Thứ Năm, tháng 1 12, 2012

Thoát Khỏi Nguy Nàn

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20120111


Khó khăn của các giải pháp thoát hiểm kinh tế Âu-Mỹ



* Từ phải sang: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Phó Thủ tướng Anh 
Nick Clegg, Bộ trưởng Kinh tế và Tiền tệ  Liên minh châu Âu Olli Rehn 
và Thủ tướng Estonia Andrus Ansip  tại một cuộc họp báo của các nhà 
lãnh đạo European Liberal tại London  ngày 09 tháng Giêng năm 2012. AFP photo - *


Với viễn ảnh kinh tế vẫn kém sáng sủa cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, câu hỏi đặt ra cho mọi người là giới hữu trách sẽ đối phó ra sao, có những chính sách gì khả dĩ tránh khỏi kịch bản u ám đó. Tiếp theo chương trình tổng kết kỳ trước, Diễn đàn Kinh tế tuần này sẽ tìm hiểu về các chính sách thoát khỏi nguy nan kinh tế. Vũ Hoàng có cuộc trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do về đề tài này.

Khủng hoảng niềm tin

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Như đã hẹn kỳ trước, tuần này, xin đề nghị ông phân tích cho quý thính giả của chúng ta những giải pháp mà các quốc gia trên thế giới có thể áp dụng để tránh khỏi tình trạng mà ông gọi là "cùng nhau hạ cánh". Như thông lệ, xin yêu cầu ông trình bày cho bối cảnh của vấn đề.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng trước hết, người ta thường phân biệt các nền kinh tế thế giới thành hai khối lớn. Khối công nghiệp hoá "đã phát triển" gồm vài chục quốc gia với tổng sản lượng trị giá khoảng 40% sản lượng toàn cầu, đứng đầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Khối thứ hai là mấy trăm quốc gia hay thị trường "đang phát triển", với sản lượng tổng cộng khoảng 60% còn lại, trong số này có nhiều nền kinh tế thuộc loại "tân hưng" hoặc mới nổi.

- Thứ hai, và ngược với kỳ vọng của nhiều người, sức mạnh của các nền kinh tế đang phát triển vẫn tùy thuộc vào giao dịch hàng hóa và tư bản với khối công nghiệp hoá, chủ yếu là với các nước Tây phương đã sớm theo kinh tế tự do trong chế độ chính trị dân chủ.

- Thứ ba là trong năm 2012 vừa bắt đầu, người ta e ngại khối kinh tế đang phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, chủ yếu là do ảnh hưởng bất lợi từ khối kinh tế công nghiệp hoá. Đà tăng trưởng toàn cầu, tính theo phương pháp trung bình gia trọng có thể xê dịch giữa mức bình quân là từ 3,5 đến 3,8%, tức là mấp mé tình trạng khá bất lợi của năm 2009, khi thế giới bị nạn "Tổng suy trầm 2008-2009". Đó là kịch bản gọi là "cùng nhau hạ cánh".

- Trong hoàn cảnh chung đó, các nền kinh tế Á châu ngoài Nhật cũng bị ảnh hưởng nặng chứ chưa thể thoát ra ngoài và dự báo căn bản nhất là chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân là dưới 7%. Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 7,5 đến 7,7%, tức là dưới cái ngưỡng sinh tử về xã hội cho xứ này là 8%, và thua xa tốc độ 10% họ đã thấy trong mấy chục năm liền. Còn về Việt Nam thì tình hình cũng kém sáng sủa với đà tăng trưởng còn thấp hơn năm nay, có thể từ 5,5 đến 5,7%, đi cùng nguy cơ lạm phát. Đó là kịch bản khái quát, với hệ số rủi ro cao hơn là hy vọng thoát hiểm.

Vũ Hoàng: Trong hoàn cảnh đó, có phải là chính quyền các nước đều phải tìm ra đối sách thích hợp hầu tránh khỏi kịch bản khái quát này? Thưa ông, rút kinh nghiệm từ những gì đã áp dụng năm ngoái, người ta nên dự trù những gì về chính sách?

Trung Quốc và cả Việt Nam cũng bắt đầu thấy mình đi vay quá đà và sử dụng tiền vay mượn đó mà bất kể đến hiệu năng sản xuất nên khủng hoảng ngân hàng vì mất nợ cũng là một kịch bản thực tế.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tất nhiên là mỗi nhóm kinh tế, thậm chí mỗi quốc gia, đều có hoàn cảnh đặc thù chứ không thể có cùng một chính sách ứng phó đồng dạng. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ rằng bài toán chung vẫn là khả năng xoay trở của khối kinh tế công nghiệp hoá vì ảnh hưởng quá lớn của nhóm này. Tức là chìa khoá quan trọng nhất vẫn nằm trong các nước Âu-Mỹ. Trong khi ấy, người ta cùng thấy ra một sự thất vọng của người dân mọi nơi mà trong một kỳ trước diễn đàn này gọi là cuộc khủng hoảng niềm tin. Thuần về kinh tế, và quan trọng nhất, đó là sự thất vọng trong quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư.

000_136142964-250.jpg

Một phụ nữ trong một cửa hàng Sears hôm 27/12/2011 tại Milford, Connecticut. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông có thể giải thích rõ hơn về sự thất vọng ấy hay không?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Người ta chỉ có thể gia tăng sản xuất và nhờ đó mà tạo ra việc làm và nâng cao lợi tức cho mọi người khi có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải có tiền, tức là có tài sản của người tiết kiệm, được chuyển hóa từ lợi tức dư dôi của họ thành phương tiện sản xuất cho người khác. Người có tiền tiết kiệm phải có lời khi ký thác tài sản đó vào ngân hàng hoặc đem cho vay; người đầu tư phải dùng tài sản được huy động ấy sao cho có lời để trang trải chi phí đi vay và tích lũy doanh lợi để tiếp tục mở mang cơ sở; ở giữa là chính quyền phải đảm bảo được sự ổn định của vật giá và chức năng chuyển hóa tiết kiệm thành đầu tư cho minh bạch thông thoáng.

- Từ nhiều năm qua và cao điểm là năm 2011 vừa kết thúc, người ta thấy sự sụp đổ của hệ thống chuyển hóa tài chính đó giữa tiết kiệm và đầu tư khi nhà nước và doanh nghiệp đi vay quá sức hoàn trả khiến cho người tiết kiệm bị thiệt khi mất nợ. Phản ứng chung của mọi người là thu vén phương tiện để thủ thân làm cho đầu tư sút giảm.

- Vì đầu tư sút giảm, sản lượng không tăng, nhà nước khó thu được thuế nên càng gây thêm bội chi ngân sách và càng phải vay mượn khiến lãi suất càng tăng nên càng gây trở ngại cho đầu tư trong một vòng luẩn quẩn khó gỡ. Đó là bài toán của năm 2012, nhưng xuất phát từ vấn đề tích lũy từ mấy chục năm nay là tình trạng nợ nần quá nặng của quá nhiều quốc gia đã tiêu thụ và vay mượn quá khả năng.

- Ngày nay, người ta đến giờ tính sổ, tức là gặp yêu cầu gia tăng tiết kiệm và thanh toán nợ nần trong khi doanh nghiệp thì ngần ngại tung tiền ra đầu tư vì e sợ lỗ lã. Cũng xin nói thêm rằng đấy không phải là vấn đề đặc thù của riêng khối kinh tế Âu-Mỹ vì Trung Quốc và cả Việt Nam cũng bắt đầu thấy mình đi vay quá đà và sử dụng tiền vay mượn đó mà bất kể đến hiệu năng sản xuất nên khủng hoảng ngân hàng vì mất nợ cũng là một kịch bản thực tế.

Vũ Hoàng: Bây giờ, chúng ta bước qua phần thứ hai là các đối sách đã gây thất vọng trong năm ngoái và trở thành bài toán đe dọa cho năm nay. Thưa ông, đó là những chính sách gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng kỳ trước chúng ta nói đến bốn nhóm chính sách ứng phó với tình trạng giảm nợ, hoặc "trả lại đòn bẩy" sau khi vay mượn tiền bạc như tìm một đòn bẩy về kinh doanh. Đó là nâng mức tiết kiệm để trả nợ, tức là giảm sức chi tiêu; thứ hai là nâng mức sản xuất với hiệu suất đầu tư cao hơn; thứ ba là tái cơ cấu nợ nần, cụ thể là xoá nợ cho một số khách nợ để có một nền tảng chi thu quân bình hơn hầu mọi người cùng có thể "làm lại cuộc đời" và mỗi người bị thiệt một chút thay vì chết chùm với nhau; và sau cùng là giảm bớt gánh nợ qua biện pháp kích thích lạm phát, là một điều thực tế mà người ta cứ tưởng là hãn hữu. Trong mấy năm qua, bốn loại biện pháp ấy đã là thách đố sinh tử cho khối kinh tế công nghiệp hoá và năm nay sẽ là ẩn số cho kinh tề toàn cầu.

