Thứ Tư, tháng 10 22, 2014

Hội Nghị Trung Ương Kỳ Bốn tại Bắc Kinh

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 141022
Diễn đàn Kinh tế  

Thuật "trong bá ngoài vương" kiểu cộng sản làm đảng quyền sẽ gây khó cho quốc gia 

Môt cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 3 năm 2014.
* Một cuộc họp của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) tại Nhân dân Đại sảnh đường
ở Bắc Kinh hồi Tháng Ba năm 2014. (minh họa) AFP) *

Tuần này, đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ bốn của khóa 18 tại Bắc Kinh khi kinh tế có dấu hiệu đình trệ và việc cải cách đề ra từ Hội nghị Trung ương kỳ trước vẫn chưa tiến triển. Như vậy, định hướng sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh sẽ là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Kinh kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ này 20 đến 23 tháng này, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Hội nghị kỳ bốn để đề ra đường lối lãnh đạo của đảng trong thời gian tới. Sau Hội nghị Trung ương kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái thì lãnh đạo Bắc Kinh có đề ra đường lối cải cách rộng lớn mà hình như chưa thấy tiến hành. Lần này thì họ trù tính những gì trong bối cảnh không mấy sáng sủa về kinh tế và khá bất trắc về chính trị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Muốn tìm hiểu chuyện này thì chúng ta sẽ lại trở về bối cảnh quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Cuối Tháng Bảy vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh xác nhận những tin đồn được loan tải từ trước, rằng nguyên Chủ tịch Ban Chính pháp Trung ương đảng là Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ và điều tra vì vi phạm kỷ luật đảng. Ông Chu Vĩnh Khang là một Ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị từ khóa trước và là nhân vật có thế lực mà vẫn bị điều tra về tội tham nhũng, có thể là với dụng tâm chính trị của lãnh đạo mới. Thế rồi, cùng với tin về Chu Vĩnh Khang vào ngày 29 Tháng Bảy, báo chí Bắc Kinh cho biết Hội nghị Trung ương kỳ bốn sẽ được triệu tập vào Tháng 10 với trọng tâm là "dĩ pháp trị quốc", nghĩa là lấy pháp luật làm nền tảng cai trị, hoặc "xây dựng pháp quyền" hay "chế độ pháp trị". Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng đảng Cộng sản Trung Quốc còn đi tìm lý luận biện minh cho quyền lãnh đạo và thể thức lãnh đạo trong khi việc cải tổ kinh tế vẫn chưa thể tiến được. Đây là một điều rất đáng chú ý nếu ta nhớ tới biến động tại Hồng Kông.

Vũ Hoàng: Chúng tôi đề nghị ông đi từng bước để giải thích điều ông coi như một bế tắc của lãnh đạo Bắc Kinh sau khi phát động chiến dịch cải cách kinh tế và xã hội rộng lớn từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012 cho đến Hội nghị Trung ương kỳ trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ rằng từ Đại hội 17 vào năm 2007, lãnh tụ thời đó là ông Hồ Cẩm Đào thấy ra nhiều thất quân bình nguy hiểm trong nền kinh tế và muốn cải sửa mà không xong mà còn đào sâu thất quân bình đó vì vụ Tổng suy trầm toàn cầu từ năm 2008. Qua Đại hội 18 vào cuối năm 2012 thì thế hệ lãnh đạo mới là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cố thúc đẩy việc chuyển hướng kinh tế theo một nền tảng mới, nhưng thực tế thì Tập Cận Bình phải tập trung lại quyền lực chính trị và mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng để vừa tăng cường quyền hạn cho bản thân vừa phá vỡ các thế lực cưỡng chống tại cả trung ương lẫn địa phương.

- Suốt một năm trời, từ Hội nghị kỳ ba vào năm ngoái đến nay, chiến dịch bài trừ tham nhũng đã gây nhiều chấn động và thực tế thì làm đảng viên bàng hoàng và bộ máy công quyền bị tê liệt vì trong một hệ thống đảng trị với pháp quyền rất yếu của nhà nước thỉ bất cứ quyết định nào cũng có thể bị quy tội là tham nhũng. Vì vậy, khi Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào việc xây dựng chế độ cai trị bằng luật pháp thì ta thấy lãnh đạo Trung Quốc lại đi lòng vòng vào chốn cũ.

Vũ Hoàng: Thưa ông, khi họ nói đến cải tổ luật pháp thì liệu người ta có thể nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang tiến dần đến tình trạng cải cách chính trị hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn từ bên ngoài, giới quan sát và truyền thông Tây phương cứ nghĩ đến phạm trù quen thuộc của họ là cải cách chính trị sẽ dẫn đến dân chủ hóa hệ thống quyết định, là điều cần thiết cho một quốc gia rộng lớn, đa diện và đông dân như Trung Quốc. Sự thật nó lại khác hẳn. Lãnh đạo đảng Cộng sản Bắc Kinh không muốn từ bỏ chế độ độc đảng vì tin là chế độ ấy đã giúp họ chiến thắng rồi phát triển kinh tế trong hơn 30 năm liền. Bây giờ, vấn đề là làm sao cai trị một quốc gia phức tạp như vậy trong một thế giới mở, với một chế độ độc tài?

- Với quần chúng nhân dân ở dưới thì thế hệ lãnh đạo mới đề cao giấc mơ màu hồng là khái niệm "Trung Quốc mộng" của Tập Cận Bình, và đảng sẽ thể hiện giấc mộng ấy cho toàn dân. Thực tế thì Tập Cận Bình tập trung quyền hạn vào trong tay gần như Đặng Tiểu Bình ngày xưa và còn có dấu hiệu sùng bái cá nhân tương tự như Mao Trạch Đông khi cho học tập những lý luận có vẻ kinh điển của mình. Nhưng bên dưới hệ thống quyền lực đó thì vẫn có một khoảng trống của việc thi hành. Khi nói đến việc xây dựng chế độ gọi là "pháp trị", có lẽ Bắc Kinh lại trở về nếp văn hóa chính trị truyền thống, là đề cao Khổng Tử và tổ chức bộ máy cai trị lý tưởng theo kiểu Khổng Nho nhưng với nội dung bên trong là thủ thuật có tính chất bá đạo theo lối Pháp gia.

Vũ Hoàng: Ông có thể giải thích thêm chuyện này cho thính giả của chúng ta không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bên cạnh Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay, người Việt mình đều hiểu tinh thần cai trị gọi là "trong bá ngoài vương" của lãnh đạo Trung Quốc. Mặt ngoài thì người ta dựng lên cái vỏ vương đạo là cai trị bằng lý tưởng nhân đức do Khổng Tử đề cao. Mặt trong thì thực chất vẫn là bá đạo theo nghĩa xấu, dùng quyền lực và mưu lược để ép buộc mọi người cùng đi về một hướng do Thiên tử hay triều đình đề ra ở trên. Hiện tượng này khởi sự từ đời Hán, tức là cách nay 2220 năm và được các đời sau tiếp tục. Ngày nay, qua thế kỷ 21, đảng Cộng sản Trung Quốc lại trở về bài toán muôn thuở và áp dụng kỹ thuật cũ. Ta có thế thấy ra điều ấy khi Tập Cận Bình thường hay trích lời Khổng Tử trong các bài diễn văn của mình.

Vũ Hoàng: Nếu như vậy thì liệu họ có hy vọng thành công hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là mọi chế độ chính trị chỉ có thể tồn tại nếu kịp ứng phó với những đổi thay kinh tế và xã hội.

- Sau khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền một cách tuyệt đối từ năm 1949, thì quyền lực và mưu lược đó giúp ông ta cải tạo xã hội theo dự phóng đầy tính chất hoang tưởng khiến Trung Quốc bị khủng hoảng nặng sau hơn trăm năm lụn bại. Đặng Tiểu Bình thật sự là người làm cách mạng khi chuyển hướng kinh tế theo xu hướng trị trường và cải tổ xã hội để trong 30 năm Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc kinh tế.

- Nhưng khi kinh tế và xã hội đổi thay với hơn phân nửa dân số sống tại thành thị với lợi tức và những mơ ước cao hơn thì hệ thống chính trị phải thay đổi nếu không nó sẽ bất lực ở trên thượng tầng. Bên dưới sẽ là sự xoay trở ứng phó của xã hội, của người dân và các đảng bộ địa phương. Từ 2007, lãnh đạo đảng đã thấy ra chuyện này mà xoay trở không nổi. Bây giờ thế hệ lãnh đạo mới sẽ phải thâu tóm lại quyền lực và vẽ ra cái hướng mới cho người dân cùng theo và thật ra cái hướng mới đó chỉ là nếp văn hóa cũ chứ không hẳn là hệ thống dân chủ của phương Tây.

Vũ Hoàng: Như vậy, phải chăng là lãnh đạo Bắc Kinh muốn vuốt ve tự ái dân tộc với giải pháp có màu sắc truyền thống của Trung Hoa để giải quyết những vấn đề mới có tính chất toàn cầu vào thế kỷ 21?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ Trung Quốc đang đứng trước một cuộc cách mạng văn hóa vì phải xây dựng một hệ thống chính trị khác khi mà kinh tế, xã hội và cả thế giới đang thay đổi. Với khẩu hiệu "dĩ pháp trị quốc", lãnh đạo xứ này muốn lập ra hệ thống pháp luật áp dụng cho mọi người mà vẫn không thể giới hạn quyền lực của đảng. Họ rơi vào cuộc tranh luận là giữa đảng quyền và pháp quyền nhà nước, cái nào mới quan trọng? Giải pháp ở đây là củng cố đảng quyền dưới cái vẻ xây dựng pháp quyền nhà nước và quả là ve vuốt tự ái dân tộc với tư tưởng của Khổng Tử chứ không với lý luận về dân chủ hay dân quyền như các nước Tây phương.

- Xuyên qua đó, tôi cho rằng Trung Quốc còn gặp một bài toán lớn lao hơn nữa. Đó là diễn giải lại chủ nghĩa quốc gia dân tộc để biện minh cho quyền lực tuyệt đối của đảng và cũng vì vậy mà vụ khủng hoảng hiện nay tại Hồng Kông mới là một vấn đề nhức nhối.

Vũ Hoàng: Ông cho rằng chuyện Hồng Kông và Hội nghị kỳ bốn này có liên hệ với nhau?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nhớ lại thì Hông Kông là nơi đã có nền tảng pháp trị với hệ thống luật lệ tinh vi để điều tiết mọi sinh hoạt tự do của một xã hội mở. Bắc Kinh muốn trùm lên đó bức màn cai trị của đảng và bị giới trẻ biểu tình phản đối. Thậm chí nhiều người còn chối từ là công dân Trung Quốc mà chỉ muốn là người dân Hồng Kông. Bên kia eo biển Đài Loan cũng vậy, người dân rất kính trọng Khổng Tử nhưng lại thiết tha bảo vệ nền dân chủ do họ xây dựng từ hơn 20 năm trước.

- Bây giờ Hội nghị kỳ bốn nói đến chuyện pháp trị để giải quyết việc nước, và sẽ còn cho học tập tư tưởng của Khổng Tử để tìm mẫu số chung lớn nhất trong lòng dân. Nhưng chưa chắc là người dân Hoa lục đã ưa thích chuyện viển vông này, còn người dân Hông Kông hay Đài Loan thì nghi ngờ trò lừa phỉnh đó. Kết luận của tôi là chủ nghĩa quốc gia dân tộc Trung Quốc đang gặp bế tắc.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, bế tắc đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hãy nghĩ đến người Việt mình. Chủ nghĩa dân tộc của nước ta được xây dựng từ Việt tộc và tiến đến khái niệm quốc gia cho nên qua nhiều đời, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Hoàng Việt hay Việt Nam, v.v.... Trung Quốc lại khác, từ mấy ngàn năm nay, nền văn minh Hoa Hạ bị nhiều triều đại vua cai trị, và người dân tự xưng là thần dân của các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Khái niệm quốc gia hay dân tộc bị thâu nhiếp vào các đời vua, dù là Hoàng đế của dị tộc như Mông, Mãn, Liêu, Kim. Ta nên thấy ra sự khác biệt ấy với các nước Tây phương và nhất là sức mạnh của quốc gia Việt Nam.

- Bây giờ, với sức mạnh kinh tế và quân sự mới, lãnh đạo Bắc Kinh muốn phát huy chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc của họ mà chẳng biết nhồi nhét vào trong một cái nội dung nào thuộc về bản sắc, thí dụ như của Hán tộc chẳng hạn, ngoại trừ tư tưởng Khổng Tử. Đấy là một vấn đề thuộc về văn hóa.

- Vấn đề kia lại còn nan giải hơn, đó là làm sao củng cố vai trò của đảng trong cái chủ nghĩa quốc gia mới và với pháp quyền của nhà nước? Tôi e rằng chính đảng quyền sẽ đi ngược với chủ nghĩa quốc gia và phá vỡ pháp quyền nhà nước, tức là gây ra loạn to!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích rất rắc rối này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét