Thứ Hai, tháng 1 09, 2012

Việt Báo Xuân Nhâm Thìn

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 120109

"Thông điệp Cửu Long": Chín con rồng tụ lại từ bốn phương và nhiều kiếp


* Xuân Việt Báo luôn luôn có bìa mày đỏ tươi và tấm hình được cách điệu hóa do Lê Sông Văn trình bày *



"Cho đến khi Cửu Long cạn dòng và Đông hải bị khóa, chín con long không thể kêu ca mãi dưới ngàn mà có lúc vùng dậy. Nhâm Thìn có thể báo hiệu chuyện đó...."

Đấy là chủ đề trên bìa Xuân Việt Báo năm Nhâm Thìn 2012.


Khi chuẩn bị một số báo Xuân, và từ khá lâu rồi, chúng tôi thủ vai... đầu bếp nấu bánh chưng.  

"Thực đơn" ngày Tết cho độc giả sẽ có những gì trong cái bánh chưng cổ truyền của chúng ta? Mà thời buổi kinh tế này không thể bán đắt hơn một cái bánh chưng ở ngoài chợ được. Muốn như vậy thì đi chợ ra sao, tìm ra những phẩm vật gì của các tác giả nào, từ những dữ kiện và hình ảnh nào trong văn hoá và lịch sử? Có rồi thì nêm nếm và nấu nướng thế nào và trình bày ra sao để tờ báo kịp xuất hiện trước ngày Tết... mà không hụt trang quảng cáo nào hết!

Thành thử, cùng số báo hàng ngày vẫn phải xuất hiện, dàn đầu bếp phụ mà lại thành chính ở sau nhà bếp vẫn lặng lẽ chuẩn bị một món đặc sản trong năm, theo tiêu chuẩn rất kinh tế là không được... gây lỗ lã. Một "bánh chưng" bó rất chặt, có nhân có bột rất dền rất nhuyễn, gói ngoài bìa là màu đỏ truyền thống của Việt Báo! 

Tuần qua, chuyện ấy đã xong. Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2012 thuộc về độc giả. 

Nhưng thay mặt cho cả dàn đầu bếp, người chủ biên vẫn có bổn phận.... thở - mà không than. 

Than thế nào được khi thấy tờ báo xuất hiện như đã dự tính từ đầu?

Ngay từ ban đầu, chủ đích của tờ giai phẩm - sợi dây nối kết nội dung như cái bánh chưng phải gói cho khéo và nấu cho dền - là trình bày được hai khía cạnh chính của cái "Việt tính".

Trên cái trục thời gian và không gian là sự hình thành của nước Việt và dân Việt với điểm tới của thế kỷ 21 là đồng bằng Cửu Long – chín con rồng. Nhưng, mở ra ngoài, cái Việt tính ấy phải tồn tại và là sự gắn bó vô hình của các thế hệ Việt Nam, từ khi Chúa Nguyễn Hoàng rời Thăng Long đi mở nước năm xưa, cho đến sự thành đạt của di dân ngày nay.

Cái Việt tính ấy không thu gọn vào lãnh thổ, trong Nam hay ngoài Bắc, Đàng Trong hay Đàng Ngoài, quốc nội hay hải ngoại. Và không thể bị chia cắt bởi những biến cố như 1954 hay 1975....

Ngày Tết là khi chúng ta tìm về cái chung đó của dân tộc. Vì vậy, đi từ trang sau lên trang trước của tờ báo sẽ phải có những đóng góp của nhiều người để thể hiện nổi điều ấy.

Nhà bếp xin được phép giới thiệu đôi chút:

Những tác giả nổi tiếng sau 12 năm xuất hiện của giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" đã cống hiến 18 bài viết khác nhau - mà không giới hạn trong chuyện Tết. Song song, người xưa và người nay, các nhà văn nhà thơ đã quá vãng vẫn tồn tại bên nhiều bài được viết ở bốn phương hải ngoại, và viết tại Việt Nam. Đó là 12 tác phẩm thơ đáng nhớ - mà không chỉ có Hồ Xuân Hương cùng Vũ Hoàng Chương – và 11 truyện ngắn xuất sắc của nhiều tác giả khác nhau, ở trong và ở ngoài nước. Người đã ra đi như Thảo Trường hay các tác giả vẫn còn và viết rất hay như Dương Nghiễm Mậu, Trần Nguyên Đán, Mai Kim Ngọc và Bồ Tùng Ma!...

Đặc biệt nhất, vì nhớ đến di dân và thế hệ trẻ của Việt Nam ở hải ngoại, giai phẩm Xuân Nhâm Thìn dành một vị trí riêng cho "Thế Hệ Một Rưỡi" - những người đã sinh ở Việt Nam, ra đi khi còn bé mà sống và thành tài ở hải ngoại. Họ suy tư, sáng tác và gắn bó với cái "hồn Việt" như thế nào trong thi ca, hội họa, thời trang, ẩm thực, điện ảnh, v.v...? 

Rất hay và rất lạ!

Nhiều người đã lo rằng rồi đây số người đọc và viết tiếng Việt ở bên ngoài sẽ ít dần. Vì độc giả quên dần ngôn ngữ của mẹ đẻ, truyền thông Việt ngữ sẽ không có tương lai, hoặc trở thành nơi tung hoành của truyền thông hay phong cách sinh hoạt ở trong nước.

Sự thể hình như hơi khác, độc giả mà đọc Đinh Linh hay Lại Thanh Hà và rất nhiều tác giả thuộc lớp trẻ thì sẽ thấy. Và đọc Trương Ngọc Bảo Xuân của "Viết Về Nước Mỹ" thì còn thấp thoáng nhìn ra một Hạm trưởng gốc Việt trên hàng không mẫu hạm CVN70.

Thời sự cứ hay nhắc đến chiếc Carl Vinson lớn lao đó trong các chuyến hải hành bảo vệ an ninh và cứu hộ nạn nhân thiên tai trên thế giới. Ít ai ngờ rằng chỉ huy chiến hạm ấy lại có con rồng Long Mỹ - tên thật của viên hạm trưởng. Con nhà di dân đất Cửu Long đấy!

Thật ra, dưới vòm trời này mọi người chúng ta đều là con cháu di dân.

Không ai sống mãi trên bờ nước năm xưa của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, hay của nàng Tiên Dung cùng với Chử Đông Tử! Khi ra đi, từ Việt Trì, Phú Thọ xuống Nam Định, Ninh Bình, từ Thăng Long vào Thuận Hoá hay Bình Định, An Giang, rồi từ Sàigon qua Úc qua Mỹ, v.v... chúng ta đem theo những gì?

"Đi, hành trang có niềm tin, quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con". Một nhà thơ viết như vậy từ lâu lắm rồi. Rất lãng mạn mà thực tế - vì hành trang là cả di sản của nhiều đời kết tụ trong tim.

Hành trang đó tiếp tục được đời sau nuôi dưỡng và trở thành một phần hồn của những người không thể quên được cái Việt tính của mình, dù có là công dân thành đạt trên xứ lạ. Với con rồng Đào Duy Từ năm xưa - người hay ngâm khúc Ngọa long cương – thì Phú Xuân là xứ lạ đấy! Với nhiều người tỵ nạn đời nay thì xứ lạ năm xưa đã trở thành quen, nhưng con cháu họ vẫn không quên gốc cũ.

Nói đến di dân và nhìn ra ngoài, thiên tài đa diện của nhân loại là Rabindranath Tagore thật ra cũng là cháu chắt di dân. Chuyện vĩ đại của ông không chỉ là thơ, là họa, là nhạc đã và còn đang được thế giới ca tụng 150 năm sau khi ông ra đời. Chuyện vĩ đại là thơ của ông trở thành quốc ca của ba quốc gia có lúc không đội trời chung vì đi theo ba tôn giáo khác nhau!

Cái "riêng" của ba nước vì lý do chính trị hay tôn giáo và cái "chung" của lời ngợi ca con người, cái nào mới là vĩnh cửu?

Việt Báo Xuân Nhâm Thìn "bỗng dưng" nhắc đến Tagore vì cái chung tuyệt đẹp này. Nhân tiện để ta cùng nhìn lại Ấn Độ, hay các nền văn hoá khác, kể cả những hoạn nạn của Trung Hoa khi đi vào thời hiện đại từ trăm năm nay mà hình như vẫn chưa tới!

Sau khi liếc qua một số đề tài thời sự không thể thiếu, dù là trong một tờ báo Xuân, may ra mình sẽ hiểu được ý nghĩa của chín con rồng Cửu Long, và thấy rằng năm Nhâm Thìn này sẽ có rất nhiều chuyện lạ!

Lời cuối vẫn là lời cảm tạ quý độc giả và thân chủ cùng các thân hữu đã góp phần thực hiện cái "bánh chưng" đặc biệt này của Việt Báo. Và thay mặt toàn ban biên tập và trị sự xin được kính chúc mọi người trong chúng ta một năm mới an vui, thái hoà.


[Sau những ngày lễ lạc của Nguyên Đán, Dainamax Tribune sẽ trở lại những hồ sơ nóng của thời sự quốc tế. Kính chúc quý vị bình an thanh thản. NXN]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét