Thứ Bảy, tháng 2 25, 2012

Trung Quốc Vào Điểm Lật

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 20120223

Chuyện nghiêng cánh hay hạ cánh của Trung Quốc 


* Hý họa của tạp chí The Economist *


Nhân loại có thể đang ở vào một giai đoạn gọi là đảo điểm hay điểm biến. Thậm chí điểm lật.

Khác với con người, các quốc gia đều có giai đoạn thịnh suy vô thường và sự đổi thay - từ thịnh đến suy hoặc ngược lại - thường gây biến động ở bên trong, cho từng thành phần dân chúng. Khi nhiều quốc gia lại cùng đi vào chu kỳ thay đổi và gặp "đảo điểm" thăng giáng, lên hoặc xuống, người ta nên chờ đợi những biến động vô lường.

Thế giới đang ở vào đảo điểm ấy....

Sự chuyển động của các quốc gia thường chậm rãi và có thể kéo dài nhiều thập niên trong những chu kỳ trăm năm, mà nếu chỉ nhìn trong khung cảnh ngắn hạn, mình có thể không thấy được.

Cái gọi là "đảo điểm" của ngày nay có thể đã khởi sự từ 20 năm trước, khi một cường quốc Âu Châu sụp đổ vào cuối năm 1991. Đó là Liên bang Xô viết. Lần lượt sau các đế quốc Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Pháp rồi Anh, thời kỳ Âu Châu thống trị và chi phối thế giới coi như kéo dài được đúng 500 năm, kể từ thời điểm 1492 cho đến khi Liên Xô tan rã.

Bên trong Âu Châu, những thịnh suy thăng giáng của từng cường quốc cũng dẫn tới đổi thay và thực tế là chinh chiến hầu như liên tục trong mấy trăm năm. Ba lần cuối là vào các năm 1870, 1914 và 1939. Đấy cũng là lúc một cường quốc khác xuất hiện bên kia Đại tây dương và trở thành siêu cường đã từng can thiệp, cứu giúp hoặc chi phối cả Âu Châu trong hơn sáu chục năm, đó là Hoa Kỳ, với đảo điểm là từ sau Thế chiến II, từ 1945.

Khi Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc bá, một cường quốc toàn cầu không có đối thủ.

Nhưng 20 năm độc bá ấy không kéo dài vì phân nửa là 10 năm đối phó với nạn khủng bố Hồi giáo, từ 2001 đến nay. Và người ta bắt đầu nói đến sự sa sút của nước Mỹ kể từ vụ khủng hoảng 2008. Chưa ai biết là sự thoái trào của Hoa Kỳ có xảy ra hay chăng - người viết "thành thật khai báo" là mình không tin như vậy - thì từ bên kia Thái bình dương, một cường quốc khác cũng đã xuất hiện.

Đó là Trung Quốc.

***

Đảo điểm của thời sự Trung Quốc cũng bắt đầu từ năm 2008, với biến cố có giá trị biểu trưng là Thế vận hội Bắc Kinh. Quốc gia này đã đứng dậy sau gần hai thế kỷ lụn bại để góp mặt năm châu như một cường quốc, và lần lượt vượt qua nước Đức rồi nước Nhật để thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ ở mạn Đông của biển Thái bình.

Vì vậy, ngày nay người ta mới nói đến hiện tượng thoái trào của nước Mỹ và cao trào của Trung Quốc, một quốc gia có dân số đông nhất địa cầu.

Người ta càng chú ý đến cuộc gặp gỡ của một nước đi xuống với một nước đang lên khi các nước Âu Châu chưa ra khỏi vụ khủng hoảng xuất phát từ niềm lạc quan vô lối từ năm 1991, là khi Liên Xô tan rã và các nước Âu Châu hăm hở hội nhập thành một liên hiệp thống nhất từ Thỏa ước Maastricht vào năm 1992.

Thật ra, đường tuyến đi lên của Trung Quốc có thể gặp khúc gẫy, một đảo điểm vô thường nếu ta châm vào đó một yếu tố gọi là "tương đối", một sự so sánh trong bối cảnh rộng hơn.


***

Hãy nói về bối cảnh đó trong không gian và thời gian.

Khi Trung Quốc còn ngụp lặn trong con kinh nước đen của cách mạng hoang tưởng kiểu Mao Trạch Đông – khiến mấy chục triệu người chết oan – các nước Đông Á chung quanh đã cải cách kinh tế và học theo chiến lược xuất khẩu của Nhật để trở thành những nền kinh tế rồng cọp mà người viết gọi là "tân hưng". Nhưng, cũng từ điểm lật là 1991, Nhật Bản đã lâm khủng hoảng và cho đến nay chưa thoát và bị Trung Quốc qua mặt vào năm ngoái. Sau Nhật Bản, đến lượt các nước tân hưng Đông Á cũng bị khủng hoảng từ năm 1997, tại cả Đông Bắc lẫn Đông Nam Á.

Bước sau nước Nhật và cũng áp dụng chiến lược Đông Á kể từ năm 1979, Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, hàng năm là 10% trong suốt 30 chục năm vừa qua, như các nước Đông Á kia trước khi họ trôi vào khủng hoảng.

Nay sắp đến lượt Trung Quốc.

Trên mệnh giá, ở bề mặt, xứ này có hơn một tỷ 300 triệu dân, một vựa người cứ tưởng là vô tận. Nhưng đa số vẫn còn nghèo, không kiếm ra được hai ba đô la một ngày. Chiến lược phát triển nhờ vai trò lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước giúp xứ này đạt mức tăng trưởng có định hướng. Tưởng như chủ động và hợp lý hơn nên đạt hiệu năng cao hơn lề lối tự do có vẻ hỗn loạn của các nền kinh tế thị trường.

Khu vực kinh tế nhà nước với các tập đoàn quốc doanh đã xuất hiện trong vai trò "đại gia" có thể làm mưa làm gió trên các thị trường quốc tế - chưa kể đến sự góp mặt của một hải đội đang thành hình ngoài biển cả. Trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã có 26 cơ sở, tất cả đều là tập đoàn kinh tế quốc doanh được nhà nước yểm trợ thành mũi nhọn trên trường cạnh tranh quốc tế.

Không mấy khác các nước Đông Á đi trước, "Thiên triều đỏ" tại Bắc Kinh chủ động phân bố tài nguyên cho các đầu máy tiên tiến này chiếm lĩnh thị trường và đóng góp đến 45% vào tổng sản lượng nội địa. Rồi cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế trên thế mạnh, trong các lãnh vực chiến lược như năng lượng, viễn thông, xây dựng, v.v....

Bây giờ, trong khi Nhật Bản và Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và Hoa Kỳ chưa phục hồi lại còn lúng túng với bài toán chi thu - như tăng thuế hay giảm chi, kích thích kinh tế hay thực hiện công bằng xã hội, v.v... - thì sự lớn mạnh của Trung Quốc khiến nhiều người vội so sánh những ưu điểm tương đối của kinh tế thị trường hay tư bản nhà nước.

So sánh và đặt nhiều kỳ vọng vào cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh", hình như có giá trị hơn nguyên tắc kinh tế tự do đi cùng chính trị dân chủ của các nước Tây phương già lão đang lụn bại.

Nhưng nếu lùi lại để nhìn trên toàn cảnh, ta thấy ra một số hiện tượng chung của các nước.


***


Sau một chu kỳ tăng trưởng dài, kinh tế các nước đều có thể gặp suy trầm – recession. 

Trong giai đoạn suy trầm này, những nhược điểm nội tại có thể phát tác thành tai họa. Các nền kinh tế Đông Á hay tân hưng khác của thế giới đều đã gặp hiện tượng đó và trôi vào khủng hoảng. Nhiều đại gia kinh doanh có khi phá sản.

Nhờ chiến lược xuất cảng kiểu Đông Á, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh và trở thành đầu máy tiêu thụ thương phẩm (commodities) đáng kể của các nước khác. Nhưng chiến lược đó đã đi hết sự vận hành hữu ích của nó trong giai đoạn khởi phát ban đầu.


Gặp hoàn cảnh co cụm của ba đầu máy kinh tế thế giới là Âu-Mỹ-Nhật, xuất cảng của Trung Quốc tất nhiên sẽ giảm. Đà tăng trưởng 10% một năm cũng thế, nếu chỉ còn được 8% là may. Nhiều phần thì sẽ chỉ ở khoảng 6,5% kể từ năm 2013 trở đi. Khi đạt mức tăng trưởng chậm hơn và một cách liên tục như vậy thì kinh tế Trung Quốc bị suy trầm.

Một phúc trình do Ngân hàng Thế giới soạn thảo cùng một trung tâm nghiên cứu của Quốc vụ viện Trung Quốc vừa dự báo điều tất yếu đó. Nhưng nhấn mạnh là nó sẽ xảy ra khá đột ngột mà không báo trước.

Sẽ được phổ biến vào Thứ Hai 27 tới đây, phúc trình có tên là "Trung Quốc 2030" còn cảnh báo rằng xứ này có thể rơi vào "bẫy xập" của các nền kinh tế có lợi tức ở mức trung bình. Không bung lên được mà thụt lùi, như một số nước tân hưng đã từng gặp (Brazil và Mexico là hai thí dụ). Mà trong một xứ độc tài độc đảng, sự thụt lùi này dẫn tới khủng hoảng chính trị.

Ngoài sự kiện là Ngân hàng Thế giới cùng các trung tâm nghiên cứu quốc tế đều nói đến yêu cầu cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước – mũi nhọn của Trung Quốc cho đến khi đụng vào điểm lật ngày nay – người ta không thể quên rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng dẫn đến hiện tượng "tư bản thân tộc", crony capitalism, mà người Trung Hoa gọi khá phũ phàng và chính xác là chủ nghĩa tư bản... quần đái. Nôm na là dải quần!

Một thiểu số trục lợi nhờ ưu thế độc quyền của khu vực kinh tế nhà nước và nhờ quan hệ bất chính với các đảng viên cán bộ. Không chỉ trục lợi, họ còn tác động vào chánh sách kinh tế nhà nước để bảo vệ quyền lợi bất chính này khiến lãnh đạo phải thúc thủ và không kip cải cách.

Đó là bài toán của lãnh đạo Bắc Kinh khi chuẩn bị Đại hội 18 vào cuối năm nay, Trong khi đó, ở bên dưới, đa số lầm than chưa kiếm ra ba đồng một ngày lại phản ứng về sự cấu kết tham ô và bất công. Họ bắt đầu nổi loạn, ngày một đông đảo và dữ dội hơn.

Vì vậy, dư luận Hoa Kỳ có thể chỉ chú ý đến những gì đang xảy ra cho nước Mỹ, nhưng chúng ta cũng nên liếc qua Trung Quốc khi xứ này đang tiến vào đảo điểm. Chỉ mong rằng bước lật ấy không đè lên một quốc gia cũng có đầy đủ chứng tật như Trung Quốc. Đó là Việt Nam.

3 nhận xét:

  1. Câu cuối cùng chưa đủ bác à. Đủ chứng tật như TQ nhưng lại thiếu sức mạnh hơn: chẳng phải siêu cường, thu nhập đầu người thấp hơn, tham nhũng hơn, tiếng nói quốc tế thấp, tốc độ toàn 5-6% chứ chẳng 10% nhe TQ..... Cú đè này nếu xảy ra nặng hơn "mẫu quốc" nhiều. Âu cũng là đúng chính sách diệt "Man, Di, Nhung, Địch" của PieKin (Bắc Kinh)

    Trả lờiXóa
  2. Dear Chú Nghĩa,
    Bài viết của Chú làm cháu liên tưởng chú đang nói về đất nước Cuba anh em.

    Trả lờiXóa
  3. mong tái nạm với dainamaxmagazine.

    Trả lờiXóa