Thứ Sáu, tháng 6 28, 2013

Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng Bắc Kinh



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130629

Thị Trường Thăng Giáng - Chính Trường Loay Hoay


 * Mới chỉ là "vài món ăn chơi"... *



Thị trường tài chánh Trung Quốc vừa gặp một mùa Hè đỏ lửa. Phản ứng lật đật đầy mâu thuẫn của Bắc Kinh khiến chúng ta phải nhìn sâu hơn vào tiến trình quyết định chính trị của đảng....


Trung Quốc vừa bị nạn ách tắc tín dụng khi ngân hàng thiếu thanh khoản và lãi suất tăng vọt. Ngày 18 Tháng Sáu, Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Khắc Cường lên giọng cả quyết, rằng hệ thống ngân hàng đừng mong nhà nước bơm tiền cấp cứu để lại duy trì thói cũ. Kết quả là một vụ chấn động làm cổ phiếu sụt giá và thị trường toàn cầu rung chuyển. Một tuần sau, ngày 25 Tháng Sáu, Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh đổi giọng và trấn an. Lãi suất liên ngân hàng liền giảm hai phần ba, trung bình từ 20% xuống còn 6%, và chứng khoán Trung Quốc bớt đà tuột dốc. Dù lãi suất các ngân hàng vay nhau khi thiếu thanh khoản có giảm thì hiện vẫn quá cao, và sự ổn định ngắn hạn vẫn là bất trắc.


Về dài hạn, núi nợ ngất trời của hệ thống tín dụng là quả bom nổ chậm trên một cỗ xe ở đầu dốc. Từ nay đến đó, ta có dịp tìm hiểu thêm về kinh tế chính trị học theo định hướng Bắc Kinh....

Hơi rắc rối nhưng mà cần thiết.


***

Trước hết, về kinh tế nói chung, thì sinh hoạt sản xuất và tiêu thụ vẫn bị các chu kỳ thăng giáng, lên xuống.

Khi kinh tế suy trầm, tín dụng giảm sút khiến loại doanh nghiệp yếu kém có thể phá sản và gây thất nghiệp. Nếu là suy trầm ngắn hạn thì doanh nghiệp yếu kém bị đào thải, doanh nghiệp lành mạnh có thêm cơ hội chấn chỉnh và bành trướng. Nhưng nếu suy trầm kéo dài thì toàn bộ cơ cấu sản xuất bị ảnh hưởng để dẫn đến sự hình thành của một hệ thống khác.

Muốn thu hẹp chu kỳ suy trầm, và giảm thiểu hậu quả bất lợi cho kinh tế và xã hội, người ta có biện pháp kích thích ngắn hạn, được gọi là "phản chu kỳ". Nhưng biện pháp mà thiếu công hiệu thì kéo dài nạn suy trầm và gây "hậu quả bất lường", không tính trước, cho hệ thống sản xuất mới.

Bây giờ, về kinh tế Trung Quốc.

Sau gần chục năm tăng trưởng ngoạn mục, nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 đã thu hẹp thị trường xuất cảng và đe dọa các doanh nghiệp có mức lời quá thấp nên lãnh đạo Bắc Kinh áp dụng biện pháp phản chu kỳ là bơm tiền kích thích kinh tế. Muốn hiểu ra hậu quả bất lường, hay liều thuốc đổ bệnh, của biện pháp kích thích thì ta phải nhìn sâu vào kinh tế chính trị học của Trung Quốc.

Đầu tiên là địa dư hình thể xứ này đã phân đôi kinh tế - xin tạm chia làm hai thôi, cho dễ hiểu – là 1) các tỉnh duyên hải tương đối trù phú nhờ giao tiếp với bên ngoài và đã phần nào kỹ nghệ hoá và 2) các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa và kiếm ăn nhờ cung cấp lao động và làm gia công cho các tỉnh miền Đông. Trải qua 30 năm cải cách từ 1979, chiến lược xuất cảng đã đào sâu dị biệt địa phương và gây ra các bài toán trong/ngoài, đô thị hóa, công nghiệp hoá và bất công xã hội, v.v....

Khi toàn cầu bị Tổng suy trầm, từ Tháng 11 2008 lãnh đạo Bắc Kinh phải ráo riết bơm tiền kích thích kinh tế. Nhưng bơm vào đâu là vấn đề kinh tế chính trị học. Với nhiều biểu hiện khác nhau.

Nhu cầu phát triển các tỉnh bên trong để san bằng dị biệt địa phương là một đòi hỏi trường kỳ, được đặt ra từ hơn hai chục năm trước, mà chưa có kết quả, một phần vì hiệu suất đầu tư quá thấp của một khu vực lạc hậu bao trùm lên hơn hai phần ba lãnh thổ. Và là nơi sinh sống của 900 triệu người. Trong khi ấy, nhu cầu trước mắt là tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao giá trị xuất cảng của các tỉnh duyên hải. Tức là nạn Tổng suy trầm đòi hỏi biện pháp kích thích đi ngược chủ trương tái phối trí phương tiện từ bên ngoài vào trong, chủ trương xin tạm gọi là "tái cơ cấu". Đấy là biểu hiện thứ nhất và là bối cảnh của cuộc tranh luận về ưu tiên là tăng trưởng hay là cải tổ cơ chế.

Biểu hiện thứ hai của vấn đề kinh tế chính trị học nằm trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc.

Khi lãnh đạo ào ạt mở vòi tín dụng để kích thích sản xuất, hệ thống "tiêu tưới" đã trước tiên dẫn nước vào ba khu vực: 1) các tập đoàn kinh tế nhà nước, 2) các địa phương, và 3) các đại gia có thế lực đưa tiền vào những nơi có mức lời cao nhất. Nôm na là đầu cơ. Khu vực thứ nhất gây ra nạn sản xuất dư thừa, khu vực thứ hai gây ra tình trạng địa phương mắc nợ khi xây dựng hạ tầng ế ẩm vắng khách và khu vực thứ ba lại thổi lên bong bónh đầu cơ địa ốc. Trong khi ấy, các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của tư doanh theo nhau phá sản như thửa ruộng hạn hán vì ở quá xa vòi bơm công cộng.

Cơ cấu chính trị Trung Quốc gây úng thủy ở trung tâm quyền lực và chính trị và nạn hạn hán ở vòng ngoại vi, của thường dân. Nghĩa là biện pháp kích thích kinh tế lại đào sâu bất công xã hội.

Biểu hiện thứ ba của vấn đề kinh tế chính trị học nằm trong hệ thống ngân hàng.

Vì tiền nhiều và rẻ được các ngân hàng của nhà nước cung cấp theo diện chính sách – bất kể rủi ro – cho các khu vực có khả năng sinh lời thấp, người ta phát huy sáng tạo mà đưa tiền vào nơi có yêu cầu cao hơn, chịu trả lãi suất đắt hơn và điều kiện tài trợ mơ hồ hơn. Hậu quả là tay chân của nhà nước dùng tiền của nhà nước đi đánh bạc trong khu vực "ngoài ngân hàng", thiếu sổ sách minh bạch mà đầy rủi ro. Đó là cái họa của "shadow banking" khiến Hội đồng Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cương ban hành thông tư rất cương cường hôm 18, là đừng mong nhà nước tung tiền cấp cứu để lại duy trì thói tật cho vay đầy bất cẩn.....

Chi tiết sau cùng và cần thiết để thấy ra kích thước vĩ đại của liều thuốc đổ bệnh: năm năm qua, lượng tín dụng bơm ra đã tăng từ chín ngàn tỷ đô la lên tới 23 ngàn tỷ, cho một nền kinh tế chỉ có sản lượng là hơn tám ngàn tỷ. Trung Quốc có núi nợ cao bằng núi Thái Sơn.

Những ai được cấp tín dụng – đi vay để thành khách nợ - theo kiểu phi thường này?

Danh sách là một chuỗi đằng đẵng những kén nợ đan kết vào nhau: doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, các công ty đầu tư do đảng bộ địa phương lập ra để vay tiền ngân hàng, các đại gia có thế lực đánh bạc trên thị trường đầu cơ, các công ty "quản lý tài phú" (wealth management) có quan hệ tốt đã vay tiền ngân hàng để tung vào nơi có mức lời cao hơn, và các tiểu doanh nghiệp cũng hộ gia đình phải vay lãi cắt cổ trên thị trường tín dụng đen, v.v....

Không ai biết là loại nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất, chiếm tỷ lệ ung thối đến cỡ nào bên trong các kén nợ này. Con số chính thức 1% là một hài kịch hơi vô duyên. Các tổ chức đầu tư quốc tế ước lượng là phải từ 10 đến 20%. Nghĩa là mấy ngàn tỷ đô la.

Chúng ta chỉ có thể biết khi nhà cái mở bát!

Bây giờ ta mới trở lại câu hỏi đầu tiên: vì sao lãnh đạo Bắc Kinh lại có phản ứng lật đật và đầy mâu thuẫn trong mấy tuần qua?


***


Giải thích hiện tượng này, một số bình luận gia nêu ra giả thuyết lạc quan.

Rằng nạn ách tắc tín dụng – credit squeeze - chỉ là hậu quả bất ngờ của vài số biến cố ngắn hạn. Thí dụ như các doanh nghiệp đến kỳ trả thuế từ cuối Tháng Năm, các ngân hàng đến kỳ chấn chỉnh sổ sách (đòi lại nợ) để xoè ra mức lời an toàn hơn trong báo cáo phải nộp vào Tháng Sáu, hoặc dân chúng rút tiền mặt trước khi ngân hàng nghỉ lễ Đoan Ngọ trong ba ngày, v.v.... Nghĩa là sau mấy tuần trồi sụt không đều, sóng gió sẽ qua đi.

Một giả thuyết ác liệt hơn cũng được nói tới.

Đó là Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh cố tình gây ra sự khan hiếm tín dụng để truy lùng kẻ phạm pháp trong hệ thống tài trợ ngoài ngân hàng, nhằm đánh vào các đại gia của mạng lưới shadow banking. Định chế này sở dĩ dám làm việc táo tợn là do chỉ thị của Quốc vụ viện, thậm chí của Bộ Chính trị. Nói cách khác, đấy là một tín hiệu từ lãnh đạo, rằng các ngân hàng phải chấm dứt lề lối kinh doanh bất cẩn và thổi lên bong bóng đầu cơ.

Giả thuyết này có vẻ hợp lý nếu ta nhớ đến thông tư hôm 18 của Nội các Lý Khắc Cường: 1) tiếp tục cải cách theo quy luật thị trường, 2) cho dù có thể gặp mức tăng trưởng thấp hơn; 2) nên sẽ có chính sách tiền tệ thận trọng, nghĩa là sẽ chẳng tiếp tục bơm tiền cấp cứu.

Nhưng sự thật có khi lại đơn giản hơn những lý luận uyên bác và rắc rối đó: Lãnh đạo Bắc Kinh gặp chuyện bất thường mà chẳng phải bất ngờ.

Bất thường là ngân hàng thiếu thanh khoản, mà không bất ngờ vì những nhược điểm lưu cữu trong hệ thống kinh tế tài chánh và ngân hàng. Khi bị thị trường giáng cho một đòn như vậy thì chính trường choáng váng và loay hoay xoay trở. Rồi sự mờ ám của hệ thống ngân hàng lẫn mờ ảo của hệ thống thông tin khiến lãnh đạo gây thêm nhiễu âm làm các nhà bình luận bị lạc quẻ.

Sự thật đơn giản là các thế hệ lãnh đạo thứ ba và thứ tư đều ý thức được nhu cầu phát triển khu vực nội địa mà không thành công. Vụ Tổng suy trầm 2008-2009 còn cản trở việc cải cách để ra khỏi trạng thái "bốn không": không cân đối, không phối hợp, không công bằng nên không bền vững. Vừa chính thức cầm quyền từ Tháng Ba, thế hệ thứ năm (thế hệ "Tập-Lý") phải tiến hành việc chuyển hướng đó.

Họ trù tính trình bày kế hoạch cải tổ cơ chế sau Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương Khóa 17, sẽ được triệu tập vào mấy tháng tới. Đấy là một yêu cầu chiến lược của Bộ Chính trị.

Trong hoàn cảnh nhạy cảm này, Bộ Chính trị khó ra lệnh cho Hội đồng Chính phủ, thậm chí một cấp bộ thấp hơn vậy là Ngân hàng Trung ương, mở chiến dịch càn quét hệ thống ngân hàng chui và gây thêm bất ổn hay hốt hoảng cho thị trường.

Nói cách khác, những biến động tài chánh vừa qua không xuất phát từ một quyết định chủ động của lãnh đạo trong tinh thần răn đe hoặc thanh trừng các ngân hàng hay doanh nghiệp bê bối, mà chỉ là sự lụp chụp ứng phó ở cấp dưới khi gặp sự biến.

Nhìn trong trung hạn, từ hai đến năm năm tới, lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải tiến hành cải cách trong tinh thần "chuyển lượng thành phẩm". Nội dung sẽ là cải sửa từ cơ chế kinh tế lên tới chính trị. Từ đầu máy của đầu tư và tín dụng phải lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy; từ việc tái phối trí ưu tiên trong ngoài đến quyền lực trên dưới (giữa trung ương với các tỉnh); từ chế độ hộ khẩu đến kế hoạch đô thị hóa, v.v....

Họ còn phải trấn áp được sự cưỡng chống của các nhóm lợi ích để cải cách, khi núi nợ lại đến kỳ sụp đổ. Khi lãnh đạp cải cách theo kiểu xe đạp quẹo cua thì kinh tế không thể đạt mức tăng trưởng cao như xưa, mà còn thấp hơn giả thuyết bi quan là 7% của hiện tượng "hạ cánh nặng nề". Tức là trong nhiều năm tới, đà sản xuất sẽ suy trầm, có được 5% một năm là mừng.

Khi kinh tế suy trầm thì các doanh nghiệp bấp bênh sẽ chìm trong núi nợ và phá sản. Khủng hoảng tài chánh bùng nổ càng đẩy kinh tế từ suy trầm (recession) xuống suy thoái (depression). Nhật Bản đã từng bị như vậy từ năm 1991 mà chưa hồi phục. Trung Quốc cũng sẽ không khác.

Cái khác là nước Nhật có hệ thống chính trị dân chủ. Trung Quốc thì không! 

Thứ Tư, tháng 6 26, 2013

Đầu Tư Vào Hạ Tầng Nào?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130626
Diễn Đàn Kinh Tế 
Trung Quốc đầu tư dư thừa về vật thể và thiếu hụt về tinh thấn 

000_Hkg8714995-305.jpg 
* Công nhân Trung Quốc vận chuyển thép tại một bến tàu ở Thanh Đảo, 
tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc hôm 15/6/2013. AFP photo *   


Biến động tài chính gần đây tại Trung Quốc, khi đà tăng trưởng sẽ còn giảm, khiến người ta nêu câu hỏi về chiến lược phát triển dựa trên đầu tư và tín dụng của nền kinh tế hạng nhì thế giới. Tìm hiểu về câu hỏi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đề nghị một cách nhìn khác vào đối tượng của đầu tư.


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thế hệ thứ năm vừa lên lãnh đạo Trung Quốc đã đối mặt với một viễn ảnh là đà tăng trưởng kinh tế hết còn như xưa, trong khi ấy, núi nợ tín dụng tích lũy từ năm năm nay để kích thích tăng trưởng lại dẫn đến khủng hoảng tài chính vào mấy năm tới. Ngay trước mắt thì nạn ách tắc tín dụng vì ngân hàng thiếu thanh khoản và lãi suất tăng vọt đã đánh sụt giá cổ phiếu Trung Quốc và đang gây chấn động toàn cầu.

Thưa ông, từ nhiều năm nay, ông thường nêu ra những hiện tượng tiêu cực của kinh tế Trung Quốc như tình trạng nợ nần hay đà tăng trưởng chỉ có lượng mà thiếu phẩm để cảnh báo Việt Nam. Kỳ này, chúng tôi xin nêu câu hỏi là vì sao xứ này lại gặp trở ngại như vậy khi mới vượt qua Nhật Bản để là nền kinh tế hạng nhì thế giới? Hỏi cách khác, phải chăng là chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư rất mạnh đã đi hết sự vận hành của nó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chúng ta phải đi lại từ đầu để nhìn thấy vấn đề cơ bản của Trung Quốc, trước khi phê phán sự hay dở của chiến lược kinh tế mà lãnh đạo xứ này áp dụng sau khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979. Vì địa dư hình thế, Trung Quốc có khu vực duyên hải dễ tiếp xúc với bên ngoài nên tương đối trù phú hơn và là nơi sinh hoạt của 450 triệu người. Còn lại, các tỉnh nội địa nghèo khổ lạc hậu, là nơi sinh sống của 900 triệu dân.

Vì luật pháp vẫn mơ hồ, nạn bội tín, xù nợ và không tôn trọng hợp đồng là quy luật phổ biến và cần sự xử lý của xã hội đen. Do đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ có lượng mà thiếu phẩm. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Thật ra, xứ này còn nghèo và khi cải cách thì dễ đạt tốc độ cao như các nước khác. Với dân số hơn một tỷ ba trăm triệu người, mức tăng trưởng ấy có thể khiến Trung Quốc có sức nặng kinh tế đáng kể. Nhưng, khi ra sức đầu tư rất mạnh bằng công chi và tín dụng họ vẫn chưa giải quyết được bài toán nguyên thủy về địa dư hình thể và lại duy trì một chế độ chính trị tập quyền, nên càng gây khó khăn cho yêu cầu phát triển hài hòa.

Vũ Hoàng: Hình như ông vừa tóm lược định đề khách quan của hoàn cảnh vật chất rồi nói đến sự bất toàn của hệ thống chính trị Trung Quốc. Bây giờ, trở lại chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư thì ta có thể rút tỉa được bài học gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, về đại thể khi xét đến thành tố của Tổng sản lượng kinh tế qua ngả chi phí thì đấy là kết số của đầu tư, tiêu thụ và cán cân thương mại, là sai số giữa xuất khẩu trừ nhập khẩu. Trung Quốc chọn hai đầu máy tăng trưởng là đầu tư và xuất khẩu, còn tiêu thụ lại quá ít, chỉ ở khoảng 35-37% so với khoảng 50% là tỷ lệ được coi là cân bằng hơn tại nhiều nước khác. Vì sức mạnh chính của mức tăng trưởng là đầu tư, có khi lên tới 48% Tổng sản lượng, người ta mới nói là Trung Quốc đầu tư quá nhiều để đạt một kết quả thật ra là không tương xứng. Nôm na là phải đầu tư gần bốn ngàn tỷ mà chỉ để nâng sản lượng được 640 tỷ thì quả là quá tốn kém.

- Nhưng ta có thể nhìn vào lượng đầu tư qua cách khác. Nếu lấy tổng số tài sản cố định hay tư bản dành cho sản xuất mà chia cho dân số lao động thì ta thấy sức đầu tư bình quân của Trung Quốc còn quá ít, chỉ bằng 7-8% của Mỹ hay Nhật mà thôi. Vì vậy, bảo rằng họ đầu tư nhiều quá hay ít quá vẫn chưa làm sáng tỏ vấn đề. Vấn đề ở đây là Trung Quốc còn quá nghèo, cho nên dù có giành lại một số đầu tư rất lớn thì loại phương tiện sản xuất ấy chưa thể so sánh với các nước tiên tiến, hay thậm chí một nước tân hưng như Hàn Quốc. Chính vì vậy mà mình mới phải nói đến phẩm chất hay hiệu suất của đầu tư.

Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra cách đặt vấn đề của ông. Nếu lấy tổng số thiết bị và vật liệu cho sản xuất mà chia cho lực lượng lao động, giả dụ như 800 triệu người tại Trung Quốc thì bình quân một công nhân xứ này chỉ sử dụng mức đầu tư có vài nghìn bạc so với cả chục vạn của người Nhật, người Mỹ. Phải chăng vì thế người ta mới cần chú ý đến phẩm hơn là lượng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, và vấn đề thật của Trung Quốc là đã nghèo mà còn xài hoang và gây lãng phí trong đầu tư. Tôi xin được lần lượt giải thích vì đấy cũng là một tệ nạn của kinh tế Việt Nam.

- Khi theo đuổi chiến lược đầu tư mạnh nhờ công chi và nhất là tín dụng như chúng ta nhắc đến trong chương trình tuần trước, Trung Quốc lần lượt dồn phương tiện cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi các tỉnh và các đại gia có quan hệ với giới chức cầm quyền để thực hiện cả triệu dự án được ghi vào thống kê như sản lượng làm thế giới khâm phục. Nhưng kết quả thực tế là gì qua ba ngả đẩu tư chủ yếu này?

- Là các tập đoàn công nghiệp nhà nước có tiền bèn áo dạt đổ ra những phương tiện sản xuất dư thừa như xi măng, sắt, thép, v.v.... được bút ghi là sản lượng mà để chất đống vì bán không chạy. Thứ hai, là các tỉnh ráo riết xây dựng hạ tầng vật chất như cầu đường, phi đạo, sân vận động, thiết lộ, đường xe lửa cao tốc vắng khách và không sinh lời. Kết quả thứ ba là tín dụng quá rẻ đã trút các dự án gia cư hay bất động sản, tức là thổi lên bong bóng địa ốc với những thương xá ế ẩm hay các biệt thự quá đắt và vắng như chùa Bà Đanh. Trong ý nghĩa đó thì quả là Trung Quốc đầu tư quá nhiều, lại còn gây ra nạn tham ô, lãng phí và làm hư hại môi sinh....

 

Rào cản "Độc tài"  


000_Hkg8730222-250.jpg
Người dân Trung Quốc trên đường phố Bắc Kinh ngày 24 tháng 6 năm 2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Đã thế, như một lần diễn đàn của chúng ta đã nói tới, nhiều gia đình Trung Quốc lại khó tìm trường cho con em. Mà khi đã có thì phải trả học phí rất cao và còn phải đem bàn học vào lớp vì trường thiếu phương tiện. Thưa ông, đấy có phải là một thiếu hụt đẩu tư không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông vừa nêu ra một vấn đề điển hình về nhược điểm của Trung Quốc.

- Trước hết, ta nên phân biệt hai loại tư bản hay đầu tư. Một đằng là đầu tư vào hạ tầng vật chất hoặc tư bản vật thể. Đằng kia là hạ tầng cơ sở tinh thần hay tư bản xã hội. Xây dựng cầu đường, cống rãnh, hệ thống hủy thải phế vật, v.v... là đầu tư vào hạ tầng vật chất thì Trung Quốc làm quá nhiều nên mới có biểu hiệu của tăng trưởng mà thật ra lại dư dôi. Nhưng hạ tầng cơ sở tinh thần hay tư bản xã hội như luật lệ, quyền tư hữu, như giáo dục, kể cả công dân giáo dục hay quy ước sử dụng hạ tầng vật chất thì bị xao lãng. Do tâm lý cha chung không ai khóc, công ốc xây lên có thể biến ra đống rác, nhà máy là trung tâm ô nhiễm, đường phố là nơi khạc nhổ tự do.

- Quan trọng nhất, vì luật pháp vẫn mơ hồ, nạn bội tín, xù nợ và không tôn trọng hợp đồng là quy luật phổ biến và cần sự xử lý của xã hội đen. Do đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ có lượng mà thiếu phẩm. Việt Nam cũng bị nguy cơ này.

Vũ Hoàng: Nhìn như vậy thì ta có thể thấy ra yêu cầu đầu tư về dân trí hay dân khí. Xây dựng hạ tầng vật chất mà thiếu luật lệ, định chế hay quy ước sinh hoạt văn minh thì quốc gia vẫn chưa thể phát triển được. Bây giờ, ta trở lại bài toán địa dư hình thể Trung Quốc là các tỉnh bên ngoài và bên trong, thưa ông, họ đầu tư để giải quyết bài toán này ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ 15 năm nay, ba thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra nan đề địa dư này mà giải quyết không được. Lý do thứ nhất là đầu tư vào vùng duyên hải thì sớm có kết quả hơn là vào các tỉnh hoang vu lạc hậu trong lục địa nên họ lại bị cảnh nước chảy chỗ trũng ở miền Đông và gây thêm bất công và dị biệt địa phương. Lý do thứ hai là ngày nay, nếu muốn nâng sức tiêu thụ của thị trường nội địa thì làm sao giúp cho 900 triệu người bên trong có thêm lợi tức? Khi trung ương muốn tập trung quyền lực để tái phân lợi tức cho dân nghèo thì đấy cũng là một cách đầu tư như rót tiền vào bên trong. Nhưng cách ấy không bền vì hết đầu tư là hết tiêu thụ và còn bị một trở ngại lớn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.


Nhờ nạn độc tài, thiểu số ở trên có quyền trưng thu bất chính theo lối kinh doanh "tầm tô", hoặc phát triển hệ thống tư bản thân tộc cho tay chân và mạng lưới móc ngoặc ấy trở thành những nhóm lợi ích. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Thưa ông trở ngại đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vừa nói đến việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở luật pháp, vào các định chế xã hội để nâng cao trình độ dân trí một cách đồng bộ với hạ tầng vật chất. Nhưng Trung Quốc và cả Việt Nam đều có nhược điểm chung là nạn độc tài. Nhờ nạn độc tài, thiểu số ở trên có quyền trưng thu bất chính theo lối kinh doanh "tầm tô", hoặc phát triển hệ thống tư bản thân tộc cho tay chân và mạng lưới móc ngoặc ấy trở thành những nhóm lợi ích. Quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước hay đảng ủy ở cấp tỉnh thành đều là đảng viên cao cấp, có vây cánh lên tới Bộ Chính Trị. Họ không chỉ cản trở cải cách mà còn tác động vào chính sách để duy trì nguyên trạng có lợi cho họ. Chính là do tác động của thiểu số có chức, có quyền và có thế lực tiền tài như vậy mà Trung Quốc cứ trút tiền vào loại hình đầu tư vật chất và gây lãng phí cho quốc dân.

Vũ Hoàng: Thưa ông, câu hỏi cuối cho một đề tài phức tạp, có phải là hệ thống chính trị hiện hành của Trung Quốc hay Việt Nam mới gây ra nạn thất quân bình trong đầu tư hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi nói đến đầu tư và cần so sánh giá trị của từng giải pháp hay dự án thì ta nghĩ đến hiệu suất của đầu tư, nôm na là tốn kém những gì để được những gì, bao giờ được và ai được, v.v.... Khởi đi từ trình độ thấp của một nước nghèo, các dự án đầu tư đều có kết quả dễ thấy như khi ta hái những trái chín ở cành thấp nhất nên tạo ra ấn tượng tăng trưởng và phát triển. Thế rồi chỉ mươi năm sau thì loại dự án đó đã có đủ và người ta cần lên cấp cao hơn nhờ loại dự án tinh vi khó khăn như khi phải bắc thang hái những trái chín ở cao hơn. Đấy là khó khăn chung của các nước đang phát triển và họ phải vượt qua bằng đầu tư vào hạ tầng xã hội để đạt hiệu suất cao hơn.

- Nhưng tại các nước độc tài, thế lực của thiểu số đã trở thành những nhóm phản động, tức là cản trở sự tiến hóa, để trục lợi. Vì thế, đầu tư vào tư bản xã hội và hạ tầng cơ sở luật pháp hay giáo dục vẫn bị lãng quên. Do tình trạng này, Trung Quốc không thể đạt mức tăng trưởng 7-8% như trước đây và rất dễ bị loạn khi mà khủng hoảng tài chính và kinh tế bùng nổ. Việt Nam nên nhìn thấy nguy cơ đó mà rút tỉa bài học cho mình.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lối phân tích này.


Email


In trang này
Chia sẻ
Ý kiến của Bạn
Email


06262013-ddkt-vh.mp3

Thứ Ba, tháng 6 25, 2013

Khủng Hoảng Tài Chánh tại Trung Quốc


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130624
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thủy Triều Xuống - Trồi Lên Một Núi Nợ...

 * Nhà ga Vũ Hán hiện đại và vĩ đại - mà vắng khách *


Khi Chủ tịch Tập Cận Bình khoa trương sức mạnh kinh tế Trung Quốc tại thượng đỉnh Mỹ-Hoa ở Rancho Mirage thì một ngân hàng Trung Quốc vỡ nợ. Sau đó là một chuỗi biến động...

Everbright Bank hay Đại Quang Ngân hàng là ngân hàng đầu tư đứng hạng 11 của Trung Quốc về ngạch số tài trợ, và là chi nhánh của tập đoàn Đại Quang,  cơ sở quốc doanh thuộc hệ thống Hối Kim Trung Uơng, Central Huijin, là tập đoàn đầu tư chi nhánh của Công ty Đầu tư Trung Quốc CIC, tập đoàn tài chánh do Quốc vụ viện (Hội đồng Chính Phủ) Trung Quốc quản lý qua Bộ Tài chánh.

Từ Everbright qua Đại Quang Đầu Tư lên Hối Kim, rồi CIC, Bộ Tài chánh và Quốc vụ viện, một chuỗi doanh nghiệp lồng vào nhau như búp bê Nga, trong bàn tay phù thủy của nhà nước....

Hôm mùng sáu Tháng Sáu, ngân hàng Everbright không trả được món nợ sáu tỷ đồng Nguyên, tương đương với 980 triệu Mỹ kim. Chủ nợ là Industrial Bank Co. hay Hưng nghiệp Ngân hàng tại Phúc Kiến bị vạ lây, không trả được nợ. Nói hoa mỹ là "vi ước" hay lỗi hẹn, nôm na là mấp mé vỡ nợ.

Nhiều trường hợp tương tự cũng đã xảy ra....

Biến cố ấy manh nha khi lãi suất liên ngân hàng tăng vọt từ cuối Tháng Năm khiến hệ thống tín dụng bị nghẽn. Doanh nghiệp thiếu thanh khoản, ngân hàng thiếu tiền mặt, dân chúng lại rút tiền ký thác để tránh ba ngày nghỉ mừng Tết Đoan Ngọ, từ mùng 10 đến 12 Tháng Sáu: khi bá tánh coi cảnh bơi thuyền rồng thì ngân hàng cạn nước.

Các ngân hàng khát vốn bắt đầu kêu cứu nhà nước thì hôm Thứ Tư 19, Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Khắc Cường ra một thông tư cứng cỏi: cơ bản thì nền kinh tế vẫn ổn định, nhà nước quyết tâm cải cách theo quy luật thị trường dù điều ấy có thể làm giảm mức tăng trưởng. Và sẽ duy trì chánh sách tín dụng cẩn trọng.

Diễn ra bạch văn là không bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để làm hạ lãi suất.

Vài ngày sau, ngân hàng trung ương vẫn kín đáo can thiệp theo lối nhỏ giọt: lãi suất trung bình vào Tháng Năm từ 4% tăng vọt lên 14% liền giảm xuống mức 9%. Hú vía? Nhưng vụ ách tắc tín dụng che khuất nguy cơ khủng hoảng ngân hàng. Lý do là sau khi đạt mức tăng trưởng 9-10%, kinh tế Trung Quốc đang mất dần tốc độ. Thấp hơn 8% là nguy ngập, dưới 7% thì coi như "hạ cánh nặng nề".

Nay thủy triều bắt đầu rút, để lộ ra một núi nợ tầy trời. Vì đâu nên nỗi?


***


Khi Hoa Kỳ và Âu Châu bị dập vùi trong khủng hoảng tài chánh năm 2008 và kinh tế suy trầm thì Trung Quốc ráo riết gia tăng đầu tư, bơm tiền kích thích và vượt Nhật Bản vào năm 2010. Từ đó thiên hạ nói đến ngày kinh tế Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ.

Nhưng đấy chỉ là mệnh giá, mặt nổi của thống kê kiểu Bắc Kinh. Thực tế thì khối tín dụng từ chín ngàn tỷ đô la năm 2008 đã lên đến 23 ngàn tỷ. Về tốc độ thì tăng gấp đôi mức sản xuất kinh tế.

Tức là đồng tiền có đẩy mức tăng trưởng - rồi đẩy thừa ra ngoài.

Trước hết, tiền trút vào các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chiến lược trong công nghiệp: sắt, thép, xi măng, than đá, hợp kim, vật liệu sản xuất như quang năng hay phong năng (điện từ nắng và gió). Kết quả là sản xuất thừa, tồn kho chất đống làm các phương tiện sản xuất sụt giá, mà vẫn được ghi là sản lượng kinh tế và tạo ra việc làm.

Thứ đó, các địa phương lập ra công ty đầu tư vay tiền thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng như cầu đường, thiết lộ và hải cảng, phi trường. Quả nhiên là sản lượng cũng tăng trên mệnh giá, mà các dự án hoàn thành không thể khai thác ra tiền, trong khi quan chức thì hái ra tiền từ gốc. Công trình ế ẩm, nhà ga vắng khách trong thành phố ma là kết quả phổ biến. Chuyện thứ ba là tín dụng dồi dào với đất đai trong tay cán bộ có con dấu đã là dịp đầu cơ béo bở nên thổi lên bong bóng địa ốc, từ gia cư vô chủ đến thương xá trống trơn.

Mà không chỉ có vậy.

Xưa kia, trung ương kiểm soát đến 95% lượng tín dụng ngân hàng. Năm năm qua, trung ương bị qua mặt, vì đến 45% lượng tín dụng lại lọt ra khỏi sổ sách ngân hàng và chảy vào ngả khác, gọi là "shadow banking". Đó là các quỹ đầu tư, công ty "quản lý tài phú", wealth management, nhà cầm đồ, cơ sở cho vay lãi trên thị trường chui, v.v... Đặc tính chung của loại hình ngoài ngân hàng là thiếu sổ sách phân minh, mơ hồ khi thẩm định rủi ro. Và bị ung thối nặng.

Lý do bành trướng của khu vực chui là vì lãi suất ký thác ấn định quá thấp nên ai cũng muốn tìm mức lời cao với rủi ro lớn hơn ở bên ngoài. Một nguyên nhân khác là tư doanh khó vay tiền từ ngân hàng nên phải đi vay trên thị trường đen với lãi suất cắt cổ từ những kẻ thần thế có thể vay tiền rất rẻ trên thị trường chính thức.

Rốt cuộc thì sau khi tăng 80% kể từ 2008, tổng số nợ của tư nhân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nay đã lên tới 210% Tổng sản lượng. Tờ China Securities Journal đưa ra con số còn cao hơn: 221% Tổng sản lượng. Công ty môi giới đầu tư CLSA Securities thì dự báo một tỷ lệ còn kinh hoàng hơn cho năm 2015: 245% Tổng sản lượng GDP. Một núi Thái Sơn.

Khi đã tài trợ loại dự án ít sinh lời, ế ẩm và đầy rủi ro thì núi nợ vĩ đại này phải có nhiều khoản ung thối và sẽ mất. Mức nợ xấu do Bắc Kinh đưa ra là 1% thì chỉ có thể thuyết phục được... Ban Tuyên truyền Trung ương.

Nhiều nơi khác ước lượng là phải đến 20%, hoặc còn cao hơn.

Nếu không mắc bệnh quên trí nhớ, lãnh đạo Bắc Kinh tất nhìn ra cái dạng quen quen của đà gia tăng tín dụng. Nhật Bản, Nam Hàn hay Hoa Kỳ đã có thời vay mượn như vậy. Cho đến khi khối tín dụng mấp mé 200% Tổng sản lượng thì lãnh cơn khủng hoảng. Nhật Bản vào năm 1990, Nam Hàn vào năm 1998 và Hoa Kỳ vào năm 2008.

Khi núi nợ sụp đổ thì biến động sẽ xảy ra từ vòng ngoại vi vào đến cốt lõi là các ngân hàng. Cho nên, sau vài tháng theo dõi chuyện Trung Quốc xoay trở - "một cách tinh vi" theo lời Ngân hàng Trung ương - với nạn ách tắc tín dụng, người ta sẽ mất vài năm ngắm cảnh núi lở cát truồi.

Bắc Kinh khó để ngân hàng vỡ nợ theo lối dây chuyền nên sẽ đáp vốn nhờ dự trữ của hệ thống ngân hàng, cỡ ba ngàn tỷ đô la, rồi khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ nữa (3,44 ngàn tỷ cho chính xác). Nhưng ngần ấy có đủ không? Mà dự trữ ngoại tệ không là đồng tiền bất động vì đã được đầu tư vào nơi khác nên chẳng dễ đổi thành hiện kim, bạc mặt. Và sau đấy thì sao?

Các đấng con trời vốn không khờ, chẳng đợi ngày núi lở, nhiều đại gia đã rút vốn bỏ chạy. Tính đến mùng năm vừa qua, một tỷ rưỡi đã được triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc, và sẽ tiếp tục như nước tháo làm cổ phiếu tiêu chảy...

***

Khi thủy triều xuống, chúng ta trở lại chuyện kinh tế cũng là chính trị.

Trung Quốc tưởng là tìm ra phép thần kỳ với chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư, tín dụng và xuất cảng. Nhưng chỉ có lượng mà thiếu phẩm. Đầu tư ào ạt gây lãng phí, tham ô. Khối tín dụng dồi dào thổi lên bong bóng và trở thành một núi nợ sẽ sụp. Trong khi ấy xuất cảng giảm sút vì các thị trường Âu-Mỹ-Nhật đều co cụm. Lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được sự hiểm nguy đó nên cố chuyển qua chiến lược khác.

Nhưng khi cỗ xe quẹo cua thì cũng là lúc dễ lật.

Thứ Tư, tháng 6 19, 2013

Nợ Nần Tại Việt Nam, Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 130619
Diễn đàn Kinh tế RFA  

Tầm Tô Học Đạo Ăn Cắp  
 
000_Hkg8686356-305.jpg
* Sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc được triển lãm tại Hà Nội hôm 12/6/2013
AFP photo*

Bản phúc trình về "Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu" vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm 13 Tháng Sáu có chi tiết gây chú ý là khoản nợ quá cao của tư nhân tại Việt Nam và cao nhất là tại Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau, hàng loạt tin tức quốc tế lại nói đến rủi ro của một vụ sụp đổ ngân hàng tại Trung Quốc chưa từng thấy trong lịch sử. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa giải thích rằng đấy là một hậu quả của hiện tượng ông gọi là "tầm tô". 


Trái bóng Tín dụng


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu có gây chú ý đến một hiện tượng đáng ngại là mức nợ quá cao của tư nhân tại một số quốc gia đang phát triển. Thuộc loại cao nhất thì có Việt Nam nay đã mắc nợ đến 110% Tổng sản lượng, còn Trung Quốc thì lên tới 160%. Ngay sau đó, nguồn tin tài chính quốc tế nói đến trái bóng tín dụng của Trung Quốc có thể vỡ và gây ra một vụ khủng hoảng ngân hàng lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Ông nghĩ sao về tin này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vừa chứng kiến một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm năm trước tại các nước công nghiệp hóa Âu-Mỹ vì nạn vay tiền quá nhiều nên đến hồi trả nợ và hậu quả là nạn suy trầm kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau.

- Riêng tại Việt Nam và Trung Quốc là hai nước ngụy danh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là có nền chính trị độc tài và chính sách kinh tế lý tài thì người ta còn gặp một hiện tượng kinh tế chính trị học gọi là "tầm tô", nôm na là đi tìm lợi nhuận bất chính nhờ thế lực chính trị. Hiện tượng ấy gây thêm rủi ro tài chính và kinh tế vì những kẻ tầm tô có thế lực đã trở thành nhóm lợi ích có thể cản trở mọi giải pháp ứng phó. Rốt cục thì ta có "thảm kịch Hamlet" là mọi người cùng chết!

Vũ Hoàng: Cuối tháng trước, trên một nhật báo Việt ngữ tại California ông viết về hai hình thái kinh doanh của hai nhân vật vào đầu và cuối thời Chiến Quốc bên Tầu, để giải thích hiện tượng "tầm tô". Bây giờ ông nhắc đến bi kịch Hamlet của Shakespeare để bảo là ai cũng chết! Ông hay trình bày đề tài kinh tế khô khan theo lối ví von, nhưng thưa ông, tầm tô là gì?

Trong giai đoạn suy trầm, nhiều quốc gia cố gắng kích thích kinh tế qua biện pháp tăng chi và bơm tín dụng với lãi suất rẻ và lại gây ra nạn bong bóng đầu cơ khi người ta vay tiền quá dễ mà bất kể đến rủi ro về sau. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta gọi kinh tế học là khoa học u ám và nói về chuyện u ám với thuật ngữ chuyên môn khó hiểu thì thính giả của chúng ta càng dễ nản chí nên tôi cố trình bày chuyện khô khan bằng hình tượng phổ biến, may ra kích thích được sự theo dõi của mọi người.

- Đầu thời Chiến Quốc, Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô thì ông từ giã chính trị đi kinh doanh rất thành công ở xứ khác để thành nhà tư tưởng của phái "kế hoạch gia" trong "bách gia chư tử", tức là kinh tế học như ta hiểu đời nay. Vào cuối thời Chiến Quốc thì Lã Bất Vi nổi tiếng về kinh doanh chính trị, nôm na là nghề buôn vua, và có thể là bố đẻ của Tần Thủy Hoàng Đế nhưng rồi bị bạo Tần giết chết vì tội chuyên quyền.

- Tôi lấy hai hình tượng khá quen thuộc đó để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi hay Đào Chu Công, là một tên khác của ông ta. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị.

- Kinh tế học gọi lối kinh doanh nhờ gây dựng thế lực là "đi tìm tô" hay "tầm tô". "Tô" chỉ có nghĩa là tiền thuê, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất đó cũng chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái quyền độc tài chính trị để trở thành độc quyền kinh doanh!

 

Kinh doanh tầm tô    


035_pau822622_10-250.jpg
Trụ sở chính của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh hôm 12/5/2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra ẩn dụ của ông khi nhớ đến một phương tiện sản xuất là đất đai và chuyện cướp đất như Ô Khảm tại Trung Quốc, Văn Giang hay Tiên Lãng ở Việt Nam. Trở lại thói "tầm tô" như ông nói thì trên lý thuyết, kinh tế học định nghĩa thế nào về việc kinh doanh như vậy?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lề lối kinh doanh thông thường và phổ biến là tạo ra của cải trước đó chưa có nhờ một sáng kiến khai thác tài nguyên, sản phẩm hay một cơ hội sản xuất mới, rồi chia của cải đó cho mình và cho người theo một tỷ lệ có giá trị lâu dài. Hình thái kinh doanh đó góp phần cho phát triển xã hội và quốc gia. Ngược lại, tìm cách tác động vào môi trường chính trị, luật lệ hay xã hội để kiếm lời mà chẳng đóng góp gì cho sản xuất là loại kinh doanh tầm tô.

- Hiện tượng đó thật ra xuất hiện ở mọi nơi nhưng dễ phát triển trong xã hội chuyên chính là nơi mà quyền lực chính trị không bị giới hạn nên dễ bị lũng đoạn từ bên trong. Tại các nước dân chủ với luật lệ rõ ràng bình đẳng trước sự phán xét của công luận, những ai muốn mua chuộc chính trường để kiếm lời thường khó làm ăn và dễ vào tù. Chỉ trong các nước độc tài, chuyện tầm tô mới dễ phát đạt. Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ngày xưa khi hai xứ này còn theo đường lối tập trung quản lý bằng kế hoạch của nhà nước thì hiện tượng tầm tô có xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cái thói cậy thể để kiếm tiền thì nơi nào cũng có cả. Nhưng trong các nước cộng sản u mê thì tài sản chẳng có là bao và còn bị hủy hoại nên khi cả nước còn ở vào hoàn cảnh mà các cụ ta gọi là "ăn mắm mút giòi" thì chỉ có một thiểu số ra vào cửa hàng mậu dịch kiểu Tôn Đản của lãnh đạo còn có thể chấm mút chút đỉnh chứ chưa có thể phát triển ra lề lối kinh doanh phổ biến. Đặc lợi của lãnh tụ hay tay chân thật ra chẳng thầm vào đâu nếu so với mức sống của giới trung lưu tại các nước tự do, nhờ vậy mà họ càng dễ tuyên truyền về nếp sống an bần lạc đạo, về đạo đức cách mạng linh tinh. Riêng tại Việt Nam, sự thể nó còn éo le hơn.

Một xứ độc tài như Việt Nam hay Trung Quốc mà theo kinh tế thị trưởng hay kinh tế tư bản giả hiệu thì đấy là chủ nghĩa tư bản thân tộc ăn bám vào hệ thống tư bản nhà nước và các tập đoàn quốc doanh và mở ra cơ hội tầm tô. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Vũ Hoàng: Nó éo le ở chỗ nào thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tầng lớp lãnh đạo thời trước kêu gọi cả nước cùng hy sinh vì lý tưởng ái quốc là tinh thần độc lập. Nhờ vậy họ lừa được quần chúng u mê và họ còn coi sự lầm than khắc khổ là một đức tính, so với sự thịnh vượng của miền Nam mà họ gọi là "phồn vinh giả tạo".

- Sau khi chiến thắng và có toàn quyền áp dụng lý luận cộng sản về xây dựng xã hội chủ nghĩa thì họ làm quốc gia phá sản và kinh tế khủng hoảng nên mới phải đổi mới, tức là du nhập lý luận tư bản và áp dụng kinh tế thị trường. Nhưng gian ý của chế độ là chỉ chấp nhận tự do kinh tế có chọn lọc mà vẫn giữ độc quyền chính trị nên nay mới rơi vào cái bẫy tầm tô một cách phổ biến. Chuyện éo le là họ không thể vận dụng tinh thần độc lập và ái quốc như xưa. Vì nói đến ái quốc hay độc lập là cả nước nghĩ đến mối nguy Trung Quốc tức là điều đang bị tuyệt đối cấm kỵ.

- Lãnh đạo Hà Nội thời nay từ bỏ tinh thần đạo đức cách mạng của thế hệ trước mà vẫn nắm chặt ách độc tài đi cùng quyền quản lý đất đai, kiểm soát thông tin, với hệ thống đàn áp toả rộng. Họ tạo ra môi trường bất thường là nơi mà các phần tử gọi là khôn ngoan của xã hội đều tránh nói đến chính trị mà làm giàu nhờ tác động vào một hệ thống chính trị không ai có quyền phán xét. Đó là những kẻ tầm tô, hợp tác với chế độ để kiếm ăn và là thành phần hữu cơ của bộ máy quyền lực từ Thủ tướng trở xuống. Và họ đang làm chính sách kinh tế quốc dân cho quyền lợi riêng.

 

Việt Nam học được gì? 


000_Hkg8635618-250.jpg
Một tàu vận tải Việt Nam tại cảng Hải Phòng hôm 27/5/2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Thưa ông, hình như trường hợp của Trung Quốc cũng như vậy, có phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc là nơi xuất phát khá nhiều gương xấu cho Việt Nam!

- Lãnh đạo của họ cũng khoác áo đạo đức mà con cháu đều nắm giữ vị trí then chốt về kinh tế và kinh doanh và dùng vị trí ấy lũng đoạn thượng tầng. Hậu quả là tình trạng mà kinh tế học gọi là "ỷ thế làm liều", nôm na là bất kể đến rủi ro vì tin là có thể làm lệch phép nước cho tư lợi.

- Nhờ cái thế chính trị quá lớn như vậy, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nhưng thảm kịch ở đây khiến mọi người cùng chết là quảng đại quần chúng ở dưới khó kinh doanh hay cạnh tranh trong cảnh bất cân xứng như vậy. Cho nên, muốn thoát nghèo khốn thì phải chạy theo ảo vọng một vốn bốn lời và cũng lại cầm cố tài sản đi vay tiền đánh bạc bên các đại gia. Họ đi vay và trả lãi rất cao vì tin rằng kiếm lời còn cao hơn nữa nên đang bị rủi ro rất nặng khi cả kiến trúc bất thường này sụp đô. Vì vậy, các trung tâm thông tin và thẩm định của quốc tế mới nói đến nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Một cách ngắn gọn vì thời lượng có hạn của chương trình, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta biết rằng quốc tế nói ra những gì về những nguy cơ đó.  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tập đoàn Fitch chuyên về thẩm định rủi ro tài chính vừa báo động là từ năm năm qua, khối tín dụng tại Trung Quốc đã tăng từ chín ngàn lên 23 ngàn tỷ đô la, là mức cực lớn nếu so với con số lạc quan nhất về sản lượng kinh tế của xứ này là khoảng tám ngàn tỷ.

Nhờ cái thế chính trị quá lớn, những kẻ tầm tô tại Việt Nam và Trung Quốc đều làm giàu rất nhanh, được dư luận quốc tế ngơi ca là đại gia, là tỷ phú. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Nói đến tín dụng là nói đến vay tiền mà có vay thì phải có trả. Mối nguy là do hệ thống tài chính và ngân hàng mờ ảo của họ, nhiều khoản tài trợ lại nằm ngoài lĩnh vực ngân hàng gọi là "shadow banking", thiếu sổ sách rõ ràng và trút vào hình thái kinh doanh đầy rủi ro của nào là tư nhân, nào là công ty đầu tư của các địa phương hay các quỹ quản lý tài sản, nôm na là quỹ đầu cơ. Vì ỷ thế làm liều, người ta đã vay tiền đầu cơ và chất lên một núi nợ cao gấp đôi sản lượng kinh tế quốc dân. Khi núi nợ sụp đổ mà chắc chắn là phải sụp, chúng ta sẽ thấy sự phá sản dây chuyền còn kinh hoàng hơn những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ năm năm về trước. Một chỉ dấu tiên báo là hôm Thứ Sáu 14 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc thất bại khi bán công khố phiếu dưới chỉ tiêu về số lượng và với phân lời cao hơn. Nghĩa là các thị trường tài chính đã bắt đầy hoài nghi về Trung Quốc.

- Tại Việt Nam thì đã đành là tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn mà tranh chấp chính trị giữa các thế lực "tầm tô" đang làm chính quyền bị tê liệt. Ngày xưa, người ta cứ nói đến tinh thần "tầm sư học đạo", ngày nay, chính quyền mới nêu gương về cái đạo ăn cắp bằng lối tầm tô và nay mới bó tay chờ cơn khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


Chia sẻ
In trang này

Thứ Ba, tháng 6 18, 2013

Siêu Cường Gian Nan



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130617
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ Đắn Đo Bên Thềm Syria

 * Hãy giúp dân Syria *


Sau nhiều ngần ngại, Chính quyền Barack Obama tiến thêm một bước vào mé bờ Syria. Bên kia là mớ bòng bong chết người....  

Từ cuối Tháng Tư, hai đồng minh Anh Pháp mở chiến dịch giải thích rằng vì chế độ Bashar al-Assad đã sử dụng võ khí hóa học trong trận nội chiến tại Syria nên Hoa Kỳ phải có biện pháp. Obama thận trọng vạch ra lằn ranh mờ ảo, rằng Hoa Kỳ sẽ có phản ứng nếu quả thật al-Assad đã dùng võ khí hóa học thuộc loại tàn sát. Nhưng Ngũ giác đài phải nghiên cứu trước khi xác nhận.

Hôm 13 vừa qua, khi Toà Bạch Cung xác nhận chuyện ấy thì báo chí Âu Châu loan tin: "Hoa Kỳ đổi ý và có thể can thiệp vào Syria". Y như tại Iraq rồi Lybia, các đồng minh Âu Châu đều viện dẫn lý tưởng nhân đạo và quyền ra quân để cứu người hoạn nạn mà yêu cầu nước Mỹ hành động. Khái niệm "quyền lực mềm" của Âu Châu là vận dụng quyền lực cứng của Mỹ và tự giành lấy quyền phê bình về lẽ thành bại sau này.

Đấy là bối cảnh của thượng đỉnh G-8 tuần này ở Lough Erne thuộc Bắc Ái Nhĩ Lan khi các đồng minh của Mỹ gặp lãnh tụ Vladimir Putin của Liên bang Nga, một cường quốc bảo trợ cho chế độ độc tài Syria. Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ trong những khó khăn lớn của siêu cường Hoa Kỳ.



***


Trước hết, về lời "xác nhận" của Hành pháp Mỹ hôm 13.

Phụ tá Cố vấn An ninh xác nhận rằng chế độ al-Assad bước qua lằn ranh đỏ khi dùng chất độc "sarin" khiến hơn trăm người thiệt mạng. Vì vậy, Hoa Kỳ phải tính đến việc trang bị võ khí cho các lực lượng nổi dậy ở Syria, nhưng sau khi phối hợp với các đồng minh. Võ khí cỡ nào - trọng pháo, súng phòng không, hỏa tiễn cầm tay? - cho những ai, và phối hợp thế nào với đồng minh là một lộ trình quân sự, chính trị và ngoại giao hàm ý răn đe.

Rắc rối hơn vậy lại còn có cuộc tranh luận trong nội tình nước Mỹ.

Từ xu hướng can thiệp quốc tế của cánh tả, nguyên Tổng thống Bill Clinton chê  Obama là "nhão nhẹt" khi lần lữa không quyết định về hồ sơ Syria. Từ phe diều hâu, Nghị sĩ John McCain đồng ý rằng Hoa Kỳ phải trang bị võ khí hạng nặng cho các lực lượng chống al-Assad. Trong khi ấy, phe phản chiến bên cánh tả và tự cô lập bên cánh hữu lại cản trở hoặc đòi hỏi xác định rõ mục tiêu và quyền lợi của Hoa Kỳ.

Sau gần ba năm nội chiến và hơn 93 ngàn thương vong, chuyện chiến-hòa về Syria lại gây tranh luận trên chính trường Hoa Kỳ. Là đế quốc có quan điểm lạnh lùng về quyền lợi, Hoa Kỳ cũng là nền dân chủ phải trọng ý dân. Mà dân Mỹ đầy từ tâm thì khó chấp nhận được tình trạng bất công hay bất nhẫn ở nơi khác.

Nhưng mọi người đều có quyền đổi ý khi định chế đáng tin nhất hiện nay là quân đội phải nhảy vào bão lửa mà không nên việc. Nhìn sâu hơn vào mớ bòng bong Syria, người ta thông cảm với sự ngần ngại của Chính quyền Obama trong mấy tháng tới. 



***



Hệ thống quân báo Hoa Kỳ không thể không biết việc võ khí hóa học đã xuất hiện tại Syria, như tình báo Anh-Pháp tiết lộ trước đó. Chuyện xác nhận hay không chỉ là quyết định chính trị.

Yếu tố chiến lược hơn thế là tình hình quân sự ở tại chỗ. Thứ nhất, lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ và các nhóm tác chiến thuộc hệ phái Shia đột nhập từ Iraq đã vào bảo vệ chế độ độc tài theo hệ phái thiểu số Alawite của al-Assad. Thứ hai, chế độ được Liên bang Nga bênh vực trên diễn đàn ngoại giao và còn tiếp tế võ khí, kể cả hỏa tiễn S-300. Nhờ đó, phe ủng hộ al-Assad đã có thể phản công và kiểm soát được al-Qusayr và Homs để có thể vượt qua Maaret al-Numan và khuất phục Aleppo, thành trì của phe nổi dậy ở phía Bắc.

Giao tranh mà bùng nổ thì thường dân sẽ bị tàn sát, nạn dân túa chạy qua xứ lân bang, bên trong có các nhóm võ trang của quân khủng bố xưng danh Thánh Chiến, như phe Salafist hay Jabhat al-Nusra và cả Al-Qaeda tại Iraq....

Nhưng phe ủng hộ al-Assad không dễ khuất phục Aleppo. Nếu trải mỏng phương tiện thì khó bảo vệ được hậu cứ tại thủ đô Damascus và tỉnh Homs. Nếu mũi công tại Aleppo bị bẽ gẫy vì một lệnh cấm bay, chế độ al-Assad có thể bị tổn thất nặng. Vì thế mà từ Quốc hội mới có lời yêu cầu Obama ra quyết định cấm bay trên vòm trời Aleppo và trang bị võ khí cho phe nổi dậy trong trận nội chiến Syria.

Nhưng "nội chiến Syria" chỉ là tấm ảnh của bộ phim trường thiên và quốc tế.

Syria là vùng xung đột giữa đa số Sunni và phe Alawite thiểu số của al-Assad, mà cũng là chiến trường của hai cường quốc trong khu vực là Iran theo hệ phái Shia và Saudi Arabia thuộc một nhánh của hệ phái Sunni. Ở vòng ngoài, đấy là đấu trường giữa Turkey và Iran, giữa Iran và Hoa Kỳ, và giữa Hoa Kỳ với Liên bang Nga. Ngoài ra, còn xứ Jordan đồng minh đang yêu cầu Mỹ nhập cuộc để khỏi bị văng miểng từ Syria ở phía Bắc và Israel thì phải canh chừng ngần ấy lực lượng võ trang bạn và thù cùa chế độ al-Assad có thể đe dọa an ninh của mình.

Điểm danh thì ít ra có bảy nước Iran, Saudi, Turkey, Israel, Jordan, Nga và Mỹ cùng ngó vào canh bạc Syria.

Trường vốn và giàu kinh nghiệm xương máu nhất với hồ sơ Hồi giáo từ hai chục năm qua, Hoa Kỳ có thể khôn ngoan đứng ngoài. Cứ để các phe phái thanh toán lẫn nhau trong trạng thái quân bình bất ổn, khi ngần ấy phe đều cầu cạnh hoặc lo ngại Hoa Kỳ. Đấy có thể là một giải pháp lý tưởng về quyền lợi. Nhưng lý tưởng về đạo tắc – nguyên tắc đạo lý – lại khác!

Một siêu cường xưa nay đề cao giá trị đạo đức của nhân loại thì không thể thờ ơ trước nạn tàn sát thường dân. "Cứu người lâm nạn" trở thành nhu cầu được Âu Châu cổ xuý và nhiều người ủng hộ trong nội các Obama.

Năm xưa, có bốn vị nữ lưu đã chủ trương can thiệp vào Libya. Đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton nay đã về hưu (và sẽ tái xuất hiện); Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Susan Rice (nay sẽ là Cố vấn An ninh Quốc gia); Samantha Power trong Hội đồng An ninh Quốc gia nay sẽ thay bà Rice làm Đại sứ; và Gayle Smith, nay sẽ là nhân vật thân tín của Cố vấn Rice. Bốn tiếng nói đó đã vượt qua sự dè dặt của bộ Quốc phòng và bị phe phản chiến kết án là hiếu chiến và có tinh thần đế quốc, nhưng họ lại đồng ý với phe bảo thủ bên cánh hữu.

Nhìn từ bên ngoài, vì chuyện Libya, Hoa Kỳ mang họa về vụ tàn sát Benghazi với hậu quả là Đại sứ Suzan Rice phải ra nói xạo cho Chính quyền - mà nay lại thành Cố vấn An ninh Quốc gia.

Bây giờ, ta theo dõi xem Hoa Kỳ luồn lách ra sao với bài toán Syria. Có lẽ Obama thông cảm nỗi vất vả của vị tiền nhiệm. George W. Bush ra tranh cử với chủ trương khiêm cung về đối ngoại và cố tránh can thiệp để "xây dựng quốc gia" cho xứ khác mà rốt cuộc lâm nạn tại Iraq.

Gian nan lại tái diễn!

_________________________
 

Chỉ Có Tại Hoa Kỳ

Một học sinh lên tám bị đuổi học rồi được tuyên dương. Cậu bé Josh Welch bị trường cho nghỉ vì tội cạp cái bánh Pop-Tart ra cái hình của khẩu súng. Không hiểu tại sao bị phạt, mà đấy cũng chẳng là một cách "phát biểu quan điểm chính trị", cậu còn ngạc nhiên hơn khi được hội NRA vinh danh với quyền làm hội viên mãn đời. Hả hê nhận giải trong tiếng vỗ tay vang rân, cậu Josh mới biết NRA là hội bảo vệ quyền mang súng tại Hoa Kỳ. Hội viên trẻ tuổi nhất lịch sử NRA.