Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 141003
Thiện Ác dàn
trận tại Hồng Kông
* Một thanh niên đòi dân chủ đang đối thoại thì bị một người chống biểu tình đá vào lưng. Ảnh Reuters ngày mùng ba Tháng 10 *
Cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông
sẽ kéo dài đến năm 2017. Từ nay đến đó, chiêu pháp của phong trào dân chủ, của
lãnh đạo Bắc Kinh, của doanh trường và quốc tế, có thể biến hóa thế nào? Xin
tạm phác họa các lộ trình dự đoán sau đây để theo dõi, học hỏi - và khỏi
lạc.
Trước hết là về bối cảnh thời sự.
Phong
trào dân chủ ra tối hậu thư là viên Hành chánh Trưởng quan Lương Chấn Anh phải
từ chức ngày mùng một Tháng 10, nếu không thì họ sẽ chiếm đóng các công thự của
chính quyền. Hôm mùng hai, Lương Chấn Anh chính thức từ chối, cho nên cuộc đấu tranh
sẽ bước qua ngả mới trong tinh thần là đôi bên đều không nhượng bộ.
Sau
một tuần nghỉ lễ Quốc khánh Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc từ mùng một, qua đến tuần
tới, tình hình sẽ sôi động hẳn với nhiều biến cố bất ngờ hơn.
Cuộc
đấu tranh chính thức khởi sự ngày 22 Tháng Chín khi sinh viên bắt đầu biểu tình
ở nhiều nơi để đòì hỏi: 1) Lương Chấn Anh từ chức, và 2) Bắc Kinh mở rộng việc
cải cách chính trị, 3) và cụ thể là thay đổi thể thức tuyển chọn và bầu chức Hành
chánh Trưởng quan kể từ cuộc bầu cử năm 2017, thay vì 4) thu hẹp quyền bầu cử của
dân Hong Kong như Bắc Kinh thông báo qua Bạch thư ngày 10 Tháng Sáu, được Thường
vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành ngày 31 Tháng Tám vửa qua.
Khi
kiểm lại diễn tiến từ Bạch thư Tháng Sáu như vậy, ta có thể thấy những nguyên
nhân sâu xa xuất phát từ phía Bắc Kinh và sau đó là phản ứng dồn dập của dân
Hong Kong.
Khi ấy ta mới nhớ là từ đầu Tháng Bảy, Hong Kong đã có biểu tình nhân
dịp kỷ niệm 17 năm ngày trở về với Trung Quốc (mùng một Tháng Bảy năm
1997). Cuộc biểu tình ôn hòa hôm đó đã gia tăng cường độ trong những ngày sau với
từ 10 vạn đến 20 vạn người tham gia. Phe biểu tình nói đến con số nửa triệu và còn
nhắc đến cuộc biểu tình vào Tháng Ba của sinh viên học sinh Đài Loan để chống lại
một Hiệp định mà Tổng thống Trần Thủy Biển muốn ký với Bắc Kinh.
Chỉ
nhắc lại như vậy, ta cũng thấy mọi sự manh nha từ đã lâu.
Bắc Kinh có chiến lược lâu dài nên không nhượng bộ và như đã từng làm, còn nhắm vào việc khai thác dị biệt về chiến thuật bên trong phong trào dân chủ để gây phân hóa. Ngược lại, phong trào dân chủ và các giá trị phổ cập về quyền tự do cũng tác động vào tâm tư của người dân Đài Loan lẫn thành phần dân chúng bất mãn bên trong Hoa lục, đến các nhóm đấu tranh cho dân chủ, kể cả lực lượng Pháp Luân Công và những người vận động cho cuộc "Cách mạng Hoa nhài" vào mùa Xuân 2011.
Đấy
là về bối cảnh hay khung cảnh của trận đánh.
***
Phe dân chủ tại Hong Kong
Phong
trào đấu tranh Hong Kong có ba tổ chức chính đã phát động chiến dịch chiếm đóng
gọi là Occupy Central. Đó là 1) "Liên đoàn Sinh viên Hong Kong" (Hong
Kong Federation of Students) 2) "Học dân Tư trào" của học sinh trung
học, thành lập từ năm 2011, có tên Anh ngữ là Scholarism trong ý nghĩa là trào
lưu tư tưởng của những người có học), và 3) nhóm đấu tranh cho dân chủ có tên là
"Occupy Central with Love and Peace".
Theo
diễn tiến thì Liên đoàn Sinh viên khởi sự biểu tình ngày 22 Tháng Chín với mấy
ngàn sinh viên tham gia. Ngày 26, Học dân Tư trào kêu gọi cả ngàn học sinh xuống
đường bên sinh viên. Ngày 28, phong trào Chiếm đóng Trung ương bằng Tình thương
và Hoà bình nhập cuộc và nâng số người biểu tình lên gần hai vạn. Đấy là lúc cảnh sát đàn áp bằng lựu đạn cay và vòi rồng phun nước. Việc đàn áp gây bất
mãn cho các thành phần xã hội khác, gồm công nhân thợ thuyền, giáo sư, luật sư,
các nhân vật nổi tiếng và một số công chức trong các đảng phái cổ võ dân chủ.
Đặc
điểm chung của các tổ chức biểu tình là có tinh thần tự chế, họ áp dụng chiến
thuật bất bạo động, giữ kỷ luật về tiếp liệu và vệ sinh (như đeo túi nhựa chống
hơi cay, kêu gọi đừng xả rác và tự động hót rác). Chính là tinh thần tự giác và kỷ cương của những
người rất trẻ, thuộc loại thanh thiếu niên, mới tranh thủ dư luận và không gây ác
cảm cho quần chúng bằng hành động đập phá hay thổ phỉ.
Họ
có duy trì được những ưu điểm ấy hay không?
Bắc
Kinh có thể phá hoại kỷ cương và sự phối hợp giữa các nhóm tổ chức bằng hành vi
khiêu khích và cướp bóc của bọn đầu gấu và công an chìm, như đã thấy tại Việt
Nam trong các cuộc biểu tình vì dàn khoan Hải Dương.
Chúng
ta nên theo dõi chuyện này, để tường thuật, nhận định hoặc để... rút tỉa kinh
nghiệm.
***
Sóng tràn vào Hoa lục
Đa
số người dân Hoa lục không mấy ưa dân Hong Kong vì 1) dân Hong
Kong có mức sống cao gấp bảy, 2) có tinh thần quốc tế hơn là quốc gia gò bó,
3) lại hay tự do phát biểu về nhiều vấn đề mà dân Hoa lục chẳng hiểu gì vì sống
quá lâu dưới chế độ cộng sản. Một số không ít từ Hoa lục đã qua sống tại
Hong Kong, để hưởng lợi nhờ tự do và thị trường, nhưng cũng chẳng vui khi thấy
dị biệt quá lớn về lợi tức và còn e rằng biến động sẽ khiến họ bị thiệt về kinh
tế.
Vì
vậy, dân Tầu dưới chế độ cộng sản sẽ lặng yên, hoặc khó chịu, về cuộc đấu tranh
cho dân chủ tại Hong Kong và có khi sẽ tham gia chống biểu tình nếu được tay chân Bắc Kinh huy động.
Nhưng,
một thiểu số quan tâm tại Hoa lục lại có thiện cảm với phong trào, đó là trí thức
và sinh viên học sinh. Họ loan truyền tin tức và trao đổi kinh nghiệm cho nhau mà
vẫn biết tới bàn tay kiểm duyệt mạng lưới điện toán của nhà nước Bắc Kinh.
Trong
trận đánh Hong Kong, quần chúng tại Hoa lục có các thành phần khác nhau. Kẻ ưu
lo về kinh tế thì cau mặt đứng ngoài, và còn bị Bắc Kinh xúi giục chống phá.
Người nông cạn theo chủ nghĩa ái quốc hẹp hòi thì chê dân Hong Kong là vong bản và có thể bị Bắc
Kinh lợi dụng. Thành phần theo đuổi lý tưởng tự do dân chủ thì cổ võ việc đấu
tranh, nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ.
Chúng
ta nên theo dõi động thái của thành phần dân chủ tại Hoa lục. Đấy là thiểu số nhưng
có thể làm làn sóng dân chủ lan vào trong, là điều Bắc Kinh sợ nhất. Những nơi
ta cần kiểm tin là Thẩm Quyến, là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Phúc
Kiến, thậm chí Tứ Xuyên.
Và cũng chẳng quên rằng Trung Quốc đang có mấy vạn cuộc biểu tình vì sự bất mãn của người dân về đủ mọi vấn đề.
***
Quốc tế và Thế giới
Nói
đến dư luận Hoa lục và quốc tế, các tổ chức gốc Hoa đấu tranh cho dân chủ tại
Trung Quốc đều có thông tin trên không gian điện toán. Chúng ta nên tìm trên mạng
để hiểu thêm về dư vang từ Hong Kong ra quốc tế.
Nói
chung, Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ, Anh và nhiều nước Âu Châu có kêu gọi Bắc Kinh tôn
trọng khát vọng dân chủ của người dân Hong Kong. Nhưng mới chỉ là lời kêu gọi
mang tính chất đạo lý, chứ chưa có lập trường ngoại giao chính trị rõ rệt hơn. Song
song, cũng chưa thấy có chứng cớ gì về việc quốc tế yểm trợ phong trào dân chủ,
bằng tiền bạc, nhân lực hay tổ chức.
Nhưng
Bắc Kinh thì mau mắn vu cáo Hoa Kỳ có nhúng tay vào chuyện Hong Kong.
Thật ra, lãnh đạo nước Mỹ
còn ngổn ngang nhiều chuyện. Theo lời phát ngôn nhân của bộ là Marie Harf thì Bộ
Ngoại giao Mỹ chỉ nói chung chung về lý tưởng dân chủ chứ chưa minh định rằng Bắc
Kinh phải làm gì và không nên làm gì! Nói rõ, Hoa Kỳ đang né. Những ai ở Việt
Nam mà cứ đòi hướng Mỹ để thoát Trung thì nên tự thoát khỏi sự lạc hậu của mình.
Tuy
nhiên, một số nhân vật đấu tranh cho dân chủ Hong Kong có loan tin rằng họ có đường
dây liên lạc với các chính khách Tây phương, có khi lên tới Phó Tổng thống Mỹ
hay Phó Thủ tướng Anh. Họ không chờ đợi sự yểm trợ từ các chính trị gia ấy, nhưng
ít nhất thì vẫn có cách thông tin tới cấp cao của các nước dân chủ. Khi nào các cường
quốc này muốn xoay chuyển chính sách thì họ cũng biết được về cách suy nghĩ hay
đấu tranh của những người trong cuộc.
Quan
trọng nhất trong loạt phản ứng của thế giới, phong trào dân chủ có thể nghĩ đến
sự tiếp sức và quảng bá nhờ 1) các nhà hoạt động và thanh niên sinh viên tại Đài
Loan đã từng chống lại chính sách thân Hoa lục của Tổng thống Mã Anh Cửu bên Quốc
dân đảng; 2) phong trào Pháp luân công; 3) phong trào Hương nhài; và 4) các tổ
chức nhân quyền trên thế giới....
***
Phản ứng của Thị trường
Từ
hai thập niên, ưu thế kinh tế của Hong Kong có thay đổi, vì hết là một trung tâm ráp
chế nhờ nhân công rẻ mà chuyển thành trung tâm dịch vụ, với tư bản từ Hoa lục
tràn vào đã gây ra nhiều vấn đề vì thổi lên bong bóng đầu cơ và giảm sức cạnh
tranh của Hong Kong. Ưu thế còn lại của Hong Kong chính là vị trí trung tâm tài
chánh và nơi tiếp nhận đầu tư quốc tế. Trong hoàn cảnh đó, doanh giới Hong Kong
cố giữ thái độ thân hữu với Bắc Kinh để bảo toàn quyền lợi.
Tuy
nhiên, họ cũng ý thức rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục can thiệp và thu hẹp khả năng
quyết định của Hong Kong thì ưu thế của họ cũng sẽ chấm dứt. Họ đang phân vân
giữa hai ngả, là theo Bắc Kinh cho an toàn hay nhích vào vị trí trung lập? Một
số không ít thì vẫn duy trì quan hệ với các lãnh tụ đấu tranh và có khi còn ngầm
yểm trợ vì nhìn xa hơn.
Thứ
nữa, khi biến động bùng nổ, kỷ luật bất bạo động của phong trào biểu tình đã không
dẫn tới nạn đập phá cửa hàng và dù có cản trở lưu thông hay khiến các ngân hàng
đóng cửa thì vẫn chưa thiệt hại nhiều cho việc làm ăn. Sau dịp nghỉ lễ này, khi
các cơ sở kinh doanh mở cửa, ta có thể đoán biết phản ứng của doanh trường, nếu
việc buôn bán bị cản trở hoặc bị phá hoại.
Nhìn
rộng ra ngoài hơn nữa thì từ bốn năm nay, giới đầu tư quốc tế và các tổ hợp lớn
đều đang nghĩ lại. Ưu thế kinh tế của Trung Quốc đã giảm, với lương cao hơn
và người có tay nghề lại hiếm hơn làm họ nghĩ tới giải pháp thay thế ở xứ khác.
Bây giờ, khi pháp quyền nhà nước Bắc Kinh còn muốn khống chế Hong Kong, là nơi
có nền kinh tế tự do nhất, thì doanh giới quốc tế càng phải đắn đo, và sẽ rút vốn
đi tìm nơi ổn định và an toàn hơn.
Vì
thế, kịch bản tháo chạy rất dễ xảy ra.
***
Chiến pháp Bắc Kinh
Cho
tới nay, lãnh đạo Bắc Kinh cứ làm như đây là vấn đề nội bộ của dân Hong Kong với
hệ thống hành chánh và chính trị Hong Kong, trong khi họ giữ thái độ cứng rắn. Họ trì hoạn và mong là phong trào dân chủ sẽ tan rã vì những mâu thuẫn
nội bộ, là chuyện đã từng xảy ra. Nhưng, nếu việc chống đối lại không phạm sai
lầm mà kéo dài thêm vài tuần thì Bắc Kinh lâm thế kẹt vì... hết vốn thời gian.
Sau viễn ảnh Hong Kong khói lửa năm 2014 sẽ là khủng hoảng chính trị năm 2017.
Lúc
đó, lãnh đạo Bắc Kinh bị đẩy vào chân tường.
Bắc
Kinh có thể đình hoãn việc áp dụng các quyết định của Bạch Thư, tìm giải pháp
thoái nhiệm cho Lương Chấn Anh và mở rộng danh sách tuyển cử để giảm sức ép của
phong trào nhưng vẫn cố nắm dao đằng chuôi. Tuy nhiên, dù mới chỉ mở màn thương
thảo với dân biểu tình để bày ra những trở ngại mới thì trung ương vẫn có vẻ nhượng
bộ, với hậu quả tai hại lan ra toàn quốc khi đang có nhiều vụ biểu tình bên trong Hoa lục.
Với
xác suất rất nhỏ, Bắc Kinh có thể lùi cho tới ngày phản công bằng một vụ đàn áp
sau khi thay thế các viên chức an ninh và cảnh sát Hong Kong. Đấy là "kịch
bản Thiên An Môn 1989" mà mọi người đều nhớ. Lần trước, Đặng Tiểu Bình cho
mở cuộc tàn sát mà sau vài năm phản đối vu vơ, các nước đều quay lại hợp tác làm
ăn. Lần này, họ nghĩ là biết đâu tình hình cũng sẽ như vậy?
Nhưng
lần này sự thể đã khác vì trung ương đang gặp cùng lúc rất nhiều vấn đề kinh tế,
xã hội, chính trị ở thượng tầng, hoặc động loạn tại Tân Cương, Tây Tạng.
Và
nếu Hong Kong mà cũng bị đàn áp thì còn mấy ai tin vào thiện chí làm ăn của Bắc
Kinh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét