Các bậc "quốc phụ" của Hoa Kỳ là những người tai ngược.
Từ thời lập quốc, họ đã thiết lập một chế độ có
nội dung giới hạn vai trò của Tổng thống để bảo vệ quyền tự do của công
dân và các tiểu bang. Hệ thống chính trị độc đáo mà phức tạp ấy khiến
Hành pháp không toàn quyền quyết định về nội chính vì rào cản của Quốc
hội, Tối cao Pháp viện và cả sự cưỡng chống của các tiểu bang.
Sau này, qua thế kỷ 20, nếu như có
một chính sách kinh tế xã hội để thi thố, Tổng thống còn phải nương theo
quyết định của hai định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương và thị
trường. Rồi sự vận hành của một thế giới có phản ứng lập tức, 24 giờ một
ngày, với phương tiện thông tin hiện đại là những ràng buộc khác.
Do hiến pháp, bị bó về nội trị, Tổng thống Mỹ
chỉ hy vọng tìm ra nhiều quyền hạn hơn về ngoại giao. Mà đây cũng là ảo
tưởng. Ngoại trừ thời chiến, cử tri chọn người giải quyết loại vấn đề
thiết thực trước mắt, hơn là về đối ngoại.
Nhờ địa dư hình thể thuận lợi không cường quốc
nào có trong lịch sử - một "hải đảo" phì nhiêu giữa hai đại dương bát
ngát và hai láng giềng yếu kém – và nhờ truyền thống tự do cởi mở đã có
từ thời lập quốc, Hoa Kỳ sớm thành siêu cường toàn cầu. Nhưng là siêu
cường dân chủ, nơi mà quyền dân vẫn là mệnh lệnh. Đấy là một nghịch lý
mà chưa chắc là các ứng cử viên đã hiểu ra khi ôm tham vọng làm thay đổi
bộ mặt của thế giới và nước Mỹ.
Vì ảo vọng "lãnh đạo thế giới" – như cả thế giới
lẫn dân Mỹ thường nói – các ứng cử viên còn ít nhìn ra vài sự thật bẽ
bàng trước khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc:
Thứ nhất, bạn hay thù, chẳng xứ nào ưa Hoa Kỳ là
siêu cường độc bá. Đồng minh thì có thể cần Mỹ vì an ninh hay kinh tế
mà vẫn muốn - và cố - bảo vệ quyền lợi riêng. Đối thủ thì chỉ mong - và
đã làm – Hoa Kỳ bị loãng sức tản lực. Họ sẵn sàng thổi lên nhiều đám
cháy để Mỹ làm "cứu hỏa toàn cầu" và lãnh tội "sen đầm quốc tế".
Thứ hai, cũng xuất phát từ sự thật phũ phàng đó,
bất cứ ai ngồi vào vị trí Tổng thống đều sẽ đối diện với nhiều đòi hỏi
của thực tế, chẳng thấy ghi trong hiến pháp, cũng chưa hề có trong một
đảng cương nào. Đó là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, kiểm soát quyền tự do
giao lưu trên địa cầu và làm sao để không thế lực bạn thù nào có thể
hạn chế hay thách thức quyền lợi của nước Mỹ.
Mà phải thực hiện loại thủ đoạn nhuốm mùi đế quốc ấy với ngôn ngữ và đạo lý dân chủ.
Thứ ba, Tổng thống còn gặp chuyện bất ngờ là
phản ứng của các nước, hoặc hậu quả bất lường từ quyết định của các
chính quyền tiền nhiệm. Khi ấy, mọi chủ trương hay khẩu hiệu khi tranh
cử đều thành vô nghĩa: Tổng thống Mỹ phải xoay cách khác, thành hay bại
thì vài chục năm sau lịch sử mới có thể phán xét. Và Hoa Kỳ mang tiếng
bất nhất!
Kể ra không hết những chuỗi bất ngờ ấy, sau đây chỉ là vài thí dụ.
Nghịch lý
Jimmy Carter yểm trợ phong trào Thánh Chiến tại A
Phú Hãn để giảm thiểu thế lực của Liên bang Xô viết nên Ronald Reagan
dễ mở cuộc đua khiến Liên Xô hụt hơi mà tiêu vong vì nhược điểm nội tại
của chế độ. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Bill Clinton hưởng cổ tức hoà
bình, giảm chi về quốc phòng và đòi làm cách mạng. Nhờ vậy mà lần đầu
tiên từ 40 năm, đảng Cộng Hoà chiếm đa số lại lưỡng viện Quốc hội,
Clinton bèn thoả hiệp và tái đắc cử năm 1996, lần đầu tiên cho một tổng
thống Dân Chủ kể từ Thế chiến II.
Nhưng phong trào Thánh Chiến lại thừa thắng
chuyển qua chủ đích hình thành một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu. Lực lượng
khủng bố al-Qaeda đã tung hoành dưới thời Clinton để đòi lãnh đạo khối
Hồi giáo chống Tây phương. Họ biểu dương khả năng qua vụ khủng bố 9-11
khiến George W. Bush vừa nhậm chức bèn buông hết ưu tiên về nội chính
cùng chủ trương khiêm cung và bất can thiệp được đề ra trong cuộc tranh
cử năm 2000.
Hậu quả bất lường là Hoa Kỳ lâm chiến toàn cầu,
gây khó chịu cho nhiều đồng minh Âu Châu, làm các đối thủ hài lòng. Và
di sản Iraq và A Phú Hãn trở thành gánh nặng cho các chính quyền về
sau.... Cũng vì vậy mà Mỹ đã để trống Đông Á đang được Hải quân Trung
Quốc bơi vào khai thác khiến các ứng viên ngày nay cãi cọ về số chiến
hạm cần thiết cho an ninh Hoa Kỳ.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ đã đi vay quá mức trong mấy chục năm liền và đến ngày trả nợ.
"Cậu Bé Quàng Khăn Đỏ" Barack Obama đắc cử từ vụ
khủng hoảng tài chính 2008 giữa cơn suy trầm lại đòi tăng chi để cải
tạo xã hội theo hướng cực tả thay vì giải quyết việc kinh tế. Các đồng
minh lẫn đối thủ đều nức lòng cổ võ chiều hướng ấy: Hoa Kỳ chất thêm núi
nợ, làm chủ chi về quân sự ở mọi nơi, lãnh búa rìu của toàn cầu về mọi
tội, trước sự phân cực của cử tri ở nhà.
Đấy là bối cảnh khác thường và đầy nghịch lý của chuyện bầu cử rồi lãnh đạo tại Hoa Kỳ....
Triết lý chính trị
Nếu kể từ vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hòa đối lập, Hoa Kỳ mất gần hai năm - và chi ra hơn hai tỷ đôla - cho cuộc tranh cử.
Cử tri chờ đợi hai liên danh đưa ra triết lý
chính trị và chính sách ứng phó với các vấn đề ngổn ngang trước mặt.
Thật ra mọi lý luận hay kế sách đều có thể vô hiệu sau này dù vẫn cần
thiết cho việc tuyên truyền để xin phiếu. Thực tế phũ phàng vẫn là thế
giới không muốn một Hoa Kỳ quá mạnh, đối lập chỉ muốn Tổng thống thất cử
và Obama tìm mọi cách bám ghế.
Chuyện tranh cử là cuộc đua việt dã băng đồng,
những gì tiêu cực nhất được gán cho đối thủ và giành phần tích cực nhất
cho mình. Thủ đoạn xuyên tạc được áp dụng thoải mái và các ứng cử viên
tay non da mỏng đều hụt hơi giữa đường.
Ta có thể phê phán sự nông cạn và nhiều trò thô
bỉ trong cuộc bầu cử năm nay. Mà vẫn sai: nạn trét bùn vào mặt đối
phương là quy luật - từ thời lập quốc.
Ban tranh cử của Thomas Jefferson gọi Tổng thống
John Adams là (xin lỗi) "có cá tánh của một thằng lại cái xấu xí, thiếu
sự dũng mãnh quả quyết của đàn ông lẫn nét tử tế dịu dàng của đàn bà".
Và Jefferson được trả lễ là "kẻ bần tiện, hạ cấp, con hoang của một mụ
da đỏ với một gã lai đen tại Virginia". Trong lịch sử, cả hai đều là quốc phụ, Tổng thống thứ nhì và thứ ba của nước Mỹ sau George Washington và ngoài
đời họ là bạn thân!
Thí dụ như vậy thì vô kể.
Thí dụ như vậy thì vô kể.
Kết quả tuyệt diệu của trò thô tục ấy là giải
trừ được nạn sùng bái lãnh tụ. Một ưu điểm khác của lối tranh cử quái ác
này là có hy vọng phơi bày căn tánh thật của ứng cử viên, tiêu chuẩn
quan trọng còn hơn các chương trình hành động bề nào cũng có thể bị thực
tế vứt vào sọt rác.
Ai đắc cử?
"Kết quả tuyệt diệu của trò thô tục ấy là giải trừ được nạn sùng bái lãnh tụ. Một ưu điểm khác của lối tranh cử quái ác này là có hy vọng phơi bày căn tánh thật của ứng cử viên, tiêu chuẩn quan trọng còn hơn các chương trình hành động bề nào cũng có thể bị thực tế vứt vào sọt rác."
Sau ngàn cuộc thăm dò gần như mỗi ngày và bốn lần tranh luận giữa hai liên danh, câu hỏi hấp dẫn nhất là "Ai sẽ đắc cử lần này?"
Mọi người đều biết sự phân đôi của xã hội Mỹ.
Quãng 46-47% cử tri đã quyết định bỏ phiếu cho gà nhà, bất kể mọi tiêu
chuẩn hay dở. Còn lại là thành phần trung dung độc lập. Họ giữ vị trí
bản lề và tính toán theo quyền lợi cụ thể trước mắt, trong tiểu bang của
mình.
Hai giáo sư chính trị học Ken Bickers và Michael
Berry tại Boulder và Denver của Colorado đã dùng nhiều dữ kiện kinh tế
của từng tiểu bang để dự đoán kết quả bầu cử từ 1980 đến nay, với độ
chuẩn xác rất cao. Mùng bốn Tháng 10 vừa qua, họ dự báo Romney thắng lớn
với 330 số phiếu cử tri đoàn trước 208 phiếu cho Obama. Dự đoán này
đáng chú ý vì được khảo sát trước cuộc tranh luận hôm mùng ba tại
Denver, khi cá tánh của hai ứng viên được bộc lộ rõ ràng nhất.
Người viết thì mạo muội dự đoán là dù bất cứ ai
nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng năm tới, Hoa Kỳ vẫn phải ưu tiên lo
chuyện nợ nần và quốc kế dân sinh bên trong, ít ra mất năm bảy năm,
trước khi tìm lại vai trò quốc tế của mình. Trong khi đồng minh chẳng
tin và kẻ thù không sợ.
Một khoảng trống đầy bất trắc trên thế giới.
(Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả, chuyên gia kinh tế tại Hoa Kỳ. )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét