Thứ Bảy, tháng 6 01, 2013

Có Nên Tin Hoa Kỳ Không?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130601

Nên Lắm, Nếu Là Để Bảo Vệ Quyền Lợi Của Nước Mỹ

 * Máy bay tàng hình không người lái X-47B được bắn thử từ hàng không mẫu hạm George H. W. Bush hôm 14 Tháng Năm * 


Ngày 23 Tháng Năm, trong bài diễn văn tại Đại học Quốc phòng ở Washington, Tổng thống Barack Obama đưa ra một số điều chỉnh về chính sách diệt trừ khủng bố, trong đó có việc sử dụng máy bay tự động (báo chí quen gọi là "drone"). Đến ngày 29, có tin là thủ lãnh số hai của lực lượng khủng bố Taliban bị máy bay tự động của Mỹ hạ sát trong lãnh thổ Pakistan.

Chuyện này gây khó khăn cho Thủ tướng tân cử của Pakistan là Nawaz Sharif khi ông ta chưa nhậm chức và lại còn cản trở nỗ lực hòa giải của ông Sharif với chính quyền Mỹ.

Về bối cảnh, Pakistan là quốc gia bất ổn, thường bị khủng bố, và cố xoay trở giữa các mục tiêu trái ngược: 1) yểm trợ lực lượng Taliban tại Afghanistan để bành trướng ảnh hưởng vào xứ láng giềng này, nhưng phải đối phó với lực lượng Taliban đang đòi tự trị bên trong lãnh thổ Pakistan; 2) là đồng minh và nhận viện trợ của Mỹ, Pakistan có ảnh hưởng với việc Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan vào năm 2014, nhưng lại kết giao với Trung Quốc và nghi ngờ một láng giềng có cừu thù là Ấn Độ; 3) bị suy thoái kinh tế, Pakistan phải chuyển hướng mà vẫn cố phát huy dân chủ và đẩy lui thế lực của các tướng lãnh trong quân đội, v.v....

Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, Pakistan có bầu cử Quốc hội với kết quả là đảng "Pakistan Muslim League-Nawar" của Nawaz Sharif thắng lớn. Thuộc xu hướng trung hữu, ông Sharif chủ trương cải cách kinh tế và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Đảng "Pakistan People's Party" của Tổng thống Asif Ali Zardani thuộc xu hướng trung tả đại bại, chỉ được 30 ghế trong số 342 ghế. Bên cạnh đảng Pakistan Muslim League-Nawar của Nawaz Sharif, có đảng "Pakistan Tehreek-i-Insaf" của một danh tài thể thao trở thành chính khách là Imran Khan, với chủ trương bảo thủ hơn và chống Mỹ còn kịch liệt hơn hai đảng kia.

Trong cuộc tranh cử, cả ba lãnh tụ đều chủ trương đàm phán với quân Taliban tại Pakistan (lực lượng Tekrik-i-Taliban) và nêu cao tinh thần chống Mỹ để kiếm phiếu. Họ kịch liệt đả kích việc Hoa Kỳ đơn phương tấn công quân khủng bố Taliban hay Al Qaeda trong lãnh thổ của mình.

Sau khi đại thắng với đa số tuyệt đối mà khỏi cần liên minh với một đảng nào khác, Nawar Sharif sẽ lên làm Thủ tướng vào tuần tới và là lãnh tụ tương đối hữu nghị nhất với Hoa Kỳ kể từ khi ông bị Tướng Pervez Musharraf đảo chánh vào năm 1998. Nhưng bây giờ, Sharif gặp áp lực từ đảng Pakistan Tehreek-i-Insaf của Imran Khan bên cánh hữu. Đảng này lại chiếm đa số tại tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa (biên giới Tây-Bắc) của sắc dân Pashtun, nơi bị máy bay tự động của Mỹ tấn công nhiều nhất.

Bối cảnh phức tạp đó khiến người ta nêu vấn đề là tại sao Hoa Kỳ lại làm suy yếu vị trí của Nawaz Sharif khi ông này chưa kịp ra mắt nội các?

Chi tiết rắc rối không kém là trong nội bộ tổ chức Tehrik-i-Taliban của lực lượng Taliban ở Pakistan, lãnh tụ số hai có thể vừa bị hạ sát là Wali-ur-Rehman lại có lập trường tương đối ôn hòa hơn thủ lãnh Hakeemullah Mehsud.

Trong nỗ lực hoà giải với Taliban, Nawaz Sharif đã vận động nhiều lãnh tụ Hồi giáo làm trung gian và vừa đạt kết quả đáng kể là được phe Taliban đồng ý mở ra cuộc đối thoại. Bây giờ, một lãnh tụ của họ, tương đối ôn hòa hơn, lại bị giết chết sau khi thủ lãnh sáng lập của họ là Baitullah Mehsud đã bị Mỹ hạ sát vào năm 2009 - cũng bằng máy bay tự động.

Trong bài diễn văn ngày 23, Tổng thống Mỹ đề ra bốn tiêu chuẩn sử dụng máy bay tự động là 1) có mối nguy cận kề; 2) không thể bắt giữ hung thủ, 3) chẳng còn cơ quan nào khác của Hoa Kỳ để giải quyết mối nguy đó và 4) không gây tổn thất cho thường dân. Ba tiêu chuẩn đầu tiên cho thấy nhu cầu hạ sát Wali-ur-Rehman là chính đáng? Có tin được chăng?

Còn hậu quả chính trị? Vì sao lấy một quyết định chiến thuật có thể gây vấn đề chiến lược với tân chính phủ Pakistan?

Câu hỏi ấy trở thành nóng bỏng hơn khi người ta nhớ đến vụ biệt kích Hoa Kỳ hạ sát trùm khủng bố Osaba bin Laden của tổ chức Al Qaeda ngay trong lãnh thổ Pakistan vào đầu Tháng Năm năm 2011. Trong nghiệp vụ này, một bác sĩ Pakistan là Shakil Afridi đã ngầm cộng tác với an ninh Mỹ để truy tìm và xác định tông tích của bin Laden. Vì tội đó mà Afridi bị chính quyền Pakistan bắt giam và truy tố. Khưng sau khi Tổng trưởng Quốc phòng (nguyên Giám đốc CIA có công trong vụ diệt trừ bin Laden ) là Leon Panetta chính thức xác nhận vai trò của Afridi thì coi như đương sự hết đường chạy. Tuần qua, gia đình bác sĩ Afridi than phiền về chuyện đó.

Cũng lại là một nạn nhân vô tình của Hoa Kỳ. Hoặc của sự vô tình rất Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu của Hoa Kỳ mà không lý tới hậu quả cho người khác. Vì vậy mới có câu hỏi rằng có thể tin vào Hoa Kỳ hay chăng. 

Câu hỏi ấy đang là thời sự trong nhiều quốc gia Á Châu khi Hoa Kỳ công bổ việc "chuyển trục về Đông Á".

Khi nghe thấy lãnh đạo nước Mỹ tuyên bố hai năm về trước như vậy, nhiều người ngớ ngẩn hay phục Mỹ vội ngợi ca ngày dân chủ sắp tới cho Việt Nam. Hoặc ngày nước Mỹ sẽ gằn giọng với Trung Quốc và căng dù bảo vệ các nước Đông Nam Á với 60% các chiến hạm sẽ được đưa về Thái bình dương.

Đùng một cái, chính trường Mỹ bỗng tranh luận về việc Hoa Kỳ mắc nợ và phải tiết giảm bội chi ngân sách. Ngân sách quốc phòng cũng bị cắt khiến Tổng trưởng Quốc phòng Panetta phải la trời. Lực bất tòng tâm? Nhưng cái tâm đó nằm ở đâu?

Chỉ vì đầu năm nay, Hoa Kỳ chính thức mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC vào năm 2014 tới đây. Và Hải quân Trung Quốc vừa hoan hỉ nhận lời.

Vài hàng về bối cảnh: Xuất hiện từ năm 1971, giữa cuộc chiến Việt Nam, sáng kiến thao dượt hai năm một lần và có tên là RIMPAC được Hoa Kỳ đề nghị cho các đồng minh của vành cung Thái bình dương. Về sau, sáng kiến được mở rộng từ năm nước ban đầu ra nhiều quốc gia khác và lần thao dượt thứ 23 vào năm ngoái đã có 22 nước tham dự. Hạm đội Thái bình dương của Mỹ là đơn vị chủ chốt cùng các nước khác tổ chức thao dượt để đối phó với mọi tình huống bất ngờ như cấp cứu nơi bị thiên tai, hải tặc, khủng bố hoặc chiến tranh trong khu vực.

Trung Quốc là cường quốc Thái bình dương không tham gia vòng RIMPAC mà chỉ gửi quan sát viên tới xem. Sự vắng mặt là điều hiểu được nếu người ta nghĩ đến kịch bản đột biến tại bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hay các quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc, từ vùng biển Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á....

Nhưng làm sao hiểu được khi Chính quyền Obama lại mời Trung Quốc tham dự trò chơi này sau khi cả khu vực Đông Á đã thấy ra thái độ rất ngang ngược của Bắc Kinh? Khi Hoa Kỳ nói "chuyển trục về Đông Á" thì phải chăng điều ấy có nghĩa là mở rộng sự hợp tác với Trung Quốc từ kinh tế qua an ninh và cả quân sự? Chúng ta có thể tin được Hoa Kỳ hay không?

Câu trả lời thực tiễn nhất là nên tin vào nước Mỹ khi siêu cường này cần bảo vệ quyền lợi của mình. Quyền lợi đó chưa chắc đã phù hợp với mục tiêu của nước khác.

Bài này khởi đầu với chuyện máy bay tự động, xin kết thúc bằng chuyện đó.

Loại máy bay này không phải là không người lái, mà là người lái không ngồi trong máy bay mà điều khiển từ rất xa. Người ta gọi chung loại khí giới đó là "drone", có thể là máy bay trinh sát hay thám báo nhỏ xíu hoặc oanh tạc cơ có trang bị hỏa tiễn, từ loại Hellfires trở lên. Những gì mà ta được biết về loại võ khí này chỉ là phần nổi của thực lực quân sự. Hôm 14 vừa qua, cái phần nổi đó bỗng làm Trung Quốc giật mình.

Trên hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush, Hải quân Mỹ đã "bắn thử" một máy bay tự động, nhưng là loại siêu hạng X-47B có khả năng tàng hình. Giới quân sự đều biết là Không quân Hoa Kỳ đã ráo riết triển khai kỹ thuật tàng hình, bây giờ, đến lượt Hải quân. Sau giai đoạn thử nghiệm (vì vậy mới có tên "X"), chiến đấu cơ tàng hình X-47B và nhiều thứ khác như loại X-51 vừa thử nghiệm, có thể đảo lộn tương quan lực lượng và cả chiến lược của Hoa Kỳ.

Xưa nay, chiến lược của xứ này là kết hợp đồng minh ở mọi nơi để nơi nào cũng có căn cứ hay tiền trạm hoặc bãi đáp khi hữu sự. Nghịch lý ở đây là trong khu vực Tây Thái bình dương – mà ta gọi là Đông hải - Hoa Kỳ có rất ít căn cứ không quân. Với những phương tiện mới – máy bay tàng hình không người lái với tốc độ siêu siêu thanh để "giao hàng trúng mối" ở mọi nơi trên thế giới trong vòng một giờ - Hoa Kỳ có thể khỏi cần nhu cầu đó nữa.

Nhìn từ quan điển quyền lợi, Hoa Kỳ không đánh giá thấp tầm quan trọng của miền Tây Thái bình dương và cả mối nguy từ Trung Quốc. Siêu cường này có khả năng đối phó, lại còn đối phó bằng nhiều phương pháp chìm nổi và luôn luôn nói thật khi thế này khi thế khác – mà không nói hết. Các chính khách đều có thể theo mùa mà nói thật, nhưng chỉ một phần của sự thật thôi.  

Ai dại mà tin thì ráng chịu!

2 nhận xét:

  1. Noi ve may bay khong nguoi lai (drone), mot nguoi ban cua BUyen da ke lai nhu sau: la mot bac si phuc vu cho luc quan Hoa Ky tai Iraq, anh da chua tri cho nhieu binh si My tai day. De tra on, mot quan nhan phu trach viec dieu khien drone da cho phep anh duoc vao phong dieu hanh ( van la bi mat quan su) de xem cach hoat dong cua ho. Anh ke lai, that khong the tuong tuong duoc muc do ching xac va toc do cua drone, vuot ca buc tuong am thanh. Chua nghe duoc tieng dong nao thi drone da o truoc mat roi.

    Nhung drone chua phai la vu khi doc dao nhat cua Hoa Ky, nhieu chuyen gia ve vu khi da danh gia loai bom co the dao sau duoi mat dat de pha huy moi la loai vu khi dang so nhat cua My. Khong biet day co phai la sang che cua khoa hoc gia Duong nguyet Anh ???

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh12/7/15 9:12 CH

    Poorshope nghĩ, nếu có xung đột ở Biển Đông, HoaKỳ sẽ sử dụng drone. Có một lần đọc tin trên mạng, thấy viết TT Obama đã tuyên bố không ân hận sử dụng loại vũ khí này.
    Nước Việt Nam cuả chúng ta, bên bờ Biển Đông.

    Trả lờiXóa