Thứ Ba, tháng 4 10, 2012

Hoa Kỳ Chuyển Trục Về Châu Á

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 120409
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ và nhu cầu đế quốc

* Lưỡi đỏ và lưỡi xanh của Trung Quốc - Bản đồ của The Economist *



Từ nguyên thủy, Hoa Kỳ là một mảnh vụn sáng láng của Âu Châu trên một khu vực được thiên nhiên ưu đãi tại lục địa Bắc Mỹ. Rồi trở thành quốc gia phú cường nhất thế giới và lịch sử.

Do sự hình thành, trong 200 năm đầu, lãnh đạo chính trị và tư tưởng của xứ này chịu ảnh hưởng Âu Châu khi du nhập kiến thức và lề lối tổ chức từ bên kia Đại Tây dương. Giao dịch kinh tế và hệ thống phòng thủ đầu tiên của Mỹ mang đặc tính Bắc Đại Tây dương: sức hút Âu Châu đã như là định mệnh cho xứ này.

Nhưng khi hoàn thành quốc gia, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc Châu Á... mà người dân không biết. Nước Mỹ có mặt tại miền Đông Thái bình dương từ Thế kỷ 19 và qua Thế kỷ 20 đã ba lần tham chiến tại Châu Á, dần dần mới ý thức được sức hút của Á Châu.

Sau Thế chiến II, có hai mốc thời gian đánh dấu sự chuyển hướng ấy - trong tiềm thức:

Năm 1972, giữa Chiến tranh lạnh, Tổng thống Richard Nixon can thiệp vào Á Châu khi giải vây Trung Quốc. Mục tiêu vẫn còn đầy ý thức Âu Châu: giải quyết tranh chấp với Liên bang Xô viết. Mốc thứ hai là năm 1983 khi luồng giao dịch qua Thái bình dương đã lần đầu cao hơn số trao đổi giữa hai bờ Đại Tây dương. Địa cầu chuyển trục vì quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ từ Âu Châu cứ nghiêng dần về Châu Á.

Miền Tây Thái bình dương mới là triển vọng và vấn đề. Lãnh đạo Hoa Kỳ có thể đã thấy vậy mà dư luận thì chưa. Cho đến năm 1989, là khi bức tường Bá Linh sụp đổ rồi Liên Xô tiêu vong năm 1991. Đấy là lúc mà các chiến lược gia về an ninh Hoa Kỳ nghĩ đến định mệnh Á Châu của Mỹ.

Nhưng trên đà tan rã của Liên Xô, Saddam Husein lại tấn công xứ Kuweit làm Hoa Kỳ mở chiến dịch tấn công Iraq năm 1991 và chú ý đến Trung Đông: chuyện "cấm bay" sau đó của Chính quyền Bill Clinton trên vùng trời Iraq. Vụ khủng bố 9-11 xảy ra 10 năm sau càng thu hẹp tầm nhìn của Hoa Kỳ vì cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và hai chiến dịch nóng là A Phú Hãn và Iraq. Nước Mỹ mặc nhiên thả nổi khu vực Á Châu.

Cho đến ngày kết thúc hai cuộc chiến đầy tốn kém này. Là ngày nay....


***


Hãy nhìn về Á Châu, lục địa lớn nhất thế giới với 30% diện tích đất đai và 60% dân số địa cầu.

Khu vực đa diện và phức tạp này trải rộng từ kênh đào Suez qua Iran đến Đông Á, từ miền Đông rặng Ural của Nga đến bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và đảo Guam hay mạn Bắc Úc Châu...

Thế giới cứ nói đến kỹ nghệ không gian và lưới điện toán toàn cầu chứ nhân loại vẫn chủ yếu buôn bán với nhau nhờ tầu hàng nối liền các lục địa. Việc chuyển vận 90% lượng hàng hóa trao đổi của thế giới qua ngả hàng hải vẫn phải được hải quân bảo vệ, dưới con mắt của không quân và vệ tinh. Là sở trường của Hoa Kỳ, siêu cường độc bá và duy nhất có thể gọi là toàn cầu.

Nhìn trên địa đồ kinh tế, khu vực nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương là nơi giao dịch phân nửa lượng hàng hóa nói trên. Vì vậy, tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược này là quyền lợi của Hoa Kỳ và của thế giới. Nói cách khác, Hoa Kỳ trải rộng phương tiện và sự can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình, như một đế quốc. Nhưng là một đế quốc dân chủ và góp phần bảo vệ quyền lợi của thế giới khi đảm bảo sự vận chuyển tự do trên biển, nhất là các vùng biển chiến lược cho kinh tế toàn cầu, từ Eo biển Hormuz đến Eo biển Malacca....

Cũng vì vậy, cuộc hội ngộ Mỹ-Hoa đang trở thành tất yếu.

Trung Quốc ngày nay đã lớn mạnh về mọi mặt. Cường quốc kinh tế này đang là đại cường quân sự, với ý chí trở thành đại cường hải dương để kiểm soát và khống chế cả Đông hải, từ Đài Loan, Nhật Bản xuống Eo biển Malacca, vào Ấn Độ dương, qua Pakistan và tiến dần đến Bán đảo Á Rập: lần đầu tiên trong lịch sử, xứ này cần buôn bán với bên ngoài.

Không muốn tranh chấp với Hoa Kỳ - dại gì - Bắc Kinh vạch lằn ranh "bất can thiệp", là chuỗi hải đảo kéo dài từ biển Okhotsk qua Nhật Bản xuống tới Đài Loan và "Lưỡi bò Đông Á" (màu đỏ trên bản đồ) trùm lên cả Hoàng Sa và Trường Sa. Họ tự giành lấy quyền bắn trước trong vòng "phòng thủ" ấy! Đó là khái niệm mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là A2/AD, "anti-access/area denial".

Với các xứ khác thì vừa dụ bằng kinh tế vừa dọa bằng quân sự, Thiên triều đỏ muốn vô hiệu hóa khả năng đương cự. Khẩu hiệu "quật khởi hòa bình" của Bắc Kinh hàm ý "trung lập hóa" toàn khu vực họ coi là trái độn quân sự.

Trái độn với Mỹ.


***


Nhìn từ bên ngoài, ta thấy ra một mâu thuẫn của Hoa Kỳ, đang dội vào Á Châu.

Dù thuộc bất cứ đảng nào, lãnh đạo Mỹ đều ý thức được vai trò "đế quốc thực tế" của quốc gia.

Việc Tổng thống Cộng Hoà George H. Bush tấn công Panama cuối năm 1989 hay việc Tổng thống Dân Chủ Barack Obama tấn công Libya năm 2011, giữa nội chiến của hai xứ này, đều nằm trong hướng đó. Lý do là an ninh chiến lược của Mỹ và thế giới. Lý cớ là nhân quyền.

Mâu thuẫn ở đây là đế quốc Hoa Kỳ lại là một xứ dân chủ, nơi mà lòng dân chứ không phải lãnh đạo mới quyết định về đường hướng quốc gia và cả sự can thiệp vào thiên hạ sự. Quyết định dễ hiểu nhất là lá phiếu.

Tổng thống nào mà giải thích và thống nhất được lòng dân cho mục tiêu chung của quốc gia thì được coi là anh minh dù là khi áp dụng thì cũng đầy tráo trở. Trong Thế kỷ 20, hai vị Tổng thống được kính trọng nhất cũng có khá nhiều thủ đoạn trái ngược với lý tưởng chính thức của họ, đó là Franklin Roosevelt và Ronald Reagan!

Mâu thuẫn ấy dội ngược vào Á Châu vì như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng hành xử theo kiểu đế quốc để can thiệp vào thiên hạ sự hầu bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng khác với Hoa Kỳ, Trung Quốc hãnh diện với ý chí đế quốc đó và không chấp nhận nguyên tắc dân chủ.

Nhờ vậy, lãnh đạo Bắc Kinh có lợi thế hơn lãnh đạo Washington. Họ dám làm chuyện ngang ngược với quốc tế mà chẳng phiền hà gì. Và cũng khỏi cần biện bạch với thần dân. Khái niệm về cái lưỡi bò bao trùm lên lãnh hải của các lân bang còn được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng!


***


Sau khi giải kết tại Iraq và A Phú Hãn, Hoa Kỳ đang hướng về Đông Á.

Tức là vì quyền lợi lẫn an ninh, Mỹ rơi vào sức hút khách quan của Á Châu. Chính thức là qua phát biểu năm ngoái của Ngoại trưởng Hillary Clinton, thực tế là qua những liên kết đa phương hay song phương với các nước bán đảo hay hải đảo quanh Trung Quốc, trong và ngoài lằn ranh A2/AD, từ Nhật Bản Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v... xuống tới Úc và sang tới Ấn Độ!

Nhưng ta sẽ rất lầm khi lại suy nghĩ theo kiểu Âu Châu thời Chiến tranh lạnh, là các nước nên khôn hồn đứng thế trung lập kẻo trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết vì Mỹ đang be bờ phong toả Trung Quốc như đã từng làm trong nửa thế kỷ với Liên Xô. Sự thật thì Hoa Kỳ đang buôn bán và kiếm lợi với Trung Quốc mà cũng góp phần làm cho xứ này thay đổi từ ruột gan bên trong. Là chuyện không xảy ra với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Trong lâu dài, chuyện Mỹ-Hoa thật ra thâu tóm vào mâu thuẫn văn hoá chính trị.

Hoa Kỳ là đế quốc bất đắc dĩ vì lý tưởng dân chủ của người dân. Trung Quốc là đế quốc có chủ đích và lãnh đạo coi dân chủ là chướng ngại. Nền dân chủ luộm thuộm trong mỗi kỳ bầu cử cho phép nước Mỹ chuyển hóa bên trong và chuyển hướng bên ngoài. Ách độc tài của Trung Quốc mới khiến xứ này dễ bị nội loạn, bên dưới cái vẻ ổn định lạnh lùng của họ.

Các nước Á Châu ở giữa có thể chọn lựa. Và trung lập sẽ là điều vô nghĩa – còn nguy hiểm khi hiểu theo dụng ý Bắc Kinh – nếu không khởi sự bằng tinh thần độc lập.

1 nhận xét:

  1. Bài viết này rất giá trị. This article is quite valuable.

    Trả lờiXóa