Thứ Ba, tháng 9 23, 2014

Cột Tay Lính Bằng Luật



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140922
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
 
Sư đoàn luật sư trong nhiễu âm của nước Mỹ

 * "Lãnh đạo từ sau lưng" - Đại tướng Dempsey và Obama *



Trong nhiễu âm của Chính quyền Barack Obama về chiến lược đối phó với tổ chức khủng bố xưng danh "Nhà nước Hồi giáo" (hay IS, ISIS, ISIL) người Việt ta bỗng lãnh một cái tát muộn. Mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" nói về cái tát đó rồi mới trở về tiếng cãi cọ như trong trại gà của ban tham mưu Obama.


***

Thứ Tư 17 vừa qua, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ là James Clapper công bố phúc trình về "Chiến lược Tình báo Quốc gia". Dịp này viên chức cầm đầu 16 bộ phận an ninh tình báo Mỹ - kể cả CIA, FBI và nhiều đơn vị quân báo hay nội an - trả lời nhà báo phỏng vấn. Và tự thú vài chuyện động trời 1) "Chúng ta lỡ đánh giá thấp ý chí chiến đấu của IS, 2) như đánh giá thấp Việt Cộng, và 3) Bắc Việt, và 4) đánh giá quá cao ý chí của miền Nam Việt Nam."

Trong một câu ngắn mà nói bốn điều sai thì chỉ có thể làm tham mưu cho một người như Obama.

Thứ nhất là phân biệt Việt cộng với Bắc Việt, vốn là thực thể thống nhất. Thứ hai là nói về ý chí chiến đấu của Hà Nội mà quên sức yểm trợ ồ ạt của Liên bang Xô viết và Trung cộng. Thứ ba là coi thường ý chí chiến đấu của Quân lực miền Nam, một quân đội bị Hoa Kỳ xẻ ngang gọt dọc từ sau 1965 để tiến hành chiến tranh theo kiểu Mỹ mà vẫn bền chí chiến đấu cho tới khi Mỹ nhụt chí, rồi bị cột tay trao trọn gói cho đối thủ vào năm 1975.

Năm đó James Clapper là sĩ quan cao cấp của Không quân Hoa Kỳ nên không thể không biết về cuộc chiến Việt Nam. Mà nay vẫn nói nhảm để chạy tội cho nước Mỹ về hồ sơ Việt Nam, nhân tiện nhục mạ một đồng minh đã bị bức tử!

Bây giờ trở lại chiến lược chống IS của Chính quyền Obama như một sân nuôi gà vịt.


***

Chiến lược Obama không chỉ thiếu nhất quán mạch lạc mà còn ồn ào phát ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn vi vậy mới bị gọi là nhiễu âm. Hãy bắt đầu từ viên Tư lệnh Trại gà Obama, huê dạng như chú gà sống thiến.

Ba tháng sau khi gọi lực lượng IS này là "đội banh tay mơ" Junior Varsity, Tổng thống Mỹ mới công nhận mối nguy của IS cho quyền lợi Hoa Kỳ. Rồi ỏn ẻn cho biết là chưa có chiến lược gì để đối phó. Năm tuần sau khi ù ù cạc cạc bên trong rồi Obama mới nói đến quyết tâm tiêu diệt đối thủ, bằng cách phân giải thành từng bài toán "có thể xử lý được". Sau đó mới là bài diễn văn hùng hồn hôm mùng 10 Tháng Chín về một chiến lược làm mọi người hiểu sao cũng được nên... chẳng hiểu gì cả.

Trừ một việc là nhất quyết không thả các đơn vị tác chiến vào trận địa. No boots on the ground.

Sau khi Tổng thống Mỹ mô tả cách xử trí với mối nguy IS – mô tả chứ chưa phải là chiến lược – ban tham mưu của ông mới ào ạt xuất quân.

Đầu tiên là Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice từ nách chuồng gà te te ra điểm xuyết cho Chiến lược Obama trên hệ thống CNN vào ngày 11: "Tôi chẳng biết rằng ông nên gọi đó là một cuộc chiến hay một chiến dịch chống khủng bố kéo dài. Riêng tôi thì cho rằng đấy là một chiến dịch chống khủng bố cần nhiều thời gian". Xin nhấn mạnh giúp độc giả: "cuộc chiến" (war) có khác với "chiến dịch chống khủng bố (counter-terrorism campaign). Nhân đó ta phân biệt thêm với "chống nổi dậy" (counter-insurgency). Hình như là có khác với "chiến tranh".

Rồi suốt một tuần thì Ngoại trưởng John Kerry tả xung hữu đột để phân bua rằng "một chiến dịch không tập tại Iraq chưa thể là một cuộc chiến.... Nhưng nếu có ai hiểu rằng chúng ta đang có chiến tranh với tổ chức ISIL thì cũng được."

Khi bị báo chí vặn hỏi, hôm 12, Tùy viên Báo chí của Tổng thống là Josh Earnest lập luận rằng chiến dịch quân sự chống ISIS có cơ sở pháp lý là "được Quốc hội cho phép dùng võ lực chống tổ chức al-Qaeda và chế độ Saddam Hussein". Vòng qua đó rồi, Earnest mới xác định rằng "Hoa Kỳ đang có chiến tranh với ISIL". Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng là Phó Đề đốc John Kerby mới chỉnh nhẹ Tùy viên Báo chí, rằng "Đây không là cuộc chiến như Chiến tranh Iraq năm 2002. Nhưng xin quý vị đừng lầm, chúng ta đang lâm chiến với ISIL như đã và đang lâm chiến với al-Qaeda và các chi nhánh".

Nếu quý độc giả có ù tai về mấy cấp biện bạch ấy thì xin đừng tuyệt vọng.

Trước khi trù hoạch ra chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, ban tham mưu của Tổng thống Mỹ đã ồn ào tranh cãi về mục tiêu hay định nghĩa của việc dụng binh. Có là chiến tranh hay chăng? Ngần ấy cách giải trình đều cho thấy Mỹ đang thực tế lâm chiến với tổ chức IS, nhưng vì Tổng thống nói trước là sẽ không có lính lâm chiến, nên Hoa Kỳ có tranh mà chưa có chiến.

Trong vụ tranh cãi này, giới kaki nghĩ sao về vai trò của một quân lực thuộc loại tối tân và tinh nhuệ nhất vì tác chiến nhiều nhất từ hơn 70 năm nay?

Từ các Đại tướng đương nhiệm – như Tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey đến Tham mưu trưởng Lục quân Raymond Ordierno - tới các tướng dày công hãn mã vừa hồi hưu như James Mattis, người ta thấy ra khác biệt quan điểm với ban tham mưu của Tổng thống: 1) không nên lâm trận mà tự giới hạn trước là chỉ oanh kích và không cho binh lính lâm chiến; 2) nếu 1.600 lính Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq mà phải tiếp tay truy lùng quân khủng bố IS thì nên cho phép, dú có thể gọi đó là tác chiến; 3) chứ nếu nói mãi rằng Hoa Kỳ không thả quân vào trận địa thì sẽ tự chui vào bẫy...

Khi các tướng lãnh nêu ý kiến như vậy và chờ lệnh Tổng thống thì từ Tòa Bạch Cung đã có lời điều chỉnh, và dư luận còn được biết thêm rằng chính Phủ Tổng thống sẽ chọn từng mục tiêu không tập cho các đơn vị thi hành. Thằng mù chấm tọa độ cho người sáng thì quả là nước Mỹ tối thui!

Tổng kết lại thì Chiến lược Obama là chuyện quân hồi vua phèng, ông nói gà bà nói vịt, và quy vào định nghĩa "chiến tranh", quyền lâm chiến, quy cách tác chiến và thể thức giao tranh. Trật một cái là binh lính có thể vi phạm luật lệ.

Tại sao lại khổ như vậy? Câu trả lời là... "Tại vì.... cuộc chiến Việt Nam!"


***

Sau trận thảm bại Việt Nam, đảng Dân Chủ, truyền thông và các nhà luật học trên tháp ngà hết tin vào Tổng thống hay Ngũ giác đài về chuyện chiến hòa và về thể thức ra quân. Từ đấy về sau, họ muốn là mọi quyết định từ chiến lược đến chiến thuật đều phải có hợp pháp.

Đi sâu xuống dưới là loại câu hỏi thế nào là khủng bố, là tù binh, tòa án nào sẽ xử các hung thủ đã bị bắt, trò "trấn nước" có phải là tra tấn không? Vân vân...

Hậu quả, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nay có dưới trướng một vạn luật sư, đủ quân số cho một sư đoàn có nhiệm vụ thanh lọc lại mọi tính toán quân sự theo tiêu chuẩn "hợp pháp". Quân chủng đó mới chỉ đạo kế sách cho quân đội đệ trình Tổng tư lệnh trong Tòa Bạch Cung duyệt xét.

Lên tới cấp này, quan điểm của dân chuyên nghiệp lại qua hai cái lọc: Bộ Tư pháp và Ban tham mưu an ninh của Phủ Tổng thống. Đến Tổng thống Obama thì còn thêm cái lọc thứ tư, dàn cố vấn chính trị từng phất cờ tranh cử cho cậu bé quàng khăn đỏ năm xưa, và nay đã lên quan. Dù chỉ biết cầm súng nước, đám thầy dùi ấy có biệt tài đón gió để khuyên Tổng thống lấy những quyết định an toàn nhất về chính trị cho... Obama.

Còn thắng bại của quốc gia, hay tử sinh của binh lính, là chuyện không đáng kể.

Vì thế, khi truy đuổi kẻ thù, việc binh lính có được quyền đạp đất không mới là chuyện chỉ có tại nước Mỹ. Các đồng minh nghĩ sao về việc sát cánh với Hoa Kỳ để chống khủng bố? 

Hèn gì, họ né!


3 nhận xét:

  1. Bài như ri đọc sướng! (mấy bài về kinh tế của đại ca, vì tui quá dốt, chẳng hiểu quái gì, đọc 1 tí là ngán, hihi!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một bài bình luận loại này chỉ có khoảng 1.500 chữ, chứ không thể miên man "không bãi đáp được'. Nhưng cũng vì vậy mà đòi hỏi độc giả có... trí nhớ.

      Thí dụ như khi Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam là dưới thời Kennedy và Johnson, hai Tổng thống của đảng Dân Chủ. Tiêu diệt chế độ Ngô Đình Diệm là thành tích của Cậu ấm Kennedy. Rồi ào ạt tung quân vào Việt Nam là quyết định của Johnson từ Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ 1964 rồi sau đó mất tinh thần bỏ chạy sau vụ Mậu Thân 1968.

      Chính vì vậy, Quốc hội Mỹ mới có luật hạn chế quyền tuyên chiến của Tổng thống từ 1973. Từ đó mới có định nghĩa thế nào là chiến tranh, khi nào phải xin phép Quốc hội, v.v. Và một bầy luật sư đứng sau các chính khách, tướng lãnh, và chiến binh để xem tính chất "hợp pháp" của từng quyết định nơi tiền tuyến.

      Trong khi đó, kẻ thù lại thiên biến vạn hóa theo kiểu đấu tranh toàn diện mà các thầy kiện thầy dùi thầy cãi chạy sau để viết vẽ về định nghĩa đó.

      Obama là tiêu biểu cho bọn luật sư thầy dùi chưa từng sống trong đời thường hay hiểu ra quy luật của chiến tranh. Nước Mỹ vì thế còn khó khá trong vài năm nữa.

      Những ai cứ đòi "hướng Mỹ" vẫn chưa hiểu gì cả! Tội nghiệp....

      NXN







      Xóa
    2. Cám ơn anh đã phát quang thêm!

      Xóa