Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121110
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
* Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Ben Bernanke -
trong một bức hý họa trở thành nhân vật phi phàm Obi-Wan Kenobi của bộ phim Star Wars
Người ta cứ ví von rằng "kinh tế học là một khoa học u ám". Vào đầu năm mới, giữa một chu kỳ suy trầm và bấp bênh, làm sao có thể viết bài kinh tế định kỳ trên trang báo này mà không làm độc giả cau mặt? Người viết xin... lách qua một bên và nói về một đề tài còn nhức đầu hơn nữa.
Đó là về ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, có cái tên rất lạ là Hội đồng Dự trữ Liên bang (Federal Board of Reserve), một hệ thống bán công bán tư, được truyền thông Mỹ gọi tắt là Fed. Xin đừng lầm với "Feds" là hỗn danh của cơ quan FBI.
Người viết xin miễn hành hạ độc giả với việc mô tả sự vận hành của hệ thống điều tiết tiền tệ và tín dụng của Hoa Kỳ, một định chế có ảnh hưởng toàn cầu vì vị trí của đồng Mỹ kim, mà nói về chủ điểm của cột mục này: "kinh tế cũng là chính trị".
Trong những năm sóng gió vừa qua, từ 2008 đến nay là bốn năm tròn, chính trường Hoa Kỳ đã đối phó với hoạn nạn kinh tế tài chánh như người hóa dại. Chỉ vì bài toán quá phức tạp, gần như hơn nửa thế kỷ mới xảy ra một lần và đòi hỏi những giải pháp ra khỏi nhuôn khổ cổ điển. Vì tình trạng đó, duy nhất một cơ chế còn khả năng xoay trở đã liên tục can thiệp và ban hành nhiều biện pháp đặc biệt. Đó là Ngân hàng Trung ương Mỹ, một định chế độc lập.
Và giữa những xoay vần khó hiểu, định chế này có vinh dự đón nhận mọi lời chỉ trích: trở thành nạn nhân vì bị quy tội là thủ phạm của những tai ách kinh tế hiện nay!
Cánh tả, bên đảng Dân Chủ, thì đòi kiểm soát Ngân hàng Trung ương chứ không thể để định chế này lộng hành. Cánh hữu, bên đảng Cộng Hoà, thì còn cực đoan hơn, đòi giải tán luôn cơ chế độc nhất đã tung ra biện pháp đối phó. Đấy là chuyện chính trị, nhiều phần tào lao, trong một năm bầu cử. Chuyện kinh tế là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ làm gì?
Liệu có tái diễn một quyết định bất thường là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" - Quantitative Easing hay QE - lần thứ ba không? Đó là chuyện QE3 mà quý độc giả vẫn thấy truyền thông kinh tế tài chính nói tới. Nôm na là có tiếp tục bơm tiền để cứu hỏa kinh tế không?
Bài này sẽ phân tích và phần nào giải thích tiến trình quyết định ấy.
***
Quyết định ấy chi phối cả thị trường - đồng tiền của quý vị - lẫn chính trường. Bên trong định chế, bộ phận có nhiệm vụ quyết định là Ủy ban Tiền tệ, có cái tên lạ là Federal Open Market Committee gọi tắt là FOMC. Sáu tuần một lần, 12 thành viên của FOMC có các buổi họp định kỳ vào ngày Thứ Ba (qua ngày Thứ Tư), nhưng FOMC vẫn có thẩm quyền thảo luận và can thiệp cấp bách nếu có nhu cầu.
Ngân hàng Trung ương này có phong thái hành xử khó hiểu nên là đối tượng của một bộ môn nghiên cứu riêng. Giới nghiên cứu phải suy diễn ngôn từ (Fed Speak) và động thái của nó để dự đoán những quyết định tương lai.
Nhưng ta có thể... "giải mã" bí ẩn của định chế này ở ba khía cạnh.
Thứ nhất là sự "cố ý mập mờ" - không bạch hóa chủ đích của mình - hầu giới đầu cơ khỏi gieo thêm sóng gió trên thị trường. Hai chức năng chính thức của Ngân hàng Trung ương Mỹ là 1) bảo đảm ổn định vật giá và 2) tạo điều kiện nhân dụng tối hảo (việc làm tối đa và thất nghiệp tối thiểu. Giữa hai mé bờ đó, nghệ thuật của Ngân hàng Trung ương là sự mờ ảo.
Thứ hai, nhất là dưới sự lãnh đạo của đương kim Chủ tịch Ben Bernanke, là phép... "đa nguyên". Dù độc lập và mờ ảo, định chế này không là một thế lực độc tài độc đảng mờ ám vì bên trong có nhiều quan điểm khác biệt mà công chúng có thể biết nếu chịu khó theo dõi. Đó là khác biệt quan điểm về ưu tiên giữa hai nhiệm vụ ổn định và nhân dụng nói trên.
Thứ ba, đây là một định chế... dân chủ! Thống đốc Bernanke là giáo sư kinh tế, chuyên gia về vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, và dày kinh nghiệm về nạn Tổng suy trầm hiện nay (2008-2009) nên ý thức được là người hữu trách phải đón nhận ý kiến từ nhiều xuất xứ khác nhau thay vì tự tiện quyết định. Quy luật dân chủ này là điều ít ai để ý tới.
Lý luận rằng "tư bản đã tính toán mọi chuyện" và rằng "Ngân hàng Trung ương Mỹ" chỉ là công cụ của tư bản hay tài phiệt Do Thái là chuyện hấp dẫn... cho báo lá cải ở các nước nhược tiểu.
Ba khía cạnh đó giải thích cách phản ứng khi giông tố nổi lên trên thị trường tài chánh Mỹ hồi Tháng Chín 2008, và cho đến nay vẫn còn vần vũ.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thận trọng trong phản ứng chỉ vì đặc tính đa nguyên và dân chủ. Khi ban hành biện pháp tiền tệ, như hai lần in bạc bơm tiền (QE) thì họ cũng xác định giới hạn về ngạch số và thời gian áp dụng, chỉ vì nhiều thành viên trong Ủy ban Tiền tệ đòi hỏi như vậy, chứ họ không khoán trắng hoặc mở bung vòi nước cứu hỏa chảy chan hòa ra mọi nơi. Thứ ba, quyết định ấy là kết quả của một sự đồng thuận nhất thời và sau đấy được công bố ra ngoài. Và sau cùng, biên bản các buổi họp của Ủy ban FOMC có trình bày chiều hướng quyết định, bao nhiêu và bao lâu, với quan điểm có thể khác biệt của một thiểu số, thường là từ ba Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Địa phương, những nhân vật rất quan tâm đến nguy cơ lạm phát.
Mấy chuyện rắc rối ấy có nghĩa là gì? Và cho thấy những gì trong tương lai?
***
Vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ giữa chu kỳ suy trầm khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ có quyết định lạ là hạ lãi suất tới số không, và còn nói thẳng là sẽ duy trì lãi suất "cận âm" đó khá lâu dưới đáy. Khi sóng gió vẫn hoành hành, định chế này nói thêm và nói thật là sẽ kéo dài biện pháp bất thường này lâu hơn dự tính. Lần cuối, vào Tháng Tám vừa rồi, kỳ hạn bất thường được cho biết là sẽ duy trì đến giữa năm 2013. Quý vị cứ liệu đó mà tính!
Rồi sau vụ bầu cử 2010 các chính khách lại lâm trường loạn đả, làm thị trường hoang mang.
Ngân hàng Trung ương bước ra thông báo là sẽ lại tăng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative) qua thể thức bút ghi kế toán ngân hàng: thực tế là in bạc khi lãi suất vẫn bò ngang mặt đất. Sau đó còn can thiệp theo kiểu "định phẩm" – qualitative – là hoán chuyển cơ cấu tài chính của các ngân hàng từ loại đoản kỳ dài hạn, từ ít rủi ro qua loại có rủi ro cao hơn....
Giữa bối cảnh đầy nhiễu âm cuồng nộ của chính trường trong một mùa tranh cử, nếu nhìn lại tiến trình quyết định của Ngân hàng Trung ương thì ta thấy guồng máy điều tiết kinh tế và tài chánh Hoa Kỳ vẫn vận hành. Người viết còn dự đoán một đợt bơm tiền thứ ba, QE3, có thể ban hành vào giữa năm nay.
Nhưng bài viết này không nói về chuyện bói toán tài chánh!
Điều cần nhấn mạnh là trong sự xôn xao, háo hức hay hậm hực của dư luận về chính trường vào mùa tranh cử, Hoa Kỳ vẫn có những guồng máy lạnh lùng theo dõi toàn cuộc và lấy quyết định cần thiết, với tinh thần đa nguyên, dân chủ và rất chuyên nghiệp. Người Mỹ có hiểu biết thì thấy rằng Ngân hàng Trung ương là cái cột hiếm hoi của thị trường, cái neo đã kín đáo giữ gìn cho cơn sóng dữ không nhận chìm tất cả.
Công lao ấy không thuộc về Thống đốc Bernanke, người thường xuyên bị hai viện Quốc hội đàn hặc trong bốn buổi điều trần hàng năm, hoặc bị một số chính khách mị dân đòi phải từ chức! Công lao ấy thuộc về đặc tính của nền dân chủ Mỹ và nhiều thế hệ đã xây dựng được loại cơ chế có thể bình thản mà không tự tiện quyết định về sự an toàn hay thịnh vượng của người khác.
Kinh tế cũng là chính trị, nhưng có khi thoát được tai họa chính trị nhất thời chính là nhờ loại cơ chế đó. Bây giờ, xin hãy nhìn qua Ngân hàng Trung ương và các ban ngành linh tinh của đảng Cộng sản Trung Quốc hay Việt Nam thì ta thấy ra sự khác biệt!
Nhưng đây là chuyện u ám nên tránh vào buổi đầu năm....
Nhưng đây là chuyện u ám nên tránh vào buổi đầu năm....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét