Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 121027
Phải Tranh Luận Cho Vui – Chứ Lãnh
Đạo Là Chuyện Khác
* Barack Obama và Mitt Romney - Hai người cùng nhìn về một hướng *
Sau bốn cuộc tranh luận giữa hai
liên danh tranh cử tổng thống, dư luận mau mắn thăm dò xem ai được ai thua. Chuyện
phù du nhuốm mùi phù phiếm.
Về lý thuyết, trong một cuộc
tranh cử chức vụ lãnh đạo Hoa Kỳ, cử tri chờ đợi hai liên danh đề nghị hai chương
trình hành động cụ thể, dựa trên 1) triết lý chính trị và 2) chính sách sẽ áp dụng
nếu đắc cử. Triết lý chính trị đó có thể là thiên tả hay hữu khuynh, hướng về công
bằng hay phát triển, can thiệp hay tự do. Chính sách ấy có thể là tăng chi hay
giảm thuế, khoảng bao nhiêu thì vừa, hoặc hòa hoãn hay cứng rắn về đối ngoại. Lồng
trong hai chủ trương khác biệt là nghệ thuật thuyết phục hay tuyên truyền về giá
trị của các giải pháp đề nghị so sánh với phương án của đối thủ.
Nói cho gọn và lịch sự, thì đôi bên
đều trình bày phần xây dựng tích cực của mình và những giới hạn tiêu cực của đối
phương để cử tri chọn lựa. Sự thật lại không được lý tưởng như vậy vì nhiều lý
do thực tế.
Xin hãy nói về các lý do đó.
***
Trước hết, từ chủ đích quái ác của
các bậc quốc phụ thời lập quốc, Tổng thống Hoa Kỳ không có toàn quyền lãnh đạo.
Họ không muốn có một Hành pháp quá mạnh để thu hẹp tự do của công dân và các tiểu
bang.
Về nội chính và loại vấn đề áo cơm
của người dân, lãnh đạo Hành pháp phải bó tay trước các định chế có ảnh hưởng hơn:
lưỡng viện Quốc hội, Tối cao Pháp viện và cả quyền hành của tiểu bang do các thống
đốc đảm nhiệm và cũng được dân bầu lên. Trong thế kỷ 20, khi Hoa Kỳ phát triển
mạnh nhờ chủ nghĩa tư bản và kinh tế tự do, có hai định chế khác đã có thẩm quyền
quyết định với hậu quả là thu hẹp khả năng hành động hay ứng phó của Hành pháp.
Đó là Ngân hàng Trung ương, một định chế độc lập, và là thị trường. Thị trường
tổng hợp hàng triệu tác nhân kinh tế trong và ngoài Hoa Kỳ, hàng ngày hàng giờ
làm thay đổi nền tảng tính toán kinh doanh và kinh tế, cụ thể như lãi suất, phân
lời của trái phiếu (yield) hay mức thất nghiệp.
Về đối ngoại và các vấn đề như
ngoại giao hay an ninh, lãnh đạo Hoa Kỳ phải ứng xử - đối phó – với những thách
đố của thực tế mà họ có thể chưa thấy hết khi còn là ứng cử viên.
Những thách đố ấy có thể là quyền
lợi trường cửu của nước Mỹ và đối sách của nước khác, trong đó phải kể đến những
cường quốc đối thủ hay đồng mình có điều kiện. Bộ máy an ninh và đối ngoại hàng
ngày thu thập dữ kiện và vận hành trong môi trường thường xuyên thay đổi như vậy
đã có những thông tin và cả trăm giải pháp đối phó mà ứng cử viên chỉ biết được
khi đã đắc cử. Và phải chọn lựa, phải quyết định.
Đã vậy, ngồi vào ghế Tổng thống,
lãnh đạo Hoa Kỳ còn lãnh di sản bất ngờ hoặc hậu quả bất lường từ đối sách trước
đó của các chính quyền tiền nhiệm. Mà loại di sản ấy tác động theo thế tương hằng
hay biện chứng: vì năm mười năm trước, nước Mỹ đã quyết định thế này, cho nên các
nước đã phản ứng thế nọ, đâm ra ngày nay Hoa Kỳ mới gặp loại vấn đề mới.
Vài thí dụ ư?
Hoa Kỳ thời Jimmy Carter yểm trợ
phong trào Thánh Chiến tại A Phú Hãn để giảm thiểu thế lực của Liên bang Xô viết
nên Chính quyền thời Ronald Reagan dễ mở cuộc đua khiến Liên Xô hụt hơi mà tiêu
vong. Chiến Tranh Lạnh kết thúc nên Chính quyền Bill Clinton được hưởng cổ tức
hoà bình, giảm chi về quốc phòng và phát triển kinh tế. Nhưng cũng từ đó, phong
trào Thánh Chiến thừa thắng mà chuyển hướng, từ chống Liên Xô qua chủ trương hình
thành một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu, và lực lượng khủng bố al-Qaeda đã tung hoành
dưới thời Bill Clinton để đòi lãnh đạo thế giới Hồi giáo chống lại Tây phương.
Họ cần biểu dương khả năng và ngoạn
mục hoàn thành vụ khủng bố 9-11 khiến Chính quyền George W. Bush vừa nhậm chức
tám tháng trước bèn buông hết ưu tiên về nội chính cùng chủ trương khiêm cung và
bất can thiệp do ông Bush đề ra trong cuộc tranh cử năm 2000. Hậu quả bất lường
là Hoa Kỳ lâm chiến toàn cầu và di sản Iraq và A Phú Hãn trở thành gánh nặng cho
các chính quyền về sau.... Hậu quả là Mỹ đã để khoảng trống tại Đông Á đang được
Hải quân Trung Quốc bơi vào khai thác khiến các ứng cử viên ngày nay lại cãi cọ
lung tung về số chiến hạm cần thiết cho an ninh Hoa Kỳ.
Ngoài các thí dụ ấy, một sự thể
khách quan khác cũng chi phối đối sách của Tổng thống Mỹ mà dân Mỹ ít nhìn ra:
không quốc gia nào trên thế giới lại muốn Hoa Kỳ duy trì thế siêu cường độc bá.
Đồng minh Âu Nhật đòi thu hẹp ảnh hưởng đó, hoặc ít ra thương thuyết lại việc
chia chác quyền lợi. Đối thủ thì châm lửa cho nhiều đám cháy để nước Mỹ đội mũ
cứu hoả toàn cầu.
Và lãnh tội "Sen đầm Quốc tế".
Hết Ai Cập lại tới Libya, hay Syria, Iran, v.v.... lỗi tại Mỹ cả! Bảo rằng đó là
lỗi tại Bush thì chỉ là thủ thuật Obama.
Vì vậy, mọi chương trình tranh cử
chỉ là "kịch bản lý thuyết" của một tác phẩm điện ảnh do "chuẩn đạo
diễn" – ứng cử viên – rao bán cho các nhà sản xuất là cử tri. Chứ khi thực
hiện thì lãnh tụ đạo diễn – hay lãnh đạo – lại làm chuyện khác. Coi vậy mà không
phải vậy là một kết luận. Treo đầu dê bán thịt chó là một kết luận khác.
Mà đều là kết luận... sai!
***
Huống hồ, ta trở về chuyện tranh
cử trên màn ảnh, các cuộc tranh luận đều là hài kịch về diễn xuất.
Từ 50 năm nay, chính thức từ cuộc
tranh luận 1960 giữa hai ứng cử viên John Kennedy và Richard Nixon, hình thái đấu
tranh dân chủ tại Mỹ đã có khẩu vị của một tô mì ăn liền. Sự xuất hiện của truyền
hình rồi phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại hơn khiến cử tri có cơ hội
trực tiếp nhìn và nghe thấy ứng cử viên trong vài ba phút đốp chát – sound
bites – và quyết định bỏ phiếu theo những tiêu chuẩn trước đây không hề có.
Ứng cử viên có đẹp trai và ăn nói
lưu loát không trở thành tiêu chuẩn lấn át nội dung của "kịch bản lý thuyết".
Chuẩn đạo diễn phải thủ vai tài tử điện ảnh và nên có tài tử thật làm vật trang
trí ở chung quanh. Nếu chỉ nghe và đọc lại nội dung tranh luận Kennedy-Nixon thì
Nixon thắng lớn. Nhưng ông thua chừng vạn phiếu vì xí giai và ít ăn ảnh hơn Cậu
ấm Kennedy với hình ảnh của dàn tài tử Hollywood lấp lánh chung quanh một lãnh
tụ trí thức, có hậu thuẫn của nghệ sĩ....
Các tay trí thức khoa bảng có lý
luận mạch lạc và tư tưởng lương thiện như hai tiến sĩ Woodrow Wilson hay George
McGovern đều có thể rớt đài vì cần nửa tiếng giải thích ngọn nguồn của hồ sơ và
lẽ hơn thiệt của từng giải pháp đề nghị. Truyền hình và người điều hợp lẫn khán
giả không thể kiên nhẫn nên sẽ ngắt lời hoặc tắt máy đổi đài và ứng cử viên tử
tế kia thất cử vì ăn nói dài dòng vớ vẩn! Jimmy Carter còn thua đậm vì vẻ mặt
thiểu não và nụ cười ngớ ngẩn....
Vì vậy, mục tiêu tranh luận không
thể là sự đối chiếu giữa hai chương trình hành động như hai võ sĩ lần lượt múa
quyền hay đi bài thiệu trên sân khấu.
Đó là một vụ cận chiến với mọi loại
ám khí ém trong tụ áo và các đòn lên gối hay giật cùi chỏ hoàn toàn không có
tinh thần mã thượng. Luật chơi là như vậy vì mục đích yêu cầu là cho thấy sự bình
tĩnh và bản lãnh của ứng cử viên. Khi bất ngờ bị móc lò thì biết đá giò lái.
Sau đấy mới là lúc truyền thông
kiểm lại sự đúng sai thật giả của từng lập luận được đưa ra trong 90 phút trên
màn ảnh. Nhưng cử tri đã nhìn qua chuyện khác và đa số thì tin vào kết luận về
sự thắng bại của truyền thông, một định chế có mức độ khả tín rất thấp trong xã
hội Mỹ, chỉ hơn Quốc hội và người bán xe cũ! Thực chất của vấn đề vì vậy không
nằm trong nội dung các cuộc tranh luận mà nằm trong ấn tượng tiên thiên, có sẵn,
của cử tri.
Ấn tượng đó mới là đối tượng vận
động của ban tranh cử, phản ảnh nhận thức nông cạn và phiến diện của cử tri Hoa
Kỳ.
Gần phân nửa nước Mỹ tin rằng Thống
đốc Mitt Romney là tài phiệt gian ác chỉ muốn bóc lột người già, con trẻ, dân
nghèo và người thiểu số để làm giàu cho các tỷ phú giấu mặt ở đằng sau. Ở bên
kia "chiến tuyến", gần phân nửa dân Mỹ tin rằng Tổng thống Barack
Obama là con cờ của các thế lực nghiệp đoàn lẫn tài phiệt ngân hàng và muốn thu
hẹp khả năng lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới. Lối kết luận đơn giản đó được
cả hai phe dồn dập tung ra qua những mẩu quảng cáo trên màn ảnh truyền hình, được
các thầy bàn pundits xào nấu nêm nếm lại.
Các tô mì ăn liền này trở thành
thực đơn hàng ngày trong mùa tranh cử.
Chẳng những vậy, cử tri còn khó
nhìn ra phần tích cực của chương trình hành động mà chỉ được thấy phần tiêu cực
được bên này gán cho phía bên kia. Gán cho với nội dung xuyên tạc. Và vì đa số
truyền thông đều thiên tả, là loại "trí thức" có thiện cảm tiên thiên
với đảng Dân Chủ và liên danh Obama-Biden, xác suất xuyên tạc thường cao hơn ở
cánh tả. Nhưng chẳng phải là không có từ cánh hữu.
***
Như vậy, chẳng hóa ra nền dân chủ
Hoa Kỳ chỉ kết tinh sự nông cạn hời hợt của cử tri bị một thiểu số có tiền hoặc
có hiểu biết ngào như bột nổi hay sao? Không hẳn như vậy.
Nền dân chủ này có ưu điểm là tầm
thường hóa chứ không sùng bái lãnh tụ. Nó còn cho người dân khả năng đổi ý, trả
lại đồ giả, khi thiểu số trung dung ở giữa đo đếm kết quả thực tế trong cuộc sống
của họ. Nhất là cho phép cử tri chọn được người trí chí kiên định để vượt qua
chặng đường khổ ải, nhục hơn vinh, của tiến trình tranh cử.
Lối tuyển chọn ấy đam lại hy vọng
thắng cử cho người có đởm lược và sự quả quyết. Các cuộc tranh luận phù du chính
là cơ hội bày tỏ cá tánh khi bị tấn công với lập luận giả hiệu và phản đòn rất
nhanh cũng với lý luận giả hiệu. Trong ý nghĩa đó, cuộc tranh luận đầu tiên giữa
hai ông Obama và Romney tại Denver hôm mùng ba Tháng 10 có tầm quan trọng nhất.
Không do nội dung cãi vã mà từ phong cách của hai người. Nó phần nào cho thấy cá
tánh thật của hai ứng cử viên.
Kết cuộc thì đấy mới là tiêu chuẩn
quan trọng để tìm ra người có khả năng ứng phó với loại vấn đề bất ngờ trong một
vụ khủng hoảng trời giáng. Như khi chuông điện thoại reo vang vào lúc ba giờ sáng
– lối ví von của Nghị sĩ Hillary Clinton khi tranh cử với Nghị sĩ Obama ở vòng
loại vào năm 2008.
Một vụ khủng bố tại Benghazi của
Libya, một vụ khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu, hay khủng hoảng chính trị tại
Bắc Hàn với phản ứng dội ngược vào Bắc Kinh, v.v... là loại biến cố bất ngờ mà
các ứng cử viên không thể tính trước trong
chương trình tranh cử.
Nhưng đó lại là thực tế đang chờ
đợi người sẽ lãnh đạo nước Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét