Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Người Việt Ngày150608
"Hoa Kỳ Nhìn Từ
Bên Ngoài"
Nền
Dân Chủ Của Hoa Kỳ Có Vấn Đề
* Hoa Kỳ vừa đổi quốc kỳ? *
Trong năm tới,
Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống và cuộc tranh cử khởi sự rất sớm trong cả hai đảng
chính là Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bên đảng Dân
Chủ, cựu Ngoại trưởng Hillay Clinton là ngôi sao sáng nhất mà lu mờ dần vì những
tai tiếng về chuyện hối mại quyền thế. Nôm na là để tiền bạc chi phối quyết định
chính trị khi Hillary cầm đầu ngành ngoại giao của quốc gia. Chúng ta sẽ có dịp
theo dõi xem truyền thông xử lý chuyện này ra sao, có ráo riết và triệt để như với
một ứng cử viên Cộng Hòa hay chăng? Cũng bên đảng Dân Chủ, chi tiết đáng chú ý
lần này là trường hợp Nghị sĩ Bernie Sanders, một ứng cử viên công khai xác nhận
chủ trương xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, là danh hiệu trước đây ai cũng tránh vì
gây liên tưởng đến chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, nước Mỹ có vẻ chấp nhận tinh thần
ấy vì ngoài ông Sanders, Nghị sĩ Elizabeth Warren cũng trình bày nhiều lý luận
cực tả tưởng như đã trở thành lỗi thời từ nửa thế kỷ về trước.
Một cuộc thăm
dò dân ý gần đây của tờ Wall Street Journal tiến hành cùng hệ thống truyền hình
NBC có thể giải thích xu hướng thiên về cánh tả của xã hội Hoa Kỳ.
Qua ba cuộc khảo
sát ý kiến của người ghi danh bầu cử, số người tự xưng là thiên tả có tăng từ
23% lên 26% so với năm ngoái. Dù không nhiều vì chỉ ở khoảng một phần tư thì
cũng đáng lưu ý. Trong khi đó, số người xưng danh bảo thủ thì giảm từ 37% xuống
33%.
Nhiều nhà
nghiên cứu chỉ ra sự chuyển dịch qua cánh tả xuất phát từ năm thành phần sau
đây. Trước hết là phụ nữ, mạnh nhất trong lứa tuổi 18-49, kế đó thành phần
thanh niên ở lớp tuổi 18-34, rồi tới thành phần thiểu số Latino và đặc biệt là
trong thành phần có học của xã hội, tại các tiểu bang miền Tây và các thành phố.
Ngoại trừ giới Latino, sự chuyển dịch quan điểm qua cánh tả chủ yếu xuất hiện từ
những người sẽ có ảnh hưởng đến tương lai vì trẻ tuổi và có học.
Đây là tin mừng
cho đảng Dân Chủ, mà là bài toán cho đảng Cộng Hòa.
Bên Cộng Hòa, các
chuẩn ứng cử viên theo nhau xuất hiện tới hơn một tá, và có thói quen tự sát
cao độ: ráo riết đả kích nhau về nhiều chuyện phụ mà chưa đề nghị chương trình
hành động gì cụ thể cho nước Mỹ trong tương lai. Có lẽ chúng ta phải đợi tới
sang năm sau khi vòng sơ bộ loại bớt một số ứng viên chỉ đáng ngồi chầu rìa.
Từ nay đến đó
người ta có thể nhìn ra nhiều nhược điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ.
*
Trước hết, ngược
với quan điểm của nhiều người ở xa, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền hành động
trong lãnh vực nội chính. Lãnh đạo Hành pháp bị Tối cao Pháp viện chi phối và phải
chia quyền với lưỡng viện Quốc hội cùng Thống đốc các tiểu bang.
Lãnh vực tương
đối thoải mái cho tổng thống là đối ngoại, tương đối thôi, như ta có thể thấy nỗi
gian lao của Tổng thống Barack Oabama khi vận động Quốc hội biểu duyết dự luật
TPA về thủ tục thương thuyết các hiệp ước ngoại thương như TPP hay T-TIP. Trước
những sáng kiến dồn dập của Trung Quốc và mối nguy gia tăng ngoài Đông hải, những
cản trở của Quốc hội Mỹ về Hiệp ước Xuyên Thái Bình dương TPP là một món quà
cho Bắc Kinh.
Nhìn từ bên
ngoài, ta sẽ có dịp kiểm chứng chuyện này qua kỳ họp vào cuối Tháng Sáu giữa
Ngoại trưởng John Kerry và Tổng trưởng Ngân khố Jack Lew với hai người tương
nhiệm của Bắc Kinh là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng
Uông Dương, rồi qua Thượng đỉnh vào Tháng Chín tới đây giữa Tổng thống Obama với
Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhưng năm tới,
Hoa Kỳ cũng có bầu cử Quốc hội và đây là điều còn đáng chú ý hơn vì 1) Lập pháp
có nhiều quyền hạn về nội chính hơn Hành pháp, 2) vì sự chuyển dịch tư tưởng
qua cánh tả và 3) nhất là vì ưu tiên của các ứng viên tranh cử chức Dân biểu và
Nghị sĩ là được tái đắc cử.
Vì cần tái đắc
cử, các dân biểu nghị sĩ ít khi hướng dẫn công luận về những điều hệ trọng cho
nước Mỹ trong trường kỳ mà chỉ bọc xuôi theo dư luận tại địa phương để tìm
thành tích ngắn hạn. Tình trạng này kéo dài quá lâu đã biến các chính khách Mỹ
thành người bán thân mua phiếu.
Trước hết, họ
mua phiếu và thanh toán bằng công quỹ nên ngân sách liên bang bị bội chi ngày một
nhiều, số người lãnh an sinh xã hội ngày một cao và hiện tượng bao cấp làm suy
giảm sức mạnh kinh tế. Khi dư luận chuyển sang cánh tả và khoảng cách giàu
nghèo gia tăng thì xã hội Mỹ càng trôi vào nạn bao cấp, với nhà nước đảm nhiệm
vai trò vú em bằng tiền thuế của người khác.
Hậu quả thứ
hai của nạn bán thân mua phiếu là nền dân chủ làm các chính khách chỉ lo chuyện
ngắn hạn, khó có viễn kiến trường kỳ và càng không dám lấy quyết định khắc khổ
là hy sinh trong ngắn hạn để có sự thịnh
vượng trong lâu dài. Các ứng cử viên đều xin phiếu bằng cách chứng minh cho cử
tri những gì cử tri “được” ngay trước mắt và khỏi nhắc đến cái “mất” trong dài
hạn cho cử tri hay cho thành phần khác.
Hậu quả thứ ba
là gây phân hóa trong xã hội do tinh thần tranh giành quyền lợi. Dựa trên lý luận
nhuốm mùi đấu tranh giai cấp hoặc theo khẩu hiệu “lấy của người giàu cho người
nghèo”, các chính khách tạo ra phản ứng tâm lý trong đa số quần chúng là “lấy
cho bõ ghét”. Phản ứng này khiến nhiều người cho rằng việc được hưởng phúc lợi
xã hội là điều khôn ngoan và chính đáng, hơn là tự cố gắng cho tương lai. Thay
vì nghĩ đến việc sản xuất ra một cái bánh to hơn, người ta giành nhau phần hơn
của một cái bánh ngày càng nhỏ đi.
Bất ngờ hơn cả
là nạn bán thân mua phiếu lại gây tác dụng ngược là làm đa số bị thiệt hại. Khi
tranh thủ lá phiếu của một thành phần cử tri của mình tại địa phương, các dân
biểu nghị sĩ thường lấy tài nguyên ngân
sách để tái phân lợi tức mà bất kể tới hậu quả cho các thành phần khác. Cho dù
các thành phần kia có thấy là bị thiệt hại thì kết quả cũng không nhiều, gần
như không đáng để ráo riết phản đối. Nhưng hậu quả tích lũy thật ra lại trầm trọng
hơn vậy. Một thí dụ là đạo luật về nông sản, Farm Bill, đem lại lợi ích cho thiểu
số nông gia nhưng cái giá phải trả thì tỏa rộng cho đa số còn lại, trong đó
cũng có dân nghèo.
Nhân loại đã bị
hai tai họa trong thế kỷ 20 là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, cả hai
đều xuất phát từ xã hội chủ nghĩa và dẫn tới ách độc tài. Khi chủ nghĩa cộng sản
phá sản cùng sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991, người ta lạc quan kết
luận là kinh tế thị trường và chính trị dân chủ đã thắng thế, và gọi đó là “sự cáo
chung của lịch sử”. Nào ngờ là một thế hệ sau, tư tưởng xã hội chủ nghĩa lại
tái xuất hiện và đang trở thành thời thượng, ăn khách.
Hiện tượng “bán
thân mua phiếu” trên chính trường sẽ dẫn Hoa Kỳ tới con dốc nguy hiểm của Âu
Châu trong thế kỷ trước.
_______
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaHệ thống bầu cử Tổng thống ở Mỹ theo hình thức gián tiếp nên vai trò của các Đại cử tri là rất lớn trong việc chọn ai làm Tổng thống Mỹ. Như tính hình chính trị của Mỹ trong giai đoạn hiện nay thì phe Cộng Hòa nắm trọn Quốc hội Mỹ nên có số lượng Đại cử tri áp đảo phe Dân chủ ( 52 phiếu tại Thượng viện và 244 phiếu ở Hạ viện ) . Như vậy thì ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa dễ dàng gom đủ 271 phiếu Đại cử tri và sẽ lên làm Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2016. Thưa bác, cháu hiểu như vậy có đúng không ạ ?
Bác có thể chỉ cho cháu thêm là trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì trong bối cảnh chính trị như giai đoạn hiện nay ( một Đảng nắm trọn Quốc hôi ) thì kết quả bầu cử Tổng thống, phần thắng thường nằm trong tay Đảng chiếm đa số ở Quốc hội hay là đảng có thiểu số ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Hình như Thành đã một lần hỏi về bầu cử tổng thống Mỹ,
Trả lờiXóaCử tri Mỹ trực tiếp bầu tổng thống của họ chứ không phải bầu cho một ông đại cử tri bầu thay cho họ.
Cách kiểm kê phiếu bầu:
Kiểm phiếu mỗi tiểu bang, ứng cử viên thắng số phiếu cử tri (người ta hay dịch thành phiếu phổ thông) sẽ được tính UCV ấy có số điểm tương đương với số dân biểu của tiểu bang đó.
Tổng hợp, ai có nhiều điểm hơn thì người đó thắng cử.
Số điểm này có thể không tương ứng với tổng số phiếu cử tri.
Những người lập quốc xem đây là cách kiểm phiếu công bằng. Nhiều người vô duyên hay bình luận rằng, cách bầu của Mỹ không công bằng. Dân Mỹ không thắc mắc thì thôi, bận gì tới người ngoài.
Còn số lượng dân biểu, nghị sĩ trong quốc hội cũng do bầu cử mà ra, mỗi 2 năm bầu 1/3 số ghế.
Chú Lý ! Đúng là cháu từng hỏi một câu về việc bầu cử Tổng thống Mỹ là trực tiếp hay gián tiếp. Sau khi nghiên cứu kỹ thì cháu thấy bầu cử Tổng thống Mỹ theo hình thức gián tiếp chứ không phải trực tiếp như chú đang nghĩ.
XóaChú nhìn vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 sẽ thấy cử tri Mỹ không quyết định ai là Tổng thống mà nằm ở các Đại cử tri ( Cháu nhớ năm đó ông Al gore giành được 266 phiếu Đại cử tri và ông Bush giành được 271 )
Hay là cuộc bầu cử năm 1876 thì ứng cử viên đảng Dân chủ Samuel Tiden hơn ứng cử viên đảng Cộng hòa Rutherford Hayes về số phiếu bầu phổ thông nhưng kém 1 phiếu Đại cử tri nên bị thất bại và ông Hayes trở thành Tổng thống Mỹ
Một ví dụ khác về cuộc bầu cử năm 1888 cũng chưng minh cho việc người nắm nhiều hơn số lượng phiếu phổ thông nhưng vẫn thất bại vì có lượng phiếu Đại cử tri thấp hơn
Thành ơi,
XóaNên đọc kỹ phần trả lời của cụ Lý. Trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, không nhất thiết là vì đảng Cộng Hòa đang có 244 dân biểu và 54 nghị sĩ mà sẽ đạt được số phiếu cử tri đoàn là 244+54 = 298 phiếu. Có thể là sau tám năm Hành pháp Dân Chủ, cử tri Mỹ sẽ đổi ý và bầu cho liên danh Cộng Hòa, nhưng chẳng có gì là chắc chắn vì còn tùy vào thông điệp và khả năng tranh cử của hai liên danh được hai đảng đưa ra.
Còn bài này thì chú trọng đến bầu cử Quốc hội hơn là bầu cử Tổng thống.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu có điều rất khó hiểu mong bác có thể giải thích giúp, nếu bác cảm thấy đấy là vấn đề nhạy cảm khó trả lời thì cũng mong bác bỏ qua.
Cháu thấy rất nhiều báo chí thường nói đến giới tài phiệt Do Thái khuynh đảo nền kinh tế Mỹ và châu âu, thậm chí mới đây báo online vietpressusa còn nói đến hội nghị "siêu quyền lực".
Nhiều hạng báo "lá cải" hay tuyên truyền từ các nhóm quân đội, tuyên truyền viên của Trung Quốc, Nga, thậm chí phe hồi giáo cực đoan lập đi lập lại chuyện đó. Cháu không tin lắm nhưng cũng chưa bác bỏ được điều đó? Vậy bác có thể giải thích thực sự FED là cái gì? Bị chi phối bởi ai, có đúng như giới tài phiệt làm chủ hay không?
Điều nữa cháu thấy khó hiểu là, như các phân tích của bác, cháu hiểu là phía Cộng Hòa chủ trương phát triển kinh tế, giảm thuế tức là ưu tiên cho tầng lớp có tiền từ trung lưu trở lên làm ăn dễ dàng hơn thì tại sao tầng lớp siêu giàu có vẻ như họ lại ủng hộ tiền cho đảng Dân Chủ như đám Hollywood, tài phiệt như Soros, Buffett, Bill Gates hay tập đoàn công nghệ Microsoft hoặc Google? Họ thích một môi trường khó làm ăn kinh doanh hơn chăng? Hay họ có gian ý gì?
Vậy thực sự chính sách của đảng Dân Chủ vừa có lợi cho đám siêu giàu lại vừa vuốt đuôi mị dân người nghèo bằng các chính sách nghe có vẻ xuôi tai nhưng thực sự khi thực hiện lại tác động theo chiều hướng ngược lại chứ không thực sự hướng một cách công tâm đến sự công bằng lợi ích xã hội như họ rêu rao?
Điều cuối cùng, tại sao phe Cộng Hòa có thành tâm mà lại dở hơn phe dân chủ trong chuyện tuyên truyền đến thế? Chẳng lẽ họ không nhìn ra chuyện giảng giải cho người khác hiểu vấn đề ở đâu rất quan trọng hay sao? Họ chỉ có kênh "21th century fox" tương đối có tiếng nói cho phía Cộng Hòa, còn các hãng siêu truyền thông còn lại đều có vẻ thân phe Dân Chủ.
Cháu cảm ơn bác!
Trên diễn đàn này, đã có nhiều bài về thiểu số Do Thái. Nếu là "siêu quyền lực" thì họ đã dẫn nước Mỹ vào chính sách có lợi cho họ hơn là cho nước Mỹ, hoặc có lợi cho quốc gia Israel hơn quốc gia Do Thái. Sự thật nó không đơn giản như vậy. Cũng vậy, sự thật là đa số dân Mỹ gốc Do Thái thường bỏ phiếu bên Dân Chủ hơn là cho phe diều hâu Cộng Hòa.
XóaThuyết "âm mưu" cứ hay nói đến giả thuyết đơn giản là Do Thái quyết định tất cả và các nước đối nghịch với Hoa Kỳ (cộng sản hay độc tài là thí dụ) thường khai thác huyền thoại ấy và dư luận ở xa lại hay tin vào đó.
Còn FED là gì, có lẽ phải cần một bài khác vì có nhiều yếu tố chuyên môn.
Phe Cộng Hòa có lý tưởng, nhưng cố chấp và tầm nhìn cục bộ nên không gian manh biến báo bằng phe Dân Chủ, là một đảng được giới báo chí, nghệ sĩ, có học, và có tiền ủng hộ.
Hệ thống Fox có truyền hình Fox News, báo WSJournal thì thiên về cánh hữu, vẫn ăn khách hơn từng kênh truyền thông kia (ABC, CBS, NBC, MCNBC và CNN, hay các nhật báo lớn) nhưng quả là vẫn thiếu số. Tuy nhiên, đa số các đài phát thanh và tờ báo nhỏ tại địa phương (Anh ngữ) cũng có xu hướng bảo thủ hơn các hệ thống toàn quốc. Nói chung, tương quan thiên tả và bảo thủ thường ở quãng 40-40, còn lại là trung dung, ôn hòa. Trào lưu mới là giới trẻ thiên dần về cánh tả do hệ thống giáo dục khá thiên lệch ở cấp trung tiểu học, với sự góp phần của các nghiệp đoàn giáo chức.
Chuyện nước Mỹ rắc rối hơn người ta thường nghĩ.