Thứ Năm, tháng 2 02, 2017

Mâu Thuẫn Mỹ-Mễ



Nguyễn Xuân Nghĩa, Thanh Hà RFI  Phát thanh ngày 170131
Tạp chí Kinh tế

Đọ sức kinh tế Hoa Kỳ - Mexico quanh một “Bức Tường”


 




* Bức tường ô nhục! Cho ai? * 



Chính quyền Trump chỉ muốn đánh Mễ làm gương cho nhiều trận chiến mậu dịch khác. Trong chưa đầy 10 ngày ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump khai mào cuộc chiến thương mại với nước láng giềng phương nam: ngăn cản các tập đoàn xe hơi đầu tư vào Mễ, đòi đàm phán lại hiệp định tự do mậu dịch NAFTA liên kết Hoa Kỳ với Canada và Mễ, quyết định xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mễ, đòi đánh thuế 20 % vào hàng Mễ nhập vào Mỹ.

Dù không là bạn hàng để Mỹ bị nhập siêu lớn nhất, nhưng tân chính quyền Washington chọn Mễ là đối tượng đầu tiên, để làm gương cho các nước khác, từ Trung Quốc đến Đức hay Nhật Bản.

Cố tổng thống Porfirio Diaz cuối thế kỷ XIX đầu XX đã có câu nói đi vào lịch sử “Tội thay cho Mễ: Thượng Đế thì xa, nước Mỹ thì gần”. Mexico trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên trong chính sách bảo hộ mậu dịch của tân chính quyền Trump. Thế kẹt của Mễ nằm ở chỗ 80% xuất khẩu của nước này đổ vào thị trường Hoa Kỳ, ngoại thương chiếm 30 % GDP; nhờ Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ-  NAFTA mà Mễ đã đẩy lui được nạn nghèo khó và khu vực bắc Mễ phát triển nhờ trở thành sân sau của các tập đoàn Mỹ đầu tư tại quốc gia có nhân công rẻ này.

Đâu là tính thực hư về những đòn hù dọa của Nhà Trắng, từ dự án xây “bức tường biên giới” mà mọi phí tổn sẽ do phía Mễ đài thọ, theo như tuyên bố của tổng thống Donald Trump, đến đề xuất đánh thuế hàng Mễ nhập vào thị trường Mỹ 20 % để lấy tiền xây bức tường đó?

Các tập đoàn Mỹ tính sao khi đã đầu tư vào các cơ sở sản xuất ở Mễ để dùng quốc gia có nhân công rẻ này như một cánh cổng mở ra thị trường với 44 quốc gia mà Mễ đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch? Người tiêu dùng Mỹ nghĩ liệu có chịu chi ra 1150 đô la cho một chiếc điện thoại Iphone của Apple thay vì 690 đô la (giá trung bình) nếu điện thoại thông minh của nhãn hiệu Quả Táo được sản xuất 100% trên lãnh thổ Mỹ một khi các nhà máy ở Mễ và nhất là châu Á đã phải đóng cửa?

Cuộc đọ sức về cả ngoại giao lẫn thương mại giữa tân chính quyền Trump với Mexico City đã vượt ra ngoài địa hạt kinh tế và thương mại, như phân tích sau đây của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ với nước láng giềng tại miền Nam là Mễ có quan hệ lâu đời từ hơn trăm năm trước và nhiều tiểu bang miền Nam hay miền Tây của Mỹ vẫn còn địa danh gốc Latinh, từ tiếng Mễ, trong một khu vực tôi gọi là “biên vực” tương tự như đất Alsace-Lorraine của Pháp tiếp cận với Đức hay An Giang Châu Đốc của ta bên xứ Miên. Chi tiết này thật ra rất quan trọng nếu ta nhớ đến bối cảnh.

- Gần đây hơn, sau khi Hoa Kỳ ký Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ là NAFTA vào năm 1994 với Canada ở phía bắc và Mễ ở phía nam thì kinh tế Mễ đã từ nhập siêu được xuất siêu, là xuất nhiều hơn nhập với Hoa Kỳ. Năm 1994 Mỹ nhập 65 tỷ đô la từ Mễ và năm 2016, nhập khoảng 295 tỷ đô la. Ngược lại, Mễ xuất cảng từ 68 tỷ thì năm qua xuất 235 tỷ. Khác biệt giữa 295 tỷ và 235 tỷ là 60 tỷ thặng dư thương mại hay xuất siêu của Mễ mà chính quyền Donald Trump nói tới.

- Để so sánh, xuất siêu của Canada vào Mỹ chỉ có chín tỷ đô la mà thôi.

- Đa số hàng hóa nước Mỹ mua tại Mễ là phụ tùng xe hơi, xe vận tải lớn và nhiều loại xe nhỏ khác. Chi tiết nên chú ý là chuỗi cung ứng hàng hóa từ Mễ bán vào Mỹ còn có thể có sản phẩm từ các nước Âu hay Á, để hưởng chế độ quan thuế ưu đãi trong khuôn khổ NAFTA. Ngược lại, Mễ mua của Mỹ nhiều mặt hàng điện cơ hay điện tử và các sản phẩm gốc dầu hỏa.


Mục tiêu an ninh của «bức tường biên giới»


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Làn sóng di dân từ Mễ vào Mỹ đã giảm sau khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008-2009 và số di dân nhập lậu vào Mỹ không chỉ có công dân Mễ mà còn là dân Nam Mỹ chạy qua Mễ để vào Mỹ. Người ta ít chú ý đến sự kiện chính quyền Mễ  kiểm soát rất khắt khe biên giới tại miền nam để chặn làn sóng di dân từ Trung Mỹ và Nam Mỹ trong khi lại dễ dàng cho dân Mễ vào Mỹ kiếm việc và gửi tiền về cho gia đình.

- Do quan hệ lịch sử giữa hai nước, nhiều người Mễ coi miền nam của Hoa Kỳ là lãnh thổ của mình và dù sống tại Mỹ họ vẫn coi Mễ là quê hương. Khác hẳn các di dân từ Âu châu hay Á châu được phân tán trong lãnh thổ Mỹ, số dân cử người Mỹ gốc Mễ tập trung tại “vùng biên vực”, từ Florida, Louisiana qua Texas, New Mexico, Arizona hay California lên tới Oregon, có thể củng cố ảnh hưởng của họ nhờ thành phần gốc Mễ này. Đấy là vấn đề trường kỳ của Hoa Kỳ.
- Sau cùng, không thể quên rằng Mễ còn xuất cảng loại cần sa ma túy vào Mỹ và nhiều tổ chức ma túy cũng là mạng lưới tổ chức cho dân Mễ nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Vì vậy, chính quyền Donald Trump mới coi việc kiểm soát biên giới Mỹ-Mễ là một ưu tiên về an ninh và đòi xây tường chạy dọc biên giới giữa hai nước.


Tính khả thi của những đòn hù dọa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dân số Hoa Kỳ chỉ bằng 5% toàn cầu mà có tới 70% luật sư của thế giới. Mỹ là vô địch về đánh võ luật pháp, điều ấy cũng giải thích vì sao đa số chính trị gia Mỹ đều xuất thân là các luật gia. Ngoại lệ là chính quyền Trump, chỉ có một chính khách gốc luật gia trong nội các, còn lại là doanh gia hay chiến tướng. Nhưng ban tham mưu về thương mại của ông Trump lại có nhiều luật gia đầy kinh nghiệm đấu tranh cho quyền lợi ngoại thương của Mỹ. 

- Việc chính quyền Trump đe dọa một trận chiến mậu dịch với Mễ để có tiền xây dựng bức tường tại biên giới là đòn hư hư thực thực, có võ mồm mà cũng có võ thật.

- Khi dọa tăng thuế nhập nội 20% trên hàng hóa từ Mễ thì đấy là võ mồm, chứ chính quyền Trump có tám cách diễn giải các đạo luật thương mại của mình từ những năm 1930, 1962, 1974 hay 1977 để gây sức ép và Hành pháp có thể đặt thuế suất 15% trên hàng Mễ trong vòng năm tháng mà chẳng cần Lập pháp chấp thuận. Ta không quên là sau vụ tổng khủng hoảng 1929-1933, luật pháp Hoa Kỳ đã cho hành pháp nhiều quyền hạn khá rộng rãi về thương mại mà khỏi cần Quốc hội phê chuẩn.

- Ngược lại, chính quyền của tổng thống Pena Nieto thuộc đảng Cách mạng Định chế PRI mới lâm thế kẹt. Thuần về kinh tế, Hoa Kỳ tiếp nhận 80% tổng số xuất cảng của xứ Mễ nên là nguồn sống của kinh tế Mễ. Nếu không chấp nhận lối suy diễn lại hiệp ước NAFTA với Washington mà đòi ra khỏi NAFTA thì lập tức Mễ bị khủng hoảng.

- Ngay hiện tại chính phủ Mễ bị quần chúng phản đối khi tăng giá xăng dầu từ đầu năm và khi nhượng bộ Mỹ thì càng bị dân phản đối. Thứ hai, năm tới, Mễ có bầu cử tổng thống và hai đảng đối lập từ cánh trung tả là Đảng Quốc Gia Hành Động PAN và Phong Trào Phục Hưng Quốc Gia MORENA đang chiếm thế mạnh.

- Nếu chính quyền Nieto nhượng bộ Mỹ thì sẽ bị tấn công từ sau lưng. Nếu họ vận động các doanh nghiệp Mỹ làm giầu nhờ thị trường Mễ để gây khó cho chính quyền Trump thì chưa chắc thành công vì ông Trump đang gây áp lực trên các doanh nghiệp này nhờ sự ủng hộ của đông đảo quần chúng Mỹ.

- Mễ có thể tìm hậu thuẫn chính trị từ giới dân cử Mỹ để gây khó cho chính quyền Trump nhưng vẫn bị tổn thất trong trận đánh dai dẳng này trong khi bất cứ một tai họa nào từ di dân nhập lậu hay các tổ chức ma túy gốc Mễ đều chi phối dư luận.

- Sau cùng, Mễ chưa tìm ra thị trường xuất cảng khác, như Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu hay Đông Á, để thay thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, hy vọng duy nhất của Mexico City là tiến trình đàm phán có thể kéo dài nhiều năm và từ nay đến đó tìm cách thương lượng kín đáo hơn khi biết hồ sơ Mỹ-Mễ không chỉ là kinh tế mà còn là an ninh.


Dùng Mễ để «đánh phủ đầu» các đối tác thương mại lớn hơn 




Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ bị nhập siêu, là nhập hơn xuất, gần 700 tỷ đô la một năm, trong đó, phần 60 tỷ với Mễ không là lớn nhất, chiếm chưa tới 9%. Do đó, hồ sơ kinh tế với Mễ chỉ là phụ. Chính quyền Trump muốn xác định lại chủ quyền quốc gia và nói đến việc bảo vệ biên cương như một ưu tiên. Ưu tiên đó thật ra thiên về an ninh hơn kinh tế, thậm chí thiên về khái niệm bản sắc quốc gia, chứ luật lệ Hoa Kỳ đã có quy định về việc xây tường bảo vệ biên cương mà chưa được các chính quyền tiền nhiệm chấp hành đúng đắn. b 

- Khi Hoa Kỳ muốn thu hẹp mức nhập siêu thì chọn xứ Mễ là đối tượng tranh đấu đầu tiên cho các nước khác, từ Trung Quốc cho tới Đức hay Nhật, đều biết ý chí của mình. 

- Thực chất vấn đề của bức tường biên giới là kỷ cương quốc gia và nếu chính quyền Mễ hợp tác với Hoa Kỳ, không chỉ vì nạn di dân nhập lậu mà trong nhiều hồ sơ khác, như an ninh và ma túy, thì vẫn có thể dàn xếp được. Nói cho phũ phàng về kinh tế thì chính quyền Trump chỉ muốn đánh Mễ làm gương cho nhiều trận chiến mậu dịch khác.

Tải nạp chương trình này

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170131-do-suc-kinh-te-my-mehico-quanh-mot-%E2%80%9Cbuc-tuong%E2%80%9D

______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét