Thứ Sáu, tháng 2 24, 2012

Nước Mỹ Mùa Tranh Cử

Nguyễn Xuân Nghĩa - Thanh Hà RFI- Ngày 20120223

Những chọn lựa kinh tế khó khăn

 

Chính trường Mỹ trước những chọn lựa khó khăn về kinh tế
Chính trường Mỹ trước những chọn lựa khó khăn về kinh tế
REUTERS/Kevin Lamarque

Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà
 
Năm 2012 là năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử. Cử tri bầu lại tổng thống, toàn thể 435 dân biểu Hạ viện, 33 thượng nghị sĩ và 10 thống đốc tiểu bang. Tổng thống Barack Obama bên đảng Dân Chủ là ứng cử viên ra tái tranh cử. Đảng   Cộng Hoà vẫn chưa chính thức chỉ định ứng cử viên.

2012 cũng là năm thứ tư, mà Hoa Kỳ phải chật vật tìm ra lối thoát kinh tế sau khủng hoảng tài chính hồi tháng 9/2008. Thất nghiệp còn quá cao và gánh công nợ quá nặng. Chính giới Mỹ còn tranh luận về các giải pháp thoát hiểm. Nhưng đâu là vấn đề và đâu là những giải pháp cần thiết cho nước Mỹ? RFI nêu câu hỏi với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California.








RFI: Hoa Kỳ hiện đang có khá nhiều kỷ lục, như bị bội chi ngân sách cao nhất kể từ Thế chiến Hai, hoặc mắc nợ nhiều nhất so với tổng sản lượng. Kinh tế Mỹ chưa hồi phục và nếu thất nghiệp có giảm đôi chút từ vài tháng nay thì số người tham gia thị trường lao động còn giảm nhiều hơn vì nản chí hết muốn tìm việc nên thất nghiệp thực tế vẫn còn cao.

Năm nay, Hoa Kỳ lại có bầu cử mà hình như cuộc tranh luận về các giải pháp kinh tế còn khiến người ta hết biết đâu là phương cách kinh tế, đâu là thủ thuật chính trị và có khi giải pháp ngắn hạn này lại gây vấn đề khác trong dài hạn mà cử tri chưa chắc hiểu ra. Vì vậy, đề nghị anh trình bày bức tranh toàn cảnh và sự chọn lựa khách quan mà anh cho là cần thiết cho nước Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Trước hết, tôi xin phép nhắc lại bài học nhập môn về kinh tế chính trị là "giá trị của mọi quyết định kinh tế phải được thẩm xét một cách toàn diện - xem lợi hại ra sao cho mọi thành phần kinh tế - và một cách trường kỳ - xem kết quả ngắn hạn có gây hậu quả bất lợi cho lâu dài hay chăng". Đó là tinh thần khách quan để tránh hệ quả như cô vừa nói là "giải pháp ngắn hạn lại gây vấn đề khác cho lâu dài". Điều ấy đáng chú ý vì trong một năm tranh cử, các chính khách chỉ nhắm vào mục tiêu đắc cử ngắn hạn mà bất kể đến tai họa sau này.

- Thứ hai, cũng với tinh thần suy xét từ trường kỳ đến đoản kỳ, Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn nan giải, hậu quả của một thất quân bình tích lũy từ mấy chục năm và bị sụp đổ từ năm 2008. Nhìn từ cái trục thời gian qua trục không gian thì đây còn là tình trạng chung của khối kinh tế tiên tiến, từ Nhật Bản qua Âu Châu về Hoa Kỳ. Nói vắn tắt thì các nước vay nợ quá nhiều từ mấy thập niên liên tục nên đến lúc trả nợ. Khi phải rút ruột trả nợ thì tiền đâu ra để kích thích kinh tế hầu thoát khỏi hoàn cảnh suy trầm hoặc thậm chí nguy cơ suy thoái?

RFI: Như anh vừa trình bày thì ban đầu người ta tưởng trái bóng địa ốc bị xì năm 2006 tại Mỹ đã dẫn đến nạn khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp năm 2007 làm hệ thống tài chính bị sụp đổ năm 2008. Nhưng  sự thể lại nguy ngập và có nguyên do sâu xa lâu dài hơn, cho nên mới đòi hỏi những giải pháp phức tạp hơn từ các nước công nghiệp hoá chứ không phải riêng Hoa Kỳ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và đề tài nêu ra không giới hạn vào hoàn cảnh Hoa Kỳ mà thật ra còn liên quan đến câu hỏi khác, đó là "các nền dân chủ có khả năng giải quyết nan đề kinh tế xã hội quá phức tạp hay chăng?"

