Thứ Sáu, tháng 4 20, 2012

Bạc Hy Lai Trong Bình Sa Lậu

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120420

"Đồng thuận Bắc Kinh" bỗng rung rinh vì Trùng Khánh....


 * Tuyên thệ trung thành hay huơ quyền thách đảng? *



Như dòng cát chảy trong cái bình đồng hồ, mà dân Tầu gọi là "sa lậu", vụ án Trùng Khánh - hay chuyện Bạc Hy Lai ngã ngựa và bà vợ là Cốc Khai Lai có khi vào tù - tiếp tục nhỏ xuống và tràn ra những tin ghê người về sự nghiệp và hành vi của cựu Bí thư Trùng Khánh cùng gia đình.

Tuần trước, trong bài "Trùng Khánh Trùng Trùng" cột báo này đã trình bày bối cảnh của nội vụ và suy đoán về lý do thật khiến Bạc Hy Lai bay chức Bí thư Trùng Khánh rồi bị đuổi khỏi Bộ Chính trị cùng Ban Chấp hành Trung ương đảng Khoá 17. Lý do thật là sự chọn lựa sinh tử của đảng Cộng sản Trung Hoa về chiều hướng lãnh đạo trong tương lai. Chuyện ấy nay đã rõ.

Nhiều dịp trước đấy, người viết cũng giới thiệu và phê bình mô hình phát triển của thành phố Trùng Khánh, có thời xem là mẫu mực và còn được sáu trong chín Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ngợi khen. Nó giúp Bạc Hy Lai trở thành khuôn mặt sáng của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sẽ thăng quan tiến chức trong Đại hội 18 sắp tới.

Chuyện ấy cũng đã xong khi lãnh đạo Bắc Kinh đang cho điều tra lại tình trạng tham ô và nợ nần của Trùng Khánh lẫn hành tung của Bạc Hy Lai từ khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh hiu quạnh rồi Bộ trưởng Thương mại rất nổi cộm.

Nhưng, ngoài các chi tiết hấp dẫn được phanh phui gần như mỗi ngày, người ta còn cần nhìn ra nhiều chứng tật bẩm sinh của mô thức chính trị Trung Quốc mà bên ngoài gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh", hay "Beijing Consensus". Từ nguyên thủy, xin nhắc lại rằng đó là một chữ do doanh nghiệp du thuyết – chuyên về "lobby" – của Henry Kissinger đặt ra từ năm 2004 với dụng ý ngợi khen và gây ấn tượng tốt đẹp về mô thức Trung Quốc so với các mô thức khác.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung từ bốn năm nay của các nước đi theo kinh tế thị trường, chính trị dân chủ và xã hội cởi mở - chủ yếu là ba khối kinh tế Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản - giải pháp chủ động phát triển với vai trò lãnh đạo của nhà nước có thể đạt kết quả khả quan hơn, như trường hợp Trung Quốc, với mức tăng trưởng tột bậc.

Vì vậy, mô thức Trung Quốc có sức cám dỗ rất cao cho nhiều quốc gia chậm tiến và các chế độ độc tài. Thậm chí, việc nhà nước can thiệp nhiều hơn vào thị trường cũng được nhiều nước dân chủ đề cao, như ta đang thấy ngay tại Hoa Kỳ, với chủ trương của Chính quyền Barack Obama và đảng Dân Chủ.

Nhưng chuyện Bạc Hy Lai đang chết kẹt trong cái bình sa lậu là cơ hội cho chúng ta nhìn lại tất cả....


***


Trước hết, trên nguyên tắc, khi được đề cử vào Bộ Chính trị, 25 người cầm đầu đảng Cộng sản Trung Hoa đều mặc nhiên cam kết là ngày nào mà họ còn tại chức thì bản thân không liên hệ vào bất cứ một cơ sở kinh doanh nào. Lý do lý tưởng ở đây là nhờ vậy, họ có thể ở vào vị trí khách quan để thẩm xét những chọn lựa chiến lược về quốc kế dân sinh, chứ không vì tư lợi.

Trong thực tế, gia đình và thân tộc của họ vẫn có quyền và nhờ đó có cái thế tham gia vào việc kinh doanh trong một hệ thống kinh tế mà các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo và được ưu đãi. Nhưng trên nguyên tắc, đám thân tộc này vẫn được gọi là "tư doanh" và còn được giới đầu tư quốc tế ve vãn qua các công ty môi giới, hay doanh nghiệp thuyết khách, và các tay cò mi cò mồi quốc tế.

Doanh gia Neil Heywood bị tình nghi là đánh độc dược bằng thạch tín là một loại cò mồi đó – mà vẫn chỉ là cò con – và thi hài được lật đật hoả táng, cho đến khi Giám đốc Công an Trùng Khánh phanh phui làm Bạc Hy Lai và gia đình ngã ngựa.

Hiện tượng Bạc Hy Lai, con trai của Bạc Nhất Ba, một trong "bát đại nguyên lão" – các đồng chí cách mạng thời Mao Trạch Đông – hay bà vợ là Cốc Khai Lai, con gái của một viên sĩ quan lừng danh năm xưa khi "cho Việt Nam một bài học" năm 1979, cùng nhiều nhân vật khác trong "Thái tử đảng" không là hy hữu mà là quy luật.

Khi vụ Trùng Khánh đổ bể, người ta biết thêm về vai trò "doanh gia" của anh và em Bạc Hy Lai như Bạc Hy Dũng, Bạc Hy Thành, hay các chị em của Cốc Khai Lai là Cốc Hoàng Giang, Cốc Hoàng Ninh, v.v.... Nào chỉ có vậy, con cháu những Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng – công trình sư của vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989 – hay rất nhiều lãnh tụ khác trong khu Trung Nam Hải, kể cả Ôn Vân Tùng, con trai của Tổng lý Quốc vụ viện là đương kim Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đều là loại doanh gia thành công và rất được quốc tế trọng vọng.

Sự cấu kết giữa "tư doanh" có thế lực và quan hệ với các tập đoàn nhà nước trong một chế độ tư bản nhà nước tất nhiên dẫn đến "chủ nghĩa tư bản thân tộc", "crony capitalism", một ấn bản hiện đại hơn của quy luật châu Á nay hết là độc quyền Á châu: một người làm quan cả họ được nhờ.

Đấy là sự bất công của hệ thống tư bản nhà nước "với màu sắc Trung Hoa" hay "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vì tạo ra một sân chơi bất bình đẳng. Nhưng... nhập gia tùy tục, tư bản quốc tế vẫn nhảy vào sân chơi đó với cái đòn bảy là mối quan hệ cùng thân tộc của lãnh đạo.

Nhiều người còn tô màu ngũ sắc cho sự cấu kết mờ ám bằng khẩu hiệu "Đồng thuận Bắc Kinh".

Điều mà người ta ém nhẹm bên dưới là nhìn từ quan điểm quyền lợi của bá tánh hay sự vững bền của mô thức phát triển, các nhóm quyền lợi đó tác động vào sự chọn lựa của lãnh đạo ở trên. Họ thực tế cản trở việc cải cách và đưa xứ sở vào "bẫy xập" là điều mà chính đám trí thức của chế độ đã báo động: Trung Quốc hết dám cải cách khi chiến lược phát triển đã đi hết giới hạn của sự vận hành khả quan từ 30 năm qua. Nay đang bị nguy cơ khủng hoảng!

Đấy là lúc không nên thoái lui về chủ trương bảo thủ của Mao Trạch Đông do Bạc Hy Lai minh diễn với sự hùng hồn của một nghệ sĩ. Nhưng vấn đề không chỉ có khía cạnh kinh tế chính học học nhờ nhờ màu đỏ như vậy!


***


Vấn đề nó sâu xa hơn thế: với quyền lực tuyệt đối của đảng và con mắt tinh tường của Ban Kỷ luật Trung ương, cơ chế tối cao về nhân sự và kỷ cương trong đảng, còn cao hơn cả Ban Tổ chức Trung ương lẫn Ban Chính pháp Trung ương, vì sao một nhân vật như Bạc Hy Lai đã có thể vọt lên như ngôi sao băng?

Phải chăng, thành tích hay tỳ vết của họ Bạc khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh rồi Bộ trưởng Thương mại trước khi về lãnh đạo Trùng Khánh năm năm về trước là những gì mà ở trên không biết? Hoặc đã biết một cách lệch lạc nên mới sớm đề bạt và còn ngợi ca? Bây giờ Ban Kỷ luật mới lại mở cuộc điều tra - mà càng điều tra càng thấy giật mình.

Tệ nạn tham nhũng của họ Bạc đã có từ thời ở Liêu Ninh và thành tích "đả hắc" tại Trùng Khánh – diệt trừ các tổ chức tội ác của xã hội đen –  đã che giấu nạn thủ tiêu đối lập và cấu kết với mafia! Ngoài Bạc Hy Lai, còn những ai khác ở nơi khác có thể đang ở trong trường hợp này?

Nếu Vương Lập Quân không bò ra và bỏ chạy vào tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để tìm cõi sống, thì trung ương có biết không? Mà có bao giờ mà người dân được biết không?

Ngoài cái nạn tư bản thân tộc và việc kiểm tra nhân sự, chuyện thứ ba, còn gai góc hơn cho "Đồng thuận Bắc Kinh" là việc chuyển giao quyền lực.


***


Với cái nhìn lạnh lùng về mọi cuộc đấu tranh giành quyền lực ở mọi thời, mọi nơi, người ta đều phải có thể kết luận - một cách phiến diện - rằng vụ Bạc Hy Lai là một biểu hiện của chuyện tranh quyền.

Có thể họ Bạc được hậu thuẫn của Trưởng ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang - cựu Bộ trưởng Công an, nay là nhân vật thứ chín trong Thường vụ Bộ Chính trị, cầm đầu cơ chế của trung ương có chức năng chỉ huy cả hai bộ Công an và bộ An toàn Quốc gia, nghĩa là cảnh sát và tình báo - hoặc một số tướng lãnh, kể cả con trai duy nhất còn lại của Lưu Thiếu Kỳ là Tướng Lưu Nguyên. Nhưng lại gặp trở ngại từ nhiều nhân vật lãnh đạo khác trong Bộ Chính trị. 

Họ là những ai? Chúng ta khó biết được.

Có thể là Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Hạ Quốc Cường, Trưởng ban Kỷ luật Trung ương, là những người thuộc lớp lãnh tụ sắp về hưu. Hay Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, là hai người sẽ lên thay thế cặp Hồ-Ôn. Hoặc Bí thư Quảng Đông là Uông Dương, một cựu Bí thư Trùng Khánh và nhân vật đang hy vọng ngồi vào ghế "thất hiền", bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội 18.

Xuyên qua đó, ta có thể đoán ra một số thế lực bên trong "cái đa số thầm lặng" này.

Nhưng hãy nhìn sân khấu chính trị Trung Quốc trong viễn cảnh sâu xa hơn.

Từ năm 1981, Đặng Tiểu Bình đề ra nguyên tắc đồng thuận là tập thể lãnh đạo phải giữ vẻ thống nhất – không công khai hóa những dị biệt về quan điểm hay chủ trương – và tuyệt đối gạt bỏ tệ sùng bái cá nhân như dưới thời Mao. Ông ta cũng đề ra nguyên tắc chuyển giao quyền lực một cách ôn hoà khi lãnh đạo chọn trước những người sẽ lên thay thế trong thập niên tới.

Vậy mà họ Đặng đã tuột tay trong vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát và Tổng Bí thư đương thời là Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Lần đó, các tướng lãnh đã được điều vào thay thế Quân khu Thủ đô để dẹp loạn tại Bắc Kinh. Nhờ đó, Giang Trạch Dân và Kiều Thạch cùng Lý Bằng đã lên ngôi, trong khi cũng theo ý họ Đặng mà chọn trước Hồ Cẩm Đào sẽ lên thay thế trong Đại hội 16 vào năm 2002. Nhờ vậy từ 1991, Trung Quốc đã bảo đảm được sự chuyển quyền tương đối êm ả trong hai chục năm.

Thế rồi vụ Bạc Hy Lai bị đột ngột hạ bệ cho thấy nhược điểm của lối tuyển chọn âm thầm đó. 

Vì có âm thầm là có mờ ám! Sự mờ ám này làm đảng Cộng sản Trung Hoa đang bị khủng hoảng khi chuyển giao lãnh đạo cho thế hệ thứ năm và chuẩn bị người thay thế trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu.

So sánh với tiến trình tranh cử ồn ào, tèm lem và đầy bất ngờ của các nền dân chủ, sự ổn định ở bề mặt của mô thức Trung Quốc mới là một bất trắc sinh tử! Sinh tử nhất, nếu ta không mắc bệnh quên trí nhớ là vụ Thiên an môn bùng nổ vì một nguyên nhân đầu tiên: dân chúng biểu tình phản đối nạn tham nhũng và mối lo về lạm phát. Chuyện đấu tranh cho dân chủ chỉ là hậu quả, đến sau.... Mà tham nhũng hay lạm phát cũng đang là mối lo hiện đại của lãnh đạo vì là sự bất mãn của quần chúng.

Vấn đề ấy dẫn ta về hiện tại là chuyện thứ tư là sự đổi thay của xã hội.


***


Khi Đặng Tiểu Bình còn tại thế, xã hội Trung Quốc chưa lãnh cuộc cách mạng tín học và làn sóng thông tin có thể gọi là vô cương, không biên giới.

Xưa kia, nhờ khả năng bưng bít thông tin và tuyên truyền có định hướng, các lãnh tụ ở trên đã có thể âm thầm và nham hiểm kiểm soát nhận thức của mọi người như những đạo diễn có tài, vì mọi diễn viên trong hậu trường đều theo sát kịch bản đồng thuận đã được tập thể chọn lựa. Nhưng qua thế kỷ 21, hiện tượng thông tin vô cương và mạng lưới xã hội điện tử toàn cầu đã đảo lộn trò chơi hắc ám này.

Khi nội vụ đổ bể từ hôm mùng bảy Tháng Hai – là lúc Vương Lập Quân đồng ý ra khỏi toà Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô để được giải về trung ương là Bắc Kinh thay vì có thể bị tay chân họ Bạc thủ tiêu ngay tại Trùng Khánh – làn sóng thông tin đã phá vỡ những bức vách ngăn cách của lãnh đạo.

Ban đầu, các lãnh tụ Bắc Kinh còn tương kế tựu kế mà cho loan truyền một số tin tức có chọn lọc và dụng ý về Vương Lập Quân rồi Bạc Hy Lai. Nhưng trong hai tháng liền, qua các mạng thông tin chằng chịt ở trong và ngoài Trung Quốc, làn sóng đó đã gây phản tác dụng theo đúng quy luật "lộng giả thành chân": có nơi loan tin về nguy cơ đảo chánh quân sự và có nơi phát động phong trào đề cao Mao Trạch Đông – để bênh vực Bạc Hy Lai.

Chuyện đồng thuận và âm thầm bỗng dưng chấm dứt và nhiều người loan tin trong các blog bị cầm tù. Vì trò chơi của trung ương lại mở ra nguy cơ tranh luận công khai không chỉ trên thượng tầng mà ngay trong quần chúng và cả... quân đội.

Kết cuộc thì y như trong vụ Lâm Bưu tử nạn năm 1971 sau một vụ đảo chánh hụt và bị phản đảo chánh, các tướng lãnh phải lên tiếng thề bồi là Quân đội Giải phóng vẫn tuyệt đối trung thành với đảng! Chu Vĩnh Khang cũng giương tay thề thốt không kém.


***


Khi nhìn lại toàn vụ, từ chuyện tư bản nhà nước, tư bản thân tộc đến tham nhũng và tranh quyền, từ việc kiểm tra nhân sự đến tuyển chọn lãnh đạo và điều hướng dư luận, mô thức Trung Quốc hay cái gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh" chỉ là bi kịch của xã hội đen khoác áo đỏ.

Xét cho cùng thì cũng chẳng khác chi tuồng hát đang tưng bừng ở Hà Nội. 


3 nhận xét:

  1. ..."Xét cho cùng thì cũng chẳng khác chi tuồng hát đang tưng bừng ở Hà Nội."

    Thưa bác, chí phải!
    Trò "ngoan" thì phải học theo thầy thôi (ngoan nhưng không biết là khôn hay ngu đây...).

    Kính chào bác Nghĩa!

    Trả lờiXóa
  2. Chào chú thân mến,

    Bọn chúng liên minh "ma quỷ" tạo nên bi kịch cho dân đen thưa chú.

    Chúc chú luôn mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22/4/12 9:02 CH

    Xã hội nước Tàu từ lập quốc đến giờ người dân chỉ biết chọn con đường nổi loạn bùng lên khắp nơi là giải pháp duy nhất để lật đổ chế độ cai trị thối nát. Từ những triều đại phong kiến xa xưa và cho đến ngày nay dưới thể chế Cộng sản nhắm thấy con đường người dân nổi loạn cũng luôn tái đi diễn lại trong vòng lẩn quẩn. Lý do bởi người dân trong thực tế luôn là những kẻ bị coi như nô dịch cho giới cầm quyền; nền tảng dân sự để xây dựng tự do dân chủ hoàn toàn thiếu vắng nên người dân có đau khổ ngút trời cũng không kêu ca vào đâu được! Khổ qúa đến đường cùng không còn thiết sống nữa thì tìm cách đứng lên giết những kẻ cai trị tham ô từng gây đau khổ cho mình, câu chuyện Thủy Hử là một điển hình mô tả rõ nét thực chất nhất xã hội Trung Hoa từ xưa cho đến nay. Chuyện chuyển giao quyền lực một cách êm thắm trong lịch sử cai trị nước Tàu là chuyện bất khả thi. Loạn phải từ cung đình ra xã hội rồi đến chiến trường, xứ quân tranh hùng dai dẳng khắp nơi đến tàn cuộc rồi mới lập lại trật tự là thảm họa ngàn đời của xã hội Trung Hoa và riêng VN chắc cũng thế! Ai còn mơ hồ nghĩ đến thời Nghêu Thuấn theo triết lý sống của Khổng Khâu là chuyện không có thực, trước Công nguyên đã từng bị các nhà đạo học, triết gia, pháp gia đương thơì công kích rồi; điều này lại càng bất khả thi hơn trong xã hội Trung Hoa với chế độ độc tài toàn trị hiện nay.

    Việt Nam cần học lấy bài học này! Như lời khuyên của Đức Thánh Trần, cho dù cách nay đã trên 700 năm mà sao như vẫn còn mới mẻ:
    „Phải khoang sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách...“

    Trả lờiXóa