Thứ Ba, tháng 2 07, 2012

Buồn Vui Kinh Tế

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20120206

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Hoa Kỳ và những gian nan của sự trưởng thành

* Cột ống dẫn khí - Hý họa của Michael Ramirez *


Như nhiều quốc gia khác, Hoa Kỳ đang đứng trước những chọn lựa nan giải về kinh tế. Chọn lựa đầu tiên là cuộc bầu cử Tháng 11. Nhưng nhiễu âm của cuộc tranh cử với tin vui buồn về kinh tế sẽ khiến dân Mỹ quên hẳn những bài toán lâu dài của một quốc gia thật ra vẫn còn quá trẻ.

Đầu tiên, hãy nói đến tin vui, dù sao chúng ta vẫn ở vào buổi đầu năm!


***


Tin vui ở đây không là thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã giảm tới mức thấp nhất từ ba năm nay. Đấy chỉ là tin ảo.

Nhìn từ xa đến gần, tin vui là trong mọi quốc gia cổ kim, Hoa Kỳ là một nước gặp may. Dù rất trẻ xứ này đã xây dựng được lãnh thổ bát ngát tại vị trí địa dư thuận lợi nhất cho kinh tế. Với diện tích 10 triệu cây số vuông – xấp xỉ Trung Quốc, chỉ thua Nga và Canada – Hoa Kỳ là nước "khiếm khai", underdeveloped: chưa khai thác hết tiềm năng.

Mật độ dân số trung bình của thế giới là 50 người. Của Tầu là 140 người sống trên một cây số vuông. Nhật là 338, Đức là 230, của Hoa Kỳ là 34 người – hay 38 nếu không kể Alaska băng giá vắng người: dân số Mỹ có thể tăng gấp ba gấp bốn! Nhưng như mọi thống kê kinh tế khác, con số biểu kiến ấy về mật độ vẫn chưa là sự thật!

Người ta phải đo dân số với đất "khả canh" – có thể canh tác.

So với dân số thì diện tích khả canh của Mỹ rộng gấp ba trung bình thế giới, Trung Quốc vĩ đại kia chỉ có một phần ba số trung bình đó. Một người Mỹ có đất trồng trọt gấp đôi dân Âu Châu, gấp năm dân Á châu, gấp sáu dân Tầu. Nếu có phải cào đất kiếm ăn thì dân Mỹ kiếm ăn dễ dàng hơn. Mà họ lại cào bằng máy.

Nhưng sản lượng nào chỉ có gạo mì, còn tài nguyên khoáng sản chứ?

Hoa Kỳ cứ gào lên nguy cơ lệ thuộc về năng lượng, chứ là đại gia về dầu khí. Sản lượng dầu thô chỉ thua Nga và Saudi Arabia, còn hơn Iran, Kuweit và các Tiểu vương quốc Á Rập. Về khí đốt thì chỉ kém Nga mà hơn tổng số của năm xứ đứng sau. Hoa Kỳ xài rất nhiều dầu nên phải nhập cảng và làm như sắp chết vì dầu, nhưng xài có hiệu năng và để cung cấp năng lượng cho một bộ máy sản xuất vĩ đại.

Tính tròn cho dễ nhớ, dân số Hoa Kỳ chỉ bằng 5% của thế giới mà sản xuất ra sản lượng bằng một phần tư, trị giá gần 15.000 tỷ Mỹ kim, hơn tổng số của bốn đại gia đứng sau là Tầu, Nhật, Đức và Anh.

Cả nước Mỹ than vãn về sự suy sụp của kỹ nghệ chế biến nếu so với quá khứ hoặc với các ngành dịch vụ hay tài chánh. Nhiều người còn đả kích việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài làm dân Mỹ mất việc. Thật ra sản lượng kỹ nghệ Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, cao hơn tổng số của hai đại gia đứng sau là Tầu và Nhật. Và Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài nhất thế giới – vì thiên hạ vẫn bỏ tiền vào Mỹ để kiếm tiền, nhiều hơn là Mỹ đầu tư ra ngoài.

Vì vậy, khi kết hợp ba yếu tố cổ điển về sức tăng trưởng là đất đai, tư bản và nhân lực thì về dài Mỹ vẫn thừa khả năng phát triển hơn hẳn các thế lực khác, như Nga, Canada, Tầu, Ấn Độ, Úc hay Nhật, Đức, và Brazil, v.v.... Mà nước Mỹ lại có dân số rất trẻ, hơn các xứ công nghiệp như Nhật, Đức hay Nga, và đến cuối thập niên này thì còn trẻ hơn dân số Trung Quốc, với sức năng động cao hơn và khả năng sáng tạo làm thiên hạ chóng mặt.

Ta chưa nói đến hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử loài người: Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất có thể kiểm soát - và bảo vệ - mọi dòng hải lưu của thế giới.

Thiên tai, sóng thần, hải tặc hay mọi biến cố bất thường ngoài đại dương đều nằm dưới tầm quan sát, cấp cứu hay can thiệp của các hạm đội Mỹ. Chuyện Anh Pháp đòi phong tỏa kênh đào Suez năm 1956, hay Iran với eo biển Hormuz ngày nay, hoặc Trung Quốc đòi khống chế Đông hải sau này, là vấn đề của Mỹ vì lẽ sinh tồn kinh tế. Là vấn đề mà nước Mỹ có khả năng giải quyết được.

Nhìn trong trường kỳ và toàn cầu, Hoa Kỳ là một xứ mới lớn với những tiềm năng hiếm có. Nhưng muốn trưởng thành thì còn phải ra khỏi hiện tại - qua những chọn lựa không vẹn toàn.

Đấy là tin buồn vì phải chọn trong một chu kỳ thay đổi lớn lao và giữa cuộc tranh cử om xòm về thống kê xấu tốt! Xấu và tốt cho ứng cử viên nào là chuyện... "kinh tế cũng là chính trị".


***


Thống kê về lao động là tin vui mà ảo:

Tháng Giêng có thêm 243.000 việc làm ngoài khu vực nông trang và thất nghiệp giảm từ 8,5 đến 8,3%, thấp nhất từ ba năm nay. Tổng thống Barack Obama coi đó là minh chứng về khả năng giải quyết chuyện quốc kế dân sinh khiến ông đáng tái đắc cử. Như đội Patriots đã bị bại trong trận Super Bowl đêm Chủ Nhật, ông liều lĩnh đánh cá sự nghiệp trên một chỉ số kinh tế - mà là loại "vuốt đuôi", laggard economic indicator.

Sự thật nó cứng đầu hơn vậy.

Bộ Lao động sử dụng kết quả kiểm tra dân số năm 2010 để điều chỉnh việc khảo sát trong một tháng bất thường nhất năm nên họ sẽ còn điều chỉnh nữa. Và tỷ lệ thất nghiệp 8,3% là so với lực lượng lao động – thành phần ở tuổi 15-65 muốn tìm việc trong vòng bốn tuần trước đó mà không ra. Khi thăm dò các hộ gia đình mà một triệu hai lại nản chí trả lời là họ khỏi tìm việc thì số thất nghiệp trên quả là có giảm – mà tình hình chưa khả quan.

Theo Ngân hàng Dự trữ St. Louis, hai năm qua kinh tế Mỹ có tạo thêm gần ba triệu việc, CHỈ cần tìm thêm bảy triệu việc nữa là đạt mức nhân dụng của... 2007 – chưa kể lớp người đến tuổi lao động hàng năm từ đó đến nay! Nếu xét tới chi tiết khác trong thống kê nhân dụng là lương bổng thì lợi tức dân Mỹ không tăng nhiều từ năm năm qua dù nạn suy trầm vào cuối năm 2007 đã dứt từ giữa năm 2009. Có cải tiến mà chưa đủ. Theo Ngân hàng Dự trữ Minnesota, so với cực điểm trước suy trầm, sản lượng có tăng, mà chỉ là 0,7% so với mức thông thường hon hai năm sau một chu kỳ suy trầm là 13,5%.

Đâm ra ly nước đầy vơi là trò chơi của chính khách.

Ngắn hạn hơn, đầu Tháng Giêng ta còn biết Tổng sản lượng Mỹ tăng được 2,8% trong quý bốn của năm ngoái. So với con số toàn năm là 1,6% thì đấy là bước nhảy vọt.

Nhưng quý bốn mọi năm đều có nhảy vọt nhờ lễ lạt và hơn hai phần ba mức tăng ngoạn mục 2,8% này là sản xuất cho tồn kho: kỹ thuật kế toán thì kể là sản xuất mà thực chất là để chất hàng vào kho. Đà tăng gia chỉ có 0,8% mà thôi. Có tăng mà chưa đủ. Nếu lại giảm trừ hiệu ứng lạm phát theo cách tính mới của ngân hàng trung ương thì con số thật lại chưa hồng hào như vậy!

Sau cùng, nếu theo dõi dự báo tuần qua từ cơ quan độc lập của Quốc hội là Congressional Budget Office, bội chi ngân sách ăm nay vẫn vượt ngàn tỷ và cuối năm thì thất nghiệp vẫn có thể ở mức 8,9% - rồi sẽ tăng đến 9,2% vào năm tới. Lạnh mình.

Loại chi tiết chuyên môn ấy là chuyện ít ăn khách nên không đáng để ý.

Nhưng cứ thấy loé ra một thống kê là báo chí trình bày qua tựa đề bản tin như một tia hy vọng mà ít chịu đào sâu vào thực tế còn u ám. Nhiều người Mỹ còn hò la và quyết định qua lời đốp chát – sound bite – của các chính khách trên truyền hình nên quên hẳn những chọn lựa đau lòng mà cần thiết cho tương lai. Cột báo kinh tế này sẽ lần lượt nói về những chọn lựa đó.

Kết luận trước mắt? Mấy năm sắp tới nước Mỹ sẽ còn vất vả về chi thu và phải cải tổ hệ thống thuế vụ thì mới khá. Lý tưởng là Hoa Kỳ hoàn thành những việc này vào năm 2013. Thực tế thì phải đợi đến 2017 sau cuộc tranh cử 2016. Mà nếu lãnh đạo được bầu vào cuối năm nay lại tiếp tục hành xử như trong hai năm qua thì Mỹ sẽ gặp hoàn cảnh của California, tức là khá giống Hy Lạp....
Đấy mới là tin buồn vì cậu thanh niên cường tráng tinh ranh này quá chậm trưởng thành.

2 nhận xét:

  1. Dear Bac Nghia,

    Đoạn dưới này cháu thấy dân số tầu là 140/ triệu km2 có vẻ không đúng hình như là 140/km2. Bác xem lại ạ.

    " Mật độ dân số trung bình của thế giới là 50 người. Của Tầu là 140 người sống trên một triệu cây số vuông. Nhật là 338, Đức là 230, của Hoa Kỳ là 34 người – hay 38 nếu không kể Alaska băng giá vắng người: dân số Mỹ có thể tăng gấp ba gấp bốn! Nhưng như mọi thống kê kinh tế khác, con số biểu kiến ấy về mật độ vẫn chưa là sự thật!"

    Trả lờiXóa
  2. Xin cám ơn độc giả "hai" đã chỉ ra sự sai lầm. Mật độ dân số được tính là số người trên một một cây số vuông. Đã lập tức sửa lại. NXN

    Trả lờiXóa