Vũ Hoàng: Như đã hẹn tuần trước, xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta từng loại biện pháp này, nhờ đó mình có thể hiểu rõ hơn nội dung của các cuộc tranh luận mà hàng ngày ta nghe thấy truyền thông loan tải.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có một vấn đề thật ra không lạ mà ta nên nhắc tới là từng cá nhân hay một hộ gia đình đều có thể ý thức được là đã tiêu xài hay vay mượn quá trớn nên qua năm mới bèn "hạ quyết tâm" là cả nhà sẽ tần tiện dè xẻn để còn trả bớt nợ thay vì tìm ra đồng nào thì mất đồng ấy vì phải trả tiền lãi hoặc tài sản sinh hoạt sẽ bị chủ nợ tịch biên. Chuyện ấy, ai cũng biết.

- Nhưng một quốc gia hay cả một nền kinh tế thì không thể đối phó như vậy được vì nếu mọi người đều tiết giảm chi tiêu thì số cầu sa sút. Sinh hoạt đình trệ đó khiến hệ thống sản xuất co cụm, thất nghiệp tăng và căn bản thọ thuế của cả nước bị thu hẹp với hậu quả là công quỹ không thu được tiền hầu có thể trả nợ và người người đều nghèo đi thì làm sao thanh toán nợ nần?

- Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu đang gặp bài toán đó và đấy cũng là cuộc tranh luận gay gắt năm nay khi ta nghe nói đến hai yêu cầu thật ra là mâu thuẫn là giảm bội chi ngân sách và đẩy lui thất nghiệp. Mà đấy không chỉ là bài toán của nước Mỹ trong một năm tranh cử vì hầu như xứ nào cũng rơi vào cảnh ngộ nan giải là phải xuất khẩu nhiều hơn để kích thích bộ máy sản xuất nội địa trong khi các nước đều muốn nhập khẩu ít đi.

Thực tế thì mọi người đều lãnh hậu quả của những quyết định sai lầm hoặc quá lạc quan trong quá khứ và đến khi lâm nạn thì càng khó đồng ý với việc xoá nợ cho người khác.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì chuyện thanh toán nợ nần ở cấp quốc gia lại liên quan đến hồ sơ mậu dịch và ngoại thương, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như thế và ta lấy ngay một thí dụ thời sự tại Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ giảm bội chi thí dụ là 1% của Tổng sản lượng Nội địa GDP thì sẽ lãnh hậu quả là làm tiêu thụ nội địa có thể giảm trong một hai năm tới và đà tăng trưởng giả dụ như 2% có khi sẽ mất 0,60% tức là chỉ còn 1,4% thôi. Trong hoàn cảnh ấy thì làm sao đẩy lui thất nghiệp?

- Một giải pháp cho bài toán giảm chi để trả nợ là kiếm tiền ở nơi khác qua ngả xuất khẩu. Khi ấy ta mới thấy rằng ba đầu máy xuất khẩu mạnh nhất thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức chỉ tăng trưởng nhờ bán hàng ra ngoài. Mà trong ba quốc gia đó, vấn đề nợ nần thật ra cũng rất đáng quan ngại, kể cả Trung Quốc và xứ mắc nợ số một thế giới là nước Nhật.

- Khi đó, chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ đòi hỏi một sự phối hợp giữa các nước mua và bán, giữa khối quốc gia đạt xuất siêu với các nước bị nhập siêu. Làm sao phối hợp và chịu chung thiệt hại nếu xứ nào cũng nghĩ đến chuyện "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng ai nào người ấy giữ"? Bối cảnh đó khiến chúng ta nên chú ý đến ngoại thương, ngoại giao và thậm chí nguy cơ chiến tranh mậu dịch theo kiểu làm cho bạn hàng của mình cùng nghèo đi như ta nói tuần trước.

 

Đẩy mạnh tăng trưởng

 


Hang-hoa-dien-may-Tet-250.jpg

Một cửa hàng kim khí điện máy ở Hà Nội những ngày giáp Tết 2012. RFA photo
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ ghi nhận vấn đề này khi mình theo dõi thời sự kinh tế thế giới. Bây giờ, ta bước qua loại chính sách thứ hai là làm sao đẩy mạnh tăng trưởng. Nó đã gặp trở ngại gì?


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta nghĩ đến thực tế kế toán là tỷ lệ nợ nần so với sản lượng. Muốn giảm nợ mà thấy khó thì mình nâng sản lượng. Nhưng ta không quên một động lực chìm, chậm rãi và rất mạnh, đó là dân số và hiệu năng sản xuất của từng nền kinh tế.

- Ngoài trừ Hoa Kỳ, các nước công nghiệp hóa đều có chung hoàn cảnh là tỷ lệ dân số già lão gia tăng và trong hoàn cảnh thất nghiệp quá cao hiện nay, các nhà làm chính sách đều tránh đụng tới hồ sơ lao động. Và khi mọi người đều mất niềm tin vào chính sách của nhà nước thì các doanh nghiệp đều ngại ngần đầu tư thêm vào thiết bị hay công nghệ cao. Một thí dụ cụ thể là doanh lợi của các công ty Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục và các doanh gia thì bị công luận lên án qua các vụ biểu tình tự phát. Thực tế thì họ ngồi trên số thanh khoản rất cao mà lại đầu tư rất ít vì sợ những rủi ro trước mặt, và rủi ro lớn nhất là bị đánh thuế, hoặc bị đả kích.

- Nhìn rộng ra ngoài, khi một xứ đã mắc nợ tới cái ngưỡng sinh tử là 100% tổng sản lượng thì khó nâng sản lượng để thoát khỏi nợ nần. Kết cuộc thì năm qua người ta đổ lỗi cho nhau và người có khả năng sản xuất để tạo ra việc làm lại là thành phần bị mất niềm tin! Tại Việt Nam thì đó là hiện tượng các đại gia ngồi mát ăn bát vàng nhờ tác động của các nhóm lợi ích trong khi cả vạn doanh nghiệp tư nhân bị đe dọa phá sản. Đấy cũng là một nghịch lý về chính sách.

Vũ Hoàng: Bây giờ ta bước qua chuyện xoá nợ để như ông nói là "làm lại cuộc đời"....

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta không nên quên rằng mình đang ở vào giai đoạn tính sổ kế toán sau nhiều năm lạc quan vay mượn. Chính quyền và doanh nghiệp lẫn chủ đầu tư của từng xứ đều phải chia sẻ trách nhiệm trong việc đi vay và tính toán rủi ro, nhưng chia sẻ trách nhiệm thì cũng là chia sẻ sự lỗ lã. Nhiều chính quyền nợ nần quá nhiều nên không còn khả năng gánh vác mức lỗ lã của mình và bị nguy cơ vỡ nợ. Các doanh nghiệp mắc nợ thì sợ chính quyền sẽ tăng thuế để bù lỗ nên càng lâm vào thế kẹt. Các ngân hàng thì vừa lo trả nợ vừa sợ bị mất nợ nên càng ngần ngại cấp phát tín dụng hoặc sẽ đòi phân lời rất cao nên càng gây trở ngại cho yêu cầu đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng.
Thực tế thì mọi người đều lãnh hậu quả của những quyết định sai lầm hoặc quá lạc quan trong quá khứ và đến khi lâm nạn thì càng khó đồng ý với việc xoá nợ cho người khác. Hãy tưởng tượng đến hoàn cảnh của các ngân hàng tại Việt Nam đã bung ra quá mạnh và bị nguy cơ vỡ nợ trong khi chính quyền ngần ngại san sẻ một phần của sự lỗ lã này vì ngân sách đã bị bội chi và thực tế thì cũng đã vay mượn hoặc bảo lãnh nợ nần quá khả năng.

Vũ Hoàng: Sau cùng thì chỉ còn giải pháp kỳ lạ mà ông nói tới là chủ động gây ra lạm phát! Thưa ông, đó là cái gì vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giải pháp lạm phát thật ra không có gì là kỳ lạ hay hãn hữu đâu vì rất nhiều quốc gia đã cố ý hoặc vô tình áp dụng mà không biết!

Chính quyền và doanh nghiệp lẫn chủ đầu tư của từng xứ đều phải chia sẻ trách nhiệm trong việc đi vay và tính toán rủi ro, nhưng chia sẻ trách nhiệm thì cũng là chia sẻ sự lỗ lã.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa


- Trong cụ thể thì đó là giữ lãi suất khá lâu ở dưới mức tăng trưởng và kết quả là có đà tăng trưởng rất cao trên mệnh giá với hậu quả là người đi vay có lợi hơn người cho vay. Từ vụ Tổng suy trầm 2008 đến nay, các nước đều có áp dụng giải pháp đó khi hạ lãi suất ở mức "cận âm" là gần với số không nếu so với lạm phát và còn ào ạt in tiền để bơm vào kinh tế. Kỳ vọng ở đây là gây ra mối lo về lạm phát khiến dân chúng không dám trữ tiền mà đem ra xài và nâng cao số cầu. Nhưng kết quả trong khối kinh tế công nghiệp hoá lại không được như vậy, phương tiện sản xuất vẫn dư dôi mà lạm phát không xảy ra và mọi người đều kẹt. Trong khi ấy, và chúng ta sẽ trở lại chuyện này trong kỳ khác, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam lại chóng mặt vì nạn lạm phát!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần tổng kết này và xin hẹn ông kỳ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét