Thứ Tư, tháng 10 29, 2014

Nguy Cơ Giảm Phát

Vũ Hoàng - Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFA Ngày 141029 

  "Diễn đàn Kinh tế" 

 

Trong giảm phát càng mắc nợ nhiều thì khách nợ càng dễ vỡ nợ


043_dpa-pa_50168286.jpg
* Ảnh minh họa nền kinh tế Liên minh châu Âu. AFP photo * 


Không chỉ tại Nhật Bản và Âu Châu, nhiều khối kinh tế trên thế giới đang bắt đầu nói đến một nguy cơ khác, là nạn giảm phát, một hiện tượng trái ngược với lạm phát với ảnh hưởng tệ hại không kém. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về hiện tượng đó qua những phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.




Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Từ vài tuần nay, dường như giới quan sát kinh tế bỡ ngỡ vì cùng lúc lại xảy ra nhiều hiện tượng trái ngược mà thính giả của chúng ta cần được giải thích. Thưa ông, trước hết là việc dầu thô sụt giá mạnh trên thế giới, trong vài tuần đã giảm khoảng 30 đô la một thùng. Khi năng lượng hạ giá thì phí tổn sản xuất cũng giảm nên có thể là điều tốt cho giới tiêu thụ vì họ thừa tiền mua cái khác và giúp cho sản xuất kinh tế. Nhưng không chỉ có dầu thô sụt giá mà nhiều mặt hàng khác cũng thế nên người ta bắt đầu nói đến một mối nguy khác, đó là nạn thiểu phát hay giảm phát, là điều đã xảy ra cho kinh tế Nhật Bản và đang xảy ra tại nhiều nước Âu Châu. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông giải thích cho hiện tượng đó là gì. 

Về định nghĩa, "giảm phát" hay "deflation" là khi hàng hóa giảm giá mà vẫn bán không chạy và là biểu hiện của nạn suy thoái kinh tế với tình trạng thất nghiệp cao và doanh nghiệp phá sản. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta nên chú ý tới định nghĩa, xem một hiện tượng nào đó là cái gì và trong phạm vi đó thì còn phải nhớ rằng ngôn từ của chúng ta có giới hạn nên thường xuyên phải tìm ra những từ mới, trước đây chưa hoặc là ít dùng. Tôi xin đề nghị vài định nghĩa như sau:

- Trong một giai đoạn khá lâu tới mấy chục năm, ta nghe nói đến "lạm phát" là khi vật giá gia tăng vì có quá nhiều tiền để mua quá ít hàng. Tại Việt Nam, giới lãnh đạo kinh tế thời đó không có kiến thức tối thiểu về kinh tế học nên lý luận rằng "lạm phát là hiện tượng đặc thù của tư bản chủ nghĩa" chứ kinh tế xã hội chủ nghĩa không bị lạm phát. Sự hiểu lầm này vẫn chưa chấm dứt cho đến khi Việt Nam bị khủng hoảng vì lạm phát tới 700% sau những sai lầm về chính sách "giá lương tiền" vào các năm 1986-1987. Hai chục năm sau, Việt Nam lại có lần bị lạm phát nữa khi vật giá gia tăng quá 20% vào năm 2008 vì sai lầm trong quản lý vĩ mô. Nói chung, nỗi e sợ về nạn lạm phát là hiện tượng phổ biến đã từng làm nhiều chế độ sụp đổ khiến người ta quên mất một hiện tượng trái ngược. Đó là "giảm phát", một mối nguy cũng đã từng xảy ra.

- Về định nghĩa, "giảm phát" hay "deflation" là khi hàng hóa giảm giá mà vẫn bán không chạy và là biểu hiện của nạn suy thoái kinh tế với tình trạng thất nghiệp cao và doanh nghiệp phá sản.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ở trong nước, nhiều người cũng dùng chữ "thiểu phát" thì đấy có là cùng một hiện tượng không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng ngôn ngữ chỉ là quy ước, và mỗi khi gặp một hiện tượng gì mới trên thế giới được các nước khác đặt tên rồi thì ta mới tìm cách phiên dịch sao cho đúng và dễ hiểu rồi từ đó sẽ được chấp nhận. Tôi cứ hay nói đùa rằng đó là "có mặt thì đặt tên".

- Chữ "inflation" thì ai cũng đã quen dịch thành "lạm phát". Nhưng khi vật giá tăng chậm hơn thì ta có thể gọi là "dis-inflation", hoặc như tờ The Economist của Anh vừa bày ra một từ mới vào tuần qua là "lowflation". Nội dung có nghĩa là giá cả có tăng mà tăng chậm hơn tiêu chí hay dự báo. Gặp trường hợp đó, tôi nghĩ là chữ "thiểu phát" có thể là một từ thích hợp với hàm ý "thiểu" là ít hơn. Nhưng khi giá cả không tăng, dù là nhanh hay chậm hơn trước, mà lại giảm tức là bị hiện tượng "deflation", thì nên dùng từ "giảm phát" mà ta đã có từ trước 1975, và chính xác hơn.

Vũ Hoàng: Với quy ước này rồi thì ta qua phần nội dung để tìm hiểu vì sao lại có rủi ro giảm phát như giới phân tích kinh tế đang báo động. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vừa rồi, ông nhắc đến giá dầu thô đã sụt mạnh. Tôi xin mở ra nhiều mặt hàng khác gọi chung là "thương phẩm" hay "commodity" mà Việt Nam cứ mơ hồ dịch sai thành "hàng hóa". "Commodity" là các loại nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất như xăng dầu, kim loại như đồng thau, quặng sắt, nông sản như ngũ cốc, đậu tương, nước cam, v.v... được thị trường buôn bán với nhau dưới dạng rời hay để xá. Thề rồi, ngoài dầu thô, người ta còn nghiệm thấy hiện tượng chung là từ ít lâu nay các thương phẩm trên thế giới đều sụt giá mạnh.

Chúng ta thấy ra hiện tượng "vòng luẩn quẩn" theo thế biện chứng hay "tương hằng", là tự nuôi nhau trong một vòng xoáy đi xuống, ngày một nhanh và một sâu hơn. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Lý do là số cung thì vẫn tăng mà số cầu lại giảm. Số cầu sở dĩ giảm vì kinh tế nhiều nơi trì trệ, đầu tư không tăng, tiểu biểu là trường hợp kinh tế Trung Quốc, một xứ đói ăn và khát dầu và thèm nguyên liệu mà nay bị tồn kho ế ẩm. Từ nhiều năm qua, diễn đàn này của chúng ta có cảnh báo hiện tượng thương phẩm sụt giá vì Trung Quốc làm các nước xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu như Úc hay Brazil đều bị thiệt hại. Điển hình là giá quặng sắt sụt rất mạnh, có khi chỉ còn 50 đô la một tấn, việc ấy khiến ta nhớ đến hai tai họa song hành của dự án bô xít tại Tây nguyên!


Vòng luẩn quẩn


Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao vật giá đã sụt mà vẫn bán không chạy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy ra hiện tượng "vòng luẩn quẩn" theo thế biện chứng hay "tương hằng", là tự nuôi nhau trong một vòng xoáy đi xuống, ngày một nhanh và một sâu hơn.

- Khi thấy hàng hóa hạ giá liên tục thì ta có xu hướng chờ đợi, tạm hoãn mua để được giá rẻ hơn. Nhà tiêu thụ mà chần chờ như vậy thì ở đầu kia nhà sản xuất bị tồn kho ế ẩm và cần trả nợ nên phải cố bán tháo, là bán còn rẻ hơn nữa, nên càng khiến nhà tiêu thụ thấy mình có lý. Và hai bên từ từ dìm nhau xuống vực vì nhà tiêu thụ mặt hàng này có thể là nhà sản xuất mặt hàng khác. Kết quả là kinh tế không bị suy trầm, là tăng trưởng thấp hơn, mà bị suy thoái, là không tăng mà còn giảm. Hậu quả là doanh nghiệp sa thải nhân viên làm thất nghiệp tăng rồi vỡ nợ vì không thể trả các khoản nợ đáo hạn và sau đó phá sản, dẫn tới khủng hoảng vì ngân hàng mất nợ. Hiện tượng giảm phát dây chuyền đầy kinh hoàng như vậy đã xảy ra trong vụ Tổng khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào những năm 1929-1933.

Vũ Hoàng: Trở lại chuyện thực tế ngày nay thì vì sao sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Hoa Kỳ, rồi Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, các nước trên thế giới đều có nhiều biện pháp kích thích kinh tế mà tình hình lại có vẻ u ám như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ban đầu chỉ là sự trùng hợp vì tai họa xảy ra cho từng khu vực, nhưng vì kinh tế thế giới đã đi vào trạng thái "nhất thể hóa" hay "toàn cầu hóa", cho nên tác động dây chuyền đã cùng xảy ra cũng theo kiểu vòng xoáy đi xuống.

- Trước hết, kinh tế Nhật Bản đã từng bị suy trầm và giảm phát khá lâu trong gần hai chục năm liền và mới chỉ có những biện pháp thoát hiểm khá táo bạo từ hai năm nay và chưa có kết quả. Sau đó, khối Euro lại bị khủng hoảng từ những năm 2009-2010 và tới nay chưa dứt khiến nhiều quốc gia bị nạn thiểu phát và các nước lâm nạn ở miền Nam thì thật sự bị giảm phát. Khác với Nhật Bản là một xứ thuần chủng và người dân giữ tinh thần ái quốc và kỷ luật là rau cháo có nhau để cùng hứng chịu tai họa, Âu Châu là một tập thể nhiều quốc gia buôn bán với bên ngoài. Khi mà khối kinh tế này bị suy trầm và không thể tiêu thụ hàng xuất khẩu của xứ khác thì các nền kinh tế trông chờ vào việc xuất khẩu đều bị họa lây, là trường hợp Brazil hay Trung Quốc. Ta nên nhớ xứ này vốn dĩ đã bị đình trệ với đà tăng trưởng thấp hơn và đang phải chuyển hướng.

- Trong năm năm qua, các quốc gia đều cố đối phó với bài toán đó qua các biện pháp kích thích như tăng chi, bơm tín dụng hoặc thậm chí in tiền cho các ngân hàng dư thanh khoản cho vay ra, vậy mà tình hình vẫn chẳng khá hơn. May lắm thì Hoa Kỳ là một ngoại lệ, mà vẫn chưa chắc!

Vũ Hoàng: Thưa ông, khi đó, người ta còn lo rằng việc ào ạt bơm tiền kích thích có khi lại gây ra lạm phát như trường hợp đã thấy tại Việt Nam. Thế thì vì sao thế giới không bị lạm phát mà nay lại lo sợ hiện tượng trái ngược là giảm phát?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả là ban đầu khi thấy tiền nhiều và rẻ được bơm ra thì ai cũng sợ rủi ro lạm phát. Nhưng tiền bơm ra lại không đẩy mạnh đầu tư và ngân hàng dư thanh khoản cũng thiếu người vay để đưa vào sản xuất nên đem tiền mua trái phiếu kiếm lời. Lý do chính thì có thể là vì thị trường hay các nhà đầu tư sản xuất vẫn chưa thấy tin tưởng và đấy là một lý do thuộc về chính trị của các chính quyền lâm nạn. Khi tình hình thiếu sáng sủa như vậy thì bình thường ra, các ngân hàng trung ương đã có thể áp dụng biện pháp tiền tệ cố hữu là hạ lãi suất. Khốn nỗi, lãi suất các ngân hang trung ương Âu-Mỹ và cả Nhật Bản đều đã hạ tới sàn, là tiếp cận với số không nếu tính thêm lạm phát, cho nên người ta hết đất lùi hay sức bật.

Riêng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay cả Trung Quốc, chỉ số gia tăng giá tiêu dùng đều thấp hơn tiêu chí về lạm phát nên người ta mới lo sợ là sẽ thấy nạn giảm phát tái xuất hiện. - Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Cuối cùng thì hiện tượng suy trầm đã xảy ra, tức là đà tăng trưởng sản xuất cứ giảm dần mà vật giá lại không tăng. Riêng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay cả Trung Quốc, chỉ số gia tăng giá tiêu dùng đều thấp hơn tiêu chí về lạm phát nên người ta mới lo sợ là sẽ thấy nạn giảm phát tái xuất hiện.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu nhớ lại từ đầu thì mình phải công nhận rằng các chính quyền và cả hệ thống ngân hàng trung ương của các cường quốc đều bị bất ngờ ngay từ đầu mà vì lý do chính trị, ít ai dám công nhận như vậy. Bây giờ, trước nguy cơ giảm phát tai hại này, các nước đều khó giải quyết vì tâm lý bất an và bi quan của thị trường. Những cuộc tranh luận đang bùng nổ về các giải pháp, thí dụ như giữa các nước cột trụ của Âu Châu là Đức, Pháp, Ý, hoặc trong Quốc hội Hoa Kỳ trước ngày bầu cử chỉ khiến người ta thêm âu lo về khả năng ứng phó của chính quyền.

- Trong khi đó và ta trở lại vấn đề chính của nhiều quốc gia đang phát triển, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, giai đoạn vừa qua lại là giai đoạn tích lũy nợ nần chẳng kém gì các nước Âu Châu. Trong môi trường lạm phát thì khách nợ có lời vì được trả tiền ít hơn. Trong cảnh giảm phát thì khách nợ chết kẹt vì phí tổn trả nợ sẽ tăng, tức là càng mắc nợ nhiều thì càng dễ vỡ nợ. Hậu quả sẽ là khủng hoảng tài chính ngân hàng dẫn tới việc doanh nghiệp phá sản dây chuyền và thất nghiệp tăng vọt. Xứ nào mà thiếu ổn định xã hội sẽ bị loạn trước tiên.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về việc phân tích này.


Thứ Ba, tháng 10 28, 2014

Quốc Hội Cộng Hoà



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141028
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Các biện pháp kinh tế khi đảng Cộng Hoà chiếm đa số


* Hillary Clinton: "Các doanh nghiệp không tạo ra việc làm!" Ăn nói vậy mà đòi ra tranh cử Tổng  thống 2016.... *


Thông thường tại Hoa Kỳ, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri thường trút sự bực bội với Hành pháp bằng cách bầu cho đối lập. Lần này, vì cử tri quá thất vọng với Tổng thống Barack Obama, đảng Cộng Hoà hy vọng tăng số ghế tại Hạ Viện và chiếm lại đa số Thượng Viện. Điều này không là chuyện bất ngờ.

Nhưng cận ngày bỏ phiếu, chưa thấy đảng Cộng Hoà đưa ra chương trình hành động thống nhất, như "Contract with America" năm 1994, hoặc ít ra một dự án trình bày những gì sẽ đệ nạp Quốc hội trong trăm ngày đầu tiên. Điều ấy cho thấy sự thiếu thống nhất khi nội bộ còn bất đồng giữa phe thực tiễn – làm sao thắng phiếu đã – với phe tự do tuyệt đối "libertarian" của phong trào Tea Party, một sự bất đồng kéo dài tại vòng sơ bộ từ đầu năm nay.

Chi tiết kia là quá nhiều ứng cử viên độc lập thuộc đảng thứ ba sẽ chia số phiếu đối lập và sự thắng thế của Cộng Hoà chỉ hiển lộ vào mấy tuần cuối. Cho nên kết quả chung cuộc còn gây bất ngờ. Người viết này lạm đoán rằng sẽ không có làn sóng long trời lở đất, landslide, và đây là một nhược điểm khác của phe Cộng Hoà.

Tổng thống Obama bị đả kích là giữa nhiều đợt khủng hoảng dồn dập và liên tục, ông cứ lo chạy tiền tranh cử cho các ứng cử viên Dân Chủ, dù bản thân như bị phóng xạ nên nhiều ứng viên tránh xuất hiện bên Tổng thống, thậm chí còn không cho biết là có bỏ phiếu cho Obama trong các cuộc bầu cử 2008 và 2012. Thật ra Obama đi vận động là vì muốn giữ đa số cho phe Dân Chủ để bảo vệ thành quả "cải tạo" qua sáu năm cầm quyền và còn bổ nhiệm nhiều thẩm phán cấp liên bang và cả Tối cao Pháp viện để tiếp tục thay đổi nước Mỹ theo nhãn quan của ông.

Khi đi bỏ phiếu cho các Dân biểu Nghị sĩ, cử tri chú ý đến yếu tố địa phương mà quên khía cạnh diễn giải lại Hiến pháp Hoa Kỳ để bánh trướng vai trò của nhà nước trong quá nhiều lãnh vực. Qua một kỳ khác của mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" chúng ta trở lại chuyện này.

Bây giờ, trong cột mục "Kinh tế cũng là Chính trị", xin hãy nói về các dự án Cộng Hoà.

Nhược điểm Cộng Hoà là xoay cuộc tranh cử thành cuộc trưng cầu dân ý về một Tổng thống quá tệ mà không đề xướng một giải pháp tích cực và toàn diện cho nước Mỹ. Khi tập trung vào Obama, và như đã nói từ nhiều năm, phe Cộng Hoà muốn thu hồi Đạo luật Cải tổ Chế độ Bảo dưỡng Y tế ObamaCare, một kế hoạch chi phối tới một phần sáu của Tổng sản lượng Nội địa. Nhưng dù kiểm soát được Lưỡng viện, việc đó ít có hy vọng vì đảng Cộng Hoà thiếu túc số vượt qua quyền phủ quyết của Hành pháp là hai phần ba, mà chưa chắc có được 60 ghế Nghị sĩ tại Thượng viện để tránh thủ tục câu giờ "filibuster".

Thành thử, nhiều phần thì Cộng Hoà sẽ đánh du kích qua từng đề luật nhỏ nhằm thu hẹp tầm áp dụng của ObamaCare, như về thuế suất đánh trên dụng cụ y khoa hoặc tăng số giờ lao động từ 30 đến 40 giờ một tuần thì mới được doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, với hy vọng huy động được một số phiếu Dân Chủ tại Thượng viện. Những đòn du kích ấy sẽ báo hiệu nhiều trận đánh nhiêu khê và... khá bẩn mà truyền thông cảnh tả sẽ lại tường thuật với sự thiên lệch cố hữu.

Nhìn trên tổng thể của kinh té thì sau sáu năm cầm quyền của Obama, doanh trường Mỹ có tỷ lệ ủng hộ Tổng thống còn thấp hơn quần chúng nói chung.

Dù kiếm lời bộn và chi tiền rất rộng cho đảng Dân Chủ, các đại tổ hợp Hoa Kỳ đều bất mãn với môi trường kinh doanh có quá nhiều chặng kiểm soát và thuế suất quá cao nên làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Phần mình, các tiểu doanh thương, có dưới 100 nhân viên, thì tuyệt vọng vì khó vay tiền từ các đại gia ngân hàng nay còn tập trung tư bản hơn trước vụ khủng hoảng 2008. Họ bị sưu cao thuế nặng lại gánh thêm trách nhiệm từ đạo luật ObamaCare nên không dám mạnh tay đầu tư.

So với khối công nghiệp hóa thì kinh tế Hoa Kỳ có triển vọng nhất, nhưng thị trường lao động chưa hồi phục, khoảng cách giàu nghèo càng đào sâu, và trở ngại chính là hệ thống kiểm soát được mở rộng từ năm 2009 và bộ luật thuế vụ quá rườm rà phức tạp nên là lực cản cho đầu tư.

Trong hai năm qua, thất vọng lớn nhất của doanh giới Mỹ là nạn phân cực trên chính trường với hai đảng theo hai hướng bất khả tương nhượng nên cứ duy trì các trở ngại đó. Mẫu số chung lớn nhất của cả hai đảng lẫn thị trường và công chúng là cải tổ thuế vụ. Sau vụ tai tiếng về việc sở thuế IRS cố tình tróc nã các đoàn thể bảo thủ, việc việc đảng Cộng Hoà đòi cải cách chế độ thuế khóa dễ được công chúng đồng ý. Với điều kiện là việc tu sửa bộ luật rắc rối mà đầy lỗ hổng hiện nay còn phải tăng được số thu. Yếu tố ấy khiến đảng Cộng Hoà còn lâm trận... với nhau trước khi có một đề nghị nhất quán, và điều này sẽ đẩy lui hy vọng cải tổ mất vài năm.

Cho đến cuộc tổng tuyển cử 2016.

Khi điểm lại các nghị trình bao quát trên, ta có thể thấy ra vấn đề hai mặt của kinh tế Hoa Kỳ. Thứ nhất là cần tạo thêm việc làm cho một xã hội có quá nhiều đổi thay kể từ vụ khủng hoảng 2008. Và thứ hai là phải nâng lợi tức của giới trung lưu, thành phần bị thiệt nhất kể từ nạn Tổng suy trầm 2008-2009. So sánh đường hướng của hai đảng thì phe Cộng Hoà tương đối được quần chúng tín nhiệm hơn để giải quyết hai vấn đề này, nhưng khó lập tức tạo ra phép lạ.

Kết quả thì sau khi lấy trớn từ thắng lợi bầu cử năm nay, đảng Cộng Hoà có thể tạo ra ấn tượng thay đổi với vài đề nghị dễ nuốt. Một là đạo luât du di ngân sách cho tài khóa tới và hai là tìm cách thông qua dự án lập ống dẫn dầu khí Keystone XL từ Canada qua Mỹ bị Chính quyền Obama ngâm tôm từ nhiều năm để giữ hậu thuẫn của phe bảo vệ môi sinh rất mạnh bên cánh tả. Ba là cải tổ chế độ di trú để đón nhận thêm di dân có tay nghề cao thay vì cứ chạy đi bít lỗ hổng của nạn di dân bất hợp pháp.

Sau đó mới là các kế hoạch sâu xa nhằm đẩy lui trào lưu bao cấp đã bành trướng mạnh từ sau vụ khủng hoảng 2008.

Tổng kết lại thì đảng Cộng Hoà có ưu thế sau khi Tổng thống Obama gây quá nhiều thất vọng. Nhưng ưu thế đó không kéo dài tới kỳ Tổng tuyển cử 2016, khi dân Mỹ sẽ bầu lại cả Tổng thống lẫn 435 Dân biểu Hạ viện và một phần ba Nghị sĩ Thượng viện. Chưa kể là kỳ tới, phe Cộng Hoà còn bị thất thế vì phải bảo vệ 24 ghế Nghị sĩ so với 10 ghế bên đảng Dân Chủ.

Từ nay đến đó, thời sự kinh tế còn được tin xấu là chưa ra khỏi những trì trệ của Tổng suy trầm thì có khi lại bị suy trầm nhẹ vào cuối năm tới. Và thời sự chính trị thì chỉ tập trung vào cuộc tranh cử Tổng thống 2016.

Năm 2008, trong cơn hốt hoảng về vụ khủng hoảng tài chánh váo Tháng Chín, với ửng cử viên Cộng Hoà là John McCain lại hốt hoảng hơn thiên hạ, dân Mỹ bầu cho một Nghị sĩ tay mơ. Đến năm 2012 còn cho ông ta tái đắc cử với dự tính mở rộng sự can thiệp của nhà nước. Ngày nay, nhiều người ân hận - và còn chối, vì số phiếu của Obama trong hai kỳ bầu đó vượt xa số người nay công nhận đã dồn phiếu cho ông ta – nhưng vấn đề hết là chuyện đúng sai của Obama. Cử tri phải tìm con đường khác và nhân sự khác.

Cho đến giờ, đảng Cộng Hòa chưa chứng minh được rằng mình là giải pháp, cho nên ta còn phải chờ đến kỳ tranh cử sau, sẽ mở màn ngay từ đầu năm tới.

Thứ Tư, tháng 10 22, 2014

Hội Nghị Trung Ương Kỳ Bốn tại Bắc Kinh

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 141022
Diễn đàn Kinh tế  

Thuật "trong bá ngoài vương" kiểu cộng sản làm đảng quyền sẽ gây khó cho quốc gia 

Môt cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 3 năm 2014.
* Một cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) tại Nhân dân Đại sảnh đường
ở Bắc Kinh hồi Tháng Ba năm 2014. (minh họa) AFP) *

Tuần này, đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ bốn của khóa 18 tại Bắc Kinh khi kinh tế có dấu hiệu đình trệ và việc cải cách đề ra từ Hội nghị Trung ương kỳ trước vẫn chưa tiến triển. Như vậy, định hướng sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh sẽ là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Kinh kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ này 20 đến 23 tháng này, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Hội nghị kỳ bốn để đề ra đường lối lãnh đạo của đảng trong thời gian tới. Sau Hội nghị Trung ương kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái thì lãnh đạo Bắc Kinh có đề ra đường lối cải cách rộng lớn mà hình như chưa thấy tiến hành. Lần này thì họ trù tính những gì trong bối cảnh không mấy sáng sủa về kinh tế và khá bất trắc về chính trị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Muốn tìm hiểu chuyện này thì chúng ta sẽ lại trở về bối cảnh quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Cuối Tháng Bảy vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh xác nhận những tin đồn được loan tải từ trước, rằng nguyên Chủ tịch Ban Chính pháp Trung ương đảng là Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ và điều tra vì vi phạm kỷ luật đảng. Ông Chu Vĩnh Khang là một Ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị từ khóa trước và là nhân vật có thế lực mà vẫn bị điều tra về tội tham nhũng, có thể là với dụng tâm chính trị của lãnh đạo mới. Thế rồi, cùng với tin về Chu Vĩnh Khang vào ngày 29 Tháng Bảy, báo chí Bắc Kinh cho biết Hội nghị Trung ương kỳ bốn sẽ được triệu tập vào Tháng 10 với trọng tâm là "dĩ pháp trị quốc", nghĩa là lấy pháp luật làm nền tảng cai trị, hoặc "xây dựng pháp quyền" hay "chế độ pháp trị". Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng đảng Cộng sản Trung Quốc còn đi tìm lý luận biện minh cho quyền lãnh đạo và thể thức lãnh đạo trong khi việc cải tổ kinh tế vẫn chưa thể tiến được. Đây là một điều rất đáng chú ý nếu ta nhớ tới biến động tại Hồng Kông.

Vũ Hoàng: Chúng tôi đề nghị ông đi từng bước để giải thích điều ông coi như một bế tắc của lãnh đạo Bắc Kinh sau khi phát động chiến dịch cải cách kinh tế và xã hội rộng lớn từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012 cho đến Hội nghị Trung ương kỳ trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ rằng từ Đại hội 17 vào năm 2007, lãnh tụ thời đó là ông Hồ Cẩm Đào thấy ra nhiều thất quân bình nguy hiểm trong nền kinh tế và muốn cải sửa mà không xong mà còn đào sâu thất quân bình đó vì vụ Tổng suy trầm toàn cầu từ năm 2008. Qua Đại hội 18 vào cuối năm 2012 thì thế hệ lãnh đạo mới là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cố thúc đẩy việc chuyển hướng kinh tế theo một nền tảng mới, nhưng thực tế thì Tập Cận Bình phải tập trung lại quyền lực chính trị và mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng để vừa tăng cường quyền hạn cho bản thân vừa phá vỡ các thế lực cưỡng chống tại cả trung ương lẫn địa phương.

- Suốt một năm trời, từ Hội nghị kỳ ba vào năm ngoái đến nay, chiến dịch bài trừ tham nhũng đã gây nhiều chấn động và thực tế thì làm đảng viên bàng hoàng và bộ máy công quyền bị tê liệt vì trong một hệ thống đảng trị với pháp quyền rất yếu của nhà nước thỉ bất cứ quyết định nào cũng có thể bị quy tội là tham nhũng. Vì vậy, khi Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào việc xây dựng chế độ cai trị bằng luật pháp thì ta thấy lãnh đạo Trung Quốc lại đi lòng vòng vào chốn cũ.

Vũ Hoàng: Thưa ông, khi họ nói đến cải tổ luật pháp thì liệu người ta có thể nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang tiến dần đến tình trạng cải cách chính trị hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn từ bên ngoài, giới quan sát và truyền thông Tây phương cứ nghĩ đến phạm trù quen thuộc của họ là cải cách chính trị sẽ dẫn đến dân chủ hóa hệ thống quyết định, là điều cần thiết cho một quốc gia rộng lớn, đa diện và đông dân như Trung Quốc. Sự thật nó lại khác hẳn. Lãnh đạo đảng Cộng sản Bắc Kinh không muốn từ bỏ chế độ độc đảng vì tin là chế độ ấy đã giúp họ chiến thắng rồi phát triển kinh tế trong hơn 30 năm liền. Bây giờ, vấn đề là làm sao cai trị một quốc gia phức tạp như vậy trong một thế giới mở, với một chế độ độc tài?

- Với quần chúng nhân dân ở dưới thì thế hệ lãnh đạo mới đề cao giấc mơ màu hồng là khái niệm "Trung Quốc mộng" của Tập Cận Bình, và đảng sẽ thể hiện giấc mộng ấy cho toàn dân. Thực tế thì Tập Cận Bình tập trung quyền hạn vào trong tay gần như Đặng Tiểu Bình ngày xưa và còn có dấu hiệu sùng bái cá nhân tương tự như Mao Trạch Đông khi cho học tập những lý luận có vẻ kinh điển của mình. Nhưng bên dưới hệ thống quyền lực đó thì vẫn có một khoảng trống của việc thi hành. Khi nói đến việc xây dựng chế độ gọi là "pháp trị", có lẽ Bắc Kinh lại trở về nếp văn hóa chính trị truyền thống, là đề cao Khổng Tử và tổ chức bộ máy cai trị lý tưởng theo kiểu Khổng Nho nhưng với nội dung bên trong là thủ thuật có tính chất bá đạo theo lối Pháp gia.

Vũ Hoàng: Ông có thể giải thích thêm chuyện này cho thính giả của chúng ta không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bên cạnh Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay, người Việt mình đều hiểu tinh thần cai trị gọi là "trong bá ngoài vương" của lãnh đạo Trung Quốc. Mặt ngoài thì người ta dựng lên cái vỏ vương đạo là cai trị bằng lý tưởng nhân đức do Khổng Tử đề cao. Mặt trong thì thực chất vẫn là bá đạo theo nghĩa xấu, dùng quyền lực và mưu lược để ép buộc mọi người cùng đi về một hướng do Thiên tử hay triều đình đề ra ở trên. Hiện tượng này khởi sự từ đời Hán, tức là cách nay 2220 năm và được các đời sau tiếp tục. Ngày nay, qua thế kỷ 21, đảng Cộng sản Trung Quốc lại trở về bài toán muôn thuở và áp dụng kỹ thuật cũ. Ta có thế thấy ra điều ấy khi Tập Cận Bình thường hay trích lời Khổng Tử trong các bài diễn văn của mình.

Vũ Hoàng: Nếu như vậy thì liệu họ có hy vọng thành công hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là mọi chế độ chính trị chỉ có thể tồn tại nếu kịp ứng phó với những đổi thay kinh tế và xã hội.

- Sau khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền một cách tuyệt đối từ năm 1949, thì quyền lực và mưu lược đó giúp ông ta cải tạo xã hội theo dự phóng đầy tính chất hoang tưởng khiến Trung Quốc bị khủng hoảng nặng sau hơn trăm năm lụn bại. Đặng Tiểu Bình thật sự là người làm cách mạng khi chuyển hướng kinh tế theo xu hướng trị trường và cải tổ xã hội để trong 30 năm Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc kinh tế.

- Nhưng khi kinh tế và xã hội đổi thay với hơn phân nửa dân số sống tại thành thị với lợi tức và những mơ ước cao hơn thì hệ thống chính trị phải thay đổi nếu không nó sẽ bất lực ở trên thượng tầng. Bên dưới sẽ là sự xoay trở ứng phó của xã hội, của người dân và các đảng bộ địa phương. Từ 2007, lãnh đạo đảng đã thấy ra chuyện này mà xoay trở không nổi. Bây giờ thế hệ lãnh đạo mới sẽ phải thâu tóm lại quyền lực và vẽ ra cái hướng mới cho người dân cùng theo và thật ra cái hướng mới đó chỉ là nếp văn hóa cũ chứ không hẳn là hệ thống dân chủ của phương Tây.

Vũ Hoàng: Như vậy, phải chăng là lãnh đạo Bắc Kinh muốn vuốt ve tự ái dân tộc với giải pháp có màu sắc truyền thống của Trung Hoa để giải quyết những vấn đề mới có tính chất toàn cầu vào thế kỷ 21?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ Trung Quốc đang đứng trước một cuộc cách mạng văn hóa vì phải xây dựng một hệ thống chính trị khác khi mà kinh tế, xã hội và cả thế giới đang thay đổi. Với khẩu hiệu "dĩ pháp trị quốc", lãnh đạo xứ này muốn lập ra hệ thống pháp luật áp dụng cho mọi người mà vẫn không thể giới hạn quyền lực của đảng. Họ rơi vào cuộc tranh luận là giữa đảng quyền và pháp quyền nhà nước, cái nào mới quan trọng? Giải pháp ở đây là củng cố đảng quyền dưới cái vẻ xây dựng pháp quyền nhà nước và quả là ve vuốt tự ái dân tộc với tư tưởng của Khổng Tử chứ không với lý luận về dân chủ hay dân quyền như các nước Tây phương.

- Xuyên qua đó, tôi cho rằng Trung Quốc còn gặp một bài toán lớn lao hơn nữa. Đó là diễn giải lại chủ nghĩa quốc gia dân tộc để biện minh cho quyền lực tuyệt đối của đảng và cũng vì vậy mà vụ khủng hoảng hiện nay tại Hồng Kông mới là một vấn đề nhức nhối.

Vũ Hoàng: Ông cho rằng chuyện Hồng Kông và Hội nghị kỳ bốn này có liên hệ với nhau?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nhớ lại thì Hông Kông là nơi đã có nền tảng pháp trị với hệ thống luật lệ tinh vi để điều tiết mọi sinh hoạt tự do của một xã hội mở. Bắc Kinh muốn trùm lên đó bức màn cai trị của đảng và bị giới trẻ biểu tình phản đối. Thậm chí nhiều người còn chối từ là công dân Trung Quốc mà chỉ muốn là người dân Hồng Kông. Bên kia eo biển Đài Loan cũng vậy, người dân rất kính trọng Khổng Tử nhưng lại thiết tha bảo vệ nền dân chủ do họ xây dựng từ hơn 20 năm trước.

- Bây giờ Hội nghị kỳ bốn nói đến chuyện pháp trị để giải quyết việc nước, và sẽ còn cho học tập tư tưởng của Khổng Tử để tìm mẫu số chung lớn nhất trong lòng dân. Nhưng chưa chắc là người dân Hoa lục đã ưa thích chuyện viển vông này, còn người dân Hông Kông hay Đài Loan thì nghi ngờ trò lừa phỉnh đó. Kết luận của tôi là chủ nghĩa quốc gia dân tộc Trung Quốc đang gặp bế tắc.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, bế tắc đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hãy nghĩ đến người Việt mình. Chủ nghĩa dân tộc của nước ta được xây dựng từ Việt tộc và tiến đến khái niệm quốc gia cho nên qua nhiều đời, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Hoàng Việt hay Việt Nam, v.v.... Trung Quốc lại khác, từ mấy ngàn năm nay, nền văn minh Hoa Hạ bị nhiều triều đại vua cai trị, và người dân tự xưng là thần dân của các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Khái niệm quốc gia hay dân tộc bị thâu nhiếp vào các đời vua, dù là Hoàng đế của dị tộc như Mông, Mãn, Liêu, Kim. Ta nên thấy ra sự khác biệt ấy với các nước Tây phương và nhất là sức mạnh của quốc gia Việt Nam.

- Bây giờ, với sức mạnh kinh tế và quân sự mới, lãnh đạo Bắc Kinh muốn phát huy chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc của họ mà chẳng biết nhồi nhét vào trong một cái nội dung nào thuộc về bản sắc, thí dụ như của Hán tộc chẳng hạn, ngoại trừ tư tưởng Khổng Tử. Đấy là một vấn đề thuộc về văn hóa.

- Vấn đề kia lại còn nan giải hơn, đó là làm sao củng cố vai trò của đảng trong cái chủ nghĩa quốc gia mới và với pháp quyền của nhà nước? Tôi e rằng chính đảng quyền sẽ đi ngược với chủ nghĩa quốc gia và phá vỡ pháp quyền nhà nước, tức là gây ra loạn to!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích rất rắc rối này.



Thứ Ba, tháng 10 21, 2014

Xuất Tiền Cũng Là Bệnh Truyền Nhiễm


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141021
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Ebola Czar ngồi thay Ebola Czarina


  * Phó Đề đốc Nicole Lurie, một "Ebola Czarina" được lãng quên *


Khi bệnh sốt xuất huyết do vi khuẩn Ebola gây ra bắt đầu lan vào nước Mỹ, với một trường hợp tử vong và hai nữ y tá bị nhiễm bệnh, chính trường Hoa Kỳ lại mắc nhiều chứng bệnh khác.

Trước hết là bệnh đổ lỗi. Giới chức cầm đầu Trung tâm Phòng chống Dich bệnh CDC đổ lỗi cho y tá là không tuân hành thủ tục phòng ngừa, dù thủ tục này chưa hề được nghiên cứu và đặt ra tại một bệnh viện đã chữa ca nhiễm bệnh đầu tiên tại thành phố Dallas của Texas. Sau đó, Bác sĩ Giám đốc là Thomas Frieden phải xin lỗi và nhận trách nhiệm khi ra điều trần trước Quốc hội.

Cũng vậy, nữ y tá thứ hai bị nhiễm bệnh bị đổ lỗi là đã mắc bệnh mà còn lên máy bay và gây rủi ro truyền nhiễm cho bao người khác. Sau đó người ta mới viết rằng viên ý tá này có tự đo lấy nhiệt độ, hỏi ý kiến của trung tâm CDC và được trả lời là cứ bay vì nhiệt độ chưa tới mức báo động.

Mọi nhà khoa học đều có thể cho biết rằng chính các y tá điều dưỡng bệnh nhân mới bị rủi ro nhiễm bệnh cao nhất, khởi đi từ trường hợp bùng phát đầu tiên vào năm 1976. Năm đó, các nữ tu người Bỉ làm y tá trong một nhà thương trên đất Congo nghèo túng đã là nạn nhân Ebola vì thiếu phương tiện phòng ngừa như bao tay, áo choàng và mặt nạ và còn phải dùng lại kim chích cũ.

Ngày nay và tại Hoa Kỳ, sự thể chắc chắn phải khá hơn, nhưng chưa biết có khỏi hay chăng, các y tá đã bị thượng cấp đổ lỗi.

Cũng trong loạt đổ lỗi, ta có thêm một lý do cao cấp hơn, được loan truyền sau khi Bác sĩ Francis Collins, Giám đốc viện Sức khỏe Quốc gia (National Institute of Healh – NIH) than phiền rằng việc nghiên cứu dịch bệnh cứ giảm liên tục từ 10 năm nay vì thiếu tiền, chứ đáng lẽ Hoa Kỳ đã tìm ra thuốc ngừa chủng rồi.

Cận ngày bầu cử thì người ta ít từ nan đòn bẩn nhưng lý do ly kỳ là Hoa Kỳ bị nguy cơ Ebola vì ngân sách bị cắt. Truyền thông và các nhà bình luận thuộc cánh tả nhảy vào đó mà đỗ lỗi cho phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà.

Sự thật thì Viện NIH đã khởi sự nghiên cứu về Ebola từ năm 2001 và trong bốn năm, từ 2000 đến 2004 thì ngân sách đã tăng 58% và ngân sách của bộ chủ quản là Sức khoẻ và Công dân vụ (Health and Human Services Department) hiện lên tới 958 tỷ Mỹ kim chứ không ít.

Khi gánh công trái của Mỹ đã vượt Tổng sản lượng và mấp mé 18 ngàn tỷ đô la thì quả là Quốc hội nên rà soát lại các khoản chi phi lý của cái viện uyên bác này. Kể cả một dự án nghiên cứu ảnh hưởng của truyền hình và trạm xăng trong các ngôi làng tại Việt Nam, hoặc về tác dụng của nha phiến cocaine trên nhịp độ tình dục của.... chim cút Nhật Bản!

Còn Trung tâm CDC thì có ngân sách tăng 200% kể từ năm 2000 đến nay để lên tới bảy tỷ đô la và được các đảng viên Cộng Hoa tăng chi còn nhiều hơn dự luật do Hành pháp Obama đề nghị. Và nhờ vậy mà có tiền vào nhiều dự án tào lao không kém. Thí dụ như lập ra một ban đặc nhiệm 15 người để nghiên cứu ảnh hưởng của mũ an toàn cho người đi xe hai bánh và đề nghị tăng cường việc kiểm soát. Đội mũ an toàn hay cải thiện sân chơi cho trẻ em có liên quan gì đến việc phòng chống dịch bệnh?

Nhưng lý do cao cấp nhất được nêu ra là vì Hoa Kỳ không có một người theo dõi việc phối hợp hành động chống bệnh Ebola, một "Ebola Czar".

Dù rất bận đi vận động tiền tranh cử để duy trì được đa số Dân Chủ trong Quốc hội hầu ông có thể tiếp tục cải tạo nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã phải quan tâm đền mối nguy Ebola và lập tức chỉ định một chính khách làm "Ông trùm Ebola" có nhiệm vụ báo cáo lên Cố vấn An ninh Quốc gia là Susan Rice.

Phe đối lập Cộng Hoà thì than rằng vì sao lại bổ nhiệm một chính trị gia quen nghề vận động hành lang mà không tìm tới một tướng lãnh để chỉ huy mặt trận này?

Như thông lệ, đảng Cộng Hoà có trí nhớ khá nông mà quên mất một Phó Đề đốc (ngang hàng Thiếu tướng) đã có nhiệm vụ đó. Còn Chính quyền Obama thì chỉ mong là chúng ta cũng quên viên chức này - vì bà ta đang ôm một bình ga lặn rất sâu.

Bộ Sức khoẻ và Công dân vụ HHS có tám phụ tá Tổng trưởng. Một trong tám người đó là Phụ tá Tổng trưởng về Chuẩn bị và Đối phó (Assistant Secretary for Preparedness and Response), có nhiệm vụ "lãnh đạo đất nước để ngăn chặn, đối phó và hồi phục khỏi tác động xấu trên sức khỏe của công chúng trong các trường hợp khẩn cấp và thiên tai, từ bão lụt tới khủng bố bằng võ khí sinh hóa".

Từ Tháng Tám năm 2009, Phó Đề đốc Nicole Luire được đề cử vào chức vụ này và cho biết là sẽ "dốc sức chuẩn bị đất nước cho các trường hợp khẩn cấp với loại biện pháp ứng phó như dược phẩm và thuốc chủng ngừa mà dân chúng có thể cần". Một người như vậy phải nghĩ trước tới các kịch bản bất ngờ nhất, từ dịch bệnh toàn cầu tới khủng bố sinh hóa hay động đất, v.v....

Tức là bộ máy hành chánh công quyền Hoa Kỳ đã có một viên chức cao cấp được nhiệm vụ trù hoạch trường hợp bị dịch bệnh bất ngờ, như bệnh Ebola hiện nay. Và đấy là một nữ tướng chứ không nhỏ. Một Ebola Czarina. Vậy mà bộ máy hành chánh Hoa Kỳ có thêm một viên chức mới, lãnh lương mới, có nhiệm vụ trùng lập với một vị trí có sẵn để Chính quyền Obama bày tỏ quyết tâm giải quyết mối nguy Ebola.

Người ta vừa lập ra một tầng phối hợp mới, từ bộ Công dân vụ HHS chuyển qua Cố vấn An ninh Quốc gia với ngân sách mới, nhân lực mới. Nghĩa là Hoa Kỳ lại mắc bệnh xuất tiền và thừa giấy vẽ voi.

Câu hỏi đáng nêu ra hơn cả là trong mấy tuần qua, khi cả nước từ Tổng thống trở xuống, đều điên đảo với nguy cơ Ebola, thì vì sao chẳng ai nghe nói gì đến Tướng Nicole Lurie?

Vốn dĩ cũng là bác sĩ và có bằng cao học về sức khỏe công cộng (MSPH), bà Lurie phải có thẩm quyền về dịch bệnh Ebola nhưng có lẽ lại mắc bệnh nghẹn lời vì một vụ tai tiếng liên quan đến tiền bạc và thuốc men từ ba năm về trước. Công ty chế tạo dược phẩm Siga do tỷ phú Ron Perelman nắm đa số phần hùn được một hợp đồng hơn 400 triệu đô la để cung cấp thuốc ngừa đậu mùa. Phụ tá Tổng trưởng Lurie có thể đã liên hệ đến sự chọn lựa này vì Ron Perelman chi rất xộp cho đảng Dân Chủ.

Chi tiết mủi lòng là tháng trước, Siga đã khai báo phá sản. Còn công ty Chimerix kỳ đó bị gạt ra ngoài lại là hãng chế tạo thuốc Brincidofovir đang có hy vọng chữa được Ebola.

Vì thế, Hoa Kỳ mới cần một Ebola Czar khác?\

___________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ


Trò chơi bán chạy nhất trong mấy tuần qua chính là... vi khuẩn Ebola. Công ty Giantmicrobes Inc, tại Connecticut chuyên trị về sản xuất đồ chơi có hình dạng của vi trùng hay vi khuẩn. Khi mối lo Ebola bùng phát thì sản phẩm về Ebola, được họ gọi là "đồ chơi truyền nhiễm", đã bán sạch nên nhiều người đang ghi tên là "khách chờ Ebola". Khách xộp của công ty là tổ chức Y tế Thế giới WHO, các nhà thuốc tây và Hồng thập tự Quốc tế. Người Mỹ quả là thính mũi.

Thứ Sáu, tháng 10 17, 2014

Turkey và Món Gà Nhồi Bom


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 141017

Chiến lược thổ tả của xứ Thổ Nhĩ Kỳ

Vị trí Turkey giữa bốn hướng Đông Nam Tây Bắc

 














Sau nhiều tuần xôn xao về thành phố Kobani tại vùng biên giới giữa Syria với xứ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ), truyền thông Tây phương bỗng tắt máy rọi đèn qua hướng khác.

Phải chăng người ta hết quan tâm đến số phận của dân Kurd bị tổ chức khủng bố ISIL (Nhà nước Hồi giáo) nã đạn vào lưng mà chạy túa lên phía Bắc thì bị lính Thổ chặn cửa và thậm chí sát hại?

Lý do khiến Kobani trở thành đề tài thời sự là vì các thông tín viên có thể chụp hình khói lửa từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và họ gây ra ấn tượng về đà thắng thế của quân ISIL trong lãnh thổ Syria trước sự dửng dưng của xứ Thổ. Sự thật thì giao tranh vẫn tiếp diễn dữ dội ở nhiều nơi tại Iraq và bên trong Syria như vùng Tây Nam gần xứ Lebanon hay chung quanh thủ đô Damascus, Chỉ vì chẳng có truyền thông tường thuật thì người ta coi như chuyện không có.

Bây giờ, có lúc Kobani như biến khỏi bản đồ, dù vẫn còn nghi ngút khói với phân nửa đã vào tay quân khủng bố, là điều khiến Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ than là "bi thảm!".

Đấy là cơ hội chúng ta trở về lập trường của xứ Thổ, dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Và nói chuyện Thổ để trở về chuyện Mỹ.


***

Với biệt tài nói nhảm, hai tuần trước, Phó Tổng thống Joe Biden đã kết án lãnh đạo nhiều nước Hồi giáo, kể cả và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vể tội gián tiếp yểm trợ quân khủng bố ISIL. Hoặc ít nhất là không sốt sắng hợp tác với Hoa Kỳ để truy lùng và tiêu diệt ISIL.

Sau khi phát biểu và bị đồng minh phản đối thì Joe Biden lần lượt điều chỉnh tác xạ với lời xin lỗi.

Thật ra, ít ai muốn tham gia chiến lược diệt trừ ISIL của Tổng thống Barack Obama, được đề ra cả tháng rồi mới dán nhãn là "Operation Inherent Resolve" – Chiến dịch Quyết tâm Nội tại – với một định đề tiên quyết của Obama là không thả lính nhập trận, "no boots on the ground".

Dưới sự lãnh đạo như vậy của Hoa Kỳ, mỗi quốc gia lại đánh giá mối nguy hay nguồn lợi một khác. Trường hợp nổi bật nhất chính là xứ Thổ, có tên được Âu hóa là Turkey, như con gà Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ là mảnh vụn còn lại – và lớn nhất – của Đế quốc Hồi giáo Ottoman, một đế quốc hiện hữu từ năm 1299, rồi bị hai cường quốc Âu Châu là Anh Pháp đánh bại và xé xụn cách nay 95 năm.

Nằm giữa các khu vực hay cường quốc như Trung Đông, Âu Châu, Nga cùng các nước Tây phương, xứ Thổ này quả thật là không giống ai.

Dù theo Hồi giáo, dân Thổ không thuộc sắc tộc Ba Tư (của Iran) hay Á Rập (như Jordan, Iraq, Saudi Arabia), lại rất ngại sắc tộc Kurd sống trong lãnh thổ và tản mác tại các xứ lân bang như Syria, Iraq. Dù là thành viên của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, với quân số cao nhất sau Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng được coi là một nước Âu Châu, lại còn bị cự tuyệt khi xin gia nhập Liên hiệp Âu châu. Dù là cường quốc cấp vùng đã theo đuổi đường lối canh tân từ thời quốc phụ Mustapha Kemal Attaturk, Thổ Nhĩ Kỳ không thể Âu hóa, lại còn bị Đế quốc Nga rồi Liên bang Xô viết chặn đường bành trướng vào khu vực Caucasus nằm giữa Hắc hải và biển Caspian.

Khi đó, bản sắc hay căn cước của dân Thổ là gì?

Recep Tayyip Erdogan đề ra chủ trương phát huy sức mạnh của một quốc gia Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, và đàng Công lý và Phát triển của ông được đa số ủng hộ nên ông làm Thủ tướng từ năm 2002. Sau ba lần thắng cử liên tiếp (2002, 2007 và 2011), ông đang giữ vị trí Tổng thống và tiếp tục chủ trương củng cố sức mạnh cho một Quốc gia Hồi giáo.

Chủ trương xây dựng một Quốc gia Hồi giáo – State of Islam – của Erdogan thật ra có họ với tinh thần của lãnh tụ ISIL là Abu Bakr al-Baghdadi. Nếu có khác biệt thì chỉ về phương pháp ít cực đoan sắt máu hơn. Đây là lý do chính khiến lãnh tụ Erdogan của xứ Thổ không muốn tấn công tổ chức ISIL, mà cũng chẳng yểm trợ hay hợp tác với al-Baghdadi như nhiều giới chức Hoa Kỳ tố cáo (Joe Biden). hoặc lo ngại.

Chiến lược Thổ của Erdogan còn tinh vi hơn vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách trục lợi nhờ sức bành trướng của lực lượng ISIL. Tổ chức khủng bố này làm suy yếu chế độ Bashar al Assad tại Syria và thu hẹp ảnh hưởng của các Giáo chủ Iran tại khu vực trải rộng ở miền Nam, từ Lebanon (nhờ lực lượng khủng bố Hezbollah) qua Syria (nhờ al Assad) tới Iraq (nhờ thế lực của hệ phái Shia).

Vì vậy, Erdogan mới có lập trường cổ quái là nếu muốn tấn công tổ chức ISIL thì phải lật đổ chế độ al Assad tại Damascus, là điều mà Chính quyền Obama đã dự tính khi vạch ra "lằn ranh đỏ" rồi lại xoá. Chẳng những vậy, Erdogan còn đề nghị là sau khi thanh toán xong chế độ al Assad tại Syria và để chặn đường tổ chức ISIL cực đoan quá khích thì các nước Tây phương nên học gương... Thổ Nhĩ Kỳ là xây dựng một chính quyền dân chủ theo Hồi giáo.

Diễn giải cho rõ hơn: Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi điều đã bị Âu Châu cự tuyệt từ 95 năm trước, là mở rộng ảnh hưởng đến tận Syria, xưa kia là một tỉnh của Đế quốc Ottoman.

Nhân chuyện Iraq (mà Erdogan từ chối tham gia từ năm 2003), rồi Syria từ ba năm qua cho đến ISIL ngày nay, xứ Thổ ôm giấc mơ lãnh đạo dân Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni ngay giữa khu vực Trung Đông, là thế lực đối trọng với hệ phái Salafist do Saudi Arabia yểm trợ, và ngăn cản sự bành trướng của hệ phái Shia theo Iran.

Bên trong khu vực này, Erdogan có thể hợp tác với lực lượng võ trang Peshmerga rất thiện chiến của dân Kurd tại Iraq để giới hạn ảnh hưởng của phe Shia tại Baghdad, Nhưng lại muốn mượn bàn tay sắt của ISIL diệt trừ ảnh hưởng của dân Kurd tại Syria. Lính Thổ không nhảy vào Kobani cứu dân Kurd vì cộng đồng Kurd vẫn có thiện cảm với đảng PKK, đảng Công nhân Kurdistan, là đảng muốn ly khai đã từng tấn công Chính quyền Thổ tại Ankara từ nhiều thập niên rồi.


***

Dù chỉ khái quát duyệt lại những tính toán đầy hiểm nguy của Thổ Nhĩ Kỳ, ta cũng thấy lịch sử soi ngược lên năm 1919 và địa dư trải rộng lên khu vực rộng lớn của nhiều sắc tộc và hệ phái Hồi giáo. Mấy chi tiết ấy mới khiến người ta lờ mờ đoán ra số phận của Kobani và của dân Kurd và thấy rõ hơn những giới hạn của chiến lược Obama.

Lãnh đạo Ankara không sợ lực lượng ISIL sẽ tràn vào lãnh thổ của mình nhưng e ngại dân Kurd. Erdogan sẵn sàng gây mâu thuẫn với Hoa Kỳ và còn canh chừng chánh sách hòa giải của Obama với xứ Iran trong khi Obama chẳng có quyết tâm giải quyết hồ sơ ISIL. Mà trong khu vực nhiễu nhương ấy, Thổ Nhĩ Kỳ không là đồng minh duy nhất của Mỹ đã nhìn qua hướng khác, với rất nhiều rủi ro cho dân Hồi giáo.

Chiến lược nào mới thật sự là thổ tả?