Ngày 17 này, người ta sẽ biết Hy Lạp có bầu nổi một chính quyền mới để giải quyết vụ khủng hoảng tài chánh hay không trong khi mỗi ngày lại xuất huyết mất một tỷ. Mà dù có thì cũng vô ích vì khủng hoảng đã lan qua Tây Ban Nha. Ngay trong trường hợp Tây Ban Nha, và ngược với sự lạc quan của các thị trường, số tiền 100 tỷ Euro đưa ra để cấp cứu cũng chẳng có kết quả. Người ta nên chờ đợi một trận cuồng phong sẽ ập vào nền kinh tế đứng hạng thứ ba của Âu Châu, là nước Ý....
Trước hết, ngân khoản 100 tỷ Euro – tương đương với 125 tỷ Mỹ kim - thật ra không đủ cấp cứu Tây Ban Nha.
Kinh tế xứ này bị bội chi quá 10% của Tổng sản lượng, thất nghiệp đến 24%, và 50% riêng cho giới trẻ, thị trường địa ốc sẽ còn mất thêm chừng 35% trị giá sau khi bong bóng đầu cơ đã bể. Xứ này sẽ cần tiền và trả giá rất đắt để đi vay và cần nhiều hơn 100 tỷ. Ngân khoản này chỉ dùng để đắp vốn và chuộc nợ cho hệ thống ngân hàng – tư doanh – chứ chưa giải quyết một tai ách còn nặng hơn. Đó là gánh công trái của khu vực nhà nước, với ảnh hưởng chính trị sẽ ăn sâu vào xã hội vì đụng tới mức bội chi ngân sách quốc gia.
Khi phải thương thuyết việc cấp cứu, Chính quyền Madrid của Thủ tướng Mariano Rajoy đã bắt bí các nước Âu Châu.
Có nền kinh tế hạng thứ tư của khối Euro, nếu Tây Ban Nha vỡ nợ, Âu Châu sẽ thiệt mất 500 tỷ Euro, và sau đó còn mất 700 tỷ cho nước Ý, vì vậy, 100 tỷ cho Tây Ban Nha thật ra vẫn còn ít! Chính là lập trường đó của Madrid mới khiến cho xứ Ireland (Ái Nhĩ Lan) điên tiết vì họ không được những điều kiện cấp cứu hào hiệp và vô điều kiện như vậy.
Cơ chế kinh tế, tài chánh và chính trị Âu Châu, với tập chi phiếu rất dày của Cộng hoà Liên bang Đức, không thể cáng đáng nổi việc tung tiền chuộc nợ ngần ấy quốc gia, từ Hy Lạp tới Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Người ta đã thử nghiệm ngần ấy giải pháp, và mỗi lần tốn vài trăm tỷ, mà không có kết quả: các ngân hàng bị rút tiền ký thác; các nước không phát hành nổi công khố phiếu, tức là đi vay, trên thị trường trái phiếu; Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nhảy vào với mấy trăm tỷ cho xứ này xứ khác; giới đầu tư trái phiếu đã bị gọt đầu, mất vốn với khoản ngoại trái của các nước lâm nạn....
Trong khi ấy, có Ý Đại Lợi đang chờ sóng đánh vào bờ.
Là một đại gia của khối Euro, kinh tế Ý Đại Lợi không có tăng trưởng từ khi gia nhập hệ thống tiền tệ thống nhất và còn suy sụp nặng kể từ năm 2008. Trong 10 năm qua, kinh tế Ý bị suy trầm bốn lần, lần thứ tư là hiện nay, ở mức độ nặng nhất. Duy nhất có gia tăng chính là gánh nợ, và không chỉ phải vay nhiều hơn, xứ này còn trả tiền lời cao hơn và bị rơi vào "bẫy xập công trái".
Nguyên do sâu xa của sự suy bại và bị trôi vào cái bẫy nợ là vì kinh tế không có khả năng cạnh tranh.
Nếu so sánh với kinh tế Đức, sản lượng kỹ nghệ sa sút và năng suất yếu kém khiến Ý chỉ có thể phá giá đồng bạc, là chuyện bất khả khi đã gia nhập khối Euro và xài đồng bạc chung. Không có giải pháp phá giá, Ý chỉ còn ngả đi vay và nếu so với phân lời trái phiếu của Đức thì phải chịu một cái giá đắt hơn 30%. Đấy cũng là mức độ "phá giá" nếu nước Ý dùng đồng Lira của mình thay vì đồng Euro.
Thành thử, chìm sâu dưới bài toán tài chánh hay vay mượn rắc rối này là một sự thật kinh tế và xã hội: năng suất lao động, hoặc phí tổn lao động để gia tăng cùng một đơn vị sản xuất. Ý tốn nhiều tiền hơn và phải đi vay đắt hơn để bảo vệ "thành quả" của công nhân và hệ thống nghiệp đoàn. Nếu áp dụng cách phân tách này cho các nền kinh tế lâm nạn, kể cả nước Pháp, chúng ta có thể thấy ra một quy luật chung: khả năng cạnh tranh suy giảm.
Nói cách khác và nhớ đến trường hợp Hoa Kỳ, chính sách bao cấp về kinh tế và trợ cấp xã hội cũng là một tốn kém và có cái giá phải trả. Người ta chỉ nhìn thấy phần "được" mà không chấp nhận trả giá cho chánh sách đó.
Từ ba năm nay, người ta tranh luận về sự hữu ích của hệ thống Euro cho kinh tế Đức. Quả thật, kinh tế xứ này tùy thuộc vào xuất cảng đến 40% và có lợi lớn nhờ bán hàng cho các nước trong khối Euro. Vì vậy, Đức phải tìm cách cấp cứu hệ thống tiền tệ này. Nhưng, một sự thật khác mà các nước lâm nạn, hoặc đang đòi ăn vạ, lại chẳng chịu nhìn ra: dân Đức chấp nhận kỷ luật chi thu và có hy sinh để đạt năng suất cao hơn.
Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang bị cử tri ở nhà chất vấn là mình sẽ còn tốn bao nhiêu tiền nữa để cứu đồng Euro?
Cùng với Chính quyền phe tả của Pháp, nhiều nước Âu Châu thì dựa trên trào lưu tâm lý chung của cử tri mà gây sức ép để Đức chọn ưu tiên kích thích tăng trưởng chứ không chỉ đòi các nước giảm chi và chấp nhận khắc khổ. Họ đặt sai vấn đề, vẫn rơi vào chủ trương mị dân cố hữu, chứ không dám giải quyết vấn đề thật: là có làm có hưởng nhưng chỉ hưởng trong phạm vi năng suất.
Với viễn ảnh đen tối là sau Hy Lạp, Tây Ban Nha, đến lượt kinh tế Ý Đại Lợi sẽ trôi vào khủng hoảng thì người ta có hy vọng gì về một giải pháp cho Âu Châu?
Trong ba năm vừa qua, Liên hiệp Âu châu cứ lùi dần trước áp lực của thực tế. Lần cuối cùng là mùng bảy vừa qua khi chấp nhận 100 tỷ Euro, vô điều kiện, để cấp cứu hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha. Quyết định ấy không gây phản ứng chính trị - ngoại trừ sự bất mãn của Ái Nhĩ Lan – nên tạo ra ảo tưởng ổn định mặc dù chẳng giải quyết căn nguyên của vấn đề.
Vì quyền lợi của Đức, Chính quyền Angela Merkel cần cứu vãn hệ thống Euro và thực tế thì có bị Tây Ban Nha bắt bí. Nhưng biện pháp cứu vãn với 100 tỷ Euro vẫn chưa là giải pháp vì Đức hay các cơ chế Âu châu vẫn không có thẩm quyền pháp lý để áp đặt kỷ luật cho các ngân hàng hay chính quyền lâm nạn. Thay vì giải pháp trục xuất các nước vô kỷ luật với hậu quả tai hại cho cả khối Euro và hệ thống Liên Âu, Đức đã chọn con đường dễ dãi - và tiếp tục nuôi dưỡng nguy cơ khủng hoảng. Vì vậy, sau Tây Ban Nha sẽ là nước Ý.
Hiển nhiên là lãnh đạo Âu châu có thấy ra nguy cơ đó.
Bốn nhân vật then chốt của cơ chế tập thể này, là Chủ tịch Hội đồng Âu châu, Chủ tịch Ủy ban Âu châu, Chủ tịch khối Euro và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu đã soạn thảo một kế hoạch ổn định tài chánh. Kế hoạch đòi hỏi các nước phải chấp nhận kỷ luật chi thu, tiến tới quân bình ngân sách và muốn như vậy phải gia tăng quyền hạn chính trị - quyền kiểm soát ngân sách – cho một cơ chế siêu quốc gia, của Âu châu.
Ai cũng có thể nghĩ rằng đây là giải pháp tương đối thỏa đáng hơn cả vì sẽ giới hạn bội chi và thu hẹp khả năng đi vay của các nước vô trách nhiệm.
Nhưng vấn đề thật lại không nằm trong chuyện bội chi và đi vay. Nạn tăng chi bừa phứa và đi vay quá sức trả chỉ là hậu quả của cả chánh sách kinh tế và chính trị của các nước nằm ở ven biên, Ái Nhĩ Lan trong vùng cực Bắc và các nước miền Nam. Liên Âu chỉ có thể đẩy lui khủng hoảng và giải quyết vấn đề tận căn nguyên nếu có thẩm quyền quyết định về chánh sách kinh tế của các nước.
Nghĩa là tiến tới một chế độ liên bang chứ không dật dờ ở vào hoàn cảnh hiện nay của một "confederation", là khi các thành viên vẫn duy trì được chủ quyền quốc gia và chỉ nhượng lại cho cơ chế Âu châu một số khả năng nhất định, trong những lãnh vực nhất định.
Bài toán chính trị đó đụng vào cốt lõi của nền dân chủ Âu châu. Người dân có quyền quyết định về ngân sách quốc gia, qua các đại diện do họ bầu lên. Nếu Âu châu tiến tới cơ chế liên bang, y như Hoa Kỳ, liệu người dân Âu châu có chấp nhận cho một dàn công chức quốc tế ngồi đâu đó ở Bruxelles, Strasbourg hay Frankfurt, quyết định về thuế suất và mức trợ cấp phúc lợi của mình không?
Nếu họ không đồng ý chấp hành sau khi chính quyền của họ đã đạt thỏa thuận và cam kết tôn trọng rồi bị thất cử - chuyện dài Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Pháp – thì cơ chế Âu châu có quyền can thiệp hay chăng? Gửi quân đội hay công an thuế vụ đi tróc nã khách nợ hay dẹp biểu tình?
Thời lập quốc, Hoa Kỳ đã do dự giữa hai giải pháp thấp và cao, Confederation và Federation, và đã phải đổ máu trong trận Nội chiến để chọn giải pháp liên bang khi phe Confederation ở miền Nam bị đánh bại. Âu châu ngày nay không muốn và không thể thử nghiệm giải pháp đắt đỏ này.
Cho nên vẫn lanh quanh như kiến bò miệng chén. Và chờ bệnh truyền nhiễm lây lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét