Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120611
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Mấy ngàn năm trước, nếu thế giới đã có truyền thông báo chí thì Hy Lạp là nơi xuất phát loại tin có thể làm thay đổi bộ mặt địa cầu. Cái nôi của văn minh Tây phương chứ hèn mọn gì đâu? Mấy ngàn năm sau, tin tức Hy Lạp cũng có thể làm thay đổi kích thước của đồng Euro, sự cáo chung của một kế hoạch hoang tưởng - và ảnh hưởng đến bầu cử Hoa Kỳ.
Mà tin tức đó là gì?
***
Ngày 17 này, Hy Lạp sẽ có bầu cử Quốc hội để tìm ra một chính quyền có thể phần nào thi hành một giải pháp kinh tế hầu cứu vãn đồng Euro của 17 quốc gia trước khi mọi sự đều tanh bành quanh Địa Trung Hải. Đấy là lúc người ta mục kích một hài kịch ba màn.
Màn một, nghiệp đoàn công chức chuẩn bị tổng đình công vào hai ngày 16, 17. Ai sẽ đếm phiếu đây? Màn hai, cả hai đảng lớn ở hai phe tả hữu, PASOK và Tân Dân Chủ đều quay trong chân không và gây nhiều chuyển động không khí mà chưa "nhất trí" về một chương trình cứu nguy sau ba năm xoay trở với mấy trăm tỷ Euro được hút vào thổi ra như gió vào nhà trống.
Màn ba là một cuộc tranh luận nghị trường hôm mùng bảy giữa bảy chính đảng Hy Lạp, một cuộc tranh luận có thể làm các nền dân chủ phải độn thổ.
Ngồi bên lãnh tụ đảng Cộng sản, lãnh tụ cực hữu "Bình minh Nạm vàng" Golden Dawn xoay qua đấu khẩu. Họ tạt nước vào mặt nhau, và cuối cùng lãnh tụ nạm vàng tới tấp đánh lãnh tụ Cộng sản không với một bông hồng đỏ mà bằng nắm đấm. Quý độc giả có chán chuyện kinh tế nhức đầu thì vào đây tìm một chút thư giãn; http://www.rt.com/news/greek-politician-slaps-rival-278/
Hai ngày sau, Tây Ban Nha có tin vui giữa cơn tuyệt vọng: Liên Âu sẽ châm thêm 100 tỷ Euro, khoảng 125 tỷ Mỹ kim, để cấp vốn cho các ngân hàng đang bị nguy cơ phá sản.
Đấy là lúc tờ El Mundo lại tiết lộ một tin còn vui hơn nữa. Thủ tướng Mauricio Rajoy bấm máy gửi text cho Tổng trưởng Tài chánh của mình: Tây Ban Nha không là một xứ Phi châu lạc hậu nên hãy cứ lỳ, Liên Âu sẽ phải cứu.
Cường quốc kinh tế thứ tư của khối Euro, sau Đức, Pháp và Ý, xứ Tây Ban Nha đang gây sức ép để được cấp cứu 500 tỷ, trước khi Ý sẽ đòi 700 tỷ. Nếu không, cả khối Euro sẽ sụp đổ!
Các nước Âu Châu đang bắt bí nhau và quốc gia chủ chi là nước Đức bị đẩy vào chân tường. Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp hôm 11, với phe tả đạt thắng lợi ở vòng đầu, khiến Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel tại Đức càng bị cô lập. Không thể đòi hỏi các nước thi hành chánh sách kinh tế khắc khổ, Đức sẽ tiếp tục chi, ít ra là một phần tư ngân khoản cấp cứu tài chánh cho các nước ven biên....
Một phần tư của hơn 4.000 tỷ Euro, hay 5.000 tỷ Mỹ kim, là một con số thuộc về khái niệm khoa học không gian. Chúng ta sẽ dẫn nhau lên đó.
Nhưng hài kích vui nhất là qua ngày Thứ Hai 11, khi các thị trường tài chánh Á Châu rồi Âu Châu mở cửa, người ta chào mừng thành quả trăm tỷ của Tây Ban Nha, như hồ hởi thổi lên cái bánh men. Rồi xẹp như bánh tráng.
***
Xin hãy trở về Hy Lạp.
Vì ở sát bản lề Đông-Tây của cả đại lục Âu-Á, xứ này là nước Đông phương nhất của nền văn minh Tây phương, mà cũng là một thành viên ở cực Nam của cả khối Tây Âu. Như trong một bi kịch Hy Lạp, nghịch lý ấy cũng là một định mệnh.
Hy Lạp phát minh ra quy ước dân chủ mà đại bại trong các cuộc chiến dai dẳng với sắc tộc Ba Tư và Thổ, rồi xoay trở giữa hai gọng kìm độc tài và dân chủ. Độc tài như chế độ quân phiệt cách nay ba bốn chục năm. Hay dân chủ như qua ba đời lãnh đạo của "dòng Papandreous". Chúng ta không nói về Bắc Hàn Cộng sản mà về Hy Lạp.
Thủ tướng sau cùng của xứ này, George Papandreous, là cháu nội của George Papandreous kia, người đã rất hoành tráng lập ra đảng "George Papandreous", tiền thân của đảng PASOK ngày nay (Pan Hellenic Socialist Movement). Dù thuộc cánh tả bao cấp đảng PASOK vẫn thoải mái kết giao với các lãnh tụ khét tiếng độc tài của khối Á Rập. Như Muammar Gaddafi của Libya hay Hafez al Assad của Syria, thân phụ của Tổng thống đồ tể ngày nay là Bashar al Assad....
Đấy là chuyện chính trị.
Chuyện kinh tế là chế độ bao cấp này mới gây ra khủng hoảng vì xài quá khả năng và khủng hoảng càng khiến thất nghiệp lan rộng, tác động mạnh nhất vào giới trẻ và làm nảy sinh phản ứng quá khích. Phía cực tả thì có đảng SYRIZA, bên cực hữu là đảng Golden Dawn.
Vì ở vào bản lề Đông-Tây và bên mé bờ chuyên chế, Hy Lạp có thể bắt bí Âu Châu và Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh lạnh để được chu cấp an toàn. Lại ở biên vực miền Nam, Hy Lạp có quyền trông đợi vào sức mạnh kinh tế của các nước thuộc "cốt lõi" Âu châu, từ Đức, Hoà Lan lên tới các quốc gia cần cù và kỷ luật của miền Bắc.
Trong ba chục năm liền được Âu Châu bơm tiền cứu giúp, Hy Lạp đã có thể cải cách kinh tế và chấp hành kỷ luật khả dĩ hiện đại hóa xứ sở. Nhưng tội gì?
Đảng PASOK dùng công quỹ nuôi dưỡng bộ máy chính trị của mình. Doanh gia Hy Lạp thì trôi vào chủ nghĩa tư bản thân tộc, kiếm lời nhờ quan hệ với chính trường hơn là cải tiến khả năng cạnh tranh và phát triển khu vực chế biến của một nước công nghiệp. Hiện tượng ấy mới dẫn đến tệ nạn cạo sửa thống kê để đạt tiêu chuẩn gia nhập khối Euro vào năm 2001.
Ngày nay, cả Hy Lạp lẫn Tây Ban Nha và đứng ngay phía sau là Ý Đại Lợi đều biết rằng nếu họ ra khỏi khối Euro thì Liên Âu có thể tan rã. Vì vậy, các nước Liên Âu kia sẽ phải kề vai gánh vác một của nợ chung cho đến ngày giải ảo.
***
Hãy trở lại con số. Sau một ngàn tỷ Euro được tung ra từ khi Hy Lạp thành thật khai báo là bị bội chi gấp bốn cái định mức 3% của Liên Âu, người ta cần thêm ngàn tỷ nữa và trước sau sẽ mất khoảng bốn ngàn tỷ Euro. Mà ngàn tỷ là bao nhiêu?
Nói đến một tỷ, là một ngàn triệu, người trần mắt thịt như chúng ta khó mường tượng ra con số này lớn cỡ nào. Bây giờ, người ta khơi khơi nói đến ngàn tỷ, là triệu triệu, thì mình rơi vào cõi trừu tượng. Về thời gian, muốn đếm một ngàn tỷ giây thì mình mất 32 ngàn năm, bằng cả chiều dài của nhân loại. Nhưng về không gian thì ngàn tỷ chỉ là một chữ ký trên đạo luật ngân sách. Hay số bội chi của ngân sách Hoa Kỳ trong kịch bản lạc quan nhất. Bài này xin miễn nói về chuyện Hà Nội hay gánh nợ của Vinashine, Vinalines, v.v.... vì nếu phải đếm tới triệu tỷ thì sẽ hết giờ!
Khi đọc báo, chúng ta thiếu chữ để dịch.
Million rồi Billion, từ một triệu lên một tỷ thì còn ú ớ được. Tới Trillion là ngàn tỷ thì vã mồ hôi. Với cái đà này, con cháu chúng ta sẽ tung hứng những chữ như Quadrillion, là một triệu tỷ, hay Quintillion là số 10 lũy thừa 18 nếu tính theo kiểu Mỹ, hoặc lũy thừa 36 tính theo kiểu Âu Châu.
Câu chuyện có kích thước khoa học giả tưởng này xuất phát từ một chân lý đơn giản: nếu người dân không biết đạp thắng thì lãnh đạo chính trị sễ dẫn mình lên tới cõi ảo đó bằng những quyết định công chi mà chẳng ai kiểm soát được. Và con cháu, chắt chút chít gì đó sẽ có ngày phải thanh toán, nếu như mọi sự yên bình. Mà mọi sự sẽ khó yên bình.
Hy Lạp là nước đang phơi ra sự thật phũ phàng đó. Chuyện đáng nói là hiệu ứng Âu Châu có thể khiến kinh tế Mỹ lại suy trầm. Chúng ta hiểu vì sao mà Tổng thống Barack Obama cực kỳ bức xúc vì những gì đang xảy ra ở bên kia Đại Tây dương: cử tri Mỹ nào có nhớ đến Hy Lạp khi đi bỏ phiếu?
Một trí tuệ uyên bác!
Trả lờiXóaNhân loại vĩ đại cũng vì lòng tham mà tận diệt cũng vì lòng tham