Thứ Tư, tháng 2 29, 2012

Cải tiến Năng suất để Tăng trưởng Bền vững

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20120229

Vàng son lợt sắc rồi, chỉ còn tăng năng suất mà thôi....



* AFP photo - Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh bên trong 
khách sạn và khu nghỉ dưỡng Venetian casino ở Macau 
vào ngày 29 tháng 2 năm 2012. Nền kinh tế của Macau phụ thuộc 
nhiều vào du lịch và đánh bạc.*


Tuần qua, một ngẫu nhiên là hai báo cáo của quốc tế cùng đưa ra những khuyến cáo về yêu cầu cải cách kinh tế tại Trung Quốc và Việt Nam. 

Trước hết là của doanh nghiệp tư vấn kinh doanh McKinsey về việc Việt Nam cần cải tiến năng suất để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Sau đó là của Ngân hàng Thế giới về việc kinh tế Trung Quốc có sáu ưu tiên cần cải cách để tránh cơn khủng hoảng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu trước hết về những khuyến cáo cho Việt Nam qua cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Yêu cầu Cải cách


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, gần như cùng lúc, người ta thấy một nghịch lý ở hai bờ biển Thái bình dương. Hội nghị tuần qua tại Mexico của khối G-20 hoài nghi kế hoạch cứu nguy kinh tế Hy Lạp và đồng Euro của Âu Châu nên không muốn châm thêm tiền cấp cứu. Thế rồi, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cùng các giới chức Trung Quốc công bố một kết quả nghiên cứu hỗn hợp với sáu khuyến cáo về cải cách kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nghiệp nổi tiếng về tư vấn kinh doanh là McKinsey lại vừa phổ biến báo cáo về cải cách kinh tế tại Việt Nam. Câu đầu tiên, thưa ông, vì sao mà nơi nào cũng nói đến cải cách vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu lùi lại một chút để nhìn vào tin tức thời sự trong viễn ảnh dài thì ta thấy ra một nghịch lý còn lạ hơn. Trước bao khó khăn chồng chất của khối công nghiệp hoá Âu, Mỹ và Nhật, nhiều người vội nói như đã từng nói từ mấy trăm năm về khủng hoảng tất yếu của tư bản chủ nghĩa hay thể chế kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Trong khi ấy, mà cũng xuất phát từ các quốc gia này, ta lại thấy nhiều công trình nghiên cứu về hai nền kinh tế có vẻ đang lên là Trung Quốc và Việt Nam với một số khuyến cáo rất chuyên môn về yêu cầu cải cách.

- Như vậy, chả hoá kinh tế tự do đang khủng hoảng mà chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc hay Việt Nam cũng không khá hơn hay sao? Mà tại sao khuyến cáo về cải tổ khá cấp bách lại chỉ xuất phát từ các quốc gia tư bản? Chuyện ấy mới khiến ta lưu ý đến hai lối nhìn gần xa vào cùng một đối tượng là kinh tế.

- Các quốc gia tiên tiến đang tranh luận dữ dội về khủng hoảng của họ, nhưng cũng phân tích các nền kinh tế đi sau và đang lên, như Trung Quốc và Việt Nam, để cảnh báo về rủi ro trước mặt, là những điều mà họ đã gặp hay đã nghiên cứu, và đề nghị những biện pháp cải cách cụ thể. Hai lối nhìn trường kỳ và đoản kỳ ấy có phản ảnh hai cách hành xử khác nhau. Trong bối cảnh đó, mình mới nhắc sơ về hai bản nghiên cứu dành cho Trung Quốc và Việt Nam.

Vũ Hoàng: Như vậy, trước hết, xin đề nghị ông tóm lược về công trình nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một định chế quốc tế do các nước Tây phương lập ra để yểm trợ - qua viện trợ và cố vấn kỹ thuật - các nền kinh tế nhược tiểu và đang lên từ sau Thế chiến II. Từ 30 năm qua, tổ chức này đã quan tâm và tích cực yểm trợ việc cải cách kinh tế của Trung Quốc, tích cực đến độ nhiều người cho là nó thiên vị với Trung Quốc nếu so với các nước nghèo khác.

- Thế rồi năm 2010, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, là một người Mỹ, mới đề nghị lãnh đạo Bắc Kinh là cần nghiên cứu tình hình kinh tế Trung Quốc vì xứ này đã tiến tới một hình thái phát triển khác nên đòi hỏi một cách quản lý khác. Ta không quên rằng năm 2010 cũng là khi kinh tế Trung Quốc mới vừa vượt qua Nhật Bản. Kết quả là một trung tâm nghiên cứu về phát triển của Chính phủ Bắc Kinh đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để tiến hành việc nghiên cứu.

- Hôm Thứ Hai 27 vừa rồi họ mới công bố một phúc trình dày hơn 400 trang dưới tiêu đề "Trung Quốc 2030" với một kết luận tôi xin ngắn gọn tóm lược là "kinh tế Trung Quốc là một trái bom nổ chậm và nếu không cấp tốc cải cách thì có thể rơi vào bẫy xập của các nước có lợi tức trung bình là không lên tới trình độ có lợi tức cao". Chúng ta sẽ còn cơ hội nói về bản báo cáo đặc biệt này và nhất là việc Ngân hàng Thế giới tránh nói đến những vấn đề chính trị tiềm ẩn ở dưới.

Vũ Hoàng: Có lẽ ông muốn tập trung vào một báo cáo khác, của công ty McKinsey? Đầu tiên, thưa ông công ty đó là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong thế giới văn minh, các doanh nghiệp dù là tiên tiến vẫn mời người bên ngoài vào nghiên cứu và cố vấn họ về cách kinh doanh hữu hiệu hơn. Nôm na là họ không chủ quan mà cần cái nhìn chuyên môn và khách quan của các chuyên gia về quản trị. Vì vậy mới có một ngành gọi là "tư vấn quản trị".
McKinsey là loại doanh nghiệp đứng đầu về tư vấn quản trị, đã hoạt động từ hơn 80 năm, hiện có 9.000 nhân viên trong cả trăm văn phòng ở 55 quốc gia trên thế giới. Khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nghiệp, nhất là loại doanh nghiệp có phương tiện thuê cố vấn rất đắt tiền.

- Thế rồi vì nhu cầu tư vấn cho khách hàng, họ nghiên cứu các thị trường và tích lũy kinh nghiệm đa diện từ các nước lớn nhỏ, và còn công bố kết quả nghiên cứu. Việc đó có lợi cho McKinsey vì giúp khách hàng hiểu biết hơn về môi trường kinh doanh và nếu có nhu cầu thì sẽ mời McKinsey làm cố vấn. Do đó, giá trị của công trình nghiên cứu là yếu tố quan trọng. Bây giờ, họ vừa công bố một kết quả nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.


Nội dung kết quả nghiên cứu là "thời vàng son của kinh tế Việt Nam đã hết!"... kinh tế Việt Nam đang hụt hơi – "out of steam" – và chỉ thấy thời tăng trưởng cao trong tấm kính chiếu hậu!
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần hấp dẫn cho thính giả vì đề cập đến trường hợp Việt Nam. Thưa ông, nội dung kết quả nghiên cứu này gồm có những gì là đáng chú ý?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - McKinsey phổ biến phúc trình dày hơn 40 trang rất chuyên môn về kinh tế Việt Nam và giới thiệu phần tóm lược trên số mới nhất của tập Quý san McKinsey Quarterly. Nội dung kết quả nghiên cứu là "thời vàng son của kinh tế Việt Nam đã hết!" Dĩ nhiên là họ không nói phũ như vậy mà chỉ bảo rằng kinh tế Việt Nam đang hụt hơi – out of steam – và chỉ thấy thời tăng trưởng cao trong tấm kính chiếu hậu! Đấy là một thực tế.

- Trên cơ sở của số liệu kinh tế do Việt Nam phổ biến, rất lịch sự, McKinsey trình bày các khó khăn trước mặt và trong lâu dài của xứ này. Nhưng, là doanh nghiệp có chức năng và kiếm tiền nhờ giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề, McKinsey mới nêu ra bốn hướng giải quyết cho chính quyền Việt Nam, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao năng suất thay vì cứ ỷ vào lợi thế dân đông lương thấp để chiêu dụ khách hàng vì lợi thế ấy đã và đang mất dần....

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ tìm hiểu trước tiên về hiện tượng họ gọi là hụt hơi đó. Thưa ông, vì sao lại như vậy? Câu hỏi này rất đáng quan tâm khi mà lãnh đạo Việt Nam cũng đang ráo riết nói đến cải cách và tái cơ cấu giữa những khó khăn được cho là nguy kịch nhất từ 20 năm qua.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sống trong thế giới thật, các doanh nghiệp không thích khẩu hiệu để tự ru ngủ và cũng chẳng tin vào phép lạ của nghị quyết. Họ thực tế hay thành thật hơn nhiều!

- McKinsey rà lại thành tích kinh tế của Việt Nam từ 1986 đến nay, tập trung vào năm năm sau cùng, và nhận định rằng sở dĩ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao chính là nhờ 1) dân số gia tăng, 2) chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp qua chế biến và dịch vụ và 3) là nhờ năng suất. Họ còn phân định ra sức đóng góp của ba thành tố đó theo tỷ lệ 36, 30 và 34 cho đà tăng trưởng 7% một năm kể từ 2005 đến 2010.

- Kế đó, họ nói chỉ tiêu tăng trưởng 7-8% cho đến năm 2020 như Đại hội XI đề ra từ đầu năm ngoái là vô vọng cũng do thay đổi trong cơ cấu dân số. Trong khi ấy, Việt Nam đang gặp thất lợi vì bối cảnh bất trắc của toàn cầu và nhất là vì bất ổn của chế độ quản lý kinh tế vĩ mô hiện nay. Sau cùng, nếu muốn tăng trưởng 7% thì Việt Nam chỉ có một cách là cải tiến năng suất. Căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế và lâu dài của mình, McKinsey cụ thể nêu ra bốn hướng giải quyết cho chính quyền Việt Nam nếu muốn có được tăng trưởng vững bền, là tựa đề của bản báo cáo.

 

Hiện trạng Kinh tế Việt Nam

 


000_Hkg6786283-250.jpg

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 11 tháng 1 năm 2012. AFP photo


Vũ Hoàng: Nếu ta hiểu không lầm thì McKiney đi từ quá khứ vàng son đến thực tại bất ổn và tương lai khó bền vững nếu Việ Nam không nâng cao năng suất. Khi đối chiếu với nhận định của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc thì hình như cả hai nền kinh tế này đều đã đi hết chu kỳ sáng láng và đang gặp vấn đề. Thưa có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả là thế và ta nên mừng là thế giới có người cảnh báo như vậy, và mỉa mai thay, lời cảnh báo lại xuất phát từ những nơi mà lãnh đạo Việt Nam cứ mạ lỵ là "các thế lực thù địch"! Đúng là chuyện của người tỉnh và kẻ điên!

- Trở lại chuyện Việt Nam, McKinsey nhìn vào sự bất ổn hiện tại, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để chẩn bệnh và cảnh báo. Căn cứ trên những gì đã xảy ra ở xứ khác vào thời khác, họ thấy ra triệu chứng báo hiệu những biến động tín dụng, ngân sách và ngoại hối mà Việt Nam sẽ gặp nay mai. Họ chẳng phê phán mà chỉ khách quan nói về chuyên môn. Thế rồi nhìn vào trường kỳ, cũng với lời lẽ lịch sự, họ khuyên Việt Nam nên thay đổi. Nếu không, thì từ nay đến năm 2020, đà tăng trưởng sẽ chỉ còn là 4,5 đến 5%, và kinh tế sẽ mất 30%, cụ thể là 46 tỷ đô la, và tiêu thụ sẽ hụt mất 31 tỷ. Và như vậy Việt Nam khó thoát khỏi bẫy xập lợi tức nên sẽ còn nghèo.

Vũ Hoàng: Trước khi ta nói đến cải tiến năng suất, McKinsey nhận định thế nào về hiện trạng kinh tế của Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đối chiếu tình hình Việt Nam với các nước Á châu và căn cứ trên 20 năm nghiên cứu về cải tiến năng suất tại hơn hai chục quốc gia trong 30 khu vực sản xuất khác nhau, McKinsey cho rằng Việt Nam phải chấn chỉnh lại hiện trạng bất ổn để có được nền móng lành mạnh và ổn định. Cụ thể thì không còn là lúc hỏi nhau rằng phải làm gì mà là làm thế nào. Đi vào thực tế, Việt Nam có bốn ưu tiên phải cải tiến thì về dài mới nâng cao được năng suất.

Vũ Hoàng: Đúng là cái nhìn tích cực của một cơ quan tư vấn khi họ nói ra là làm như thế nào. Thưa ông, cụ thể thì làm như thế nào trong bốn hướng mà McKinsey khuyến cáo?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khuyến cáo thứ nhất là Việt Nam phải duy trì được quân bình vĩ mô và tài chính ngân hàng, điều này thì chính quyền đã biết và cũng biết sợ vì McKinsey nói trước về nguy cơ khủng hoảng. Thứ hai là phải tăng cường sức mạnh cho những thành tố có thể cải tiến năng suất. Trong các động lực của năng suất, vì nhược điểm nặng nhất của Việt Nam so với các xứ khác chính là giáo dục và hạ tầng cơ sở nên McKinsey đề ra một số giải pháp thiết thực cho hai lĩnh vực đó, với phần nhấn mạnh về đào tạo tay nghề và về kỹ nghệ du lịch.

- Thứ ba, sau khi ổn định môi trường vĩ mô thì chính quyền phải tinh vi kiểm lại xem khu vực nào có tầm quan trọng nhất để cải tiến năng suất mà tập trung khai thông trở ngại và ra sức yểm trợ các khu vực đó. McKinsey nêu ra bốn khu vực  đáng chú ý là 1) thủy sản, 2) là ở nhà mà làm gia công cho thiên hạ về công nghệ điện tử, 3) là nâng trình độ trong khu vực chế biến lên cấp cao hơn và sau cùng, 4) là cải tiến hiệu năng tiêu thụ điện lực để giảm số cầu.

Khuyến cáo thứ tư là chính phủ phải tiếp tục cải tiến hiệu năng quản lý của khu vực nhà nước. Về phần này, họ nhắc đến việc quản lý doanh nghiệp nhà nước và tăng cường khả năng thực thi các quyết định cùng khả năng ứng phó mau lẹ với những đòi hỏi của tình hình. Đáng chú ý trong khuyến cáo này là lời ngầm khuyên về nhu cầu quan niệm lại vai trò của nhà nước trong kinh tế và nỗ lực giải quyết những vấn đề ngày một tinh tế và phức tạp hơn của quản lý và cai trị.

Vũ Hoàng: Theo như chúng ta hiểu, McKinsey có thân chủ là các doanh nghiệp mà hình như nội dung báo cáo lại hướng vào những chính sách ứng phó cần thiết của chính quyền. Với các doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam thì họ có khuyên gì không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rất ngắn gọn là đừng tưởng bở!
- Nhiều doanh nghiệp quốc tế nghĩ đến việc đầu tư vào Việt Nam như cách thủ thế để tránh rủi ro trên thị trường Trung Quốc. Thật ra, Việt Nam đang có thực tại đầy biến động và tương lai là một đà tăng trưởng chậm hơn. Vì vậy, trong phần kết luận họ khuyên cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Việt Nam lẫn các công ty đa quốc của thế giới là phải cải tiến khả năng cạnh tranh, phải linh động ra soát tình hình thực tế và góp phần yểm trợ lẫn tác động để chính quyền Việt Nam phải nâng cao năng suất.

- Để kết luận, tôi cho rằng McKinsey rất nhã nhặn nói đến sự bất toàn kinh tế của Việt Nam và rất chuyên môn chỉ ra cái hướng thoát hiểm mà các xứ khác đều đã gặp và Việt Nam sẽ gặp. Còn lại, có tin tưởng và dám cải cách không thì tùy trình độ và nói cho cùng, với loại doanh nghiệp như McKinsey thì Việt Nam là một thị trường nhỏ, đang mất dần những ưu thế rất giai đoạn vừa qua và nếu không cải tiến thì sẽ tụt hậu, thiên hạ sẽ đi nơi khác.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về đề tài khá phức tạp này.

Thứ Ba, tháng 2 28, 2012

Cải Tiến Năng Suất: Một Lối Thoát Cho Kinh Tế Việt Nam

Mai Vân & Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày 20120228
TẠP CHÍ KINH TẾ RFI

Vàng son là quá khứ, tương lai là cải tiến năng suất, nếu không thì sẽ mất 30% sản lượng....

Thu hoạch mía tại Thanh Hóa. Ảnh chụp ngày 24/02/2012.
* Thu hoạch mía tại Thanh Hóa. Ảnh chụp ngày 24/02/2012. REUTERS/Kham *


Mai Vân / Nguyễn Xuân Nghĩa
Embed
 
 
“Đưa kinh tế Việt Nam lên tầng cao hơn” (Taking Vietnam’s Economy to the Next Level), đó là tựa đề bản nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Toàn cầu Mckinsey (McKinsey Global Institute) công bố vào tháng 2/2012. Nguyên là một hãng tư vấn về quản trị thuộc hàng đầu thế giới, McKinsey đã khen ngợi thành tích của kinh tế Việt Nam cho đến năm 2010, trước khi cảnh báo rằng Việt Nam cần phải nỗ lực cải tiến năng suất lao động nếu muốn duy trì thành quả tăng trưởng đã qua.

Mở đầu bản báo cáo, McKinsey đã hết sức ca ngợi thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong một phần tư thế kỷ vừa qua: “Việt Nam đã vươn lên thành một trong những tấm gương thành đạt sáng nhất châu Á. Trên một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, kinh tế đã tăng trưởng bình quân 5,3% một năm kể từ năm 1986, nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác, ngoại trừ Trung Quốc”.

Giải thích về các nhân tố đã giúp Việt Nam thành công, McKinsey nêu bật hai loạt điều kiện thuận lợi, bên trong và bên ngoài. Về các yếu tố nội tại, McKinsey cho rằng: “Việt Nam đã thừa hưởng được kết quả của một chương trình tái cấu trúc nội bộ, một quá trình chuyển đổi từ nền tảng nông nghiệp qua công nghiệp và dịch vụ, và một lợi thế dân số bắt nguồn từ một lực lượng lao động trẻ”.

Về nhân tố bên ngoài, McKinsey cho rằng Việt Nam cũng đã giàu lên từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007, bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Mỹ, và bảo đảm sao cho nền kinh tế thường xuyên là nơi thu hút giới đầu tư nước ngoài thuộc hạng mạnh mẽ nhất châu Á.

Theo Viện Kinh tế Toàn cầu McKinsey, có ba động lực đã thúc đẩy sức tăng trưởng của Việt Nam được ước lượng khoảng 7% một năm kể từ 2005 đến 2010. Đó là đà gia tăng dân số lao động, sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực sản xuất khác và thứ ba là sự cải tiến năng suất trong các khu vực kinh tế.

Tuy nhiên, theo bản nghiên cứu, hai động lực đầu tiên ngày càng yếu đi, không còn đủ sức thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Số liệu thống kê chính thức của Việt Nam đã chỉ ra rằng tăng trưởng của lực lượng lao động trong nước sẽ chỉ còn khoảng 0,6% mỗi năm trong một thập niên tới đây, so với mức tăng bình quân 2,8% từ năm 2000 đến 2010.

Tương tự như vậy, căn cứ vào tốc độ chuyển dịch lao động nhanh chóng trong thập kỷ qua từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực khác, rất ít có khả năng tốc độ này gia tăng hơn nữa để nâng cao đủ năng suất nhằm bù đắp cho đà tăng trưởng chậm lại của lực lượng lao động.

Trong tình hình không còn hai lợi thế kể trên, theo McKinsey, Việt Nam phải cải tiến năng suất thì mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đã qua, và khỏi bị thất thu gần một phần ba sản lượng vào năm 2020. Tức là khỏi mất 46 tỷ đô la....

Đó chính là ý nghĩa của lời khuyến cáo chính được Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey ghi ngay trên trang bìa phần tóm lược bản báo cáo vừa công bố: “Để tiếp tục chiều hướng tăng trưởng GDP mạnh mẽ, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng suất lao động của mình”. 

Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã phân tích thêm về những khuyến cáo của McKinsey.

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Chắc rằng anh đã có dịp đọc bản phúc trình này của McKinsey. Anh nghĩ sao về những khuyến cáo cho Việt Nam của công ty tư vấn kinh doanh nổi tiếng này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bản phúc trình dày sáu chục trang của McKinsey & Company đã được tóm lược trong tờ quý san mới nhất của công ty là McKinsey Quarterly. Tôi thiển nghĩ rằng tài liệu này đáng được một giải thưởng về tài ngoại giao khi trình bày một thực đơn đầy vị chua ngọt. Rất ngọt ngào về quá khứ đang tàn phai và khá chua chát về tương lai trước mặt ! 

RFI: Anh có cái cách mở đầu khá vui về một đề tài nhức đầu là kinh tế! Xin anh giải thích cho thính giả về khía cạnh anh gọi là chua ngọt đó. 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa, McKinsey là doanh nghiệp thuộc hạng nhất thế giới về tư vấn kinh doanh với hơn chín ngàn nhân viên hoạt động tại gần 100 văn phòng ở 55 quốc gia. Đa số khách hàng là các xí nghiệp, nhưng nội dung bản báo cáo rõ ràng là trình bày cho nhà cầm quyền Việt Nam bốn yêu cầu cải tiến về chính sách. Nôm na là những khuyến cáo dành cho chính phủ để có được tăng trưởng bền vững, nên tôi nghĩ là họ phải bọc đường mấy viên thuốc đắng cho dễ nuốt. 

- Vì vậy, phần đầu ngợi ca những thành tựu kinh tế của quá khứ như khi ta nhìn qua "tấm kính chiếu hậu" – là chữ của bản báo cáo. Qua phần hai, là khi lớp đường ngọt đã tan, thì bản báo cáo vạch ra những thách đố trước mặt như bối cảnh bất trắc của toàn cầu và sức ép của kinh tế vĩ mô bên trong, với nội dung phê phán chính sách mà ta có thể ngầm hiểu ra. 

- Nhưng từ một doanh nghiệp kiếm ra tiền nhờ giúp thiên hạ giải quyết vấn đề, bản phúc trình đề nghị bốn lịch trình cải cách về chính sách quản lý kinh tế, và đây là phần trọng yếu và dày nhất của bản nghiên cứu. Sau cùng mới là phần cảnh báo khách hàng của mình là các doanh nghiệp đã hoặc sẽ làm ăn tại Việt Nam, từ xí nghiệp quốc doanh và tư doanh Việt Nam đến các công ty đa quốc của nước ngoài. Một chi tiết kỹ thuật cũng đáng chú ý là họ rất lịch sự sử dụng thống kê của Việt Nam như những dữ kiện đáng tin, dù rằng trong nghề tư vấn về quản trị thì việc kiểm tra lại sự xác thực của kế toán vẫn là bước sơ đẳng. 

RFI: Anh tóm lược nội dung như vậy thì ai cũng tò mò muốn hiểu về phần hai là những thách đố trước mặt của Việt Nam. Thưa anh, báo cáo của McKinsey nhận định thế nào ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Yếu tố đầy bất trắc và chưa hồi phục của kinh tế toàn cầu là một thực tế khách quan. Vì suy trầm kinh tế thế giới dẫn đến giảm sút ngoại thương và đầu tư quốc tế từ đầu năm 2009 nên chính quyền Việt Nam đã ban hành chính sách vĩ mô để giữ đà tăng trưởng, rồi lãnh hậu quả bất lợi, như bội chi ngân sách, khiếm hụt mậu dịch, áp lực vật giá và biến động ngoại hối. Ngày nay, hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam đã có dấu hiệu bấp bênh. Được yểm sâu trong bản báo cáo là những phê phán về vai trò tiêu cực của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng họ khéo trình bày thành những cân nhắc khách quan về năng suất đầu tư! Thế rồi, nhìn vào tương lai dài hạn hơn, bản báo cáo nói đến sự "hụt hơi", cũng là chữ của họ, vì các động lực tăng trưởng cố hữu đã và sẽ còn giảm sút. 

- Qua những năm tới, nếu Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng là 7% một năm như mấy năm trước, thậm chí 7-8% từ nay cho đến năm 2020 như Đại hội 11 đề ra từ đầu năm ngoái, thì chính quyền phải nâng năng suất lao động thêm 50%. Trong giả thuyết Việt Nam cứ duy trì hiện trạng, thì kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng từ 4,5 đến 5%. So với tốc độ trung bình của các nước Đông Nam Á trong 30 năm qua thì đấy cũng là đáng nể, nhưng vẫn dưới chỉ tiêu. Thật ra, nếu không cải tiến năng suất thì tốc độ ấy có nghĩa là kinh tế bị hụt 30% sản lượng, cụ thể là thất thâu 46 tỷ đô la và sức tiêu thụ của tư nhân bị hụt mất 31 tỷ. Đấy mới là một lời cảnh báo khá nghiêm trọng.

RFI: Sau khi cảnh báo Việt Nam có tương lai không sáng sủa bằng quá khứ, bản phúc trình này khuyến cáo những gì về việc nâng sao năng suất? Mà thưa anh, vì sao nội dung tài liệu lại tập trung vào chuyện năng suất vậy? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ai cũng có thể hiểu rằng sản lượng kinh tế chỉ tăng khi thêm người sản suất, đó là động lực về dân số, hay lực lượng lao động được dành cho sản xuất. Rồi sản lượng có thể tăng nếu mỗi người lao động lại đạt hiệu năng cao hơn, nôm na là cùng một sức lao động lại sản xuất ra nhiều của cải hơn, người ta gọi đó là năng suất. Tức là sau dân số thì còn có dân trí. 

- Theo báo cáo của McKinsey thì trong quá khứ, cái gọi là phép lạ kinh tế của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ba yếu tố được họ kiểm tra trong giai đoạn từ 2005 đến 2010. Thứ nhất là đà gia tăng dân số với lớp người trẻ đã tham gia trị trường lao động. Yếu tố đó đóng góp 36%, là hơn một phần ba, vào đà tăng trưởng 7% của năm năm qua. Thứ hai là sự chuyển dịch dân số từ khu vực nông nghiệp qua các khu vực sản xuất khác, như chế biến hay dịch vụ. Yếu tố đó đóng góp 30% vào đà tăng trưởng 7%, khi nhân lực trong canh nông được giải phóng. Thứ ba là năng suất chung của các khu vực có được cải tiến nên góp thêm 34% vào đà tăng trưởng. Yếu tố này là kết quả của cải cách kinh tế và của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế rồi giao lưu với thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư của quốc tế. 

- Nhưng nếu nhìn trong trường kỳ thì ba động lực ấy không bền vững và không thể tiếp tục đẩy kinh tế đi lên với tốc độ 7%. Thứ nhất là sự chuyển dịch chậm rãi của dân số khiến lực lượng lao động sẽ giảm dần, và thành phần trẻ trung sung mãn cũng sẽ ít đi như tại nhiều xứ khác. Thay vì tăng 2,8% như từ 10 năm qua, vào thập niên tới, dân số Việt Nam chỉ tăng có 0,6% một năm mà thôi. 

- Khi số lao động giảm, chi phí lao động tăng và doanh nghiệp bắt đầu khó tuyển được người làm ở Việt Nam. Trong khung cảnh đó, dân số từ nông nghiệp cũng giảm và sự chuyển dịch từ quê lên tỉnh để sản xuất trong các khu vực khác cũng vậy. Cho nên chỉ còn một giải pháp nâng cao sản xuất là cải tiến năng suất lao động, như hầu hết các xứ khác đều phải làm. Cụ thể thì Việt Nam hết còn trông cậy vào lợi thế người đông, lương rẻ mà bắt đầu phải tính kiểu khác ! 

RFI: Và báo cáo của McKinsey mới khuyến cáo thế nào về các giải pháp nâng cao năng suất?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tích lũy hơn 20 năm kinh nghiệm về cải tiến năng suất trong 30 khu vực kinh tế và tại hơn hai chục quốc gia, McKinsey đề ra cho Việt Nam bốn ưu tiên cải cách về chính sách.

- Thứ nhất là sửa sai để bảo đảm ổn định vĩ mô, với sự nhấn mạnh về việc sửa mà lịch sự bỏ qua nhiều chuyện sai.

- Thứ hai là tăng cường các thành tố của năng suất, là giáo dục và hạ tầng cơ sở, với sự nhấn mạnh về hiệu năng và minh bạch trong giáo dục và đào tạo và về hạ tầng cơ sở cho kỹ nghệ du lịch, là điều mà bản thân tôi cho là khá độc đáo !

- Thứ ba là định lại nghị trình kinh tế theo hai hướng là phải có phối hợp và tập trung vào một số ngành công nghiệp. 

- Thứ tư là phải tiếp tục cải cách vai trò và khả năng của chính phủ để có thể áp dụng một chính sách tinh tế hơn. Đây là phần đắng nhất của liều thuốc bọc đường, nhưng lại khéo đưa ra qua thí dụ của các xứ khác để khỏi làm con bệnh phật ý !

RFI: Tổng kết lại thì anh đánh giá thế nào về những khuyến cáo của bản phúc trình này? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dù tránh đề cập đến nhiều khía cạnh ngoài kinh tế, khuyến cáo của McKinsey vẫn là một kho kiến thức chuyên môn khá hữu ích cho những người có thiện chí. 

- Theo nghệ thuật kinh doanh thì McKinsey phải khéo khuyên giải những ai có thể là khách hàng tiềm thế sau này, kể cả doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Nhưng thông điệp ẩn chứa bên trong thì rõ là họ nói thẳng với nhà cầm quyền rằng thời vàng son đã hết rồi! 

- Sau cùng, phúc trình cũng cảnh báo các doanh nghiệp nước ngoài là đừng tưởng bở mà phải lượng định cho sát những rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam khi muốn tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc. Cụ thể là phải theo dõi kỹ để linh động ứng phó, cải tiến và thậm chí tác động vào tiến trình cải cách của nhà nước. 

RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.

Những Lời Đốp Chát

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20120227
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


 Và nhiều dấu chấm bị lãng quên....

* Tổng thống Barack Obama bên Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta 
họp báo cùng các tướng lãnh tại Ngũ giác đài vào đầu năm nay 
về Chiến lược Quốc phòng mới của Hoa Kỳ *



Bài này sẽ nói về rất nhiều dấu chấm trong vài câu hỏi.

Cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ là sự đụng độ khốc liệt của hai triết lý chính trị, phản ảnh từ dưới cơ sở lên tới thượng tầng lãnh đạo của hai đảng chính. Tới ngày bầu cử, mùng sáu Tháng 11 này, thành phần ôn hòa và trung dung có thể là quả cân ở giữa để tạo ra một thế quân bình. Đấy là một thông lệ. Nhưng năm nay, chuyện này vẫn chưa chắc và bất trắc đó cũng là chi tiết khá đặc biệt của cuộc bầu cử. Và của nước Mỹ.

Hoa Kỳ đang ở giữa những chuyển động vài chục năm mới thấy một lần.

Hơn 60 năm - gần ba thế hệ - không gặp đại chiến và kinh tế đã công nghiệp hóa để tiến lên một hình thái sản xuất mới có tạo ra một sự phồn thịnh chưa từng thấy. Đấy là phần tích cực, được đánh giá là ưu thế của kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Mặt trái của sự thể đó là tình trạng vay mượn lưu cữu, nó chất lên một núi nợ cao chưa từng thấy. Đến ngày trả nợ, khởi sự từ vụ khủng hoảng 2008 và nay vẫn chưa dứt, người ta hoài nghi ưu thế đã được nhiều thế hệ ngợi ca.

Cuộc tranh luận về ưu nhược điểm của Hoa Kỳ đang kết tụ vào bài toán công chi thu trong hoàn cảnh kinh tế chưa hồi phục và thất nghiệp còn cao. Chuyện này thật ra cũng là thường tình của một quốc gia quá trẻ và một xã hội quá năng động. Nhưng khác với các cuộc tranh luận trong lịch sử - bài này không đủ chỗ nhắc lại chuyện đó, xin hẹn kỳ khác - lần này, người dân lại phân vân trong một hình thái sinh hoạt hoàn toàn mới.

Đó là thế giới của thông tin điện toán mà mọi biến cố hay suy luận đều tức thời xuất hiện, với vận tốc điện tử.

Hậu quả là không gian quyết định toả rộng hơn, ra toàn cầu, và dội ngược về nước Mỹ. Thí dụ là đối sách với Trung Quốc và ảnh hưởng về đồng Mỹ kim, với Iran và ảnh hưởng trên giá xăng dầu, hoặc lập trường của Mỹ trong khối G-20 về kế hoạch cứu nguy đồng Euro của Âu Châu....

Không gian đã tỏa rộng hơn mà thời gian tính toán lại thu hẹp, trong nháy mắt, với hậu quả cũng lập tức tác động vào từng quyết định trong một vòng xoáy ngày một nhỏ hơn, nhỏ như một mũi khoan rất bén. Chỉ kịp nhìn ra tương quan nhân quả gần như chớp nhoáng đó, người dân, hay cử tri, cũng đủ chóng mặt!

Đã thế, hình thái sinh hoạt đó còn có một hệ quả tai hại gấp bội: người ta quen dần với "lập luận quy nạp" inductive.

Xin mặc cả vài chữ cho hiện tượng này. 

Trong một chuỗi lý luận, người ta dựa trên những ví dụ về tương quan nhân quả không có cơ sở, nhưng có thể dễ nghe, bắt mắt và đáng tin. Từ đó, người ta dựng lên nhiều tín điều mơ hồ mà cứ tưởng là chân lý. Đó là nhược điểm của phép quy nạp, lý luận nhảy cóc.

Chuyện nhỏ là thí dụ về cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán lên hay xuống giá, tựa đề của bản tin có ngay nội dung giải thích lý do khiến người ta dễ tưởng đó là sự thật. Hôm sau thì lại không hiểu vì sao thị trường bỗng có sự chuyển động ngược.

Một thí dụ khác, về chuyện lớn. Trung Quốc có hơn ba ngàn tỷ đô la dự trữ và là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ nhưng món nợ đó chưa lên tới 10% tổng số ngoại trái của Hoa Kỳ, mà nếu không gửi tiền cho Mỹ thì các đấng con trời cũng chẳng có nơi nào an toàn hơn. Nhưng sự thể phức tạp này lại được quy nạp thành một chân lý khập khiễng: nước Mỹ mắc nợ và bị Bắc Kinh cột dây nợ vào cổ, cho nên phải thoả hiệp!

Nếu cần giải thích cho tường tận hơn, thay vì dùng vài thí dụ bắt mắt, thì không gian truyền hình không có chỗ mà thời gian phát hình lại giới hạn. Chuyện trăm năm được giải thích trong vài giây và tranh luận phức tạp được gom vào lời "đốp chát", sound bites, một từ rất Mỹ.

Đáng lẽ, người ta phải áp dụng một cách lý luận khác, gọi là phép "suy diễn hợp lý", deductive

Đó là lần lượt đi từ định đề A qua B, qua C như một chuỗi lập luận hợp lý, dần dần mới đến kết luận là Z. Nhưng, ngoài một số chuyên gia học giả, mấy ai có thời giờ theo dõi từng bước lý luận rắc rối này? Trong một cuộc tranh luận của các ứng cử viên, chẳng ai dại dột hành hạ cử tọa và khán giả truyền hình bằng từng bước A, B, C,... Z như vậy. 

Có mà điên!

Và các học giả có được mời lên giải thích thì cũng đành áp dụng thủ thuật đốp chát sound bites, với những chữ dễ hiểu về một hiện tượng khó hiểu trong một thế giới đã trở thành quá phức tạp.

Nhưng, bài này không viết về hiện tượng ly kỳ đó. Mà chỉ xin tập trung vào một chuyện gọi là "đối ngoại".


***


Trong cuộc tranh luận - chưa có - của cuộc bầu cử tổng thống năm nay, dân Mỹ được nghe nói mãi về sự lớn mạnh của Trung Quốc: có nền kinh tế sẽ sớm vượt Hoa Kỳ và khả năng bành trướng có khi làm nước Mỹ mắc nợ phải thúc thủ. Hoa Kỳ có muốn phản công thì cũng phân vân giữa Trung Đông và Đông hải, khi mà ngân sách quốc phòng lại bị cắt giảm....

Một số người lý luận theo phép quy nạp – mà không biết – thì đi từ chân lý khập khiễng, là đảng Cộng Hoà của bọn nhà giàu và các tay buôn súng nên có lập trường chủ chiến, đến một câu hỏi lớn bằng... hư vô: làm gì với Trung Quốc bây giờ?

Cường quốc này đang huy động hậu thuẫn của các chế độ hung đồ, từ Bắc Hàn đến Iran, Syria, v.v... để dẫn nước Mỹ vào một cuộc xa luân chiến cho hụt hơi. Huống hồ, nhu cầu rất chính đáng của nước Mỹ hiện nay là chấn chỉnh công chi thu và cứu giúp những thành phần bần hàn để xây dựng lại nội lực.

Sự thật ở đây là vài ba chục dấu chấm đã bị lãng quên trong cả chuỗi lý luận.

Hoa Kỳ đang có thỏa ước phòng thủ về an ninh với khoảng 50 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Trung Quốc mới là kẻ "vạn lý độc hành": không có một mống đồng minh hay đồng chí trong một hiệp định an ninh, dù là Bắc Hàn, Miến Điện, Pakistan, Iran hay – xin lỗi – Việt Nam!

Nhìn trong lâu dài, cứ kể như từ Thế chiến II, Hoa Kỳ đã can thiệp vào nhiều nơi bằng quân sự. Cái tội nặng lắm của một nước Mỹ hiếu chiến và đế quốc! Sự thật rất khó hiểu, nên không thể giải thích bằng kiểu đốp chát trong vài giây, là nước Mỹ ít khi can thiệp một mình.

Gần như lần ra quân nào, dưới chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hoà, nước Mỹ cũng có đồng minh, nếu có gọi là chư hầu thì chưa chắc đã đúng. Lại xin mặc cả vài hàng để kể lại cho rõ trong chuỗi suy diễn từ A đến Z:

Ngay sau Thế chiến II, khi Liên Xô rồi Trung Quốc khai thác nội chiến Cao Ly thành cuộc chiến Triều Tiên, Hoa Kỳ đã nhập cuộc. Nhưng dưới lá cờ Liên hiệp quốc và bên cạnh 12 quốc gia là Anh, Pháp, Bỉ, Hoà Lan, Luxembourg, Gia Nã Đại (Canada), Úc, Tân Tây Lan, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Hy Lạp, Thái Lan và Phi Luật Tân. Ngày nay, quân lực Mỹ vẫn còn ở đó, theo quy định của Liên hiệp quốc.

Trong cuộc chiến sau này bị phỉ nhổ là "phi chính nghĩa" là tại Việt Nam, Hoa Kỳ lâm chiến cùng... bảy đồng minh là Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan và thậm chí... Tây Ban Nha (Spain).

Khi Chiến tranh lạnh tàn lụi, và cần cấp cứu Kuweit, trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, nước Mỹ tấn công Iraq với hậu thuẫn của 31 quốc gia Âu, Á, Phi, kể cả Ba Lan và Tiệp Khắc vừa bước ra khỏi quỹ đạo Xô viết. 

Sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ mở chiến dich A Phú Hãn (Afghanistan) năm 2001, nhưng dưới lá cờ NATO và với sự góp công góp của từ hơn bốn chục quốc gia. Năm 2003, với sự ủng hộ và cho phép của Quốc hội, Hoa Kỳ đã... "đơn phương" can thiệp vào Iraq, tội rất nặng của ông George W. Bush hiếu chiến: người ta quên mất 38 dấu chấm là tên các quốc gia đã đi vào liên minh này.

Người ta cũng quên hỏi là vì sao trong cuộc tranh cử năm 2000, Thống đốc George W, Bush lại chống việc Chính quyền Bill Clinton can thiệp vào Kosovo để "xây dựng quốc gia" cho khu vực này trong nước Cộng Hoà Serbia, dưới lá cờ của NATO? Khi ấy, Clinton bên Dân Chủ là chủ chiến và Bush Cộng Hoà là bồ câu?

Những chuyện khó hiểu ấy dẫn chúng ta đến vài câu hỏi.

Vì sao Hoa Kỳ ngang ngược, và bị đả kích về rất nhiều chuyện, vẫn có thể can thiệp vào thiên hạ sự cùng nhiều xứ khác, trong một lãnh vực sinh tử cho mọi người là quân sự? Vì các quốc gia kia chấp nhận cái phận chư hầu cho Đế quốc Mỹ? Hay là họ chỉ làm "thợ vịn" và tinh quái vận dụng sức mạnh Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi và an ninh của họ? Hay là họ bị nước Mỹ lung lạc, đánh lừa? Hay là dù sao sức mạnh quân sự kinh tế và thế chế dân chủ của Hoa Kỳ vẫn là yếu tố ổn định và an toàn nhất?

Mà Trung Quốc hay Liên bang Nga có những đặc tính như vậy không? Làm sao giải thích được chuyện đó bằng vài câu đốp chát trên truyền hình?

Thứ Hai, tháng 2 27, 2012

Trúng Giải Lại Chưa Trúng Mối


Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 20120226 

Nghệ thuật và Thương mại: giải Oscar giữa mùa kinh tế khó khăn

 * Điện ảnh Pháp lại được mùa năm nay - với năm giải Oscar cho cuốn phim "The Artist" *



Từ cả chục năm nay, có một ngày người viết phải làm hai chuyện một lúc: mắt dán lên màn ảnh theo dõi lễ trao giải điện ảnh cao quý nhất của Hoa Kỳ và tay gõ một bài về giải thưởng đó! 

Âu cũng là một... hy sinh cho nghệ thuật khi mình không được thưởng thức hết chuyện độc đáo ngoài tiền trường trải thảm đò rực mà đã phải nghĩ đến độc gỉa sẽ đọc bài trong số báo hôm sau. Mà phải hoàn tất càng sớm càng hay! Vì cùng lúc đó, ban biên tập của Việt Báo cũng ghìm bản in, đợi đến lúc cuối để kịp ghi kết quả trước khi đưa qua bộ phận ấn loát.

Phải chi, lễ trao giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Hoa Kỳ - mà chúng ta quen gọi là Giải Oscar - được tổ chức ở miền Đông Hoa Kỳ, như tại New York chẳng hạn, thì tại đất California ở miền Tây mình đã có thêm ba tiếng đồng hồ xoay trở vẽ voi!

Nói như vậy thì quả là tay mơ và còn chẳng biết đến nỗi khó khăn của dân làm báo miền Đông! Họ phải đợi quá nửa đêm bên đó mới rõ kết quả ở miền Tây để đưa báo đi in. Dù đã sống trong một thế giới điện tử, những trở ngại ấy vẫn gây vấn đề không nhỏ.

Nhân chuyện Đông-Tây, có lẽ cũng nên nhìn ra cái trục đối lập giữa New York và Hollywood.


***

Giải Oscar được giới điện ảnh Hollywood nghĩ ra và tổ chức lần đầu vào năm 1929, năm tháng trước vụ tuột giá chứng khoán tại New York, biến cố dẫn tới nạn Tổng khủng hoảng toàn cầu 1929-1933. Năm nay là lễ trao giảo thứ 84, thường được tổ chức tại một sảnh đường nguy nga của thành phố Los Angeles. Cho những người ở xa: Hollywood là một đơn vị hành chánh ở phía Tây Bắc trong thành phố này.

Còn New York là một trung tâm kịch nghệ Hoa Kỳ với các sân khấu Broadway của mấy chục rạp hát nên cũng là ngọn hải đăng về nghệ thuật trình diễn. Khác nhau là tấm màn nhung hay màn ảnh, nhưng một trời một vực!

Thói thường thì đồng nghiệp tương lân hoặc đố kỵ: dân diễn kịch sống trên sân khấu thường nghĩ rằng họ mới là làm nghệ thuật đích thực, chứ nhiều khi điện ảnh chỉ là xảo thuật! Ngược lại, người đóng phim và làm phim thì cho rằng mình mới sáng tạo, chứ kịch cọc thì máy móc quá.

Chỉ khi nào diễn viên kịch nghệ đi từ miền Đông qua đóng phim ở miền Tây và thành công xuất sắc thì chúng ta mới có cảnh Đông-Tây đề huề trên đất Mỹ.

Một nghệ sĩ điển hình của trường hợp này chính là kịch sĩ Meryl Streep, năm nay lại được đề cử cho giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Chưa kể 26 lần đề cử cho giải Golden Globe, nàng được vinh dự vào giải Oscar 17 lần, hơn hẳn mọi nữ diễn viên cổ kim và đã hai lần ôm tượng Oscar về nhà! Nhưng có lẽ năm nay, trong vai nữ Thủ tướng Magareth Thatcher của Anh, Meryl Streep sẽ lọt mất pho tượng vàng, đó là dự đoán hơi buồn của người viết!  [Mà sai bét vì Meryl Streep lại đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, lần thứ ba!]

Nhìn từ Hollywood, New York lại còn một tội nặng hơn.


***


Đó là chứa chấp khu vực Wall Street tội lỗi của doanh trường!

Hollywood mới là nghệ thuật chứ New York chỉ là lòng tham. Năm qua, phong trào chống đối tài phiệt gian tham khởi đi từ chiến dịch "Chiếm đóng Wall Street" khiến nghệ sĩ Hollywood hài lòng không ít. Ôi, cuộc tranh luận tuyệt vời giữa nghệ sĩ và trọc phú, giữa nghệ thuật và thương mại!

Ngẫm lại, xưa nay, Hollywood nổi tiếng với các cuốn phim kết án bọn doanh gia gian tham và nhiều câu đối thoại trong phim đã là thành ngữ thông dụng trong dân gian.

Phim "Network" có một câu để đời của nhân vật Arthur Jensen, do Ned Beatty thủ diễn: "Không có nước Mỹ. Không có dân chủ. Chỉ có các tập đoàn IBM và ITT và AT&T và  DuPont, Dow...." Nói cứ như người Hà Nội... trước thời đổi mới vậy!

Trong thể loại kết án doanh gia tài phiệt, khét tiếng hơn cả thì có phim... "Wall Street" với Michael Douglas trong vai tài phiệt Gordon Gekko. Người ta có thể quên rằng diễn viên này đã đoạt giải Oscar năm 1987 là nam tài tử xuất sắc nhất, mà khó quên được lời phát biểu của nhân vật Gekko – con tắc kè hoa! Ai bảo là người Mỹ không biết đểu – trong cuốn phim: "Tham là Tốt."

Chân lý không thể nào tiêu biểu hơn cho Wall Street!

Mà trật lấc!

Vì Hollywood còn có sở trường là kết án lòng tham để hái ra tiền! Điện ảnh cũng là – và trước hết phải là – kinh doanh. Không có thực thì ai vực được đạo? Và đây mới một chân lý Hoa Kỳ: trên thế gian này, không nơi nào người ta lại chống Mỹ bằng dân Mỹ.

Nghệ thuật siêu quần của Hoa Kỳ là tự phanh phui mọi thói xấu, xong rồi, ngỏn ngoẻn nhét tiền vào túi. Cứ tin vào lập luận chống Mỹ của người Mỹ thì có khi oan tiền!


***


Trở lại chuyện Oscar, vì trên màn ảnh của đài ABC, dập dìu tài tử giai nhân cùng nam thanh nữ tú đã múa xong phần hoa thơm bướm lượn trên thảm đỏ trước cả ngàn ống kính. Ba tiếng đồng hồ đằng đẵng chứ không ít! Ai mặc áo gì, do nhà thiết kế thời trang nào vẽ kiểu, ai là người đẹp nhất đêm nay, người nào đi với ai vào đài vinh quang đó?... Những câu hỏi phù du này là loại thịt tươi của báo chí vì hình như rất được khán giả quan tâm theo dõi.

Có một chi tiết hơi buồn là Halle Berry sẽ không tham dự. Đoạt giải Oscar năm 2001 là nữ diễn viên xuất sắc nhất, hình như nghệ sĩ da đen khả ái này gặp hiện tượng gọi là "lời nguyền rủa của Oscar", tức là sau phút vinh quang lại chìm vào bóng tối đển hết xủi tăm, hoặc bị hết vận này đến hạn khác. Đáng lẽ là một trong các tài tử giới thiệu một giải thưởng, Halle Berry đã từ chối vào phút chót vì một cú ngã từ Tháng Chín.

"Lời nguyền rủa của giải Oscar"? Chuyện khá ly kỳ, nhưng xin để vào dịp khác vì các nghệ sĩ đã vào bên trong rạp Kodak, tên mới là Hollywood and Highland Center. Câu hỏi rất thời thượng mà cũng thiết thực của mọi người, nhất là các nhà sản xuất phim ảnh, là giải Oscar có hái ra tiền không?

Xin tạm quên sân khấu hào nhoáng mà quay lại khúc phim này.

Khi tác phẩm còn đang trình chiếu trên màn ảnh, nếu có thông báo là được đề cử cho một giải nào đó trong 24 giải thưởng lớn nhỏ của viện Hàn lâm thì khán giả có đi xem nhiều hơn không? Việc tác phẩm trúng giải có giúp gì cho số thu không, nếu cuốn phim được phổ biến sau đó dưới dạng đĩa Blue-Ray hay DVD?

Đó là hiện tượng "Mùa Oscar", từ ngày tuyên bố kết quả đề cử đến ngày trao giải, một khoảng thời gian nhức tim mà cũng là một cơ hội vận động trong hậu trường để tranh thủ lá phiếu của ngần sáu ngàn người trong ban chấm giải.

Trước đây, người ta thường trao giải Oscar vào quãng Tháng Tư, Tháng Năm, để vinh danh các tác phẩm trình chiếu trong năm trước. Nhưng, việc đoạt giải thưởng về nghệ thuật có ảnh hưởng đến kết quả thương mại nên đã có nạn... lobby, một hiện tượng rất Mỹ. Cũng rất Mỹ, từ năm 2004, ban tổ chức bèn quyết định làm lễ trao giải sớm hơn, vào quãng Tháng Hai Tháng Ba, để tránh bớt cái nạn vận động.

Chuyện ấy cho thấy một chân lý dễ hiểu về nghệ thuật hái ra tiền: giải thưởng bên trong hội trường có làm nẩy số thu ngoài thị trường.

Nhưng năm nay thì không!


***


Người Mỹ làm gì cũng nghiên cứu rồi tính toán hơn thiệt. Họ nghiên cứu xem là từ khi các giải đề cử được tuyên bố, năm nay là ngày 24 Tháng Giêng, cho đến ngày trao giải, số thu của các tác phẩm đã nhẩy vọt được bao nhiêu?

Kỷ lục từ ba chục năm qua là vào năm 1989, khi số thu tăng được 38% trong khoảng thời gian hồi hộp của "Mùa Oscar". Năm nay, bước nhẩy vọt chỉ có 13%, một trong tám cú nẩy cụt ngủn nhất! Nói theo kiểu kế toán, chín phim được đề cử là tác phẩm xuất sắc nhất trong năm chỉ hái được 518 triệu Mỹ kim, chưa bằng phân nửa của 10 phim năm ngoái - một tỷ 200 triệu đô la!

Có thống kê về hiện tượng rồi, người ta tìm hiểu về bản chất. Nguyên nhân tại sao?

Một trong nhiều lý do là tác phẩm có hy vọng đoạt giải xuất sắc nhất trong năm, ngoài chín giải đề cử khác, lại là phim câm. The Artist. Câm từ đầu cho đến mấy phút cuối!

Người Mỹ ồn ào náo động không ưa loại nghệ thuật câm nín đó. Năm ngoái, cuốn phim về ông vua cà lăm, The King Speech, có số thu tăng gấp đôi trong mấy tuần chờ đợi. Chân lý: thà là nói ngọng thì vẫn hái ra tiền. Chứ cứ nhảy múa mà không nói thì khán giả Mỹ lại chê.

Thê thảm hơn vậy, người ta còn tính trước là năm nay, cũng do sự thành công của cuốn phim câm mà khán giả sẽ ít the dõi lễ trao giải hơn. Làm hệ thống truyền hình ABC của công ty Walt Disney có thể thất thâu! Họ đành tự an ủi là trong các tác phẩm được đề cử năm nay, phim "The Help" của Walt Disney cũng đã vớ bộn, gần 170 triệu tờ giấy xanh chứ không ít.

Mà tội lỗi không chỉ vì cuốn phim câm! Hầu hết các phim được đề cử trúng giải tác phẩm xuất sắc nhất đều có số thu khá èo uột. Như Hugo, Moneyball, hay War Horse và The Descendants....

Hoá ra là vì kinh tế? Mấy ai muốn lên xe, ra khỏi nhà, tìm chỗ đậu rồi bỏ ra 22 tì mua vé và bắp rang để ngồi hai tiếng đằng đẵng trong rạp khi mà ngoài đời thiên hạ đang ta thán vì kinh tế khó khăn? Sự thật có lẽ lại không hẳn như vậy vì tình hình kinh tế năm nay tương đối đã có vẻ khá hơn năm ngoài...

Trên màn ảnh, Billy Crystal đã xuất hiện trong vai quản diễn sân khấu. Tám năm nay, nghệ sĩ duyên dáng mà không suồng sã lố lăng mới lại trở về làm người giới thiệu chương trình. Hoa Kỳ là nơi vật đổi sao dời, được mời đảm nhiệm vai trò hoạt náo này lần thứ chín thì cũng là biệt tài của Billy.

Năm nay, trong phần phụ diễn văn nghệ có gánh xiệc của Gia Nã Đại, Le Cirque du Soleil. Quả là danh bất hư truyền!

Xưa nay, một số nghệ sĩ không thèm dự lễ trao giải và khi đoạt giải thưởng có người còn từ chối pho tượng vàng: họ coi đây là gánh xiếc! Nổi tiếng thì có George C. Scott e9oạt giải tài tử xuất sắc nhất (Oscar 1970) và Marlon Brando (Oscar 1972) trong vai Bố già Corleone.

Ngẫm lại thì chúng ta đều... mắc bẫy cả!

Cứ như chuyện Thiền tông hay võ công của Lệnh Hồ Công tử trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ: nghệ thuật siêu hạng là làm như không có nghệ thuật! Hollywood có nghệ thuật siêu hạng là kiếm tiền bằng nghệ thuật và cứ ra vẻ khinh rẻ bạc tiền chứ làm gì thì cũng tiến ra tình... là tính ra tiền.

Cho nên, sau khi tác phẩm hoàn tất, người ta tận dụng nghệ thuật nối tiếp là quảng cáo và trong việc trao giải thưởng, nhiều người rất tích cực tính toán đến việc quảng cáo. Vì vậy, có người mới phàn nàn rằng nhiều khi giá trị nghệ thuật của tác phẩm hay nghệ sĩ không được phản ảnh qua giải thưởng. Thiếu gì tác phẩm, đạo diễn hay tài tử xuất sắc mà lại chẳng được vinh danh?

Và ngược lại, nhiều khi giải thưởng cũng chẳng đóng góp gì thêm cho sự thành công về thương mại! Như tình hình của năm nay! Kinh tế không thể giải thích tất cả. Đấy là một lẽ. Lẽ kia là "vạn sự giai ảo". Hài kịch cả: Hollywood có thể tróc nã Wall Street bằng phim ảnh chứ thật ra thì cũng là cái bình thông đáy. Có chung một cuống rốn.

Nhưng thôi, trên kia ánh sáng đã chói lòa ba tiếng cồng khai diễn rồi: Morgan Freeman vừa xuất hiện để khai mạc đại lễ với những đoản phim đầy chất khôi hài để dẫn qua Billy Crystal. Xin đậy nắp bút, ấn nút gửi bài và khoan thai thưởng lãm trước khi có điện thoại nửa đêm từ Paris để nói về... kinh tế Việt Nam...

Hẹn nhau Oscar 85!

Thứ Bảy, tháng 2 25, 2012

Trung Quốc Vào Điểm Lật

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 20120223

Chuyện nghiêng cánh hay hạ cánh của Trung Quốc 


* Hý họa của tạp chí The Economist *


Nhân loại có thể đang ở vào một giai đoạn gọi là đảo điểm hay điểm biến. Thậm chí điểm lật.

Khác với con người, các quốc gia đều có giai đoạn thịnh suy vô thường và sự đổi thay - từ thịnh đến suy hoặc ngược lại - thường gây biến động ở bên trong, cho từng thành phần dân chúng. Khi nhiều quốc gia lại cùng đi vào chu kỳ thay đổi và gặp "đảo điểm" thăng giáng, lên hoặc xuống, người ta nên chờ đợi những biến động vô lường.

Thế giới đang ở vào đảo điểm ấy....

Sự chuyển động của các quốc gia thường chậm rãi và có thể kéo dài nhiều thập niên trong những chu kỳ trăm năm, mà nếu chỉ nhìn trong khung cảnh ngắn hạn, mình có thể không thấy được.

Cái gọi là "đảo điểm" của ngày nay có thể đã khởi sự từ 20 năm trước, khi một cường quốc Âu Châu sụp đổ vào cuối năm 1991. Đó là Liên bang Xô viết. Lần lượt sau các đế quốc Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Pháp rồi Anh, thời kỳ Âu Châu thống trị và chi phối thế giới coi như kéo dài được đúng 500 năm, kể từ thời điểm 1492 cho đến khi Liên Xô tan rã.

Bên trong Âu Châu, những thịnh suy thăng giáng của từng cường quốc cũng dẫn tới đổi thay và thực tế là chinh chiến hầu như liên tục trong mấy trăm năm. Ba lần cuối là vào các năm 1870, 1914 và 1939. Đấy cũng là lúc một cường quốc khác xuất hiện bên kia Đại tây dương và trở thành siêu cường đã từng can thiệp, cứu giúp hoặc chi phối cả Âu Châu trong hơn sáu chục năm, đó là Hoa Kỳ, với đảo điểm là từ sau Thế chiến II, từ 1945.

Khi Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc bá, một cường quốc toàn cầu không có đối thủ.

Nhưng 20 năm độc bá ấy không kéo dài vì phân nửa là 10 năm đối phó với nạn khủng bố Hồi giáo, từ 2001 đến nay. Và người ta bắt đầu nói đến sự sa sút của nước Mỹ kể từ vụ khủng hoảng 2008. Chưa ai biết là sự thoái trào của Hoa Kỳ có xảy ra hay chăng - người viết "thành thật khai báo" là mình không tin như vậy - thì từ bên kia Thái bình dương, một cường quốc khác cũng đã xuất hiện.

Đó là Trung Quốc.

***

Đảo điểm của thời sự Trung Quốc cũng bắt đầu từ năm 2008, với biến cố có giá trị biểu trưng là Thế vận hội Bắc Kinh. Quốc gia này đã đứng dậy sau gần hai thế kỷ lụn bại để góp mặt năm châu như một cường quốc, và lần lượt vượt qua nước Đức rồi nước Nhật để thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ ở mạn Đông của biển Thái bình.

Vì vậy, ngày nay người ta mới nói đến hiện tượng thoái trào của nước Mỹ và cao trào của Trung Quốc, một quốc gia có dân số đông nhất địa cầu.

Người ta càng chú ý đến cuộc gặp gỡ của một nước đi xuống với một nước đang lên khi các nước Âu Châu chưa ra khỏi vụ khủng hoảng xuất phát từ niềm lạc quan vô lối từ năm 1991, là khi Liên Xô tan rã và các nước Âu Châu hăm hở hội nhập thành một liên hiệp thống nhất từ Thỏa ước Maastricht vào năm 1992.

Thật ra, đường tuyến đi lên của Trung Quốc có thể gặp khúc gẫy, một đảo điểm vô thường nếu ta châm vào đó một yếu tố gọi là "tương đối", một sự so sánh trong bối cảnh rộng hơn.


***

Hãy nói về bối cảnh đó trong không gian và thời gian.

Khi Trung Quốc còn ngụp lặn trong con kinh nước đen của cách mạng hoang tưởng kiểu Mao Trạch Đông – khiến mấy chục triệu người chết oan – các nước Đông Á chung quanh đã cải cách kinh tế và học theo chiến lược xuất khẩu của Nhật để trở thành những nền kinh tế rồng cọp mà người viết gọi là "tân hưng". Nhưng, cũng từ điểm lật là 1991, Nhật Bản đã lâm khủng hoảng và cho đến nay chưa thoát và bị Trung Quốc qua mặt vào năm ngoái. Sau Nhật Bản, đến lượt các nước tân hưng Đông Á cũng bị khủng hoảng từ năm 1997, tại cả Đông Bắc lẫn Đông Nam Á.

Bước sau nước Nhật và cũng áp dụng chiến lược Đông Á kể từ năm 1979, Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, hàng năm là 10% trong suốt 30 chục năm vừa qua, như các nước Đông Á kia trước khi họ trôi vào khủng hoảng.

Nay sắp đến lượt Trung Quốc.

Trên mệnh giá, ở bề mặt, xứ này có hơn một tỷ 300 triệu dân, một vựa người cứ tưởng là vô tận. Nhưng đa số vẫn còn nghèo, không kiếm ra được hai ba đô la một ngày. Chiến lược phát triển nhờ vai trò lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước giúp xứ này đạt mức tăng trưởng có định hướng. Tưởng như chủ động và hợp lý hơn nên đạt hiệu năng cao hơn lề lối tự do có vẻ hỗn loạn của các nền kinh tế thị trường.

Khu vực kinh tế nhà nước với các tập đoàn quốc doanh đã xuất hiện trong vai trò "đại gia" có thể làm mưa làm gió trên các thị trường quốc tế - chưa kể đến sự góp mặt của một hải đội đang thành hình ngoài biển cả. Trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã có 26 cơ sở, tất cả đều là tập đoàn kinh tế quốc doanh được nhà nước yểm trợ thành mũi nhọn trên trường cạnh tranh quốc tế.

Không mấy khác các nước Đông Á đi trước, "Thiên triều đỏ" tại Bắc Kinh chủ động phân bố tài nguyên cho các đầu máy tiên tiến này chiếm lĩnh thị trường và đóng góp đến 45% vào tổng sản lượng nội địa. Rồi cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế trên thế mạnh, trong các lãnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông, xây dựng, v.v....

Bây giờ, trong khi Nhật Bản và Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và Hoa Kỳ chưa phục hồi lại còn lúng túng với bài toán chi thu - như tăng thuế hay giảm chi, kích thích kinh tế hay thực hiện công bằng xã hội, v.v... - thì sự lớn mạnh của Trung Quốc khiến nhiều người vội so sánh những ưu điểm tương đối của kinh tế thị trường hay tư bản nhà nước.

So sánh và đặt nhiều kỳ vọng vào cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh", hình như có giá trị hơn nguyên tắc kinh tế tự do đi cùng chính trị dân chủ của các nước Tây phương già lão đang lụn bại.

Nhưng nếu lùi lại để nhìn trên toàn cảnh, ta thấy ra một số hiện tượng chung của các nước.


***


Sau một chu kỳ tăng trưởng dài, kinh tế các nước đều có thể gặp suy trầm – recession. 

Trong giai đoạn suy trầm này, những nhược điểm nội tại có thể phát tác thành tai họa. Các nền kinh tế Đông Á hay tân hưng khác của thế giới đều đã gặp hiện tượng đó và trôi vào khủng hoảng. Nhiều đại gia kinh doanh có khi phá sản.

Nhờ chiến lược xuất cảng kiểu Đông Á, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh và trở thành đầu máy tiêu thụ thương phẩm (commodities) đáng kể của các nước khác. Nhưng chiến lược đó đã đi hết sự vận hành hữu ích của nó trong giai đoạn khởi phát ban đầu.


Gặp hoàn cảnh co cụm của ba đầu máy kinh tế thế giới là Âu-Mỹ-Nhật, xuất cảng của Trung Quốc tất nhiên sẽ giảm. Đà tăng trưởng 10% một năm cũng thế, nếu chỉ còn được 8% là may. Nhiều phần thì sẽ chỉ ở khoảng 6,5% kể từ năm 2013 trở đi. Khi đạt mức tăng trưởng chậm hơn và một cách liên tục như vậy thì kinh tế Trung Quốc bị suy trầm.

Một phúc trình do Ngân hàng Thế giới soạn thảo cùng một trung tâm nghiên cứu của Quốc vụ viện Trung Quốc vừa dự báo điều tất yếu đó. Nhưng nhấn mạnh là nó sẽ xảy ra khá đột ngột mà không báo trước.

Sẽ được phổ biến vào Thứ Hai 27 tới đây, phúc trình có tên là "Trung Quốc 2030" còn cảnh báo rằng xứ này có thể rơi vào "bẫy xập" của các nền kinh tế có lợi tức ở mức trung bình. Không bung lên được mà thụt lùi, như một số nước tân hưng đã từng gặp (Brazil và Mexico là hai thí dụ). Mà trong một xứ độc tài độc đảng, sự thụt lùi này dẫn tới khủng hoảng chính trị.

Ngoài sự kiện là Ngân hàng Thế giới cùng các trung tâm nghiên cứu quốc tế đều nói đến yêu cầu cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước – mũi nhọn của Trung Quốc cho đến khi đụng vào điểm lật ngày nay – người ta không thể quên rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng dẫn đến hiện tượng "tư bản thân tộc", crony capitalism, mà người Trung Hoa gọi khá phũ phàng và chính xác là chủ nghĩa tư bản... quần đái. Nôm na là dải quần!

Một thiểu số trục lợi nhờ ưu thế độc quyền của khu vực kinh tế nhà nước và nhờ quan hệ bất chính với các đảng viên cán bộ. Không chỉ trục lợi, họ còn tác động vào chánh sách kinh tế nhà nước để bảo vệ quyền lợi bất chính này khiến lãnh đạo phải thúc thủ và không kip cải cách.

Đó là bài toán của lãnh đạo Bắc Kinh khi chuẩn bị Đại hội 18 vào cuối năm nay, Trong khi đó, ở bên dưới, đa số lầm than chưa kiếm ra ba đồng một ngày lại phản ứng về sự cấu kết tham ô và bất công. Họ bắt đầu nổi loạn, ngày một đông đảo và dữ dội hơn.

Vì vậy, dư luận Hoa Kỳ có thể chỉ chú ý đến những gì đang xảy ra cho nước Mỹ, nhưng chúng ta cũng nên liếc qua Trung Quốc khi xứ này đang tiến vào đảo điểm. Chỉ mong rằng bước lật ấy không đè lên một quốc gia cũng có đầy đủ chứng tật như Trung Quốc. Đó là Việt Nam.

Thứ Sáu, tháng 2 24, 2012

Nước Mỹ Mùa Tranh Cử

Nguyễn Xuân Nghĩa - Thanh Hà RFI- Ngày 20120223

Những chọn lựa kinh tế khó khăn

 

Chính trường Mỹ trước những chọn lựa khó khăn về kinh tế
Chính trường Mỹ trước những chọn lựa khó khăn về kinh tế
REUTERS/Kevin Lamarque

Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà
 
Năm 2012 là năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử. Cử tri bầu lại tổng thống, toàn thể 435 dân biểu Hạ viện, 33 thượng nghị sĩ và 10 thống đốc tiểu bang. Tổng thống Barack Obama bên đảng Dân Chủ là ứng cử viên ra tái tranh cử. Đảng   Cộng Hoà vẫn chưa chính thức chỉ định ứng cử viên.

2012 cũng là năm thứ tư, mà Hoa Kỳ phải chật vật tìm ra lối thoát kinh tế sau khủng hoảng tài chính hồi tháng 9/2008. Thất nghiệp còn quá cao và gánh công nợ quá nặng. Chính giới Mỹ còn tranh luận về các giải pháp thoát hiểm. Nhưng đâu là vấn đề và đâu là những giải pháp cần thiết cho nước Mỹ? RFI nêu câu hỏi với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California.








RFI: Hoa Kỳ hiện đang có khá nhiều kỷ lục, như bị bội chi ngân sách cao nhất kể từ Thế chiến Hai, hoặc mắc nợ nhiều nhất so với tổng sản lượng. Kinh tế Mỹ chưa hồi phục và nếu thất nghiệp có giảm đôi chút từ vài tháng nay thì số người tham gia thị trường lao động còn giảm nhiều hơn vì nản chí hết muốn tìm việc nên thất nghiệp thực tế vẫn còn cao.

Năm nay, Hoa Kỳ lại có bầu cử mà hình như cuộc tranh luận về các giải pháp kinh tế còn khiến người ta hết biết đâu là phương cách kinh tế, đâu là thủ thuật chính trị và có khi giải pháp ngắn hạn này lại gây vấn đề khác trong dài hạn mà cử tri chưa chắc hiểu ra. Vì vậy, đề nghị anh trình bày bức tranh toàn cảnh và sự chọn lựa khách quan mà anh cho là cần thiết cho nước Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Trước hết, tôi xin phép nhắc lại bài học nhập môn về kinh tế chính trị là "giá trị của mọi quyết định kinh tế phải được thẩm xét một cách toàn diện - xem lợi hại ra sao cho mọi thành phần kinh tế - và một cách trường kỳ - xem kết quả ngắn hạn có gây hậu quả bất lợi cho lâu dài hay chăng". Đó là tinh thần khách quan để tránh hệ quả như cô vừa nói là "giải pháp ngắn hạn lại gây vấn đề khác cho lâu dài". Điều ấy đáng chú ý vì trong một năm tranh cử, các chính khách chỉ nhắm vào mục tiêu đắc cử ngắn hạn mà bất kể đến tai họa sau này.

- Thứ hai, cũng với tinh thần suy xét từ trường kỳ đến đoản kỳ, Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn nan giải, hậu quả của một thất quân bình tích lũy từ mấy chục năm và bị sụp đổ từ năm 2008. Nhìn từ cái trục thời gian qua trục không gian thì đây còn là tình trạng chung của khối kinh tế tiên tiến, từ Nhật Bản qua Âu Châu về Hoa Kỳ. Nói vắn tắt thì các nước vay nợ quá nhiều từ mấy thập niên liên tục nên đến lúc trả nợ. Khi phải rút ruột trả nợ thì tiền đâu ra để kích thích kinh tế hầu thoát khỏi hoàn cảnh suy trầm hoặc thậm chí nguy cơ suy thoái?

RFI: Như anh vừa trình bày thì ban đầu người ta tưởng trái bóng địa ốc bị xì năm 2006 tại Mỹ đã dẫn đến nạn khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp năm 2007 làm hệ thống tài chính bị sụp đổ năm 2008. Nhưng  sự thể lại nguy ngập và có nguyên do sâu xa lâu dài hơn, cho nên mới đòi hỏi những giải pháp phức tạp hơn từ các nước công nghiệp hoá chứ không phải riêng Hoa Kỳ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và đề tài nêu ra không giới hạn vào hoàn cảnh Hoa Kỳ mà thật ra còn liên quan đến câu hỏi khác, đó là "các nền dân chủ có khả năng giải quyết nan đề kinh tế xã hội quá phức tạp hay chăng?"

- Nói riêng về Hoa Kỳ, ta thấy ra có lẽ quá trễ một chu kỳ tích lũy nợ nần kéo dài 60 năm, từ sau Thế chiến II. Khi ấy, cả tư nhân, doanh nghiệp rồi chính phủ đều vay mượn để tiêu thụ, đầu tư và trang trải phúc lợi xã hội. Chuyện vay nợ ấy có nâng đà tăng trưởng trong sáu thập niên, xen kẽ với mươi vụ suy trầm ngắn chừng một hai năm. Khi suy trầm tái diễn Tháng 12 năm 2007, người ta tưởng gặp lại chu kỳ thăng giáng cố hữu, và áp dụng loại giải pháp điều chỉnh cố hữu, như hạ lãi suất và tăng chi để kích thích số cầu nên chất thêm nợ nần lên đến trần nhà.

- Nào ngờ tình hình lại phức tạp hơn vì thất quân bình chi thu hoặc vay trả đã bị lật và người ta đang bước vào chu kỳ trả nợ sau khi đã vay quá nhiều. Tổng số nợ nần công và tư của Mỹ, từ các hộ gia đình, các ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thực tế đã lên đến 350% tổng sản lượng, tức là còn cao hơn thời Tổng khủng hoảng 1929.

RFI: Khi dồn nỗ lực để trả nợ, thì nước Mỹ lấy đâu ra tiền để kích thích kinh tế ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chẳng những vậy, dân Mỹ còn cần hiểu ra để tránh nạn mị dân trong năm tranh cử. Đó là các chính khách hứa giải quyết bệnh tình nguy ngập bằng liều thuốc an thần để moi phiếu cử tri. Chẳng những không đi vào cốt lõi vấn đề, họ còn đưa ra liều thuốc đổ bệnh. Vì vậy, tôi mới cho rằng không chỉ có chủ nghĩa tự do kinh tế mà có lẽ cả hệ thống dân chủ đang bị thách đố trong sự khủng hoảng niềm tin của người dân vào các định chế hay các giải pháp.

- Thí dụ là đúng ba năm trước, ngày 17/02/2009, Tổng thống tân cử Barack Obama ban bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ đô la, rốt cuộc ngân sách tốn 825 tỷ mà không đạt yêu cầu, lợi tức các hộ gia đình vẫn sụt 7% kể từ đó, thất nghiệp vẫn ở mức 8,3% y như Tháng Hai 2009 và con số thực thì cao hơn vì lực lượng lao động giảm 3% khi nhiều người nản chí hết muốn kiếm việc. Hậu quả là từ đó ngân sách bị bội chi mỗi năm hơn ngàn tỷ và phải vay thêm 4.500 tỷ nên số công trái, là nợ nần của công quyền, đã vượt tổng sản lượng kinh tế. Khi đó, tranh luận chính trị bùng nổ qua nhiều trận đánh liên tục trên chính trường khiến cho ngày nay chỉ còn 12-13% dân Mỹ tin tưởng vào Quốc hội và các chính khách là sản phẩm bị phá giá!

RFI: Về cụ thể thì sự tình diễn biến ra sao suốt bốn năm qua nếu ta lấy thời điểm 2008 ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một cách cụ thể thì khi tư nhân giảm chi và tiết kiệm để trả nợ thì chính phủ bèn tăng chi hầu bù vào sự thiếu hụt của tiêu thụ, cho nên việc kích thích kinh tế chỉ là dời gánh nợ của tư nhân lên đôi vai chính phủ, là hiện tượng "chuyển ngân" và đẩy quyền quyết định từ thị trường về chính trường. Nhưng khi gây bội chi, chính phủ phải vay tư bản trên thị trường cho việc chuyển ngân mà không tạo thêm việc làm và dân thọ thuế còn phải trả tiền lời đi vay. Mâu thuẫn hay cái vòng luẩn quẩn này nằm trong vài sự thật kinh tế sau đây:

- Tư doanh mới tạo ra việc làm, nhiều nhất từ doanh nghiệp loại vừa và nhỏ, có vài trăm nhân viên trở xuống, vừa lập ra trong vòng năm năm trở lại. Khi bỏ tiền kinh doanh vào cơ sở tân lập, nhà đầu tư phải mong có lời, nếu thuế khóa ở mức phí tổn chịu đựng nổi, cao quá là họ nản. Khi tăng chi và đi vay, chính phủ hút vốn kinh doanh của tư nhân trong khối tiết kiệm có hạn. Bội chi ngân sách quá cao và tích lũy quá lâu khiến chính phủ cần tăng thuế để bù đắp. Nhưng nếu tăng thuế thì lại cản trở đầu tư, mà đầu tư giảm sút thì lợi tức quốc dân không tăng, căn bản thu thuế co cụm và nguồn thu từ thuế khóa không đáp ứng yêu cầu quân bình ngân sách.

RFI:  Người Mỹ vừa muốn giảm chi để thu hẹp thiếu hụt ngân sách và nợ công mà lại cần tăng chi để cứu trợ xã hội và kích thích kinh tế. Họ vừa muốn giảm thuế để khuyến khích sản xuất mà lại cần tăng thuế để quân bình cán cân chi thu.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế và họ phải làm việc đó khi hai năm lại có bầu cử một lần nên các chính khách mới gây nhiễu âm bằng lập luận mị dân để chứng tỏ mình lo cho dân trong khi thực tế lại nghiêm trọng hơn mà ít ai dám nói ra cho công chúng. Ấn tượng tai hại ở đây là đảng Dân Chủ mới lo cho dân nghèo, đảng Cộng Hoà là của bọn tài phiệt, hoặc đảng Dân Chủ cứ tăng chi bừa phứa và Cộng Hoà thì chỉ muốn giảm thuế cho nhà giàu. Điều mỉa mai là đa số tài phiệt tỷ phú thì bỏ phiếu và bỏ tiền yểm trợ đảng Dân Chủ còn tiểu thương thì ủng hộ phe Cộng Hoà.

Cũng vì vậy mà dân bảo thủ phản ứng qua phong trào Tea Party giúp bên Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện trong cuộc bầu cử cuối năm 2010, rồi phe tả phản ứng lại qua phong trào "Chiếm đóng Wall Street" năm ngoái. Vào dịp tổng tuyển cử như năm nay thì cường độ của loại nhiễu âm đó càng gây thêm bế tắc vì cách thông tin hời hợt của truyền thông trong dòng chính.

- Mà ngoài thực tế kinh tế vừa nói, Hoa Kỳ còn ba tai họa gần như bẩm sinh do lề lối chính trị từ quá lâu. Đó là thủ tục ngân sách phức tạp khiến các chính khách có thể gài vào luật lệ nhiều khoản chi khó kiểm soát và hầu như không hạn chế nổi. Điển hình là các bộ luật mấy ngàn trang ít ai đọc hết trước khi biểu quyết, kể cả bộ luật về bảo hiểm sức khỏe có mục tiêu xã hội mà lại gây vấn đề cho kinh tế. Tai họa kia là bộ luật thuế khóa nhiêu khê mà đầy kẽ hở giúp các đại gia lách thuế một cách hợp pháp trong khi tiểu doanh thương thì chết kẹt. Sau cùng là yếu tố văn hóa trong hệ thống kinh tế chính trị Mỹ: xứ này sùng chuộng tiêu thụ và khuyến khích đi vay!

RFI: Như anh vừa trình bày thì e chừng dân Mỹ khó tìm ra giải pháp cho các vấn đề lưu cữu từ đã lâu và càng khó hơn nữa trong một năm có tranh cử như năm nay.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi e là như vậy trong trung hạn. Nhiều học giả kinh tế, chính trị hay xã hội báo động là Hoa Kỳ có thể trôi vào thập niên suy bại như Nhật Bản sau năm 1990 mà họ gọi là "Lost Decade". Bản thân tôi thì thiển nghĩ là vụ bầu cử năm nay sẽ gây thất vọng, Hoa Kỳ còn bị khủng hoảng nữa trong các năm tới, may ra sau kỳ bầu cử 2016 thì mới có cách mạng thật. Lý do là dân Mỹ phải thay đổi nhân sinh quan và xã hội quan về chế độ dân chủ tư bản của họ.

- Nôm na là phải phát huy quyền tự do sản xuất ra cái bánh to hơn thì mới có thể chia phần bánh cho người cùng khốn, mà đừng vì lý tưởng xã hội lại giết chết con gà đẻ trứng vàng là đầu tư. Biện pháp cần thiết là phải giảm chi để chính trường khỏi vét tiết kiệm của thị trường, và phải tăng thuế để quân bình ngân sách. Muốn vậy thì cần giản lược hệ thống thuế vụ theo hướng giảm tiêu thụ mà khuyến khích đầu tư. Cụ thể là đánh thuế tiêu thụ mà giảm thuế đầu tư. 

- Song song, họ cần cải tổ chế độ công chi để đẩy lui tệ nạn chính trường lấy tiền từ người này ban phúc lợi cho người kia hầu kiếm phiếu rồi đẩy gánh nợ cho đời sau. Đấy là một cuộc cách mạng về tư duy như xứ này đã từng làm trong lịch sử sau mấy năm hốt hoảng nối tiếp mấy chục năm lạc quan.