Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Người Việt Ngày 140217
"Kinh
Tế Cũng Là Chính Trị"
Thành Tích Kinh Tế Của Barack Obama
Gần hai tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, ngày 17 Tháng Hai năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã ký đạo luật kích thích kinh tế tên là ARRA (American Recovery and Reinvestment Act of 2009) trị giá hơn 800 tỷ Mỹ kim. Đạo luật được Hạ viện rồi Thượng viện của Quốc hội khóa 111 thông qua với đại đa số dân biểu nghị sĩ Dân Chủ - và lác đác vài lá phiếu Cộng Hoà.
Đúng năm năm sau, người ta tiếp tục tranh luận về sự công hiệu, hay vô hiệu, của đạo luật.
Phía Cộng Hoà và các kinh tế gia thuộc trường phái tự do thì phê phán đạo luật là ít công hiệu, gây bội chi ngân sách và lãng phí qua nhiều mục chi có nội dung chính trị. Phe ủng hộ có kinh tế gia đã đoạt giải Nobel và là bình luận gia nổi tiếng thiên tả là Paul Krugman thì lý luận rằng đạo luật có giá trị, mà chỉ bằng một phần ba nhu cầu, nếu không thì còn tác động lớn hơn.
Trước sự thể đó, người thường như chúng ta nghĩ sao?
Vì kinh tế cũng là chính trị, người viết xin thành thật khai báo là không tin vào các chính trị gia mà cố tìm vào những con số khách quan từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2014 để đánh giá. Sau đây là những số liệu kinh tế mới nhất, để quý độc giả rút lấy kết luận về truyện chích chòe trong kinh tế chính trị học.
***
Về đại thể, kể từ khi ông Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ có tạo thêm hơn ba triệu việc làm và đẩy mức thất nghiệp từ 7,8% xuống 6,6%. Đó là con số của thành tích. Nhưng hơn 10 triệu người vẫn chưa có việc và gần bốn triệu bị thất nghiệp quá 27 tuần, tăng gần một triệu hai. Số thất nghiệp dài hạn, là quá 37 tuần, thì tăng gần gấp đôi con số đầu năm 2009.
Về chi tiết, số người tham gia thị trường lao động giảm 2,9 điểm bách phân, tới mức thấp nhất kể từ 1978. Có hai lý do giải thích tình trạng bi đát này, mà mỗi phe lại chấm một để biện giải.
Phe ủng hộ nói đến lớp người sinh sau Thế chiến II (từ 1946 đến 1964) đã đến tuổi về hưu, phe đả kích thì nhắc đến những người mất việc quá lâu nên nản chí hết muốn tìm việc. Ngoài ra còn một lý do thứ ba là nhiều người bất toàn về thể lực (disabled workers) có thêm phúc lợi, tăng 20% kể từ 2009, nên không cố tìm việc và ra khỏi thị trường lao động.
Bên cạnh yếu tố
nhân dụng và việc làm, một chi tiết cũng cần chú ý: vật giá hay lạm phát.
Những người chống đối thì e bội chi ngân sách quá lớn có thể gây ra lạm phát. Sai bét, thật ra, một thước đo về vật giá là chỉ số giá tiêu thụ CPI chỉ tăng có 10,3%. Tức là rất ít lạm phát. Khi đó, ta cần nhớ thêm rằng sau đạo luật ARRA trị giá khoảng 838 tỷ, Ngân hàng Trung ương Mỹ bơm thêm hơn ba ngàn tỷ đô la trong năm năm để lại kích thích kinh tế mà vật giá và lãi suất không tăng. Những người làm chánh sách thì e kinh tế có thể bị nguy cơ giảm phát chứ không phải là lạm phát!
Chuyện thứ ba là bội chi ngân sách.
Trong bài diễn văn tháng trước về Tình hình Liên bang (SOTU), Tổng thống Obama khoe thành tích cắt giảm bội chi ngân sách. Sự thật thì bội chi vẫn ở mức kỷ lục của lịch sử và đang chồng chất thêm. Khi ngân sách bị bội chi, nhà nước phải đi vay. Tổng số nợ của khu vực công quyền liên bang hiện đang ở mức 17 ngàn tỷ 300 triệu đô la, tăng 63% so với khi Obama nhậm chức.
Chi tiết kỹ thuật là trong số này có cả khoản tiền nhà nước tự vay - đa số là quỹ An sinh Xã hội, nội dung của một bài khác. Yếu tố đáng chú ý hơn vì có hậu quả kinh tế trong trung hạn là khoản tiền nhà nước nợ công chúng: thêm 12,3 ngàn tỷ, tăng 95% trong năm năm đầu của Chính quyền Obama. Với đà này, khoản công trái của chính quyền nợ tư nhân sẽ tăng gấp đôi trong hai nhiệm kỳ Obama. Đấy cũng là một cách đánh giá hiệu ứng của đạo luật kích thích: kết quả thì ít mà gánh nợ thì nhiều.
Khi vay tiền thì phải trả tiền lời, một phí tổn ở khoảng 6,5% của số tổng chi. Theo cơ quan độc lập CBO của Quốc hội (Congressional Budget Office), tiền lời sẽ ngốn một khoản lớn hơn của số tồng chi và khi lãi suất sẽ tăng sau này thì phí tổn đi vay của nhà nước còn tăng nữa. Diễn giải cho dễ hiểu: vay tiền mua thuốc bổ mà bệnh không giảm thì... đã nghèo mà lại mắc eo.
Trong cả bi kịch kinh tế này, có một thành phần lại rất hài lòng – mà ít nói ra.
Đó là doanh gia và các doanh nghiệp lớn. Số doanh lợi mới nhất mà người ta có thì thuộc Quý Ba năm ngoái (từ Tháng Bảy đến Tháng Chín) và tăng một ngàn 900 tỷ đô la. Con số vô hồn này phản ảnh hai chuyện: 1) tăng 178% so với khi ông Obama nhậm chức, 2) cao gấp ba tam cá nguyệt trước khi Obama chấp chánh. Vị Tổng thống của dân nghèo là con cưng của giới tài phiệt – nên được họ sốt sắng ủng hộ.
Cùng với thành phần doanh gia, người có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng thấy hài lòng vì các chỉ số chứng khoán đều tăng hơn gấp đôi trong năm năm đầu của Obama. Tính đến giữa Tháng Giêng thì chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 123%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 106% và chỉ số NASDAQ tăng gần gấp ba (190%). Cho dù thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh và mất giá chừng 10% trong mấy tháng tới thì giới đầu tư vẫn lời chán.
Khi ấy, ta nên
chú ý đến một nghịch lý: thị trường cổ phiếu thường lên giá dưới thời Tổng thống
Dân Chủ. Đấy là chuyện "một đồng một cốt"!
Nếu có ai thắc mắc thì xin nhớ lại ca khúc cho thiếu nhi của nhạc sĩ Đức Quỳnh. Một ca khúc ngụ ngôn ngộ nghĩnh:
Chim chích chòe nó kêu chích choè
Tôi ném hòn sành
lăn cổ xuống ao...
Đem về vừa xáo vừa
xào được ba bát đầy
Ông Thầy ăn một,
bà Cốt ăn hai
Còn đầu còn tai đem
về biếu Chúa,
Chúa hỏi chim gì?
Là chim chích choè!
Trong chế độ dân
chủ thì Chúa ở đây là người chủ. Là quần chúng nhân dân! Trước hết là dân nghèo,
và thành phần trung lưu vẫn được Tổng thống Obama nhắc tới? Họ được hưởng cái đầu
cái tai ra sao?
Suốt năm năm qua, lương bổng cho công nhân viên chức tại Mỹ không tăng mạnh. Tính theo lương tuần thì sau khi khấu trừ vật giá chỉ tăng có 0,3%. Đầu và tai chim, là vậy! Thế còn cái tổ?
Số người có nhà thì giảm 2,4 điểm bách phân, tới mức tiêu điều là 65,1% so với thời cực thịnh là 69,4% vào năm 2004. Số người lãnh trợ cấp lương thực (food stamps) lên tới mức kỷ lục là hơn 47 triệu người, 15% dân số toàn quốc, so với năm 2012 thì giảm chút đỉnh mà vẫn là tăng 48,3% so với năm đầu của Obama.
Năm 2012, cựu Dân
biểu Newt Gingrich đả kích Obama là "Tổng thống Tem phiếu". Hơi oan, mà
hơi thôi.
Oan vì trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Georges W. Bush, số dân lãnh tem phiếu tăng 14,7 triệu, nay thì tăng 15,4 triệu. Nhưng hơi thôi vì trong đạo luật ARRA, một số biện pháp trợ cấp "nhất thời" cứ được tái tục nhiều lần cho tới Tháng 11 năm ngoái. Biện pháp cứu đói giảm nghèo không thấy "phê" cho người nghèo đói.
Vì giấy báo có hạn, bài viết xin dừng tại đây mà khỏi nói đến nhiều hiệu ứng quốc tế của đạo luật ARRA. Thí dụ như xuất cảng chỉ tăng có 34% so với chỉ tiêu của ông Obama là tăng gấp đôi. Hay sản lượng dầu thô và khí đốt của Hoa Kỳ tăng bất ngờ tới 60% và năng lượng nhập cảng giảm 51% - mà không nhờ chính sách của ông Obama....
Kết luận ở đây là nền dân chủ có tùy thuộc vào trình độ hiểu biết tối thiểu về kinh tế của người dân. Vì vậy mới có cột mục kinh tế này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét