Thứ Bảy, tháng 10 13, 2012

Sẽ Còn Chóng Mặt


Nguyễn-Xuân Nghĩa Ngày 121010

Biến động xã hội, biểu tình và những lúng túng của lãnh đạo trong thời gian tới....

 * Thiên hạ đệ nhất... bia *


Từ nay cho đến ngày Hoa Kỳ chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của một vị Tổng thống, thực đơn toàn cầu sẽ là hàng loạt biến động xã hội. Sau đó là những đổi thay đến chóng mặt.

Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba sau Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11. Cử tri sẽ bầu lại chức vụ lãnh đạo Hành pháp, toàn bộ 435 Dân biểu Hạ viện, 33 Nghị sĩ Thượng viện, 11 Thống đốc tiểu bang cùng nhiều chức vụ dân cử ở địa phương.

Cả thế giới chú ý đến cuộc tranh cử Tổng thống, được chuẩn bị từ gần hai năm qua tại vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hoà đối lập. Thật ra, cuộc bầu cử Quốc hội có tầm quan trọng không kém, và lần này còn quan trọng hơn, vì hiện tượng ách tắc chính trị tại Hoa Kỳ khi đảng Cộng Hoà kiểm soát Hạ viện mà đảng Dân chủ vẫn chiếm đa số, dù là mỏng hơn, tại Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2010.

Cái thế "cài răng lược" đó và chủ trương "cải tạo xã hội" của Tổng thống Barack Obama mới dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay, khi Hoa Kỳ chưa hồi phục sau vụ suy trầm kinh tế 2008-2009 và trận khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Vì mải theo dõi cuộc tranh cử ồn ào và nhiều khi rất bẩn tại Hoa Kỳ, qua những thủ đoạn xu cáo và xuyên tạc, người ta có thể không chú ý đúng mức các cuộc vận động chìm tại Trung Quốc, khi đảng Cộng sản Trung Hoa chuẩn bị Đại hội Khoá 18.

Đại hội này sẽ đưa lên tầng lớp lãnh đạo mới để thay thế những người đã cầm quyền từ sau Đại hội 16, vào năm 2002. Vì không có dân chủ mà phải quyết định theo lối "đồng thuận" trong bóng tối của quyền lực, giữa 25 Ủy viên Bộ Chính trị và vây cánh ở chung quanh, việc chuẩn bị Đại hội 18 và tranh đoạt quyền bính đã tiến hành như sau một tấm kính mờ, với đầy thủ đoạn và ma thuật chính trị.

Thất vọng về những tranh luận ồn ào bát nháo trong nền dân chủ Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ đã thầm mơ tình trạng ổn định và duy ý chí của Trung Quốc. Trong số này không thiếu đám trí thức thiên tả, nhà báo mơ ngủ và những kẻ ăn phải bả của Bắc Kinh.

Nhưng thế giới không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc... Qua năm 2013, người ta mới thấy ra nhiều đổi thay khiến giới lãnh đạo sẽ bần thần.


***


Trong những ngày tháng tới, thế giới sẽ chứng kiến nhiều vụ xuống đường biểu tình và cả động loạn xã hội từ rất nhiều nơi. Nguyên nhân thì mỗi nơi mỗi khác, nhưng hậu quả chung sẽ là bất ổn chính trị. Hãy đi từ "Cựu Thế Giới", từ Âu Châu.

Cuộc khủng hoảng của khối Euro gồm 17 nước trong Liên hiệp Âu châu 27 thành viên chưa thể thoái lui. Trước và sau mỗi kỳ họp, thượng đỉnh hay không, của lãnh đạo và các cơ chế hữu trách, người ta lại thấy dân chúng nhiều nơi xuống đường phản đối những biện pháp được ban hành để cứu nguy đồng Euro. Lãnh đạo Âu châu và các định chế hữu trách (Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cố gắng dung hòa quyền lợi và quan điểm của các thành viên, nhưng ở nhà, quần chúng của các nước đang được cấp cứu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Hy Lạp, sẽ không chấp nhận những biện pháp khắc khổ cần thiết.

Trong khi ấy, kinh tế Âu châu vẫn èo uột và mấp mé suy trầm.

Tình hình sa sút tại Âu châu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển, vốn dĩ cần xuất cảng để giữ đà tăng trưởng. Như Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo vào đầu Tháng 10, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm lần nữa vì những gì xảy ra tại Âu Châu – và cả Hoa Kỳ từ đầu năm tới.

Hiệu ứng Âu-Mỹ mà dội vào Trung Quốc, với đà tăng trưởng đã giảm mạnh, động loạn xã hội sẽ lại tăng. Sau khi được phép xuống đường chống Nhật vì tranh chấp chủ quyền trên cụm đảo Điếu Ngư – Senkaku, người dân Hoa lục sẽ lại tiếp tục xuống đường phán đối vì những lý do khác, như bất công xã hội, thất nghiệp, tham nhũng hay cường hào ác bá.

Trong khi ấy, lãnh đạo lại như bước lên trứng mỏng.

Sau chín tháng đầy biến cố bất ngờ nổi lên từ Thành Đô và Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên và dội về Bắc Kinh, Bộ Chính trị không muốn có thêm một vụ tai tiếng nào khác trước khi Tập Cận Bình lên thay Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư và Chủ tịch Nhà nước. Nhưng sau Đại hội 18, các vấn đề sinh tử của Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. Thế hệ thứ năm, của những Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, phải chuyển hướng và cải tổ cơ cấu, trong khi quần chúng lại đòi hỏi nhiều hơn.

Chính là những bất ổn bên trong mới khiến lãnh đạo Bắc Kinh tận dụng tinh thần ái quốc và bài ngoại để xoa dịu thần dân, nên gây sóng gió ngoài biển Hoa Nam với các nước Đông Nam Á rồi biển Hoa Đông với Nhật Bản. Trung Quốc không muốn và không thể gây chiến tranh mà chỉ cần đánh lạc hướng quan tâm của dân chúng mà thôi.

Nhưng cũng vì vậy mà có thể gặp tai nạn bất ngờ ở ngoài khơi vì những đụng độ không tính trước, nhất là vào mùa lưới sắp tới của ngư phủ. Khi ấy, lãnh đạo mới và cũ, trước và sau Đại hội 18, sẽ phản ứng ra sao? Đã lỡ khai thác tinh thần dân tộc như cưỡi trên lưng cọp, họ sẽ làm sao thoả mãn những đòi hỏi đa diện mà đầy mâu thuẫn của quần chúng?

Thế giới có thể phần nào nhìn ra những tính toán của họ tại Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới đây....


***


Trở lại Hoa Kỳ, sau khi bước vào cuộc chiến "chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu" và vướng chân vào hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan, năm năm về trước, Tổng thống George W. Bush quyết định đôn quân vào Iraq để rồi sẽ rút. Tổng thống Obama cũng có quyết định tương tự tại Afghanistan, khác biệt là ông còn đặt ra kỳ hạn rút quân là cuối năm 2014.

Việc triệt thoái ấy đang thành hình. Những tranh luận đúng sai, hoặc về chiến trường sạch như Afghanistan hay bẩn như Iraq, chỉ là tiểu xảo chính trị, chứ Hoa Kỳ phải tái phối trí ưu tiên của mình và sẽ triệt thoái.

Nhưng "Mùa Xuân Á Rập" năm ngoái là biến cố bất ngờ và hậu quả là cái gọi là phong trào dân chủ trong thế giới Hồi giáo lại không nhất thiết phù hợp với quyền lợi của nước Mỹ - chuyện đang thấy tại Ai Cập. Sau khi bị Âu Châu, chủ yếu là nước Pháp, dẫn dụ vào cuộc nội chiến tại Libya và bị quân khủng bố phục kích tại Benghazi - mà còn chối đây đẩy - Chính quyền tay mơ của Obama sẽ khéo lảng khỏi Syria và tội ác ngập đầu của chế độ Bashar al-Assad.

Hoa Kỳ sẽ bán cái cho các nước Hồi giáo, như Saudi Arabia hay Turkey, giải quyết hồ sơ Syria và mơ ước một phép lạ tại Iran.

Suốt bốn năm qua, sau khi Tổng thống đi vái tứ phương để nói chuyện hoà giải với đạo Hồi, Hoa Kỳ đã chứng minh ảnh hưởng có giới hạn của mình trong thế giới Hồi giáo. Chính quyền sẽ nhậm chức sau ngày 20 Tháng Giêng tới đây còn bị hậu quả bất lường, dù không với cường độ của vụ khủng bố 9-11 năm 2001.  

Người ta cứ nghĩ – sai – rằng Tổng thống Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Quyền lực của một tổng thống gồm có hai vế nội chính và ngoại giao. Về nội chính, trong các vấn đề kinh tế, tài chánh và xã hội, người cầm đầu Hành pháp phải thỏa nhượng với Lập pháp, Tối cao Pháp viện và Ngân hàng Trung ương và thật ra có quyền lực rất giới hạn vè ngân sách. Vì vậy mới phải tìm thắng lợi về an ninh và đối ngoại, là lãnh vực tương đối thuộc thẩm quyền của Hành pháp.

Nhưng ngay trong lãnh vực đối ngoại này, Tổng thống Hoa Kỳ cũng chẳng có toàn quyền quyết định hoặc có khả năng thực hiện những chủ trương lớn khi tranh cử. Việc nêu ra chủ trương hay chủ thuyết chỉ là phần hào nhoáng của tranh cử. Chứ khi cầm quyền thì tổng thống tân cử vẫn lãnh di sản của người tiền nhiệm, vẫn bị biến cố bất ngờ và nhất là vẫn phải nương theo tính toán của nước khác để bảo vệ an ninh và quyền lợi của quốc gia.

Tổng thống ưu tú và để lại sự nghiệp lịch sử là người có thủ đoạn tranh đoạt tối đa quyền lợi cho nước Mỹ và làm thay đổi được khung cảnh quốc tế, tức là hành xử như một đế quốc, mà vẫn có vẻ bảo vệ những giá trị lý tưởng của nền dân chủ. Những người như vậy thật ra không nhiều.

Và người sẽ tuyên thệ vào năm tới sẽ khó đạt được thành tích ấy. Chỉ vì ưu tiên của nước Mỹ vẫn là những chuyện bên trong và Hành pháp vẫn phải thỏa hiệp với Quốc hội do dân bầu lên., Chỉ vì Hoa Kỳ mắc nợ quá nhiều, gây bội chi kỷ lục để kích thích kinh tế mà không đạt kết quả và, quan trọng nhất, vì quần chúng đòi hỏi quá nhiều mà không chấp nhận hy sinh để vượt qua những khó khăn hiện tại. Ai cũng đồng ý là phải giảm chi và tăng thuế, nhưng giảm chi cho người khác và không tăng thuế của mình.

Cuối cùng thì chính là vì phải xoay vào giải quyết chuyện bên trong mà Hoa Kỳ có thể lại gặp biến cố bất ngờ từ bên ngoài và có phản ứng bất lường. Viễn cảnh ấy mới gây chóng mặt.


2 nhận xét: