Thứ Ba, tháng 4 03, 2012

Nhờ Mao Mà Chết Vì Nước

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 120402
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Đại Vận Hà, Vạn Lý Trường Thành, nay là Nam Thủy Bắc Điều....

   * Tháp nước lớn nhất địa cầu đang cạn kiệt dần... *


Nước đây chẳng phải là nước non mà là nước nôi....

Mao Trạch Đông không chỉ để lại chiến dịch "Thanh Hồng - Đả Hắc" và trò múa may thời nay của Bạc Hy Lai. Di sản của ông cũng không chỉ là mấy chục chiến dịch thanh trừng nội bộ hoặc "Đại Dược Tiến" trong các năm 1958-1961 khiến 36 triệu người chết đói trong bước nhảy vọt vĩ đại vào chốn "cơ hoang" – dù được mùa vẫn chết đói. Mà cũng chẳng là 10 năm "Đại Văn Cách" khiến các đảng viên cao cấp chết như ruồi dưới tay các Vệ binh đỏ xuất hiện tựa bầy quỷ dữ....

Di sản của ông còn là chuyện nước nôi, một vấn đề kinh tế đã thành tai họa xã hội, môi sinh và an ninh cho người dân Trung Hoa - và cho cả tỷ người Á Châu ở các nước vây quanh....


***


Trước hết, xin... hãy thông cảm với ông ta! Trung Quốc là một xứ không may.

Địa dư hình thể quốc gia này có những bất lợi từ tiền kiếp là miền Bắc thiếu nước mà miền Nam lại lũ lụt triền miên. Có hai con sông lớn là Hoàng hà phía Bắc và Dương tử phía Nam lại cách nhau ngàn dậm. Kể thêm Châu giang của Quảng Đông thì vẫn là ba sông ba cõi.

Vì vậy, ngay từ thời Thượng cổ, việc đào kinh khơi ngòi đã thành nhu cầu sinh tử.

Chẳng biết ông Đại Vũ nhà Hạ làm thủy lợi ra sao quãng 4.210 năm trước, người ta vẫn thấy việc nhiều đời vua hỳ hục đào kinh. Con kinh Đại Vận Hà, từ Hàng Châu lên Bắc Kinh, là công trình vĩ đại ngang tầm Vạn Lý Trường Thành, lần đầu tiên khởi công xây cất cũng vào cùng thời đại, thời Chiến Quốc.

Hoàng đế Trung Hoa nào lên ngôi cũng đều nhớ đến Đại Vận Hà và Trường Thành, hai công trình để đời.

Một hoàng đế có tham vọng như Mao Trạch Đông - lại được trang bị với xã hội chủ nghĩa đầy tính khoa học và hiện đại - tất nhiên cũng muốn đặt viên đá đầu tiên cho hậu thế khỏi quên sự nghiệp siêu phàm của mình. Ông là người xẻ núi đào sông để thay đổi bộ mặt của thiên nhiên. Cái nỗ lực mà đời sau gọi là thủy lợi là bước đầu của thủy hại. 

Đấy cũng là động lực ban sơ của chiến dịch Đại Dược Tiến.

"Do miền Nam thừa nước, miền Bắc khô cằn, ta mượn chút nước miền Nam tiêu tưới miền Bắc". Kế hoạch "Nam Thủy Bắc Điều" xuất hiện từ đó trong tâm trí duy ý chí của Mao, vào năm 1952. Khi ấy, kiến thức của Mao là đập nước Hoover Dam của Mỹ đế và những thành tựu sáng láng của Stalin tại Liên bang Xô viết. Và tinh thần của ông là một tư tưởng kiểu Thành Cát Tư Hãn: "ngã vi thiên hạ sự, hà tích tiểu dân tai" - ta lo việc lớn cho thiên hạ, tiếc gì những tai họa của lũ tiểu dân....

Kết quả là đập Tam Môn Hiệp và thảm họa chảy dài từ Hà Nam đến Sơn Đông. Và còn nhiều công trình chết người khác, kể ra không hết.


***


Sau khi Mao tạ thế, các thế hệ lãnh đạo về sau đều nhất trí đánh giá sự nghiệp là "đa phần tích cực", chỉ có một phần tiêu cực vào lúc cuối đời – mà không ai được nhắc tới. Duy có một di sản của Mao thì vẫn giữ nguyên vẹn. 

Trị thủy!

Khá hơn Mao về nhiều mặt, Đặng Tiểu Bình là người khoa học hơn: ông quy tụ và đào luyện các kỹ sư và chuyên gia để cùng tham gia dựng nước. Từ Giang Trạch Dân đến Lý Bằng hay Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc hoặc Ôn Gia Bảo đời nay đều xuất thân kỹ sư. Họ tiếp tục thực hiện ước vọng của Mao và Đặng với kiến thức mới - và những sai lầm cũ: thay đổi bộ mặt của thiên nhiên thì có cái giá phải trả, mà trước hết phải tính cho ra! Còn ai trả thì vẫn là chuyện "tiểu dân tai"...

Hoa Kỳ đi trước nên đã thấy và hết chơi trò trị thủy với những đập nước siêu hạng. Trung Quốc thì chưa nên lại nhảy vọt.

Đập Tam Hiệp thai nghén trong tâm tư của Mao được hồi sinh từ năm 2002 và bắt đầu gieo họa. Mà chưa thấm vào đâu với cả vạn - vạn chứ không phải là ngàn, là trăm - công trình vĩ đại khác. Tinh thần chủ quan duy ý chí cố hữu dẫn đến chiều hướng "dẫn điện từ Tây về Đông, khơi nước từ Nam lên Bắc". Và hai thế hệ sau Mao Trạch Đông, vì đã xây quá nhiều đập đến ứ nước miền Đông, nay Thiên triều đỏ phải Tây tiến...

Họ tiến lên rặng Hy Mạ Lạp Sơn. Nơi đỉnh trời có băng tuyết chỉ thua Nam Bắc Cực và có Cao Nguyên Tây Tạng là nguồn nước của hơn một chục con sông lớn nhất Á châu, kể cả Hoàng hà, Dương tử hay Indus, Brahmaputra, Irrawady, Mekong và hai dòng hợp lưu chảy vào sông Hằng của Ấn Độ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hay tăng ni Tây Tạng đang tự thiêu? Tiểu dân tai! Mekong cạn dòng hay Miến Điện lũ lụt, lòng chảo của sông Hằng và Brahmaputra bị khan nước? Chuyện của phiên bang và dị tộc! Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số đập nước đã và đang được thực hiện.

Lại còn dẫn đầu thế giới về... xuất cảng đập! 

Sau khi học hỏi, ăn cắp và cải tiến kỹ thuật Tây phương, các đấng con trời đang xây đập cho gần hai chục quốc gia trên thế giới, Á Phi gì cũng có, kể cả chư hầu An Nam với Đô hộ phủ mới, được gọi là Bộ Chính trị.

Thế giới mù loà cứ ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc và đớn hèn nín thinh về những tai họa môi trường do xứ này gây ra cho thiên hạ. Nhưng... thiên bất dung gian.

Xin yên tâm, cột báo này vẫn đang viết về kinh tế!


***


Khi triệt để khai thác lâm sản tại Cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đã gây lũ lụt cho hạ nguồn, ở ngay trong khu vực họ chiếm đóng và gọi là Khu tự trị Tây Tạng. Khi ráo riết đào kinh vét nước để chuyển lên miền Bắc, họ cũng xâm hại cả Cao nguyên Tây Tạng – mà Thiên triều đỏ nhập nhằng gọi là Cao nguyên Thanh Tạng.

(Xin vài dòng giải thích tại đây: lãnh thổ Tây Tạng nguyên thủy do Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1950 và thống trị từ 1959 đã bị xé vụn và gom vào các tỉnh lân cận như Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải. Gần phân nửa Cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng là đất của người Tây Tạng, trải rộng trên một diện tích bằng cả Tây Âu.)

Việc xâm hại đó dẫn tới hậu quả là nguồn nước ngọt từ đỉnh băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn và đầu nguồn của các con sông lớn đã cạn dần. Trung Quốc ngày nay đang bị nguy cơ thiếu nước. Một kỹ sư về địa chất đã báo động từ gần chục năm trước, rằng Trung Quốc gặp mối nguy sinh tử là hết nước. Ông ta là đương kim Thủ tướng, và cảnh báo rằng sự tồn tại của xứ sở nằm ở đó.

Họ Ôn phát biểu như vậy vì hai thành phố thiếu nước nhất nước là Bắc Kinh và Thiên Tân, trong lòng chảo Hải Hà. 

Và miền Bắc càng thiếu nước thì lãnh đạo càng yêu nước. Dù sao mặc lòng, họ cứ khơi ngòi chuyển sông, nước Dương tử sẽ thắm dòng Hoàng hà và tất nhiên phải được các con sông khác tiếp trợ. Dưới hạ nguồn, các lân bang có chết khô thì cũng chẳng sao!

Chúng ta chưa rõ hiện tượng nhiệt hoá địa cầu có là nguyên do chủ yếu khiến băng tuyết trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cứ tan dần, trung bình 7% một năm, theo ước tính của chính Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh. Vì vậy, nguồn nước cho bên dướí cứ khan dần. Nhưng, trong nạn biến đổi khí hậu, ta không thể quên phần đóng góp tích cực của Trung Quốc. Nó thực tế đảo lộn thiên nhiên và gây ra thảm họa thiếu nước cho Á Châu, từ Pakistan đến các nước Trung Á, Nam Á và cả Đông Nam Á.

Vì thế, chuyện nước non với Trung Quốc không chỉ có Đông hải!


***


Tổng kết lại, đỉnh trời Hy Mạ Lạp Sơn là nguồn nước cho 300 triệu dân Trung Quốc và thật ra cho cả tỷ dân Châu Á. Trong số này, Trung Quốc và Ấn Độ quy tụ 37% dân số địa cầu mà chỉ sống nhờ 11% nguồn nước ngọt của thế giới.

Á Châu đang dẫn đầu thế giới với vài kỷ lục rợn mình: có đà tăng trưởng cao nhất, nhưng lượng nước ngọt thấp nhất tính theo đầu người, lại có hiệu năng tiêu thụ kém nhất và khả năng sản xuất thấp nhất, nên đang gây họa môi sinh kinh hãi nhất. Với những Tề thiên Đại thánh đỏ đầu đang đại náo Thiên cung trên đỉnh trời, ở cao độ hơn 7.000 thước, các nước Châu Á sẽ có ngày phải lâm chiến vì nước. "Chết vì nước" nên được hiểu theo nghĩa đen.

Bài này được viết khi theo dõi chuyện con đập Sông Tranh 2 ở Việt Nam. Cái tên tiền định! 


2 nhận xét:

  1. Xin chào bác Nghĩa,
    Đọc bài viết nào của bác cũng sướng vì thông tin rất sâu và dễ hiểu. Ngày nào cháu cũng vào để tìm đọc bài mới của bác. Chúc bác một ngày tốt lành.

    Trả lờiXóa
  2. Kính chào Bác Nghĩa,
    "Bài này được viết khi theo dõi chuyện con đập Sông Tranh 2 ở Việt Nam. Cái tên tiền định!"
    Xin Bác diễn nôm cho rõ nghĩa hơn.
    Kính.

    Trả lờiXóa