nước. Tổng thống
Trump chỉ làm đúng chủ trương khi tranh cử, nhưng xác nhận thêm giải pháp thay
thế là việc đàm phán song phương.
Thanh Trúc: Nhờ ông nhắc lại bối cảnh, thính
giả của chúng ta hiểu ra những rắc rối của chính trường Hoa Kỳ liên quan đến một
Hiệp ước giữa 12 nước, trong khi đó người ta cũng chú ý đến việc Quốc hội Nhật
Bản đã phê chuẩn TPP mà phía Việt Nam thì vẫn chưa. Thưa ông Nghĩa, khi hiểu rõ
sự thể, ta thấy được một yếu tố mới là chiều hướng đàm phán song phương của
Chính quyền Trump như giải pháp thay thế. Từ đó, ta có thể kết luận thế nào về
hậu quả?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu muốn nhìn ra hậu quả trong tương lai thì
ta nên ngược về quá khứ và đây là bối cảnh xa mà chúng ta cần nhớ khi Tổng thống
Hoa Kỳ nói đến ba mục tiêu của việc đàm phán thương mại theo khuôn khổ song
phương là khuếch trương kỹ nghệ, bảo vệ công nhân và nâng cao lương bổng.
- Nhìn trong bối cảnh xa thì người ta thấy được hai ba chuyện. Thứ nhất
là sự thất bại của khuôn khổ hợp tác thương mại toàn cầu là Tổ chức Thương mại
Thế giới WTO, khi vòng đàm phán Doha do Chính quyền của Tổng thống George W.
Bush đề nghị với WTO từ Tháng 10 năm 2001 mà vẫn bế tắc. Thứ hai là cùng với nỗ
lực toàn cầu của một tổ chức có 164 hội viên là WTO thì các nước cũng tiến hành
hợp tác cấp vùng, trong từng khu vực. Thí dụ như Hiệp ước TPP Xuyên Thái Bình
Dương và Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP giữa Hoa Kỳ và 28 quốc
gia thành viên của Liên hiệp Âu châu hay Hiệp ước CETA giữa Liên Âu và Canada.
Các hiệp ước cấp vùng ấy cũng thất bại, người ta chỉ nói đến TPP và Mỹ mà quên
rằng TTIP hay CETA đều lâm vào bế tắc, lần này do sự chống đối của nhiều nước
Âu Châu. Điển hình còn rõ hơn là Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA giữa
Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã được ba nước áp dụng từ năm 1994 mà nay đang lâm khủng
hoảng. Theo hướng đa phương đó, sáng kiến thành lập một khu vực tự do mậu dịch
giữa 21 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương gọi là FTAAP được Úc đề xướng từ
năm 1989 nay vẫn chưa nhúc nhích. Thứ ba, ngoài nội dung trao đổi tự do về
thương mại và đầu tư, ta còn thấy một tham vọng khác đó là “hợp tác toàn diện”, với sự đồng thuận về
tiêu chuẩn cao hơn trong các lĩnh vực môi sinh, xã hội, công đoàn, v.v…. Chính
là yêu cầu toàn diện ấy mới khiến Hiệp ước TPP là văn kiện quá phức tạp với nhiều
đòi hỏi thay đổi trong từng nước và vi phạm chủ quyền quốc gia nên mới gây phản
ứng chống đối. Theo chiều hướng ấy, dự án hợp tác toàn diện do Trung Quốc cố thúc
đẩy từ năm 2014 với 10 quốc gia của Hiệp hội ASEAN và năm nước Nhật Bản, Nam
Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand đã qua 15 vòng đàm phán mà chưa có kết quả. Nếu
nhìn vào bối cảnh trường kỳ thì việc TPP thất bại không có nghĩa là Hiệp ước
Toàn diện và Cấp vùng RCEP sẽ thành công, nhất là khi Bắc Kinh lại muốn đẩy Hoa
Kỳ ra ngoài sáng kiến này.
Thanh Trúc: Thưa ông Nghĩa, khi nhìn sự kiện
từ giác độ mở rộng như vậy, người ta thấy được vài yếu tố sau đây: từ khuôn khổ
hợp tác toàn cầu như với tổ chức WTO, các nước cũng có nỗ lực hợp tác đa phương
trong phạm vi địa dư của từng khu vực và từ quy chế tự do mậu dịch, các nước
còn có tham vọng hợp tác toàn diện với những yêu cầu thay đổi lớn hơn. Nhưng
nói chung thì dường như các nỗ lực ấy đều gặp trở ngại, thậm chí thất bại. Phải
chăng vì vậy ta mới thấy một chiều hướng mới là tìm sự thỏa thuận song phương
giữa hai nước với nhau?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là vậy. Vì dư luận quá chú ý tới
Chính quyền Donald Trump, người ta cứ cho là tất cả đều do Hoa Kỳ mà ra nên chẳng
thấy thất bại ở nhiều nơi khác như tại
Âu Châu và điển hình không kém là việc Vương Quốc Anh quyết định ra khỏi Liên
Âu nay đang chuẩn bị thương thuyết lại với Âu Châu và với Hoa Kỳ về khuôn khổ hợp
tác kinh tế. Chúng ta chứng kiến một chuyển động lớn là trào lưu hợp tác toàn cầu
đang bị đẩy lui và giải pháp tạm thay thế là các hiệp ước song phương. Chuyện
này xảy ra trong 80 năm liền, từ 1860 cho tới Thế chiến II. Sau Thế chiến II, ta
mới có các định chế quốc tế trong một trật tự mới làm nền tảng của hợp tác kinh
tế toàn cầu. Trật tự ấy đang rã và thế giới lui về giải pháp song phương mà Hiệp
ước TPP và lập trường của Hoa Kỳ chỉ là hậu quả, không là nguyên nhân. Khi ấy,
ta nên tự hỏi là các nước còn có lợi gì chăng, trong khuôn khổ song phương đó?
Thanh Trúc: Đây mới là câu hỏi chính vì sẽ
giúp chúng ta nhìn ra yếu tố quyền lợi sau thất bại của TPP. Thưa ông, tự do
giao dịch buôn bán với nhau có lợi hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng câu trả lời thuộc phạm vi kinh tế
chính trị lại là câu hỏi: “lợi cho ai”?
- Thời hiện đại từ 500 năm trước, thế giới gọi là tiên tiến gồm các nước
Âu Châu đều ra khỏi lý luận “trọng nông” của mấy ngàn năm mà theo trường phái
kinh tế “trọng thương”. Trọng thương là coi trọng thương mại và giao dịch để
tranh thủ quyền lợi quốc gia, với hàm ý kinh tế bên dưới là bán thì lời hơn
mua. Người ta lầm tưởng rằng trong mua bán thì người bán giữ ưu thế theo lối “hơn
bù kém” và các nước Âu Châu chinh phục quyền lợi với chế độ thực dân để giành
thêm đất đai hàng hóa từ các thuộc địa. Triết lý trọng thương hay nôm na lý tài
ấy lại dẫn tới chiến tranh giữa các nước nên từ giữa thế kỷ 19 thiên hạ mới tìm
đến các thỏa ước hợp tác theo tinh thần nếu được quyền giao dịch tự do thì đôi
bên đều có lợi, chứ chính sách ngăn sông cấm chợ để bảo vệ quyền lợi riêng chỉ
dẫn tới thất bại. Chiều hướng ấy phát triển mạnh sau Thế chiến II với hy vọng
là khi tự do giao dịch về kinh tế thì mọi người đều giàu có và các nước sẽ ít
gây chiến với nhau, kết quả tiêu biểu là tổ chức WTO và Liên Âu. Nhưng ngày
nay, tham vọng ấy lại dẫn đến phản ứng dội ngược là điều chúng ta vửa phân tích
vì trong trao đổi, một thiểu số lại làm giàu nhanh hơn đa số còn lại. Sự tiến bộ
của khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất càng khiến một số thành phần xã hội
không theo kịp đà tiến hóa và thấy bị thiệt thòi, như thiếu tay nghề cho loai công
việc mới, bị mất việc hay đành nhận lương thấp.
Thanh Trúc: Chúng ta đi tới phần kết luận về
hậu quả của TPP là Việt Nam nên làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, TPP vắng mặt nền kinh tế có sức
tiêu thụ và nhập khẩu cao nhất là Hoa Kỳ nhưng vẫn còn 11 thành viên kia, kể cả
Nhật Bản hay Úc. Đấy vẫn là cơ hội cho Việt Nam cải cách và hội nhập vào một thị
trường lớn hơn, có trình độ tổ chức cao hơn. Là một nước nghèo, Việt Nam sẽ có
lợi nhiều hơn các nước kia trong sân chơi mới. Thứ hai, Việt Nam đã bình thường
hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ năm 1995, có hiệp ước thương mại song phương từ năm
2000, được quy chế tối huệ quốc một cách thường trực từ 10 năm trước và vẫn có
thể khai triển nền móng thảo luận song phương với Mỹ. Nếu xúc tiến cải cách
theo yêu cầu của TPP với 11 nước kia thì càng có lợi hơn khi đàm phán với Mỹ.
Trong khi ấy, nếu ngả theo hiệp ước RCEP có nội dung lý tài của Bắc Kinh thì
càng khó ra khỏi tình trạng lệ thuộc quá tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Và sau
cùng, bài học từ Hoa Kỳ về hiện tượng Donald Trump là điều rất đáng cho Hà Nội
và Bắc Kinh suy ngẫm: đó là sự nổi dậy của quần chúng lao động lầm than chống lại
những kẻ có quyền và có tiền. Nên nghĩ đến sự lầm than còn khốc liệt hơn của đa
số người dân Việt Nam trước những chuyển động khá mạnh của thế giới chung
quanh.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu đọc đi đọc lại đoạn này của bác nhiều lần " Và sau cùng, bài học từ Hoa Kỳ về hiện tượng Donald Trump là điều rất đáng cho Hà Nội và Bắc Kinh suy ngẫm: đó là sự nổi dậy của quần chúng lao động lầm than chống lại những kẻ có quyền và có tiền. Nên nghĩ đến sự lầm than còn khốc liệt hơn của đa số người dân Việt Nam trước những chuyển động khá mạnh của thế giới chung quanh." và muốn hỏi thẳng bác một câu, bác có lạc quan về tương lai của Việt Nam mình không? Và nếu được phép bói toán (dù cháu nghĩ có thể bác không thực sự thích mấy trò này) thì theo bác nếu có cách mạng xảy ra ở Việt Nam nó sẽ theo hướng nào? Bạo lực, hỗn loạn hay tương đối bình yên? Dù biết đây là câu hỏi mang tính chất đoán mò nhưng cháu vẫn hy vọng được biết quan điểm của bác.
Cháu xin cảm ơn.
Đêm Giao Thừa, tôi có bói một quẻ dịch, được quẻ Trạch Hỏa Cách, ngồi hào bốn. Ai muốn đoán gì thì cứ đoán. Chúc mừng năm mới!
Xóa