Khung cảnh Kinh tế của Tranh cử Chính trị tại Hoa Kỳ
* Đừng lo! Đã có đảng Cộng Hòa giúp mình tái đắc cử! "
Vòng sơ bộ Iowa là biến cố chính thức báo hiệu cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Chỉ có hơn ba triệu dân giữa khu vực Trung-Tây của Hoa Kỳ, tiểu bang Iowa có thể là tiểu biểu cho nước Mỹ thâm sâu, với đa số da trắng và sùng đạo (52% Tin Lành và 23% Công giáo), khá bảo thủ về xã hội.
Vì là tiểu bang nhỏ, Iowa được tổ chức bỏ phiếu sớm nhất ở vòng sơ bộ, để "lọc" các ứng cử viên trước khi các tiểu bang lớn có tiếng nói quyết định hơn. Đầu Tháng Giêng của một năm có tranh cử, vòng bỏ phiếu của Iowa mới đặc biệt gây chú ý cho đảng đối lập: xin tạm nhớ rằng đối lập nên mới phải tổ chức vòng sơ bộ (primary) để chọn người đại diện đảng ra tranh cử với đương kim Tổng thống - hay Phó Tổng thống đương nhiệm – ngày mùng sáu Tháng 11 tới đây.
Nhưng dù là đáng chú ý, kết quả Iowa không nhất thiết phản ánh sự chọn lựa của cử tri toàn quốc vào Tháng 11. Quá nhiều trường hợp "trật chìa" đã xảy ra từ mấy chục năm qua nên ngay sau Iowa, dư luận lập tức chú ý đến vòng sơ bộ tại các tiểu bang kế tiếp.
Một cách rộng lớn hơn, thành phần trung kiên của cả hai đảng đều tích cực vận động từ vòng sơ bộ nên các ứng viên phải lọt qua cửa ải quá khích - cực tả bên đàng Dân Chủ và cực hữu bên Cộng Hoà. Sau đó họ mới chuyển dần lập trường về phía giữa để thuyết phục cử tri ôn hoà hay độc lập thì mới hy vọng thắng cử.
Kết quả bỏ phỉếu của Iowa hôm Thứ Ba mùng ba đáng chú ý ở sự kiện ứng viên Cộng Hoà thuộc loại "ôn hoà" - tức là có vấn đề với khuynh hướng bảo thủ rất tích cực trong vòng sơ bộ - lại dẫn đầu, dù chỉ tám phiếu. Đó là cựu Thống đốc Mitt Romney. Yếu tố này báo hiệu nhiều trận đánh cho đến trước Đại hội đảng vào ngày 27 Tháng Tám mới ngã ngũ....
Nhưng bất cứ ai đứng thụ ủy liên danh Cộng Hoà để tranh cử với Tổng thống Barack Obama đều phải giải quyết - hoặc có chủ trương giải quyết - hồ sơ ưu tiên nhất của cử tri. Là kinh tế.
Bài viết này sẽ tìm hiểu về hồ sơ đó, từ giác độ khách quan và nghiệt ngã của kinh tế.
***
Một cách đại lược – và tính cho tròn để dễ nhớ - kinh tế Mỹ sản xuất ra một năm chừng 15.000 tỷ Mỹ kim, ta gọi đó là Tổng sản lượng Nội địa GDP. Ngân sách quốc gia xài hết 25% của số đó mà thu vào có 15% nên bị bội chi 10% và phải đi vay. Số công trái, nợ của khu vực chính phủ, đã tăng vọt và nay mấp mé 80 đến 98% GDP. Khác biệt là do cách tính các khoản nợ này, trong đó có cả chuyện Chính quyền nợ cơ quan của Nhà nước.
Khi đi vay thì phải trả lãi, tiền lời đó sẽ càng gây thêm bội chi ngân sách. Cũng tính cho gọn thì tiền lãi đó lên tới 1,5% GDP, bằng 10% của nguồn thu ngân sách.
Đó là chuyện công chi thu, hay tài chánh công.
Kinh tế Mỹ chưa khởi sắc sau nạn Tổng suy trầm 2008-2009 – năm 2011 chỉ đạt mức tăng trưởng từ 1,5 đến 2% là nhiều – nên thất nghiệp mới là vấn đề cho người dân và các ứng cử viên. Làm sao kích thích sản xuất - để đạt mức tăng trưởng cao hơn hầu thu thêm thuế và giảm bớt thất nghiệp - mà không gây bội chi ngân sách rồi lại đi vay?
Nếu mức vay mượn mà vượt 100% GDP thì Hoa Kỳ sẽ có số phận của Hy Lạp.
Với đà tiêu xài của ba năm qua, nước Mỹ còn ba năm nữa là sẽ trôi vào vực sâu đó và khi ấy, chỉ riêng khoản tiền lãi của công trái sẽ vượt 10% nguồn thu ngân sách. Cho nên cùng với yêu cầu kích thích kinh tế - bằng công chi - Hoa Kỳ phải giảm chi hoặc tăng thuế để kềm hãm bội chi ngân sách dưới cái ngưỡng sinh tử là 100% GDP.
Người thắng cử Tháng 11 này sẽ phải giải quyết bài toán khắt khe đó, mà lại khó nói thật. Nói thật - giảm chi hoặc tăng thuế - thì sẽ gây thất vọng và thất cử.
Kết luận đầu tiên: cử tri Hoa Kỳ có phần trách nhiệm khi sợ thuốc đắng và mặc nhiên để các chính khách cho uống nước đường.
***
Bối cảnh đó khiến chúng ta nhớ tới hài kịch của tháng trước, khi đảng Cộng Hoà không thống nhất được quan điểm giữa hai viện trên dưới về việc giảm thuế sổ lương gọi là Payroll Tax.
Sắc thuế đó nhắm vào việc tài trợ quỹ An sinh Xã hội (Social Security) nay đã ngập nợ, do công nhân viên và các doanh nghiệp cùng đóng góp theo tỷ lệ 50/50. Vì kinh tế èo uột, thuế suất 12,4% quy định từ năm 1990 đã được giảm 2% từ cuối năm 2010 để kích thích tiêu thụ nhờ mỗi hộ gia đình có thể được giảm 1.000 Mỹ kim trong một năm. Với 160 triệu người thọ thuế, khoản tiền đó sẽ kích cầu kinh tế.
Nhưng đồng tiền vốn có hai mặt, phí tổn của biện pháp kích thích này sẽ là ngân sách bị thất thâu 120 tỷ đô la, bội chi thêm khoảng 0,8% của GDP. Chưa đủ nhức đầu, chúng ta bước ra khỏi thế giới khắt khe của kế toán và kinh tế mà đi vào trường tranh luận chính trị: cách tính về hậu quả của việc giảm thuế, hoặc tăng thuế.
Cả hai đảng đều có thể viện dẫn thống kê hay dự báo chuyên môn của các kinh tế gia để bênh vực lập trường của mình. Đó là tác dụng "số nhân" hay "nhân số", "multiplier" của kinh tế học. Một đồng thu vào hay chia ra có thể gây kết quả thế nào với kinh tế và ngân sách?
Nó có thể là từ một đến ba: một là vô hiệu hay vô hại vì thu vào nhờ việc kích thích cũng bằng với số tiền chi ra để kích thích; ba là có kết quả gấp ba, như cách ước tính của các kinh tế gia trong ban tham mưu kinh tế của Chính quyền Obama, kể cả Giáo sư Christina Romer, năm kia là Cổ vấn trưởng về Kinh tế cho Tổng thống. Cho trung dung thì người ta có thể chọn nhân số là hai.
Nhưng, trường phái nào đi nữa cũng đồng ý về thời khoảng công hiệu - thời gian từ khi ban hành tới ngày có kết quả. Lý do là quần chúng và thị trường cần thời gian để thay đổi cách sinh hoạt trong tiêu thụ hay đầu tư. Biện pháp giảm chi phải mất cả năm mới tác động vào kinh tế, việc giảm thuế thì mất hơn một năm.
Và không ai thay đổi cách sinh hoạt nếu chỉ được giảm thuế trong hai tháng. Chúng ta trở một trận đấu khôi hài của năm ngoái vì nó báo hiệu nhiễu âm cho năm nay.
Đảng Cộng Hoà chủ trương duy trì việc giảm thuế sổ lương trong dài hạn để kích thích kinh tế, nhưng cũng đòi giảm chi một ngân khoản tương đương để không gây thêm bội chi ngân sách. Đảng Dân Chủ thì sợ phán xét về tật gây bội chi mà vẫn cần sự ủng hộ của một số quần chúng qua các khoản chi xã hội. Vì vậy, họ chọn biện pháp "đá ra biên" để câu giờ, bằng cách triển hạn giảm thuế sổ lương thêm hai tháng....
Thượng viện trong tay đảng Dân Chủ biểu quyết chuyện đó, với sự đồng ý bất ngờ của đối lập Cộng Hoà. Các chính trị gia đã bịp quần chúng qua biện pháp gọi là giảm thuế thêm hai tháng vì tác dụng đó hoàn toàn không có nếu chỉ kéo dài hai tháng. Quý vị sẽ không quyết định việc đổi xe hay sửa nhà hoặc mở mang cơ sở kinh doanh nếu có thêm vài trăm bạc và sau đó sẽ lại trả thuế cao hơn.
Vì thế, đảng Cộng Hoà nắm Hạ viện trong tay mới chống, tức là chống cả quyết định ủng hộ của các Nghị sĩ Cộng Hoà ở viện trên, và bị đả kích là không ưu lo cho dân nghèo! Kết cuộc thì chỉ chống được vài ngày và họ đành bọc xuôi cho Tổng thống kịp ban hành đạo luật trước khi đi nghỉ cuối năm.
Sự thiếu phối hợp giữa hai viện của đảng - và nhất là thiếu giải thích cho quần chúng - về một trận đánh lặt vặt trong ngân sách (lạc quan là 120 tỷ so với số bội chi 1.500 tỷ hoặc 167 đô la cho một hộ gia đình) cho thấy tương lai khá mờ mịt của phe Cộng Hoà trong năm nay.
Và của nước Mỹ trong năm 2013.
***
Con bệnh kinh Hoa Kỳ cần một lúc hai liều thuốc đắng để tránh viễn ảnh u ám của Hy Lạp (hay Ý, v.v....) là khi công trái lên tới 100% tổng sản lượng. Một là phải giảm chi để thu hẹp mức khiếm hụt ngân sách quá lớn hiện nay. Hai là phải tăng thuế để nâng cao nguồn thu cho ngân sách. Cả hai liều thuốc này phải mất cả năm mới công hiệu....
Nhưng, nếu giảm chi tức là chấp nhận chánh sách kinh tế khắc khổ thì tác dụng "số nhân" có thể làm Tổng sản lượng giảm 1,5%, tức là kinh tế không tăng trưởng! Nếu cho rằng năm qua, mức tăng trưởng là 1,5% thì năm tới, nó sẽ là 0%. Việc tăng thuế cũng vậy, nhất là khi người có tiền đầu tư để sản xuất và tạo thêm việc làm lại bị quần chúng coi là bọn tỷ phú tài phiệt bất nhân - thành phần 1% có tội và đang bị biểu tình phản đối với sự hoan hỷ của đảng Dân Chủ.
Sự thật là trước khi trời sáng thì bóng tối sẽ đậm đặc hơn chén thuốc Bắc!
Hậu quả của việc chối từ thuốc đắng – trong một năm tranh cử - là cùng nhau ta đá ra biên. Khi trì hoãn quyết định đau lòng mà cần thiết này, người ta nên chờ đợi là khoản tiền lời đi vay sẽ không chỉ là 15% như hiện nay, hoặc lên tới 2% trong năm tới. Viễn ảnh sẽ là 4%, tức là thu thuế được 15% Tổng sản lượng thì mất hơn một phần tư nguồn thu đó cho việc trả nợ.
Nhưng viễn ảnh đó không đáng cho cử tri Iowa quan tâm bằng lập trường của các ứng cử viên Cộng Hoà về chuyện phá thai hay hôn nhân đồng tính. Hoặc đối sách với nạn di dân nhập lậu, có tài trợ học phí cho con em của họ hay không? Nếu lại thấy Dân biểu Ron Paul về hạng ba, sau cựu Nghị sĩ Cộng Hoà Rich Santorum – mất ghế từ năm 2006 với tỷ lệ thất cử 18 điểm – chúng ta hiểu vì sao chuyện Iowa chí có hiệu ứng được một tuần!
Trong năm nay, ta nên theo dõi chuyện cơm áo gạo tiền này để xem khả năng lừa mị của các chính khách. Còn lại, xin hãy cầu ông Thần bịt mặt, là Thị trường. Sự phán xét đó mới đáng lạnh mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét