Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120604
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Trong viễn ảnh dài, Hoa Kỳ vẫn ngự trên đỉnh
* Nguy cơ tái diễn kịch bản 2010 và 2011? Hình minh diễn của The Wall Street Journal *
Sáng Thứ Sáu mùng một, khi thị trường tài chánh chưa mở cửa, Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố thống kê về nhân dụng của tháng trước.
Sau đó, chuông vừa reo là chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones DJIA tuột trăm điểm. Suốt ngày sụt nữa và cuối ngày mất 275 điểm. Tiểu biểu hơn vì quy tụ 500 doanh nghiệp lớn nhỏ là chỉ số S&P 500: mất hơn 3%. Nội trong một ngày, thị trường cổ phiếu nhả lại hết những gì đã được từ đầu năm. Qua ngày Thứ Hai, thị trường Mỹ vừa mở là cũng rớt, sau các thị trường Á, Âu..
Lý do: số việc làm mới trong Tháng Năm chỉ bằng phân nửa dự báo bi quan nhất và số Tháng Tư đã công bố hôm mùng bốn Tháng Năm còn bị điều chỉnh lại mất phân nửa. Nguồn nhân lực bị khiếm dụng, là số người có khả năng lao động, có tìm việc mà không ra nên tạm nhận việc bán thời, cũng tăng: thất nghiệp thật – nguyên hình hay trá hình, toàn thời hay bán thời – lên tới 14,8%, cao hơn tỷ lệ biểu kiến là 8,2%. Trước đó một ngày, Thứ Năm 31, Bộ Thương mại còn chỉnh lại sản lượng của Quý I: chỉ tăng có 1,9%, không là 2,2% theo ước tính ban đầu.
Như một võ sĩ bị nhồi hai cú liên tiếp, nước Mỹ loạng choạng lùi vào dây. Mà hình như sợi dây lại trùng cả bốn góc.
Kinh tế Âu Châu suy sụp nặng hơn mọi dự đoán, Tây Ban Nha lao đao bên bờ vực Hy Lạp, mà lãnh đạo khối này chưa thể thống nhất về giải pháp. Hy Lạp, Tây Ban Nha hay... Đức sẽ ra khỏi khối Euro? Bên kia đại dương, Á Châu cũng uể oải, Nhật, Ấn, Úc đều đồng nhịp đi xuống.
Đầu máy Trung Quốc dẫn đầu sự sa sút. Một chỉ số tiên báo là đơn mua hàng chế biến PMI đã tuột từ 53,3 xuống 50,4. Dưới mức 50 là dấu hiệu suy trầm. Bắc Kinh đã tính giảm đà tăng trưởng để điều chỉnh lại cơ cấu thất quân bình hầu tránh động loạn, như Hội nghị Trung ương quyết định từ năm ngoái. Nay họ bỗng giật mình, tuần qua họ trù tính bơm thêm thuốc bổ cho tay đua xe đạp khỏi lăn kềnh ngay trước Đại hội 18, một đại hội quan trọng nhất từ 10 năm nay...
Giới đầu tư tài chánh thì nhìn vào chuyển động ngắn hạn và thấy loé màu đỏ.
Dùng "phương pháp kỹ thuật" để đo tâm lý thị trường, họ vẽ đường tuyến "trung bình di động" của giá cổ phiếu trong 200 ngày (200-day moving average) - mỗi ngày cộng thêm số mới và gạt qua số cũ, cứ thế mà tính tiếp. Kinh nghiệm trăm năm cho biết rằng khi các chỉ số sụt dưới lằn 200 là có dấu hiệu tháo chạy. Tuần qua, mọi người đều chập chờn liếc ra cửa.
Đoản khúc bi ai đã bắt đầu: toàn cầu nhuốm màu xám đục của suy trầm tập thể trong thế cộng hưởng.
***
Bây giờ, hãy nhìn lại hòn bi xanh.
Cho đến ngày nhân loại lập xưởng trên cung trăng hay xuất cảng lên Hoả tinh, mọi nền kinh tế đều lệ thuộc vào sức hút của trái đất và vào địa dư hình thể.
Đông dân nhất thể giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai... bán đảo nghèo.
Trung Quốc là ốc đảo giữa Đông hải và núi cao hay thảo nguyên sa mạc hoang vu ở ba góc còn lại. Bên trong, khu vực trù phú nhất ở miền Đông thì thiếu đất và thiếu nước. Nơi đây, diện tích khả canh chỉ bằng 1/3 trung bình thế giới, cho một dân số 500 triệu người, có lượng nước ngọt thấp nhất châu Á. Mà trong năm châu thì Á châu là nơi ít nước nhất.
Ấn Độ là tam giác bị chặn bởi rặng Hy Mã Lạp Sơn trên đầu. Hai góc Đông Tây đều là biển cả: Vịnh Bengal và Biển Á Rập. Bên trong, lưu vực sông Hằng không đủ đất và nước cho một dân số quá đông. Lại còn bị Trung Quốc hút mất nước để tiêu tưới miền Bắc khát nước của họ!
Có lãnh thổ rộng nhất địa cầu, Liên bang Nga là xứ... khiếm khai.
Rất giàu tài nguyên mà không khai thác nổi vì địa thế hoang vu và phí tổn đầu tư quá đắt cho sự chuyển vận, biến chế và bán ra có lời. Sự trống trải đó còn khiến xứ này luôn luôn sợ bị tấn công – và đã từng bị - nên nuôi lực lượng quân sự lớn mạnh nhất, cho tới hụt hơi mà thác vào năm 1991. Từ đó, dân số sa sút dần, chết nhanh hơn đẻ.
Về ngắn hạn, dầu thô mà sụt dưới trăm đồng một thùng là ngân sách Nga lủng nặng. Khi thống kê nhân dụng Tháng Tư tại Mỹ được loan hôm mùng bốn Tháng Năm, dầu thô thế giới tuột dốc suốt tháng. Từ 105 đã mấp mé 80 đồng trên thị trường Mỹ và còn sụt vì dự báo suy trầm thế giới. Dầu thô mất giá làm Nga vất vả còn hơn mọi cường quốc khác.
Âu Châu là lục địa có chung một tên mà hàm chứa quá nhiều khác biệt.
Sự khác biệt đó khiến 500 năm hùng cứ của Âu Châu trên địa cầu – 1492-1991 – cũng là năm thế kỷ nội chiến, xung đột, đại chiến hay chiến tranh lạnh.
Khu vực trung tâm ở giữa có nước Đức giàu mà ngỏ, nên phòng vệ bằng gây chiến, ba lần trong lịch sử cận đại (1871, 1914, 1939). Nay đành lấy kinh tế làm sức phòng thủ. Miền Bắc cần cù nhất thì địa dư cũng phân tán nhất với nhiều hải đảo và bán đảo. Miền Nam thoải mái sống vui bên Địa Trung Hải mà khó sống hùng sống mạnh nếu thiếu tiếp vận từ miền Bắc. Giải pháp thống nhất tiền tệ của 17 nước giữa khu vực trung tâm và miền Nam thì đang rã từng mảng khiến giải pháp thống nhất kinh tế của 27 nước bị đe dọa.
Nạn suy trầm toàn cầu 2008-2009 đã phơi bày những nhược điểm của từng khối kinh tế và gây tranh luận ồn ào nhất tại Mỹ. Người ta gật gù nói đến sự tàn lụi của nước Mỹ. "Trật tự Hoa Kỳ" hay Pax Americana chỉ là vang bóng. Sự thật nó lại cứng đầu hơn vậy.
Đấy là lúc mà nhìn từ bên ngoài, ta có thể hát khúc trường ca của Hoa Kỳ.
***
Hoa Kỳ là một "hải đảo" vuông vức giữa hai mặt biển lớn nhất địa cầu và hai lân bang yếu xìu.
Bên trong, ở giữa là khu vực ôn đới của sáu con sông (không biệt lập như Hồng hà hay Cửu Long của ta, Hoàng hà hay Dương tử của Tầu) mà đan kết thành mạng lưới chuyển vận và canh tác thuận tiện nhất địa cầu. Yếu tố thiên nhiên đó đã dễ thống nhất lòng người tứ xứ.
Yếu tố cởi mở về tư tưởng còn khiến người dân có quyền thử nghiệm mọi giải pháp và không chấp nhận độc quyền chân lý. Nhờ vậy, họ đạt trình độ phát triển kỹ thuật còn cao hơn tầm nhìn của chúng ta! Mươi năm tới thì ta mới biết, khi cái đỉnh cao lại lên tới trình độ cao hơn.
Bên ngoài, Hoa Kỳ có hệ thống phòng thủ tích cực và trải rộng toàn cầu. Khi địa cầu chuyển trục từ Âu qua Á, Hoa Kỳ quyết định đưa 60% phương tiện hải quân qua Á châu: có 11 hàng không mẫu hạm, lớn hơn và tân tiến hơn tổng số của thiên hạ, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ vừa loan báo sẽ đưa sáu chiếc vào Á châu. Biển Thái bình sẽ thái bình! Ai không tin thì cứ thử.
Nhưng đừng quên là quân lực xứ này có kinh nghiệm tác chiến thường trực từ sau 1945!...
Kinh tế suy trầm và chính trường bế tắc? Ngân hàng Trung ương Mỹ còn kí kíp trong cẩm nang. Sau khi hạ lãi suất tới sàn rồi bơm tiền theo kiểu QEI, QEII, và đảo lãi suất theo kiểu "Operation Twist", định chế độc lập này vẫn còn khả năng cứu nguy, hơn hẳn mọi định chế Âu-Á khác.
Nhìn theo tầm ngắn dài thì dân Mỹ đang tranh cãi về đủ chuyện lớn nhỏ, Tháng 11 này có quyền đạp lãnh đạo ra cửa để tìm ai khác. Chính trường thì vậy, chứ thị trường thì đã tìm cách khác. Khi mất giá nặng thì sẽ tìm ra! Và nếu có phải lùi thì chẳng ai leo lên núi hay lùi xuống biển....
Kết luận? Trong ngắn hạn thì ta còn khốn đốn - và thất nghiệp còn tăng. Trung hạn từ hai đến năm năm mới khá hơn. Trong trường kỳ, Hoa Kỳ vẫn bảnh vì đất, nước và người! Con người xuất sắc là biết nắm cái may trời cho - để tìm ra giải pháp còn sáng tạo hơn nữa.
Hoan ca Hoa Kỳ đấy.
ôi, bác Nghĩa đã cho cháu biết một nhà chiến lược nên nghĩ gì
Trả lờiXóaKính chúc bác sức khỏe
Kính thư
Nguyễn Văn Thạnh
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/05/tieu-luan-ve-ve-cuoc-au-tranh-dan-chu.html