- Nói riêng về Hoa Kỳ, ta thấy ra có lẽ quá trễ một chu kỳ tích lũy nợ nần kéo dài 60 năm, từ sau Thế chiến II. Khi ấy, cả tư nhân, doanh nghiệp rồi chính phủ đều vay mượn để tiêu thụ, đầu tư và trang trải phúc lợi xã hội. Chuyện vay nợ ấy có nâng đà tăng trưởng trong sáu thập niên, xen kẽ với mươi vụ suy trầm ngắn chừng một hai năm. Khi suy trầm tái diễn Tháng 12 năm 2007, người ta tưởng gặp lại chu kỳ thăng giáng cố hữu, và áp dụng loại giải pháp điều chỉnh cố hữu, như hạ lãi suất và tăng chi để kích thích số cầu nên chất thêm nợ nần lên đến trần nhà.

- Nào ngờ tình hình lại phức tạp hơn vì thất quân bình chi thu hoặc vay trả đã bị lật và người ta đang bước vào chu kỳ trả nợ sau khi đã vay quá nhiều. Tổng số nợ nần công và tư của Mỹ, từ các hộ gia đình, các ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thực tế đã lên đến 350% tổng sản lượng, tức là còn cao hơn thời Tổng khủng hoảng 1929.

RFI: Khi dồn nỗ lực để trả nợ, thì nước Mỹ lấy đâu ra tiền để kích thích kinh tế ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chẳng những vậy, dân Mỹ còn cần hiểu ra để tránh nạn mị dân trong năm tranh cử. Đó là các chính khách hứa giải quyết bệnh tình nguy ngập bằng liều thuốc an thần để moi phiếu cử tri. Chẳng những không đi vào cốt lõi vấn đề, họ còn đưa ra liều thuốc đổ bệnh. Vì vậy, tôi mới cho rằng không chỉ có chủ nghĩa tự do kinh tế mà có lẽ cả hệ thống dân chủ đang bị thách đố trong sự khủng hoảng niềm tin của người dân vào các định chế hay các giải pháp.

- Thí dụ là đúng ba năm trước, ngày 17/02/2009, Tổng thống tân cử Barack Obama ban bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ đô la, rốt cuộc ngân sách tốn 825 tỷ mà không đạt yêu cầu, lợi tức các hộ gia đình vẫn sụt 7% kể từ đó, thất nghiệp vẫn ở mức 8,3% y như Tháng Hai 2009 và con số thực thì cao hơn vì lực lượng lao động giảm 3% khi nhiều người nản chí hết muốn kiếm việc. Hậu quả là từ đó ngân sách bị bội chi mỗi năm hơn ngàn tỷ và phải vay thêm 4.500 tỷ nên số công trái, là nợ nần của công quyền, đã vượt tổng sản lượng kinh tế. Khi đó, tranh luận chính trị bùng nổ qua nhiều trận đánh liên tục trên chính trường khiến cho ngày nay chỉ còn 12-13% dân Mỹ tin tưởng vào Quốc hội và các chính khách là sản phẩm bị phá giá!

RFI: Về cụ thể thì sự tình diễn biến ra sao suốt bốn năm qua nếu ta lấy thời điểm 2008 ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một cách cụ thể thì khi tư nhân giảm chi và tiết kiệm để trả nợ thì chính phủ bèn tăng chi hầu bù vào sự thiếu hụt của tiêu thụ, cho nên việc kích thích kinh tế chỉ là dời gánh nợ của tư nhân lên đôi vai chính phủ, là hiện tượng "chuyển ngân" và đẩy quyền quyết định từ thị trường về chính trường. Nhưng khi gây bội chi, chính phủ phải vay tư bản trên thị trường cho việc chuyển ngân mà không tạo thêm việc làm và dân thọ thuế còn phải trả tiền lời đi vay. Mâu thuẫn hay cái vòng luẩn quẩn này nằm trong vài sự thật kinh tế sau đây:

- Tư doanh mới tạo ra việc làm, nhiều nhất từ doanh nghiệp loại vừa và nhỏ, có vài trăm nhân viên trở xuống, vừa lập ra trong vòng năm năm trở lại. Khi bỏ tiền kinh doanh vào cơ sở tân lập, nhà đầu tư phải mong có lời, nếu thuế khóa ở mức phí tổn chịu đựng nổi, cao quá là họ nản. Khi tăng chi và đi vay, chính phủ hút vốn kinh doanh của tư nhân trong khối tiết kiệm có hạn. Bội chi ngân sách quá cao và tích lũy quá lâu khiến chính phủ cần tăng thuế để bù đắp. Nhưng nếu tăng thuế thì lại cản trở đầu tư, mà đầu tư giảm sút thì lợi tức quốc dân không tăng, căn bản thu thuế co cụm và nguồn thu từ thuế khóa không đáp ứng yêu cầu quân bình ngân sách.

RFI:  Người Mỹ vừa muốn giảm chi để thu hẹp thiếu hụt ngân sách và nợ công mà lại cần tăng chi để cứu trợ xã hội và kích thích kinh tế. Họ vừa muốn giảm thuế để khuyến khích sản xuất mà lại cần tăng thuế để quân bình cán cân chi thu.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế và họ phải làm việc đó khi hai năm lại có bầu cử một lần nên các chính khách mới gây nhiễu âm bằng lập luận mị dân để chứng tỏ mình lo cho dân trong khi thực tế lại nghiêm trọng hơn mà ít ai dám nói ra cho công chúng. Ấn tượng tai hại ở đây là đảng Dân Chủ mới lo cho dân nghèo, đảng Cộng Hoà là của bọn tài phiệt, hoặc đảng Dân Chủ cứ tăng chi bừa phứa và Cộng Hoà thì chỉ muốn giảm thuế cho nhà giàu. Điều mỉa mai là đa số tài phiệt tỷ phú thì bỏ phiếu và bỏ tiền yểm trợ đảng Dân Chủ còn tiểu thương thì ủng hộ phe Cộng Hoà.

Cũng vì vậy mà dân bảo thủ phản ứng qua phong trào Tea Party giúp bên Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện trong cuộc bầu cử cuối năm 2010, rồi phe tả phản ứng lại qua phong trào "Chiếm đóng Wall Street" năm ngoái. Vào dịp tổng tuyển cử như năm nay thì cường độ của loại nhiễu âm đó càng gây thêm bế tắc vì cách thông tin hời hợt của truyền thông trong dòng chính.

- Mà ngoài thực tế kinh tế vừa nói, Hoa Kỳ còn ba tai họa gần như bẩm sinh do lề lối chính trị từ quá lâu. Đó là thủ tục ngân sách phức tạp khiến các chính khách có thể gài vào luật lệ nhiều khoản chi khó kiểm soát và hầu như không hạn chế nổi. Điển hình là các bộ luật mấy ngàn trang ít ai đọc hết trước khi biểu quyết, kể cả bộ luật về bảo hiểm sức khỏe có mục tiêu xã hội mà lại gây vấn đề cho kinh tế. Tai họa kia là bộ luật thuế khóa nhiêu khê mà đầy kẽ hở giúp các đại gia lách thuế một cách hợp pháp trong khi tiểu doanh thương thì chết kẹt. Sau cùng là yếu tố văn hóa trong hệ thống kinh tế chính trị Mỹ: xứ này sùng chuộng tiêu thụ và khuyến khích đi vay!

RFI: Như anh vừa trình bày thì e chừng dân Mỹ khó tìm ra giải pháp cho các vấn đề lưu cữu từ đã lâu và càng khó hơn nữa trong một năm có tranh cử như năm nay.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi e là như vậy trong trung hạn. Nhiều học giả kinh tế, chính trị hay xã hội báo động là Hoa Kỳ có thể trôi vào thập niên suy bại như Nhật Bản sau năm 1990 mà họ gọi là "Lost Decade". Bản thân tôi thì thiển nghĩ là vụ bầu cử năm nay sẽ gây thất vọng, Hoa Kỳ còn bị khủng hoảng nữa trong các năm tới, may ra sau kỳ bầu cử 2016 thì mới có cách mạng thật. Lý do là dân Mỹ phải thay đổi nhân sinh quan và xã hội quan về chế độ dân chủ tư bản của họ.

- Nôm na là phải phát huy quyền tự do sản xuất ra cái bánh to hơn thì mới có thể chia phần bánh cho người cùng khốn, mà đừng vì lý tưởng xã hội lại giết chết con gà đẻ trứng vàng là đầu tư. Biện pháp cần thiết là phải giảm chi để chính trường khỏi vét tiết kiệm của thị trường, và phải tăng thuế để quân bình ngân sách. Muốn vậy thì cần giản lược hệ thống thuế vụ theo hướng giảm tiêu thụ mà khuyến khích đầu tư. Cụ thể là đánh thuế tiêu thụ mà giảm thuế đầu tư. 

- Song song, họ cần cải tổ chế độ công chi để đẩy lui tệ nạn chính trường lấy tiền từ người này ban phúc lợi cho người kia hầu kiếm phiếu rồi đẩy gánh nợ cho đời sau. Đấy là một cuộc cách mạng về tư duy như xứ này đã từng làm trong lịch sử sau mấy năm hốt hoảng nối tiếp mấy chục năm lạc quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét