Thứ Tư, tháng 2 22, 2012

Liên bang Nga và Trở ngại về Cải cách Kinh tế

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20120222


Vladimir Putin trong cái hố độc tài do ông tự đào lấy



* AFP photo - Thủ tướng Nga Vladimir Putin (trái) và 
người đứng đầu ngành khí đốt của Nga Gazprom Alexei Miller 
thăm nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk hôm 11/7/2008. *


Còn hai tuần nữa thì Liên bang Nga lại có bầu cử Tổng thống, vào mùng bốn Tháng Ba. 

Nếu đương kim Thủ tướng - mà cũng là Tổng thống hai nhiệm kỳ từ năm 2000 đến 2008 – là ông Vladimir Putin vẫn còn hy vọng tái đắc cử thì triển vọng cải cách nền kinh tế mà ông đề xướng lại gặp nhiều trở ngại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao qua cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do là chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Mùng bốn tháng tới, nếu đạt trên 50% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, Thủ tướng Vladimir Putin có thể tái đắc cử Tổng thống, thành người thực sự lãnh đạo Liên bang Nga kể từ 1999 cho đến 2017. Sau đó, nếu lại tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ năm năm, ông Putin có thể là người lãnh đạo xứ này trong 24 năm liền, là thành tích còn dài hơn lãnh tụ Leonid Brezhnev thời cộng sản và chỉ thua Josef Stalin mà thôi.

Là người có đởm lược khi đưa xứ sở ra khỏi hỗn loạn hậu cộng sản, ông Putin còn có viễn kiến vì từ năm ngoái đã thông báo nhiều đề cương cải cách Liên bang Nga, như kế hoạch song hành là hiện đại hóa và tư nhân hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, sau khi ông Putin tuyên bố ra tái tranh cử và sau cuộc bầu cử Hạ viện Dumas vào Tháng 12 vừa qua, Liên bang Nga gặp biến động chính trị và bản thân ông Putin bị chống đối khá nặng bởi nhiều thành phần quần chúng khác nhau.

Vì vậy, chuyên mục kinh tế của chúng ta đề cập tới triển vọng kinh tế và những trở ngại mà một lãnh tụ đầy quyền biến như ông Putin có thể gặp sau này. Ông nghĩ sao về đề tài đó?

Vì vậy, sáng kiến Putin chỉ báo hiệu nhiều mâu thuẫn có thể xảy ra sau này giữa Liên bang Nga với các lân bang, huống hồ các lân bang ấy đều biết sự tụt hậu của Nga.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy là chuyện đáng tìm hiểu vì đối chiếu hai động lực trái ngược là kinh tế và chính trị trong tiến trình quyết định của lãnh đạo. Sinh năm 1952, tức là còn trẻ vì mới sáu chục tuổi, ông Putin có thể nuôi hy vọng sẽ lãnh đạo nước Nga gần một phần tư thế kỷ, vào một giai đoạn sinh tử cho quốc gia này. Ông cũng ý thức được khá sâu sắc tình trạng xứ sở tụt hậu nên có ý chí canh tân để nếu không khôi phục lại ngôi vị siêu cường của Liên bang Xô viết cũ thì cũng xây dựng được một cường quốc kinh tế thuộc loại tiên tiến.

- Nhưng, Putin có thể vấp ngã vì chính lề lối duy ý chí và thô bạo của ông cho nên có khi lại chỉ là một lãnh tụ thất bại trong việc canh tân một quốc gia có quá nhiều vấn đề phức tạp. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu chuyện rắc rối này mà không quên hoàn cảnh của Việt Nam.

 

"Độc tài sáng suốt"

 

Vũ Hoàng: Nếu vậy, chúng ta có thể khởi đi từ những vấn đề ông gọi là rắc rối của nước Nga.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nước Nga có lãnh thổ rộng nhất địa cầu bên trong chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn hẳn nhiều xứ khác. Nhưng lãnh thổ Nga là sự trống trải từ mọi mặt và toả rộng trên hai lục địa nên khó bảo vệ chống lại những đe dọa từ bên ngoài và cần một chế độ tập quyền để thống nhất cai trị. Yêu cầu về an ninh và chính trị khiến xứ này có xu hướng sùng chuộng độc tài mà người ta cứ gọi lầm là ổn định. Và địa dư hình thể trống trải có ít phương tiện giao thông về thủy vận còn đòi hỏi một lượng đầu tư rất lớn và tốn kém hơn nhiều xứ khác.

- Sau khi chế độ Xô viết tan rã 20 năm trước, Liên bang Nga mất 10 năm khủng hoảng rồi thành tích ổn định sau đó khiến Thủ tướng Putin đắc cử Tổng thống hai lần và vẫn thực sự lãnh đạo khi trở về làm Thủ tướng từ năm 2008. Nhờ năng lượng lên giá trên thị trường quốc tế kể từ mươi năm trước, nguồn tài nguyên dồi dào của xứ sở khiến ông có thêm phương tiện củng cố chế độ bên trong và bành trướng ảnh hưởng ra ngoài để chinh phục lại thế lực đã mất từ thời Liên Xô.

- Nhưng Putin lại tiến hành việc đó với thủ đoạn độc tài mà chẳng biết rằng xứ sở đã thay đổi, cho nên sau khi cho người thân tín ra tranh cử và làm Tổng thống là ông Dmitri Medvedev, ông Putin muốn ra tái tranh cử thì đã gặp phản ứng của quần chúng. Vì vậy những viễn kiến kinh tế ông đề ra cho xứ sở có thể chỉ là ảo vọng và nước Nga sẽ còn gặp nhiều giông tố sau này.

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ nói về viễn kiến kinh tế trước. Thưa ông, ứng cử viên Putin đề xướng những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta thấy là nước Nga vẫn nằm trong chế độ độc tài và quyền lực xuất phát từ một thiểu số do Putin chỉ đạo ở trên cùng. Những người suy nghĩ khác thì bị loại bỏ, vào tù, thậm chí bị ám sát dù đã đào thoát ra ngoài nếu họ công khai vận động quần chúng qua truyền thông báo chí, vốn dĩ cũng do chế độ kiểm soát.

- Trong tinh thần tưởng là "độc tài sáng suốt", mùng ba Tháng 10 năm ngoái, ông Putin đưa ra sáng kiến xây dựng một "Liên hiệp Âu-Á" để hội nhập các nước Cộng hoà từ Âu qua Á. Bước đầu của kế hoạch Âu-Á là lập ra chế độ liên hiệp thuế quan đã khởi sự từ đầu năm nay để hội nhập hai Cộng hoà Belarus và Kazahkstan vào một không gian kinh tế thống nhất với nước Nga.

- Kế tiếp là mở rộng việc phối hợp chính sách kinh tế và tiền tệ giữa ba nước này với các nước Cộng hoà Trung Á, rồi với các nước trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập thành một tập thể gồm 11 nước đã từng ở trong Liên bang Xô viết cũ. Mặt nổi của sáng kiến này là một cộng đồng kinh tế thống nhất có vẻ hiền lành. Mặt chìm là ngần ấy quốc gia đều dùng một đồng tiền chung, và việc giao dịch buôn bán sẽ do nước Nga bảo vệ và thực tế kiểm soát bằng sức mạnh an ninh.

Vũ Hoàng: Như vậy thì liệu kế hoạch Âu-Á này có hy vọng thành công hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng khá nan giải nếu nhìn ta từ cả ba góc của tấm bản đồ.
- Tại hướng Tây, nhiều nước trong Liên bang Xô viết cũ lại muốn hội nhập vào Âu Châu theo thể chế tự do và dân chủ và được Minh ước NATO bảo vệ chứ họ chả muốn trở lại vị trí chư hầu thời Xô viết. Tại hướng Nam, các nước Cộng hoà Trung Á theo đạo Hồi thì có tài nguyên riêng và họ không quên số phận của nhiều xứ Hồi giáo đã mất quyền tự trị trong Liên bang Nga. Y như các nước Đông Âu và Trung Âu, họ nhìn thấy sự hấp dẫn của Tây phương và thực tế được giới đầu tư Âu-Mỹ mời chào để canh tân xứ sở. Sau cùng, tại hướng Đông và hướng Nam thì có Trung Quốc là thế lực mới, đói ăn và khát dầu nên rất thèm tài nguyên khoáng sản Trung Á hay Siberia, và chẳng muốn giữ vai trò phụ thuộc cho nước Nga, dù sao có dân số chỉ bằng 10% dân số Hoa lục. Vì vậy, sáng kiến Putin chỉ báo hiệu nhiều mâu thuẫn có thể xảy ra sau này giữa Liên bang Nga với các lân bang, huống hồ các lân bang ấy đều biết sự tụt hậu của Nga.


000_Par6872120-250.jpg
Một người đàn ông cầm ảnh của ứng cử viên tổng thống Nga Vladimr Putin trong một cuộc biểu tình ủng hộ ông tại Saint Petersburg ngày 18 tháng 2 năm 2012. AFP

Vũ Hoàng: Nói về sự tụt hậu thì ngoài sáng kiến Liên hiệp Âu-Á, trước đó, ông Putin còn đề xướng hai kế hoạch là hiện đại hoá và tư nhân hóa hệ thống kinh tế. Thưa ông, nội dung hai đề nghị đó là gì?


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta không quên rằng sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Boris Yeltsin cải cách kinh tế theo hướng gọi là tự do mà thực ra chỉ gây ra nạn ăn cướp công sản phổ biến khiến một số cựu đảng viên cộng sản đã thành tài phiệt lũng đoạn cả nền kinh tế trong khi công khố hết tiền và công quyền bị tham nhũng đục khoét.

- Khi lên cầm quyền, ông Putin dùng thế lực an ninh dẹp sạch chủ nghĩa tư bản hoang dã này rồi dần dần lập ra một hệ thống tư bản nhà nước và trao cho các phẩn tử thân tín quản lý các tập đoàn kinh tế. Sau khi tin rằng đã kiểm soát được cả kinh tế, chính trị, an ninh và tài chính, Chính quyền của ông cho là có thể đi đến bước kế tiếp. Đó là cho doanh giới quốc tế vào đầu tư, mua lại một số tài sản kinh doanh đang được chế độ quản lý. Họ gọi đó là "tư nhân hoá" với mục tiêu sâu xa là mời doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh rồi sẽ tài trợ nhiều công trình phát triển cần thiết cho nước Nga.

 

Tư nhân hóa kinh tế  


Vũ Hoàng: Nếu chúng ta hiểu không lầm thì chính quyền Nga sẽ bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài vào làm chủ và hy vọng là nhân đó doanh giới Tây phương sẽ đem vào Nga nhiều loại công nghệ mới. Thưa ông, vì vậy mà cùng với chủ trương tư nhân hoá, kế hoạch này cũng gọi là "hiện đại hóa", có phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy vì kế hoạch song hành này có hai mặt là tài chính và kỹ thuật.

- Trước hết, Liên bang Nga đã có tiền chứ không còn ngập nợ như dưới thời ông Yeltsin. Khối dự trữ ngoại tệ của Nga hiện lên đến gần 500 tỷ đô la mà phân nửa được lưu trữ dưới dạng Euro của Âu Châu. Nhưng chính quyền Putin không muốn dùng nguồn vốn đó mà tính huy động chừng 200 tỷ đô la đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2015. Chỉ tiêu là lấy được một khoản lớn của số dự toán này ngay trong hai năm tới nên họ đã ráo riết cải tổ luật lệ để cho phép ngoại quốc bỏ tiền mua tài sản tại Nga. Đấy là mặt nổi, về tài chính.

- Mặt kia là khi cho doanh nghiệp và ngân hàng nước ngoài hùn vốn thì cũng để tiếp nhận thêm kiến năng kỹ thuật về tổ chức và tài trợ hầu cải tiến hệ thống sản xuất lạc hậu của mình. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng, khai thông ách tắc và minh bạch hóa sổ sách kế toán được quảng cáo rất mạnh nằm trong kế hoạch hai mặt đó: mời chào quốc tế đem tiền của và công nghệ vào để góp phần phát triển kinh tế Nga. Đối tượng chính được chiêu dụ vào kế hoạch này là Liên hiệp Âu châu, là xuất xứ của ba phần tư lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và là thị trường giao dịch gần phân nửa số ngoại thương của Nga.

Vũ Hoàng: Nhưng chúng ta đều biết các nước Âu Châu đang gặp khó khăn và vụ khủng hoảng của khối Euro vẫn chưa có chiều hướng suy giảm. Như vậy chuyện đó ảnh huởng thế nào đến kế hoạch của Nga?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy mới là vấn đề mà không là vấn đề duy nhất.
- Đầu tiên, sau một giai đoạn sút giảm nhẹ vào năm 2009, Nga vẫn duy trì được mức xuất khẩu qua Âu Châu tương đối khả quan trong hai năm qua. Nhưng khi giông bão tài chính nổi lên từ Âu Châu thì lượng đầu tư vào Nga đã sụt mạnh và có thể còn sụt nữa. Vì thế toàn bộ kế hoạch hiện đại hóa và tư nhân hóa của ông Putin coi như bị lỡ trớn, và có thể bị thu hẹp hoặc hủy bỏ.


000_DV1118677-220.jpg
Thủ tướng Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp nội các tại trụ sở chính phủ ở Moscow, vào ngày 9 tháng 2 năm 2012. AFP 
- Thứ hai và tai hại hơn vậy, những biến động bùng nổ từ đầu năm nay càng khiến giới đầu tư quốc tế chột dạ về rủi ro chính trị bên trong nước Nga. Khi có gần ba vạn người biểu tình ở nhiều nơi trên lãnh thổ vào đầu Tháng Hai thì ngoại quốc giật mình tự hỏi rằng chính quyền Nga có thể thỏa thuận về những dự án bạc tỷ hay không?
- Thứ ba và còn ngặt nghèo hơn vậy là những mâu thuẫn chính trị ngay trên thượng tầng, giữa các phe nhóm xưa nay vẫn được ông Putin kiểm soát khá chặt chẽ. Thực tế thì toàn bộ kiến trúc chính trị ông ta xây dựng được từ mười năm nay đang có vẻ sụp đổ. Mà một trong các nguyên nhân rạn nứt và sụp đổ lại thuộc về chính sách kinh tế và kế hoạch mở cửa đón nhận đầu tư.

Vũ Hoàng: Câu chuyện này quả là ly kỳ, có phải rằng ông muốn nói đến khác biệt quan điểm về chiến lược kinh tế ngay trên thượng tầng ở chung quanh ông Putin?

Đối tượng chính được chiêu dụ vào kế hoạch này là Liên hiệp Âu châu, là xuất xứ của ba phần tư lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và là thị trường giao dịch gần phân nửa số ngoại thương của Nga.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và đây là kết quả bất lường của thủ đoạn Putin.

- Xuất thân là cán bộ của cơ quan KGB thời Xô viết, ông Putin thăng tiến nhờ sự hỗ trợ của các phần tử an ninh, hay "siloviki", là những người bảo vệ chế độ trong các lãnh vực an ninh, tình báo và quân sự. Những người silovik này có ưu thế trong chính quyền của Putin và đã có lúc làm giới đầu tư bỏ chạy khi kiểm soát các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng khó ai bảo vệ được sự ổn định trong lụn bại, vì vậy, ông Putin cũng huy động hậu thuẫn của các phần tử gọi là dân sự hay "civiliki" là giới chức am hiểu về kinh tế và có khả năng quản trị tương đối tiến bộ, với nhiều nhân vật đã từng làm việc với ông ta từ thời còn ở St. Petersburg.

- Đấy là thủ đoạn cân bằng hai lực đối lập để duy trì quyền lực, bên an ninh, bên dân sự. Hai thế lực ấy phân vùng cai trị trong hệ thống hành chính và kinh tế nhà nước, thường lấn nhau nhưng đều nằm dưới sự lãnh đạo của Putin. Khi cần bảo vệ chế độ thì Putin vận dụng cánh siloviki, khi nói đến hợp tác để xây dựng quốc gia thì có bộ mặt hiếu hoà đầy vẻ chuyên môn của cánh civiliki. Kế hoạch hiện đại hóa và tư nhân hóa của Putin là do cánh civiliki trù hoạch và thực hiện sau nhiều tranh chấp bên trong rồi đụng độ với cánh siloviki vì chủ trương minh bạch hoá và tư nhân hoá thực tế xâm phạm vào quyền lợi và thế lực của phe bảo vệ an ninh.

- Bây giờ, vì khủng hoảng tại Âu Châu gây trở ngại cho kế hoạch cải cách, phe siloviki có cơ hội phản ứng, từ thực tế đến lý luận. Nếu tái đắc cử Tổng thống trong tháng tới, có lẽ Vladimir Putin phải rà soát lại chiến lược kinh tế và ít nhất là tạm hoãn lịch trình tư nhân hóa các tập đoàn quốc doanh cho đến khi Âu Châu hồi phục và cho đến khi bản thân ông có thể đẩy lui phản ứng chống đối của phe siloviki khi phe civiliki thất thế. Nhìn một cách nào đó thì Liên bang Nga đang thấy lại mâu thuẫn cố hữu của chế độ độc tài là yêu cầu bảo vệ chế độ làm quốc gia khó phát triển và chỉ gây thêm bất mãn trong quần chúng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét