Thứ Ba, tháng 1 31, 2012

Chuyện "Phải Gió" Của Việt Nam

Trọng Nghĩa và Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày 20120130

Tháp điện gió Việt Nam xuất qua Mỹ bị vạ lây vì dính đến Trung Quốc 


Bộ Thương mại Mỹ tố cáo Việt Nam và Trung Quốc bán phá giá các tháp điện gió
* Bộ Thương mại Mỹ tố cáo Việt Nam và Trung Quốc bán phá giá các tháp điện gió - Ảnh REUTERS *


Trọng Nghĩa
 
Thứ Năm 19/01/2012, sau khi xem xét khiếu nại của các nhà sản xuất Mỹ, bộ Thương mạiHoa Kỳ đã loan báo quyết định mở điều tra về các loại tháp điện gió nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, bị tố cáo là đã bán phá giá vào Mỹ. Theo một số nhà quan sát, cuộc điều tra chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, nhưng doanh nghiêp Việt Nam bị họa lây vì bị nghi ngờ làm bình phong cho Trung Quốc tuồn hàng vào thị trường Hoa Kỳ.

Vụ việc khởi sự từ cuối năm ngoái, 2011, khi bốn công ty lớn của Mỹ chuyên chế tạo các tháp điện gió (Trinity Structural Towers, DMI Industries, Katana Summit and Broadwind Energy), vào ngày 29/12, đã nộp đơn khiếu nại lên chính quyền, đòi phải áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm nhập từ Trung Quốc và Việt Nam, mà khối lượng đã tăng lên gấp đôi trong năm 2011, tranh giành thị phần của các công ty Mỹ. Họ cáo buộc các công ty Trung Quốc và Việt Nam là nhờ được Nhà nước trợ cấp nên đã bán hàng hóa vào Mỹ với giá rẻ.

Một ví dụ được lãnh đạo công ty Trinity Structural Towers, một trong bốn hãng nộp đơn kiện, nêu bật là vụ công trình xây dựng khu sản xuất điện gió Shepherds Flat Wind Farm, đang xây dựng ở miền đông tiểu bang Oregon. Khi hoàn thành vào năm 2012, Shepherds Flat được coi là khu sản xuất điện gió trên đất liền lớn nhất thế giới.

Điều oái ăm là thay vì đặt mua thiết bị chế tạo tại Hoa Kỳ, những người chịu trách nhiệm công trình lại nhập hàng từ Trung Quốc, giá rẻ hơn !

Trong vụ kiện bán phá giá bắt đầu khai diễn, việc các công ty Trung Quốc bị Mỹ tấn công không khiến ai ngạc nhiên, nhưng sự có mặt của doanh nghiệp Việt Nam trong số bị điều tra khá bất ngờ, vì cho đến nay, Việt Nam được biết đến nhiều hơn trong tính cách là nước nhập hơn là nước xuất thiết bị điện gió.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ kiện bán phá giá khá lạ thường này, RFI đã đặt câu hỏi cho kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một người thường xuyên theo dõi các vấn đề thương mại Mỹ - Việt.

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa và xin được hỏi anh về hồ sơ kiện tụng xuất phát từ bộ Thương Mại Hoa Kỳ liên quan đến các cột điện gió xuất khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam vào thị trường Mỹ. Bối cảnh của vấn đề này là gì ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quen tính nghịch ngợm, tôi xin được gọi đây là một chuyện... phải gió và sẽ cố trình bày ngắn gọn về bối cảnh để giải thích tại sao.

- Công cuộc kỹ nghệ hóa của nhân loại cần năng lượng và vài chục năm một lần, người ta lại lên cơn lo rằng các nguồn năng lượng cho yêu cầu đó vốn dĩ bị hạn chế sẽ cạn dần so với dân số và đà phát triển của thế giới. Vì vậy, lâu lâu thiên hạ hốt hoảng nói đến việc tìm nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, thay vì bị tiêu hủy sau khi sử dụng như than đá hay dầu khí. Song song, người ta cũng lo khí thải của công nghiệp sẽ ô nhiễm môi sinh và gây ra hiện tượng nhiệt hoá địa cầu hoặc hiệu ứng "lồng kính".

- Loại năng lượng có khả năng tái tạo và không gây ô nhiễm vì vậy trở thành chuyện ăn khách và ra tiền. Trong loại này có năng lượng hay điện năng từ nước, gọi là thủy điện, từ gió thì gọi là phong năng, hay từ ánh mặt trời là quang năng. Các nguồn năng lượng tái tạo ấy được rất nhiều quốc gia chiếu cố và phát triển, trong thế cạnh tranh tất nhiên gay gắt. Đã vậy, kinh tế thế giới đang ở vào chu kỳ đình trệ khiến xứ nào cũng cố xuất khẩu tối đa và nhập khẩu tối thiểu để thoát khỏi khó khăn ở bên trong. Vì thế, quan hệ giữa các nước bị chi phối nặng bởi chuyện buôn bán giao dịch với nhau.

- Năm nay, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử nên chính quyền phải chứng tỏ là mình bảo vệ quyền lợi người dân, cụ thể là tạo ra công ăn việc làm. Khi doanh nghiệp Mỹ mà mất mối và than phiền thì chính quyền phải mở cuộc điều tra xem là doanh nghiệp có bị cạnh tranh bất chính hay không. Trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang Hoa Kỳ, vào tối Thứ Ba 24 vừa rồi, là bài diễn văn quan trọng nhất trong năm, tổng thống Barack Obama trực tiếp nói đến việc phải ngăn ngừa nạn cạnh tranh bất chính đó. Đấy là về bối cảnh chung.

RFI: Từ đó, ta bước vào các lò phát điện bằng sức gió do Trung Quốc và Việt Nam bán cho Mỹ. Họ bán có nhiều không và gây sức ép về cạnh tranh như thế nào mà bộ Thương Mại Mỹ phải điều tra?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu ngày càng ít hơn loại sản phẩm này, vốn là các tháp rất cao dựng lên để đón gió và dùng sức gió làm xoay turbine để biến thành điện. Qua vụ kiện cáo, ta biết là năm 2010, Mỹ mua tháp gió của Trung Quốc trị giá hơn 103 triệu đô la và của Việt Nam gần 52 triệu đồng, nghĩa là cũng không nhiều gì.

- Thế rồi, tháng 12 vừa qua, một hiệp hội gồm bốn doanh nghiệp Mỹ bị mất thầu cung cấp tháp gió tại Mỹ đã khiếu nại với bộ Thương Mại và với một cơ quan độc lập của Hoa Kỳ là Hội đồng Mậu dịch Quốc tế ITC, rằng doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam được trợ giá nên bán tháp với giá quá thấp, tức là cạnh tranh bất chính. Vì vậy, hôm 18 tháng Giêng, bộ Thương Mại công bố quyết định điều tra hai chuyện. Thứ nhất là doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam có bán phá giá không và thứ hai có nên đặt ra chế độ áp giá để trả đũa doanh nghiệp Trung Quốc không.

- Đáng chú ý trong vụ này là hiệp hội đó đòi nâng giá nhập khẩu sản phẩm của Trung Quốc thêm 64% và của Việt Nam thêm 59% cho công bằng. Quan điểm của bộ Thương Mại Mỹ lại gắt gao hơn vì cho rằng sản phẩm Trung Quốc bán vào Mỹ với giá thấp hơn sản phẩm Mỹ tới 213,5%, là rẻ bằng một phần ba, và doanh nghiệp Việt Nam thì rẻ hơn 140%, là rẻ hơn nửa giá của Mỹ.

- Song song, Hội đồng Mậu dịch Quốc tế ITC của Mỹ cũng mở cuộc điều tra và sẽ cho biết quan điểm vào trung tuần tháng Hai này. Khi họ điều tra như vậy là mọi doanh nghiệp liên hệ của Mỹ có quyền trình bày sự thể theo hướng này hay hướng khác để ảnh hưởng tới quyết định.

RFI: Khi anh trình bày là các doanh nghiệp liên hệ của Mỹ có thể tác động "theo hướng này hay hướng khác" thì điều ấy có nghĩa là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hãy tưởng tượng là ta có công ty sản xuất tháp gió và doanh nghiệp cung cấp điện năng, có khi là điện từ tháp gió nhập khẩu. Nhà sản xuất máy thì bị cạnh tranh với máy nhập và nhà sản xuất điện chẳng hạn lại muốn mua máy rẻ, dù là máy ở nước ngoài và không muốn có biện pháp áp giá để trả đũa.

- Hai loại doanh nghiệp ấy cùng tác động theo hướng đối nghịch với dàn luật sư và chuyên viên kinh tế hay mậu dịch của họ để so sánh giá cả của Mỹ, của Trung Quốc, Việt Nam, hay các xứ khác như Ấn Độ chẳng hạn, nhằm phân giải xem là có nạn trợ giá, cạnh tranh bất chính và có gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ hay chăng. Thành thử, trong trận đánh này không chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đối đầu với doanh nghiệp Mỹ trước sự tài phán của các cơ quan công quyền mà còn có nhiều tác nhân cùng can thiệp vì quyền lợi của họ.

RFI: Thính giả của chúng ta có thể không mấy ngạc nhiên khi là một trận đánh về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng vì sao Việt Nam cũng có mặt trong trận này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì vậy tôi mới gọi đó là "chuyện phải gió"!

- Việt Nam không là đại gia về công nghiệp phong năng hay điện gió mà cũng chả có sản lượng đáng kể - và trong 10 nhà sản xuất lớn nhất thế giới thì có bốn doanh nghiệp Trung Quốc. Theo như tôi biết thì Việt Nam chỉ có hai nhà sản xuất. Một ở Bà Rịa – Vũng Tầu thì kết hợp với doanh nghiệp Nam Hàn. Doanh nghiệp kia ở huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương với số vốn kinh doanh chỉ có 50 triệu đô la thì do thông tin từ phía Trung Quốc mà mình được biết là mua thiết bị của Trung Quốc. Đấy chính là doanh nghiệp bị phía Mỹ khiếu nại là bán phá giá!

- Tôi e là Việt Nam bị vạ lây vì mua đồ rẻ của Trung Quốc rối dán nhãn Việt Nam mà bán qua Mỹ và khi phía Hoa Kỳ muốn xử trí với Trung Quốc vì những lý do bên trong nước Mỹ thì Việt Nam ở giữa bị trúng gió... Chuyện này thật ra không lạ vì Hoa Kỳ và cả Âu châu biết rằng Việt Nam cũng là hành lang tuồn hàng Trung Quốc vào các thị trường Âu-Mỹ.

- Nhìn từ Hoa Kỳ thì tôi thiển nghĩ rằng nước Mỹ có thiện cảm và thật ra muốn nâng đỡ kinh tế Việt Nam, trong khi vẫn phải canh chừng Trung Quốc về nhiều mặt. Nhưng khi doanh nghiệp và cả nhà nước Việt Nam lại muốn giúp Trung Quốc lọt cửa ải của Mỹ để chinh phục thị trường Hoa Kỳ thì ở đây người ta phải xét lại. Ta có gọi đó là chuyện mắc dịch chắc là không sai !

RFI: Trở lại phần bối cảnh như anh trình bày, thì trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà lại vào một năm tranh cử tại Hoa Kỳ, mâu thuẫn về mậu dịch tất nhiên sẽ chỉ tăng chứ không giảm nên vụ điều tra và kiện cáo này chắc là sẽ tiếp tục trong những ngày tháng tới ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Barack Obama đã lập kế hoạch gia tăng xuất khẩu gấp đôi trong vòng năm năm để tạo thêm hai triệu việc làm cho dân Mỹ. Đấy là một quốc sách đầy tham vọng và cho thấy nước Mỹ không dễ dàng mở cửa đón nhận hàng hóa của thiên hạ như trong sáu bảy chục năm liền, nhất là khi đã bị bội chi và mắc nợ tới mức kỷ lục.

- Trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang vào tuần trước, ông Obama còn đếm từng trận tranh chấp với Trung Quốc như một thành tích biểu kiến của mình. Ở giữa hai chuyện này là kế hoạch của ông nhằm phát huy công nghệ sạch và nâng đỡ các doanh nghiệp Mỹ sản xuất quang năng hay phong năng đều bề tắc. Mà một doanh nghiệp được chính quyền trợ giúp rất nhiều là Solyndra tại California lại phá sản vì không cạnh tranh nổi với các loại pin mặt trời quá rẻ của Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ rằng tranh chấp về ngoại thương sẽ còn gia tăng.

- Sau cùng, riêng với Việt Nam, ta không quên là cùng với chuyện tháp gió, ngày 18 vừa qua bộ Thương Mại Mỹ cũng mở cuộc điều tra về việc doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam bán mắc áo bằng sắt vào Mỹ với giá quá rẻ và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Tức là sau mắc áo Trung Quốc đến lượt mắc áo Đài Loan và Việt Nam cũng đang bị Mỹ chiếu cố!

- Năm 2010, Việt Nam bán có 29 triệu đô la mắc áo bằng dây kẽm vào Mỹ và so với số xuất siêu đã đạt với Hoa Kỳ là cả chục tỷ đô la một năm thì không nhiều nhặn gì. Nhưng vì người khôn của khó nên ba doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại đã đầu đơn khiếu nại và Bộ Thương Mại mới phải điều tra xem có nên áp dụng biện pháp trả đũa bằng hàng rào quan thuế hay chăng. Hội đồng Mậu dịch Quốc tế Mỹ cũng đang nghiên cứu vụ này và sẽ có phán quyết vào ngày 13 tháng tới.

RFI: Thưa anh, sau chuyện cá da trơn có phải là "catfish" hay không để vượt qua cửa ải của kỹ nghệ nuôi cá của Mỹ ở bốn tiểu bang miền Nam thì nay lại có chuyện tháp gió và mắc áo. Anh có thấy rằng buôn bán với Hoa Kỳ là chuyện khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi cho là việc gì và ở đâu mà chẳng có những khó khăn riêng.

- Nhưng từ khi Việt Nam bang giao và mở rộng buôn bán với Hoa Kỳ thì xuất khẩu tăng 300 lần, từ 50 triệu đô la vào năm 1994 tăng vọt lên gần 15 tỷ vào năm 2010, mà nhập khẩu chỉ tăng 20 lần, nên được xuất siêu 11 tỷ trong khi lại bị nhập siêu một ngạch số tương tự với Trung Quốc.

- Chi tiết ấy cho thấy mối lợi của Việt Nam nằm tại Mỹ. Mà thật ra cả chính quyền lẫn nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đều muốn cải thiện và gia tăng quan hệ mậu dịch với Việt Nam. Nếu biết được luật chơi của Mỹ, trong đó có cả một rừng luật lệ, thì Việt Nam vẫn có lợi, miễn là đừng dại dột moi tiền của Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc thì sẽ rơi vào cảnh "thằng còng làm cho thằng ngay ăn" mà lãnh cái nạn "quít làm cam chịu".

- Câu kết luận ở đây là Việt Nam đừng chơi dại, chưa nói gì đến việc giới dân cử Hoa Kỳ vừa phàn nàn với Đặc sứ Thương mại Hoa Kỳ là Việt Nam càng đạt thắng lợi về mậu dịch lại càng thoái trào về nhân quyền. Giới dân cử này mà tác động vào các hồ sơ mậu dịch đang thương thảo với Hoa Kỳ là người dân Việt Nam lại thêm một tầng khó khăn khác - và họ phải biết là từ đâu mà ra.

RFI: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.

Bầy Voi Donner

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20120130
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Và cuộc hành trình bi hài của đảng Cộng Hoà....

* Bức tranh bi đát về "Hành trình Donner", năm 1846 *


Trong lịch sử khai phá miền Tây Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19, một biến cố đã để lại ấn tượng bi thảm được đời sau gọi là "The Donner Party".

Đó là khi gần chín chục người cùng ngựa xe xẻ núi vượt đèo từ Missouri đến California vào Tháng Năm năm 1846 và lại tìm đường tắt qua rặng Sierra Nevada nên bị kẹt trên hẻm núi. Kết cục là phân vân, tranh cãi rồi rã thành từng nhóm. Hơn phân nửa chết lần mòn trong tuyết giá.

"Đường đi không tới" có thể là tên gọi cho cuộc hành trình, với sự kiện là đã có cảnh người ăn thịt người.

Trong vòng tranh cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, con voi như một biểu tượng của đảng như đang đi lại con đường ấy. Đó là "Bầy Voi Donner"....


***


Ta có một bên là ứng cử viên Barack Obama - không hành xử như một Tổng thống mà kiên định là ứng cử viên tái tranh cử. Bên kia là 10 ứng viên Cộng Hoà. Tiến trình thanh lọc từ cơ sở lên khiến các ứng viên rơi rụng dần. Sáu người đã bỏ cuộc, phân nửa giã từ trước khi có vòng sơ bộ.

Đảng Dân Chủ cũng trải qua trận đấu gay go như vậy trong các năm 2007 và 2008 trước khi câu chuyện ngã ngũ khi Nghị sĩ Obama được hậu thuẫn của bộ máy đảng – và gia đình Kennedy ở miền Đông Bắc – mà qua mặt Nghị sĩ Hillary Clinton vào giờ chót để thành ứng viên chính thức trước Đại hội Đảng tại Denver Colorado vào cuối Tháng Tám năm 2008.

Nhưng bầy voi trong vòng sơ bộ Cộng Hoà bị "hội chứng Donner" khi mất phương hướng mà chia thành bốn nhóm đảo điên qua từng chặng vượt núi. Và hiện tượng "đồng chủng tương tàn" cũng đã xảy ra giữa các đồng chí.

Thật ra, nếu không theo dõi - tính tới nay -  19 cuộc tranh luận sơ bộ của đảng, dân Mỹ hết biết là bầy voi muốn đi đâu, hoặc sẽ dẫn đảng về đâu. May ra thì phải đợi đến Đại hội đảng vào cuối Tháng Tám này tại Tampa, Florida.


***


Bây giờ, hãy nhìn vào bốn con voi đầu đàn trong rặng Sierra Nevada của vòng sơ bộ, hoặc bốn lộ trình vượt núi để đưa đảng tới vinh quang. Đó là bốn mảnh bản đồ với những mũi tên chằng chịt... bắn vào nhau.

Xin nhắc lại vài con số về khảo sát dân ý để nhớ lại sự đảo điên của bầy voi:

Tháng Sáu năm ngoái, tại cửa ải South Carolina, cựu Thống đốc Mitt Romney là con voi già dẫn trước cựu Nghị sĩ Newt Gingrich 15 điểm (27%-12%). Hai tháng sau, Thống đốc Rick Perry vọt lên trên với 26 điểm làm Gingrich xuống hạng ba. Hình như con đường qua núi phải vượt sa mạc Texas của Perry! Nhưng đến đầu Tháng 12, Gingrich lại dẫn trước, hơn Romney đến 13 điểm và sau đó thì Perry bỏ cuộc. Mà đấy mới chỉ là lộ trình qua ải South Carolina.

Hiểm lộ chính yếu nằm tại Florida, một tiểu bang lớn với 50 đại biểu cử tri đoàn.

Cuối Tháng 11 thì Gingrich dẫn trước Romney 30 điểm, giữa Tháng Giêng vừa rồi thì thua Romney 26 điểm – đảo 56 điểm trong sáu tuần – rồi một tuần sau lại thắng chín điểm. Hôm Thứ Năm, Romney thắng lại tám điểm, đến tối Chủ Nhật thì dẫn 11 điểm, trước vòng bỏ phiếu Thứ Ba này của Florida.

Nếu kể thêm kết quả tại các tiểu bang khác như Iowa hay New Hampshire và hai ứng cử viên còn lại là Dân biểu Ron Paul và cựu Nghị sĩ Rick Santorum, người ta hết biết là đảng viên Cộng Hòa dưới cơ sở muốn gì. Hoặc bốn con voi còn lại là Mitt Romney, Newt Ginrich, Ron Paul và Rick Santorum sẽ dẫn đảng qua ngả nào để thắng con lừa Barack Obama.

Lịch sử của các cuộc tranh cử sơ bộ chưa từng thấy sự thăng giáng thất thường như vậy. Và cũng chẳng thấy hiện tượng... voi ăn thịt voi.

Ở vòng sơ bộ, các ứng viên đều có thể đả kích lập trường quan điểm của đối thủ để thuyết phục cử tri. Đấy cũng là bình thường và truyền thông phải có khả năng phán xét sự đúng sai của từng lập luận. Nhưng khi bốn con voi đầu đàn lại giương ngà đòi đâm qua đảng để xuyên thấu phổi đối phương, đảng Cộng Hoà mở ra cuộc tàn sát nội bộ.

Hoặc tự biến thành con lừa.


***


Một nguyên lý của vòng sơ bộ bên Cộng Hoà là khả năng minh chứng lập trường bảo thủ nhằm vận động hậu thuẫn của đảng viên dưới cơ sở. Lý do là đảng viên tích cực nhất lại thuộc khuynh hướng bảo thủ, đến cực đoan nếu xét tới quan điểm chung của cử tri Hoa Kỳ vào ngày bỏ phiếu. Bên đảng Dân Chủ cũng có hiện tượng đó, từ phe cực tả vào tới phía trung dung.

Nhưng thế nào là bảo thủ?

Về kinh tế thì có thể là quyền tự do trên thị trường và sự thu hẹp của vai trò nhà nước, tiêu chuẩn hóa ở mức bội chi ngân sách chẳng hạn. Về xã hội thì có thể là kỷ cương đạo đức, chống việc phá thai hoặc định chế hóa hôn nhân giữa người đồng tính. Về an ninh thì có thể là củng cố sức mạnh Hoa Kỳ và ngăn ngừa mọi nguy cơ tấn công quyền lợi của nước Mỹ. Những triết lý khái quát ấy phải được giải trình thành tiêu chuẩn cụ thể trong từng hồ sơ mà đảng viên coi là ưu tiên.

Tình trạng loạn chiêu đến bi hài là đảng Cộng Hoà không xác định nổi ưu tiên và ngần ấy ứng viên đều đả kích nhau là "không đủ bảo thủ". Họ thi nói thách xem ai mới là người cực đoan nhất và ngần ấy người đều bị chụp mũ là là "RINO", Republican In Name Only, Cộng Hoà giả hiệu! Toàn những con lừa đội lốt voi.... Chỉ có cặp ngà là rất sắc.

Quần chúng ở dưới thì hò reo cổ võ và đổi ý lung tung sau mỗi đợt quảng cáo.

Mitt Romney, doanh gia thành công trước khi tham gia chính trị, có thể là tiêu biểu cho giải pháp cứu nguy kinh tế thị trường. Nhưng thành tích đầu tư trong công ty Bain Capital năm xưa của ông lại bị chính đối thủ Cộng Hoà là Gingrich biến ra tội ác "làm thịt doanh nghiệp và sa thải công nhân". Loại lý luận "tư bản chủ nghĩa độc ác" có thể khiến phe Dân Chủ và nhóm người đòi chiếm đóng Wall Street cứ như nằm mơ thấy tiên!

Và khả năng mơ mộng với viễn kiến kiểu John Kennedy – dùng kỹ thuật chinh phục không gian sau cơn bàng hoàng về vệ tinh Sputnik của Liên Xô – khiến sử gia và chính trị gia biến báo như New Gingrich được phong làm... "Đại sứ Mỹ trên Nguyệt Cầu".

Ông đề nghị lập ra khu thuộc địa trên cung trăng để giải quyết các bài toán của nhân loại. Nếu theo dõi tư tưởng của ông từ hai chục năm trước, người ta không ngạc nhiên về loại ý kiến táo bạo này khi cách mạng tín học mở ra chân trời viễn mơ cho nước Mỹ.

Còn Ron Paul, ứng cử viên lão thành ở tuổi 79, vẫn hồn nhiên ve vãn người già và con trẻ. Từ quần chúng tích cực trong phong trào Tea Party tới những tay kỳ cựu trong khuynh hướng tự do tuyệt đối "libertarian" đều mến mộ chủ trương thu hẹp vai trò nhà nước đến mức "vô vi" - bất can thiệp - và tháo chạy khỏi thiên hạ sự của thế giới để ưu tiên lo lấy việc nhà.

Trong quá khứ, đảng Cộng Hoà đã trải qua nhiều giai đoạn tranh luận nội bộ với các khuôn mặt lừng danh của nhiều xu hướng. Ôn hoà như Nelson Rockefeller, bảo thủ như Barry Goldwater, quốc gia cực đoan đến tự cô lập như Patrick Buchanan hay Ross Perot. Nhưng thực tế thì đảng này kiểm soát Hành pháp trong đa số nhiệm kỳ Tổng thống sau Thế chiến II. Ngoại lệ duy nhất là Bill Clinton khi ông tái đắc cử năm 1996.

Qua thế kỷ 21 và giữa hàng tấn bùn được tạt lên truyền hình để xuyên tạc đối phương - trong đảng - người ta nghĩ đến bản năng tự sát khá mạnh của đảng. Họ quên "điều răn thứ 11" của Ronald Reagan: trong đảng thì không nói xấu nhau.

Sau khi tự bắn vào chân, các ứng cử viên chống nạng tự vả vào miệng. Trong khi cử tri vẫn hàng tuần đổi ý, xem con voi nào sẽ dẫn họ ra khỏi hốc núi Sierra Nevada, để Hoa Kỳ tiếp tục lãnh đạo thế giới. Trong một kỳ sau, chúng ta sẽ nhìn qua thế giới đó sau khi kiểm lại vài con số về kinh tế... Lạnh mình!

Chủ Nhật, tháng 1 29, 2012

Trung Quốc Và Nỗi Lo Trăm Tuổi

Thành Chung - Việt Báo Xuân Nhâm Thìn

Trung Quốc Tái Kiến Lịch Sử


Chúng ta đều biết người dân Trung Hoa mê sử. Văn hóa Trung Hoa còn coi lịch sử là tấm gương. Riêng lãnh đạo Trung Quốc ngày nay lại sợ... ngó vào gương.... Họ thấy gì trong đó?



Tờ lịch trăm năm trước. Ba lãnh tụ, năm lá cờ: Tôn Dật Tiên giữa hai "lãnh chúa cách mạng" Hoàng Hưng và Viên Thế Khải. Năm lá cờ gồm có hai lá "Tỉnh điền" ở hai góc, biểu tượng của việc phân chia ruộng đất; ở giữa là lá quốc kỳ ngũ sắc của Dân Quốc lúc ban đầu; bên trái là cờ thập bát tinh của cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, bên phải là cờ "Thanh thiên Bạch nhật Mãn địa hồng" của Tôn Dật Tiên, nay là quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Hình trên lịch là những chiến công của cuộc khởi nghĩa. 


Ngày 10 Tháng 10 năm 1911, cuộc "Cách mạng Tân Hợi" bùng nổ với vụ khởi nghĩa Vũ Xương ở tỉnh Hồ Nam. Những biến cố dồn dập sau đó dẫn đến một chuyển động có thể gọi là lịch sử.

Cách đây đúng 100 năm, mùng một Tháng Giêng năm 1912, Tôn Dật Tiên đến Nam Kinh tuyên bố thành lập nền cộng hòa, sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc – Republic of China. Ngày 12 Tháng Hai năm đó, Hoàng đế Tuyên Thống Phổ Nghi đành thoái vị và 268 năm lãnh đạo của nhà Mãn Thanh tại Trung Quốc thực tế chấm dứt.

Nghĩa là từ khi Tần Thủy Hoàng Đế sáng lập nhà Tần vào năm 221 trước Công nguyên, chế độ quân chủ chuyên chế của Trung Quốc tồn tại được 2132 năm. Sau đó, kể từ 1912 thì người dân đã "làm chủ đất nước Trung Hoa". Đúng là một biến cố lịch sử.

Nhưng sau đó lại là trăm năm hoạn nạn của một cường quốc xưa nay vẫn tự xưng là trung tâm thế giới. Xin quý độc giả vui lòng tìm lại, Giai phẩm Xuân Tân Mão của Việt Báo năm ngoái đã có bài viết của cùng tác giả về 100 năm đó: "100 Năm Nước Tầu – Điểm Giờ Bể Bóng", ở trang 20.  


Tháng 10 năm 2011, lãnh đạo Bắc Kinh cho tổ chức rầm rộ những sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn cho dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông.

Thế rồi Bắc Kinh nghĩ lại!

 Tôn Trung Sơn chân co chân duỗi trong bộ Âu phục - Ảnh của nhà sách Tam Dân


Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Cũng lạ. Ly kỳ hơn vậy, cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về "Cách mạng Tân Hợi" cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ.

Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó. Dù là ngày Xuân, bài viết này vẫn xin tổng kết cái chuyện trăm năm của họ....


***


Dân Quốc Cộng Hoà Vạn Tuế - Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên



Trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai "Cách Mạng Tháng Mười".

Một là Cách mạng Cộng hoà năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc ngày mùng một tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ!

Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v...) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các sứ quân lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội.

Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Thiên triều đỏ tại Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội Trung Quốc cách đây một thế kỷ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng?

Đã vậy, khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt lớn.

Tôn Văn là một người thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là... Hoa Kỳ. Và nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật Bản còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh.

Chính vì vậy mà Tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Các mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn! Trong hoàn cảnh của 2012, nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò cách mạng hoặc diễn biến thiếu hoà bình của Hoa Kỳ và Nhật Bản....

Mà nào lý do chỉ có vậy!



Lịch sử bằng tranh của Trung Quốc, dưới nét họa của Frank Dorn, nghệ sĩ và họa sĩ Hoa Kỳ sau này là Chuẩn tướng trong ban tham mưu của Đại tướng Joseph Stilwell thời Đệ nhị Thế chiến. Tấm hý họa có chi tiết về cậu bé hoàng đế Phổ Nghi và những lầm than của "Cách mạng".


Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy, "Phản Thanh - Phục Minh" là khẩu hiệu đã huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh. Chính đáng lắm.

Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa tồi bại ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho Thiên triều đỏ ngày nay ở Bắc Kinh có thể viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị đang có vấn đề toé máu với dân Hồi giáo và Tây Tạng!

Chế độ Cộng sản Trung Quốc mà kế thừa di sản Đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao?

Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính!

Sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc được Mao Trạch Đông thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Văn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến những tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ.

Công lao chuyển hoá đó tại Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật - một Tổng thống - là tại Đài Loan vào Tháng Ba năm 1996. Bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu!

Và "tam dân chủ nghĩa" vẫn là khẩu hiệu hấp dẫn vì là khát vọng của người dân Trung Quốc. Khát vọng chưa được vẹn toàn tại Hoa lục, 100 năm sau.

Khi nhìn vào cuộc cách mạng thứ nhì, Cách mạng Cộng sản năm 1949, lãnh đạo Bắc Kinh phải cố tẩy xóa ba chục năm đầu – của Mao Trạch Đông. Và tô hồng ba chục năm sau, từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, cách nay đúng 33 năm.


Tranh cổ động của "Bước nhảy vọt vĩ đại" Đại Dược Tiến: "Dĩ cương vi cương", lấy sắt làm lưới, toàn diện tiến lên! Kết quả là mấy chục triệu người chết đói



Ba chục năm đầu là thời hoang tưởng chết người, một chuỗi dài chiến dịch như "Đại dược tiến", "Bách hoa tề phóng" hay "Đại văn cách" khiến Trung Quốc có sự ổn định của bãi tha ma, trên xương máu của mấy chục triệu nạn nhân. Ba chục năm sau mới là bước nhảy vọt vĩ đại nhờ Đặng Tiểu Bình, khiến Trung Quốc hy vọng tái xuất hiện như một cường quốc đáng nể trọng.

Đấy là hoàn cảnh khiến Bắc Kinh phải phủ khăn hồng trên tấm gương lịch sử của trăm năm cũ....



***


Hoà giải 1945: Tưởng Giới Trạch giữa Mao Trạch Đông và Patrick J. Hurley, nhà ngoại giao... Hoa Kỳ!



Thật ra, sau khi hạ màn Cách mạng Tân Hợi vì quá nhiều lý do nhạy cảm với lịch sử ở sau lưng, Thiên triều đỏ lại lo sợ một vụ cách mạng khác ở trước mắt.

Mùng ba Tháng Chạp năm 2011, Chu Vĩnh Khang tuyên bố là phải cải tiến chế độ quản lý xã hội để nâng cao khả năng ứng phó của các tỉnh với những thay đổi kinh tế. Tin vặt này có gì mà đáng nói vào buổi đầu Xuân?

Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Cầm đầu "ban Chính pháp", họ Chu là trùm cớm của chế độ và có quyền hạn trên cả hai bộ trong Quốc vụ viện là Công an bộ (Nội vụ) và Quốc gia An toàn bộ (An ninh, Tình báo và Phản gián).

Khi một lãnh tụ có thẩm quyền như vậy mà công khai cảnh báo rằng phải phát huy sáng tạo trong quản lý - kiểm soát  xã hội để đối phó với tác dụng tiêu cực của kinh tế thị trường, chúng ta đoán là Thiên triều thấy bất an.

Kinh tế thị trường là cái gì đó đã giúp Đặng Tiểu Bình và hậu duệ kéo được mấy trăm triệu dân ra khỏi nạn cơ hoang - chết đói - thời Mao và đưa Trung Quốc lên hàng đại cường kinh tế chỉ thua có Hoa Kỳ. Nhưng ba chục năm sau bước nhảy vọt vĩ đại ấy, cũng kinh tế thị trường lại đe dọa quyền lực của đảng với biến động xã hội ngày càng nhiều và càng bạo động khiến Chu Vĩnh Khang phải báo động.

Năm Tân Mão vừa qua là cao điểm, có lẽ là cực điểm, của thế lực Trung Quốc trước những hoạn nạn kéo dài từ nhiều năm nay của ba khối kinh tế đáng nể nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản.

Cái thế của Trung Quốc là nền kinh tế đông dân nhất, có đà tăng trưởng cao nhất trong mấy thập niên, có khối dự trữ ngoại tệ hơn 3.200 tỷ Mỹ kim, số một của thiên hạ. Cái lực của Trung Quốc là một bộ máy ngoại giao, tuyên truyền và quân sự có khả năng chi phối quyết định của thế giới. Từ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đến các tổ chức hay diễn đàn quốc tế, từ khủng hoảng tại Trung Đông như Iran hay Syria, đến Trung Á như Pakistan hay A Phú Hãn, cho tới an ninh ngoài Đông hải - của Trung Quốc lẫn các lân bang từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á - tiếng nói của Bắc Kinh là một thế lực đáng kể.

Đấy là điều chưa từng có từ trăm năm nay, từ hai trăm năm nay, hoặc từ mấy ngàn năm nay.

Nhưng vì sao trên đỉnh cao của thời "Quang diện Trung Hoa", Thiên triều đỏ lại xanh mặt?



***


Vì kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh trong năm Nhâm Thìn này. Nhiều phần là hạ cánh thiếu an toàn, nặng nề, hoặc tan tành.

Đà tăng trưởng có thể sụt dưới cái ngưỡng tử sinh là 8% một năm. Với lãnh đạo Bắc Kinh, sản xuất mà không tăng quá 8% là động loạn xã hội bùng nổ. Trong khi kinh tế trôi vào đà suy sụp ấy, một chuỗi bong bóng đầu cơ có thể bể và trong khi cả nước lo sợ lạm phát, một sắc thuế bất công nhất vì đánh vào túi tiền của những người nghèo khốn nhất, và nạn cường hào ác bá cướp đất của dân lại là khẩu hiệu huy động biểu tình có tác dụng nhất.

Trong khi ấy, cả ngàn xí nghiệp loại vừa và nhỏ của tư nhân đã rụng như sung, phá sản hàng loạt và dẫn đến những vụ xù nợ khổng lồ ở khắp mọi nơi, cũng bi thảm như chuyện có người tự sát để thoát nợ.

Suốt năm Tân Mão, người dân đã biểu tình và đặt bom các công thự của đảng và nhà nước để phản đối nạn đất đai bị cướp vì tiến trình đô thị hóa của chế độ. Trong cảnh bất ổn chung, mũi nhọn của bạo động lại là thành tích của các tổ chức Hồi giáo đòi độc lập ở Tân Cương. Khi tăng ni Tây Tạng lại xuống đường và tự thiêu từ vùng đất lưu tán ở Tứ Xuyên về tới Đặc khu Tự trị Hành chánh Tây Tạng, chuyện hợp tan ngàn đời của Trung Quốc lại trở thành thời sự....

Nhìn vào ruột gan chế độ, người ta còn phát giác ra chuyện kinh hoàng: từng tỉnh của Trung Quốc là những nước Hy Lạp!

Quốc gia Âu Châu này bị nguy cơ vỡ nợ vì vay quá sức trả, các tỉnh của Trung Quốc cũng vậy. Theo đúng chủ trương kích thích kinh tế của đảng từ cuối năm 2008, doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh đã đầu tư rất mạnh – nhân đó các đảng viên cán bộ cướp đất mà bồi thường không thoả đáng – và thổi lên bong bóng đầu cơ.

Khi được yêu cầu hạn chế, các tỉnh hết vọc tay vào công quỹ bèn lập ra công ty đầu tư địa phương để vay tiền các ngân hàng nhà nước ở địa phương và tích lũy một núi nợ khổng lồ. Các ngân hàng có thể sẽ sụp đổ dưới núi nợ đó, chẳng khác gì vụ khủng hoảng Âu Châu.

Đó là chuyện năm Thìn nếu người ta để ý đến việc lãnh đạo Bắc Kinh đã vừa cho phép thành phố Thâm Quyến - sau Thượng Hải, Quảng Đông và Chiết Giang - được phát hành trái phiếu để huy động tiền trả nợ.

Chuyện thứ ba còn đáng xanh mặt hơn: trong năm Thìn này, đảng sẽ phải tổ chức Đại hội khoá 18, để đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo sau thế hệ thứ tư là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Dù chưa về hưu, Tổng lý Quốc vụ viện là Ôn Gia Bảo đã dám nói thật về lẽ "bốn không" của kinh tế Trung Quốc: không cân đối, không công bằng, không phối hợp và không bền vững. Cuối Tháng 11 năm ngoái, Hồ Cẩm Đào cũng chẳng nói khác. Vì vậy, đảng sẽ phải chuyển hướng qua Kế hoạch Năm năm sắp tới, nếu không là sẽ gặp loạn.

Nhưng, chính là vào lúc chuyển hướng ngặt nghèo này, các lãnh tụ lại lâm trận chuyển tiếp lãnh đạo, với chín người mới sẽ vào Bộ Chính trị, bảy người trong Thường vụ, và 70% Ủy viên Trung ương đảng phải thay thế.

Trong năm Nhâm Thìn này, trận đấu nội bộ ấy càng khiến cho việc chuyển hướng cực kỳ sinh tử thêm khó khăn. Nhiều phần sẽ là không kịp! Một trăm năm sau, có khi ta sẽ thấy mặt trời chảy nước.

Nhiều phần sẽ là chảy máu khi Trung Quốc tái kiến lịch sử!


_________________________________________________________________

(Bài viết này của Thành Chung xuất hiện trên Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2012. Đọc kỹ thì dường như Thành Chung là... cả một Thùng Chanh! NXN)

Thứ Sáu, tháng 1 27, 2012

Vì Sao Không Có Đống Đa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày kỷ niệm Đống Đa

Sau Trận Đống Đa - Những Lỡ Làng Của Dân Tộc....


* Quang Trung - qua nét vẽ của Vi Vi * 



Từ mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789, cứ đến mùng năm Tết chúng ta đều nhớ đến chiến công Đống Đa của Quang Trung Hoàng đế vào mùa Xuân đó. Bài này không ra ngoại lệ. Nhưng nhìn từ một giác độ khác - về đến ngày nay.


Sau Đống Đa 1789 đúng 160 năm, một biến cố đã ảnh hưởng đến Việt Nam mà khá nhiều người Việt mình khi đó lại không biết: Cộng sản Trung Hoa chiến thắng và Mao Trạch Đông thành lập "Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc" vào tháng 10 năm 1949. Nhờ đó, Cộng sản Việt Nam mới có Điện Biên Phủ 1954, rồi hai thập niên chiến tranh "giải phóng" kết thúc năm 1975.

Từ đó, đất nước thống nhất dưới chế độ Cộng sản.

Một biến cố khác cũng có ảnh hưởng tương tự mà nhiều người Việt không để ý.

Đúng 200 năm sau trận Đống Đa, Liên bang Xô viết bắt đầu tan rã cùng sự sụp đổ của bức tường ô nhục tại Bá Linh năm 1989. Và Trung Quốc bị khủng hoảng nên mới có vụ thảm sát Thiên an môn năm đó. Những biến cố ấy trong thế giới Cộng sản dẫn đến hai hậu quả tại Việt Nam.

Vì ỷ thế Liên Xô sau "Đại thắng mùa Xuân 1975", lãnh đạo Hà Nội đòi chơi cha chơi trèo, nên bị Bắc Kinh cho một bài học nảy lửa vào năm 1979. Năm đó là lần đầu tiên từ Đống Đa 1789 mà chiến tranh Hoa-Việt lại bùng nổ, và thực tế kéo dài đến 1988. 

Mà khác với Đống Đa và mọi cuộc chiến Hoa-Việt khác trong lịch sử, không viên tướng nào của Trung Quốc phơi thây ngoài chiến địa, hoặc phải treo cổ tự ải! Nơi đây xin mở một ngoặc đơn... nhục nhã.

Từ thời Lê Hoàn – Lê Đại Hành Hoàng đế sau này – với chiến công bêu đầu Hầu Nhân Bảo của nhà Tống năm 981, ngần ấy lần Trung Quốc tấn công Việt Nam đều "dát vàng" sự nghiệp xâm lăng của họ với các chiến tướng "hy sinh vì tổ quốc". Nôm na là chết giữa trận tiền, hoặc bị trấn nước, trôi sông, hay tự ải. Những Mộc Thạnh, Liễu Thăng thời Lê Lợi, đến Hứa Thế Hanh hay Ô Mã Nhi và Sầm Nghi Đống thời Quang Trung đều có trong chiến sử Việt Nam.

Vậy mà vì sao quân đội Việt Nam Cộng sản đã thắng năm 1979 mà không một tướng Tầu bị bêu đầu? Chiến thắng quân sự ấy còn bị lãnh đạo phù phép thành chuyện mất đất!

Vì sao, cháu chắt của Hứa Thế Hanh là Hứa Thế Hữu - Tư lệnh Chiến dịch 1979 để "cho Việt Nam một bài học" - lại ôm đầu bỏ chạy an toàn? Có ai nghĩ đến chuyện ấy không?

Càng ngẫm lại càng đau. 

Khi Liên Xô bắt đầu tan rã năm 1989, Hà Nội quên hẳn chuyện xưa mà cúi đầu lạy giặc làm cha: chuẩn bị tái thần phục Bắc Kinh. Và tiến hành đổi mới theo kiểu cải cách của Trung Quốc. Cho kinh tế một chút tự do để sức sản xuất của người dân sẽ kéo đất nước ra khỏi khủng hoảng, mà đảng vẫn giữ quyền toàn trị, và đảng viên có quyền trưng thu. Bên trong, chủ nghĩa "tư bản nhà nước" và sự xuất hiên của hệ thống "tư bản đỏ" là hậu quả tất yếu. Bên ngoài là quan hệ phụ dung với Trung Quốc, được trang trí bằng 16 chữ vàng. Đó là dấu mốc 1989!

Một cách kỷ niệm đầy ô nhục của 200 năm trận Đống Đa. Ngày nay, bị dày xéo mãi, đất và nước đã biến thành bùn....

Nhưng vì sao mới chỉ có 200 năm, nước nhà đã như con giun giật lùi vào quỹ đạo Trung Quốc?


***


Xin hãy nhìn lại cuốn lịch xưa....

Nhà Tây Sơn khởi nghiệp từ Tân Mão 1771, dựng nghiệp từ Kỷ Dậu 1789, bắt đầu suy tàn khi Quang Trung thăng hà năm Nhâm Tý 1792, mà vẫn tồn tại thêm 10 năm cho đến Nhâm Tuất 1802. Đó là khi Gia Long thực sự thống nhất đất nước. Nỗ lực thống nhất khởi đi từ Nguyễn Huệ lại do Nguyễn Ánh hoàn thành.

Mà xét cho cùng thì lề lối cai trị sau khi thống nhất là một tai họa!

Nước Nam thật ra lụn bại từ giữa thế kỷ 15, 130 năm sau khi sáng lập nhà Lê. Việc thống nhất sở dĩ đặt ra là do hoàn cảnh phân ly chia cắt, chuyện "nhất giang lưỡng quốc" - đợt đầu. Thời điểm mấu chốt là năm 1558, khi Nguyễn Hoàng xin rời Thăng Long vào Thuận Hoá để thoát nạn Trịnh Kiểm - mà cũng là để mở cõi. Từ đó, chín đời Chúa Nguyễn đã có công khai phá lãnh thổ xưa kia bị thu hẹp vào vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã ở mạn Bắc.

Đáng chú ý hơn thế, các Chúa Nguyễn còn làm đảo lộn "trật tự Đông Nam Á" với một Đàng Trong thù phú, giao tiếp với thiên hạ một cách hiên ngang bình đẳng. Đặc biệt là không hề sợ sệt khúm núm với Thiên triều phương Bắc.

Người dân Đàng Trong cũng thế, họ sống trong một thế giới cởi mở, sự tiên báo của hiện tượng quốc tế hóa tại miền Nam sau 1954. Và toàn cầu hóa của thế giới ngày nay.

Cũng do địa dư hình thể, nửa duới hình chữ S của nước Nam đã hoàn thành vào thời đại này.

Đấy là nơi thuận tiện cho giao lưu hàng hải với các nước Đông Nam Á, chứ không bị kẹt giữa Hạ Long và đảo Hải Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Hoàn cảnh địa dư khách quan ấy, cùng tài năng Nguyễn Huệ, còn giải thích vì sao Việt Nam không chỉ giỏi về thủy chiến với những trận đánh trên sông đã lừng danh lịch sử như Bạch Đằng, Chương Dương, mà còn có nhiều trận hải chiến ngoài biển, từ Quy Nhơn xuống Côn Sơn qua Phú Quốc đến tận Vịnh Xiêm La....

Nhìn ra thế giới bên ngoài, trong khoảng thời gian đằng đẵng từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 20, thực tế là từ khi Columbus tìm ra "Tân Thế Giới" đến ngày Liên Xô sụp đổ, Âu Châu đã khuynh đảo và chi phối toàn thế giới trong 500 năm. Trong khi ấy, Trung Quốc chỉ là cường quốc lục địa và còn có lúc quay đầu vào núi để ngỏ đại dương cho xứ khác.

Họ hụt mất cơ hội của Columbus sau bảy chuyển hải hành của Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa vì nội loạn, vì rợ Hung Nô phía Bắc và vì công khố kiệt quệ sau hai chục năm chiếm đóng Việt Nam, từ 1407 đến 1427. Rồi từ lệnh "hải cấm" đời Minh sau khi Trịnh Hoà tạ thế đến sau này, Trung Quốc chưa từng là cường quốc đại dương. Nếu có "hải chiến" thì là với cướp biển, hải tặc hay "nụy khấu" Nhật Bản....

Nhìn lại chuyện Đông hải dậy sóng ngày nay, chúng ta nên giật mình về chi tiết đó từ phía Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn thành cường quốc hải dương, Việt Nam thì đẩy cả nước về phận giun dế, chỉ còn cái bao tử suy nghĩ thay cho cái đầu.

Điều gì đã xảy ra tại Việt Nam?

Vì sao một dân tộc từng là cường quốc Đông Nam Á vào thời Lê Thánh Tông rồi Trịnh Nguyễn, và đã đánh tan đạo quân xâm lược của nhà Đại Thanh vào thời cực thịnh của họ, mà lại lụn bại dần để bị Trung Quốc uy hiếp ngoài biển lẫn bên trong như ngày nay?

Người ta nói chuyện dân trí thấp kém, còn dân khí thấp hèn thì tại ai?



***


Trong hơn hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, các Chúa Nguyễn giữ thế thủ với nhà Trịnh, họ vẫn tỏ vẻ tuân phục vua Lê vô quyền và còn sẵn sàng... nộp thuế: triều Nguyễn theo đuổi ưu tiên khác. Mà không hề coi Bắc Kinh là Thiên triều, Trung Quốc là mẫu mực!

Thương nhân, hải tặc hay cựu trào người Hoa mà xiêu tán vào Đàng Trong thì được đối xử bình đẳng. Nếu có tài thì được vận dụng thành sức mạnh kiến quốc, như khách trú, không là thái thú, quan thầy. Đó là chyện Mạc Cửu và con cháu. Hay chuyện Phan Thanh Giản, danh nhân nước Việt, là người gốc Hoa mà gắn bó với quê hương mới - và chịu chết vì quê hương đó.

Với người Hoà Lan, Bồ Đào Nha hay Nhật Bản, hoặc dân Mã Lai, Xiêm La, Gia Va hay Giang Lưu Ba, v.v... người Đàng Trong cũng có thái độ hữu nghị, khi có lợi thì cùng khai thác. Trong thời tranh hùng đó, sử sách Đàng Ngoài dĩ nhiên không biết - hoặc không ghi lại sự thể cho đúng.

Nhưng khi Gia Long thống nhất đất nước từ năm 1802, ưu tiên của ông lại là củng cố đế nghiệp. Và triều Nguyễn của ông tự coi như một nối tiếp chính thống của triều Lê, dưới ánh sáng của phương Bắc. Bộ Luật Gia Long là bản sao hắc ám của Luật nhà Thanh, tụt hậu rất xa so với bộ Luật Hồng Đức đã khá tiến bộ thời Lê Thánh Tông. Mà các sử thần triều Nguyễn cũng ít nhấn mạnh đến công trình dựng nước của Đàng Trong vì các Chúa khi đó không... đi vào chính quy nền nếp theo kiểu Trung Hoa.

Nói ra cho gọn, triều Nguyễn Sơ đã tự Hán hóa mạnh và không chỉ xóa sạch lịch sử "Ngụy Tây" của nhà Tây Sơn mà còn khép lại độ mở quốc tế của Đàng Trong. Nước Nam khi đó trở về hoàn cảnh của sinh vật di động trong không gian hai chiều Nam Bắc. Mà Thiên triều mới là Bắc đẩu.

Từ đó nước nhà lụn bại dần để không còn sức quật khởi khi các nước Tây phương trở lại.

Đến đời Tự Đức thì nước Nam thống nhất đã mất chủ quyền, rồi bị chia hai, chia ba.... Khi quân Pháp tấn công, triều đình phân vân bất định về hai lẽ chiến hòa, nếu có đởm lược lắm thì cũng chỉ nghĩ đến chuyện cầu viện phương Bắc. Mà nhà Đại Thanh từ sau thời Đạo Quang đã lụn bại dần chứ hết còn hùng khí như thời Khang Hy hay Càn Long.

Nước Nam cùng quẫn đến nỗi cầu cả giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, dư đảng của phong trào nổi loạn Thái bình Thiên quốc. Quyết định nhu nhược và nguy hiểm ấy khiến một võ quan triều Tự Đức là Ông Ích Khiêm phải than phiền – và cảnh báo:

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ðến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu!
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.

Sau đấy, là ngày nay, dân ta không phải cạo đầu mà phải cúi đầu.

Chỉ vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam đã bị người Cộng sản hòa chung vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, không với mẫu mực Liên Xô thì với màu sắc Trung Quốc. Và y như trong thời Nguyễn Sơ, cũng lại cầu viện Trung Quốc trong cuộc chiến với Tây phương.

Tới khi Liên Xô tan rã, Việt Nam bị hút chặt vào một cực còn lại, là Trung Quốc. Bị lãnh đạo phế bỏ võ công, người dân không được quyền chống đỡ. Dù chỉ là biểu tình phản đối cũng chẳng được. Bị chế độ kiểm soát và làm thịt từng mảng, xứ sở trôi vào trật tự Trung Hoa, nhiều địa phương tự động hành xử như phiên trấn của phương Bắc.

Việt Nam trong thế kỷ 21 bị kéo về Việt Nam vào đầu thế kỷ 19, khi lãnh đạo chỉ nghĩ đến việc củng cố quyền lực chính trị trên đầu người dân, bất chấp nguy cơ ngoại xâm từ phương Bắc.

Một vòng chân trời rất khái quát ấy có thể giải thích vì sao không có Đống Đa:

Người ta biến Đống Đa thành đống rác của Tầu!

Hãy nhìn hài kịch là cuốn phim về Lý Công Uẩn trong dịp kỷ niệm "Ngàn Năm Thăng Long" thì rõ.... Chính trị hôn ám làm suy đồi cả nền văn hoá cho nên có muốn gột rửa thì phải mất nhiều thế hệ.

Đầu năm mà nói về chuyện này thì chẳng ai vui, nhưng từ mấy năm qua, nhiều người về nhà ăn Tết đã ngạc nhiên đến tê tái khi thấy chẳng còn ai nhắc đến Đống Đa hay Nguyễn Huệ nữa.

Bao giờ thì việc ngày Tết thắp nhang trước đền thờ Quang Trung sẽ là cái tội?

Thứ Năm, tháng 1 26, 2012

Dân Chủ Suy Trầm

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20120125


Cải cách kinh tế không tất yếu dẫn đến dân chủ,
nhưng suy trầm kinh tế có thể gây ra suy trầm dân chủ




* AFP photo - Khẩu hiệu của người biểu tình chống tổng thống ở Bucharest, 
ngày 22/1/2012: "Ở nhà có thể gây tổn hại nền dân chủ" *


Mở đầu năm mới, Diễn đàn Kinh tế không nói về nguy cơ suy trầm kinh tế có thể xảy ra năm nay mà tổng kết về nạn suy trầm dân chủ đã lên tới cao điểm vào năm ngoái.

Lý do là mối quan hệ gắn bó giữa dân chủ chính trị và phát triển kinh tế có thể khiến cho sự thoái trào của dân chủ lại gây thêm vấn đề về kinh tế. Chúng ta tìm hiểu về khúc mắc này trong phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh của đầu năm Nhâm Thìn. Thưa ông, cách đây đúng một năm, những biến động bất ngờ bùng nổ tại Tunisia rồi Egypt đã khiến dư luận thế giới đặt nhiều kỳ vọng về trào lưu dân chủ từ thế giới Á Rập Hồi giáo sẽ như hương hoa nhài lan rộng khắp nơi. Nhưng trên diễn đàn này và qua nhiều bài bình luận khác, có lẽ ông thuộc về một thiểu số bi quan về hy vọng dân chủ từ Mùa Xuân Á Rập. 

Mở đầu năm mới, và kiểm điểm tình hình năm qua người ta thấy là cùng với nạn đình đọng kinh tế toàn cầu, hình như lại có hiện tượng thoái trào dân chủ. Chúng tôi xin đề nghị là mình sẽ đề cập tới chuyện này và yêu cầu ông giải thích cho sự hoài nghi ấy của ông từ năm ngoái.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, nhân dịp Tết Nguyên Đán, tôi xin được qua diễn đàn này dâng lời cảm tạ đến toàn thể quý thính giả gần xa đã theo dõi tiết mục khô khan của chúng ta, và cũng xin chân thành gửi lời chúc an lạc đến mọi người.

- Cách đây đúng 15 năm, khi đài Á châu Tự do phát thanh lần đầu vào dịp Tết Đinh Sửu, tôi được phụ trách tiết mục kinh tế của chúng ta với tôn chỉ là cung cấp thông tin và phân tích kinh tế mà người Việt ở nhà có thể thiếu, hầu thính giả tiếp nhận được cái nhìn toàn cảnh và nếu có thể thì lấy những quyết định kinh tế có lợi. Nội dung chương trình có thay đổi theo tình hình, nhất là với sự góp tiếng của các chuyên gia kinh tế trong nước - là điều không có mươi năm về trước - nhưng tôn chỉ đó vẫn hướng dẫn chúng ta khi thực hiện 780 chương trình hàng tuần.

- Trở lại câu hỏi, thưa ông, thì từ đầu bản thân tôi đã lý luận rằng cái bao tử không sai khiến cái đầu mà trái lại. Chính trị dân chủ trong xã hội cởi mở sẽ giúp kinh tế dễ phát triển, chứ một xứ độc tài mà có đà tăng trưởng kinh tế khả quan không nhất thiết đã tự chuyển hóa thành dân chủ. Dù thiển ý là vậy, diễn đàn này tránh xoay đề tài khách quan về chuyên môn thành kêu gọi dân chủ hoặc đả kích độc tài. Bây giờ có lẽ mình cần bổ túc định đề "cải cách kinh tế không tất yếu dẫn tới dân chủ chính trị" bằng một quy luật khác, đó là "suy trầm kinh tế lại có thể gây ra suy trầm dân chủ" như chúng đã thấy từ nhiều năm rồi, chứ chả riêng gì trong năm ngoái.

 

Dân chủ thụt lùi


000_Par6803307-250.jpg
Trang bìa báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ với câu "Ông ta giết chết Dân chủ", phản ứng với cuộc bầu cử ngày 23/1/2012. AFP photo
 
 
Vũ Hoàng: Có lẽ ông muốn nói rằng chuyển hóa kinh tế theo quy luật tự do không tất nhiên dẫn tới chuyển hóa chính trị qua hình thái dân chủ, mà suy trầm kinh tế lại có thể dẫn tới suy trầm dân chủ. Và khi mùa Xuân Á Rập chưa nở hoa dân chủ tại mọi nơi như người ta mong đợi vào đầu năm ngoái thì thế giới lại bị thoái trào dân chủ từ nhiều năm nay rồi. Tại sao vậy?
 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng về hiện tượng thì ta xin tạm ghi rằng thế giới có ba loại quốc gia: một thiểu số có dân chủ, một đa số có chế độ chính trị tự do hơn mà chưa hẳn là dân chủ, còn lại là vài chục nước độc tài. Từ khi Liên bang Xô viết tan rã 20 năm trước, người ta tưởng là trào lưu dân chủ đã có trớn phát triển cùng với kinh tế tự do. Sau đó, trong 10 năm thì quả là nhiều nước đã chuyển sang chế độ dân chủ. Nhưng từ năm năm vừa qua, trào lưu dân chủ hóa lại bị khựng rồi thực tế thì thoái trào như nhiều trung tâm nghiên cứu về dân chủ đã công nhận.

- Ta có nhiều lý do giải thích sự kiện này. Thứ nhất, dân chủ không là thứ cỏ non dễ trồng dễ mọc mà phải vun xới mất nhiều năm, với ý chí và quyết tâm của cả quần chúng lẫn lãnh đạo. Thứ hai, khi kinh tế bị tổng suy trầm từ năm 2008, nhiều chế độ dân chủ ứng phó bằng cách mở rộng sự can thiệp của nhà nước mà không có kết quả. Vì vậy, các xứ khác càng dễ hiểu lầm rằng dân chủ thật ra chẳng có lợi và kinh tế thị trường mới là vấn đề. Khi đó, các xứ độc tài càng tin là chế độ toàn trị của họ có thể chủ động kiểm soát được kinh tế để đẩy lui suy trầm, nôm na là củng cố thêm chế độ tư bản nhà nước. Kết cuộc thì kinh tế chưa cải thiện mà dân chủ bị đẩy lui.

- Nhìn trong trường kỳ, ta còn thấy các chế độ dân chủ mới xuất hiện từ một chục năm qua đã quá lạc quan nghĩ là từ nay sẽ có thịnh vượng. Tới khi thấy kinh tế sa sút, họ đổ lỗi cho chế độ dân chủ và nhiều còn luyến tiếc sự ổn định hà khắc của ách độc tài ngày xưa. Nhân đây, tôi xin nhắc tới một báo cáo đáng chú ý từ nhóm nghiên cứu trong Phân khoa Xã hội học của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Tôn Lập Bình và dự báo mà tuần trước ông có nhắc tới của ngân hàng Hong Kong & Shanghai Bank về kinh tế thế giới vào năm 2050.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hai tài liệu đó nói gì và có giải đáp cho thắc mắc của chúng ta không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giáo sư Xã hội học Tôn Lập Bình không là nhà đối lập chính kiến vì là giáo sư tiến sĩ từng hướng dẫn Phó Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại học Thanh Hoa đầy uy tín của Trung Quốc. Năm qua, ông chỉ đạo công trình nghiên cứu về "Thăng tiến Xã hội" và kết quả vừa công bố trên trang điện tử của Thanh niên Nhật báo và được các cơ quan truyền thông khác, kể cả Nhân dân Nhật báo, phổ biến hôm mùng chín vừa qua. Nhưng chỉ vài giờ sau thì báo cáo bị xóa và người ta chỉ đọc được tóm lược mà thôi. Bản tóm lược bằng Hoa ngữ cho ta thấy sự phê phán rất nặng của các nhà nghiên cứu trong nhóm đặc trách trong Phân khoa xã hội học.

Nhưng từ năm năm vừa qua, trào lưu dân chủ hóa lại bị khựng rồi thực tế thì thoái trào như nhiều trung tâm nghiên cứu về dân chủ đã công nhận.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Họ cho rằng việc cải cách kinh tế nửa vời mà không có tự do dân chủ đang đẩy Trung Quốc vào cái gọi là "bẫy xập của việc chuyển hướng" hay "chuyển hình hãm tịnh". Lý do là một thiểu số có đặc lợi kinh tế nhờ đặc quyền chính trị đã cản trở và đẩy lui cải cách để duy trì và thậm chí định chế hóa tình trạng bất công có lợi cho họ.

- Chẳng những vậy, tệ nạn xã hội này còn khiến người ta đồng hóa việc cải tổ kinh tế với lãng phí, bất công và động loạn nên làm nhiều người e sợ cải cách, từ lãnh đạo ở trên đến quần chúng ở dưới. Công trình nghiên cứu nêu ra và phân tích năm triệu chứng của nạn xập bẫy mà người ta có thế thấy là chẳng khác gì chuyện Việt Nam. Và có lẽ vì đề nghị bốn loại cải tổ gọi là "không thể tránh được" nên bản báo cáo bị thủ tiêu luôn! Nhưng dù sao lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã biết nội dung bản báo cáo và bốn biện pháp đề nghị.

Vũ Hoàng: Xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta bốn biện pháp tất yếu đó là những gì.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, hãy đi theo trào lưu của nhân loại, dựa trên các giá trị phổ cập của văn minh là tự do, là sự hợp lý về khoa học, là quyền sống của cá nhân, là kinh tế thị trường, là chính trị và pháp quyền dân chủ.

- Thứ hai là phải cải cách chính trị để hồi phục sinh lực của xã hội và thoát khỏi bẫy xập, như minh bạch hóa và nhận trách nhiệm về các quyết định, xây dựng động lực đối trọng và kiểm soát hệ thống chính trị.

- Thứ ba là phải để người dân tham gia tiến trình cải cách từ các định chế trên thượng tầng. Sự hưởng ứng đông đảo của lý tưởng xã hội là cần thiết, nếu những người có lý tưởng lại thất vọng và bị gạt ra ngoài thì các động lực tiêu cực sẽ bành trướng và làm ung thối việc cải cách. Thí dụ tiêu cực được họ nêu ra ở đây chính là việc cải cách doanh nghiệp nhà nước.

- Thứ tư là phải tìm sức mạnh cải cách trên cơ sở của công bằng và công lý là những giá trị đang bị triệt tiêu. Sự đồng thuận vì tinh thần công bằng và công lý có nghĩa là mục tiêu cốt tủy của cải cách trong tương lai - và cho tương lai - của Trung Quốc phải là dân chủ và pháp trị.

- Đáng chú ý là họ kêu gọi lãnh đạo phải dám thúc đẩy cải cách với tinh thần can đảm mò chân xuống nước mà tìm đường thoát khỏi bẫy sập. Đề nghị ấy chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam!

 

Nghịch lý của cải cách


Vũ Hoàng: Bây giờ, ta qua dự báo của Ngân hàng Hong Kong & Shanghai của Anh quốc. Họ dự đoán những gì mà ông cho là nên nhắc tới ở đây?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kỳ trước chúng ta thiếu thời giờ nên chưa có dịp nói về một dự phóng tôi trộm nghĩ là đầy mai mỉa cho Việt Nam, mà mua vui cũng được một vài trống canh vào buổi đầu năm.

- Trước hết, trên cơ sở của quy luật "động lực phát triển kinh tế của các nước tùy thuộc vào dân số, dân trí và dân chủ", nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của ngân hàng này ứng dụng mô thức của giáo sư kinh tế Robert Barro của Đại học Harvard và Stanford, một người rất có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu kinh tế. Rồi họ dùng các số liệu về kinh tế, y tế, xã hội và giáo dục của nhiều quốc gia để dự đoán là tính đến năm 2050 này, những nền kinh tế nào sẽ dẫn đầu thế giới.

- Trên đại thể, trong 40 năm nữa, 100 quốc gia có sức nặng kinh tế lớn nhất sẽ gồm có ba nhóm. Nhóm "tăng trưởng mạnh" có 26 nước với tốc độ bình quân là trên 5%. Đa số là các nền kinh tế đang phát triển nhưng sẽ vọt lên rất mạnh, trong đó có Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới và Việt Nam sẽ nhảy vọt 11 bậc để đứng hạng 41. Nhóm "tăng trưởng bình hoà" với tốc độ từ ba đến 5% gồm có 43 nước. Nhóm "tăng trưởng ổn định" gồm 31 quốc gia, đa số là các nước công nghiệp hoá Tây phương và cả các nền kinh tế rồng cọp Đông Á mà ta gọi là "tân hưng".


banh-keo-tet-250.jpg
Một siêu thị ở Hà Nội chụp tháng 12/2011 tràn ngập hàng Tết. RFA photo
 
 
Vũ Hoàng: Nhưng vì sao ông nói nội dung dự báo là mỉa mai và có lẽ chỉ đáng mua vui thôi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việc dự báo vài chục năm tới là điều khó, nhất là từ nền tảng bất trắc của bốn năm qua. 

- Năm 1900, chẳng ai dự báo là các nước Âu Châu đang mở mang buôn bán với nhau lại lâm chiến và gây ra Thế chiến vào năm 1914! Gần đây hơn, đầu năm 1997, hai tổ chức tài chính quốc tế là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn ngợi ca tám nền kinh tế rồng cọp Đông Á mà ngờ đâu khủng hoảng tài chính tại Thái Lan đầu Tháng Bảy năm đó đã gây khủng hoảng kinh tế Đông Á rồi lan ra toàn cầu từ năm 97 đến 99.

- Thứ hai, quả thật thì một động lực của phát triển là dân số, tức là số người tham gia lao động. Đó là về lượng, chứ về phẩm thì người ta phải gia trọng hay gia giảm với các yếu tố khác, như dân trí, giáo dục và đào tạo hoặc "phẩm chất của tư bản" theo cách gọi của giáo sư Barro.

- Đa số các xứ công nghiệp hoá ở tại Âu Châu đều bị nạn lão hóa dân số vì sinh đẻ ít hơn, tỷ lệ cao niên nhiều hơn và vì vậy có đà tăng trưởng thấp hơn. Tuy nhiên hiện tượng lão hóa cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc với nhiều ảnh hưởng bất lợi về kinh tế và xã hội, chưa nói gì đến cái bẫy xập của cải cách và nguy cơ động loạn mà chúng ta vừa nhắc tới.

Vũ Hoàng: Và thưa ông dự báo này nói gì về trường hợp Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dự báo này cập nhật và điều chỉnh một công trình nghiên cứu từ năm 2010 và dựa trên dữ kiện kinh tế của những năm 2007 về trước, tức là trước khi có tổng suy trầm toàn cầu và trên cao điểm của hiện tượng lạc quan tếu của Việt Nam vào năm 2007 sau khi xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Cơ sở của giả thiết khởi đầu trong dự báo là trước khi Việt Nam bị hai đợt lạm phát vào các năm 2008 và 2011 rồi khủng hoảng vì chế độ quản lý vĩ mô bất cập với các biện pháp thái quá.

Như diễn đàn này trình bày năm ngoái nhân chuyện Egypt, biện pháp cải cách nửa vời về kinh tế mà không cải cách về chính trị càng dễ đưa tới động loạn vì hiện tượng gọi là "nghịch lý của cải cách".
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thứ hai, và nhìn trong dài hạn, dân số rất trẻ của Việt Nam quả là một ưu điểm. Nhưng nếu chỉ máy móc dựa trên tuổi thọ và số năm đi học của nam giới mà suy diễn về trình độ dân trí thì có lẽ phiến diện và lạc quan. Người ta quên mất cảnh báo của giới trí thức Việt Nam về nạn khủng hoảng giáo dục và đào tạo hiện nay. Thật ra năng suất không cải tiến của một dân số rất trẻ sẽ giới hạn mức phát triển trong dài hạn mà còn là vấn đề ngay trong trung hạn.

- Sau cùng, dự báo của tập đoàn HSBC có thể đánh giá sai tiêu chuẩn về dân chủ khi bỏ qua nạn tụt hậu về nhân quyền của Việt Nam trong mấy năm qua. Như diễn đàn này trình bày năm ngoái nhân chuyện Egypt, biện pháp cải cách nửa vời về kinh tế mà không cải cách về chính trị càng dễ đưa tới động loạn vì hiện tượng gọi là "nghịch lý của cải cách".

Vũ Hoàng: Chúng ta bị kẹt vào cái đồng hồ nên phải chấm dứt chương trình tại đây, xin đề nghị ông nêu ra một kết luận cho buổi đầu năm này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng dự báo của ngân hàng HSBC thật ra vẫn có ích vì cho thấy tiềm năng dài hạn của Việt Nam, nhưng cũng là lời cảnh báo về yêu cầu cải cách để vươn lên trình độ ấy. Nếu không, xứ này cũng lại rơi vào bẫy xập của cải cách như nhiều người Trung Hoa đã nhìn ra cho thế giới của họ. Nếu có đảm lược và sáng suốt đi trước trong việc cải tổ chính trị thì Việt Nam có thể tránh được vết xe đổ của nhiều xứ khác và có lẽ đấy là lời tâm nguyện Nhâm Thìn của chúng ta.
 
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và kính chúc ông cùng gia quyến một năm mới an vui và đạt mọi ước nguyện.

Thứ Ba, tháng 1 24, 2012

"Kỹ nghệ Từ thiện" của Mỹ

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Hà RFI Ngày 20120124

Những người hằng sản của một xã hội hằng tâm


Nhà tỷ phú Warren Buffet và Bill Gates đã thuyết phục được gần 40 nhà tỷ phú Mỹ khác  cam kết cống hiến đến 50 % tài sản cho các công tác từ thiện.
* Nhà tỷ phú Warren Buffet và Bill Gates đã thuyết phục được gần 40 tỷ phú Mỹ khác cam kết cống hiến đến 50 % tài sản cho các công tác từ thiện. REUTERS *
 
 
Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà

 
Ở Mỹ có 400 nhà tỷ phú và 10 % trong số đó cam kết cống hiến ít nhất là một nửa tài sản bạc tỷ của mình cho các hoạt động từ thiện. Sự hào phóng của các đại gia cho việc công ích chỉ là phần nổi của tảng băng : bất chấp khủng hoảng kinh tế, người Mỹ vẫn dành tới gần 300 tỷ đô la cho các chương trình từ thiện.
 
Năm 2010 chiến dịch «Giving Pledge» - là Hứa hẹn Tặng dữ - do hai đại gia là Bill Gates và Warren Buffet đề xướng đã thuyết phục được gần 40 nhà tỷ phú khác trên toàn quốc cam kết cống hiến đến 50 % tài sản cho các công tác từ thiện. Sau thành công tại Hoa Kỳ hai ông Gates và Buffet đã lên đường đến Bắc Kinh để vận động các đại gia Trung Quốc làm việc thiện. Là nền kinh tế thứ nhì thế giới, Trung Quốc hiện có 64 nhà tỷ phú và 25 % đại gia của toàn châu Á hiện đều đang sinh sống trên quê hương Mao Trạch Đông. Thế nhưng các ông nhà giàu và doanh nhân Trung Quốc không mấy mặn mà hưởng ứng chiến dịch «Giving Pledge». Chỉ có một nhà triệu phú duy nhất của Trung Quốc bằng lòng cống hiến toàn bộ tài sản 440 triệu đô la - một khi ông qua đời - cho các chương trình từ thiện.

Nước Pháp không thiếu gì các đại gia bạc triệu hay bạc tỷ nhưng hảo tâm của tầng lớp này không thể so với các doanh nhân giàu có ở Mỹ. Một công trình nghiên cứu của nhà xã hội học Michel Pinçon cho thấy là người Pháp thường kín đáo hơn người Mỹ rất nhiều khi nói về tài sản của họ và lại càng «kín đáo» hơn trong các công tác từ thiện.

Đâu là động lực của các ông tỷ Mỹ khi họ sẵn sàng cống hiến một phần lớn gia sản để làm những việc công ích? Và tại sao người ta có thể nói đến cả một nền «kỹ nghệ» từ thiện trong trường hợp của Hoa Kỳ? RFI đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California và theo ông trước hết việc phân phát tài sản cho người khác dường như là một truyền thống của Hoa Kỳ.


RFI: Mượn chữ của cụ Sào Nam Phan Bội Châu, chúng ta có thể gọi họ là những người "hằng sản" vì có tiền, mà cũng "hằng tâm" vì lại phân phát tài sản của họ cho người khác. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngược với quan niệm của nhiều người rằng kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ là "kỹ nghệ chiến tranh", do sự cấu kết về thủ tục ngân sách giữa các tập đoàn kinh doanh chiến cụ hay là bọn lái súng với giới dân cử, kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ chính là "hoạt động từ thiện" vì lên tới gần 300 tỷ Mỹ kim một năm và có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội và nay đã ra toàn cầu.

- Khi nói đến "kỹ nghệ", ta để ý đến ảnh hưởng, cách tổ chức và vận hành phức tạp trong khuôn khổ luật lệ chặt chẽ. Vì hoạt động từ thiện được miễn thuế nên các hội thiện là đối tượng kiểm tra kỹ lưỡng của sở thuế liên bang lẫn những tư nhân giao tiền cho họ. Thật ra dân Mỹ đóng góp rất nhiều vào các sinh hoạt trong xã hội, từ lĩnh vực tư tưởng, lý luận, tôn giáo đến y tế, giáo dục và phổ biến kiến thức. Thuần về kinh tế thì ngạch số của các hoạt động từ thiện tại Mỹ đã vượt 1% Tổng sản lượng Nội địa GDP, trung bình thì gấp đôi Âu Châu và đấy là một truyền thống.

- Nói về sự đóng góp cho hoạt động từ thiện, dân Mỹ vẫn chi tiền, từ vài ba chục đến vài ba ngàn cho cả triệu hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, tôn giáo, y tế hay giáo dục... Song song, họ cũng có cả ngàn "sáng hội" hay "sáng viện", là "foundations", của nhiều gia đình doanh gia. Nổi tiếng trong lịch sử thì có Ford Foundation, Rockefeller Foundation, Carnegie Foundation, MacArthur Foundation, hay J. Paul Getty Trust, v.v...

- Từ hơn chục năm nay, người ta mới để ý đến các tên tuổi trên doanh trường như ông bà tỷ phú Bill và Melinda Gates hoặc Warren Buffet hay Georges Soros đã dành một khoản tài sản cho các hoạt động từ thiện. Trẻ nhất trong số đó là người sáng lập và Tổng quản trị mạng lưới xã hội Facebook, nhân vật Marc Zuckerberg, mới 26 tuổi đã làm chủ bảy tỷ đô la và đã đồng ý tặng Sáng viện của ông bà Gates mấy tỷ bạc để tài trợ việc công ích.
RFI: Như anh trình bày thì có phải rằng hoạt động từ thiện này nằm trong truyền thống văn hóa của nước Mỹ từ đã lâu ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nước Mỹ thật ra thành hình từ "thuyền nhân", những người vượt biển qua xứ lạ để làm lại cuộc đời, đa số là để tránh nạn bách hại tôn giáo từ Âu Châu. Đi tìm tự do, họ tin vào Thượng Đế ở trên đầu và tình liên đới của người tỵ nạn với nhau. Hai tinh thần sùng đạo và lân tuất là đặc tính nguyên sơ. Từ đầu thế kỷ 17, việc ba vùng đất mới được họ lập ra, là Massachusetts, Pennsylvania và Virginia, có tên là "Thịnh vượng chung" cũng hàm ý đó.

- Sau đấy, tinh thần liên đới thể hiện ở một lý tưởng rất Mỹ - không hẳn là Âu Châu - rằng ta được sinh ra là để làm việc thiện. Việc thiện ấy có góp phần phát triển cộng đồng và xây dựng quốc gia sau khi dân Mỹ giành được nền độc lập. Ngày nay tinh thần ấy vẫn còn.

- Tôi nhớ viên Chủ tịch một doanh nghiệp Hoa Kỳ mà tôi làm việc ngày xưa, có khuyên mình một điều là "làm gì thì cũng cố dành ra khoảng 30% thời giờ cho việc công ích", đó là tôn chỉ của nhiều người Mỹ. Khi ấy, tôi nghĩ ngay đến tỷ lệ tiết kiệm trung bình của dân Á châu là khoảng 30% lợi tức! Dân Mỹ xài rộng và tiết kiệm ít dần, nhưng vẫn có một trương mục khá dày về "công đức" nếu ta nói theo lối duy tâm. Và về mặt tâm linh thì điều ấy có lẽ đúng.

RFI: Nhiều người thì hoài nghi tinh thần từ tâm đó, có thể là vì dụng ý tránh thuế. Anh nghĩ sao về chuyện này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ đấy là cách suy nghĩ của các xã hội cần chụp giựt. Dĩ nhiên một số người tưởng cho là làm việc từ thiện thì cũng như mua sẵn vé lên Thiên đàng sau này, và ngay trước mắt thì được bớt thuế! Trong năm 2010, chẳng hạn Tổng thống Barack Obama đã trích ra 245 ngàn trong khoản lợi tức một triệu tám để tài trợ hoạt động từ thiện và số tiền đó được giảm trừ trong căn bản tính thuế lợi tức. Nhưng nếu ta nêu câu hỏi là ông ta có nghĩ đến việc tránh thuế không và tránh được bao nhiêu thì mình thấy ra yếu tố thuế vụ không thể là chính!

- Khi chúng ta vào nhà thờ hay nhà chùa mà bỏ tiền vào thùng phước sương thì có ai đợi lấy giấy biên nhận để cuối năm tính thuế đâu? Vả lại, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn từ vài năm nay, người ta thấy rằng giới bình dân tại Mỹ vẫn chi tiền khá mạnh cho hoạt động từ thiện, mà họ không thuộc thành phần có thư ký riêng hoặc sẽ chi ly gom lại từng giấy biên nhận để khai thuế.

- Còn các doanh gia hay triệu tỷ phú Mỹ thì họ suy nghĩ khác khi bỏ ra cả triệu cả tỷ cho hoạt động công ích. Đáng chú ý là họ đem cho người dưng, ở tại Mỹ và trên thế giới, mà dành lại rất ít tài sản cho con cháu vì tin rằng con cháu sẽ phải phấn đấu để làm giàu và khi có tiền rồi thì cũng phải san xẻ cho người khác. Tỷ phú George Soros có một lời phát biểu khá đặc biệt, rằng "tiền bạc cũng như phân bón - phải rải ra chứ!"

RFI: Anh nhắc đến ông Soros nên chúng ta trở lại đề mục chính là các tỷ phú Mỹ. Động lực của họ là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước khi nói đến các khuôn mặt nổi tiếng nhất thì có lẽ mình cần nhìn vào bối cảnh chung. 

Dân Mỹ đều sốt sắng tài trợ hoạt động công ích và ta cũng nên chú ý tới quần chúng đông đảo này. Sau đó mới là thiểu số những tỷ phú và khi ấy, ta cần phân biệt hai động lực. Đầu tiên, họ có thể chi tiền cho các tổ chức vô vụ lợi và được miễn thuế. Nhưng trong loại vô vụ lợi, có tổ chức chuyên về quảng bá tư tưởng theo một triết lý chính trị nào đó, đấy là các "think tank", lò trí tuệ có chủ đích chính trị. Thứ hai, trong các hội vô vụ lợi, có loại chỉ theo đuổi mục tiêu công ích hay lợi ích công cộng và theo định nghĩa của Hoa Kỳ thì đấy mới là hội từ thiện và động lực ở đây chính là lòng vị tha.

- Là di dân gốc Âu Châu, sau khi có tài sản mấy tỷ bạc tại Mỹ, George Soros nổi tiếng trước tiên ở hoạt động có tính chất chính trị. Thí dụ gần đây là khi ông tài trợ một tờ báo Canada để vận động phong trào "Chiếm đóng Wall Street". Trước đó ông lập ra viện "Open Society" hay "Xã hội Cởi mở" và Soros Foundation để phát huy dân chủ, nhất là tại các quốc gia thuộc quỹ đạo Xô viết cũ sau khi Liên Xô tan rã. Thành thử, ta cần phân biệt hai động lực chính trị và từ thiện.

- Ở giữa quần chúng và thiểu số tỷ phú ta không quên rằng doanh nghiệp Mỹ cũng có ngân sách tài trợ các tổ chức vô vụ lợi. Mục tiêu có thể là quảng cáo, là xây dựng thiện cảm với cộng đồng cư dân ở nơi hoạt động, cho nên yếu tố giảm thuế chỉ là một phần nhỏ. Trong số các doanh gia quyết định về đối tượng yểm trợ của doanh nghiệp tất nhiên là có nhiều triệu phú, đôi khi họ tài trợ ngôi trường cũ và thực tế có đóng góp cho việc xây dựng hệ thống giáo dục tư thục Mỹ.

- Sau những tiền lệ xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngày nay người ta sở dĩ nói đến các tỷ phú hằng tâm là do hiện tượng Bill Gates, khi ông lập ra "Sáng hội Bill và Melinda Foundation". Đấy là hội thiện hiện có tài sản hoạt động lớn nhất, trị giá hơn 33 tỷ đô la, so với hội thiện đứng hàng thứ hai, được thành lập từ năm 1936 là Ford Foundation chỉ có 11 tỷ hay Getty Trust chỉ có 9,6 tỷ.

- Ông Gates không chỉ bỏ ra hơn 30 tỷ trong số tài sản trị giá 56 tỷ của mình vào hoạt động từ thiện mà còn kêu gọi các tỷ phú khác cùng tham gia trong một câu lạc bộ các tỷ phú hằng tâm. Đáng chú ý không kém là Sáng hội Gates còn quan tâm đến các vấn đề của nhân loại, từ phát triển, y tế, gíáo dục đến môi sinh. Thí dụ như trong năm 2010, đến 84% chi phí cho các chương trình của Sáng hội là dành cho thế giới ngoài nước Mỹ.

RFI: Anh nhắc đến hai trường hợp là George Soros và Bill Gates, chúng ta còn có ông Warren Buffet hay nhiều người khác nữa. Liệu mình có thể phác họa ra một loại chân dung điển hình của các nhân vật này hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngoài trường hợp các nghệ sĩ có hằng tâm, thí dụ như ca sĩ Michael Jackson hay tài tử điện ảnh Paul Newman là các triệu phú hoạt động mạnh về từ thiện lúc sinh thời, phần lớn các tỷ phú như ông Buffet, Gates hay Soros đều là doanh gia xuất sắc nên mới có tài sản lớn lao như vậy. Trên doanh trường, họ là người sắc bén, thậm chí lạnh lùng, thì mới có thể thành công vượt bậc.

- Một thí dụ mà nhiều nước Âu Á còn nhớ là George Soros. Ông có thành tích đánh xập đồng Anh kim năm 1992 và kiếm ra mấy tỷ bạc, làm nước Anh phải rút khỏi hệ thống tiền tệ Âu châu SME năm 1993. Sau đó, ông bị nhiều nước Á châu đả kích là góp phần gây ra vụ khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997. Quỹ đầu tư Quantum Fund của ông cũng bị phê phán là liên hệ đến việc trốn thuế và rửa tiền. Dù doanh nghiệp của ông có giúp cho công ty của ông George W. Bush khỏi bị phá sản năm 1990, ông cũng lại tung ra 12 triệu Mỹ kim để đòi đánh bại Tổng thống Bush trong vụ tái tranh cử năm 2004 và đang chi tiền vào việc vận động cho tự do buôn bán cần sa. Con người doanh gia và hằng tâm Soros là nhân vật khá phức tạp!

- Warren Buffet là nhà đầu tư khét tiếng có biệt danh là "bậc Tiên tri đất Omaha" nhưng cũng lấy nhiều quyết định đầy rủi ro. Thực tế là trong vụ khủng hoảng 2008-2009, tài sản đã sụt từ 65 tỷ xuống còn có 37 tỷ đô la, tức là mất 28 tỷ trong vòng một năm! Từ năm ngoái, ông trực tiếp tham gia vào ban tranh cử của Tổng thống Obama và cũng gây tai tiếng khi tuyên bố rằng ông trả thuế suất lợi tức còn thấp hơn người thư ký của mình và đề nghị Chính quyền nên tăng thuế biểu của các tỷ phú. Đấy là vài đặc điểm nổi bật của mấy nhân vật này.

- Trong số đó, Bill Gates là người ôn hoà, kín đáo và dung dị, nhất là sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh để giành toàn thời cho hoạt động từ thiện. Nói chung, ngược với quần chúng bình dân Mỹ đã bỏ tiền rất nhiều cho việc từ thiện là thành phần bảo thủ và đứng về phía Cộng Hoà, các tỷ phú lại thiên về đảng Dân Chủ và đấy cũng là chi tiết lạ!

RFI: Chi tiết cuối này khá ly kỳ, anh giải thích thế nào về hiện tượng đó của xã hội Mỹ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dân Mỹ theo xu hướng bảo thủ, mà người ta cứ tưởng là ích kỷ và chỉ nhắm vào doanh lợi, thật ra lại góp tiền cho các hội thiện nhiều hơn dân Mỹ thiên tả mà ta cho là lý tưởng. Có lẽ xu hướng thiên tả thì muốn nhà nước đảm nhiệm nhiều việc công ích và phó thác chuyện đó cho nhà nước, trong khi phía bảo thủ thì tin rằng đó là phần vụ của từng người dân và họ xung phong đóng góp trong tinh thần tiên phong truyền thống của nước Mỹ.

- Trên cùng, một thiểu số có tiền và đầy lòng hảo tâm thì có tham vọng làm thay đổi bộ mặt của cã hội và cả thế giới bằng thiện chí và tài sản của mình. Đấy cũng là một nghịch lý đáng chú ý của xã hội này khiến ta nhớ đến một câu ca dao của mình:

Vua Ngô có chín lọng vàng
Đến khi xuống lỗ chẳng mang được gì !
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Đến khi xuống lỗ kém gì vua Ngô ?

- Khác nhau ở đây là các tỷ phú của nước Mỹ đang mắc nợ như Chúa Chổm lại không uống rượu mà xem tiền như phân bón nên rải ra khắp nơi cho thiên hạ! Có lẽ vì vậy mà nhiều người thấy là chính trị Mỹ đáng ghét nhưng xã hội và dân Mỹ thật ra rất đáng yêu.