Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130629
Thị Trường Thăng Giáng - Chính Trường Loay Hoay
* Mới chỉ là "vài món ăn chơi"... *
Thị trường tài chánh Trung Quốc vừa gặp một mùa Hè đỏ lửa. Phản ứng lật
đật đầy mâu thuẫn của Bắc Kinh khiến chúng ta phải nhìn sâu hơn vào tiến trình
quyết định chính trị của đảng....
Trung Quốc vừa bị nạn ách tắc tín
dụng khi ngân hàng thiếu thanh khoản và lãi suất tăng vọt. Ngày 18 Tháng Sáu,
Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Khắc Cường lên giọng cả quyết, rằng hệ thống ngân
hàng đừng mong nhà nước bơm tiền cấp cứu để lại duy trì thói cũ. Kết quả là một
vụ chấn động làm cổ phiếu sụt giá và thị trường toàn cầu rung chuyển. Một tuần
sau, ngày 25 Tháng Sáu, Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh đổi giọng và trấn an. Lãi
suất liên ngân hàng liền giảm hai phần ba, trung bình từ 20% xuống còn 6%, và
chứng khoán Trung Quốc bớt đà tuột dốc. Dù lãi suất các ngân hàng vay nhau khi
thiếu thanh khoản có giảm thì hiện vẫn quá cao, và sự ổn định ngắn hạn vẫn là bất
trắc.
Về dài hạn, núi nợ ngất trời của
hệ thống tín dụng là quả bom nổ chậm trên một cỗ xe ở đầu dốc. Từ nay đến đó,
ta có dịp tìm hiểu thêm về kinh tế chính trị học theo định hướng Bắc Kinh....
Hơi rắc rối nhưng mà cần thiết.
***
Trước hết, về kinh tế nói chung, thì
sinh hoạt sản xuất và tiêu thụ vẫn bị các chu kỳ thăng giáng, lên xuống.
Khi kinh tế suy trầm, tín dụng giảm
sút khiến loại doanh nghiệp yếu kém có thể phá sản và gây thất nghiệp. Nếu là
suy trầm ngắn hạn thì doanh nghiệp yếu kém bị đào thải, doanh nghiệp lành mạnh
có thêm cơ hội chấn chỉnh và bành trướng. Nhưng nếu suy trầm kéo dài thì toàn bộ
cơ cấu sản xuất bị ảnh hưởng để dẫn đến sự hình thành của một hệ thống khác.
Muốn thu hẹp chu kỳ suy trầm, và
giảm thiểu hậu quả bất lợi cho kinh tế và xã hội, người ta có biện pháp kích thích
ngắn hạn, được gọi là "phản chu kỳ". Nhưng biện pháp mà thiếu công hiệu
thì kéo dài nạn suy trầm và gây "hậu quả bất lường", không tính trước,
cho hệ thống sản xuất mới.
Bây giờ, về kinh tế Trung Quốc.
Sau gần chục năm tăng trưởng ngoạn
mục, nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 đã thu hẹp thị trường xuất cảng và đe dọa
các doanh nghiệp có mức lời quá thấp nên lãnh đạo Bắc Kinh áp dụng biện pháp phản
chu kỳ là bơm tiền kích thích kinh tế. Muốn hiểu ra hậu quả bất lường, hay liều
thuốc đổ bệnh, của biện pháp kích thích thì ta phải nhìn sâu vào kinh tế chính
trị học của Trung Quốc.
Đầu tiên là địa dư hình thể xứ này
đã phân đôi kinh tế - xin tạm chia làm hai thôi, cho dễ hiểu – là 1) các tỉnh
duyên hải tương đối trù phú nhờ giao tiếp với bên ngoài và đã phần nào kỹ nghệ
hoá và 2) các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa và kiếm ăn nhờ cung cấp lao động
và làm gia công cho các tỉnh miền Đông. Trải qua 30 năm cải cách từ 1979, chiến
lược xuất cảng đã đào sâu dị biệt địa phương và gây ra các bài toán trong/ngoài,
đô thị hóa, công nghiệp hoá và bất công xã hội, v.v....
Khi toàn cầu bị Tổng suy trầm, từ
Tháng 11 2008 lãnh đạo Bắc Kinh phải ráo riết bơm tiền kích thích kinh tế. Nhưng
bơm vào đâu là vấn đề kinh tế chính trị học. Với nhiều biểu hiện khác nhau.
Nhu cầu phát triển các tỉnh bên
trong để san bằng dị biệt địa phương là một đòi hỏi trường kỳ, được đặt ra từ hơn
hai chục năm trước, mà chưa có kết quả, một phần vì hiệu suất đầu tư quá thấp của
một khu vực lạc hậu bao trùm lên hơn hai phần ba lãnh thổ. Và là nơi sinh sống
của 900 triệu người. Trong khi ấy, nhu cầu trước mắt là tạo thêm công ăn việc làm
và nâng cao giá trị xuất cảng của các tỉnh duyên hải. Tức là nạn Tổng suy trầm đòi
hỏi biện pháp kích thích đi ngược chủ trương tái phối trí phương tiện từ bên
ngoài vào trong, chủ trương xin tạm gọi là "tái cơ cấu". Đấy là biểu
hiện thứ nhất và là bối cảnh của cuộc tranh luận về ưu tiên là tăng trưởng hay
là cải tổ cơ chế.
Biểu hiện thứ hai của vấn đề kinh
tế chính trị học nằm trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc.
Khi lãnh đạo ào ạt mở vòi tín dụng
để kích thích sản xuất, hệ thống "tiêu tưới" đã trước tiên dẫn nước vào
ba khu vực: 1) các tập đoàn kinh tế nhà nước, 2) các địa phương, và 3) các đại
gia có thế lực đưa tiền vào những nơi có mức lời cao nhất. Nôm na là đầu cơ.
Khu vực thứ nhất gây ra nạn sản xuất dư thừa, khu vực thứ hai gây ra tình trạng
địa phương mắc nợ khi xây dựng hạ tầng ế ẩm vắng khách và khu vực thứ ba lại thổi
lên bong bónh đầu cơ địa ốc. Trong khi ấy, các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của
tư doanh theo nhau phá sản như thửa ruộng hạn hán vì ở quá xa vòi bơm công cộng.
Cơ cấu chính trị Trung Quốc gây úng
thủy ở trung tâm quyền lực và chính trị và nạn hạn hán ở vòng ngoại vi, của thường
dân. Nghĩa là biện pháp kích thích kinh tế lại đào sâu bất công xã hội.
Biểu hiện thứ ba của vấn đề kinh
tế chính trị học nằm trong hệ thống ngân hàng.
Vì tiền nhiều và rẻ được các ngân
hàng của nhà nước cung cấp theo diện chính sách – bất kể rủi ro – cho các khu vực
có khả năng sinh lời thấp, người ta phát huy sáng tạo mà đưa tiền vào nơi có yêu
cầu cao hơn, chịu trả lãi suất đắt hơn và điều kiện tài trợ mơ hồ hơn. Hậu quả
là tay chân của nhà nước dùng tiền của nhà nước đi đánh bạc trong khu vực
"ngoài ngân hàng", thiếu sổ sách minh bạch mà đầy rủi ro. Đó là cái họa
của "shadow banking" khiến Hội đồng Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cương
ban hành thông tư rất cương cường hôm 18, là đừng mong nhà nước tung tiền cấp cứu
để lại duy trì thói tật cho vay đầy bất cẩn.....
Chi tiết sau cùng và cần thiết để
thấy ra kích thước vĩ đại của liều thuốc đổ bệnh: năm năm qua, lượng tín dụng bơm
ra đã tăng từ chín ngàn tỷ đô la lên tới 23 ngàn tỷ, cho một nền kinh tế chỉ có
sản lượng là hơn tám ngàn tỷ. Trung Quốc có núi nợ cao bằng núi Thái Sơn.
Những ai được cấp tín dụng – đi
vay để thành khách nợ - theo kiểu phi thường này?
Danh sách là một chuỗi đằng đẵng
những kén nợ đan kết vào nhau: doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, các công ty đầu
tư do đảng bộ địa phương lập ra để vay tiền ngân hàng, các đại gia có thế lực đánh
bạc trên thị trường đầu cơ, các công ty "quản lý tài phú" (wealth
management) có quan hệ tốt đã vay tiền ngân hàng để tung vào nơi có mức lời cao
hơn, và các tiểu doanh nghiệp cũng hộ gia đình phải vay lãi cắt cổ trên thị trường
tín dụng đen, v.v....
Không ai biết là loại nợ không
sinh lời, khó đòi và sẽ mất, chiếm tỷ lệ ung thối đến cỡ nào bên trong các kén
nợ này. Con số chính thức 1% là một hài kịch hơi vô duyên. Các tổ chức đầu tư
quốc tế ước lượng là phải từ 10 đến 20%. Nghĩa là mấy ngàn tỷ đô la.
Chúng ta chỉ có thể biết khi nhà
cái mở bát!
Bây giờ ta mới trở lại câu hỏi đầu
tiên: vì sao lãnh đạo Bắc Kinh lại có phản ứng lật đật và đầy mâu thuẫn trong mấy
tuần qua?
***
Giải thích hiện tượng này, một số
bình luận gia nêu ra giả thuyết lạc quan.
Rằng nạn ách tắc tín dụng –
credit squeeze - chỉ là hậu quả bất ngờ của vài số biến cố ngắn hạn. Thí dụ như
các doanh nghiệp đến kỳ trả thuế từ cuối Tháng Năm, các ngân hàng đến kỳ chấn
chỉnh sổ sách (đòi lại nợ) để xoè ra mức lời an toàn hơn trong báo cáo phải nộp
vào Tháng Sáu, hoặc dân chúng rút tiền mặt trước khi ngân hàng nghỉ lễ Đoan Ngọ
trong ba ngày, v.v.... Nghĩa là sau mấy tuần trồi sụt không đều, sóng gió sẽ
qua đi.
Một giả thuyết ác liệt hơn cũng
được nói tới.
Đó là Ngân hàng Trung ương của Bắc
Kinh cố tình gây ra sự khan hiếm tín dụng để truy lùng kẻ phạm pháp trong hệ thống
tài trợ ngoài ngân hàng, nhằm đánh vào các đại gia của mạng lưới shadow
banking. Định chế này sở dĩ dám làm việc táo tợn là do chỉ thị của Quốc vụ viện,
thậm chí của Bộ Chính trị. Nói cách khác, đấy là một tín hiệu từ lãnh đạo, rằng
các ngân hàng phải chấm dứt lề lối kinh doanh bất cẩn và thổi lên bong bóng đầu
cơ.
Giả thuyết này có vẻ hợp lý nếu
ta nhớ đến thông tư hôm 18 của Nội các Lý Khắc Cường: 1) tiếp tục cải cách theo
quy luật thị trường, 2) cho dù có thể gặp mức tăng trưởng thấp hơn; 2) nên sẽ có
chính sách tiền tệ thận trọng, nghĩa là sẽ chẳng tiếp tục bơm tiền cấp cứu.
Nhưng sự thật có khi lại đơn giản
hơn những lý luận uyên bác và rắc rối đó: Lãnh đạo Bắc Kinh gặp chuyện bất thường
mà chẳng phải bất ngờ.
Bất thường là ngân hàng thiếu
thanh khoản, mà không bất ngờ vì những nhược điểm lưu cữu trong hệ thống kinh tế
tài chánh và ngân hàng. Khi bị thị trường giáng cho một đòn như vậy thì chính
trường choáng váng và loay hoay xoay trở. Rồi sự mờ ám của hệ thống ngân hàng lẫn
mờ ảo của hệ thống thông tin khiến lãnh đạo gây thêm nhiễu âm làm các nhà bình
luận bị lạc quẻ.
Sự thật đơn giản là các thế hệ lãnh
đạo thứ ba và thứ tư đều ý thức được nhu cầu phát triển khu vực nội địa mà không
thành công. Vụ Tổng suy trầm 2008-2009 còn cản trở việc cải cách để ra khỏi trạng
thái "bốn không": không cân đối, không phối hợp, không công bằng nên
không bền vững. Vừa chính thức cầm quyền từ Tháng Ba, thế hệ thứ năm (thế hệ
"Tập-Lý") phải tiến hành việc chuyển hướng đó.
Họ trù tính trình bày kế hoạch cải
tổ cơ chế sau Hội nghị kỳ ba của Ban chấp hành Trung ương Khóa 17, sẽ được triệu
tập vào mấy tháng tới. Đấy là một yêu cầu chiến lược của Bộ Chính trị.
Trong hoàn cảnh nhạy cảm này, Bộ
Chính trị khó ra lệnh cho Hội đồng Chính phủ, thậm chí một cấp bộ thấp hơn vậy
là Ngân hàng Trung ương, mở chiến dịch càn quét hệ thống ngân hàng chui và gây
thêm bất ổn hay hốt hoảng cho thị trường.
Nói cách khác, những biến động tài
chánh vừa qua không xuất phát từ một quyết định chủ động của lãnh đạo trong
tinh thần răn đe hoặc thanh trừng các ngân hàng hay doanh nghiệp bê bối, mà chỉ
là sự lụp chụp ứng phó ở cấp dưới khi gặp sự biến.
Nhìn trong trung hạn, từ hai đến
năm năm tới, lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải tiến hành cải cách trong tinh thần "chuyển
lượng thành phẩm". Nội dung sẽ là cải sửa từ cơ chế kinh tế lên tới chính
trị. Từ đầu máy của đầu tư và tín dụng phải lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy; từ
việc tái phối trí ưu tiên trong ngoài đến quyền lực trên dưới (giữa trung ương
với các tỉnh); từ chế độ hộ khẩu đến kế hoạch đô thị hóa, v.v....
Họ còn phải trấn áp được sự cưỡng
chống của các nhóm lợi ích để cải cách, khi núi nợ lại đến kỳ sụp đổ. Khi lãnh đạp
cải cách theo kiểu xe đạp quẹo cua thì kinh tế không thể đạt mức tăng trưởng
cao như xưa, mà còn thấp hơn giả thuyết bi quan là 7% của hiện tượng "hạ cánh
nặng nề". Tức là trong nhiều năm tới, đà sản xuất sẽ suy trầm, có được 5%
một năm là mừng.
Khi kinh tế suy trầm thì các
doanh nghiệp bấp bênh sẽ chìm trong núi nợ và phá sản. Khủng hoảng tài chánh bùng
nổ càng đẩy kinh tế từ suy trầm (recession) xuống suy thoái (depression). Nhật
Bản đã từng bị như vậy từ năm 1991 mà chưa hồi phục. Trung Quốc cũng sẽ không
khác.
Cái khác là nước Nhật có hệ thống
chính trị dân chủ. Trung Quốc thì không!
Xăng dầu thế giới không tăng giá vẫn 97usd/thùng như mấy tuần nay, thậm chí có lúc giảm về 93usd/thùng, nhưng chúng đang quá túng tiền đành phải xén lông cù bằng cách Tăng giá xăng dầu thêm 400 đổng mỗi lít. Hehehe, tuyệt.
Trả lờiXóa