Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 130617
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Hoa Kỳ Đắn Đo Bên Thềm Syria
* Hãy giúp dân Syria *
Sau nhiều ngần ngại, Chính quyền Barack Obama tiến thêm một bước vào mé
bờ Syria. Bên kia là mớ bòng bong chết người....
Từ cuối Tháng Tư, hai đồng
minh Anh Pháp mở chiến dịch giải thích rằng vì chế độ Bashar al-Assad đã sử dụng
võ khí hóa học trong trận nội chiến tại Syria nên Hoa Kỳ phải có biện pháp. Obama
thận trọng vạch ra lằn ranh mờ ảo, rằng Hoa Kỳ sẽ có phản ứng nếu quả thật al-Assad
đã dùng võ khí hóa học thuộc loại tàn sát. Nhưng Ngũ giác đài phải nghiên cứu
trước khi xác nhận.
Hôm 13 vừa qua, khi Toà Bạch
Cung xác nhận chuyện ấy thì báo chí Âu Châu loan tin: "Hoa Kỳ đổi ý và có
thể can thiệp vào Syria". Y như tại Iraq rồi Lybia, các đồng minh Âu Châu đều
viện dẫn lý tưởng nhân đạo và quyền ra quân để cứu người hoạn nạn mà yêu cầu nước
Mỹ hành động. Khái niệm "quyền lực mềm" của Âu Châu là vận dụng quyền
lực cứng của Mỹ và tự giành lấy quyền phê bình về lẽ thành bại sau này.
Đấy là bối cảnh của thượng đỉnh
G-8 tuần này ở Lough Erne thuộc Bắc Ái Nhĩ Lan khi các đồng minh của Mỹ gặp lãnh
tụ Vladimir Putin của Liên bang Nga, một cường quốc bảo trợ cho chế độ độc tài Syria.
Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ trong những khó khăn lớn của siêu cường Hoa Kỳ.
***
Trước hết, về lời "xác nhận"
của Hành pháp Mỹ hôm 13.
Phụ tá Cố vấn An ninh xác nhận
rằng chế độ al-Assad bước qua lằn ranh đỏ khi dùng chất độc "sarin"
khiến hơn trăm người thiệt mạng. Vì vậy, Hoa Kỳ phải tính đến việc trang bị võ
khí cho các lực lượng nổi dậy ở Syria, nhưng sau khi phối hợp với các đồng
minh. Võ khí cỡ nào - trọng pháo, súng phòng không, hỏa tiễn cầm tay? - cho những
ai, và phối hợp thế nào với đồng minh là một lộ trình quân sự, chính trị và ngoại
giao hàm ý răn đe.
Rắc rối hơn vậy lại còn có cuộc
tranh luận trong nội tình nước Mỹ.
Từ xu hướng can thiệp quốc tế
của cánh tả, nguyên Tổng thống Bill Clinton chê
Obama là "nhão nhẹt" khi lần lữa không quyết định về hồ sơ
Syria. Từ phe diều hâu, Nghị sĩ John McCain đồng ý rằng Hoa Kỳ phải trang bị võ
khí hạng nặng cho các lực lượng chống al-Assad. Trong khi ấy, phe phản chiến bên
cánh tả và tự cô lập bên cánh hữu lại cản trở hoặc đòi hỏi xác định rõ mục tiêu
và quyền lợi của Hoa Kỳ.
Sau gần ba năm nội chiến và hơn
93 ngàn thương vong, chuyện chiến-hòa về Syria lại gây tranh luận trên chính
trường Hoa Kỳ. Là đế quốc có quan điểm lạnh lùng về quyền lợi, Hoa Kỳ cũng là nền
dân chủ phải trọng ý dân. Mà dân Mỹ đầy từ tâm thì khó chấp nhận được tình trạng
bất công hay bất nhẫn ở nơi khác.
Nhưng mọi người đều có quyền đổi
ý khi định chế đáng tin nhất hiện nay là quân đội phải nhảy vào bão lửa mà không
nên việc. Nhìn sâu hơn vào mớ bòng bong Syria, người ta thông cảm với sự ngần
ngại của Chính quyền Obama trong mấy tháng tới.
***
Hệ thống quân báo Hoa Kỳ không
thể không biết việc võ khí hóa học đã xuất hiện tại Syria, như tình báo Anh-Pháp
tiết lộ trước đó. Chuyện xác nhận hay không chỉ là quyết định chính trị.
Yếu tố chiến lược hơn thế là tình
hình quân sự ở tại chỗ. Thứ nhất, lực lượng Hezbollah do Iran yểm trợ và các nhóm
tác chiến thuộc hệ phái Shia đột nhập từ Iraq đã vào bảo vệ chế độ độc tài theo
hệ phái thiểu số Alawite của al-Assad. Thứ hai, chế độ được Liên bang Nga bênh
vực trên diễn đàn ngoại giao và còn tiếp tế võ khí, kể cả hỏa tiễn S-300. Nhờ đó,
phe ủng hộ al-Assad đã có thể phản công và kiểm soát được al-Qusayr và Homs để
có thể vượt qua Maaret al-Numan và khuất phục Aleppo, thành trì của phe nổi dậy
ở phía Bắc.
Giao tranh mà bùng nổ thì thường
dân sẽ bị tàn sát, nạn dân túa chạy qua xứ lân bang, bên trong có các nhóm võ
trang của quân khủng bố xưng danh Thánh Chiến, như phe Salafist hay Jabhat
al-Nusra và cả Al-Qaeda tại Iraq....
Nhưng phe ủng hộ al-Assad không
dễ khuất phục Aleppo. Nếu trải mỏng phương tiện thì khó bảo vệ được hậu cứ tại
thủ đô Damascus và tỉnh Homs. Nếu mũi công tại Aleppo bị bẽ gẫy vì một lệnh cấm
bay, chế độ al-Assad có thể bị tổn thất nặng. Vì thế mà từ Quốc hội mới có lời yêu
cầu Obama ra quyết định cấm bay trên vòm trời Aleppo và trang bị võ khí cho phe
nổi dậy trong trận nội chiến Syria.
Nhưng "nội chiến
Syria" chỉ là tấm ảnh của bộ phim trường thiên và quốc tế.
Syria là vùng xung đột giữa đa
số Sunni và phe Alawite thiểu số của al-Assad, mà cũng là chiến trường của hai
cường quốc trong khu vực là Iran theo hệ phái Shia và Saudi Arabia thuộc một nhánh
của hệ phái Sunni. Ở vòng ngoài, đấy là đấu trường giữa Turkey và Iran, giữa
Iran và Hoa Kỳ, và giữa Hoa Kỳ với Liên bang Nga. Ngoài ra, còn xứ Jordan đồng
minh đang yêu cầu Mỹ nhập cuộc để khỏi bị văng miểng từ Syria ở phía Bắc và
Israel thì phải canh chừng ngần ấy lực lượng võ trang bạn và thù cùa chế độ
al-Assad có thể đe dọa an ninh của mình.
Điểm danh thì ít ra có bảy nước
Iran, Saudi, Turkey, Israel, Jordan, Nga và Mỹ cùng ngó vào canh bạc Syria.
Trường vốn và giàu kinh nghiệm
xương máu nhất với hồ sơ Hồi giáo từ hai chục năm qua, Hoa Kỳ có thể khôn ngoan
đứng ngoài. Cứ để các phe phái thanh toán lẫn nhau trong trạng thái quân bình bất
ổn, khi ngần ấy phe đều cầu cạnh hoặc lo ngại Hoa Kỳ. Đấy có thể là một giải pháp
lý tưởng về quyền lợi. Nhưng lý tưởng về đạo tắc – nguyên tắc đạo lý – lại khác!
Một siêu cường xưa nay đề cao
giá trị đạo đức của nhân loại thì không thể thờ ơ trước nạn tàn sát thường dân.
"Cứu người lâm nạn" trở thành nhu cầu được Âu Châu cổ xuý và nhiều
người ủng hộ trong nội các Obama.
Năm xưa, có bốn vị nữ lưu đã
chủ trương can thiệp vào Libya. Đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton nay đã về hưu
(và sẽ tái xuất hiện); Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Susan Rice (nay sẽ là Cố
vấn An ninh Quốc gia); Samantha Power trong Hội đồng An ninh Quốc gia nay sẽ
thay bà Rice làm Đại sứ; và Gayle Smith, nay sẽ là nhân vật thân tín của Cố vấn
Rice. Bốn tiếng nói đó đã vượt qua sự dè dặt của bộ Quốc phòng và bị phe phản
chiến kết án là hiếu chiến và có tinh thần đế quốc, nhưng họ lại đồng ý với phe
bảo thủ bên cánh hữu.
Nhìn từ bên ngoài, vì chuyện
Libya, Hoa Kỳ mang họa về vụ tàn sát Benghazi với hậu quả là Đại sứ Suzan Rice phải
ra nói xạo cho Chính quyền - mà nay lại thành Cố vấn An ninh Quốc gia.
Bây giờ, ta theo dõi xem Hoa Kỳ
luồn lách ra sao với bài toán Syria. Có lẽ Obama thông cảm nỗi vất vả của vị tiền
nhiệm. George W. Bush ra tranh cử với chủ trương khiêm cung về đối ngoại và cố tránh can thiệp để "xây
dựng quốc gia" cho xứ khác mà rốt cuộc lâm nạn tại Iraq.
Gian nan lại tái diễn!
_________________________
Chỉ Có Tại Hoa Kỳ
Một học sinh lên tám bị đuổi học rồi được tuyên dương. Cậu bé Josh Welch bị trường cho nghỉ vì tội cạp cái bánh Pop-Tart ra cái hình của khẩu súng. Không hiểu tại sao bị phạt, mà đấy cũng chẳng là một cách "phát biểu quan điểm chính trị", cậu còn ngạc nhiên hơn khi được hội NRA vinh danh với quyền làm hội viên mãn đời. Hả hê nhận giải trong tiếng vỗ tay vang rân, cậu Josh mới biết NRA là hội bảo vệ quyền mang súng tại Hoa Kỳ. Hội viên trẻ tuổi nhất lịch sử NRA.
Sau hai cuoc chien o Iraq va Afghanistan, nguoi dan Hoa Ky khong muon dinh dang them vao mot cuoc chien hao ton nhieu nhan mang va tien bac nhu vay, nen Obama co do du voi chien su cua Syria thi cung de hieu thoi.
Trả lờiXóaHoa Ky khong co quyen loi cot loi o Syria, nhung chuyen le te khac thi da co Israel dai dien. La mot cuong quoc ve ca kinh te lan quan su khong co nghia la Hoa Ky phai dung ra lo moi chuyen tren the gioi. Kinh nghiem voi Iran van con do, lam sao quen!